QUÁ KHỨ TRONG NGÀY HÔM NAY

Nguyễn Thị Hậu

Từ hơn mười năm trước cuộc khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long (tại số 18A đường Hoàng Diệu, quận Ba Đình) đã mang lại kết quả rực rỡ không ngờ! Lần đầu tiên tìm thấy dấu tích kiến trúc dày hàng mét trong diện tích khoảng 19.000m2 có hàng triệu di vật là phế tích của các công trình kiến trúc cung điện, trong đó phần lớn là vật liệu bằng đất nung như gạch, ngói, đồ gốm trang trí có niên đại suốt từ thế kỷ VII – IX đến thế kỷ XIX – XX.

Sau thời gian dài nghiên cứu, dấu tích ngàn năm của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội nằm sâu trong lòng đất vừa được chuyển tải tới đông đảo công chúng qua bảo tàng “Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội” – một bảo tàng hiện đại nhất Việt Nam hiện nay,  có thể sánh ngang nhiều bảo tàng khác trên thế giới. Trong hai tầng hầm của bảo tàng, bằng phương tiện kỹ thuật và phương pháp trưng bày mới, mang tính cộng đồng cao, thể hiện hai thời kỳ từ tiền Thăng Long (thế kỷ 7 -10) đến Thăng Long thời Lý – Trần – Lê (thế kỷ 11 – 18) đã dẫn dắt người xem đi theo những câu chuyện của các nhà khảo cổ. Đó là “câu chuyện” từ Thăng long – rồng bay lên đến “Bình minh Thăng Long” – thời kỳ rực rỡ của văn minh Đại Việt.

Lần đầu tiên những hiện vật khảo cổ của Hoàng Thành cất lên tiếng nói một cách sinh động: quá trình xây dựng cung điện như thế nào, những di tích và vật liệu đá, gạch, ngói xây dựng những gì, cảnh quan trong ngoài Hoàng Thành qua hình ảnh bức tường bao với sắc màu hoa lá bốn mùa ra sao, sinh hoạt thường ngày trong Hoàng cung qua những di tích giếng nước, đồ gốm, sành, sứ… Cả những câu chuyện quanh giai đoạn Phật giáo “hoàng kim” của nhà nước Đại Việt… Phương pháp trưng bày lồng ghép, đan xen giữa di tích và di vật, trong đó di tích được xem là “hồn cốt”; di vật được xem là các “hạt nhân” được trưng bày ngay trong lòng di tích với phong cách trình diễn kết hợp đồ họa, hệ thống sa bàn, hình ảnh, ánh sáng hiện đại, những chú thích ngắn gọn, đầy đủ… tạo nên những bộ “trang phục” và “trang sức”… Tất cả đã kể lại những câu chuyện về kinh đô Thăng Long xưa một cách phong phú, cụ thể và rất hấp dẫn.

Không thể phủ nhận vẻ rực rỡ nguy nga của Hoàng thành Thăng Long hiện ra từ những gì mà các nhà khảo cổ của Trung tâm nghiên cứu kinh thành (Viện hàn lâm KHXHVN) đã dày công nghiên cứu nội dung và tiếp cận giá trị của nó từ những phương pháp trưng bày hiện đại nhất. Đây được coi là bảo tàng về Khảo cổ học đầu tiên của nước ta. Sự thành công của bảo tàng ở chỗ hiện vật khảo cổ học đến được với người xem bằng tất cả vẻ đẹp từ hình thức, trang trí, hoa văn đến giá trị văn hóa mà cổ vật lưu giữ, mọi người cảm nhận sâu hơn về giá trị của những phát hiện khảo cổ học. Bên cạnh đó sự tương tác của du khách với các phương tiện multimedia hỗ trợ  đã giúp mở rộng hiểu biết, tri thức các vấn đề lịch sử, văn hóa liên quan đến thời đã qua, mang lại cảm giác đang chứng kiến đời sống cung đình, được “can dự” vào lịch sử và từ đó, lịch sử không còn chỉ là quá khứ.

Tuy nhiên, nếu một Thăng Long rực rỡ chốn cung đình hiển hiện rõ ràng bằng di vật đặc sắc là những đầu rồng, đầu phượng, lá đề, gạch in chữ, gốm sứ với rồng 5 móng, những kiến trúc đồ sộ và tinh tế… thì cũng cần nhận thấy, tất cả đều được xây dựng từ bàn tay tài hoa của những người dân đến từ những làng xã, phường thợ tứ xứ. Vì vậy, văn hóa dân gian – cụ thể là trang trí, điêu khắc để lại dấu ấn đậm nét trong cung điện Hoàng Thành và có lẽ cần được thể hiện nhiều hơn trong bảo tàng. Chỉ cần nhìn những bức tượng uyên ương thể hiện sinh động: mình thon thả hai cánh xoè rộng, ngực ưỡn đuôi cong, đầu ngẩng cao nhìn thẳng về phía trước, lông cánh được tỉa chạm rất chi tiết, gần gũi và quen thuộc như bầy vịt thong thả bơi lội bên bờ ao làng. Trên mái cung điện nguy nga, xen giữa những lớp ngói âm dương những lá đề lệch trang trí là đàn uyên ương mềm mại, uyển chuyển như đàn vịt quấn quýt giữa hồ sen với lớp sóng nhẹ lăn tăn. Dường như khi được tập hợp từ nhiều miền quê về xây dựng kinh thành, các nghệ sĩ dân gian đã cách điệu hình tượng đậm đà tính dân gian này vào việc trang trí  cung điện nguy nga sang trọng, như một hoài niệm về chốn thôn dã – nơi xuất thân của những vị vua đang ngự ở Hoàng Thành.

Từ thế kỷ 10 Đông Nam Á bước vào giai đoạn xác lập các quốc gia độc lập và phát triển thịnh đạt của các vương triều phong kiến. Trong bối cảnh đó văn hóa Đại Việt  thời Lý – Trần –Lê có những ảnh hưởng nhất định của văn hóa Đông Nam Á –  trực tiếp và cụ thể là điêu khắc Chămpa –  bên cạnh “ hình mẫu” của thời đại bấy giờ là văn hóa Trung Hoa. Điều này đã được các nhà nghiên cứu khảo cổ học lịch sử và mỹ thuật Việt Nam nhận biết từ lâu qua kiến trúc, trang trí chùa tháp, di vật khảo cổ học nhiều nơi và ngay tại Hoàng thành Thăng Long.  Điều khác biệt là sự giao lưu của văn hóa Đại Việt với văn hóa ĐNA nhuần nhuyễn các yếu tố văn hóa tôn giáo (Phật giáo), văn hóa cung đình và văn hóa dân gian. Nhờ vậy nền “văn minh Đại Việt” đã phát triển rực rỡ suốt gần 10 thế kỷ dù phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh và là yếu tố quan trọng để Thăng Long luôn có một vị thế quan trọng đối với khu vực trong suốt thời kỳ tồn tại và phát triển của mình.

Bảo tàng “Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội” còn tiếp tục bổ sung và hoàn thiện để phục vụ rộng rãi công chúng Việt Nam và quốc tế. Điều cần nhận thấy là chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng những bảo tàng hiện đại, hấp dẫn và có giá trị khoa học cao, nếu bên cạnh việc đảm bảo những điều kiện vật chất là sự tham gia trực tiếp của những chuyên gia có trình độ và hiểu biết sâu sắc về chuyên môn, như trường hợp dự án bảo tàng “Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội”.

Hà Nội, tháng 9/2016



 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...