Thứ Năm, 12/05/2016 08:17
|
(CATP) Cơn hạn
hán kéo dài suốt nhiều tháng qua chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt, cũng là
khoảng thời gian nước mặn xâm nhập rất sâu vào đồng bằng sông Cửu Long. Miền
Tây oằn mình chịu thiên tai.
Hồi đầu tháng tư
có được 1,2 cơn mưa cục bộ, lượng mưa không đáng kể làm báo chí ào lên “miền
Tây có mưa”. Nhưng tiếp đó là đại họa cá chết ven biển các tỉnh miền Trung...
Truyền thông lại tập trung vào vấn nạn về ô nhiễm môi trường và nguyên nhân cá
chết.
Cả tháng tư rồi
qua tháng năm, miền Tây vẫn đang chịu đựng thiên tai như những gọng kềm: từ
trên trời nắng xuống, từ dưới đất phèn lên, từ thượng nguồn Mêkông nước không
về và từ biển nước mặn lấn vào sâu! Đất khô nứt nẻ không thể trồng trọt, đầm
tôm mặn quá giới hạn làm chết tôm và các loại thủy sản, rừng lúc nào cũng trong
nguy cơ hỏa hoạn cao, kênh rạch cũng cạn kiệt, người không đủ nước sinh hoạt...
Miền Tây đã nghèo lại càng nghèo, nay dấy lên làn sóng người bỏ quê đi tìm kế
sinh nhai.
Từ hàng chục năm
nay, miền Tây không chỉ là vựa lúa cung cấp lượng lúa gạo xuất khẩu lớn nhất
nước ta, mà còn là một trong những nơi cung cấp nguồn nhân lực cho miền Đông
Nam bộ - vùng có tốc độ công nghiệp hóa - đô thị hóa cao nhất nước. Sự dịch
chuyển nguồn lao động từ vùng nông thôn, nông nghiệp sang địa bàn đô thị, công
nghiệp là một hiện tượng bình thường trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại
hóa.
Nhưng chỉ là bình
thường khi nó phản ánh đúng quy luật: cùng với sự hình thành và phát triển các
khu công nghiệp, khu chế xuất thì vùng nông nghiệp phải được cơ giới hóa phát
triển kỹ thuật thủy lợi, giống cây trồng, kỹ thuật nông nghiệp và những ngành
công nghiệp phụ trợ như chế biến nông sản... Khi nông nghiệp được “công nghiệp
hóa” thì nông thôn và vùng công nghiệp - đô thị hóa không có sự chênh lệch quá
xa về mức sống, về chất lượng sống, người dân có trình độ văn hóa được nâng cao
mới là nguồn nhân lực “bền vững” để bổ sung cho các khu công nghiệp, lúc đó di
cư lao động trở thành một tiêu chí phản ánh sự phát triển của kinh tế - xã hội
cả ở nông thôn và đô thị.
Tuy nhiên, sự
dịch chuyển nhân lực ở miền Tây Nam bộ không nằm trong quy luật này, mà chủ yếu
do tác động của các nguyên nhân kinh tế - xã hội. Đồng bằng sông Cửu Long là
vùng chuyên canh lúa và xuất khẩu lúa gạo, tôm lớn nhất, nhưng từ mấy chục năm
nay luôn là vùng trũng về giáo dục và văn hóa - xã hội. Mức sống bình quân
thấp, trình độ học vấn cũng thấp, nhiều bất ổn trong môi trường văn hóa - xã
hội... Sự đầu tư trở lại của nhà nước về cơ sở hạ tầng cầu đường, đầu tư giáo
dục, y tế, văn hóa... cho toàn vùng chưa tương xứng với những gì nơi đây đã
đóng góp cho cả nước. Vùng sâu vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của “mùa nước nổi”
luôn nghèo đói quanh năm. Người dân miền Tây vốn năng động và rất chịu khó
trong làm ăn, khi bỏ quê ra đi là họ đang phải “tự cứu mình” khi không còn cách
nào khác.
Từ nhiều năm nay
tồn tại thực trạng là nhiều nơi nông dân bị mất đất, hay còn đất nhưng không đủ
nguồn lực kinh tế và kiến thức để làm nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí
hậu hoặc thay đổi phương thức canh tác mới... cũng là nguyên nhân làm cho nông
dân miền Tây phải ly hương. Sự dịch chuyển lao động của nguồn nhân lực chất
lượng thấp và tâm lý lối sống không “an cư” đến đô thị và các khu công nghiệp,
sẽ tác động làm cho chất lượng sống những khu vực này không ổn định. Bất ổn từ
nông thôn - nông nghiệp là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến sự bất ổn ở đô thị và các
khu công nghiệp. Thiên tai hạn mặn năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long là tiếng
chuông một lần nữa cảnh báo về nguy cơ này!
Nhìn lại lịch sử
khai thác đồng bằng sông Cửu Long từ khi lưu dân người Việt vào khẩn hoang lập
ấp, đến thời kỳ triều Nguyễn đẩy mạnh di dân, thời Pháp thuộc lập đồn điền tích
tụ ruộng đất... Chúng ta đều thấy một đặc điểm là toàn vùng chưa bao giờ chỉ
độc canh cây lúa, dù trồng lúa là kinh tế chính. Dân cư chọn phương thức sống
thích ứng với những “tiểu vùng” sinh thái ở đây: miệt ruộng (tứ giác Long
Xuyên), miệt bưng biền (Đồng Tháp Mười), miệt U Minh (rừng ngập mặn, Cà Mau) và
miệt vườn (hạ lưu sông Tiền). Nam bộ có hai mùa mưa nắng, lượng nước ngọt cho
trồng trọt và sinh hoạt chủ yếu từ nước mưa và từ sông Cửu Long. Trước đây, khi
diện tích trồng lúa có hạn thì lượng nước ngọt đủ cung cấp cho những cánh đồng
trồng lúa, phần khác cho miệt vườn cây ăn trái. Nay dân số và diện tích trồng
lúa đều tăng nhiều lần, mùa vụ cũng tăng trong điều kiện nguồn nước đang cạn
kiệt, nước mặn xâm lấn, vì vậy phương thức trồng trọt “độc canh cây lúa” và chỉ
nhằm mục đích tăng sản lượng để xuất khẩu cần phải xem xét lại.
Thích ứng với tự
nhiên và chuyển đổi hướng canh tác như việc vùng bưng biền hay miệt rừng thì
bảo vệ và tăng cường nguồn lực tự nhiên, kết hợp nuôi trồng thủy hải sản dựa
vào nước lợ, nước mặn hay trồng loại cây thích hợp đất phèn... cùng với công
nghiệp chế biến để tránh tình trạng phụ thuộc vào việc bán nguyên liệu, sản
phẩm thô, đảm bảo quá trình sản xuất khép kín để xuất khẩu thành phẩm cuối
cùng. Việc chuyển đổi này cùng sự hình thành hệ thống nhà máy chế biến nông sản
chính là “công nghiệp hóa” phù hợp với đặc điểm của một vùng nông nghiệp truyền
thống, trong điều kiện tự nhiên và xã hội đã có sự thay đổi lớn. Nếu chỉ coi
đồng bằng sông Cửu Long là vùng để khai thác như hàng trăm năm nay mà không đầu
tư trở lại một cách xứng đáng thì nguồn lực nào rồi cũng cạn kiệt, cả tài
nguyên lẫn sức lao động và sức chịu đựng của con người.
Ngoài ra cũng cần
lưu ý đến yếu tố biển của miền Tây Nam bộ. Kinh tế biển bao gồm đánh bắt thủy
hải sản và thương nghiệp đường biển cũng là một trong những truyền thống lịch
sử - văn hóa của vùng này.
Sài Gòn 11-5-2016
T.S Nguyễn Thị Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét