Nguyễn
Thị Hậu (Tạp chí Người Đô Thị số ra ngày 25/11/2016)
Bảo tàng – thiết
chế văn hóa phổ biến và quen thuộc trên khắp thế giới có nhiều loại hình, nhiều
quy mô và chủ đề, phong cách khác nhau. Trong thời đại mà du lịch là ngành kinh
tế - văn hóa đang và sẽ rất phát triển thì bảo tàng tại các thành phố là những
điểm đến quan trọng, không thể thiếu trong đời sống văn hóa đô thị.
Tham gia chương trình nghiên cứu về bảo tồn di sản
văn hóa đô thị tôi có dịp đến một số thành phố “di sản thế giới” ở châu Âu. Tại
đây cảnh quan đô thị và những công trình kiến trúc thời trung cổ còn được bảo tồn
rất tốt, trở thành “sản phẩm văn hóa” chủ yếu, cùng với dịch vụ du lịch tạo nên
ngành kinh tế chính của những thành phố này. Đồng thời hệ thống bảo tàng theo
nhiều chủ đề cũng tạo nên sự khác biệt, trong đó Bảo tàng lịch sử của các thành
phố luôn giữ vai trò chính yếu.
Bruges là thành phố lớn của Vương quốc Bỉ. Khu vực
trung tâm thành phố từ lâu đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Thành phố có rất nhiều bảo tàng nằm trên những đường phố cổ. Tại quảng trường
trung tâm là Bảo tàng lịch sử (Historium Brugge – theo tiếng Hà Lan). Tòa nhà bảo
tàng là công trình cổ còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc và cả những cấu kiện bằng
gỗ bên trong. Nhờ việc bảo tồn và đầu tư trưng bày hiện đại nên bảo tàng rất hấp
dẫn và để lại nhiều ấn tượng khó quên cho du khách.
Từ thế kỷ thứ 9 thành phố Bruges là một phần của hệ
thống phòng thủ chống lại sự xâm lược của người Bắc Âu. Vì vị trí gần biển Bắc,
Bruges dần dần trở thành một thương cảng quan trọng và giao lưu với nhiều nơi
khác ở châu Âu. Với tiềm năng tài chính hùng mạnh Bruges phát triển mạnh nhất từ
thế kỷ 12 đến thế kỷ 15 và chính trong thời kỳ này đã xuất hiện những công
trình kiến trúc đồ sộ và đẹp nhất. Trong vòng vài trăm năm thời Trung cổ và Phục
hưng, Bruges là một trong những trung tâm kinh tế và nghệ thuật lớn nhất châu
Âu.
Tại bảo tàng, lịch sử thành phố đã được lồng vào câu
chuyện tình yêu của một phụ nữ quyền quý với chàng họa sĩ nghèo. Hình ảnh người phụ nữ rất đẹp với chiếc áo choàng đỏ
trở thành một biểu tượng của thành phố. Có thể nói sự hấp dẫn của bảo tàng là ở
đây bởi nó tạo ra sự khác biệt của lịch sử Bruges với những thành phố thời trung
cổ hiện diện khắp Châu Âu và nhiều nơi khác.
Du khách tham quan từng tốp nhỏ tối đa 15 người và đi
theo sự hướng dẫn qua hệ thống audio (có thể lựa chọn nhiều ngôn ngữ khác nhau)
để lần lượt xem hết các phần trưng bày trong khoảng 60 phút. Dựa vào cấu trúc
ngôi nhà bảo tàng, mỗi phần trưng bày là một gian khép kín tạo nên sự chú ý cao
của du khách, đồng thời mỗi người được “tương tác” thông qua phương tiện visual
studio: phim ảnh, âm nhạc, tiếng động và cả mùi vị… Bằng các giác quan du khách
“trải nghiệm” lịch sử cũng như những sinh hoạt hàng ngày của Bruges ở thế kỷ 15
– thời kỳ thịnh trị của Bruges, tham gia chứng kiến câu chuyện của các nhân vật..
. Đây là sự chọn lựa khôn khéo và chính xác của bảo tàng về “thời điểm, sự kiện”
điển hình để xây dựng kịch bản trưng bày câu chuyện về thành phố.
Vị trí của bảo tàng lịch sử Bruges cũng là một sự hấp
dẫn đối với du khách, bởi vì cuối phần trưng bày tuyến tham quan sẽ dẫn du khách ra sân thượng của bảo tàng. Từ đây
toàn bộ quảng trường trung tâm và các khu phố cổ liền kề hiện ra dưới tầm mắt.
Lịch sử “trong bảo tàng” và hiện thực đan xen vào nhau tạo nên những ấn tượng rất
sâu sắc.
Cũng như nhiều bảo tàng khác, tại đây có nơi bán đồ
lưu niệm mà phần lớn là sách vở, tranh ảnh về bảo tàng. Những sản phẩm lưu niệm
khác cũng mang dấu ấn riêng của thành phố Bruges mà không nơi nào có nên du
khách ai cũng muốn mua một món đồ lưu niệm. Phòng cà phê và ăn nhẹ cũng trang
trí những bức họa nổi tiếng, tạo không khí thư giãn mà vẫn có thể hấp dẫn bởi sự
mới lạ. Nguồn thu từ những dịch vụ này rất đáng kể bên cạnh tiền vé vào xem bảo
tàng.
Mỗi thành phố đều để lại những dấu ấn lịch sử của
mình bằng những di tích lịch sử văn hóa, trong lòng đất và trên mặt đất. Tuy
nhiên cộng đồng cư dân và du khách không phải lúc nào cũng có điều kiện và đủ
thời gian để có thể tham quan tìm hiểu tất cả những di tích đó, chưa kể nhiều dấu
ấn cổ xưa đã biến mất theo thời gian và do những biến cố xã hội. Vì vậy bảo
tàng lịch sử thành phố là “giải pháp tối ưu” để mọi người có thể tìm hiểu về lịch
sử và văn hóa và những nét độc đáo của thành phố một cách đầy đủ nhất trong thời
gian ngắn nhất.
Tiếc rằng khi tìm kiếm trên Google thì những website
và tour du lịch giới thiệu về Bruges bằng tiếng Việt không giới thiệu
Historical Museum mà thường chỉ có các bảo tàng Sôcôla, bảo tàng Khoai tây và bảo tàng Kim cương
(trong số hàng chục bảo tàng ở đây). Có lẽ vì những bảo tàng này có thể kết hợp
shopping – một thói quen và nhu cầu phổ biến của nhiều du khách Việt. Trong khi
đó việc tham quan bảo tàng lịch sử để hiểu
biết về nơi mình đến thì hầu như các tour đều bỏ qua. Tôi đã đến khá nhiều bảo
tàng lịch sử của những thành phố du lịch nổi tiếng nhưng hầu như rất ít gặp du
khách Việt, nếu có chỉ là vài sinh viên du học hoặc người nghiên cứu. Có lẽ nào người Việt đi du lịch chỉ mang về
quà cáp hàng hóa mà không quan tâm đến những câu chuyện về lịch sử - văn hóa của
các di sản thế giới để bổi bổ cho sự hiểu biết và tri thức, ngoài những tấm
hình selfie chụp vội tại di tích (và do mải chụp hình nên hầu như cũng chẳng
nghe được những gì hướng dẫn viên đang thuyết minh).
Ở Việt Nam nếu chỉ đầu tư bảo tồn các khu phố cổ, di
tích cổ nhưng không có hệ thống bảo tàng hỗ trợ thì không tạo được đặc trưng
riêng biệt. Những bảo tàng khảo cổ hay lịch sử, ẩm thực hay trang phục… của từng
thành phố sẽ tạo nên sự khác biệt, đa dạng và sức hấp dẫn lâu dài. Với thời
gian bảo tàng trở thành di sản văn hóa do nhiều thế hệ xây dựng và phát triển.
Bruges,
đầu tháng 9/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét