NƠI LƯU GIỮ KÝ ỨC THÀNH PHỐ


Nguyễn Thị Hậu (Tạp chí Người Đô Thị số ra ngày 25/11/2016)

Bảo tàng –  thiết chế văn hóa phổ biến và quen thuộc trên khắp thế giới có nhiều loại hình, nhiều quy mô và chủ đề, phong cách khác nhau. Trong thời đại mà du lịch là ngành kinh tế - văn hóa đang và sẽ rất phát triển thì bảo tàng tại các thành phố là những điểm đến quan trọng, không thể thiếu trong đời sống văn hóa đô thị.
Tham gia chương trình nghiên cứu về bảo tồn di sản văn hóa đô thị tôi có dịp đến một số thành phố “di sản thế giới” ở châu Âu. Tại đây cảnh quan đô thị và những công trình kiến trúc thời trung cổ còn được bảo tồn rất tốt, trở thành “sản phẩm văn hóa” chủ yếu, cùng với dịch vụ du lịch tạo nên ngành kinh tế chính của những thành phố này. Đồng thời hệ thống bảo tàng theo nhiều chủ đề cũng tạo nên sự khác biệt, trong đó Bảo tàng lịch sử của các thành phố luôn giữ vai trò chính yếu.

Bruges là thành phố lớn của Vương quốc Bỉ. Khu vực trung tâm thành phố từ lâu đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Thành phố có rất nhiều bảo tàng nằm trên những đường phố cổ. Tại quảng trường trung tâm là Bảo tàng lịch sử (Historium Brugge – theo tiếng Hà Lan). Tòa nhà bảo tàng là công trình cổ còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc và cả những cấu kiện bằng gỗ bên trong. Nhờ việc bảo tồn và đầu tư trưng bày hiện đại nên bảo tàng rất hấp dẫn và để lại nhiều ấn tượng khó quên cho du khách.
Từ thế kỷ thứ 9 thành phố Bruges là một phần của hệ thống phòng thủ chống lại sự xâm lược của người Bắc Âu. Vì vị trí gần biển Bắc, Bruges dần dần trở thành một thương cảng quan trọng và giao lưu với nhiều nơi khác ở châu Âu. Với tiềm năng tài chính hùng mạnh Bruges phát triển mạnh nhất từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 15 và chính trong thời kỳ này đã xuất hiện những công trình kiến trúc đồ sộ và đẹp nhất. Trong vòng vài trăm năm thời Trung cổ và Phục hưng, Bruges là một trong những trung tâm kinh tế và nghệ thuật lớn nhất châu Âu.

Tại bảo tàng, lịch sử thành phố đã được lồng vào câu chuyện tình yêu của một phụ nữ quyền quý với chàng họa sĩ nghèo. Hình ảnh  người phụ nữ rất đẹp với chiếc áo choàng đỏ trở thành một biểu tượng của thành phố. Có thể nói sự hấp dẫn của bảo tàng là ở đây bởi nó tạo ra sự khác biệt của lịch sử Bruges với những thành phố thời trung cổ hiện diện khắp Châu Âu và nhiều nơi khác.
Du khách tham quan từng tốp nhỏ tối đa 15 người và đi theo sự hướng dẫn qua hệ thống audio (có thể lựa chọn nhiều ngôn ngữ khác nhau) để lần lượt xem hết các phần trưng bày trong khoảng 60 phút. Dựa vào cấu trúc ngôi nhà bảo tàng, mỗi phần trưng bày là một gian khép kín tạo nên sự chú ý cao của du khách, đồng thời mỗi người được  “tương tác” thông qua phương tiện visual studio: phim ảnh, âm nhạc, tiếng động và cả mùi vị… Bằng các giác quan du khách “trải nghiệm” lịch sử cũng như những sinh hoạt hàng ngày của Bruges ở thế kỷ 15 – thời kỳ thịnh trị của Bruges, tham gia chứng kiến câu chuyện của các nhân vật.. . Đây là sự chọn lựa khôn khéo và chính xác của bảo tàng về “thời điểm, sự kiện” điển hình để xây dựng kịch bản trưng bày câu chuyện về thành phố.

Vị trí của bảo tàng lịch sử Bruges cũng là một sự hấp dẫn đối với du khách, bởi vì cuối phần trưng bày tuyến tham quan sẽ dẫn  du khách ra sân thượng của bảo tàng. Từ đây toàn bộ quảng trường trung tâm và các khu phố cổ liền kề hiện ra dưới tầm mắt. Lịch sử “trong bảo tàng” và hiện thực đan xen vào nhau tạo nên những ấn tượng rất sâu sắc.
Cũng như nhiều bảo tàng khác, tại đây có nơi bán đồ lưu niệm mà phần lớn là sách vở, tranh ảnh về bảo tàng. Những sản phẩm lưu niệm khác cũng mang dấu ấn riêng của thành phố Bruges mà không nơi nào có nên du khách ai cũng muốn mua một món đồ lưu niệm. Phòng cà phê và ăn nhẹ cũng trang trí những bức họa nổi tiếng, tạo không khí thư giãn mà vẫn có thể hấp dẫn bởi sự mới lạ. Nguồn thu từ những dịch vụ này rất đáng kể bên cạnh tiền vé vào xem bảo tàng.

Mỗi thành phố đều để lại những dấu ấn lịch sử của mình bằng những di tích lịch sử văn hóa, trong lòng đất và trên mặt đất. Tuy nhiên cộng đồng cư dân và du khách không phải lúc nào cũng có điều kiện và đủ thời gian để có thể tham quan tìm hiểu tất cả những di tích đó, chưa kể nhiều dấu ấn cổ xưa đã biến mất theo thời gian và do những biến cố xã hội. Vì vậy bảo tàng lịch sử thành phố là “giải pháp tối ưu” để mọi người có thể tìm hiểu về lịch sử và văn hóa và những nét độc đáo của thành phố một cách đầy đủ nhất trong thời gian ngắn nhất.

Tiếc rằng khi tìm kiếm trên Google thì những website và tour du lịch giới thiệu về Bruges bằng tiếng Việt không giới thiệu Historical Museum mà thường chỉ có các bảo tàng Sôcôla,  bảo tàng Khoai tây và bảo tàng Kim cương (trong số hàng chục bảo tàng ở đây). Có lẽ vì những bảo tàng này có thể kết hợp shopping – một thói quen và nhu cầu phổ biến của nhiều du khách Việt. Trong khi đó việc tham quan  bảo tàng lịch sử để hiểu biết về nơi mình đến thì hầu như các tour đều bỏ qua. Tôi đã đến khá nhiều bảo tàng lịch sử của những thành phố du lịch nổi tiếng nhưng hầu như rất ít gặp du khách Việt, nếu có chỉ là vài sinh viên du học hoặc người nghiên cứu.  Có lẽ nào người Việt đi du lịch chỉ mang về quà cáp hàng hóa mà không quan tâm đến những câu chuyện về lịch sử - văn hóa của các di sản thế giới để bổi bổ cho sự hiểu biết và tri thức, ngoài những tấm hình selfie chụp vội tại di tích (và do mải chụp hình nên hầu như cũng chẳng nghe được những gì hướng dẫn viên đang thuyết minh).

Ở Việt Nam nếu chỉ đầu tư bảo tồn các khu phố cổ, di tích cổ nhưng không có hệ thống bảo tàng hỗ trợ thì không tạo được đặc trưng riêng biệt. Những bảo tàng khảo cổ hay lịch sử, ẩm thực hay trang phục… của từng thành phố sẽ tạo nên sự khác biệt, đa dạng và sức hấp dẫn lâu dài. Với thời gian bảo tàng trở thành di sản văn hóa do nhiều thế hệ xây dựng và phát triển.

Bruges, đầu tháng 9/2016






Vụn vặt đời thường (131)

@ Chuyện bây giờ mới kể :)
Cuốn sách này ra từ 2014. Lần ấy Cty sách Thái Hà đã đăng ký và được BTC Hội sách (tại công viên LVT, TPHCM) sắp xếp địa diểm và một buổi để giao lưu với tác giả và sách mới. Cách 1 ngày thì BTC Hội sách thông báo không thu xếp thời gian và địa điểm cho buổi giao lưu được.
Tác giả bèn đi hỏi thăm bạn bè liên quan đến công việc tổ chức hội sách thì biết, có "chủ trương" hạn chế vài người trong việc tiếp xúc giao lưu với độc giả. Lần ấy cả anh Phạm Xuân Nguyên cũng bị cắt chương trình giao lưu về cuốn "Nhà văn như Thị Nở" của anh.
Hồi ấy chỉ thấy buồn cười (kể cả buồn cười vì vài bạn coi chuyện đó là "nghiêm chọng", nay mới nhớ và kể vì bác chủ Chiếu Làng "khai quật" và tặng lại bài điểm sách này.
P/S 1. Sau đó tác giả vẫn giao lưu với bạn đọc ở gian hàng sách Thái Hà và một vài quán cà phê khác sau dịp hội sách.
P/S 2. Cuốn này viết hiền khô à, thật, không tin cả nhà tìm đọc mà xem :D

body-The-gioi-mang-3643-1396236986.jpg

http://chieulang.com.vn/chieu-lang/tin-trang-chu/chi-tiet/the-gioi-mang-cua-tien-si-nguyen-thi-hau-10199.html



:D


Vụn vặt đời thường (130). Ngày 20 -11

@ Thật sự tôi luôn nghĩ 20/11 là “một ngày như mọi ngày” vì nghề nào cũng có cả vinh quang và cay đắng, nghề nào cũng xứng đáng được tôn vinh nếu xã hội thực sự coi trọng. 
Tôi bây giờ chỉ là giảng viên “nghiệp dư” (theo nghĩa không thuộc biên chế trường nào), vì vậy chân thành cám ơn nhiều trường, khoa đã mời đến dự lễ 20 /11. Cám ơn những lời chúc mừng của các anh chị, các bạn và học trò qua FB, điện thoại, email… 
Nghề giáo được coi là "nghề chèo đò" nhưng con thuyền giáo dục hiện thời còn quá nhiều bất an! 
Vì vậy xin được chúc các Thầy Cô, các anh chị và các bạn đổng nghiệp những điều tốt lành nhất trong nghề nghiệp và trong cuộc sống!



Ba tôi là người Thầy đầu tiên của tôi, không chỉ dạy chữ mà Ba dạy tôi làm Người. Một đoạn tôi viết về Ba vào ngày 10 năm ba mất (1995):
Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết. Trong không khí náo nức chung tôi có một niềm vui nhỏ dành tặng ba nhân ngày đầu năm. Đó là việc tôi thi đậu vào trường Nghệ thuật Sân khấu. Khi tôi hồi hộp báo tin, không như tôi nghĩ, ba ngồi lặng với vẻ băn khoăn lo lắng. Cuối cùng ba nói với tôi, trang nghiêm mà trìu mến:
- Ba rất vui khi có một đứa con muốn nối nghiệp ba. Trước khi con tự quyết định tương lai của mình, ba muốn nói với con điều này. Mọi nghề nghiệp đều đẹp và đều sẽ thành công nếu ta lao động kiên nhẫn và trung thực. Nhưng trong nghệ thuật thì còn phải có một điều kiện quan trọng, đó là tài năng. Không có tài thì không có vai diễn hay, mà đã là diễn viên phải là một diễn viên giỏi. Đây không phải là chuyện danh tiếng mà là chuyện làm gì để có ích nhiều hơn cho mọi người, cho xã hội, và cho bản thân mình.
Với ba tôi, danh hiệu “nghệ sĩ” thật là cao quý… Lần đầu tiên ba tâm sự với tôi về nghề nghiệp cùng những buồn vui thăng trầm của cuộc đời nghệ sĩ, khi hiểu được điều đó tôi mới thực sự trở thành “người bạn” nhỏ của ba.
Khi tôi tốt nghiệp đại học và được trường giữ lại làm giảng viên, ba tôi rất vui vì trước đây ông cũng là một thầy giáo. Ông hay nói với tôi: “Người thầy giáo cũng như người nghệ sĩ. Phải yêu nghề, yêu người, yêu đời sâu sắc thì mới có thể đứng trên bục giảng hay trên sân khấu để mang đến cho mọi người những điều tốt đẹp của cuộc sống. Thầy giáo hay nghệ sĩ đều là những “kỹ sư tâm hồn”, nhưng tiếc rằng giữa hai nghề này luôn có một khoảng cách khá xa… Người thầy giáo thì thiếu tâm hồn nghệ sĩ, còn người nghệ sĩ lại thiếu đạo đức của người thầy!”

Vụn vặt đời thường (129)




“Cô giáo bị ép buộc trước hết phải xem xét chính mình”. Đó là tựa đề bài của Vietnamnet.vn phỏng vấn bộ trưởng bộ giáo dục về việc lãnh đạo giáo dục một huyện ở tỉnh Hã Tĩnh đã “điều động” một số cô giáo đi “tiếp khách” và coi đó “là vinh dự và nhiệm vụ chính trị”.
Tụa bài này đã bị VN đổi và cũng sửa lại một số câu từ trong bài, nhưng vẫn còn thể hiện quan điểm này: “Khi các thầy cô giữ phẩm chất, đạo đức mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trước hết phải nói đến trách nhiệm của thầy cô rồi mới tính đến người ép buộc. Bởi vì, ai sai đến đâu, xử lý đến đó chứ không phải vì thầy cô nào đó, không phát huy được bản lĩnh, không giữ được nguyên tắc của mình thì lúc đấy lại đổ cho người khác", Bộ trưởng nói.
Tôi cho rằng bộ trưởng nói như vậy là ngụy biện cho sai trái của lãnh đạo giáo dục Hà Tĩnh, đồng thời là sự vô trách nhiệm trước sai trái của cấp dưới! Không thể coi việc các cô giáo bắt buộc phải chấp hành lệnh của cấp trên là “không phát huy được bản lĩnh” mà trước hết phải quy trách nhiệm cho lãnh đạo giáo dục của trường đó, huyện đó đã điều động giáo viên vô nguyên tắc. Nếu họ “phát huy bản lĩnh” trước yêu cầu từ cấp trên thì đã không có lệnh điều động kiểu này. Còn nếu họ tự động nghĩ ra việc đưa cô giáo đi “tiếp khách” thì bộ trưởng nên cách chức ngay loại quan chức giáo dục như vậy!
Bằng câu trả lời trên, việc đổ lỗi cho nạn nhân có thể coi là “món quà” mà bộ trưởng bộ giáo dục gửi tặng các nữ giáo viên nhân ngày 20/11!
Và vì vậy, trường nọ, huyện nọ, tỉnh Hà Tĩnh và cả bộ giáo dục cũng đừng tổ chức ngày lễ 20/11 để tôn vinh nhà giáo nữa! Mỉa mai lắm!

Vụn vặt đời thường (128)

@ Bụt dứt khoát phải là đàn ông! Tưởng chỉ có người Việt nghĩ vậy hóa ra người Mỹ cũng rứa :)
P/S 1. Hy vọng nước Mỹ sẽ có cây tre có trăm đốt thật chứ không chỉ là câu "khắc nhập khắc xuất".
P/S 2. Thời đại của Great Gatsby đang trở lại?

 @ Tổng thống Mỹ có phải là Bụt đối với anh nông dân Việt đang mò mẫm trong rừng đi tìm cây tre trăm đốt không hả 500 anh em   

@ Đọc nhiều giọng "bình luận" về chiến thắng của ông Trump bỗng thấy như ở Mỹ vừa nổ ra cách mạng vô sản: quần chúng làm nên lịch sử :D 
Nhưng từ nhiều năm nay ở các nước từng có cách mạng vô sản đã thực hành khẩu hiệu "vô sản toàn thế giới, hãy buông nhau ra!"
@ Đưa má đi khám, bác sĩ hỏi: chị là con dâu bà à? - dạ, con gái ạ. Ủa sao nói giọng ko giống bà, bà nói tiếng Nam mà?
Haizzz ;))

@ Không liên quan: hoàn thành bản thảo 350 tr (trang, not triệu :D ) và canh cá quả rau cần  



 

ĐẤT NƯỚC NHÌN TỪ BẢO TÀNG


Nguyễn Thị Hậu

Theo ICOM (Hội đồng Bảo tàng Quốc tế thuộc UNESCO), “bảo tàng là một thiết chế phi vụ lợi, họat động lâu dài phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội, mở cửa đón công chúng đến xem, có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, tuyên truyền và trưng bày các bằng chứng vật chất về con người và môi trường sống của con người, vì mục đích nghiên cứu, gíao dục và thưởng thức.” Theo định nghĩa trên bảo tàng có 3 chức năng quan trọng là nghiên cứu khoa học, sưu tầm và bảo quản, trưng bày giới thiệu đến công chúng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, cùng các mẫu vật thiên nhiên.

Như vậy, căn cứ vào các bộ sưu tập hiện vật thì có 2 lọai hình chính là bảo tàng lịch sử xã hội và bảo tàng lịch sử tự nhiên. Ở Việt Nam những bảo tàng đầu tiên do người Pháp thành lập vào khỏang đầu thế kỷ 20 cũng gồm 2 lọai hình trên, đó là Bảo tàng Hải dương học (Nha Trang, khoảng 1910), Bảo tàng Địa chất (1914, Hà Nội), Bảo tàng Điêu khắc Chăm (BT H.Parmentier, 1918, Đà Nẵng), Bảo tàng Blanchard De la Brosse (1929, Sài Gòn), Bảo tàng L. Finot (1932, Hà Nội). Ngòai ra, Vườn bách thảo Hà Nội và Thảo cầm viên Sài Gòn cũng được coi là hai công viên - bảo tàng tự nhiên của Đông dương lúc bấy giờ. Điều cần chú ý là các bảo tàng do người Pháp thành lập đều trên cơ sở ít nhiều đã có những bộ sưu tập hiện vật, mẫu vật, và có xác định được “nguồn hiện vật” phù hợp có thể sưu tầm để luôn tăng cường cho bảo tàng. Cho đến nay những bảo tàng này đều tạo được dấu ấn riêng và phát huy rất tốt vai trò của mình.

Việt Nam có một hệ thống hàng trăm bảo tàng tỉnh, thành, ngành… Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là với kho tàng di sản văn hóa và thiên nhiên phong phú, hệ thống bảo tàng Việt Nam còn chưa khai thác hết tiềm năng của di sản văn hóa và thiên nhiên đa dạng và độc đáo để tạo sự khác biệt và hấp dẫn cho từng bảo tàng. Việc xây dựng bảo tàng thường bắt đầu từ mục đích chính trị rồi mới triển khai công tác khoa học nghiệp vụ, vì vậy không tránh khỏi hiện tượng “phong trào” trong xây dựng và trưng bày bảo tàng.

Xu hướng hiện đại “bảo tàng hóa” di sản văn hóa theo nghĩa rộng là bảo tồn và phát huy tất cả các di sản văn hóa đã bị/ được đưa ra khỏi môi trường tồn tại ban đầu và đặt trong một môi trường nhân tạo do con người tổ chức ra - đó là các bảo tàng. Còn theo nghĩa hẹp là một phương án tối ưu và hiện đại, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trực tiếp ngay trong môi trường sinh thái nhân văn, nơi di sản văn hóa được sáng tạo ra, hiện đang tồn tại gắn bó với cộng đồng cư dân là chủ thể của những di sản văn hóa ấy: một “bảo tàng sống – tại chỗ” bao gồm trong đó có tự nhiên, con người  và di sản văn hóa vật thể – phi vật thể.

Ở nhiều nước, lịch sử đất nước thường được thể hiện ở bảo tàng quốc gia, hoặc một vài bảo tàng chuyên đề (bảo tàng quân sự/ chiến tranh chẳng hạn), còn bảo tàng các địa phương hầu hết thể hiện những di sản văn hóa, nhưng cũng không nhất thiết phải trình bày đầy đủ các thời kỳ văn hóa mà thường tập trung vào những thành tựu, di sản độc đáo nhất. Bên cạnh đó hệ thống bảo tàng tư nhân (không quan trọng quy mô lớn nhỏ mà được đánh giá qua giá trị sưu tập hiện vật) theo những chủ đề khác nhau sẽ khai thác giá trị nhiều mặt của di sản văn hóa.

Hiện nay ở nước ta lọai hình bảo tàng lịch sử địa phương hay lịch sử các ngành nghề, lĩnh vực là chủ đạo, loại hình Bảo tàng thiên nhiên cũng như bảo tàng văn hóa các cộng đồng tộc người ở từng vùng địa lý còn khá hiếm hoi. Nếu thực sự coi “bảo tàng là thiết chế văn hóa” phản ánh “lịch sử như một dòng chảy trong truyền thống văn hóa” thì hệ thống bảo tàng nước ta cần được sắp xếp lại để hạn chế sự trùng lặp về nội dung và cả hình thức trưng bày, nhất là giữa các bảo tàng địa phương vì đều được xây dựng theo chung một “kịch bản” nặng về chiến tranh mà còn nhẹ về văn hóa – xã hội.

Nên chăng xây dựng bảo tàng theo Vùng văn hóa vì các tỉnh trong vùng thường có cùng đặc điểm về điều kiện tự nhiên và đặc trưng văn hóa tộc người; quá trình lịch sử xã hội của các cộng đồng tộc người không có nhiều khác biệt. Nội dung lịch sử của vùng mang tính khái quát và phong phú hơn. Trong hệ thống bảo tàng VN, những Bảo tàng cấp quốc gia và một số bảo tàng đầu ngành thuận lợi cho việc đảm nhận vai trò bảo tàng vùng, miền. Bảo tàng các tỉnh phát triển theo hướng bảo tàng chuyên đề về đời sống xã hội, ngành nghề, nhân vật, sự kiện… Càng đa dạng hóa chủ đề, nội dung trưng bày thì sự hấp dẫn du khách đến với bảo tàng càng tăng lên, mang lại một nguồn thu không nhỏ từ  vé bảo tàng và các dịch vụ như đồ lưu niệm, các tập sách, hình ảnh, băng đĩa về hiện vật bảo tàng, và các dịch vụ khác.

Ở bất kỳ quốc gia nào, hệ thống bảo tàng và di tích lịch sử - văn hóa luôn là “gương mặt” khả ái và tiêu biểu nhất mà quốc gia đó muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế. Không chỉ vậy, nó còn là tấm gương để chính quốc gia đó soi vào, nhìn thấy mình trong quá khứ để hiểu mình hơn ở hiện tại và tương lai. Chính vì vậy hệ thống bảo tàng và di tích – gọi chung là những di sản văn hóa – được nhà nước và nhân dân luôn có ý thức bảo tồn, gìn giữ đồng thời có nhiều hình thức giới thiệu và tôn vinh những giá trị của nó.



QUÁ KHỨ TRONG NGÀY HÔM NAY

Nguyễn Thị Hậu

Từ hơn mười năm trước cuộc khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long (tại số 18A đường Hoàng Diệu, quận Ba Đình) đã mang lại kết quả rực rỡ không ngờ! Lần đầu tiên tìm thấy dấu tích kiến trúc dày hàng mét trong diện tích khoảng 19.000m2 có hàng triệu di vật là phế tích của các công trình kiến trúc cung điện, trong đó phần lớn là vật liệu bằng đất nung như gạch, ngói, đồ gốm trang trí có niên đại suốt từ thế kỷ VII – IX đến thế kỷ XIX – XX.

Sau thời gian dài nghiên cứu, dấu tích ngàn năm của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội nằm sâu trong lòng đất vừa được chuyển tải tới đông đảo công chúng qua bảo tàng “Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội” – một bảo tàng hiện đại nhất Việt Nam hiện nay,  có thể sánh ngang nhiều bảo tàng khác trên thế giới. Trong hai tầng hầm của bảo tàng, bằng phương tiện kỹ thuật và phương pháp trưng bày mới, mang tính cộng đồng cao, thể hiện hai thời kỳ từ tiền Thăng Long (thế kỷ 7 -10) đến Thăng Long thời Lý – Trần – Lê (thế kỷ 11 – 18) đã dẫn dắt người xem đi theo những câu chuyện của các nhà khảo cổ. Đó là “câu chuyện” từ Thăng long – rồng bay lên đến “Bình minh Thăng Long” – thời kỳ rực rỡ của văn minh Đại Việt.

Lần đầu tiên những hiện vật khảo cổ của Hoàng Thành cất lên tiếng nói một cách sinh động: quá trình xây dựng cung điện như thế nào, những di tích và vật liệu đá, gạch, ngói xây dựng những gì, cảnh quan trong ngoài Hoàng Thành qua hình ảnh bức tường bao với sắc màu hoa lá bốn mùa ra sao, sinh hoạt thường ngày trong Hoàng cung qua những di tích giếng nước, đồ gốm, sành, sứ… Cả những câu chuyện quanh giai đoạn Phật giáo “hoàng kim” của nhà nước Đại Việt… Phương pháp trưng bày lồng ghép, đan xen giữa di tích và di vật, trong đó di tích được xem là “hồn cốt”; di vật được xem là các “hạt nhân” được trưng bày ngay trong lòng di tích với phong cách trình diễn kết hợp đồ họa, hệ thống sa bàn, hình ảnh, ánh sáng hiện đại, những chú thích ngắn gọn, đầy đủ… tạo nên những bộ “trang phục” và “trang sức”… Tất cả đã kể lại những câu chuyện về kinh đô Thăng Long xưa một cách phong phú, cụ thể và rất hấp dẫn.

Không thể phủ nhận vẻ rực rỡ nguy nga của Hoàng thành Thăng Long hiện ra từ những gì mà các nhà khảo cổ của Trung tâm nghiên cứu kinh thành (Viện hàn lâm KHXHVN) đã dày công nghiên cứu nội dung và tiếp cận giá trị của nó từ những phương pháp trưng bày hiện đại nhất. Đây được coi là bảo tàng về Khảo cổ học đầu tiên của nước ta. Sự thành công của bảo tàng ở chỗ hiện vật khảo cổ học đến được với người xem bằng tất cả vẻ đẹp từ hình thức, trang trí, hoa văn đến giá trị văn hóa mà cổ vật lưu giữ, mọi người cảm nhận sâu hơn về giá trị của những phát hiện khảo cổ học. Bên cạnh đó sự tương tác của du khách với các phương tiện multimedia hỗ trợ  đã giúp mở rộng hiểu biết, tri thức các vấn đề lịch sử, văn hóa liên quan đến thời đã qua, mang lại cảm giác đang chứng kiến đời sống cung đình, được “can dự” vào lịch sử và từ đó, lịch sử không còn chỉ là quá khứ.

Tuy nhiên, nếu một Thăng Long rực rỡ chốn cung đình hiển hiện rõ ràng bằng di vật đặc sắc là những đầu rồng, đầu phượng, lá đề, gạch in chữ, gốm sứ với rồng 5 móng, những kiến trúc đồ sộ và tinh tế… thì cũng cần nhận thấy, tất cả đều được xây dựng từ bàn tay tài hoa của những người dân đến từ những làng xã, phường thợ tứ xứ. Vì vậy, văn hóa dân gian – cụ thể là trang trí, điêu khắc để lại dấu ấn đậm nét trong cung điện Hoàng Thành và có lẽ cần được thể hiện nhiều hơn trong bảo tàng. Chỉ cần nhìn những bức tượng uyên ương thể hiện sinh động: mình thon thả hai cánh xoè rộng, ngực ưỡn đuôi cong, đầu ngẩng cao nhìn thẳng về phía trước, lông cánh được tỉa chạm rất chi tiết, gần gũi và quen thuộc như bầy vịt thong thả bơi lội bên bờ ao làng. Trên mái cung điện nguy nga, xen giữa những lớp ngói âm dương những lá đề lệch trang trí là đàn uyên ương mềm mại, uyển chuyển như đàn vịt quấn quýt giữa hồ sen với lớp sóng nhẹ lăn tăn. Dường như khi được tập hợp từ nhiều miền quê về xây dựng kinh thành, các nghệ sĩ dân gian đã cách điệu hình tượng đậm đà tính dân gian này vào việc trang trí  cung điện nguy nga sang trọng, như một hoài niệm về chốn thôn dã – nơi xuất thân của những vị vua đang ngự ở Hoàng Thành.

Từ thế kỷ 10 Đông Nam Á bước vào giai đoạn xác lập các quốc gia độc lập và phát triển thịnh đạt của các vương triều phong kiến. Trong bối cảnh đó văn hóa Đại Việt  thời Lý – Trần –Lê có những ảnh hưởng nhất định của văn hóa Đông Nam Á –  trực tiếp và cụ thể là điêu khắc Chămpa –  bên cạnh “ hình mẫu” của thời đại bấy giờ là văn hóa Trung Hoa. Điều này đã được các nhà nghiên cứu khảo cổ học lịch sử và mỹ thuật Việt Nam nhận biết từ lâu qua kiến trúc, trang trí chùa tháp, di vật khảo cổ học nhiều nơi và ngay tại Hoàng thành Thăng Long.  Điều khác biệt là sự giao lưu của văn hóa Đại Việt với văn hóa ĐNA nhuần nhuyễn các yếu tố văn hóa tôn giáo (Phật giáo), văn hóa cung đình và văn hóa dân gian. Nhờ vậy nền “văn minh Đại Việt” đã phát triển rực rỡ suốt gần 10 thế kỷ dù phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh và là yếu tố quan trọng để Thăng Long luôn có một vị thế quan trọng đối với khu vực trong suốt thời kỳ tồn tại và phát triển của mình.

Bảo tàng “Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội” còn tiếp tục bổ sung và hoàn thiện để phục vụ rộng rãi công chúng Việt Nam và quốc tế. Điều cần nhận thấy là chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng những bảo tàng hiện đại, hấp dẫn và có giá trị khoa học cao, nếu bên cạnh việc đảm bảo những điều kiện vật chất là sự tham gia trực tiếp của những chuyên gia có trình độ và hiểu biết sâu sắc về chuyên môn, như trường hợp dự án bảo tàng “Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội”.

Hà Nội, tháng 9/2016



 


160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...