Ở NHÀ MÙA ĐẠI DỊCH




Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu

Đại dịch Covid-19 kéo dài đã hơn 3 tháng, những ngày gần đây việc phòng chống dịch bước vào giai đoạn quyết định nên quy định không tụ tập động người, hạn chế đi lại ngoài đường được chính quyền và người dân thực hiện gắt gao hơn. Nhiều người tiếp nhận tình trạng “ở nhà là yêu nước” một cách chủ động và tích cực trong mùa dịch bệnh nguy hiểm.

Từ sau tết đến nay hầu hết mọi người đã quen với sự thay đổi sinh hoạt: con cái nghỉ học mà cha mẹ đi làm nên không yên tâm, nay làm việc ở nhà dù sao cũng đỡ lo lắng không ai trông nom con cái và bảo ban chuyện học hành. Tuy vậy nhiều người không dễ thích nghi ngay với “môi trường làm việc” khác với nề nếp đi làm bao nhiêu năm.

Mỗi ngày ta đã quen đến công sở, có khi thứ bảy vẫn phải đi làm vì cần thiết. Những ngày ấy trong đầu ta luôn có dự định cho ngày nghỉ: không phải dậy sớm lo cơm nước đưa con đến trường, vợ chồng con cái thong thả ra quán ăn sáng cà phê, có khi đi chợ để nấu món ngon “ăn tươi” một bữa, dọn dẹp nhà cửa giặt ủi quần áo, rảnh rỗi có thể đọc cuốn sách, xem bộ phim hay về thăm bên nội bên ngoại, đến chơi nhà bạn bè... Coi vậy mà hai ngày cuối tuần qua nhanh lắm, chưa kịp nghỉ ngơi thì đã “thứ hai là ngày đầu tuần”, mỗi sáng ta lại lao ra đường chịu cảnh khói bụi kẹt xe chiều về mệt mỏi sau một ngày làm việc...Và lại mong ngóng đến cuối tuần để được ở nhà.

Thì bây giờ ta được ở nhà suốt tuần đấy. Nhưng cứ “quẩn quanh trong tổ” với những việc không tên thì phụ nữ cũng còn khó chịu nữa là đàn ông. Vì vậy hãy coi đây là cơ hội hiếm hoi để gần gũi gia đình con cái nhiều hơn. Chắc hẳn ta sẽ nhận ra vài điều “bất cập”: trẻ không tự chăm sóc bản thân vì mỗi ngày ta đều làm hộ trẻ cho nhanh cho kịp giờ đi học đi làm? Chồng con không biết phụ giúp dọn dẹp nhà cửa vì nhà có người giúp việc, vì coi đó là việc của mẹ? Trẻ luôn trốn trong phòng với máy tính, TV vì cha mẹ cũng luôn ôm điện thoại trên tay? Bạn nghĩ đi, một ngày đi làm về chúng ta nói gì với người thân yêu? Đây là cơ hội dành thời gian cho con, cho vợ/chồng nhiều hơn, cùng làm mọi việc và cùng trò chuyện để ngôi nhà của mình thực sự trở thành “tổ ấm”.

Bạn trẻ chưa có gia đình thì làm việc ở nhà sẽ “khó khăn” hơn do thói quen gặp gỡ và giao tiếp ngoài xã hội, vì vậy thời gian ở nhà như dài hơn. Không sao, lâu lâu người ta cũng cần “một mình” để ngẫm nghĩ về những điều đã qua và sắp tới. Và, yêu thương gia đình, yêu thương bản thân thì bao nhiêu thời gian cho đủ, phải không?

Tôi nghỉ hưu vài năm nên có kinh nghiệm “làm việc ở nhà”: hãy thoải mái nghỉ ngơi nhưng đừng lười biếng, mỗi ngày vẫn “nối mạng” để vận động trí não, để biết xã hội và thế giới ngoài kia đang diễn biến thế nào. Ngoài việc nhà thì nên có vài công việc làm thêm cho vui, để thấy mình còn có ích và không làm phiền con cháu.

Trong tiểu thuyết “Quy luật của muôn đời” - tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nga Nodar Dumbatze - có một câu rất đúng “Con người cần ốm nặng ít nhất là một lần trong đời. Như vậy người đó sẽ có dịp phân tích và đánh giá lại một cách tỉnh táo và bình tĩnh toàn bộ quãng đời đã qua”... Có thể nói cơn đại dịch Covid-19 đang làm cho cả thế giới ốm nặng, qua đó chắc chắn con người phải nhìn lại những gì đã làm với thế giới này, để có thể thay đổi trong tương lai.

Với mỗi người đây là cơ hội suy tưởng, hồi ức, trò chuyện, nhận thức lại quá khứ để hiểu chính mình hơn.  

Báo Thanh niện 29.3.2020


Không có mô tả ảnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...