GÓT THỊ MẦU ĐẦU CHÂU LONG - tập truyện ngắn của TRẦN CHIẾN

Tập truyện “Gót Thị Mầu, đầu Châu Long”.

Lời giới thiệu

Tập 10 truyện ngắn của tác giả Trần Chiến có tên “Gót Thị Mầu, đầu Châu Long”, cũng là tên hai truyện ngắn trong tập, nhưng tôi vẫn muốn gọi tập truyện này là NHỮNG CHUYỆN TRUYỀN THẦN.
Chuyện, là vì tất cả được kể bằng giọng văn nhẩn nha, đủng đỉnh như có vẻ rề rà, đang kể thì thong thả với tay lấy điều cày, làm một điếu nhả khói mơ màng, lại từ tốn chiêu ngụm nước chè, khoan khoái cả con người… rồi mới từ từ  kể tiếp. Chuyện, là vì giọng điệu ngôn ngữ dân dã,  những tên đất tên làng tên người mộc mạc, giản đơn, “nôm na mách qué”, những tích những trò quen thuộc như ta từng say mê chiếu chèo nơi sân đình ngày thơ ấu.
Truyền thần, là vì truyện này kể về những vị thần “ảo” hay “thực”, những tích xưa thần bí. Đọc truyện mà như đang ngắm nhìn những bức chân dung truyền thần của người nghệ sĩ tài hoa nơi góc phố, những gương mặt sống động đấy mà cũng vẫn hư hư thực thực, phần thực thì rất THẬT mà phần hư thì cũng rất LIÊU TRAI. Họ, là những người đã khuất, nhưng từ bức chân dung truyền thần người ta có thể nhận ra con cháu vì “giỏ nhà ai quai nhà nấy”, “ không giống lông thì giống cánh”… Ấy là cái thần được truyền lại trong những thể xác đời sau.
Chuyện/ truyện phong Thần phong Thánh từ xưa mà đã mua bán thế a? Chuyện/ truyện thờ ai cúng ai từ xưa mà cũng nhộn nhạo thế a? Những trương tuần hương dõng, những nhiêu những cai, những quan huấn đốc học, thượng thư tể tướng, cả đấng thiên tử… từ làng Bùm bên sông Củi đến chốn triều đình… nhìn đâu cũng thấy nhang nhác tựa tựa nhau, chao ơi là hài hước là cay đắng.
Những người đàn bà được “truyền thần” trong tập truyện này, tất cả, sau những hồn nhiên hay vùng vẫy, (ngầm) phản kháng, đều “với bao đa đoan, mình không còn là mình. Và là ai, thì chưa  biết”. Nghe sao quen thuộc đến đau lòng, dường như những thân phận ấy vẫn còn đâu đây…
Bi và Hài là hai mặt của cuộc sống, nhưng không là hai nửa rạch ròi như trắng và đen, như đêm và ngày, mà là trong bi có hài trong hài có bi. Nhiều khi cuộc đời lại như lúc nhập nhoạng chiều hôm…Ai đó có nói một câu, đại ý: người ta tiễn đưa quá khứ bằng sự hài hước hóm hỉnh để thanh thản bước vào tương lai. Những truyện/ chuyện hài hước và thâm trầm của nhà văn Trần Chiến khiến người ta mủm mỉm cười, rồi tự nhủ, cuộc đời là thế. Rồi không thể không ngẫm ngợi, chả lẽ cuộc đời vẫn thế…?
Nhà văn, nhà báo Trần Chiến là con trai nhà cách mạng và nhà sử học Trần Huy Liệu (1901-1969). Anh đi lính xong về học văn rồi ra làm báo, viết văn. Tác phẩm của anh đã có Con bụi (tập truyện), Đường đua (tập truyện), Bóng nước (tập truyện), Cõi người (truyện chân dung), Bốn chín chưa qua (tiểu thuyết), Đèn vàng (tiểu thuyết)...
Trong những tác phẩm của nhà văn Trần Chiến có tính cách nho sĩ Bắc Hà hòa quyện với chất liệu dân gian, là một góc nhìn sắc sảo về văn hóa và người Việt truyền thống – những yếu tố mà Sử học hiện đại luôn cần được tiếp cận để phục dựng một “lịch sử xã hội” đa dạng như đời sống vốn có.
Sài Gòn, mười tư tháng Chạp, xuân Giáp Ngọ

TS. Nguyễn Thị Hậu

Xem thêm bài phỏng vấn trên báo Hà Nội Mới
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/sach/676448/di-het-noi-chong-chenh-phan-nguoi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...