Woman in gold: ký ức là một di sản


 Woman in gold (đạo diễn Simon Curtis)  ra mắt trong năm 2015. Phim kể về “hành trình” giành lại bức họa nổi tiếng Portrait of Adele Bloch-Bauer I của danh họa người Áo Gustav Klimt bị Đức quốc xã cướp đi trong Thế chiến thứ hai,  68 năm sau được trả lại cho một người phụ nữ Do Thái 87 tuổi sống ở Mỹ, sau cuộc chiến pháp lý dai dẳng và vô cùng khó khăn.

Bộ phim đan xen giữa hiện tại bình yên và quá khứ đầy biến động đau thương của gia đình bà Maria Altman (Helen Mirren đóng). Xuất thân trong một gia đình thương gia giàu có và sang trọng, bà có người dì ruột chính là nhân vật của bức tranh nổi tiếng đang được trưng bày tại bảo tàng nghệ thuật ở Vienna, Portrait of Adele Bloch-Bauer I được coi như “nàng Mona Lisa của nước Áo”, là “báu vật quốc gia”. Phát xít Đức chiếm Vienna và cướp đoạt tài sản – trong đó có những tài sản nghệ thuật – của những người Do Thái, làm nhục, bắt vào trại tập trung và giết chết hàng triệu người Do Thái. Bà Maria đã may mắn trốn thoát sang Mỹ, nhưng những người trong gia đình bà thì phải chịu số phận bi thảm.

Tình cờ biết nước Áo có ý định hoàn trả cho chủ nhân hoặc người thừa kế hợp pháp những tác phẩm nghệ thuật mà phát xít Đức đã cướp đoạt trong ciến tranh thế giới thứ 2, bà Maria đã nhờ Randy - một chàng luật sư trẻ cũng là người Mỹ gốc Áo – cùng tìm cách đòi lại bức chân dung nổi tiếng vì đây là kỷ vật của người dì yêu quý. Nếu như Randy lúc đầu tham gia việc này vì một tính toán khá thực dụng “bức tranh có giá lên đến hàng trăm triệu đô la” thì càng về sau anh càng quyết tâm dành chiến thắng vì hiểu rõ giá trị của báu vật này không chỉ là số tiền kia mà là nó là vật chứng nhắc nhớ những ký ức của một giai đoạn lịch sử đầy mất mát và đau thương của thế hệ cha ông.
Ngược lại, ngay từ đầu bà Maria đã không có ý định trở lại Vienna vì ở đó là quá khứ khủng khiếp của gia đình, bà cũng từ bỏ cuộc chiến đòi lại tài sản của mình khi gặp trở ngại quá lớn từ thế lực và pháp lý. Nhưng, với sự kiên trì của chàng luật sư, từ tình yêu và sự bảo tồn ký ức như một di sản của gia đình, quan trọng hơn là nhu cầu đòi hỏi sự thật của lịch sử, bà Maria cùng Randy đã dành được sự ủng hộ của công chúng và thuyết phục được sự phán quyết của Tòa án. Bức tranh đã thuộc về bà.

Công bằng mà nói, những người có trách nhiệm về văn hóa ở Vienna cố tìm mọi cách giữ bức tranh cũng chính vì giá trị di sản của nó, họ không muốn đất nước mất đi một báu vật. Nhưng, không có báu vật quốc gia nào có giá trị hơn sự thật! Như lời chàng luật sư nói trước tòa:
 “Nhiều năm trước ở đất nước này đã xảy ra nhiều sự việc khủng khiếp, con người bị làm nhục, bị áp bức, bị giết, thậm chí cả gia đình bị tàn sát và trấn lột tài sản, việc làm cùng những thứ quý giá. Trong số đó có gia đình Bloch-Bauer. Và lúc này đây, với tư cách một người Áo, là con người, tôi đề nghị quý vị nhận ra sai lầm và sửa sai, không chỉ cho Maria mà cả cho nước Áo”.

Cảnh cuối của bộ phim cũng là cảnh hiếm hoi bà Maria nở nụ cười thanh thản khi lần đầu tiên thăm lại ngôi nhà cũ với những kỷ niệm hiện về, nơi mà trước đây bà thậm chí không muốn nhớ đến!  
Chúng ta không thể thay đổi quá khứ nhưng có thể trả lại công bằng cho hiện tại. Sự công bằng của hiện tại là phương thức tốt nhất để những nạn nhân “hòa giải” với quá khứ. Bất cứ đất nước nào từng trải qua chiến tranh đều cần ghi nhớ và thực hiện điều đó.
Còn Việt Nam???

Sài Gòn 25.5.2017

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, ngoài trời

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, văn bản

Vụn vặt đời thường (145)

@ Ông nào về TP này cũng tuyên bố xây dựng nó thành thế này thế kia mà không hiểu rằng SG chỉ cần được là chính nó!
Khi di sản Sài Gòn bị phá đến tận cốt lõi thì chính trường tp có chuyện là tất nhiên!

@ Bớ ông cục trưởng cục nghệ thuật  biểu diễn lai tỉnh! Ông làm việc trong cơn mê lâu quá!

@ Để đất nước thay đổi mà không lặp lại tình trạng hiện nay thì: 1/ quan biết tự giải tán. 2/ dân biết tự giải thoát. Và 3/ cả hai không trông chờ "người khác" giải cứu.
Muốn vậy phải có 1/ Xã hội tri thức (không chỉ là trí thức) 2/Công dân tự trọng (khác “tự hào dân tộc”) và 3/ Biết lắng nghe và thấu hiểu (đừng lâu lâu mới nghe thường xuyên không hiểu).
(nghĩ vụn khi đọc cuốn sách quá hay và cần thiết)

@ Mọi thứ quan đều đổ lên đầu Dân, từ giải cứu các loại đến "trách nhiệm" đóng góp tất cả. 
Dân chỉ yêu cầu một việc: Quan hãy tự giải tán để thể hiện trách nhiệm với Dân!

@ Gặp một đàn anh trong cuộc họp, anh “ân cần” hỏi han: 
- Thế nào, "nhà khoa học" vẫn viết tào lao trên báo để kiếm tiền à? 
- Vâng, em viết tào lao trên báo kiếm tiền chứ không kiếm tiền bằng làm khoa học tào lao anh ạ.
Mình lễ phép thanh minh như thế.
Thế mà anh ấy lại có vẻ giận, chả hiểu sao :D

@ Vì sao ko cho mang những thứ như sầu riêng mà lại cho những người nồng nặc mùi rượu lên máy bay?!
Hai tiếng ngồi cạnh hai hũ hèm thật là khủng khiếp :(

@ 500 ae cho hỏi thăm đại ca bạch Hải đường đang ở nơi nao, để nhà em hỏi một ảnh một câu: chiến dịch vỉa hè (có ra quân ko thu quân mà chỉ thấy lui quân) tốn kém hết bao nhiêu tiền cúa nhà nước và người dân? Kết quả đạt được đến hôm nay cụ thể thế nào?

@ "Nhất trụ nhì tù tam khu tứ kết. 
Chừng quá bê bết nhất kết nhì khu tam tù tứ trụ"
(câu nói phổ biến trong cán bộ ở SG hồi sau 1975)

@ Thăng rồi còn chả ăn thua nữa là mới phóng! Bình tĩnh đi 500 anh em :D
(Nghe ở cà phê vỉa hè HN)

@ Cứ nghe chuyện giải cứu lợn lại tưởng như đang ở trong truyện của G.Orwell.
(Đúng ra là giải cứu cho người nuôi lợn và giải thoát cho lợn sang kiếp khác).

@ Ông@ Ông nào 

CHƯA BAO GIỜ THÔI LÀ THIẾU NỮ…


(Viết về tám Truyện trong cuốn sách VẪN CÒN NHỚ NHAU  của NGUYỄN THỊ HẬU- 2017)

Trong hàng vạn trang sách văn chương bay phấp phới ra khỏi nhà in mỗi ngày, thật khó cho những người muốn tìm ra những trang “có cái để đọc”, cũng như trường hợp những cuốn phim “có cái để xem”. Gần đây, do một sự tình cờ ấm áp, tôi đã có trên tay cuốn sách xinh xinh của Nguyễn Thị Hậu, có cái tên rất là gợi : Vẫn còn nhớ nhau

Cuốn sách dành 99 trang cho những hồi ức lấp loáng về cuộc sống gian khổ nhưng chưa bao giờ thôi được yêu thương của những em bé phải sơ tán xa nhà thời chống Mỹ ở miền Bắc. Vì có Hậu trong số những em bé có lúc chới với vì cô độc và sợ hãi ấy, cho nên mới có những dòng hồi ức quý báu cho tất cả mọi người hôm nay (kể cả những hồi ức “người lớn” sau-sơ tán). Nhà báo Phạm Thanh Hà đã chia sẻ những dòng thật gan ruột về hồi ức quá đẹp, nhờ tâm hồn “trong trẻo và thanh thản” của con người hôm qua còn là em bé gái trong cuộc đó. Vì vậy tôi hoàn toàn chia sẻ với Phạm Thanh Hà và xin không nói gì thêm.

Tôi đặc biệt tò mò xem tám cái truyện in tiếp ở 43 trang phần sau, vì thoáng nghĩ rằng, biết đâu, sẽ chẳng những có cái để đọc, mà còn có cái để hiểu hơn về một cây bút – nghe nói – viết về tình yêu rất lạ trong tản văn, tạp bút. Và bây giờ là một vệt truyện không có truyện, mỗi truyện đều mỏng tang vài trang giấy, nhưng phải nói thật là có những điều để khám phá.

Cách đây khoảng nửa năm, tôi đã dùng cách đọc Hai tốc độ để khám phá tập thơ của một người bạn cũ, và thấy khá là hiệu quả. Tốc độ thứ nhất là đọc thật nhanh, ào ạt, càn lướt, cốt để thấy cái toàn cảnh và cốt để chớp lấy cái thần thái chung của tác phẩm – không tìm ngay ra cái thần thái này thì khó mà đi xa hơn được, khi muốn tiếp tục phiêu lưu vào sâu các ngóc ngách của tâm hồn văn nhân. Còn tốc độ thứ hai, được sử dụng tiếp sau đó, là tốc độ cực chậm, chậm như là sống chậm ấy, rỉ rả, khề khà, để phối kiểm xem cái thần thái vừa bị tóm lấy kia có là thật không, hay chỉ là cái ảo giác của người phê bình. Nếu đó là ảo giác, thì cuộc đọc này tan vỡ, thất bại, chỉ còn biết… cuốn cờ mà chạy. Còn nếu nó đúng như cảm nhận Trời cho lúc ban đầu về cái thần thái chung đó, thì tiếp tục cuộc phiêu lưu cùng văn nhân , với tốc độ cực chậm, cho đến chữ cuối cùng. 

Bây giờ đây, tôi đem áp dụng cách đọc Hai tốc độ đó vào những truyện trong Vẫn còn nhớ nhau của Nguyễn Thị Hậu và thấy là cái method này đã không hại tôi, mà còn giúp tôi khám phá ra rằng Hậu đã làm được một việc mà ít văn nhân nào trước đây đã làm được. Không phải vì Hậu là một nhà văn quá giỏi, mà chỉ đơn giản vì Hậu đã viết trong một tâm thế quá chân thật về “vùng trời” của mình và “vùng trời” của những người đàn bà cùng trang lứa.

Viết tiểu thuyết diễm tình mà chỉ vẻn vẹn vài trang giấy thì làm gì …có cửa! Văn hào cũng chả ai dám làm. Nhưng Hậu làm nên chuyện đâu có phải do cô muốn chui vào lãnh địa của tiểu thuyết diễm tình? Cô cũng không đi vào vùng truyện ngôn tình của mấy cô văn nhân trẻ bên Tàu (viết “hay” đến nỗi mấy tay dịch sách người Việt lao vào dịch ngày đêm, có lúc quên cả chấm lẫn phẩy). Truyện của Hậu không có nhân vật; nếu có hé ra một nhân vật nào đó thì y ta cũng chẳng có tên. Vậy Hậu viết cái gì vậy? Hậu tựa vào cái khung của kiểu viết truyện, để trưng ra một cách khôn khéo những khoảnh khắc của một trạng thái rất tinh tế trong tình yêu và rất khó diễn đạt thành công trong nghệ thuật. Đó là những phút HỜN của người con gái, hay của người thiếu phụ. Hờn, chứ không phải giận, không phải căm nhé.

 Cái hay của Hậu là cô diễn đạt cái hờn, nhưng lại tìm cách giả vờ che dấu nó đi. Khi thì như một cuộc đi tìm sự cô độc chỉ có một mình mình, chứ không phải cô độc giữa nhiều người, hay bên cạnh một người. Khi thì lấy sự có mặt hay vắng mặt của hoa dã quỳ rạp mình trước gió cao nguyên để che đi cái hờn không thể lên tiếng nói… Nhân vật của Hậu hờn cái không gian đồng lõa với ai đó trong những cuộc điện thoại xuyên lục địa, nhưng nàng ấy lại lấy thời gian mà đo không gian, bằng bốn cái đồng hồ, lúc nào cũng hiển thị cái khoảng cách của những kinh tuyến xa xăm kia bằng bốn giờ khác nhau cùng lúc trên tường…Các nhân vật của Hậu hờn với người ấy, hờn với cuộc tình, và hờn với chính mình, Tôi phải nói rằng, khi người con gái hờn, là lúc nàng yếu đuối nhất, sơ hở nhất, dễ chết nhất. Đọc vào những cảnh hờn như thế, người ta có thể thoáng thấy sự can dự của cả những run rẩy nhục cảm nữa, nhưng chỉ thoáng qua thôi. May quá! Không có ai “chết” cả.

Trong văn chương Việt Nam và thế giới, tôi là người đọc ít và không biết gì về nghề phê bình văn học, nên chỉ thấy cái hờn xuất hiện thật hiếm hoi… Tôi có thấy trong một vài khổ thơ thật hay của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Tôi thấy nó trong Tiếng chim hót trong bụi mận gai (The Thorn Birds) của nữ văn sĩ Colleen McCulough, và thấy nó ở dạng âm bản trong Les misérables của Victor Hugo. Bạn đọc tìm giúp tôi ở những văn phẩm khác nữa nhé.

 Nhưng dù thế nào thì những trang hờn của Hậu cũng là những trang khá hiếm mà ta phải trân quý, có phải không? Bởi tác giả, qua cuốn sách này, khoe với ta cả những ngày ấu thơ của nàng, cả những khoảnh khắc nàng giã từ thơ ngây để bước vào thời con gái, và cả những ngày nàng đã thành thiếu phụ vì những “lưỡng lự” nổi tiếng Made by Nguyen Thi Hau. Hình như chưa bao giờ Hâu thôi là thiếu nữ. Và như thế, ta mới có một nhà văn của những trang hờn đẹp đến thế, hôm nay…

Thôi, tôi không viết nữa đâu. Viết hoài thì bạn còn gì bất ngờ nữa khi đọc Hậu. Đọc đi! Để rất lâu sau “và nhiều năm sau nữa”, ta, vẫn còn …nhớ nhau!

                                                    Sài Gòn, tháng 4 năm 2017
                                                          Nguyễn Quang Vinh
                                   Nhà xã hội học, kiêm “lều” phê bình văn chương
Ký họa: họa sĩ Trịnh Tú

ĐÀ NẴNG – NHÌN TỪ QUÁ KHỨ


Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu
Miền Trung nước ta có thể chia làm ba tiểu vùng địa lý: bắc Trung bộ (từ Thanh Hóa đến Huế), Trung Trung bộ (Đà Nẵng đến Bình Định) và Nam Trung bộ (Phú Yên – Bình Thuận). Đà Nẵng ở vị trí trung điểm và là đầu mối giao thông (đường biển, đường bộ, đường không) ra Bắc vào Nam lên (núi) Tây và xuống (biển) Đông.
Nằm giữa đèo Hải Vân và đèo Cù Mông, Trung Trung bộ là một “tiểu vùng văn hóa” trong vùng văn hóa miền Trung. Đây là hai ngọn đèo nổi tiếng về sự hiểm trở, đồng thời cũng là hai cái mốc trong địa lý lịch sử nước ta. Đèo Hải Vân vốn là đất hai châu Ô, Lý của vương quốc Chăm Pa, từ năm 1306 đám cưới của vua Chế Mân và công chúa nhà Trần Huyền Trân đưa vùng đất này thuộc về Đại Việt, Hải (Ải) Vân trở thành ranh giới giữa Chăm Pa và Đại Việt. Cho đến 1471, sau trận chiến ác liệt của vua Lê Thánh Tông ở thành Đồ Bàn, đèo Cù Mông trở thành ranh giới mới giữa hai quốc gia: phía Bắc thuộc về Đại Việt và phía Nam, theo sử sách thì vua Lê đã chia làm ba tiểu quốc: Hoa Anh, Nam Bàn và Chăm Pa. Mãi đến 1611 khi thành lập Phủ Phú Yên thì đèo Cù Mông mới hết vai trò ranh giới “quốc gia”. Từ thế kỷ 17 công cuộc “Nam tiến” bớt nạn binh đao mà phần lớn là nhờ “nông dân đi trước làng nước (chính quyền) theo sau”.
Như vậy khu vực Trung Trung bộ (Nam – Ngãi – Bình – Phú) bên cạnh những xung đột, tranh chấp về chính trị và quân sự còn diễn ra quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa người Việt (Kinh) là cộng đồng dân cư mới đến có/dưới sự bảo trợ của chính quyền mới – với cộng đồng bản địa là người Chăm và nhiều tộc người khác ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên. Xứ Quảng (Nam) là “vùng biên” chính trị - văn hóa của Việt – Chăm, trong khoảng ba thế kỷ đã hội tụ những truyền thống vốn có của các tộc người và làm nảy sinh nhiều truyền thống mới.
Từ vị thế Địa – Văn hóa, Địa – Lịch sử, xứ Quảng hình thành một vùng văn hóa đa sắc thái: núi, trung du, đồng bằng, ven biển, biển và đảo. Miền núi Quảng Nam phong phú tài nguyên rừng từ hương liệu đến khoáng sản, đồng bằng Quảng Nam là một trong hai đồng bằng lớn nhất và màu mỡ nhất miền Trung, cửa sông Thu Bồn có Đại Chiêm hải khẩu được các chúa Nguyễn phát triển thành cảng thị Fai Fo Hội An, rồi từ thế kỷ 19 Đà Nẵng là cảng biển phòng thủ quan trọng nhất của nhà Nguyễn, là nơi bị thực dân nổ tiếng súng đầu tiên trong cuộc xâm lược Việt Nam.
Đà Nẵng như một cánh cửa mở vào xứ Quảng, nhưng dường như có sự “đứt gãy” kỳ lạ giữa quá khứ vùng đất Amavarati đầy biến động và một thời lừng lẫy và đô thị - quân cảng, hải cảng Tourane/Đà Nẵng từ giữa thế kỷ 19 đến nay.
***
Lần đầu tiên tôi đến Đà Nẵng vào một ngày cuối năm 1978. Khi ấy thành phố trông nhỏ bé và nhếch nhác, biến cố bất ngờ từ những ngày cuối tháng 3.1975 đến lúc đó như vẫn còn hiện diện: thành phố ít dân cư, người buôn gánh bán bưng đi lại vội vã, nhà cửa lô nhô, những chiếc xe đò cũ kỹ chạy qua nhả khói than đen sì, thành phố ngủ sớm mà dậy trễ… Dường như nơi này người ta chỉ đi qua để vô Nam, vào Hội An, ra Huế. Bãi biển Mỹ Khê tuyệt đẹp còn hoang vắng, “Cổ viện Chàm” lặng lẽ bên đường ít người lui tới. Ấn tượng lần đầu của tôi là giọng Đà Nẵng khó nghe, âm sắc vội vã như luôn thấp thỏm lo âu.
Khoảng mười năm gần đây tôi đến Đà Nẵng nhiều hơn, có khi ở vài ngày, khi chỉ ghé qua trên con đường Nam Bắc. Lần nào Đà Nẵng cũng làm tôi bất ngờ về sự đổi thay từ cảnh quan đến con người. Dân cư thành phố tăng nhanh, chính sách ưu đãi của chính quyền đã thu hút “nhân tài” từ nhiều nơi đến đây làm việc và sinh sống. Phải chăng vì vậy “giọng Đà Nẵng” bây giờ đã dễ nghe, tự tin hơn. Nhiều người Đà Nẵng tự hào khi nói về thành phố của mình bởi vì không còn là một “tỉnh lẻ”, hôm nay nó đàng hoàng bước cùng Hà Nội và TP.HCM trong việc xây dựng “thành phố văn minh hiện đại”.
Mỗi lần đến Đà Nẵng bằng máy bay, chuẩn bị hạ cánh là lúc thành phố hiện ra bên dưới ô cửa nhỏ, tôi nhận thấy Đà Nẵng ngày càng mở rộng và quy củ trật tự, hơn hẳn Hà Nội và TP.HCM, nhất là khu vực quanh sân bay đến hai bên bờ sông Hàn, dọc theo bãi biển từ phía Hải Vân vào đến Hội An. Điều này chứng tỏ quy hoạch đô thị ở đây đã đi trước một bước không chỉ trên “bản vẽ” mà cả sự đầu tư của chính quyền vào hạ tầng, nhờ vậy kiểm soát được sự tự phát và phát triển ngoài quy hoạch.
Chỉ một thời gian ngắn xuất hiện thêm hệ thống giao thông ở khu vực đô thị mới, những con đường cũ nối liền với đường vành đai. Nhiều tuyến đường đông đúc nhưng hiếm khi tắc đường kẹt xe do người đi đường tuân thủ tốt luật giao thông. Vỉa hè rộng và thông thoáng không bị quán xá lấn chiếm. Thành phố mở rộng qua bên kia sông Hàn, cầu mới được xây dựng ngoài chức năng giao thông còn tạo cảnh quan đẹp cho thành phố nhất là về đêm. Đà Nẵng đã khéo tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển đẹp hơn ở hai bên bờ sông Hàn, Bán đảo Sơn Trà, bãi biển Mỹ Khê, núi Bà Nà...
Cũng từ đó Đà Nẵng trở thành thành phố du lịch với nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp. Được thiên nhiên ưu đãi có núi có biển có sông, có nhiều thắng cảnh, lại là “tâm điểm” của ba di sản văn hóa thế giới là Mỹ Sơn, Hội An và Huế, ngành du lịch Đà Nẵng hướng vào phân khúc khách hàng trung lưu và thượng lưu cả trong và ngoài nước là một lựa chọn khôn ngoan.
Tuy nhiên, cũng như nhiều trung tâm du lịch khác, điều cần lưu ý là di sản văn hóa và thiên nhiên là tài sản của mọi người dân, trước hết là người dân địa phương. Do đó phát triển du lịch nhưng phải đảm bảo quyền lợi của cộng đồng, đồng thời phải bảo vệ, bảo tồn cảnh quan tự nhiên. Chỉ khi nào quyền lợi của cộng đồng, bao gồm quyền lợi kinh tế, quyền hưởng thụ văn hóa và môi trường tự nhiên được đảm bảo thì phát triển nói chung và phát triển du lịch nói riêng mới có thể bền vững.
***
Còn nhớ cách đây không lâu, tỉnh bạn đã phải rút giấy phép một công ty Trung quốc xây dựng khu du lịch trên đèo Hải Vân, nơi có thể khống chế toàn bộ bán đảo Sơn Trà và thành phố Đà Nẵng. Trong lịch sử, cảng thị Hội An và tiền cảng Cù Lao Chàm từng phát triển thương mại mạnh nhất ở Đàng Trong và bây giờ chỉ cách Đà Nẵng hơn nửa giờ xe bus. Còn nữa, từ đầu triều Nguyễn đã thiết lập chủ quyền và khai thác quần đảo Hoàng Sa ngoài biển Đông mà nay, Hoàng Sa là một huyện của thành phố Đà Nẵng nhưng từ 1974 đến nay chưa trở về với Tổ quốc. Như vậy đủ thấy vị thế Địa – Chính trị của Đà Nẵng quan trọng như thế nào!
Nhiều năm thân thuộc với con người và vùng đất này, tôi luôn tự hỏi, nếu đèo Hải Vân – tiền đồn và cửa ngõ phía Bắc, và Hội An – biển Cửa Đại gắn với cửa Hàn một thời sầm uất – thuộc về thành phố Đà Nẵng thì hay biết bao! Khi quá khứ được nối dài trở thành một phần của hiện tại sẽ tạo ra nguồn lực mạnh mẽ cho sự phát triển toàn diện của Đà Nẵng trong tương lai.
Hình ảnh có liên quan


Vẫn còn nhớ nhau- cuốn sách của lòng yêu thương con người


Chỉ chừng 140 trang in với 23 mẩu truyện và ký, “Vẫn còn nhớ nhau”, cuốn sách mới của nhà văn- tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu dường như “chứa đựng” nhiều hơn so với số lượng chữ và trang in vốn có. Một cách không chủ ý, người đọc vẫn có thể dễ dàng nhận ra 23 mẩu truyện và ký có mặt trong “Vẫn còn nhớ nhau” đã vẽ nên bức tranh chân thực, đầy đặn cảm xúc 3 đoạn đời của người phụ nữ Nguyễn Thị Hậu: thời thơ ấu, thời thiếu nữ và sau này, khi trưởng thành, nhìn lại đời mình.

Giống như cuộc sống khốn khó đầy khắc nghiệt của muôn ngàn người dân Hà Nội thời chiến tranh, tuổi thơ của em bé Nguyễn Thị Hậu là những ngày phải sống xa ba mẹ, sơ tán về vùng quê để tránh bom đạn Mỹ, hoang mang, lạc lõng vì cảm giác bị bỏ rơi, đêm nằm nhớ má mà không dám khóc. Một tuổi thơ có thể làm nhói lòng bất cứ bậc cha mẹ ngày nay, vốn khá xa lạ với chiến tranh, khi bắt gặp câu hỏi của cô bé năm tuổi ngày đó: “Vì sao các cô bảo mẫu có thể để chúng tôi- một lũ trẻ con như trứng gà trứng vịt, đêm nào cũng ở lại trong ngôi nhà đèn dầu leo lắt, có khi gió lùa tắt ngúm, mà không có một người lớn nào bên cạnh?”

Thời thiếu nữ của cô gái Nguyễn Thị Hậu là mùi hoa hồng thoang thoảng mong manh của mùa đông Hà Nội cũ, là bữa tiệc Noel đầu tiên chia tay với rung động đầu đời tinh khôi, là khoảnh khắc xúng xính khi tròng lên người chiếc quần âu đầu tiên được sửa từ quần bộ đội của anh trai, là chút ấm áp dịu dàng khi nghĩ về một giai đoạn đã qua, dẫu đời sống còn nhiều khốn khó.

Chiếm nhiều nhất trong nội dung cuốn sách là mảng hồi ức về những tháng ngày bao cấp mà người phụ nữ Nguyễn Thị Hậu phải bươn chải kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau, miễn là giữ được cho mình đời sống lương thiện, là những mảnh đời tất tả chung quanh, tuy nghèo khó những vẫn lấp lánh lòng yêu thương con người, là những ấm nồng dành cho nhau, mặc những ly tán đau lòng bởi định kiến và thời cuộc.

 “Vẫn còn nhớ nhau” còn là những ký ức sinh động và khó quên về quê hương, về gia đình yêu quý của chính tác giả, ở đó có người cha hào sảng, người mẹ tảo tần, người anh trai quảng đại, có chị gái bảo bọc, mỗi người theo một cách khác nhau đã góp phần làm nên một bức chân dung gia đình Việt trong mối quan hệ từ truyền thống bước ra hiện đại, luôn luôn dung hòa bởi được gắn kết bằng tình yêu thương, bất chấp những biến động của dòng chảy đời sống.

Bạn đọc sẽ khó lòng bỏ qua “Vẫn còn nhớ nhau”, nếu tình cờ bắt gặp.

ĐINH LÊ VŨ

Thanh Niên tuần san 17/5/2017

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

“KHÓC MỘT DÒNG SÔNG…”

Nguyễn Thị Hậu

Đã một vài lần tôi đi xuôi ngược dọc theo vài đoạn Mekong ở Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, con sông Mẹ của Đông Nam Á lục địa, nguồn mạch sinh sôi của đất, của người, của văn hóa những nơi mà nó chảy qua.
Trên bất cứ đoạn nào Mekong cũng mang dáng vẻ hiền hòa, ngay cả vào mùa nước lũ. Từ thượng nguồn Tây Tạng càng đổ về phía biển con sông càng chững chạc hơn. Nếu những ngọn thác hùng vĩ trên mấy chục bậc thềm thượng nguồn mạnh mẽ như những chàng trai trẻ thì về miền đồng bằng hạ lưu, dòng Mekong chở nặng phù sa tựa như thiếu phụ đang hoài thai chờ ngày hạ sinh những mùa vàng nặng trĩu.  Trên sông xuôi ngược những chuyến tàu lớn chở người, hàng hóa, ghe xuồng nhỏ buôn bán ven sông, ghe đánh cá dỡ chài những đoạn nước xiết, những cù lao hình thành ngày mỗi dài rộng qua hàng ngàn mùa nước nổi… Vùng gần biển ngày hai lần Mekong đổi dòng nước lớn nước ròng đều đặn bình thản như nhịp sống ở đây. Nhiều chiếc cầu đã nối liền đôi bờ cũng là nối liền hai đất nước khi Mekong là biên giới tự nhiên. Mà ngàn đời nay với cư dân sống dọc theo con sông, Mekong luôn là sự nối liền chứ có bao giờ là ngăn cách?
Mùa khô năm nay đồng bằng sông Cửu Long chịu đợt hạn hán chưa từng thấy, trước đó mùa nước nổi chậm chạp đổ về, mực nước so với mọi năm thấp hơn nhiều, không còn là mùa cá linh, không còn là “mùa lũ” như báo chí nhiều năm nay gọi thế. Đất nhiễm mặn nặng nề hơn vì không có nước ngọt xả phèn. Vì biến đổi khí hậu, vì mười mấy con đập thủy điện ở thượng và trung lưu, nhưng công bằng mà nói còn vì trăm năm nay đồng bằng sông Cửu Long chỉ được khai thác và khai thác với cường độ ngày càng tăng… Đất ngày càng chật người ngày càng đông, lòng tham của con người với tự nhiên ngày càng không giới hạn, cũng như con người đang phá rừng vét biển.
Đất không một ngày nghỉ ngơi, vắt kiệt sức cho những đồng lúa tăng vụ, sông không một khúc bình yên vì bị chặn đập nắn dòng, sụp lở vì nạo vét cát như những vết thương ăn sâu vào đôi bờ, chưa kể sự ô nhiễm đổ ra con sông từ nhiều nguồn. Biến đổi khí hậu được cảnh báo hàng chục năm trước và nay đã hiện diện rõ ràng, những con đập trên thượng nguồn đã xây dựng và có kế hoạch xây dựng tiếp cũng từ hàng chục năm nay, mùa nước nổi trở nên thất thường về thời gian, về cường độ trong vài năm gần đây... Tất cả là dấu hiệu rõ ràng bệnh tình của sông Mẹ.
Dòng sông Mẹ bao dung rất mực đã trân mình nuôi hàng trăm triệu đứa con nhưng tất thảy đều vô ơn không một lần quan tâm đến sức khỏe của Mẹ. Chỉ đến khi mỗi bữa ăn thiếu đi con cá, hụt một chén cơm, một ngày nhận ra cơn khát nước ngọt đang gần lắm… mới hiểu rằng Mẹ Mekong đã kiệt sức lắm rồi! Những đoạn Mekong tôi từng qua khi quay trở lại bao giờ cũng thấy cạn hẹp khá nhiều, không phải vì mình già đi nên nhìn cái gì cũng trở nên bé nhỏ, không phải vì đi nơi này nơi khác mà nhìn sông quê thành ra nhỏ bé quê mùa. Chỉ thấy thương quá sự tiều tụy của dòng sông do con người gây ra. Nhưng những người anh em - các quốc gia chung một mẹ Mekong ở vùng hạ lưu –  vẫn chưa tìm được tiếng nói chung hành xử chung để ngăn chặn bệnh tình mà ngược lại ai nấy vẫn tiếp tục tìm kiếm khai thác chút tài sản còn lại của Mẹ, mặc cho hàng xóm láng giềng ra sức khoét sâu hơn những vết thương trên thượng nguồn sông Mẹ!
Hàng trăm triệu năm trước ở vùng hạ lưu, dòng Mekong cổ đã đổi dòng “trượt dần” từ Đông sang Tây  do sự sụt lún của địa chất, quá trình này là một sự “lột xác” sống lại trong một diện mạo mới khỏe mạnh trẻ trung. Những đồng bằng hình thành từ đây, chưa hoàn chỉnh và hàng năm vẫn tiếp tục được bồi đắp. Nhưng quá trình “mặn hóa” cạn kiệt ngày nay là sự lão hóa cực kỳ nguy hiểm không có loại thuốc nào ngăn chặn, vì quy luật tự nhiên chỉ là phần nhỏ còn lại phần lớn vì sự kém cỏi và tham lam của con người.
Thờ ơ với cái chết của Mekong là tội ác với tự nhiên và với chính con người, bởi vì chúng ta đang hất đổ chén cơm ly nước mỗi ngày và để lại cho con cháu một mảnh đất không còn sự sống của một dòng sông. Có lẽ nào chúng ta bằng lòng với một phần bản đồ Việt Nam mà trên đó màu xanh biến mất?!

 Thái Lan, ngày 31.3.2016 

 Kết quả hình ảnh cho sông cửu long khô dòng


GỬI BẠN THÁNG NĂM


Nguyễn Thị Hậu
Tháng năm, Sài Gòn ở vào khoảng thời gian nóng nhất nhưng cũng là tháng chuyển từ mùa khô sang mùa mưa. Đây đó về chiều hoặc nửa đêm đã có những cơn mưa rào làm nhẹ cả bầu không khí oi bức cả ngày. Ngồi cùng nhau nơi quán bờ kè, khi thì vài chai bia khi thì ly cà phê, câu chuyện của chúng ta bắt đầu từ đâu rồi cũng quay về chuyện của những năm đã qua. Điều gì làm chúng ta có thể trò chuyện với nhau cả trên mạng lẫn ngoài đời?
Tuy xuất thân từ “hai phía” nhưng sự chân thành và cảm thông khi nhìn về quá khứ đã làm chúng ta trở nên thân thiết. Vì vậy dù vẫn còn những ngày nắng nóng nhưng bạn và tôi cùng cảm nhận được rằng, đây đó Sài Gòn đã có những cơn mưa đầu mùa dù mưa chưa thật lớn để cuốn đi hết oi bức ngột ngạt. Nếu thật lòng mong đợi những cơn mưa thì không khó để nhận ra những luồng gió mát mang theo hơi ẩm bay về, những đám mây trĩu nước đã bay ngang, và tiếng sấm ầm ì báo hiệu cơn giông ở đầu kia thành phố…
Cũng như nếu thật lòng mong đợi những điều tốt đẹp cho thành phố ta yêu, không thể không nhận thấy sự đổi thay, mà đôi khi vì gần gũi nên ta không nhận ra. Bốn mươi năm qua, mỗi ngày đi về dọc ngang qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, vì quá quen thuộc nên tôi không để ý sự thay đổi từ từ của nó. Tôi cứ mải ước mơ về những thành phố có sông có cầu đẹp đẽ nơi trời tây. Đến một ngày nhìn lại con đường quen thuộc bỗng giật mình.
Từ dòng kênh sau gần trăm năm là kênh nước đen và những xóm nhà lá san sát trên mặt nước lầy rác hôi thối nay đã thành dòng sông nhỏ bờ kè có khoảng xanh bãi cỏ hàng cây, ghế đá, dụng cụ thể thao, hàng rào cao để an toàn và ngăn việc đổ rác bừa bãi. Vỉa hè rộng rãi đủ làm đường đi bộ tập thể dục mỗi sáng mỗi chiều. Những chiếc cầu mới xây mới sửa nối liền hai con đường Hoàng Sa, Trường Sa tả hữu uốn lượn theo bờ kênh. Nhà mặt tiền khang trang hơn, quán xá cũng nhiều hơn… Kênh đã thông, thủy triều lên xuống mỗi ngày sẽ cuốn đi những ô nhiễm rác rưởi, giữ được “con kênh xanh xanh” nếu như từng người đừng theo thói quen xả rác xuống kênh.
Nhớ về quá khứ thành phố bên cạnh hình ảnh “hòn ngọc Viễn Đông” còn là hình ảnh những khu nhà lá kênh đen chằng chịt khắp vùng Sài Gòn , Chợ Lớn, cũng đừng quên vùng ngoại ô “đám lá tối trời” đêm đêm nhìn về quầng sáng xa xôi nơi trung tâm thành phố. Khi công bằng với quá khứ thì sẽ công bằng nhìn nhận hiện tại bởi vì “hoài cổ” thì khác với “nệ cổ”, phải không bạn?
Chắc chắn còn nhiều điều làm ta bức xúc, chưa thể hài lòng nhất là về đời sống tinh thần, nhưng cũng cần nhìn thấy những điều mới mẻ. Sự thay đổi không chỉ là dòng kênh tòa nhà hay cây cầu xa lộ, những khu đô thị mới ở ngoại thành… mà giá trị của nó là sự kết tinh công sức của biết bao nhiêu con người thầm lặng lao động, làm những công việc khác nhau dù cuộc sống còn nhiều vất vả. Chúng ta quý trọng những đổi thay dù nhỏ là vì điều đó.
Nếu tính đời người bắt đầu từ khi đủ tuổi dựng vợ gả chồng để sinh thành một thế hệ mới, thì bốn mươi năm qua đã hai thế hệ hậu chiến ra đời và trưởng thành. Nhìn con cái lớn lên và cũng phải giải quyết những vấn đề của thế hệ chúng, có lẽ cũng “gay go, ác liệt” không kém gì cuộc chiến của thế hệ chúng ta, bạn biết không, tôi bỗng nhận ra rằng, nếu chỉ mãi nhìn về một thời quá khứ thì khác nào chúng ta tự giam mình trong “bảo tàng viện” chỉ trưng bày những ký ức “vàng son” “hào hùng” hay “giàu sang phú quý”.
Do vậy cũng cần quý trọng những gì hiện hữu mỗi ngày, vì đó là cuộc sống của các con ta, và vì chính chúng ta đang sống.
Sài Gòn 5.2015

Linh tinh lang tang (145) NGƯỜI XƯA NÓI (2)




 http://data.vietinfo.eu/News/2015/03/18/220006/_thumb.jpg

 @ Tính ỷ lại (Phan Bội Châu – Cao đẳng quốc dân 1928)

Tục ngữ có câu rằng Tháp đổ đã có Ngô xây - Việc gì vợ góa lo ngày lo đêm. Tháp đó là tháp của ta, ta không xây được hay sao? Nghểnh đầu nghểnh cổ trông ngóng, nếu Ngô không sang thì vạn tuế thiến thu chắc không bao giờ có tháp. Tháp đổ mặc tháp, khoanh tay đứng dòm, nghiễm nhiên một đống bù nhìn rồi hẳn. Hỏi vì cơn cớ làm sao? Thì chỉ vì ỷ lại.
Câu tục ngữ ấy thật vẽ đúng tâm tình người nước ta. Nếu ai cũng lo gánh vác một phần trách nhiệm của mình thì có gánh gì không cất nổi. Nhưng tội tình thay, anh nào chị nào trong óc cũng chất đầy một khối ỷ lại. Anh Cột trông mong vào chú Kèo, cô Hường trông mong vào thím Lục, mà chú Kèo, thím Lục lại ỷ có anh Cột, cô Hường rồi. Rày lần mai lữa, kết cục không một người làm mà cũng không một người phụ trách nhiệm.

@ Quá tin ở những điều viển vông (Phan Bội Châu – Cao đẳng quốc dân 1928)
Mê tín sinh ra những việc nực cười. Ngày giờ nào cũng là trời bày định mà bảo rằng có ngày dữ ngày lành; núi sông nào cũng là đất tự nhiên mà bảo rằng có đất tốt đất xấu; vì nấu ăn mới có bếp mà bảo rằng có ông thần táo; vì che mưa gió mà có nhà mà bảo rằng có ông thần nhà; cho đến thần cửa thần đường, thần cầu tài, thần cầu tử, trăm việc gì cũng trông mong vào thần; kết quả thần chẳng thấy đâu, chỉ thấy những cửa nát nhà tan, của mòn người hết, tin thần bao nhiêu thì tai họa bấy nhiêu..

@Tư tưởng gia nô (Phan Bội Châu - Cao đẳng quốc dân 1928)

Xem lịch sử nước ta tư xưa đến nay hơn ba nghìn năm, chỉ có gia nô mà không có quốc dân. Quyền vua có nặng, nặng không biết chừng nào; gia dĩ (1) quyền quan lại hứng đỡ quyền vua mà từng từng áp chế. Từ cửu phẩm kể lên cho đến nhất phẩm, chồng càng cao, ép càng nặng, đến dân là vô phẳng thân giá (2) lại còn gì.
Thằng này là con ngựa thằng nọ là con trâu buộc cương vào thì cắm cổ cứ đi, gác ách vào thì cúi đầu cứ lủi . Gặp Đinh thì làm nô với Đinh, gặp Trần thì làm nô với Trần, gặp Lê Lý thì làm nô với Lê Lý.
Phận con hầu thằng ở, được đôi miếng cơm thừa, canh thải, đã lấy làm hớn hở vênh vang; tối năm (3) đứng đầu ruộng mới được bát cơm ăn, suốt đêm ngồi bên bàn khung cửi mới được tấm áo mặc, mà mở miệng ra thì "cơm vua áo chúa"; đồng điền này, sông núi nọ mồ hôi lẫn nước mắt cày cấy mở mang, nhưng mà "chân đạp đất vua", lại giữ chặt một hoạt kê vô lý (4). Cái tư tưởng gia nô! Cái trí thức gia nô! Bệnh gia truyền làm nô đó không biết tự bao giờ để lại, bắt ta phải gông đầu khoá miệng, xiềng tay xiềng chân, chịu gánh gia nô cho già đời mãn kiếp.

(1) thêm vào đó
(2) giá trị con người
(3) quanh năm
(4) đại ý: Tự mình làm ra mà lại bảo là do ơn người khác, thật là câu chuyện buồn cười
(trích theo Người Việt xấu xí - Vương Trí Nhàn)

NƯỚC MỸ THÁNG NĂM (tùy bút)

Bốn năm trước, tháng 5/2013 lần đầu tôi đến nước Mỹ, và tôi vẫn luôn hy vọng không phải là lần duy nhất.

Gặp bạn nơi xa
Khi đi làm visa du lịch Mỹ tôi đã lường trước tình huống “nếu bà không được chấp nhận cấp visa thì sao”–“Thì coi như tôi chưa có duyên được gặp nước Mỹ”. Nhưng rồi mọi việc thuận tiện và nhanh chóng không ngờ. Một chuyến đi không chờ đợi, thậm chí không tính trước, nhưng may mắn đã thành hiện thực.
Máy bay hạ cánh ở phi trường LAX lúc 15.30 nhưng xong các thủ tục đã hơn 17g, băn khoăn vì hẹn bạn đón nên chắc bạn phải chờ khá lâu. Lúc ra đến sảnh chờ còn đang ngơ ngác tìm thì bạn đến gần: chị Hậu phải không? A, chào G. Hai chị em thân thiết nắm tay nhau, tôi và G. mới biết nhau và đây là lần đầu tiên gặp mặt. G. lái xe đưa tôi về nhà Thúy Hà, một người bạn – của – bạn tôi và cũng là bạn trên mạng yahoo.360 từ lâu. Quãng đường dài vào giờ cao điểm đã kịp đông nghẹt nhưng nhờ tất cả các loại xe chạy đúng làn đường nên tốc độ chậm mà không tắc đường.
Ngay sáng hôm sau đã có một buổi café welcome, các bạn gần như có mặt đông đủ nơi quán Gypsy ở Little Sài Gòn. Bước tới không gian này tưởng như đang ở một tiệm nước nào đó ở SG khoảng những năm 1975 – 1980. Có gì đó như ngưng đọng ở đây: những gương mặt, trang phục, giọng nói, ngôn từ… không xa lạ nhưng lâu rồi ít gặp ở Sài Gòn. Một vài ánh mắt như không mấy thiện cảm khi nghe thấy cái giọng Bắc kỳ 75 của tôi cũng gợi nhớ lúc mới về Sài Gòn sau ngày 30/4.
Bạn bè lần đầu gặp mặt nhau nhưng đã thấy thật gần gũi.
Thời tiết cũng như chiều lòng người. Mới mấy bữa trước còn lạnh, mưa gió sụt sùi, ngày tôi tới Cali chỉ hơi se lạnh trong nắng ấm. Câu chuyện giữa những người bạn – trên - mạng  giờ đây là bạn – ngoài – đời cũng ấm áp như thế. Tôi đi qua đây chỉ mang có một valy nhưng trong đó một nửa là sách tặng bạn. Sách của mình, sách của vài tác giả nổi tiếng mà bạn thích. Rất vui là các bạn thích món quà nho nhỏ này. Vui hơn là nhiều bạn đọc còn nhắn qua facebook mời café và… để ký tặng sách các bạn đã có (nhờ mua từ Việt Nam). Với một người viết nghiệp dư như tôi có lẽ đây là niềm vui lớn. Điều bất nữa là cuốn “Truyện 100 chữđược nhiều người bên này biết đến vì đã đọc trên blog của tôi và được một vài tờ báo tại đây trích đăng lại. Viết ngắn có lợi đấy chứ, khi mà những cái mẩu ngăn ngắn của mình có thể len lỏi vào bất cứ khoảng thời gian rảnh rỗi nào, vào bất kỳ khoảng không gian nhỏ bé nào trong tâm trí người đọc, ở lại đó và cùng chia sẻ với nhau ý tưởng, câu chuyện cũng như cảm xúc khi mình viết ra.
Còn chuyện gì mà không nói đến trong những buổi café như vậy? Chuyện cũ quê nhà, chuyện bạn bè chung, chuyện làm ăn, gia đình của bạn nơi đây, những sinh hoạt văn hóa, những câu chuyện văn chương… Thấp thoáng sau tất cả là nỗi lòng của những người nặng tình với đất nước, dù bây giờ tạm coi là “bên này hay bên kia” hay không là bên nào cả. Có lẽ vì vậy mà nói chuyện với nhau rất chân tình, thoải mái và thẳng thắn.  Gặp nhau ở ý tưởng nào cũng quý, mà chưa gần nhau, thậm chí khác nhau về suy nghĩ cũng vẫn tôn trọng nhau, bởi mỗi người một hoàn cảnh một quá khứ… Hình dung giống nhau về một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước mình, đó mới là điều quan trọng.
Nhưng có một điều mà bạn bè “chúng khẩu đồng từ” nói với tôi “chị trẻ hơn nhiều so với những tấm hình trên facebook”. A, với một phụ nữ ở tuổi này thì điều đó hơn mọi liều thuốc bổ,  nhờ vậy tôi (sẽ) đủ sức rong chơi (và “đấu khẩu”) trong những ngày sắp tới trên đất cờ hoa.
Một tuần ở quận Cam đầy ắp niềm vui nhưng trong đầu vẫn lãng đãng giai điệu “Để quên con tim”. Tôi từ biệt Cali với một lời nhắn da diết “ngày rời Cali có người đã để lại chút nâu giòn ấm áp…”

Nước Mỹ, xa và gần
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có một ngày mình đến nước Mỹ chỉ để rong chơi, với tôi đó là một mơ ước xa xỉ. Vậy mà, như người xưa đã nói, có duyên thì sẽ gặp, và tôi đã gặp nước Mỹ lần đầu vào những ngày tháng Năm. 
Ba tuần ở nước Mỹ trôi qua thật nhanh, tôi đã kịp đi đến một số thành phố lớn nhờ sự sắp xếp đón tiếp chu đáo của bạn bè. Thật ra mục đích chuyến đi này chưa và không phải là tham quan mà là “thăm dân” – gặp gỡ những người bạn facebook thân quen đã lâu nhưng tôi chưa có dịp offline. Và tôi đã đạt được mục đích thậm chí vượt cả mong đợi vì gặp được thêm nhiều người khác, trong đó có những người đã luôn tâm đắc chia sẻ với những trang viết của tôi.
Từ biệt nước Mỹ sau ba tuần “chạy sô” từ Tây sang Đông rồi lại “khứ hồi” về Tây, chưa kể tạt lên Bắc xuống Nam vài giờ xe chạy. Tôi sẽ nhớ mãi Quận Cam ấm áp thân tình của những người bạn mới mà như thân quen tự thời thơ ấu, nhớ mãi Boston bình yên một nỗi buồn dịu dàng sau sự cố đánh bom một tháng trước, nhớ NewYork hiện đại và sôi động đến choáng ngợp,  nhớ nỗi cô đơn sợ hãi thoáng qua khi một mình trong đêm trên chuyến xe bus đến Philadelphia, nhớ mãi những khoảnh khắc ngắn ngủi đầy yêu thương ở Washington DC, nhớ mãi San Francisco với chuyến rong chơi vui vẻ như không muốn dừng lại, và không thể quên sự cố nhỏ ngày về để hiểu ra rằng mình rất may mắn khi có những người bạn quý mến mình đến thế…
Từ biệt nước Mỹ, từ biệt những ngày trời đẹp như ưu đãi người lần đầu đến đây, từ biệt những con đường vun vút xe chạy, xa ngát xanh thẳm  đưa tôi đến những nơi cần đến. Từ biệt những người bạn, chúc các bạn của tôi luôn bình an và hạnh phúc ở nơi mà họ đã tin tưởng lựa chọn là quê hương thứ hai.
Tháng Năm đã qua…Tôi biết, một ngày gặp lại còn xa lắm…

Ngôi nhà có hàng rào sơn trắng
Dọc những con đường trải dài tôi qua ở nước Mỹ, bất cứ nơi đâu cũng có thể bắt gặp ngay bên đường, hoặc thấp thoáng trong cánh rừng thưa, hay trong một thị trấn nho nhỏ nào đấy… những ngôi nhà có hàng hiên rộng, vài chậu hoa xinh xắn trên bệ cửa sổ rèm buông lay nhẹ, bãi cỏ xanh nho nhỏ và bên ngoài là hàng rào thấp sơn màu trắng.
Không hiểu sao khi nhìn thấy những ngôi nhà như thế, trái tim chợt lỡ nhịp, một tình cảm dịu dàng tràn ngập như khi gặp lại mối tình không trọn vẹn. Những ngôi nhà có hàng rào sơn trắng, với tôi, luôn mang lại cảm giác bình yên mà bất cứ gia đình nào cũng muốn có. Hàng rào thấp sơn trắng như một ranh giới mong manh, ở trong là những gì thân thuộc ấm áp, bên ngoài là xa lạ lạnh lùng… Hàng rào có cổng, cũng thấp thôi, khép hờ hoặc gài tạm, mỗi ngày được mở rộng cho người nhà ra vào, đón tiễn những người khách.
Một ngày nào đó, cổng rào luôn đóng im ỉm “nội bất xuất ngoại bất nhập”, một ngày nào đó người trong nhà ra vào bằng cách vượt qua đạp đổ hàng rào, khách đến nhà cũng bằng cách ấy… Một ngày nào đó cánh cổng luôn mở toang, chểnh mảng, người ra vào thờ ơ không buồn khép lại… Có lẽ ngày ấy sự bình yên của ngôi nhà bắt đầu ra đi…
Có lần, trong giấc mơ tôi thấy mình ngập ngừng đứng bên cạnh cổng rào, không dám đẩy cổng dù nó chỉ được gài chốt sơ sài, cũng không dám bấm chuông, sợ rằng tiếng chuông sẽ làm mình chợt tỉnh… Hình như phía sau tấm rèm lay nhẹ kia có ánh mắt ai đó tò mò nhìn người khách lạ đứng tần ngần bên rào nhà mình. Rồi nhận ra người khách chỉ là kẻ qua đường tình cờ dừng chân chốc lát, ánh mắt kia yên tâm rời khỏi cổng rào quay về với những gì thân quen với nó. Và tôi, không thể dừng chân lâu hơn, đành bước đi, để lại cảm giác hạnh phúc mình – đã – mơ - ước - từ - lâu ở lại phía sau, bên kia hàng rào thấp sơn màu trắng.
Kiếp sau, hay nếu may mắn được lên Thiên đàng, nhất định tôi sẽ xây một ngôi nhà nhỏ có hàng rào sơn màu trắng bình yên…
Sài Gòn, tháng 5/2013

 Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng, sợi, kính râm, bầu trời và ngoài trời



CUỘC TRÒ CHUYỆN VỀ MỘT THỜI CHƯA QUA


Cô cháu VAK học ở nước ngoài, cuộc trò chuyện này vào tháng 3 năm 2016 nhân một bài luận cháu viết về chiến tranh VN. Năm nay post lại đây cũng nhân một số sinh viên hỏi tôi những hỏi câu tương tự. 

1. Con muốn biết ý kiến của cô trước việc mà học sinh học thuộc lòng môn Sử mà không tìm hiểu rõ vấn đề? Có phải vì học thuộc lòng khiến cho học sinh ghét môn Sử hay vì môn Sử vốn dĩ khô khan nên khó tiếp cận với người học không ạ?
@ Cách dạy - học thuộc lòng có nguồn gốc từ kiểu học thi từ thời xưa nên nhiều môn học ngày nay cũng duy trì lối dạy và học này, nhất là những môn xã hội. Cách học thuộc lòng không có lỗi, vì từ kinh nghiệm cô nhận thấy, nhiều bài văn, bài sử mà hay, hay vì cách viết và cách dạy của thầy cô, thì việc học thuộc lòng hoàn toàn không mang ý nghĩa tiêu cực mà ngược lại còn tích cực, vì ngoài kiến thức nhớ được thì cảm xúc có từ bài học sẽ nuôi dưỡng rất lâu niềm yêu thích môn học. Vì vậy, có thể sách giáo khoa viết không hay nhưng nếu thầy cô biết cách truyền đạt giảng hay thì không cần bắt buộc có lẽ nhiều học sinh vẫn thuộc bài và nhớ lâu.
Tất nhiên nếu thầy cô không  “giảng” mà chỉ đọc và bắt học sinh học thuộc lòng thì môn nào cũng chán, ngay cả các công thức toán mà thầy cô giảng không hiểu thì cũng học sinh cũng khó thuộc và không thể áp dụng để giải bài tập.

2.  Cô thấy cách dạy Sử ở Việt Nam hiện giờ có điểm gì tốt và chưa tốt ạ? Nếu có điểm chưa tốt cô muốn thay đổi, cải thiện như thế nào để tốt lên ạ?
@ Điểm tích cực: luôn nhắc nhở và nuôi dưỡng lòng yêu nước, chống ngoại xâm. Đây là truyền thống cũng là đặc điểm lớn nhất của lịch sử VN. Điểm hạn chế là ngoài truyền thống chống ngoại xâm thì lịch sử VN chưa thấy rõ các yếu tố văn hóa xã hội, chưa thấy một cách sâu sắc, thật sự những ưu, nhược điểm của con người VN – chủ thể của lịch sử, trong đó có những nhân vật lịch sử và có người dân bình thường.
Muốn khắc phục điều này thì cần đặt/coi lịch sử là một dòng chảy trong truyền thống văn hóa, nhìn lịch sử từ văn hóa sẽ khách quan và toàn diện hơn.

3. Con học ở Mỹ thì người ta dạy rằng cuộc chiến năm 1957 tới 1975 là cuộc chiến giữa hai ý thức hệ (tư bản – cộng sản) bị ảnh hưởng bởi Chiến Tranh Lạnh. Mỹ tham gia để viện trợ giúp đỡ cho miền Nam.  Trong khi ở Việt Nam thì cho rằng Mỹ là một nước đế quốc xâm lược miền Nam Việt Nam. Và thật sự trong cuộc chiến thì không phải lúc nào cũng có một bên đúng hoàn toàn và một bên sai hoàn toàn, sẽ có đúng và sai tùy vào mỗi người nhìn nhận. Vậy theo cô mình có nên dạy Sử một cách đa chiều cho học sinh tiếp cận với hai mặt, nhìn nhận cái đúng cái sai của các bên không hay chỉ cần nêu ra cái đã làm tốt của một bên?
@ Nhận định khác nhau do đứng ở những góc độ khác nhau. Nhận định từ phía Mỹ là từ bên ngoài / trên bình diện rộng hơn của thế giới nhìn vào tình hình VN lúc đó. Còn từ VN – cụ thể là từ miền Bắc VN, là nhìn trong nội bộ VN: thực tế Mỹ vào miền Nam, mục đích chiến tranh là để “đuổi Mỹ và thống nhất”. Với cách dạy sử là dạy truyền thống chống ngoại xâm thì chiến tranh với sự có mặt của Mỹ ở miền Nam thì coi đó là sự xâm lược. “Sự thật” được con người nhận thức thế nào, nhận thức ở thời điểm nào thì thành lịch sử như vậy. Do vậy, đến một lúc cũng cần cho học sinh biết những đánh giá khác nhau của các bên về cuộc chiến, tuy nhiên kiến thức lịch sử phải đi cùng kiến thức những môn xã hội khác cùng nội dung. Học sinh có kiến thức rộng, có nhiều cách tiếp cận sẽ tự biết mình đứng ở đâu để nhận thức lịch sử. Quan trọng trong nhận thức lịch sử là “nguyên nhân dẫn đến sự việc hiện tượng đó” chứ không chỉ là đánh giá “đúng/sai” “thành công / thất bại”.

4.  Con có đọc bài viết của cô viết về hồi ức đi ra Bắc tập kết và con thấy rất hay và cảm động (Con cũng đọc bài viết của mẹ con – một người Bắc đi di cư vào Nam sinh sống). Đọc cả hai bài thì con thấy rằng cả hai bên đều có những đau khổ trăn trở của riêng mình, nhất là nỗi nhớ quê hương vùng miền mình sinh sống (rất xúc động). Nhưng những sự kiện như: năm 1954 đất nước bị chia cắt ở vĩ tuyến 17 và người dân hai miền có 300 ngày để chọn nơi mình muốn ở; không được nhắc nhiều trong sách giáo khoa môn Sử. Sách giáo khoa môn Sử chỉ nhấn mạnh rằng quân đội miền Bắc đã đánh Mỹ như thế nào. Chỉ nhấn mạnh về các chiến công đạt được. Cô nghĩ sao về việc này? Con thấy người ta cứ nhắc đến việc hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù nhưng mà sách giáo khoa thì dạy như vậy thì liệu có đi ngược lại với gì mà ta đang muốn làm (là xóa bỏ thù hận) hay không?
@ Càng lùi xa những sự kiện lịch sử thì người ta càng có cơ hội nhìn lại sự kiện đó bằng “con tim” chứ không chỉ bằng “khối óc”, tức là nhìn lại nó bằng cách nhìn của con người cá nhân chứ không còn là cách nhìn của “cộng đồng”, của đám đông lúc sự kiện xảy ra. Chiến tranh nào thì cũng có bên thắng bên thua, việc nhấn mạnh chiến thắng là nằm trong mục đích dạy sử: truyền thống anh dũng chống ngoại xâm. Như ở trên đã nói, như vậy là chưa đầy đủ và chưa khách quan.
Trong SGK còn nhiều sự kiện sơ sài hoặc thiếu vắng, điều này có thể bổ sung bằng bài giảng của giáo viên, hoặc bây giờ có thể tham khảo nhiều nguồn tài liệu. Không sự kiện lịch sử nào có thể che dấu mãi, chiến tranh, ngoài thắng lợi thì còn rất nhiều đau thương. Đấy mới là tác hại và hậu quả lâu dài của chiến tranh.
Việc hòa hợp hòa giải ở nước ta, theo cô không chỉ vì “người ta” nhắc nhiều về chiến thắng, mà còn là vì sau chiến tranh đã không có thống nhất thực sự ở lòng người do những chính sách và thực tế sai lầm trong thời hậu chiến. Sự mất mát trong chiến tranh có thể qua được nhưng mất mát thời hậu chiến không dễ qua. Sai lầm dẫn đến không/ chưa thể hòa hợp hòa giải chủ yếu là ở chỗ đó.

5. Theo cô nghĩ ý nghĩa của việc học và tìm hiểu môn Sử là gì ạ?
@  Là học làm người: hiểu biết quy luật lịch sử chung và quy luật lịch sử riêng của nước nhà, để độc lập suy nghĩ, nhận thức, từ đó mới trở thành con người tự do. Hiểu biết lịch sử một cách đúng đắn thì không phụ thuộc vào thế hệ trước, thế hệ trước cũng không thể ràng buộc thế hệ sau, như vậy mới có thể tránh những sai lầm của thế hệ trước trong quá khứ và biết tìm/ đi con đường đúng để tới tương lai, biết tự chịu trách nhiệm với chính tương lai của mình.

6. Cô có nghĩ là điều gì xảy ra ở quá khứ thì nên cho qua và tập trung cho hiện tại, những gì chính quyền và nhà nước làm cho dân trong hiện tại và tương lại mới là quan trọng không? Nếu cô nghĩ hiện tại và tương lai là quan trọng thì ta có cần thiết biết các câu chuyện bị che giấu đi trong lịch sử không ạ?
@ Quá khứ luôn tồn tại trong mỗi người, mỗi quốc gia, dù muốn hay không. Cũng không ai có thể chỉ biết hiện tại và tương lai. Như một câu nói “Không ai, không một điều gì bị lãng quên”, nhưng vấn đề là NHỚ như thế nào, kể cả quá khứ tốt hay không tốt. Chỉ nhìn thấy/nhớ đến cái tốt đẹp cũng như cái xấu xa thì đều có hại như nhau. “Cho qua hay không cho qua” tùy thuộc vào nhớ như thế nào.
Lịch sử, dù xấu hay tốt, và cũng chẳng có lịch sử nào lịch sử của ai toàn tốt hay toàn xấu, đều luôn cần được minh bạch, công khai, khách quan đánh giá/ nhận thức lại. Cách nhận thức đánh giá quá khứ thế nào, ta sẽ có ngày hôm nay và tương lai như vậy.

Sài Gòn 19/3/2016
Nguyễn Thị Hậu


160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...