Vụn vặt đời thường (130). Ngày 20 -11

@ Thật sự tôi luôn nghĩ 20/11 là “một ngày như mọi ngày” vì nghề nào cũng có cả vinh quang và cay đắng, nghề nào cũng xứng đáng được tôn vinh nếu xã hội thực sự coi trọng. 
Tôi bây giờ chỉ là giảng viên “nghiệp dư” (theo nghĩa không thuộc biên chế trường nào), vì vậy chân thành cám ơn nhiều trường, khoa đã mời đến dự lễ 20 /11. Cám ơn những lời chúc mừng của các anh chị, các bạn và học trò qua FB, điện thoại, email… 
Nghề giáo được coi là "nghề chèo đò" nhưng con thuyền giáo dục hiện thời còn quá nhiều bất an! 
Vì vậy xin được chúc các Thầy Cô, các anh chị và các bạn đổng nghiệp những điều tốt lành nhất trong nghề nghiệp và trong cuộc sống!



Ba tôi là người Thầy đầu tiên của tôi, không chỉ dạy chữ mà Ba dạy tôi làm Người. Một đoạn tôi viết về Ba vào ngày 10 năm ba mất (1995):
Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết. Trong không khí náo nức chung tôi có một niềm vui nhỏ dành tặng ba nhân ngày đầu năm. Đó là việc tôi thi đậu vào trường Nghệ thuật Sân khấu. Khi tôi hồi hộp báo tin, không như tôi nghĩ, ba ngồi lặng với vẻ băn khoăn lo lắng. Cuối cùng ba nói với tôi, trang nghiêm mà trìu mến:
- Ba rất vui khi có một đứa con muốn nối nghiệp ba. Trước khi con tự quyết định tương lai của mình, ba muốn nói với con điều này. Mọi nghề nghiệp đều đẹp và đều sẽ thành công nếu ta lao động kiên nhẫn và trung thực. Nhưng trong nghệ thuật thì còn phải có một điều kiện quan trọng, đó là tài năng. Không có tài thì không có vai diễn hay, mà đã là diễn viên phải là một diễn viên giỏi. Đây không phải là chuyện danh tiếng mà là chuyện làm gì để có ích nhiều hơn cho mọi người, cho xã hội, và cho bản thân mình.
Với ba tôi, danh hiệu “nghệ sĩ” thật là cao quý… Lần đầu tiên ba tâm sự với tôi về nghề nghiệp cùng những buồn vui thăng trầm của cuộc đời nghệ sĩ, khi hiểu được điều đó tôi mới thực sự trở thành “người bạn” nhỏ của ba.
Khi tôi tốt nghiệp đại học và được trường giữ lại làm giảng viên, ba tôi rất vui vì trước đây ông cũng là một thầy giáo. Ông hay nói với tôi: “Người thầy giáo cũng như người nghệ sĩ. Phải yêu nghề, yêu người, yêu đời sâu sắc thì mới có thể đứng trên bục giảng hay trên sân khấu để mang đến cho mọi người những điều tốt đẹp của cuộc sống. Thầy giáo hay nghệ sĩ đều là những “kỹ sư tâm hồn”, nhưng tiếc rằng giữa hai nghề này luôn có một khoảng cách khá xa… Người thầy giáo thì thiếu tâm hồn nghệ sĩ, còn người nghệ sĩ lại thiếu đạo đức của người thầy!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...