Xanh hóa giao thông không thể chỉ dựa vào ‘trụ cột’ xe điện (Mục Nhĩ - Thời báo kinh tế Sài Gòn)

 (KTSG Online) - Thay vì quy hoạch khu vực cấm xe xăng dầu và xem xe điện như là giải pháp xanh hóa giao thông chính, chính quyền cần xây dựng phương án tổng thể, tính đến các loại xe phát thải thấp sắp phổ biến. Cần hiểu đúng bản chất của giao thông xanh là giảm lượng khí phát thải từ động cơ đốt trong để kế hoạch xanh hóa không bị "cột" với xe điện.


Xanh hóa giao thông là xu thế tất yếu mà toàn thế giới đang hướng tới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế tiến bộ này, do đó năm 2021 tại COP 26 (1) Chính phủ đã cam kết mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Tuy nhiên, xanh hóa giao thông bằng cách quy hoạch khu vực cấm xe xăng dầu trong nội đô và bắt buộc chuyển sang xe điện như các phương án đang được bàn đến tại các đô thị lớn như Hà Nội (2), TPHCM (3) mới là "điều kiện cần".

Còn hàng loạt "điều kiện đủ" phải tính đến trước: ngắn hạn thì có nguồn điện xanh để sạc, hạ tầng trạm sạc, an toàn cháy nổ và dài hạn thì phải tính đến phương án xử lý lượng pin xe điện khổng lồ sẽ bị thải ra sau vòng đời 10-15 năm sử dụng.

Với khu vực quy hoạch cấm xe xăng dầu dự kiến nói trên thì lượng xe điện sẽ tăng vọt rất nhanh vì không chỉ người dân trong khu vực mà rất nhiều người dân sống bên ngoài khu vực cũng cần đi vào hàng ngày, tất nhiên họ bắt buộc phải chuyển sang dùng xe điện mới đi vào được.

Việc quy hoạch hẳn một vành đai nội đô cấm xe xăng dầu, chỉ cho phép xe điện lưu thông đặt ra hàng loạt bài toán khó không dễ giải quyết. Nếu muốn kế hoạch này thành công, hạ tầng cung cấp điện, trạm sạc, phòng chống cháy nổ pin và tái chế pin phải được tính trước rồi mới tính đến triển khai đại trà xe điện.

Đầu tiên là hạ tầng trạm sạc, thiết bị sạc tại nhà và nguồn điện cung cấp để sạc xe sẽ tăng thêm bao nhiêu? Với mức dung lượng bình quân pin xe ô tô là 50 kWh và xe máy là 3 kWh thì lượng điện tăng thêm mỗi tháng là một gánh nặng hàng triệu kWh cho lưới điện. Khi nguồn tiêu thụ điện tăng vọt do hàng trăm ngàn xe điện cùng sạc thì liệu hạ tầng cấp điện gồm trạm biến áp và đường dây cấp điện sẽ quá tải nhanh chóng nếu không được nâng cấp trước.

Đó là chưa kể về "thực chất xanh" sẽ không đạt được nếu sạc pin từ nguồn điện tạo ra từ than và dầu vốn đang rất phổ biến ở Việt Nam. Muốn "xanh thật" thì xe điện phải được sạc bằng điện xanh, tức điện từ thủy điện, điện gió, điện mặt trời.

An toàn cháy nổ là vấn đề hàng đầu không thể bỏ qua. Pin xe điện phổ biến là loại lithium khi cháy sẽ là thảm họa khủng khiếp vì đây là phản ứng hóa học cháy không cần oxy, tạo ra khói độc dày đặc và nhiệt độ lên đến 700 độ C. Không thể dập tắt đám cháy pin lithium bằng bình chữa cháy thông thường dùng CO2 hay bình bột như đám cháy xăng dầu mà phải dùng loại bình chữa cháy đặc dụng giá từ 2 triệu đồng trở lên, cao gấp hàng chục lần bình chữa cháy thông thường.

Thói quen đậu xe máy trong nhà của người dân sẽ khó thay đổi khi chuyển sang dùng xe điện. Đó là chưa kể dù không muốn đậu trong nhà thì họ không dễ đem xe đi gởi vì hai lý do: không dễ tìm chỗ nhận giữ xe điện và người dân không muốn phải tốn kém thêm một khoản tiền gởi xe hàng tháng.

Đậu xe máy điện trong nhà nhưng không phải nhà người dân nào cũng có đủ chỗ để thiết kế chỗ sạc an toàn. Thử hình dung, làm sao quản lý an toàn cháy nổ xe điện khi có hàng trăm ngàn xe máy điện cắm sạc trên một vùng rộng lớn của thành phố. Đó là chưa kể rất nhiều khu vực hẻm nhỏ, chật chội không có đường cho xe chữa cháy vào nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn.

Một vấn đề cũng phải đặt ra ngay từ bây giờ: tái chế pin xe điện. Bài học từ nước láng giềng Trung Quốc cho thấy, sau chu kỳ 10-15 năm, núi pin phế thải từ hàng triệu xe điện là nguồn ô nhiễm không dễ giải quyết nếu không có kế hoạch ngay từ bây giờ.

Quay lại với bản chất cốt lõi là giảm lượng khí phát thải từ động cơ đốt trong thì xanh hóa giao thông có nhiều cách, miễn là sử dụng các loại xe có mức phát thải thấp hay bằng 0. Cách tiếp cận này sẽ giúp có một lộ trình hợp lý, đón đầu các loại xe công nghệ mới trong tương lai gần. Đây là nền tảng tiếp cận trên cơ sở khoa học để chính quyền và doanh nghiệp cùng đồng hành xây dựng giao thông xanh với sự tham gia tự nguyện của người dân.

https://thesaigontimes.vn/xanh-hoa-giao-thong-khong-the-chi-dua-vao-tru-cot-xe-dien/?fbclid=IwY2xjawLkRAFleHRuA2FlbQIxMQABHjx4qxL6tYBGebrkSS_DL3JqwRGH5vFAseRMf86kHvR5ErmYGbvoiVlrGD9x_aem_8_YhC8LWxSd3qBkxvBNR2A

Nhật Bản giảm phát thải thành công dù không "xe điện hóa"

Nói về chống ô nhiễm không khí, đặc biệt là giảm khí thải nhà kính từ xe hơi, xe máy dùng nhiên liệu xăng dầu, cách giải bài toán ô nhiễm của người Nhật rất đáng để Việt Nam tham khảo vì họ đã làm đúng bản chất cốt lõi của Net Zero: kéo giảm khí thải từ động cơ đốt trong. Cho đến nay, Nhật Bản vẫn là quốc gia hàng đầu thế giới về kiểm soát tốt ô nhiễm khí thải động cơ.

Gần 30 năm trước, năm 1997 người Nhật đã đi tiên phong trong giao thông xanh khi đưa ra mẫu xe Toyota Prius lai xăng - điện (hybrid). Thế nhưng, ngay trong làn sóng xe điện toàn cầu dâng cao kỷ lục ở giai đoạn 2020-2023 thì các hãng xe Nhật vẫn trung thành với mục tiêu kéo giảm phát thải bằng động cơ đốt trong thế hệ mới, động cơ hybrid, nhiên liệu sinh học và đang theo đuổi mục tiêu lớn hơn như pin nhiên liệu, động cơ hydro.

Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 6 thế giới về số lượng xe trên đầu người với 659 xe/1.000 người dân, cao gấp 10 lần so với Việt Nam nhưng người Nhật không xanh hóa giao thông dựa vào xe điện. Dù thận trọng nhưng cách tiếp cận giao thông xanh của Nhật Bản vẫn đạt kết quả tốt: tổng phát thải từ ngành giao thông đường bộ Nhật năm 2015 khoảng 188 triệu tấn CO2 thì đến năm 2022 giảm còn 165 triệu tấn (4).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xanh hóa giao thông không thể chỉ dựa vào ‘trụ cột’ xe điện (Mục Nhĩ - Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  (KTSG Online) - Thay vì quy hoạch khu vực cấm xe xăng dầu và xem xe điện như là giải pháp xanh hóa giao thông chính, chính quyền cần xây d...