DẤU ẤN VĂN HÓA ĐÔNG SƠN Ở NAM BỘ - VIỆT NAM

  (trích tham luận tại HTKH 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, 1924 - 2024)

Thời đại kim khí Việt Nam có ba trung tâm văn hóa phát triển rực rỡ: Đông Sơn ở miền Bắc, Sa Huỳnh ở miền Trung và Đồng Nai ở miền Nam. Mỗi trung tâm có truyền thống và bản sắc riêng, thông qua giao lưu văn hóa – kỹ thuật mỗi nền văn hóa đã lưu lại dấu ấn đặc biệt của các nền văn hóa khác.

Vùng đất Nam bộ đã phát hiện một số di vật thể hiện dấu ấn của văn hóa Đông Sơn, tuy ít ỏi nhưng là hiện vật đặc trưng của nền văn hóa này. Tìm hiểu về giao lưu văn hóa có thể nhận thấy ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn đến những vùng xung quanh tùy thuộc vào mức độ tương đồng và khác biệt với những nền văn hóa ở đó. Những dấu ấn của văn hóa Đông Sơn ở Nam bộ phản ánh mức độ và cách thức văn hóa Đồng Nai tiếp nhận những ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn.

....

Cơ sở của sự giao lưu văn hóa Đông Sơn và văn hóa Đồng Nai

Đây là hai nền văn hóa hình thành và phát triển chủ yếu ở lưu vực hai con sông lớn: sông Hồng và sông Đồng Nai, là tiền đề của hai nền văn minh. Do đó chúng đều có ý nghĩa lịch sử và giá trị văn hóa quan trọng như nhau. Từ những yếu tố cơ bản của một nền văn hóa khảo cổ, có thể nhìn nhận một số tương đồng và khác biệt của hai nền văn hóa này[1].

Địa hình cư trú của dân cư văn hóa Đông Sơn, văn hóa Đồng Nai.

Xuất phát của hai nền văn hóa này đều từ vùng trung du – đồi phù sa cổ của sông Hồng/sông Đồng Nai. Giai đoạn phát triển cuối – sơ kỳ sắt – thì hệ thống di tích đã lan rộng đến tận ven biển. Nếu văn hóa Đông Sơn lấy sông Hồng làm tuyến phát triển chính, bên cạnh đó còn có lưu vực sông Mã, sông Cả thì văn hóa Đồng Nai cũng lấy lưu vực sông Đồng Nai làm tuyến chính, cùng với đó là lưu vực sông Bé và sông Vàm Cỏ.

Văn hóa Đông Sơn và văn hóa Đồng Nai đều có thể phân chia thành những “loại hình” theo địa lý: Đông Sơn núi/đồng bằng/ven biển; Đồng Nai đồi bazan/phù sa cổ/ngập mặn. Trong đó, dân cư văn hóa Đông Sơn phát triển đời sống phong phú nhất ở đồng bằng sông Hồng còn dân cư văn hóa Đồng Nai có đời sống phong phú nhất là vùng ven biển, vì sông Đồng Nai chưa kịp tạo lập được một vùng đồng bằng như sông Hồng. Đồng thời, vùng cửa sông Đồng Nai nằm trên tuyến đường biển vùng ĐNA có mối quan hệ giao lưu sôi động trong thời hậu kỳ kim khí.

Về quan hệ giao lưu và lan tỏa của hai nền văn hóa Đông Sơn, Đồng Nai

Văn hóa Đông Sơn có xu hướng giao lưu theo dòng chảy của sông Hồng từ phía bắc xuống; trong khi đó ảnh hưởng và giao lưu ở văn hóa Đồng Nai nổi rõ yếu tố từ biển Đông vào. Đến giai đoạn sơ kỳ sắt yếu tố văn hóa lục địa khá nổi trội trong văn hóa Đông Sơn (thể hiện qua những bộ sưu tập công cụ – vũ khí đồng/sắt) còn trong văn hóa Đồng Nai yếu tố văn hóa biển càng rõ ràng (nhất là qua đồ trang sức và đồ gốm của nhóm di tích Giồng Cá Vồ/ Giồng Phệt/ Giồng Lớn/ Gò Ô Chùa).

Trong mối quan hệ với với văn hóa Sa Huỳnh – trung tâm kim khí ven biển miền Trung và là “vùng đệm” thì mối liên hệ Đông Sơn – Sa Huỳnh không nhiều: vài ngôi mộ vò trẻ em, một vài trang sức thủy tinh, khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu, tìm thấy chủ yếu ở khu vực giáp ranh (Bắc Trung bộ). Có lẽ đây là sản phẩm của giao lưu trao đổi. Còn văn hóa Đồng Nai lại có quan hệ chặt chẽ và nhiều chiều với văn hóa Sa Huỳnh: thể hiện trên đồ gốm, trang sức, táng thức mộ chum; khu vực giáp ranh Nam Trung bộ (Hòa Diêm – Khánh Hòa) càng đậm nét. Tuy nhiên, cần nhìn nhận mối quan hệ này biểu hiện sự “đồng quy văn hóa” của các nền văn hóa Biển, thể hiện qua hệ thống các di tích ven biển và hải đảo Đông Nam Á mà W. Solheim đã chỉ ra trong truyền thống gốm Sa Huỳnh – Kalanay.

          Táng thức mộ chum/vò (Sa Huỳnh và Đồng Nai) hay táng thức mộ thuyền (Đông Sơn) tuy khác nhau về hình thức nhưng cùng phản ánh một tín ngưỡng về cái chết. Trong các mộ chum ở Cần Giờ có chôn theo “cà ràng” – loại bếp gốm độc đáo dùng trên ghe, thuyền; nắp đậy mộ vò ở hang Manungui đảo Palanwan ở Philippines có núm cầm hình thuyền với 2 người đang chèo, hay mộ quan tài hình thuyền trong văn hóa Đông Sơn… đều thể hiện ý nghĩa: quan tài hình thuyền hay mộ chum/vò đều tượng trưng cho “phương tiện” chuyên chở linh hồn qua thế giới bên kia. Trong ý nghĩa này văn hóa Đông Sơn và Cần Giờ – Đồng Nai gần nhau hơn vì cùng tục chôn nguyên thi thể.

Kỹ thuật luyện kim: Di tích văn hóa Đông Sơn và văn hóa Đồng Nai đều không tìm thấy nhiều công cụ, vũ khí bằng sắt, khác với văn hóa Sa Huỳnh đồ sắt khá phổ biến, hầu hết là đồ tùy táng tìm thấy trong mộ chum. Tuy nhiên văn hóa Đông Sơn và Đồng Nai có kỹ thuật đúc đồng phát triển đến đỉnh cao: nhiều di tích là công xưởng, phổ biến khuôn đúc hai mang, khuôn đúc liên hoàn… Trong các loại vũ khí thì cả Đông Sơn và Đồng Nai đều có “qua đồng” – một loại hiện vật được coi là có nguồn gốc từ phía văn hóa Hán. Một hiện vật nguồn gốc văn hóa Hán có mặt trong cả ba nền văn hóa là gương đồng.

Đặc biệt trống đồng “kiểu” Đông Sơn trong văn hóa Đồng Nai có trường hợp sử dụng rất đặc biệt:  Trống đồng được sử dụng làm nắp đậy chum trong táng thức “mộ chum gỗ” ở Phú Chánh (Bình Dương) là sự kết hợp hai yếu tố đặc trưng của hai văn hóa. Ngoài ra trong những chum gỗ còn tìm thấy bộ “công cụ dệt gỗ” 23 hiện vật gồm trục dệt, dao dệt, lược chải sợi và các thanh có nấc. Đây là những kết cấu của loại khung dệt mà hiện nay một số dân tộc ít người ở Tây Nguyên và Đông Nam Á vẫn còn sử dụng[2], cả ở ĐNA hải đảo[3].

Về truyền thống văn hóa tạo dựng nhà nước sơ khai thời đại kim khí: Nền văn minh sông Hồng phát triển trên cơ sở kỹ thuật luyện kim trình độ cao và nông nghiệp lúa nước, được định danh là “văn minh lúa nước” và trở thành truyền thống “bốn ngàn năm”. Văn hóa Đông Sơn trở thành cốt lõi của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc và được “tái hiện” trong văn minh Đại Việt sau một ngàn năm “Bắc thuộc”.

          Văn minh sông Đồng Nai phát triển trên cơ sở kinh tế nông nghiệp nương rẫy và giao lưu “kinh tế biển”; sau này vương quốc Phù Nam phát triển trên nền tảng nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long sự thịnh đạt của cảng thị Óc Eo - Nền Chùa. Văn hóa Đồng Nai với những di tích “Tiền Óc Eo” là nguồn gốc bản địa của văn hóa Óc Eo thời Vương quốc Phù Nam.  Khi vương quốc Phù Nam sụp đổ, “truyền thống” Óc Eo còn kéo dài thêm nhiều thế kỷ, không thể không có vai trò cội rễ của văn hóa Đồng Nai.

Yếu tố “biển” trong văn hóa Đồng Nai phổ biến trong hệ thống các di tích thời sơ kỳ sắt ven biển Đông nam bộ và tái hiện mạnh mẽ trong văn hóa Óc Eo. Trong văn hóa Đông Sơn yếu tố bin không phải là chủ đạo tuy có loại hình Đông Sơn ven biển, nhưng “nguồn gốc biển” lại hiện diện trong truyền thuyết khởi nguồn Âu Cơ và Lạc Long Quân.

Như vậy, từ sự tiếp cận môi trường sinh thái và đặt trong bối cảnh văn hóa rộng hơn, những tương đồng và khác biệt của văn hóa Đông Sơn và văn hóa Đồng Nai đã chứng minh cho sự đa dạng của đời sống và văn hóa các nhóm dân cư thời tiền sử trên đất nước ta. Sự tương đồng hay khác biệt đều xuất phát từ “thế ứng xử” với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội – trong đó có những mối quan hệ giao lưu nhiều chiều của chủ nhân hai nền văn hóa này. Những tương đồng là điều kiện cần có để thực hiện quá trình giao lưu văn hóa, để có thể tiếp nhận những gì phù hợp và tiến bộ, thúc đẩy sự phát triển nội tại và toàn khu vực. Những khác biệt là điều kiện cần đủ để có các cách thức khác nhau trong chọn lọc, thay đổi những gì tiếp nhận từ một nền văn hóa khác, từ đó tạo ra yếu tố mới mang đặc điểm riêng, độc đáo. Duy trì và phát triển sự khác biệt độc đáo góp phần cho sự đa dạng của toàn khu vực ĐNA. Cả văn hóa Đông Sơn và văn hóa Đồng Nai đều có những đóng góp quan trọng như vậy.


[1] Nguyễn Thị Hậu, 2014, Văn hóa Đồng Nai và văn hóa Đông Sơn – Những tương đồng và khác biệt. HTKH kỷ niệm 90 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn. Bảo tàng lịch sử quốc gia. Hà Nội

[2] Hồ sơ Bảo vật quốc gia Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh – Bình Dương. Cục Di sản văn hóa.

[3] Kết quả khảo sát của tác giả và đồng nghiệp tại Hoa Liên, Đài Loan, tháng 3.2024. Hoa Liên là nơi có một số cộng đồng dân cư bản địa, họ vẫn bảo tồn những nghề truyền thống như săn bắt, dệt vải... Công cụ dệt vải của họ khá giống những hiện vật tìm thấy trong mộ chum Phú Chánh ( Bình Dương). Hoa Liên cũng là nơi có những di tích chế tác đá ngọc, mà nhiều trang sức bằng đá ngọc trong văn hóa Đồng Nai có xuất xứ nguyên liệu từ đây.

TS. Nguyễn Thị Hậu






Yếu tố Biển – sự đồng quy văn hóa của giai đoạn “tiền Óc Eo” ở Nam bộ và Văn hóa Sa Huỳnh

 NGUYỄN THỊ HẬU

Trích bài đăng trong THÔNG BÁO BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA, 2019

...

Nhìn trên bản đồ Đông Nam Á, biển Đông có thể coi như một vùng “biển kín” bởi sự che chắn của lục địa châu Á và các quần đảo kéo dài từ Đài Loan qua Philippine đến Borneo. Trong biển Đông có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do đó vào thời tiền sử con đường giao thông để thực hiện giao lưu, thương mại được thực hiện ven biển theo các dòng hải lưu chịu ảnh hưởng của địa hình vùng biển và do chế độ gió mùa quyết định. Đông Nam Á còn được gọi là khu vực “Châu Á gió mùa” nên cư dân cổ đã tận dụng điều kiện này để di chuyển từ đảo, quần đảo vào đến liền và ngược lại.

Hiện tượng giống nhau giữa hang Tabon, Hòa Diêm và Giồng Cá Vồ/Giồng Phệt, phần nào cả Giồng Lớn, đặt trong không gian địa lý từ quần đảo Palawan vào vùng biển từ Khánh Hòa đến Cần Giờ sự “án ngữ” của quần đảo Trường Sa với hàng trăm đảo, bãi ngầm bãi cạn... “Nối” các di tích này với nhau theo “đường chim bay” tạo ra một tam giác có ba đỉnh là Tabon – Hòa Diêm – Giồng Cá Vồ /Giồng Phệt mà cạnh đáy của tam giác này rất hẹp. Các nhóm cư dân này khó có thể liên hệ với nhau theo đường thẳng vượt qua quần đảo Trường Sa nhiều bất trắc. Trong khi đó lại có những dấu hiệu cho biết về một con đường vòng theo ven biển phía Nam ĐNA từ quần đảo Philippines qua bán đảo Malaysia, khu vực Borneo và ngược lại, thể hiện bằng những di tích mộ chum đồng đại mang nhiều nét tương đồng ở Philippine, Indonesia, An Giang, Cần Giờ, Hòa Diêm...

....

Như vậy, mộ chum/vò hiện diện khá rõ ràng ở phía Nam ĐNA, con đường di cư/di chuyển ven biển giữa những địa bàn này là “tác nhân” quan trọng của hiện tượng này. Sự giao thoa văn hóa giữa các nhóm cư dân cùng thời, cùng trình độ phát triển, cư trú trên địa  bàn kề cận nhau là hiện tượng mang tính quy luật. Sự giống nhau về táng thức và táng tục hay là thực chất mối quan hệ của các di tích Hòa Diêm, Cần Giờ và các di tích Tabon, Kalanay ngoài quần đảo Philippine cần được nhìn nhận vượt ra ngoài phạm vi hạn hẹp của từng nền văn hóa khảo cổ, nó cần được xem xét trong một không gian biển – ven biển – hải đảo rộng lớn và không chia cắt, vì  đó là không gian sinh tồn chung của các nhóm cư dân Đông Nam Á thời nguyên thủy.

3. Văn hóa Sa Huỳnh và “văn hóa Cần Giờ” nói riêng và giai đoạn “tiền Óc Eo” nói chung đều mang nhiều yếu tố thể hiện mối liên hệ mật thiết với khu vực đảo, quần đảo Đông Nam Á và xa hơn. Đó là những dữ liệu quan trọng để tìm hiểu về nguồn gốc chủ nhân và mối quan hệ của các nền văn hóa trong bối cảnh rộng lớn của Đông Nam Á chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi địa lý “lãnh thổ Việt Nam” ngày nay. Biển Đông từ thời xa xưa cho đến nay luôn có một vị trí quan trọng trong sự phát triển của khu vực, là con đường mang đến những yếu tố “ngoại sinh” thúc đẩy các nhóm cư dân sơ kỳ đồ sắt phát triển sang một thời kỳ mới, như là từ văn hóa Sa Hùynh phát triển đến văn hóa Champa và nhà nước Lâm Ấp – Champa ở miền Trung, từ văn hóa Đồng Nai, cụ thể là từ giai đoạn “tiền Óc Eo” đến văn hóa Óc Eo ở Nam bộ và nhà nước Phù Nam.

Mỗi văn hóa khảo cổ cần được đặt trong dòng chảy của một bối cảnh và truyền thống văn hóa rộng hơn để có thể nhận biết “chuỗi tiến hoá liên tục những nguồn lực nội sinh. Song... không xem thường những nguồn lực ngoại sinh đến qua biển. Cái lý luận cổ điển “nội sinh quyết định ngoại sinh phù trợ” đã được làm mềm dẻo đi ở cảng Cần Giờ và các cảng thị miền Trung với dải văn hóa Nam đảo và luồng buôn bán quốc tế ven bờ biển Đông” (Trần Quốc Vượng, 1998).

Đấy chính là nội hàm của mối quan hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh với các văn hóa cùng thời, trong đó có văn hóa Đồng Nai mà đại diện là các di tích thuộc giai đoạn “tiền Óc Eo” ở Nam bộ.





LÀNG GỐM BÀU TRÚC (NINH THUẬN) BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ - XÃ HỘI MỚI

 Trích phần 3 của bài đăng trên tạp chí Di sản văn hóa số 3(15) 2023

3. Bảo tồn và phát triển nghệ thuật gốm Chăm ở Bàu Trúc trong bối cảnh kinh tế - xã hội mới

 3.1 Xác định những “ADN của làng gốm Chăm Bàu Trúc”.

Di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hoá nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.[1] Chính vì vậy, cộng đồng là chủ thể sáng tạo, lưu giữ, trao truyền và phát triển di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể - các nghề truyền thống nói riêng.

Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Đến nay Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm đã được UNESCO đưa vào “Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Cần lưu ý là chỉ trong 5 năm nghề làm gốm của người Chăm vừa được tôn vinh trong nước và trên thế giới, đồng thời cũng được đưa vào tình trạng cảnh báo sự suy giảm và biến mất của một nghề thủ công truyền thống. Chính vì vậy, cần phải có những giải pháp khẩn cấp và lâu dài, các biện pháp thiết thực và hiệu quả nhằm bảo tồn, vực dậy sức sống của di sản Gốm Chăm, tạo thêm nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản, hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa theo hướng bền vững ở địa phương và cộng đồng dân cư.

Từ ba hướng tiếp cận và từ quá trình lịch sử có thể nhận thấy làng gốm Bàu Trúc có ba đặc trưng cơ bản, quan trọng nhất:

-       Gắn liền với cộng đồng Chăm làng Bàu Trúc

-       Sản xuất thủ công truyền thống từ nguyên liệu địa phương

-       Sản phẩm phản ánh văn hóa Chămpa.

Đây là ba ADN tạo nên bản sắc và dấu ấn riêng của Gốm Bàu Trúc. Nếu thiếu những ADN này thì gốm Bàu Trúc sẽ mất đi lợi thế trong quảng bá và cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước. Để bảo tồn nghề gốm Chăm làng Bàu Trúc thì cần bảo vệ những yếu tố tác động tích cực đến việc duy trì những ADN, đồng thời loại bỏ hoặc hạn chế những yếu tố tác động tiêu cực làm sự thay đổi hoặc biến mất những ADN.

 Cấu trúc, tổ chức và những điều kiện sinh sống của cộng đồng người Chăm làng Bàu Trúc cần giữ được sự ổn định, tránh sự thay đổi nhanh, lớn về dân cư. Không chỉ là tăng dân số (không thuộc cộng đồng người Chăm) mà còn là giảm dân số hay tình trạng “dân số già”,  mà trường hợp phổ biến là những người trẻ đi làm ăn và sinh sống ở nơi khác. Cùng với đó là tình trạng thế hệ trẻ không muốn tiếp nhận nghề truyền thống nhất là như một sinh kế. Tình trạng này làm cho khả năng lưu giữ và trao truyền nghề giảm sút và có nguy cơ thất truyền.

3.2 Bảo tồn làng gốm Chăm “từ bên trong/bên dưới”

Quá trình đô thị hóa là một trong những nguyên nhân tác động vào cấu trúc và tình trạng dân cư của các làng nghề. Không chỉ vậy, đô thị hóa còn làm thay đôi môi trường và những điều kiện tự nhiên cung cấp nguyên liệu cho làng nghề làm gốm: diện tích nguồn nguyên liệu bị thu hẹp hoặc không thuộc về cộng đồng (chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển quyền sử dụng cho nhà đầu tư). Khi không còn nguồn nguyên liệu hoặc khai thác khó khăn, làng nghề hoặc phải nhập nguyên liệu từ nơi khác, hoặc thu hẹp sản xuất về quy mô và mức độ.

Ngược lại, khi nhu cầu sản phẩm tăng cao, nhất là với những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của đời sống đương đại thì quy mô sản xuất được mở rộng, kỹ thuật sản xuất có xu hướng thay đổi “hiện đại hóa”, như làm gốm bằng bàn xoay và nung gốm trong lò chẳng hạn. Yếu tố kỹ thuật mới phù hợp sản xuất hàng loạt, có phần giảm thiểu tỷ lệ phế phẩm, tăng năng xuất… Nhưng sẽ làm biến mất tính chất “thủ công, đơn chiếc” từ quá trình nặn tay và nung thô sơ ngoài trời. Đồng thời, vai trò của người thợ tạo dáng – phụ nữ - sẽ mất đi vị thế quan trọng trong quá trình sản xuất gốm. Một trong những điều hấp dẫn của nghề làm gốm Chăm, một biểu trưng văn hóa “mẫu hệ Chăm” sẽ mai một.

Có thể tăng năng xuất và quy mô sản xuất đồ gốm mà không làm thay đổi tính chất thủ công truyền thống được không? Có thể được! Bằng cách thay thế máy móc, phân công lao động, chuyên môn hóa một số công đoạn trong quy trình làm gốm như công đoạn khai thác và xử lý nguyên liệu, ủ và nhào trộn nguyên liệu. Còn các công đoạn khác thì cần được bảo tồn, nhất là nặn gốm bằng tay và nung ngoài trời.

Một phương thức khác: duy trì kỹ thuật thủ công truyền thống cho những sản phẩm mỹ nghệ độc bản hoặc theo đơn đặt hàng. Giá thành tất nhiên sẽ cao để đảm bảo chất lượng của sự khác biệt. Còn những sản phẩm khác có thể sản xuất hàng loạt để giảm giá thành và phổ biến rộng rãi kiểu “hàng chợ”. Tuy nhiên, điều quyết định để tồn tại và phát triển là là sản phẩm vẫn phải có sự khác biệt, độc đáo!

Đây chính là ADN thứ ba: thể hiện bản sắc cộng đồng Chăm, của văn hóa Chămpa. “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” là sự tích hợp của tất cả các yếu tố: chủ nhân, không gian và văn hóa Cham. Quan trọng nhất, nếu không thể hiện được những yếu tố của “văn hóa Champa” từ truyền thống đến hiện đại thì nghề gốm, làng gốm Chăm sẽ mãi ở tình trạng “bảo vệ khẩn cấp”.

Để bảo toàn “tính bản địa” thì với nghề làm gốm Chăm, trước mắt là cần sự đầu tư tri thức từ các nghệ nhân, họa sĩ, nhà thiết kế… để có những mẫu mã, chủng loại sản phẩm mang đậm bản sắc “văn hóa Chăm” nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu của thị trường, hay cao hơn, tạo ra những sản phẩm hấp dẫn thị trường. Hiện nay, việc đào tạo nghề gốm phải được coi là cấp thiết nhất. Song song với việc duy trì lễ hội thờ cúng ông tổ nghề gốm, cần bắt đầu ngay từ giáo dục lịch sử địa phương về giá trị và ý nghĩa những di sản văn hóa Champa, đào tạo kỹ năng các nghề thủ công (làm gốm, dệt thổ cẩm) tại các trường dạy nghề chuyên nghiệp. Đặc biệt là vai trò của các nghệ nhân “truyền dạy” tại cơ sản sản xuất. Cần thiết liên kết chặt chẽ với các ngành nghề liên quan như mỹ thuật công nghiệp, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, lịch sử - văn hóa… Có vậy những người thợ gốm mới phát triển khả năng sáng tạo lâu dài. Đồng thời khắc phục tình trạng thế hệ thợ gốm trẻ kế tiếp đang ngày càng ít do chưa hiểu biết đến nơi đến chốn về giá trị (lịch sử, văn hóa, kinh tế) của nghề gốm (truyền thống kết hợp với hiện đại).

3.3 Bảo tồn làng gốm Chăm “từ bên ngoài/ bên trên”

Để nghề gốm truyền thống có thể tồn tại và phát triển, quan trọng nhất là quan điểm, chủ trương và định hướng của chính quyền tập trung phát triển nghề gốm, thể hiện từ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến quy hoạch các lĩnh vực, ngành nghề. Tại địa phương ngành Công thương phối hợp với ngành Văn hóa, Du lịch liên kết chặt chẽ tạo điều kiện cho nghề gốm truyền thống phát triển: đề xuất và triển khai các chính sách hỗ trợ như tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gốm tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu; xây dựng điểm du lịch cộng đồng - làng nghề, thống nhất quan điểm Nghề gốm là một tài nguyên văn hóa bản địa, là di sản văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững.[2]

Trong thời kỳ công nghiệp 4.0 phát triển tài nguyên bản địa nói chung và các nghề thủ công truyền thống nói riêng không thể tách rời sự đầu tư trí thức và công nghệ liên quan từ sản xuất, chế biến đến quảng bá, tiêu thụ, xuất khẩu… Nếu không có tri thức và công nghệ mới hỗ trợ thì tài nguyên dù giàu có đến đâu cũng vẫn chỉ ở dạng “tiềm năng”, thậm chí còn làm trở ngại cho thay đổi tư duy phát triển bền vững.

Theo một chuyên gia, “tính bản địa” là một trong bảy từ khóa quan trọng nhất đối với người tiêu dùng thế kỷ 21 (tiết kiệm, bền vững, công nghệ, bản địa, sức khỏe, đơn giản, tự do) [3]. Chú trọng tính bản địa (tài nguyên, tri thức, văn hóa) để phát triển bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu, xây dựng xã hội nhân bản. Tài nguyên bản địa luôn có tiềm năng trở thành sản phẩm mang giá trị văn hóa cao. Từ sản phẩm kinh tế có thể trở thành di sản văn hóa nếu tính bản địa được coi trọng cùng với sự đầu tư tri thức, công nghệ và nguồn lực ngay từ bước đầu khởi nghiệp.

Để duy trì và mở rộng quy mô sản xuất, để sản phẩm mang tính bản địa, bản sắc cộng đồng thì việc đầu tiên là nên chăng, sản phẩm của địa phương cần được ưu tiên sử dụng tại địa phương. Sản phẩm gốm và thổ cẩm của đồng bào Chăm Ninh Thuận nên được sử dụng phổ biến trong tỉnh, tại các công sở, nhà hàng, khách sản, công trình công cộng khác như bệnh viện, trường học… Sản phẩm còn có thể sử dụng làm quà biếu tặng, lưu niệm có giá trị. Điều này không phải là “độc quyền” sản phẩm mà là sự đánh giá cao một sản phẩm kinh tế của địa phương, thể hiện hiểu biết giá trị và bản sắc văn hóa riêng của tỉnh nhà. Tất nhiên, với mỗi không gian, đối tượng sử dụng khác nhau sản phẩm gốm, thổ cầm cần có chất lượng cao, mẫu mã thích hợp và mang tính mỹ nghệ cao, vừa truyền thống nhưng không thể thiếu tính hiện đại.

Trong chuyến công tác tại Ai Cập gần đây, tôi được nghe nhiều lần từ những hướng dẫn viên, nhà nghiên cứu, nhà quản lý người Ai Cập… một quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Bộ Du lịch và Di sản Ai Cập: “Di sản văn hóa là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh hấp dẫn nhất trong tất cả các sản phẩm mà Ai Cập có thể cung cấp trên toàn cầu”. Ở một mức độ nào đó, tôi cho rằng di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Gốm Chăm và những di sản văn hóa của VN cũng cần được xác định và đánh giá như vậy. Đến với thế giới bằng những di sản mang bản sắc riêng độc đáo chứ không phải bằng những thứ “di sản sao chép”, có vậy mới bảo tồn được di sản của chính mình và phát triển bền vững từ tài nguyên văn hóa.



[1] Luật Di sản văn hóa Việt Nam 2001 và 2013

[2] Nguyễn Thị Hậu, 2023, Gốm Cây Mai - Gốm Sài Gòn: Truyền thống và phát triển. ). Kỷ yếu HTKH Nghề gốm cổ Ninh Bình: Truyền thống và Hiện đại. Ninh Bình 4.2023. Tr. 9

[3] Nguyễn Phi Vân, 2017. Chuyên gia thương hiệu Nguyễn Phi Vân: Bảy từ khóa đối với người tiêu dùng tương lai. https://theleader.vn/chuyen-gia-thuong-hieu-nguyen-phi-van-bay-tu-khoa-doi-voi-nguoi-tieu-dung-tuong-lai-20170808085431712.htm

 






VẪN CẦN THIẾT TRƯNG BÀY BẢO VẬT QUỐC GIA

 

Những năm gần đây thành phố Huế đã có nhiều công trình cổ được trùng tu, phục dựng, chăm sóc chu đáo… góp phần nâng cao giá trị của quần thể di sản Unesco tại đây, đồng thời thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước.

Điện Thái Hoà – sau đợt trùng tu lớn hoàn thành vào năm 2024, những cổ vật vốn “thuộc về” nơi này cũng đã được bảo quàn, phục dựng và đưa về trưng bày tại chỗ. Ngai vàng triều Nguyễn đặt ở Điện Thái Hòa là chiếc ngai nguyên bản, gắn liền với các vị vua triều Nguyễn, được công nhân bảo vật quốc gia vào năm 2016. Tuy nhiên ngày 24.5 vừa qua một sự việc đáng tiếc đã xảy ra làm hư hỏng một phần bảo vật quốc gia này. Sự việc đang được cơ quan chức năng xử lý, trách nhiệm của cá nhân, tập thể sẽ được làm rõ.

Tôi cũng mới tham quan Điện Thái Hoà hồi tháng 3/25, nhận thấy từ hàng rào an ninh đến nơi đặt ngai vàng đủ để người tham quan ngắm hiện vật ở cự ly vừa phải, nhưng cũng không dễ dàng tiếp cận hiện vật. Vậy mà đối tượng có thể đi lại quanh hiện vật nhiều lần, thời gian không ít… Không rõ hệ thống giám sát camera an ninh hoạt động thế nào, hiện vật có được gắn hệ thống báo động – cảm biến tích hợp hay không? Việc kiểm soát ra vào khu vực trưng bày đối với người không liên quan còn lỏng lẻo. Nhất là nhân viên bảo vệ chuyên trách dù đã phát hiện dấu hiệu xâm nhập bất thường nhưng cách xử lý tình huống khẩn cấp không cương quyết và thiếu tính chuyên nghiệp.

Những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa đều biết, việc bảo vệ cổ vật trưng bày tại bảo tàng, di tích là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong, vì cổ vật không chỉ có giá trị về lịch sử – nghệ thuật, mà còn thường xuyên đối mặt với các nguy cơ như trộm cắp, phá huỷ của con người, hư hỏng do môi trường, hoặc xuống cấp do bảo quản không phù hợp. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, luôn cần thiệt lập một hệ thống giải pháp đồng bộ, bao gồm kỹ thuật hiện đại, quy trình quản lý và đào tạo con người có kỹ năng phù hợp.

Còn nhớ khoảng hai chục năm trước, các bảo tàng hầu như không thể trưng bày cổ vật quý giá như hiện vật vàng, hiện vật độc bản hay các tác phẩm nổi tiếng… Một số di tích quốc gia bị mất cổ vật… Lý do quan trọng nhất là chưa có hệ thống bảo vệ an toàn cho hiện vật quý. Những năm sau này, từ quan điểm “di sản văn hoá hướng đến phục vụ cộng cộng, cộng đồng được quyền thụ hưởng giá trị di sản của đất nước”, nhà nước và các địa phương đã đầu tư cho các bảo tàng xây dựng mới, trong đó có hệ thống trưng bày, bảo vệ hiện vật tương đối hiện đại. Vì vậy người dân và du khách đã được tiếp cận chiêm ngưỡng nhiều cổ vật quý giá.

 Sau sự cố đáng tiếc tại Điện Thái Hoà có nên tiếp tục trưng bày Bảo vật quốc gia hay chỉ trưng bày bản phục chế để đảm bảo an toàn? Câu trả lời từ góc độ di sản, an ninh, truyền thông và giáo dục là Trưng bày Bảo vật quốc gia gốc – tại di tích của nó - vẫn cần thiết nhưng phải có cơ chế kiểm soát đặc biệt!

Trưng bày bảo vật quốc gia bởi chúng có tính xác thực: Công chúng đến di tích để chiêm ngưỡng hiện vật gốc – vật chứng của lịch sử. Bảo vật quốc gia là biểu hiện cụ thể của di sản văn hoá gắn với ký ức, quyền lực, sự kiện một giai đoạn, một nhân vật lịch sử. Qua việc tham quan di tích có bảo vật quốc gia hay những cổ vật giúp lan tỏa nhận thức và cảm xúc lịch sử – một “bản năng” đặc biệt của con người mà có lẽ AI không thể thay thế.

Vì vậy sau sự cố này vẫn cần tiếp tục trưng bày Bảo vật quốc gia, nhưng phải chấn chỉnh ngay phương án bảo vệ, nâng cấp các phương thức kiểm soát chặt chẽ… Nên kết hợp công nghệ số hóa – trải nghiệm sâu – mở rộng không gian ảo - phục vụ du khách để du khách có thể ngắm nhìn kỹ hơn, lâu hơn bảo vật quốc gia, tránh cản trở người khác khi tham quan. Đó là cách bảo vệ an toàn an ninh nhưng không "cất giấu di sản" khỏi cộng đồng và đời sống xã hội, thực hiện tinh thần bảo tồn sức sống và chia sẻ di sản văn hoá của UNESCO.

 Nguyễn Thị Hậu - Báo Tuổi trẻ ngày 27/5/2025




VÀI NÉT VỀ GỐM NAM BỘ - DẤU ẤN TRĂM NĂM

Các bạn có thể xem lại buổi trò chuyện tại đây https://thuviennguyenanninh.vn/sach/di-tich-khao-co-va-dau-an-gom-sai-gon-trong-dong-chay-lich-su/Video.html

VÀI NÉT VỀ GỐM NAM BỘ

Quá trình khai phá vùng đất mới Nam Bộ từ thế kỷ XVII cho đến ngày nay cũng là quá trình hình thành một loại gốm mới ở miền Đông Nam bộ. Vùng phân bố của loại gốm cổ này nay nằm trong địa bàn của Thành phố Hồ Chí Minh và hai tỉnh lân cận là Đồng Nai và Bình Dương. Từ khoảng đầu thế kỷ 20, khu lò gốm Cây Mai và xóm Lò Gốm Sài Gòn dần ngưng hoạt động. Do quá trình đô thị hóa khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn, các lò gốm lần lượt chuyển ra các tỉnh lân cận, nhiều nhất là vùng Biên Hòa (Đồng Nai) và Lái Thiêu (Bình Dương). Nửa sau thế kỷ 20, gốm gia dụng và gốm mỹ nghệ Biên Hòa, Lái Thiêu đã dần thay thế vai trò của gốm Sài Gòn.

So sánh với vùng gốm Bắc bộ (gốm Chu Đậu, Bát Tràng…) và Trung bộ (Gò Sành, Châu Ổ, Quảng Đức…) thì vùng Gốm Nam bộ có sự khác biệt về loại hình sản phẩm, kỹ thuật và quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ. Quá trình phát triển của nghề làm gốm truyền thống ở khu vực miền Đông Nam bộ cho ra đời các loại gốm được biết dưới các tên gọi là gốm Sài Gòn/gốm Cây Mai, gốm Biên Hòa và gốm Lái Thiêu. Đây cũng là ba dòng gốm cổ có mối liên hệ mật thiết từ những đặc trưng chung về kỹ thuật sản xuất mang tính chất “văn hóa vùng”. Đồng thời phát triển và tạo nên những đặc trưng riêng từ sản phẩm, kiểu dáng, màu men, hoa văn…

Gốm Sài Gòn: Gốm Cây Mai (khu lò Cây Mai ở khu vực gò Cây Mai quận 11), Xóm Lò Gốm (làng Hòa Lục, Phú Định quận 6, quận 8); Sài Gòn là địa danh xưa chỉ khu vực Chợ Lớn ngày nay – nơi có Xóm Lò Gốm ghi trên bản đồ và trong sử sách.

Gốm Biên Hòa: làng gốm Tân Vạn (khu lò lu, lò sành)…; gốm từ trường Mỹ nghệ Biên Hòa, muộn hơn là những cơ sở sản xuất gốm hiện nay.

Gốm Lái Thiêu: làng gốm Lái Thiêu, Tân Phước Khánh và Chánh Nghĩa... sau này là gốm Minh Long và những lò gốm thủ công hiện còn sản xuất.

Những tên gọi này tương đương như tên gọi của Gốm Bát Tràng, Gốm Chu Đậu, gốm Đông Triều... ở miền Bắc, gốm Gò Sành, Châu Ổ ở miền Trung... Vừa chỉ địa danh dân gian cụ thể, vừa cho biết không gian của một “vùng gốm cổ”. Mỗi vùng gốm có đặc trưng riêng và thịnh đạt vào những thời điểm khác nhau, song như những chi lưu tất cả cùng hòa vào và tạo nên dòng chảy “Gốm Nam Bộ”, có thể đối sánh với những vùng sản xuất gốm nổi tiếng khác trong nước. Mặt khác, khái niệm hành chính “Nam bộ” xuất hiện muộn hơn nghề làm gốm ở đây, vì vậy cần phân định rõ “gốm Nam bộ là 3 dòng gốm cổ: gốm Sài Gòn, Biên Hòa, Lái Thiêu”, để phân biệt với gốm sản xuất tại các tỉnh Nam bộ từ nửa sau thế kỷ 20.

Sản phẩm gốm Nam bộ mang tính ứng dụng cao, đáp ứng mọi nhu cầu của xã hội, nhu cầu hàng ngày của giới bình dân và cả tầng lớp cao hơn. Đó là nhóm đồ gốm dùng chứa đựng (lu, hũ, khạp, chậu…), nấu nướng (nồi, ơ, siêu, ấm…), ăn uống (đĩa, bát, tô, bình trà bình rượu, ly, cốc, ống nhổ, ống đũa…), nhóm đồ dùng trong sinh hoạt tinh thần (tượng thờ, chân đèn, đèn gốm, lư hương, mâm bồng, ống bút…), nhóm gốm trang trí nội ngoại thất (đôn, chậu, gạch bông gió, lan can, tượng thú…), nhóm xây dựng, trang trí kiến trúc (gạch, ống nước, quần thể tượng gốm, phù điêu…). Loại hình, kiểu dáng của sản phẩm gốm kiểu dáng phong phú, đa dạng và có xu hướng “hiện đại”.

Những bộ sưu tập gốm Sài Gòn hay gốm Lái Thiêu, Biên Hòa đều cho thấy hầu hết sản phẩm rất đẹp nhưng đều có dấu vết đã qua sử dụng. Tức là, sản phẩm từ lúc làm ra cho đến khi người ta chứng minh được giá trị của nó xứng đáng để sưu tập đồ cổ thì luôn được “tham gia vào cuộc sống” chứ không tách ra riêng biệt “để thưởng ngoạn” như một số dòng gốm khác. Điều này thể hiện tính cách, cá tính của người Nam Bộ là làm bất cứ một vật gì cũng hướng đến tính ứng dụng thực tế, chứ không trưng bày, trang trí thuần túy.

Sản phẩm, trang trí và kỹ thuật sản xuất từ gốm Sài Gòn đến gốm Biên Hòa, Lái Thiêu thể hiện cụ thể “Đất nào, nước nào phong thổ nào thì con người đó, mà con người nào thì sản phẩm đó. Người Nam Bộ làm ra gốm Nam Bộ, cởi mở đón nhận nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc vốn có của mình”. Tính chất cởi mở, tiếp nhận kỹ thuật mới và sáng tạo sản phẩm mới đã góp phần vào sự phát triển kinh tế thị trường từ rất sớm của vùng đất Nam bộ. Nhiều đồ gốm có hiệu đề còn cho biết tên lò, người đặt hàng hay các tiệm bán đồ gốm, có minh văn phản ánh ước mong một cuộc sống sung túc, bình an.

Gốm Nam bộ phản ánh một giai đoạn lịch sử ở Nam bộ: từ những sản phẩm dành cho người bình dân phổ biến ở giai đoạn khai phá (thế kỷ 18) đến các loại sản phẩm cao cấp hơn kiểu Trung quốc, kiểu Pháp (thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20) phục vụ giới thượng lưu hoặc dịp đặc biệt của giới bình dân khi xã hội phát triển… Dù bình dân hay cao cấp thì kỹ thuật tạo dáng và tạo hoa văn, màu men… trên mỗi sản phẩm đều phản ánh nhu cầu thưởng lãm của mỗi tầng lớp.

Các sưu tập cổ vật chỉ thực sự có giá trị khi nó đến được với nhiều người. Cuộc trưng bày "Du xuân - Cổ ngoạn" Xuân Giáp Thìn 2024 của Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những cuộc trưng bày về Gốm Nam bộ được công chúng nhiệt tình đón nhận. Những hiện vật được trưng bày có giá trị cao về lịch sử - văn hóa, giúp quảng bá, giới thiệu gốm cổ Nam Bộ tới với đông đảo công chúng. Nhờ vậy những giá trị quý báu của di sản văn hóa Nam bộ được phổ biến rộng rãi hơn trong xã hội

TS. Nguyễn Thị Hậu. Trong sách DU XUÂN - CỔ NGOẠN - của Bảo tàng TPHCM.


TRIỂN LÃM GỐM NAM BỘ CÓ TÍCH HỢP ỨNG DỤNG QR ĐẦU TIÊN TẠI THƯ VIỆN SỐ NGUYỄN AN NINH - CHUYÊN ĐỀ NAM BỘ🎉
🗓️Từ ngày 24/5 đến 31/5/2025, trên website chính thức của Thư viện số Nguyễn An Ninh, triển lãm hình ảnh và tài liệu với chủ đề “Đất Lành Hoá Ngọc” sẽ chính thức diễn ra.
🧭Triển lãm là lời mời dành cho bạn đọc và khách tham quan bước vào hành trình khám phá những dòng gốm đặc trưng của Nam Bộ: từ Gốm Sài Gòn, Gốm Cây Mai - Đề Ngạn, Gốm Biên Hoà, Gốm Lái Thiêu cho đến Gốm Vĩnh Long, Gốm An Giang.
🖼️Toàn bộ nội dung triển lãm được thể hiện qua hệ thống poster trực quan, kết hợp với các mã QR tích hợp, cho phép người xem dễ dàng tiếp cận thêm nguồn tư liệu số mở rộng: bài viết nghiên cứu, hình ảnh minh hoạ, tư liệu nghe – nhìn và bộ sưu tập chuyên sâu. Tất cả đều được lưu trữ và truy cập trực tiếp trên nền tảng số của thư viện.
💻Với hình thức triển lãm trực tuyến, “Đất Lành Hoá Ngọc” mang đến một trải nghiệm đa tầng kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại, giúp người xem không chỉ dừng lại ở việc “thưởng lãm”, mà còn có thể tiếp cận chiều sâu của gốm Nam Bộ ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.
👉Bạn đọc hãy đón chờ và cùng khám phá triển lãm trên website chính thức của Thư viện số Nguyễn An Ninh từ ngày 24/5 tới nhen!
------------------
TVNAN | GỐM NAM BỘ - DẤU ẤN TRĂM NĂM
📅 Thời gian: 24/5 - 31/5/2025
📍 Địa điểm: Đường Sách TP. Hồ Chí Minh
🎟️ Sự kiện hoàn toàn MIỄN PHÍ, mở cửa cho tất cả mọi người.
🇻🇳 Khuyến khích tham gia trải nghiệm gốm và các hoạt động văn hóa độc đáo.




DẤU ẤN VĂN HÓA ĐÔNG SƠN Ở NAM BỘ - VIỆT NAM

   (trích tham luận tại HTKH 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, 1924 - 2024) Thời đại kim khí Việt Nam có ba trung tâm văn hó...