LINH TINH LANG TANG (80) – Qua tháng Tư là đến tháng Năm

Ừ thì thế, vòng thời gian năm nào chẳng thế.
Tháng Tư, cái tháng Sài Gòn nóng như nung nắng hầm hập, dường như bao nhiêu nhiệt lượng chưa phung phí hết trong năm thì đổ cả vào tháng Tư.
Tháng Tư, đến cả thế giới ảo cũng nóng. Sức nóng từ bom đạn chiến tranh như không hề nguội bớt. Dường như mỗi năm cứ tích tụ dồn lại để đến thời gian này, những viên đạn bằng ngôn từ lại bắn vào quá khứ… Vết thương gần 40 năm qua muốn lành da cũng khó…
Tháng Tư, nghe chuyện nhà bạn mà như chuyện của rất nhiều gia đình sau tháng Tư năm ấy. Hai mươi năm bặt tin, một ngày đầu tháng Năm một bà mẹ được ôm người con gái trong vòng tay. Đứa con gái mà bà đã phải lập bàn thờ từ khi nó đi tập kết với lời hứa: con đi 2 năm sẽ về với má. Bàn thờ đứa con còn sống ở “phía bên kia” là để cho những đứa con khác yên ổn học hành, đi làm, đi lính…Nhưng chưa kịp mừng vì con gái trở về bà đã phải đưa 2 người con trai đi học tập cải tạo. Gia đình lại chia ly. Người chị tìm cách bảo lãnh cho hai em ra khỏi trại cải tạo sớm hơn hạn định, gia đình gom góp tiền bạc cho họ vượt biên. Cũng may, người trong nhà thuộc bên này hay bên kia, cũng có lúc hờn giận nhau nhưng không nuôi oán trách thù hận. Họ thương yêu nhau hơn vì không muốn làm người mẹ buồn, vì họ hiểu không ai trong gia đình muốn những việc như thế xảy ra.
Tháng Tư, một cái hẹn gặp bạn từ xa về, nhưng rồi bạn lại vội vã đi xa, thật xa, đến một nơi không hẹn ngày quay lại… Nhớ lần đầu gặp bạn ở DC, chúng ta tuy xuất thân từ hai chiến tuyến nhưng thân thiết với nhau dù chỉ qua mạng ảo, nhờ sự chân thành và cảm thông khi nhìn về quá khứ, “để cho con trẻ mai này còn được ngồi bên nhau, chúng ta nhẹ nhõm hơn mỗi khi gặp lại”. Lần đầu gặp nhau ai ngờ là lần cuối, nhưng tôi tin rằng sau này ở trên cao xanh chúng ta vẫn là những người bạn thân, dù mỗi năm tháng Tư vẫn đến.
Tháng Tư, vẫn còn những ngày nắng nóng nhưng đây đó Sài Gòn đã có những cơn mưa đầu mùa dù mưa chưa thật lớn để cuốn đi hết oi bức ngột ngạt. Đứng phía nào thì thấy mưa rơi? – bạn mình đã hỏi vậy. Ừ, chưa thấy mưa rơi nhưng nếu thật lòng mong đợi những cơn mưa thì không khó để nhận ra những cơn gió mát mang theo hơi ẩm bay về, những đám mây trĩu nước đã bay ngang, và tiếng sấm ầm ì báo hiệu cơn giông ở đầu kia thành phố…
Người bạn vong niên của tôi, một cựu binh Sài Gòn, một lần gặp nhau ở nơi xa, trong quán cà phê xung quanh vẫn hầm hập chuyện những ngày Sài Gòn tháng Tư, anh nhẹ nhàng nói với tôi mà như tự nhủ: đã buông thì hãy bỏ, cho nhẹ lòng. Cuộc sống vẫn tiếp tục, hãy để cho quá khứ đi qua, dù ta không thể quên thì nó là thứ duy nhất mà ta không thể nào thay đổi được.
Những người cựu binh bên này bên kia mà tôi biết, họ đã trải qua những tháng năm nóng bỏng nhất của cuộc chiến. Dường như qua tuổi “tri thiên mệnh” họ đã chiêm nghiệm được một điều đơn giản: qua tháng Tư oi bức những cơn mưa rào tháng năm đang đến…
29.4.2014

Linh tinh lang tang (50) BẠN – BÈ



Mình là người có nhiều bạn bè, và mình có thể giao tiếp thân thiện với mọi người, cả ngoài đời và trên mạng. Tất nhiên, bạn thân thì không nhiều.
Bạn mình, là đồng nghiệp, là bạn cà phê – nhậu vỉa hè, bạn hay đi bụi, lang thang với nhau, bạn cùng sở thích phim, sách, là người đã có thể chia sẻ với mình trên không gian Mạng… Có người đã quen biết ngoài đời, nhưng cũng có người chỉ gặp nhau trên Mạng - ảo – mà – không - ảo. 

Gần hết cuộc đời, nói chung bạn bè luôn là niềm vui của mình, chưa kể mình học được nhiều từ họ, dù tuổi tác ngang nhau hay lớn hơn, thậm chí nhỏ hơn. Có bạn chỉ tầm tuổi con gái mình, và ngay cả các con cũng là bạn của mình. Có lẽ mình giống Ba – ông là người quảng giao. Mình cũng giống Ba cả sự tự chủ và ít khi bị ảnh hưởng bởi bạn bè, càng không a dua theo số đông. Hay nói một cách khác, dù chơi với ai, dù họ thế nào… mình vẫn là MÌNH. Chả biết điều này là tốt hay xấu nữa.

Bạn cứ đọc của mình mà xem, có lẽ không giống ai, phải không? Bạn hỏi sao mình viết về chuyện riêng hay chuyện chung lúc thì sến rện lúc hài hước nhảm nhí khi thì rành mạch khô khan khi lại ghê gớm đáo để như thế? Chẳng biết, tuỳ tâm trạng và cần thế nào thì viết như thế. Nếu bạn thấy ít nhiều đồng cảm với bất cứ tâm trạng nào của mình thì đấy là niềm vui rồi, cần gì phải théc méc nữa. Quan trọng với mình là viết thật những gì mình thấy, nghĩ, nhận biết. THẬT cả suy nghĩ và THẬT cả ngôn từ (“ngôn ngữ là cái vỏ của tư duy”, mình vẫn được dạy như thế, hehe). Mình biết có lúc nó bộc lộ sự kém cỏi, hời hợt, thậm chí ngu dại, kém dốt của mình, nhưng không thể viết khác.

Trong quan hệ bạn bè cũng thế, mình khó mà giả dối được với ai. Tất nhiên không thể coi tất cả các mối quan hệ là như nhau, bởi vì với mỗi người bạn mình có những “ràng buộc” của ký ức của hiện tại khác nhau. Với mình ký ức là phần quan trọng trong việc duy trì tình bạn. Có thể một lúc nào đó mình và bạn không cùng cách nhìn không cùng suy nghĩ về một vấn đề nào đó nữa thì mình vẫn gìn giữ tình bạn bởi con người bạn quan trọng hơn.
Có vài tình bạn đã tan vỡ, bởi vì có những chuyện giữa bạn bè không bao giờ có thời điểm thích hợp để nói ra, bởi vì lẽ ra chuyện đó không thể xảy ra, bởi vì nếu nó đã xảy ra thì đó là một việc không chính trực. Lúc đó, mình ra đi vì bạn đã không xứng đáng với những gì mình dành cho bạn.

Những người bạn thân của mình luôn tin mình, vì họ biết, mình là người tôn trọng và gìn giữ tình cảm bạn bè dù có bất cứ điều gì xảy ra. Mình nghĩ đơn giản thế này, sống mà cư xử không tình nghĩa với bạn bè thân thiết thì khó có thể là người thực sự trung thành với lý tưởng, dù có thể bạn nói rất hay về những lý tưởng tốt đẹp!
Ngẫm ngợi lâu rồi giờ về hưu mới nói về chuyện bạn – bè, e rằng quá muộn. Nhưng muộn còn hơn không bao giờ. Và quan trọng là mình đã đủ trải nghiệm để nói ra dù chỉ một điều giản đơn như thế.

(2013 – 26/4/2014)

ĐỪNG ĐẶT CƯỢC ĐỜI MÌNH…


THỰC HIỆN: HUỲNH ANH MINH
Dưới góc độ 1 người đã lập gia đình và có 2 cô con gái, chị đồng ý hay phản đối tình dục trước hôn nhân?
-        Tôi không phản đối cũng không đồng ý vì nếu đó là sự lựa chọn của các con. Nhưng thật tình tôi không muốn các con có lựa chọn đó, vì tình trạng “tình dục trước hôn nhân” luôn mang lại cho những người đàn bà ở thế hệ tôi cảm giác “không an toàn”.
Không chỉ dừng lại ở những đam mê và bồng bột khi lữa gần rơm, những thiếu thốn tình cảm gia đình có thể là một trong những yếu tố khiến các bạn trẻ muốn sớm thiết lập một mối quan hệ sống thử trc hon nhan. Chị có nghĩ vậy không?
- Đúng. Không chỉ những bạn trẻ sống xa nhà mà ngay cả những bạn trẻ sống cùng gia đình, nhất là ở các thành phố lớn, hiện nay cũng có nhiều bạn ở vào tình trạng cô đơn ngay trong ngôi nhà của mình. Đó là vì giữa thế hệ cha mẹ và con cái chưa tìm được tiếng nói chung, chưa chia sẻ được với nhau những điều phức tạp của cuộc sống đang diễn ra hàng ngày. Bạn trẻ tìm đến quan hệ “sống thử” như tìm đến một chỗ dựa về tinh thần, nhiều trường hợp là chỗ dựa và chia sẻ khó khăn về vật chất nữa. Tất nhiên tôi không nói đến trường hợp bạn trẻ coi tình dục trước hôn nhân là một “trò chơi” hay là sự đua đòi “cho biết”.
Sống thử ở đây đi xa hơn giới hạn của quan hệ tình dục trước kết hôn, mang ý nghĩa tích cực, các bạn trẻ và ngay cả những ng đã trưởng thành muốn "thử" cho chắc ăn trước khi đi đến một cam kết nào đó. là người từng trải, đi nhiều và hiểu nhiều về phụ nữ, theo chị bao nhiêu phần trăm những phụ nữ chọn cách sống thử biết chấp nhận, ý thức đươc 1 sự thật rằng: chỉ bản thân họ đánh cược số phận mình chứ kg phải là ai khác?
- Khó có thể trả lời chính xác khi chưa có một số liệu điều tra xã hội học về tính trạng này. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với nhiều bạn nữ sinh viên hoặc nữ công nhân trong một số khu công nghiệp-khu chế xuất, tôi cảm nhận phần lớn các bạn đã hoặc chưa/ không sống thử đều hiểu là mình đang “đánh cược” với niềm hạnh phúc rất bấp bênh nhưng họ chưa ý thức được cái gọi là “số phận” hay tương lai xa, mà họ chỉ lo lắng “cuộc sống chung này được chừng nào hay chừng đó”, tức là họ chưa/không nghĩ xa hơn thực tại cuộc sống.

Nếu cho rằng sống thử sẽ hạn chế những rủi ro xấu, là cách sàng lọc trước hôn nhân thì chị có phản đối không? vì sao?
-        Nếu với ý nghĩa đó thì tôi cho rằng cần thay đổi khái niệm “sống thứ” bằng “hôn nhân thử”, bởi vì các bạn đó sống với nhau thật mà, quan hệ tình dục cũng thật, chia sẻ hỗ trợ về kinh tế cũng thật. Chỉ có chưa làm đám cưới và chưa có giấy đăng ký kết hôn – hai điều kiện quan trọng để có một cuộc hôn nhận hợp pháp (theo luật định và theo truyền thống). Và như vậy, cuộc “hôn nhân thử” cũng phải có thái độ nghiêm túc, chân thực, có trách nhiệm, bởi nếu không như thế thì không thể đạt được ý nghĩa là sàng lọc, hạn chế những rủi ro cho cuộc hôn nhận thực sự. Còn nếu chỉ coi “sống thử” chỉ là “thử cho biết”, “thử thôi mà” thì tôi nghĩ, bất cứ người làm cha làm mẹ nào cũng phản đối.
Chị có con gái ở tuổi đang lớn và trưởng thành, nếu các em ấy quyết định đặt cược số phận mình bằng cách sống thử chị sẽ xử lí thế nào?
Tôi sẽ không phản đối một cách cực đoan… có lẽ tôi sẽ nói với con tôi thế này: Con lựa chọn như thế nào thì con cũng phải tự chịu trách nhiệm về những kết quả tốt hay xấu. Nhưng dù con có gặp bất cứ chuyện gì thì mẹ vẫn luôn bên con, chia sẻ với con mọi chuyện, tuy nhiên, mẹ không sống đời cùng con, không thể bên con mãi mãi. Vậy con hãy nghĩ cho kỹ khi quyết định để sau này không phải ân hận, không phải tủi thân vì không có ai chia sẻ.
Theo chị cách rao giảng của xã hội bây giờ có thật là cứu cánh để các bạn trẻ ý thức hơn trước mọi quyết định của mình? có câu chuyện sống thử nào trên thực tế khiến chị phải giật mình không?
-        Cách rao giảng của xã hội hay sự khuyên nhủ của người lớn hiện nay với con trẻ trong chuyện này còn mang tính một chiều: mới chỉ nhìn thấy sự vi phạm đạo đức truyền thống và sự rủi ro của cuộc sống chung không được sự bảo vệ của pháp luật. Tuy nhiên cuộc sống đã có nhiều thay đổi, suy nghĩ của lớp trẻ, kể cả quan niệm đạo đức về việc này của họ cũng đã có phần khác trước. Vì vậy cách khuyên răn cần nhấn mạnh vào việc người trẻ cần có sự hiểu biết để tự chịu trách nhiệm trước mọi lựa chọn. Mọi cảnh báo của người lớn phải làm cho người trẻ thấy đó là những bài học mà người trẻ cần được biết để tự rút kinh nghiệm.
-        Tôi đã gặp những cuộc “sống thử” có kết thúc giống nhau. Điều làm tôi giật mình là các bạn trẻ, cả nam và nữ, ngay lúc đó hình như  ít băn khoăn suy nghĩ vì sự đổ vỡ… Có lẽ vì các bạn quan niệm – như cách gọi  của xã hội hiện nay – đó là “sống thử”. Mà thử lần này không được thì… thử lần khác.

Có ý kiến cho rằng vấn đề hoà hợp tình dục giữa hai người vô cùng quan trọng có thể quyết định chất lượng hay sự lâu bền của đời sống hôn nhân. Vì vậy phụ nữ nên có nhiều trải nghiệm tình dục trước khi quyết định tiến đến hôn nhân. Quan điểm của chị về vấn đề này như thế nào?
 Hoà hợp tình dục là điều kiện cần, nhưng ko phải là điều kiện đủ cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Sự hoà hợp tình dục, theo chị, là cả về ý niệm lẫn thực hành. Cả hai điều này đều có thể dạy/học lẫn nhau, nếu 2 người yêu nhau thật sự thì sẽ tìm ra tiếng nói chung về tình dục. Hay nói cách khác, yêu nhau thực sự họ sẽ biết cách để thích hợp với nhau về tình dục. Tất nhiên loại trừ những trường hợp cá biệt về nhu cầu tình dục.



GÓT THỊ MẦU ĐẦU CHÂU LONG - tập truyện ngắn của TRẦN CHIẾN

Tập truyện “Gót Thị Mầu, đầu Châu Long”.

Lời giới thiệu

Tập 10 truyện ngắn của tác giả Trần Chiến có tên “Gót Thị Mầu, đầu Châu Long”, cũng là tên hai truyện ngắn trong tập, nhưng tôi vẫn muốn gọi tập truyện này là NHỮNG CHUYỆN TRUYỀN THẦN.
Chuyện, là vì tất cả được kể bằng giọng văn nhẩn nha, đủng đỉnh như có vẻ rề rà, đang kể thì thong thả với tay lấy điều cày, làm một điếu nhả khói mơ màng, lại từ tốn chiêu ngụm nước chè, khoan khoái cả con người… rồi mới từ từ  kể tiếp. Chuyện, là vì giọng điệu ngôn ngữ dân dã,  những tên đất tên làng tên người mộc mạc, giản đơn, “nôm na mách qué”, những tích những trò quen thuộc như ta từng say mê chiếu chèo nơi sân đình ngày thơ ấu.
Truyền thần, là vì truyện này kể về những vị thần “ảo” hay “thực”, những tích xưa thần bí. Đọc truyện mà như đang ngắm nhìn những bức chân dung truyền thần của người nghệ sĩ tài hoa nơi góc phố, những gương mặt sống động đấy mà cũng vẫn hư hư thực thực, phần thực thì rất THẬT mà phần hư thì cũng rất LIÊU TRAI. Họ, là những người đã khuất, nhưng từ bức chân dung truyền thần người ta có thể nhận ra con cháu vì “giỏ nhà ai quai nhà nấy”, “ không giống lông thì giống cánh”… Ấy là cái thần được truyền lại trong những thể xác đời sau.
Chuyện/ truyện phong Thần phong Thánh từ xưa mà đã mua bán thế a? Chuyện/ truyện thờ ai cúng ai từ xưa mà cũng nhộn nhạo thế a? Những trương tuần hương dõng, những nhiêu những cai, những quan huấn đốc học, thượng thư tể tướng, cả đấng thiên tử… từ làng Bùm bên sông Củi đến chốn triều đình… nhìn đâu cũng thấy nhang nhác tựa tựa nhau, chao ơi là hài hước là cay đắng.
Những người đàn bà được “truyền thần” trong tập truyện này, tất cả, sau những hồn nhiên hay vùng vẫy, (ngầm) phản kháng, đều “với bao đa đoan, mình không còn là mình. Và là ai, thì chưa  biết”. Nghe sao quen thuộc đến đau lòng, dường như những thân phận ấy vẫn còn đâu đây…
Bi và Hài là hai mặt của cuộc sống, nhưng không là hai nửa rạch ròi như trắng và đen, như đêm và ngày, mà là trong bi có hài trong hài có bi. Nhiều khi cuộc đời lại như lúc nhập nhoạng chiều hôm…Ai đó có nói một câu, đại ý: người ta tiễn đưa quá khứ bằng sự hài hước hóm hỉnh để thanh thản bước vào tương lai. Những truyện/ chuyện hài hước và thâm trầm của nhà văn Trần Chiến khiến người ta mủm mỉm cười, rồi tự nhủ, cuộc đời là thế. Rồi không thể không ngẫm ngợi, chả lẽ cuộc đời vẫn thế…?
Nhà văn, nhà báo Trần Chiến là con trai nhà cách mạng và nhà sử học Trần Huy Liệu (1901-1969). Anh đi lính xong về học văn rồi ra làm báo, viết văn. Tác phẩm của anh đã có Con bụi (tập truyện), Đường đua (tập truyện), Bóng nước (tập truyện), Cõi người (truyện chân dung), Bốn chín chưa qua (tiểu thuyết), Đèn vàng (tiểu thuyết)...
Trong những tác phẩm của nhà văn Trần Chiến có tính cách nho sĩ Bắc Hà hòa quyện với chất liệu dân gian, là một góc nhìn sắc sảo về văn hóa và người Việt truyền thống – những yếu tố mà Sử học hiện đại luôn cần được tiếp cận để phục dựng một “lịch sử xã hội” đa dạng như đời sống vốn có.
Sài Gòn, mười tư tháng Chạp, xuân Giáp Ngọ

TS. Nguyễn Thị Hậu

Xem thêm bài phỏng vấn trên báo Hà Nội Mới
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/sach/676448/di-het-noi-chong-chenh-phan-nguoi

VỤN VẶT ĐỜI THƯỜNG (37)

@ Chiến tranh rồi cũng có lúc chấm dứt nhưng tư tưởng công thần của chính thể dựng nên sau chiến tranh thì tồn tại rất dai dẳng. Nhìn lại các triều đại trong lịch sử nước ta mà xem.
Chính thể hầu như do công thần cầm quyền, hoặc nếu thế hệ sau cầm quyền thì cái bóng của công thần vẫn bao trùm. Có khi “cái bóng công thần” còn bị chính thể lợi dụng nữa.Để thoát khỏi “truyền thống” công thần thì cần một chính thể được lập ra không phải từ/ sau chiến thắng một cuộc chiến (chống ngoại xâm hoặc nội chiến). Điều đó với nước ta e rằng là khó!

@ "Quốc hội tức là dân. Dân quyết sai thì dân chịu, chứ biết kỷ luật ai". (CTQH NSH)
Dân cũng nhiều loại dân, nhé. Mình chắc không phải “dân quốc hội” nên đừng bắt mình phải chịu những cái sai đấy, nhé!


@ Khi những người nghiên cứu khoa học hành xử (với nhau và với công trình NC) một cách không đàng hoàng, không minh bạch thì kết quả công việc không thể có giá trị khoa học.
Đối xử với đồng nghiệp như thế trách gì chính quyền coi thường "nhà khoa học"!
ttp://vanviet.info/phe-binh-gioi-thieu/luan-van-nha-thuyen-tieng-noi-cua-mot-so-nguoi-trong-cuoc/



@VIẾT NGẮN CŨNG CÓ LỢI...

“Những cái mẩu viết ngăn ngắn của mình có thể len lỏi vào bất cứ khoảng thời gian rảnh rỗi nào, vào bất cứ khoảng không gian nhỏ bé nào trong tâm trí người đọc, ở lại đó, cùng chia sẻ với nhau ý tưởng, câu chuyện c...ũng như cảm xúc khi mình viết ra…”- Nguyễn Thị Hậu tự ý thức được cái lợi lạc của việc viết những tản văn ngắn, những câu chuyện chỉ tầm 100 chữ…
http://laodong.com.vn/van-hoa/viet-ngan-cung-co-loi-191098.bld



@ Mình đã được gặp gỡ, quen biết nhiều người nổi tiếng,  rất quý mến và khâm phục nhưng không hiểu sao mình chưa có tấm hình chung với ai, có lẽ vì ngại làm phiền và sợ rằng “thấy người sang...”. Khánh Ly là người nổi tiếng duy nhất mình muốn có được một tấm hình chụp chung với chị, vì những bài hát của Trịnh qua giọng ca Khánh Ly từng là chỗ dựa cho mình trong những năm khốn khó nhất.

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...