Cô cháu VAK học ở nước ngoài, cuộc trò chuyện
này vào tháng 3 năm 2016 nhân một bài luận cháu viết về chiến tranh VN. Năm nay
post lại đây cũng nhân một số sinh viên hỏi tôi những hỏi câu tương tự.
1. Con muốn biết ý kiến của cô trước việc
mà học sinh học thuộc lòng môn Sử mà không tìm hiểu rõ vấn đề? Có phải vì học
thuộc lòng khiến cho học sinh ghét môn Sử hay vì môn Sử vốn dĩ khô khan nên khó
tiếp cận với người học không ạ?
@
Cách dạy - học thuộc lòng có nguồn gốc từ kiểu học thi từ thời xưa nên nhiều
môn học ngày nay cũng duy trì lối dạy và học này, nhất là những môn xã hội.
Cách học thuộc lòng không có lỗi, vì từ kinh nghiệm cô nhận thấy, nhiều bài
văn, bài sử mà hay, hay vì cách viết và cách dạy của thầy cô, thì việc học
thuộc lòng hoàn toàn không mang ý nghĩa tiêu cực mà ngược lại còn tích cực, vì
ngoài kiến thức nhớ được thì cảm xúc có từ bài học sẽ nuôi dưỡng rất lâu niềm
yêu thích môn học. Vì vậy, có thể sách giáo khoa viết không hay nhưng nếu thầy
cô biết cách truyền đạt giảng hay thì không cần bắt buộc có lẽ nhiều học sinh
vẫn thuộc bài và nhớ lâu.
Tất
nhiên nếu thầy cô không “giảng” mà chỉ
đọc và bắt học sinh học thuộc lòng thì môn nào cũng chán, ngay cả các công thức
toán mà thầy cô giảng không hiểu thì cũng học sinh cũng khó thuộc và không thể
áp dụng để giải bài tập.
2. Cô thấy cách dạy Sử ở Việt Nam
hiện giờ có điểm gì tốt và chưa tốt ạ? Nếu có điểm chưa tốt cô muốn thay đổi,
cải thiện như thế nào để tốt lên ạ?
@
Điểm tích cực: luôn nhắc nhở và nuôi dưỡng lòng yêu nước, chống ngoại xâm. Đây
là truyền thống cũng là đặc điểm lớn nhất của lịch sử VN. Điểm hạn chế là ngoài
truyền thống chống ngoại xâm thì lịch sử VN chưa thấy rõ các yếu tố văn hóa xã
hội, chưa thấy một cách sâu sắc, thật sự những ưu, nhược điểm của con người VN
– chủ thể của lịch sử, trong đó có những nhân vật lịch sử và có người dân bình
thường.
Muốn
khắc phục điều này thì cần đặt/coi lịch sử là một dòng chảy trong truyền thống
văn hóa, nhìn lịch sử từ văn hóa sẽ khách quan và toàn diện hơn.
3. Con học ở Mỹ thì người ta dạy rằng
cuộc chiến năm 1957 tới 1975 là cuộc chiến giữa hai ý thức hệ (tư bản – cộng
sản) bị ảnh hưởng bởi Chiến Tranh Lạnh. Mỹ tham gia để viện trợ giúp đỡ cho
miền Nam. Trong khi ở Việt Nam thì cho rằng Mỹ là một nước đế quốc xâm
lược miền Nam Việt Nam. Và thật sự trong cuộc chiến thì không phải lúc nào cũng
có một bên đúng hoàn toàn và một bên sai hoàn toàn, sẽ có đúng và sai tùy vào
mỗi người nhìn nhận. Vậy theo cô mình có nên dạy Sử một cách đa chiều cho học
sinh tiếp cận với hai mặt, nhìn nhận cái đúng cái sai của các bên không hay chỉ
cần nêu ra cái đã làm tốt của một bên?
@
Nhận định khác nhau do đứng ở những góc độ khác nhau. Nhận định từ phía Mỹ là
từ bên ngoài / trên bình diện rộng hơn của thế giới nhìn vào tình hình VN lúc
đó. Còn từ VN – cụ thể là từ miền Bắc VN, là nhìn trong nội bộ VN: thực tế Mỹ
vào miền Nam, mục đích chiến tranh là để “đuổi Mỹ và thống nhất”. Với cách dạy
sử là dạy truyền thống chống ngoại xâm thì chiến tranh với sự có mặt của Mỹ ở
miền Nam thì coi đó là sự xâm lược. “Sự thật” được con người nhận thức thế nào,
nhận thức ở thời điểm nào thì thành lịch sử như vậy. Do vậy, đến một lúc cũng
cần cho học sinh biết những đánh giá khác nhau của các bên về cuộc chiến, tuy
nhiên kiến thức lịch sử phải đi cùng kiến thức những môn xã hội khác cùng nội
dung. Học sinh có kiến thức rộng, có nhiều cách tiếp cận sẽ tự biết mình đứng ở
đâu để nhận thức lịch sử. Quan trọng trong nhận thức lịch sử là “nguyên nhân
dẫn đến sự việc hiện tượng đó” chứ không chỉ là đánh giá “đúng/sai” “thành công
/ thất bại”.
4. Con có đọc bài viết của cô viết
về hồi ức đi ra Bắc tập kết và con thấy rất hay và cảm động (Con cũng đọc bài
viết của mẹ con – một người Bắc đi di cư vào Nam sinh sống). Đọc cả hai bài thì
con thấy rằng cả hai bên đều có những đau khổ trăn trở của riêng mình, nhất là
nỗi nhớ quê hương vùng miền mình sinh sống (rất xúc động). Nhưng những sự kiện
như: năm 1954 đất nước bị chia cắt ở vĩ tuyến 17 và người dân hai miền có 300
ngày để chọn nơi mình muốn ở; không được nhắc nhiều trong sách giáo khoa môn
Sử. Sách giáo khoa môn Sử chỉ nhấn mạnh rằng quân đội miền Bắc đã đánh Mỹ như
thế nào. Chỉ nhấn mạnh về các chiến công đạt được. Cô nghĩ sao về việc này? Con
thấy người ta cứ nhắc đến việc hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù nhưng mà sách
giáo khoa thì dạy như vậy thì liệu có đi ngược lại với gì mà ta đang muốn làm
(là xóa bỏ thù hận) hay không?
@ Càng lùi xa
những sự kiện lịch sử thì người ta càng có cơ hội nhìn lại sự kiện đó bằng “con
tim” chứ không chỉ bằng “khối óc”, tức là nhìn lại nó bằng cách nhìn của con
người cá nhân chứ không còn là cách nhìn của “cộng đồng”, của đám đông lúc sự
kiện xảy ra. Chiến tranh nào thì cũng có bên thắng bên thua, việc nhấn mạnh
chiến thắng là nằm trong mục đích dạy sử: truyền thống anh dũng chống ngoại
xâm. Như ở trên đã nói, như vậy là chưa đầy đủ và chưa khách quan.
Trong SGK còn
nhiều sự kiện sơ sài hoặc thiếu vắng, điều này có thể bổ sung bằng bài giảng
của giáo viên, hoặc bây giờ có thể tham khảo nhiều nguồn tài liệu. Không sự
kiện lịch sử nào có thể che dấu mãi, chiến tranh, ngoài thắng lợi thì còn rất
nhiều đau thương. Đấy mới là tác hại và hậu quả lâu dài của chiến tranh.
Việc hòa hợp
hòa giải ở nước ta, theo cô không chỉ vì “người ta” nhắc nhiều về chiến thắng,
mà còn là vì sau chiến tranh đã không có thống nhất thực sự ở lòng người do
những chính sách và thực tế sai lầm trong thời hậu chiến. Sự mất mát trong
chiến tranh có thể qua được nhưng mất mát thời hậu chiến không dễ qua. Sai lầm
dẫn đến không/ chưa thể hòa hợp hòa giải chủ yếu là ở chỗ đó.
5. Theo cô nghĩ ý nghĩa của việc học và
tìm hiểu môn Sử là gì ạ?
@ Là học làm người: hiểu biết quy luật lịch sử
chung và quy luật lịch sử riêng của nước nhà, để độc lập suy nghĩ, nhận thức,
từ đó mới trở thành con người tự do. Hiểu biết lịch sử một cách đúng đắn thì
không phụ thuộc vào thế hệ trước, thế hệ trước cũng không thể ràng buộc thế hệ
sau, như vậy mới có thể tránh những sai lầm của thế hệ trước trong quá khứ và
biết tìm/ đi con đường đúng để tới tương lai, biết tự chịu trách nhiệm với
chính tương lai của mình.
6. Cô có nghĩ là điều gì xảy ra ở quá khứ
thì nên cho qua và tập trung cho hiện tại, những gì chính quyền và nhà nước làm
cho dân trong hiện tại và tương lại mới là quan trọng không? Nếu cô nghĩ hiện
tại và tương lai là quan trọng thì ta có cần thiết biết các câu chuyện bị che
giấu đi trong lịch sử không ạ?
@
Quá khứ luôn tồn tại trong mỗi
người, mỗi quốc gia, dù muốn hay không. Cũng không ai có thể chỉ biết hiện tại
và tương lai. Như một câu nói “Không ai, không một điều gì bị lãng quên”, nhưng
vấn đề là NHỚ như thế nào, kể cả quá khứ tốt hay không tốt. Chỉ nhìn thấy/nhớ
đến cái tốt đẹp cũng như cái xấu xa thì đều có hại như nhau. “Cho qua hay không
cho qua” tùy thuộc vào nhớ như thế nào.
Lịch sử, dù
xấu hay tốt, và cũng chẳng có lịch sử nào lịch sử của ai toàn tốt hay toàn xấu,
đều luôn cần được minh bạch, công khai, khách quan đánh giá/ nhận thức lại.
Cách nhận thức đánh giá quá khứ thế nào, ta sẽ có ngày hôm nay và tương lai như
vậy.
Sài Gòn 19/3/2016
Nguyễn Thị Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét