VÙNG BIÊN


1. Cửa khẩu.

Năm năm rồi tôi mới trở lại Lạng Sơn. Khỏang năm 2005 tôi có dịp lên cửa khẩu Hữu nghị quan. Hồi đó đường biên là con đường thằng, ranh giới hai bên phân biệt là màu nhựa đường. Nhìn qua Hữu nghị quan thấy có phần gần gũi vì vẻ rêu phong cổ xưa của nó. Cột mốc cây số 0 của hai bên đứng khiêm nhường bên đường. Đồn công an cạnh barie cũng giống nhau. Hai tòa nhà trụ sở Hải quan cũng tương đương về quy mô. Có khác chăng là phía Việt Nam hàng đòan xe tải chở trái cây chờ nhập khẩu sang Trung quốc, còn phía Trung quốc là những xe tải nhỏ chở hàng hóa tiêu dùng qua Việt Nam. Thật ra lúc ấy hàng hóa nhập từ Trung quốc qua cửa khẩu cho “phải phép” thôi vì hàng lậu đã tung hòanh khắp nơi.

Lần này đến đây tôi không nhận ra nơi mình đã đến cách đây mới 5 năm. Từ phía trụ sở Hải quan Viết Nam nhìn qua bên kia, tòan bộ khu vực cửa khẩu cao hẳn lên như một ngọn đồi, rộng như quảng trường, được lát đá sáng bóng, lát gạch sạch sẽ. Cột mốc phía Trung quốc là một tảng đá to lớn dựng giữa quảng trường, một hàng rào inox chạy suốt chiều ngang, vì vậy khách nhập cảnh không thể đi thằng mà phải đi theo đường hành lang ven lề trái để vào trụ sở Hải quan được xây mới đồ sộ hơn trước. Còn phía nhà ta thì vẫn là tòa nhà cũ, đường bê tông, bước ra khỏi trụ sở Hải quan là bụi mù. Mấy năm rồi mới xây được thêm bãi đậu xe hơi và nhà chờ ở tuốt phía ngòai. Có vài chiếc xe chở khách từ Hải quan ra bãi xe cũng là xe lam Trung quốc…

“Hữu nghị quan” đã biến thành tòa nhà lầu cửa kính hiện đại, tường xây sạch sẽ, không còn vẻ rêu phong cổ kính. Cũng phải thôi, “hữu nghị quan” giờ ngự trên “ngọn đồi” đá lát sáng bóng, cây đa cổ thụ gần đó cũng được xây bệ gạch tròn xung quanh, ghế đá, bồn hoa… Mọi thứ có vẻ quy củ và hòanh tráng. Chỉ buồn cười những bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt: nhà xí (nhà vệ sinh), “do đó nhập” (lối vào), “nơi tiêu độc đế giày” (thảm chùi chân)… không hiểu dịch kiểu gì nữa?

Từ bên này đi qua bên đó thì phải gò lưng lên dốc, nhìn qua bên đó thì cứ phải “ngước nhìn”. Từ bên kia nhìn về phía mình đúng là kiểu “nhìn xuống” đầy “hạ cố”… Có ai nhận ra điều đó không?!

2. Bằng Tường là một thị trấn của tỉnh Quảng Tây (Trung quốc) sát biên giới phía Bắc của Việt Nam. Lần trước tôi đến Bằng Tường chỉ là thị trấn nhỏ có phần hiu quạnh, mấy con phố cũ lác đác xe máy xe đạp, vài chiếc xe lôi do phụ nữ lái tập trung ở ga xe lửa. Ngày có vài chuyến xe lửa từ Bằng Tường đi Nam Ninh làm cho thị trấn nhộn nhịp chốc lát… Lang thang ngòai cửa ga trong lúc chờ tàu đến tôi còn kịp ngắm nghía sạp đồ cổ của một ông già bày ở lề đường, tiền xưa bạc cũ gốm cổ đủ cả, đẹp nhất là mấy chiếc tô đĩa gốm vẽ gà trống men màu xanh đỏ của các lò gốm Quảng Đông, trông quen thuộc vì giống gốm Biên Hòa. Cửa hàng bên kia đường bảng hiệu cũng có tiếng Việt “cửa hàng bách hóa” bán đủ lọai quần áo giày dép nước giải khát kẹo bánh. Màu sắc sặc sỡ, giá không đắt, hàng bình dân mà.

Bây giờ Bằng Tường đã trở thành một thành phố mới nơi cửa khẩu: đường phố rộng rãi chiếu sáng bởi hai dãy đèn đường uốn hình hoa râm bụt – biểu tượng của tỉnh Quảng Tây. Nhà đang xây ngổn ngang khắp nơi nhưng phố xá vẫn gọn gàng. Những phố xưa vẫn là những căn nhà phố hình ống một trệt một lầu cửa sổ trang trí hồi văn treo đèn lồng đỏ, như những con phố từ truyện của Lỗ Tấn bước ra. Chỉ khác là nhiều cửa hàng cửa hiệu dùng 2 thứ tiếng Trung – Việt, công ty du lịch, nhà hàng đặc sản san sát, khách du lịch đông đúc, cả Việt cả Trung, đều nói nhiều nói to, như nhau.

Trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố là một tòa nhà 4 lầu mới xây dựng. Bên kia đường một khách sạn 5 sao đang xây tựa lưng vào núi và nhìn lên một ngôi chùa cổ cheo leo vách núi. Bằng Tường đang xây nhiều chung cư cao tầng, có lẽ dân cư ở đây đang tăng lên nhanh chóng.

Thành phố cửa khẩu nối liền với Nam Ninh bằng con đường cao tốc nội địa mỗi bên 3 làn xe hơi và một làn đường phụ. Dải phân cách trồng hoa râm bụt suốt tuyến dài gần 180km. Khỏang 50 km có một trạm dừng rộng mênh mông đủ chỗ cho hàng chục xe lớn, nhà hàng luôn có thức ăn nóng sốt, siêu thị nhỏ nhưng đầy đủ hàng hóa cần cho người đi đường xa. Nhà vệ sinh sạch sẽ. Xe chạy tốc độ khỏang 100km/h, không hề thấy bóng công an vì suốt con đường được theo dõi bằng camera. Đường tốt làm khỏang cách như gần hơn. Không có cảm giác đây là vùng biên, càng không có cảm giác xa xôi heo hút dù con đường chạy giữa những ngọn núi đá nhấp nhô

Trên đường đôi lúc có cảm giác như đi giữa hai hàm răng sói khổng lồ…

Những mảnh vỡ (25)



73. Khoảnh khắc và mãi mãi
Tình cờ mình quen nhau và chỉ gặp vài lần. Một ngày bạn nhắn: những mẩu truyện mình viết rất ngắn sao lại làm bạn phải ngẫm về nó lâu đến thế.
“Những mảnh vỡ” của cuộc sống luôn có vẻ đẹp riêng dù không hoàn hảo, như dư âm của khỏanh khắc bên bạn cứ ngân mãi trong mình dù thời gian qua đã rất lâu…
74. Nàng Bân
Biết mùa Giáng sinh anh sẽ đi đến miền tuyết trắng, từ mùa thu cô đã cần mẫn đan chiếc khăn len, đôi bao tay, hy vọng khi dùng anh sẽ thấy ấm áp như có cô bên cạnh.
Anh đi rồi cô vẫn cần mẫn ngồi đan những chiếc khăn những đôi bao tay… Cuộn len mềm mại mang lại cho cô cảm giác được chạm vào hơi ấm của anh giữa Sài Gòn đầy nắng.
Ở nơi xa suốt mùa đông dài khăn và bao tay ấy chỉ nằm im trong góc va li…
75. Đừng biết buồn
Hai chị em đã có gia đình. Chồng chị làm ăn khá giả. Bên chồng em nghèo khó. Ngày giỗ cha em lật đật mang con về nhà từ bữa trước, thức khuya dậy sớm đi chợ nấu ăn. Tới giờ cúng vợ chồng chị mới về, cả nhà mừng rỡ.
Xong đám, người nhà chuẩn bị quà cho chị một giỏ bánh trái ngon lành, còn giỏ cho em là mấy món đồ ăn còn lại. Chiếc giỏ nhỏ mà bước chân em nặng trĩu.
Nghèo thì đừng biết buồn...





NHÀ THỜ (note cũ)

Lần đầu tiên không “bay đêm” mà lại lấy vế khứ hồi về Sài Gòn vào buổi trưa. Tối hôm trước một mình lang thang phố cổ Hà Nội tận hưởng hương mùa thu muộn màng se se trong gió…

Sáng ra ngồi café vỉa hè cạnh Nhà thờ Lớn. Nhìn hắt lên bức tường xám cũ kỹ nhưng vẫn đầy vẻ uy nghi. Quanh những bậc thềm rộng rãi phía trước nhà thờ là hàng rào sắt bao quanh. Không biết cái hàng rào có từ lúc nào, nhưng ngày trước những bậc thềm này vẫn là nơi các đôi nam nữ, những nhóm bạn bè ngồi tụ họp chuyện trò vui vẻ, trẻ em chạy nhảy đùa giỡn… Lúc ấy Chúa rất gần vì mọi người như đang ở trong ngôi nhà của Chúa, dù chưa bước chân vào bên trong nhà thờ. Giờ nhìn qua hàng rào, ngôi nhà thờ bỗng xa cách quá, dù tượng Đức Mẹ vẫn đứng đó bao dung với mọi người.

Năm 1882, sau khi quân Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai, Giám mục Paul-Francois Puginier đã cho phá hoàn toàn Chùa Báo Thiên để xây dựng nhà thờ, hoàn thành nhà thờ vào năm 1886. Nguyên thủy, nhà thờ này có tên là Nhà thờ Thánh Giuse (Saint Joseph). Chính vì vậy, ngôi thánh đường lớn nhất ở Hà Nội được tôn phong là "Nhà thờ lớn kính Thánh Giuse". Lễ khánh thành được tổ chức đúng vào lễ Giáng sinh năm Đinh Hợi (1887).

Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothique trung cổ châu Âu, rất thịnh hành trong thế kỷ 12 và thời Phục Hưng, làm theo mẫu của Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bổi. Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc. Trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá. Cũng giống Nhà thờ Đức Bà Paris, Nhà thờ Lớn Hà Nội nhìn xa hay gần cũng đều mang lại cảm giác nặng nề, uy nghiêm và… lạnh lùng. Có lẽ vì xây dựng ở Hà Nội – trung tâm chính trị văn hóa ngàn đời của vùng đất thuộc địa nên người Pháp chọn kiến trúc ấy như sự khẳng định quyền lực của chính quyền cai trị chăng?

Đi xa không hiểu sao cứ có cái cảm giác ám ảnh khi nhớ về Nhà thờ Lớn trong những sáng mùa đông Hà Nội mù sương…

***

Chiều đã ngồi café bệt vỉa hè Hàn Thuyên. Một mình với cuốn sách mới mua, vừa đọc lướt qua vừa để lọt vào tai tiếng chuông nhà thờ ngân dài trong nắng vàng rực rỡ. Trên cao lá và gió xôn xao. Vỉa hè tấp nập người và xe.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, tên chính thức là Vương cung Thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội (Immaculate Conception Cathedral Basilica). Đâyngôi nhà thờ lớn nhất và đặc sắc nhất Sài Gòn, với 2 tháp chuông cao 60 m, tọa lạc tại trung tâm thành phố. Tháng 8 năm 1876, Thống đốc Nam kỳ Duperré đã tổ chức một kỳ thi vẽ đồ án kiến trúc nhà thờ mới. Ngoài mục tiêu có chỗ thờ phụng, hành lễ cho tín đồ, việc xây dựng nhà thờ lớn cũng nằm trong mục đích phô trương đạo Công giáo và sự vĩ đại của nền văn minh Pháp trước người dân thuộc địa bởi vì Sài Gòn lúc bấy giờ là thủ phủ của chính quyến Pháp ở Đông Dương. Kể từ hòa ước Nhâm Tuất 1862 đến lúc này Pháp đã thiết lập chính quyền thuộc địa tại Sài Gòn và Nam bộ tương đối ổn định.

Đồ án của kiến trúc sư J. Bourad với kiến trúc theo kiểu Roman cải biên pha trộn nét Gotich đã được chọn. Cũng chính kiến trúc sư J. Bourad là người trúng thầu và trực tiếp giám sát công trình này. Mọi vật liệu từ xi măng, sắt thép đến ốc vít đều mang từ Pháp sang. Đặc biệt mặt ngoài của công trình xây bằng loại gạch đặt làm tại Marseille (Pháp) để trần, không tô trát, đến nay vẫn còn màu sắc hồng tươi không bám bụi rêu. Năm 1895, nhà thờ xây thêm hai tháp chuông, mỗi tháp cao 57,6 m và hai tháp có 6 chuông đồng lớn nặng 28,85 tấn. Trên đỉnh tháp có đính một cây thánh giá cao 3,50 m, ngang 2 m, nặng 600 kg. Tổng thể chiều cao từ mặt đất lên đỉnh thánh giá là 60,50 m. Hơn trăm năm nay gác chuông Nhà thờ Đức Bà luôn in bóng thanh thóat trên nền trời Sài Gòn xanh bốn mùa, mang lại cảm giác nhẹ nhõm và bình yên…

Chỉ tiếc là giờ đây, đứng phía nào nhìn lên cũng thấy nhà thờ Đức Bà bị đè bẹp bởi những tòa nhà cao tầng ốp kính xanh lè. Gác chuông chỉ còn như cái đinh, nhỏ nhoi đến tội nghiệp!

***

Khi hòang hôn nhẹ nhàng loang trên những ngọn cây sẫm dần, chuông điểm từng tiếng thong dong kéo trí nhớ về buổi chiều vùng quê Phát Diệm.

Nhà thờ Phát Diệm là một quần thể các nhà thờ Công giáo rộng khoảng 22 ha, nằm tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Nhà thờ đá Phát Diệm là một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam. Đây là một công trình lớn, được xây dựng bằng đágỗ, khởi công vào năm 1875 và đến năm 1898 thì cơ bản hoàn thành. Quần thể kiến trúc này gồm các phần: Ao hồ, Phương Ðình, Nhà thờ lớn, ba hang đá nhân tạo và nhà thờ đá. Nét độc đáo của công trình này ở chỗ: mặc dù là nhà thờ Công giáo nhưng được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam.

Làng tôi xanh bóng tre,

từng tiếng chuông ban chiều,

tiếng chuông nhà thờ rung…*

Những ngày ở đấy, mỗi khi chiều xuống, tiếng chuông nhà thờ lan xa lẫn trong khói bếp tím mong manh thơm mùi rơm mới, đàn trâu lộp cộp khua móng trên đường làng, tiếng gọi nhau í ới… Làng quê thanh bình, và buồn… Bỗng nhớ nhà da diết…

Không biết những người dân từ đây ra đi năm nào có nhớ nhà như mình lúc ấy không…

* Bài hát “Làng tôi” của Văn Cao

10/2009

MÓN NGON QUÊ NGOẠI TUI NÈ :)

SGTT.VN - Người dân ở Đồng Tháp thường tự hào giới thiệu với du khách rằng: “Không đâu lạ và ngon bằng món cá lóc hấp mận Hoà An”. Chị Hồng Ngọc, nhân viên công ty Vĩnh Hoàn 1, tuy không phải là dân xã Hoà An cũng khoe: “Má tôi dạy làm món cá lóc hấp mận Hoà An từ nhỏ. Má nói món này xuất phát từ làng Hoà An gần cả trăm năm rồi” và phụ nữ ở Cao Lãnh truyền lại bao đời nay.

Phải mận Hoà An hấp cá lóc mới tuyệt

Lần đầu tiên tôi được nếm cá lóc hấp mận Hoà An trong một cuộc thi nấu ăn ở Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vào đầu tháng 12 này. Mười hai nhóm phụ nữ ở đây tham gia cuộc thi và món được chăm chút nhất là cá lóc hấp mận Hoà An để mong món này được đưa vào cẩm nang du lịch tỉnh. Bà Lê Thị Tuyết phụ trách một nhóm thi nấu ăn, tư vấn nấu món cá lóc ngon lạ này: cá lóc phải là cá bắt trong đồng, thịt mới dai và ngọt. Con cá cỡ 700 – 800g vừa cho một dĩa, cá lớn quá khi hấp vị trái mận không thấm đều, sẽ không ngon.
Cá đánh vảy, làm sạch, ướp với củ hành tím bằm nhuyễn, muối, đường, tiêu, thêm một muỗng nhỏ nước mắm, để chừng 20 phút cho cá thấm gia vị. “Mận phải là mận Hoà An thì hấp mới thành được”, bà Tuyết nói. Trái mận Hoà An màu hồng nhạt, lớn lắm chỉ bằng cái cốc uống trà ở nhà quê, trái ra từng chùm. Không ngọt lịm như giống mận sữa trắng, không quá nhiều nước như mận An Phước, mận Hoà An chín có vị chua chua, ngọt ngọt, không lẫn vị chát. Khi xếp mận bao phủ cá lóc để hấp thì nước mận tiết ra thấm vào cá, quyện với vị mặn cùng gia vị ướp làm cho thịt cá có hương vị đặc trưng. Nước cá hấp thấm lại vào trái mận, nên ăn kèm mận với cá lại ngon hơn. Cá chín rưới hành tỏi phi vàng và tiêu lên để tăng hương thơm.
Món cá lóc hấp mận dùng chung với bánh tráng, rau, chuối chát, dưa leo, chấm nước mắm tỏi ớt pha chua ngọt. Nếu có các loại rau sông, rau vườn như rau trai, cải trời, lá cách, lá cốc càng ngon. Theo chị Hồng Ngọc, cái quý của món này là phải đúng mùa mận Hoà An ra trái mới làm được, tức khoảng tháng 10 âm lịch năm trước đến hết tháng Giêng năm sau. Cũng thời gian này, cá lóc đồng ngon thịt nhất, cá mập tròn, ruột mỡ béo và cá lóc đồng vùng Đồng Tháp Mười không thiếu.
Một phần xã Hoà An đã được tách ra thành phường Hoà Thuận khi thị xã Cao Lãnh được nâng cấp lên thành phố năm 2007. Mặc dù đã chia tách nhưng người dân vẫn cứ muốn mang cái danh xứ Hoà An. Chính vậy mà khi vừa qua cầu Nguyễn Văn Tre vào phường Hoà Thuận, thấy nhà có cây mận đầy trái hồng, trước nhà để hai rổ mận bán, chúng tôi hỏi mua và hỏi đường đến làng Hoà An, thì ông già đang hái mận dừng tay nạt ngang: “Đến xứ Hoà An mà còn hỏi! Bực mấy ông chính quyền. Tui dân Hoà An đây!”
Chẳng thế mà bà Lê Thị Tuyết cứ thanh minh mãi rằng bà hiện ở phường Hoà Thuận nhưng sinh ở ấp Hoà Mỹ, xã Hoà An. Và món cá lóc hấp mận mà bà Tuyết mới chỉ cách làm vẫn phải gọi là cá lóc hấp mận Hoà An.

http://sgtt.vn/Huong-vi-que-nha/134506/Phai-man-Hoa-An-hap-ca-loc-moi-tuyet.html

Viết ngắn (2)

Bạn hỏi mình viết ngắn như thế nào? Hihi, mình cũng không biết, nhưng thử "sửa" một truyện sau để bạn xem nhé:

NGUYÊN BẢN: MÙA LÁ RỤNG (Nguyễn Bá Hòa, 174 chữ)

Chị là công nhân quét rác của thành phố. Thành phố đẹp với con phố dài che mát bởi hai hàng cây thẳng tắp. Nhưng khổ nỗi cứ chiều về lá rụng đầy con phố, chị quét đến khuya, quét phía trước, lá rụng phía sau… Mồ hôi nhễ nhại.

Chồng chị có chút ít chữ nhưng lại xin không được việc làm. Anh ở nhà đọc sách làm thơ, bài nào kha khá thì gửi báo họa may có ít đồng nhuận bút.

Tối nay xong công việc chị vội vã về nhà. Đèn còn sáng, chắc có chuyện gì, bởi lẽ giờ này anh ấy đã ngủ say. Chị vừa bước vào nhà anh đã hồ hởi khoe:

- Mới làm bài thơ mới, em đọc đi!

Mệt mỏi nhưng nể chồng, chị cầm tờ giấy lên xem. Mới đọc tiêu đề bài thơ “Mùa lá rụng” chị bỗng rùng mình, một cơn lạnh chạy từ sống lưng lên đỉnh đầu. Chị ngất đi trong vòng tay của anh.


BẢN HKC SỬA: MÙA LÁ RỤNG (117 CHỮ)

Chị là công nhân quét rác. Thành phố đẹp với những phố dài hai hàng cây thẳng tắp, chiều về lá rụng đầy. Quét phía trước lá rụng phía sau…chị quét mãi, mồ hôi nhễ nhại.

Chồng chị không có việc làm. Anh ở nhà đọc sách làm thơ, thi thỏang có bài đăng báo kiếm vài đồng nhuận bút.

Khuya nay chị về, ngạc nhiên vì anh còn thức. Thấy chị anh khoe:

- Mới làm bài thơ, em đọc đi!

Mệt mỏi nhưng nể chồng, chị cầm lên xem. Đọc tiêu đề “Mùa lá rụng” chị bỗng rùng mình buông tay. Tờ giấy bay bay như hàng cây trút lá…


Mình vẫn chưa ưng ý vì vẫn còn dài hơn 100 chữ :))

SỐNG CHẬM THỜI ONLINE



Ngày nào cũng vậy.
Sáng hối hả ra đường chạy trong dòng xe tấp nập. Đèn đỏ ngừng xe nhấp nhổm, đèn vàng bấm còi inh ỏi, đèn xanh vội vã lao lên.
Chiều nháo nhác ra khỏi cơ quan, tranh thủ về trước giờ tan tầm dù chỉ vài phút. Ai cũng nghĩ mình về sớm cho đỡ kẹt xe. Cuối cùng kẹt xe vẫn kẹt!
Đến công sở mở máy vào mạng, về nhà vào web. Email liên tục hiện ra, cửa số chat nhấp nháy liên hồi, suốt ngày lướt từ nơi này qua nơi khác như bay trên bầu trời đan cài hàng ti tỉ thông tin bằng máy bay siêu tốc. Dường như không có mạng thông tin ấy người ta sẽ ngay lập tức rơi vào “hố đen” của quá khứ.
Báo chí tràn ngập tin “nóng”, nào là đâm chém, lộ hàng, nào là sao nọ cặp với ai sao kia chia tay ai, chân dài nào vòng hai lớn bất thường chân dài nào vòng một to đột xuất… tin nhanh còn hơn việc xảy ra. Một lời chưa ra khỏi miệng đã tràn ngập blog nọ website kia.
Truyền thông đưa tin từng giây từng phút sự kiện “hot” đang diễn ra trên khắp thế giới, sợ chỉ chậm một giây thôi nơi khác sẽ có sự kiện khác “hot” hơn. Nào tai nạn nào chiến tranh nào ô nhiễm, nào động đất sóng thần núi lửa …
Tràn ngập phim hành động cưỡi xe bắn súng phóng dao vèo vèo. Tràn ngập trên phim lẫn ngòai đời những đám cưới cũng vội mà ly dị còn nhanh hơn. Sống chưa được mấy năm đã nghe ung thư cắt hộ khẩu HIV tuyên án.
Năm này qua năm khác.
Từ thành phố đến nông thôn, khắp nơi là nhanh chóng, khẩn trương, là bon chen vội vã là cuống quýt… Tốc độ xã hội làm cuộc sống sôi lên sùng sục. Ai nấy đều sợ mình là người lạc hậu, sợ thành “trâu chậm uống nước đục” dù chả biết “nước trong” như thế nào và ở đâu. Mà không muốn cũng bị đầy đi, lôi đi, mệt nhòai hết hơi cũng không dám dừng không thể dừng vì sợ sẽ bị đám đông xô ngã dẫm bẹp xéo nát.

A, thế mà cũng trên báo chí trên truyền hình, trong blog này website kia, gặp bác sĩ này người bạn nọ… Dị khẩu đồng thanh chúng khẩu đồng từ khuyên rằng, hãy sống chậm, phải sống chậm, để tận hưởng cuộc sống, để cảm nhận hết cuộc đời, để thanh thản, để bình tâm để thanh tịnh để… sống lâu hơn…
Sống chậm ư? Làm cách nào? Đi bộ nhé? Hay không đọc báo nghe đài không xem TV? Hay không vào mạng không lướt web không FB?
Hay là tập yoga? (hôm qua cô bé tiếp thị của một trung tâm thẩm mỹ điện thọai cho mình mời đến tập yoga cho thư giãn cân bằng cuộc sống, thế mà nói nhanh như súng bắn, mình nghe hụt cả hơi chả kịp hiểu gì!). Hay là đi tập "thiền" nhỉ, bây giờ “thiền” đang là mốt của những quý bà xinh đẹp và thành đạt. Nhưng cả hai tiêu chuẩn ấy ở mình đều vô cùng khiêm tốn.
Khó nhỉ, sống chậm mà cũng khó quá! Thôi mình chả “sống chậm” được đâu. Thi thoảng khi bộ nhớ đầy đầu óc treo đành nghêu ngao:

Chiều xuống ru hồn người bềnh bồng…

Chiều nay em ra phố về...
...
Chiều nay mình lang thang trên phố dài, không có em...

Chiều còn vương nắng để gió đi tìm...
Để rồi chiêm nghiệm cảm giác

có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay

…thấy đời mình là những quán không

…lặng nhìn mùa thu lá rơi...

…Người còn nhớ mãi hay quên rồi...
Bỗng thấy người chùng xuống…
Như thế có thể gọi là “sống chậm”, được không...?

VỀ THỂ LỌAI TRUYỆN CỰC NGẮN

Nói đến thể loại truyện rất ngắn trong tiếng Anh có rất nhiều tên gọi, trước tiên là Minute Long Story, nghĩa là truyện 1 phút, Postcard Fiction: truyện bưu thiếp, Skinny Fiction: truyện gầy, hay Pocket-Size Story: truyện bỏ túi hoặc Palm Size Story: truyện có kích thước bằng lòng bàn tay…Còn tiếng Việt có hai cách gọi, hoặc truyện thật ngắn hoặc truyện cực ngắn.

Riêng văn chương Trung Hoa thì gọi là "cực đoản thiên", rất sát với cách gọi của Việt Nam là truyện cực ngắn.

Dù tây hay tàu gì thì cũng dùng để chỉ độ dài của loại truyện này là phải thật ngắn, ngắn đến chỗ không thể ngắn được nữa. Càng ngắn càng cô đọng thì càng hay.

Có người thắc mắc, vậy có tiêu chí nào dành để đếm số chữ trong một truyện loại này để xem anh nào ngắn đúng bài bản hay không? Xin thưa không ai đưa ra định mức cho cách đo đếm này. Nhà phê bình văn học chưa có những thích thú đúng mức để viết những bài dài phân tích cặn kẽ thể loại này hầu đưa ra một chuẩn mực nào đó dùng để đánh giá mức độ thành công của một tác phẩm thật ngắn hay cực ngắn.

Người cổ động và gây nhiều chú ý về thể loại truyện thật ngắn trong cộng đồng văn chương Việt Nam có lẽ là Võ Phiến. Tác phẩm “Truyện Thật Ngắn” gồm 12 truyện của ông xuất bản năm 1991 cho thấy khả năng gợi cảm của những câu chuyện được cô đọng lại có sức hấp dẫn như thế nào qua văn phong đặc biệt của Võ Phiến.

Theo nghiên cứu văn học Tạ Quốc Tuấn thì “truyện thật ngắn là một câu chuyện nho nhỏ, hoặc một khía cạnh, một tình cảm, một ảo tưởng, một đoạn đối thọai của một người đều có thể làm thành đề tài của truyện cực ngắn...Truyện cực ngắn dồi dào triết lý tính. Một truyện cực ngắn có khái quát lực đối với sinh hoạt hiện thực và xuyên thấu lực đối với bản chất sinh hoạt là đã thông qua sự thực hiện lập ý”.

Còn Võ Phiến thì cho rằng “do hoàn cảnh mới,tâm lý mới. Cách đọc ngày nay khác với cách đọc ngày xưa. Cách thưởng ngoạn ngày nay khác cách thưởng ngoạn ngày xưa. Cách khác thì hậu quả cũng khác. Quan điểm khác. Thẩm mỹ cũng khác”.

Những nhận xét mà Võ Phiến đưa ra có cái lý của nó, nhất là đối với những cư dân thời a vòng, thời mà con người không đủ kiên nhẫn để thưởng thức những câu chuyện lê thê dù lời văn có gọt dũa kỹ lưỡng đến đâu cũng không hấp dẫn được người đọc hôm nay.

Ngắn, cô đọng, xúc tích là đặc điểm mà thế loại này đòi hỏi.

Mùa lá rụng

Một truyện thật ngắn của Nguyễn Bá Hòa post trên mạng có lẽ phần nào thỏa mãn được đòi hỏi này, tuy chưa thể nói là hay nhưng câu chuyện làm người đọc bâng khuâng, suy nghĩ:

Mùa lá rụng

Chị là công nhân quét rác của thành phố. Thành phố đẹp với con phố dài che mát bởi hai hàng cây thẳng tắp. Nhưng khổ nỗi cứ chiều về lá rụng đầy con phố, chị quét đến khuya, quét phía trước, lá rụng phía sau… Mồ hôi nhễ nhại.

Chồng chị có chút ít chữ nhưng lại xin không được việc làm. Anh ở nhà đọc sách làm thơ, bài nào kha khá thì gửi báo họa may có ít đồng nhuận bút.

Tối nay xong công việc chị vội vã về nhà. Đèn còn sáng, chắc có chuyện gì, bởi lẽ giờ này anh ấy đã ngủ say. Chị vừa bước vào nhà anh đã hồ hởi khoe:

- Mới làm bài thơ mới, em đọc đi!

Mệt mỏi nhưng nể chồng, chị cầm tờ giấy lên xem. Mới đọc tiêu đề bài thơ “Mùa lá rụng” chị bỗng rùng mình, một cơn lạnh chạy từ sống lưng lên đỉnh đầu. Chị ngất đi trong vòng tay của anh.

Với tổng số 174 chữ tính luôn cả tựa, truyện của Nguyễn Bá Hòa có thể nói đã đạt được yêu cầu về độ ngắn nhưng người đọc vẫn chưa thỏa mãn được điều gì đó mang một chút yếu tính văn chương. Có thể là cách chọn chữ, chọn câu chăng?

Anh tôi

Trong một truyện thật ngắn khác của Vũ Viết Hưng người đọc cảm thấy xúc cảm trước một câu chuyện đổ vỡ đã được báo trước.

Anh tôi

Anh gần 40 tuổi mà chưa có vợ, chị nhỏ hơn anh gần một giáp lại xinh đẹp. Ngày anh đưa chị về nhà, ai cũng mừng cho anh chỉ riêng mẹ bảo: "Con phải tính cho kỹ, mẹ thấy không yên tâm". Anh cười nói: "Mẹ đừng lo".

Thôi nôi con anh được một tháng thì mẹ mất, trước khi đi mẹ chỉ dặn anh: "Giữ cháu lại cho bà". Anh cầm tay mẹ bảo: "Mẹ yên tâm".

Anh chị ly dị, con anh theo mẹ, anh đứng trước bàn thờ mẹ khóc chỉ nói được câu: "Con xin lỗi".

Truyện này thậm chí ngắn hơn cả truyện của Nguyễn Bá Hòa, chỉ vỏn vẹn 103 chữ!

Thế nhưng truyện thật ngắn của Vũ Viết Hưng cũng chưa thể xem là một tác phẩm hoàn chỉnh, dù nó hoàn toàn thỏa mãn những đòi hỏi của kỹ thuật viết.

Ở một truyện khác của Trương Hoa người đọc hụt hẫng với hình ảnh một bà mẹ một mình ngồi dưới bếp ăn món ăn quê mùa trong ngày sinh nhật của mình:

Trong năm đứa con của má, chị nghèo nhất. Chồng mất sớm, con đang tuổi ăn học.

Gần tới lễ mừng thọ 70 tuổi của má, cả nhà họp bàn xem nên chọn nhà hàng nào, bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu người. Chị lặng lẽ đến bên má: "Má ơi, má thèm gì, để con nấu má ăn?"

Chưa tan tiệc, Má xin phép về sớm vì mệt. Ai cũng chặc lưỡi: "Sao má chẳng ăn gì?" Về nhà, mọi người tìm má. Dưới bếp, má đang ăn cơm với tô canh chua lá me và dĩa cá bống kho tiêu chị mang đến…

Câu chuyện làm người đọc suy nghĩ. Hình ảnh tiếp theo hình ảnh, từ cận cảnh của đám đông trong bữa tiệc đến khi ống kính của tác giả quay chậm cảnh bà mẹ một mình dưới bếp là động tác so sánh làm người đọc cảm nhận đây chính là một câu chuyện hoàn chỉnh. Ngắn và cô đọng. Cả ba truyện thật ngắn mà chúng ta vừa nghe do những tác giả không chuyên trong nghề văn sáng tác. Các tác phẩm này dù sao đã đạt được tiêu chuẩn ngắn cần thiết. Tuy nhiên có cần thiết phải cực ngắn mới lột được cái thần của nhân vật hay cái lõi của câu chuyện hay không?

Đối với TS Nguyễn Thị Hậu, một người không nhận mình là nhà văn mặc dù bà đã có rất nhiều sách được xuất bản thì truyện cực ngắn là một thể loại bà viết thành công nhất. Bà cho biết thói quen của mình khi sáng tác thể loại này:

“Thật ra những ý tưởng dùng làm chất liệu để viết những chuyện rất ngắn như thế nó đến trong cuộc sống bình thường thôi. Có khi chỉ là một câu nói nghe được ở đâu đấy, có khi là một câu chuyện mà mình trao đổi với bạn bè nảy ra những câu chuyện nho nhỏ…tất cả những cái đấy là chất liệu, nó ở trong đầu và đến lúc nào đấy thì tự nhiên nảy ra cái ý định viết một truyện ngắn nhưng hoàn chỉnh.

Có thể dưới góc độ nào đấy thì nó có tình tiết, đóng mở giống như cấu trúc một câu chuyện nhưng nó được hoàn chỉnh dưới dạng một cảm xúc, tình cảm. Có khi một câu nói đẩy tình cảm người ta đến một cảm giác buồn vui hay phẫn nộ…

Những chuyện tôi viết không hẳn là một truyện ngắn hoàn chỉnh. Có lẽ do thói quen nghề nghiệp nghiên cứu khoa học cho nên khi viết thì từ ngữ cố gắng cho chính xác…nói cố gắng không đúng lắm nhưng khi mình viết thì chọn từ diễn tả đúng ý định mình muốn nói trong đầu. Cho nên đôi khi viết ngắn như thế nhưng phải viết đi viết lại.”

Gãy Chân

Đi nhậu về, chồng bị tai nạn xe máy gãy chân, phải nằm một chỗ. Chân bó bột cứng đờ, nặng chịch. Mọi việc đều có vợ ở bên giúp đỡ.

Khuya. Bỗng chồng lăn lộn rồi ngã nhào từ trên giường xuống đất, cái chân lành bị chân bó bột đập mạnh làm sưng vù, tím bầm. Vợ choàng dậy, hỏi: anh sao thế, sao lại ngã thế? Vẫn chưa hết hốt hoảng, chồng trả lời: nằm mơ, thấy đang ngồi trên đường rầy, xe lửa hú còi đến gần rồi mà không sao chạy được! Lại hỏi: làm gì mà ngồi trên đường rầy? – Ngồi nhậu với bạn, tụi nó thấy xe lửa tới đứa nào đứa nấy bỏ chạy mất tiêu!

Bước Hụt

Chúng ta vừa nghe truyện thật ngắn có tựa “Gãy Chân” của Nguyễn Thị Hậu. Một truyện thật ngắn khác mang tên “Bước Hụt” sau đây có thể làm người nghe mường tượng được khả năng thẩm thấu sự việc một cách nhanh chóng và sâu sắc của tác giả tới mức nào:

Anh chị sống với nhau đã lâu. Vui có mà buồn cũng không ít. Cuộc sống cứ nhàn nhạt, bằng lặng trôi qua. Vất vả qua đi, các con lớn dần… Một ngôi nhà khang trang, đồ đạc mỗi ngày một mới hơn, đầy đủ hơn. Anh cũng vắng nhà nhiều hơn.

Một lần lên lầu bước vào phòng ngủ, chị thấy anh đang ngồi đếm tiền, những cọc tiền 100 ngàn còn mới. Nhìn thấy chị, bất giác anh xoay người khom lưng che gói tiền…

Đi nhanh ra khỏi phòng và bước xuống, chị chợt nghĩ, sao bậc cầu thang nhà mình dạo này cao thế không biết…

Chỉ với 87 chữ, Nguyễn Thị Hậu dẫn người đọc bước liêu xiêu theo bước chân hụt của bà, “hụt” là từ đắt nhất mà bà dùng ở đây. Nó chứa đựng gần như mọi thứ thất vọng trên đời kể cả thất vọng về tình cảm và niềm tin. “Hụt”, ngắn và gọn nhưng hiệu quả biết chừng nào.

Xe đạp ơi

Ở một truyện khác ngắn chưa đầy trăm chữ mang tên “Xe đạp ơi”, Nguyễn Thị Hậu mang cái cay đắng nhưng cũng trần trụi cuộc đời ra để chia sẻ. Xe đạp ơi có cái tình tứ của tuổi trẻ, cái mỏi mệt của trung niên và cái về chiều của từng chiếc lá…ba giai đoạn cuộc đời gói gọn trong 102 chữ nào phải dễ dàng đối với một người sáng tác, và trên hết, “Xe đạp ơi” trần trụi một sự thật mà nhiều người khó thể chịu đựng.

Ngày yêu nhau anh thường chở chị đi chơi, đi làm bằng xe đạp. Mỗi lần lên dốc cây cầu dài, chị nép vào lưng anh, thầm thì: Mệt không anh?

Anh gò lưng đạp xe nhưng vẫn ngoái lại nhìn chị, vừa thở vừa ráng mỉm cười: có gì đâu em.

Lấy nhau rồi, cũng con dốc ấy cũng câu hỏi âu yếm “anh mệt không?”, không ngóai đầu lại, anh lầm bầm “Người chứ có phải trâu đâu mà không mệt!”.

Ngồi sau bất giác chị co rúm người, chỉ mong biến thành chiếc lá, bay đi.

Chúng tôi xin dẫn lời của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc để kết thúc câu chuyện văn học hôm nay.
"... Cái hay của truyện cực ngắn không nằm ở chỗ nó tả mà nằm ở chỗ nó gợi ra. Một truyện cực ngắn hay là truyện có sức ngân và vang thật xa và thật lâu....Đọc xong, người ta cứ bị ám ảnh mãi. Qua sự ám ảnh ấy, câu chuyện tiếp tục tỏa sáng và phát nghĩa....Cũng giống như trong THƠ, ở truyện cực ngắn,tác giả chỉ phát ra một số gợi ý để người đọc,chính người đọc mới là kẻ hoàn tất tác phẩm


http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/Minute-long-story-mlam-12112010141609.html

VIẾT TRUYỆN CỰC NGẮN MÀ SAO MÌNH LẠI NÓI VỀ NÓ DÀI THẾ KHÔNG BIẾT :))

Chuyển mùa...


Cả ngày phải ngồi viết những văn bản hành chính chán ngán, nhìn ra ngoài đường cơn nắng cơn mưa cứ đuổi bắt nhau... Chả còn đầu óc nào mà viết nữa...
Mùa nối mùa qua mau, tháng chạp đang đến, lại sắp hết một năm...
Không khí chuyển mùa bao giờ cũng làm cho người bâng khuâng, dường như mình đang đánh mất gì đó không sao nhớ ra được. Mất gì nhỉ? Thời gian, tất nhiên rồi... mỗi ngày mỗi tuần mỗi tháng mỗi năm... thời gian là vô tận nhưng với mỗi người, nó là hữu hạn, cái giới hạn cuối cùng ngày một rõ ở phía tương lai.
Nhưng chẳng phải ai cũng đủ tinh tế để hiểu rằng, với mình với người, mọi cái cũng là hữu hạn. Nhưng khác với thời gian, giữa những con người cái giới hạn cuối cùng ấy có thể đẩy lùi đến vô tận, mà cũng có thể đến ngay tức khắc, tùy thuộc vào mỗi người, tùy thuộc vào sự mẫn cảm, vào cách ứng xử, vào sự hiểu biết... sợi giây mong manh giữa những con người dễ dàng bền chặt mà cũng dễ dàng biến mất, đôi khi chỉ vì sự vô tình. Mà trong cuộc đời này, sự vô tình giết chết nhiều người lắm...
"Dĩ vãng như bao cung tơ"... mà hiện tại cũng mỏng manh như sợi tơ trời... mong manh lắm...

XY NĂM VỀ TRƯỚC...

Đêm mùa đông Hà Nội.

Một người phụ nữ đi bộ một mình từ phố Đặng Thái Thân rồi rẽ ra Tràng Tiền. Cứ khó nhọc được vài bước bà dừng lại, ôm bụng. Bà nói thầm, con ơi ráng chút xíu nghe, gần tới nơi rồi. Đích đến của bà và đứa bé đang nóng lòng muốn chào đời là Bệnh Viện C trên phố Tràng Thi. Tại đó vào khỏang giờ Sửu bà đã sinh ra một bé gái có cặp mắt to, khuôn miệng nhỏ và nước da ngăm ngăm. Sau này thỉnh thỏang bà vừa cười vừa kể “trời ơi lúc mới sanh nó xấu đau xấu đớn”, hic!

Hai tuổi. Bà hỏi con gái: lớn lên con thích làm gì? Lớn lên con thích đi hát lương! Giọng đớt đát cô bé trả lời, vì nhà trong khu tập thể của Đoàn Cải lương Nam bộ nên suốt ngày cô bé được nghe ca cải lương mà.

(Nhời bình của Hậu Khảo Cổ: eo ơi, sến từ nhỏ!)

Bốn tuổi. Bà hỏi con gái: lớn lên con thích làm gì? Lớn lên con thích đi ăn bún riêu! Suy nghĩ căng thẳng một lúc cô bé trả lời dứt khoát. A, đó là món khoái khẩu của cô nhỏ mà.

(Nhời bình của HKC: Trời ơi, tâm hồn ăn uống đã có từ rất sớm!!!)

Sáu tuổi. Bà hỏi con gái: lớn lên con thích làm gì? Lớn lên con thích đi chơi! Không chần chừ cô bé trả lời một cách nghiêm túc. Á, là vì đi học lớp 1 rồi, không được tự do chạy nhảy như ở nhà nữa mà.

(Nhời bình của HKC: Bụi đời rất hợp với tính iem!!!)

Tám tuổi. Bà nói đùa với con gái: Hôm nay má cho ăn phở, về đừng kể với chị nhé. Chạy vào nhà, cô bé nói với giọng rất vô tư lự: chị ơi, hôm nay má không cho em ăn phở đâu!

(Nhời bình của HKC: dù nhiều tính xấu nhưng còn may được cái thật thà kéo lại!!!)

Bây giờ, cô bé đã là một người đàn bà không còn trẻ nữa (ấy là hơi quá tự tin khi nói thế, lẽ ra cứ phải nói thẳng nói thật là… già rùi). Vẫn da nâu mắt to, miệng nhỏ. Vẫn sến như con sên bên cây chuối, ấy là tự nhận thế. Vẫn luôn quan tâm đến cái sự ăn uống, nhưng ăn thì ít mà lại biết nấu nhiều món khá lạ và ngon, ấy là nhận xét của hai công chúa và ông thân sinh ra chúng. Vẫn thích đi chơi nên đã chọn một cái nghề hay lang thang dù đôi lúc cũng hơi “ân hận”. Và vẫn thật thà, dù biết rằng “thật thà chịu nhiều xót xa” như lời một bài hát mà nó thường ngâm nga

Vẫn nhời bình của HKC: Khiếp quá, ai mà chịu được một người SẾN + ĂN + CHƠI + THẬT = THÀ như thế!

Phải không…?




GÌN GIỮ NHỮNG "KHÔNG GIAN CỘNG CẢM"

Phỏng vấn trên Báo Tuổi trẻ cuối tuần, số ra ngày 5/12/2010.

Thưa chị, gần đây chị được giao nhiệm vụ khảo sát khu vực Cần Giờ phục vụ cho quy hoạch lớn tại khu vực này. Đây cũng là nơi chị làm luận án tiến sỹ về “Di tích mộ chum miền Đông Nam bộ: những phát hiện mới tại Cần Giờ - TPHCM” và là vùng đất rất nhạy cảm về sinh học cũng như địa lý. Liệu có xung đột gì hay không, giữa vai trò của “nhà khảo cổ học” và người đang làm việc tại cơ quan có chức năng tham mưa cho chính quyền thành phố về phát triển đô thị?

Lãnh đạo thành phố đã gợi ý tôi tiến hành khảo sát lại về mặt khảo cổ học tại khu vực Cần Giờ theo đề án quy hoạch tới năm 2020. Thực ra, những năm 1992-1998 đã có khảo sát sơ bộ rồi. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi, chủ yếu ở khu vực ven biển do quá trình đô thị hóa. Khi có dự án phát triển Cần Giờ trở thành đô thị biển thì các nhà quản lý muốn biết xem liệu dự án này có ảnh hưởng gì đến những di tích khảo cổ đã công bố hay không, tức là thành phố quan tâm đến vấn đề: Cần Giờ trở thành đô thị biển thì việc bảo tồn di tích lịch sử và môi trường sinh thái sẽ như thế nào?

Nếu theo quy hoạch của dự án này thì may mắn là ít nhất đến năm 2020 hệ thống di tích đã được phát hiện và khai quật tại đây chưa bị đụng chạm đến vì môi trường cảnh quan là khu dự trữ sinh quyền được bảo vệ nguyên vẹn. Do địa hình tự nhiên các giồng đất là di tích ở Cần Giờ nằm sâu trong rừng ngập mặn. Tuy nhiên, điều tôi lo ngại là biến đổi khí hậu nước biển dâng sẽ xâm hại tới di tích. Theo như kế hoạch thì tới năm 2020, chủ yếu sẽ phát triển đô thị ven biển (và lấn biển) là chính, theo các tiêu chí: vừa là đô thị hiện đại, vừa có sinh thái tự nhiên và có di sản văn hóa. Về sinh thái tự nhiên thì chúng ta đã biết Cần Giờ được thế giới công nhận là Khu dự trữ sinh quyển. Còn về hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở đây cũng rất có giá trị: Đó là những di tích khảo cổ học có niên đại từ 3000 năm đến khoảng 1500 năm cách ngày nay, kéo dài từ văn hóa Đồng Nai thời tiền sử đến thời kỳ văn hóa Óc Eo. Sau đó còn là các dấu tích của lưu dân trên con đường vào khai phá vùng đất Gia Định – Đồng Nai, gồm có di tích khảo cổ, đình, chùa… và nhiều lễ hội tín ngưỡng dân gian.

Vậy chị chắc chắn là dự án sẽ không ảnh hưởng gì tới khu vực sinh thái và di tích cổ? Nhưng nếu xét về lâu dài dự án thì sẽ ảnh hưởng ra sao, đặc biệt đối với những khu vực mà chúng ta chưa có điều kiện khai quật?

Nhiệm vụ của đề tài là khảo sát lại hệ thống di tích khảo cổ đã biết. Căn cứ vào thông tin quy hoạch hiện nay tới năm 2020 mà tôi được biết thì tôi thấy rằng dự án chưa ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống di tích này, tức là không xây dựng công trình gì ở khu vực có di tích cả. Đúng là chúng tôi chưa có điều kiện khảo sát toàn bộ khu vực Cần Giờ, nhất là xã đảo Thạnh An. Nhưng có một điều chắc chắn là muốn bảo tồn di tích khảo cổ ở Cần Giờ thì phải bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, vì di tích cổ không thể tách rời môi trường. Nếu phá hoại môi trường mà chỉ giữ di tích thì giá trị giảm đi rất nhiều. Cảnh quan di tích tạo ra “không gian cộng cảm” giữa những con người hiện tại với những người đã từng sống ở vùng đất đó. Di tích không chỉ là “hố khai quật” hay cái làng còn lại, mà còn là không gian quanh nó. Khi tiến hành khảo sát ở đây tôi nhận thấy hai vấn đề: 1/ Cần tiến hành khảo sát thường xuyên và trước mắt là xã đảo Thạnh An. 2/ Có thể nhìn nhận việc lấn biển là một cách xây dựng đô thị của một số vùng ven biển (như ở Hàn quốc chẳng hạn), trong những cái ưu và nhược điểm của cách làm này thì ở Cần Giờ ưu điểm của nó là không phá hoại môi trường sinh thái trong rừng ngập mặn.

Điều tôi lo ngại nhất, cũng là quan trọng nhất đối với việc bảo tồn các di tích cổ, là quy hoạch không thực hiện đúng như bây giờ đề ra. Điều lo ngại khác của tôi là khi phát triển đô thị Cần Giờ, loại hình du lịch sinh thái – văn hóa ở đây sẽ trở nên quan trọng và hấp dẫn hơn. Nếu “khai thác” không đúng cách cũng làm hư hỏng hoặc giảm giá trị của di tích. Đó chính là sự ảnh hưởng gián tiếp của quá trình đô thị hóa đối với di tích lịch sử văn hóa và môi trường sinh thái Cần Giờ.

Những sự kiện có liên quan tới khảo cổ gần đây như trùng tu bằng cách phá di tích cổ xây di tích mới, hay cảnh quan văn hóa của bến Bình Đông, bến Chương Dương đều đã mất cả rồi. Xin hỏi, giới khảo cổ học của chị đã ở đâu thời gian qua?

Giới khảo cổ học chúng tôi vẫn ở đây, vẫn làm được nhiều việc khác và đều nhìn thấy tất cả những chuyện đó. Nhưng trên thực tế không phải lúc nào giới khảo cổ cũng có điều kiện tham gia trực tiếp vào quá trình trùng tu di tích, nhất là tham gia vào việc quy hoạch đô thị. Mặt khác, từ trước tới nay chúng ta vẫn mạnh về khảo cổ học tiền sử - sơ sử và khảo cổ học lịch sử (từ thời nguyên thủy đến khoảng thế kỷ 19). Khái niệm khảo cổ học đô thị (bao gồm các đô thị cổ, di tích công nghiệp và cảnh quan kiến trúc đô thị nói chung) thì mới xuất hiện vài năm nay. Trong Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm khảo cổ học Việt Nam (2001) Giáo sư Trần Quốc Vượng đã có một báo cáo nêu ra vấn đề “tương lai của KCH Việt Nam thế kỷ 21” chính là khảo cổ học đô thị. Cuộc khai quật và nghiên cứu khu di tích Hoàng Thành Thăng Long cũng là thực hiện khảo cổ học đô thị.

Trong hầu hết các vấn đề gây tranh cãi liên quan tới bảo tồn di tích, trong đó có vần đề về khảo cổ học hầu như giới chuyên môn chỉ đưa ra ý kiến khi được báo chí hỏi tới. Lý do gì khiến các nhà khảo cổ thường ít khi chủ động đưa ra ý kiến của mình về một số vấn đề mà dư luận quan tâm?

Đúng là có hiện tượng đó. Tôi không thể giải thích thay đồng nghiệp về việc này. Nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng, giới khảo cổ vốn là giới làm việc một cách âm thầm, xã hội ít khi biết đến. Quan trọng là khi có việc chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm với những ngành liên quan như thế nào. Trong nhiều trường hợp để tìm ra tiếng nói chung về một phương pháp để bảo vệ di tích, không nhất thiết nhà khoa học phải đặt vào thế đối lập với nhà quản lý dù chúng tôi có sự phản biện độc lập, tức là phân tích đúng sai, nên hay không nên dưới góc độ chuyên môn.

Có ý kiến cho rằng di tích bị ảnh hưởng, phá hoại vì ý thức dân chúng kém quá. Thay vì giữ gìn thì họ lại phá. Liệu đánh giá như vậy có chủ quan không, trong khi thực tế không ít những giá trị tinh túy của dân tộc được bảo tồn là nhờ dân, nhờ những thiết chế chặt chẽ của làng xã?

Đó là cách đánh giá mà tôi không tán thành, một khía cạnh nào đấy như có vẻ như phán xét của “bề trên”, “ngoài cuộc”. Luôn đổ thừa tại trình độ của dân kém cũng không đúng. Nhìn chung, ở làng xã người dân rất biết gìn giữ đình giữ chùa, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Tôi nghĩ nên nhìn từ hai phía: người dân và nhà quản lý. Ví dụ: các di tích dưới mặt đất thì người dân chưa có hiểu biết nhiều nên thường đào phá để tìm đồ cổ. Nếu người dân (và cả người mua bán đồ cổ) có sự hiểu biết nhiều hơn về giá trị của di tích là không thể đo đếm bằng tiền mua bán cổ vật, nếu người quản lý, địa phương làm tốt hơn chức trách của mình, ngăn chặn việc đào phá di tích thì hiện tượng này sẽ được hạn chế.

Khảo cổ học cộng đồng không phải là câu chuyện quá mới với thế giới. Bằng nhiều cách để mời gọi người dân tham gia, quan tâm tới khảo cổ như truyền hình, các chương trình hấp dẫn ở bảo tàng, đưa người dân thực sự tham gia vào quá trình khai quật và thông tin rất nhiều về các dự án khai quật tới cho họ. Ở Việt Nam câu chuyện này ra sao, thưa chị?

Thực ra “khái niệm” thì mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng trên thực tế thì đã có, tuy mức độ còn hạn chế và chưa có hệ thống. Đó là việc người dân địa phương tham gia vào các cuộc khai quật khảo cổ. Một nguyên tắc của khảo cổ học là luôn tuyên truyền giới thiệu với người dân địa phương giá trị, ý nghĩa các di tích khảo cổ mà họ tham gia khai quật. Sau đó họ cũng được thêm nhiều hiểu biết, nhiều người trong số họ thường xuyên giữ mối liên hệ với nhà khảo cổ, thông báo về những phát hiện của họ hay về tình hình di tích, di vật ở địa phương. Trong báo cáo khai quật, những người làm khảo cổ luôn nhắc tới vai trò của người dân. Đó là biểu hiện của khảo cổ học cộng đồng.

Tuy nhiên, việc chủ động điều tra, nghiên cứu, khai quật phải thuộc về các nhà chuyên môn. Nếu di tích cần đươc bảo tồn thì các nhà chuyên môn thực hiện theo những phương pháp khoa học, nhưng nếu không có người dân tham gia – như một chủ thể quan trọng - vào việc bảo vệ di tích thì không di tích nào có thể tồn tại được.

Đối với các phát hiện khảo cổ thì xã hội thường quan tâm vào thông tin khoa học mới. Vì vậy vai trò thầm lặng của nhân dân, và đôi khi của cả các nhà khảo cổ, ít được mọi người biết đến.

Với người từng làm khảo cổ và hiện làm việc tại Viện nghiên cứu phát triển thành phố, chị nhận thấy có sự mâu thuẫn nào giữa bảo tồn và phát triển đô thị hay không, và có hướng nào để dần tháo gỡ?

Đó là mâu thuẫn luôn có trong quá trình phát triển ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là những nước đang phát triển. TP Hồ Chí Minh cũng vậy. Nhu cầu cải thiện cuộc sống, xây dựng một đô thị hiện đại là nhu cầu cấp thiết, nhưng làm thế nào để vừa có một thành phố hiện đại, vừa giữ gìn được bản sắc riêng thì cần có một “lộ trình” rõ ràng, trong đó quy hoạch đô thị không chỉ là mở rộng diện tích, xây dựng công trình mới, cải tạo công trình cũ mà còn phải là “bảo tồn di sản văn hóa” đồng thời, thậm chí là trước khi tiến hành các công trình mới. Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các ngành quy hoạch kiến trúc đô thị, cơ quan quản lý xây dựng và ngành bảo tồn di sản văn hóa, việc thực thi và tuân thủ Luật Di sản văn hóa của xã hội là những điều kiện tiên quyết để có thể “bảo tồn” trong “phát triển”

Người ở phố thì kêu không còn hồn phố, người ở quê thì nói rằng đã mất hồn quê. Có phải chúng ta đang thực sự mất mát những hồn vía vốn làm nên những nét riêng của cuộc sống mỗi vùng miền hay không?

Hồn quê hồn phố là cả cảnh quan và con người ở đó. “hồn vía” của làng quê hay đô thị sẽ không còn nếu cái “xác” là di sản văn hóa không được giữ gìn. Mặt khác, cuộc sống thay đổi quá nhanh chóng và phức tạp làm cho con người cũng thay đổi suy nghĩ, nhận thức, lối sống… những yếu tố văn hóa tinh thần dường như không còn chỗ “bám rễ”, con người không giữ được bản chất và truyền thống của mình cũng góp phần đánh “hồn vía” của mỗi vùng miền.

Khổng Loan - Cẩm Phan

Facebook luôn hỏi: bạn đang nghĩ gì? (1)

Bi giờ tui đang nghĩ về những cái gọi là LẠC ĐỀ.

Chấm bài thi, tiểu luận hay cả luận văn, đề tài NCKH tui không sợ gì bằng khi gặp những bài lạc đề. Có rất nhiều kiểu lạc đề, phổ biến nhất là giữa câu hỏi hay tên của đề tài và nội dung bài viết chả ăn nhập gì với nhau cả. Thông thường là những cái tựa nghe rất hay và… mới nhưng nội dung thì chả có gì mới, thậm chí quá quá cũ là khác, cũ với nhiều người và cũ ngay với người viết. Dạng thứ 2 là tựa nghe rất hòanh tráng, phức tạp… nhưng nội dung thì đơn giản. Như là chỉ mở (cái gì đấy) ra xong rồi… để đấy, chả biết làm gì nữa, thậm chí chả có gì để nhìn ngắm và cũng chả có ích gì. Dạng thứ 3 là đề một đằng làm một nẻo: ví dụ làm bài thi về di tích đền tháp văn hóa Chămpa thì lại viết một… bài thơ về cảm thán về chế độ mẫu hệ Chăm :D

Còn một số dạng lạc đề từng phần, hay lệch trọng tâm… Nói chung là có cái gì thì viết ra cái ấy bất chấp câu hỏi, vấn đề đặt ra là gì?

Gặp những bài như vậy đọc vô cùng mệt mỏi vì không thể đọc ẩu nhận xét đại, không thể xem lướt rồi phán bừa… Vì nói/ viết cái gì mình ko chắc chắn tự dưng phải ngập ngừng, có khi nói đúng cũng thành sai vì người nghe không tin vào điều mình nói :D Đành phải cố gắng hết sức bình sinh đọc hết, thậm chí đọc đi đọc lại. Hù, mãi rồi cũng xong, và may mắn chưa gặp phản ứng vì được nhiều người tán thành nhận xét của mình. May mắn hơn là bài lạc đề được sửa lại tốt hơn.

Khi lên lớp tui cũng sợ mình đi lạc đề, ra ngòai quá xa bài giảng làm “cháy giáo án” về nội dung và thời gian. Hihi, được cái tui canh giờ khá tốt, hiếm khi cho sinh viên ra chơi hay ra về trễ mà thường sớm hơn vài phút, kể cả khi không mang đồng hồ trên tay. Chả đến nỗi như cái máy nên lần nào cũng ráng có chút xíu cái mới để khoe với sinh viên như tư liệu mới hay là một chuyện vui trong các chuyến đi chẳng hạn… Nói chung là đều dính dáng ít nhiều đến bài giảng. Không đến nỗi làm người nghe ngơ ngác “ủa, bả nói gì vậy ta?!”. Cũng may sinh viên không đến nỗi làm tui phải dọa “các em không trật tự là cô giảng lại từ đầu đấy!!!”.

Nhưng mà này, trong cuộc sống vẫn có những người luôn ở tình trạng “lạc đề” đấy, mà lại "lạc" giống như những dạng trên. Gặp người như vậy thiệt là “mệt cầm canh” luôn vì luôn phải cân nhắc đắn đo khi tiếp xúc, khi nói chuyện, không khéo lại “xung đột” mất zui.

Hihi, khi TV và đầu DVD khác hệ thì, nói theo bọn trẻ bây giờ là potay.com.

SÔNG DAKBLA

Khúc sông ven một buôn nhỏ. Chiều. Gió. Mây. Thuyền độc mộc. Khi đi xa mới thóang một tiếng chuông nhà thờ mảnh như khói bếp...

Sài Gòn: một đô thị – thương cảng bẩm sinh

Sông Sài Gòn là giao thông đường thuỷ quan trọng nhất, cảng Bến Nghé (bến Bạch Đằng), xưởng đóng tàu Ba Son là vị trí tiền tiêu, cửa ngõ giao dịch buôn bán với tàu nước ngoài. Hệ thống kênh rạch dày đặc như rạch Thị Nghè, kênh Bến Nghé, kênh Tẻ, rạch Cầu Kho. Kênh Tàu Hũ nối liền các tỉnh miền Tây và cảng Bến Nghé, là con đường huyết mạch để vận chuyển lúa gạo và các loại nông sản, hàng hoá khác.

Thương cảng Sài Gòn, từ góc độ lịch sử có thể coi là đặc điểm chủ yếu của đô thị Sài Gòn. Khu vực đường Tôn Đức Thắng, rạch Thị Nghè, đoạn sông Bến Nghé gần Ba Son đã tìm thấy hàng ngàn hiện vật gốm gia dụng bằng đất nung của người Việt, người Hoa, người Chăm như nồi đất kiểu nồi đồng, ấm nấu nước, siêu nấu nước, nồi ơ có tay cầm, đèn tráng men trắng, bình vôi, hũ sành, ghè ống… Nhiều hơn là đồ gốm hoa văn men xanh trắng gồm gốm Bát Tràng, gốm Phúc Kiến, Quảng Đông… có cả loại gốm sứ triều Nguyễn đặt Trung Quốc làm. Khu vực này chỉ là một phần của cảng Bến Nghé xưa gồm một hệ thống các bến – chợ dọc rạch Thị Nghè từ đoạn sông Sài Gòn (quãng công xưởng Ba Son) kéo dài theo rạch Bến Nghé vào tận Chợ Lớn, có thể còn theo cả kênh Ruột Ngựa nối liền với hệ thống sông Vàm Cỏ. Là trung tâm thương mại, giao lưu của một vùng sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, hàng hoá của hệ thống thương cảng Sài Gòn gồm sản phẩm của các ngành nghề thủ công được tổ chức thành phường hội tập trung ở các khu vực nhất định như Xóm Chiếu, Xóm Chỉ, Xóm Lò Vôi, Xóm Lò Gốm… trong đó nghề làm gốm phát triển lâu dài và rực rỡ nhất (...)

Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn được quy hoạch trở thành một đô thị – thương cảng kiểu phương Tây: từ hạ tầng cơ sở như đường bộ thay thế giao thông trên kênh rạch, hệ thống điện, đường cống ngầm thoát nước, xử lý chất thải và vệ sinh thành phố…) đến việc phát triển những ngành nghề dịch vụ, hình thành tầng lớp thị dân và lối sống, văn hoá đô thị, khu dân cư, khu thương mại, nhà thờ, quảng trường, công sở, các thiết chế văn hoá đô thị (thư viện, rạp hát, rạp chiếu phim, sân vận động…)

Những kiến trúc lớn như trụ sở công ty vận tải biển Hoàng Gia (bến Nhà Rồng), nhà thờ Đức Bà, nhà Bưu điện, nhà hát Thành phố, bảo tàng Thành phố, bảo tàng Lịch sử, trụ sở Toà án, trụ sở UBND thành phố… hợp thành khu trung tâm ngay từ khi thành phố chỉ mới có vài trăm ngàn dân, trở thành những công trình tiêu biểu cho sự phù hợp giữa kiến trúc với công năng nên không hề lạc hậu dù đã hơn một thế kỷ trôi qua.

Trong tiến trình lịch sử không thể phủ nhận một điều, với vị thế là thương cảng trung tâm kinh tế – văn hoá, có tầm giao lưu và ảnh hưởng đến khu vực rộng hơn, Sài Gòn luôn được coi là thành phố tiêu biểu và đại diện cho Nam bộ trên tất cả các lĩnh vực. Cũng cần lưu ý rằng, trong một thời gian dài Sài Gòn là thủ phủ của chính quyền thực dân và thủ đô của chính quyền miền Nam trước năm 1975, vì vậy Sài Gòn còn có đặc điểm của một thành phố từng là trung tâm chính trị. Những yếu tố trên đây hợp thành và tạo nên một đô thị cổ Bến Nghé – Gia Định, một thành phố Sài Gòn độc đáo khác với Hà Nội hay Huế – hai thành phố cũng là trung tâm của cả nước trong những giai đoạn khác nhau…

bến bình đông xưa
và nay

CHỦNG VIỆN KON TUM

Chủng viện Kon Tum do vị giám mục đầu tiên của giáo phận Kon Tum xây dựng từ năm 1935 đến năm 1938, cũng có kiến trúc tương tự như nhà thờ nhưng quy mô lớn hơn. Bước qua cổng tas ẽ bước đi thư thái dưới hai hàng cây sứ lâu năm tỏa bóng mát, thoảng hương thơm dìu dịu trên đường vào trong chủng viện. Trên tầng hai của chủng viện có một phòng truyền thống trưng bày chi tiết về lịch sử truyền giáo tại Kon Tum từ giữa thế kỷ XIX, gồm nhiều hiện vật, các bút tích... của những vị linh mục trên đường truyền đạo, các hình ảnh, tài liệu liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của giáo phận Kon Tum. Cũng có thể coi đây là một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh này.

Mua được cuốn "Dân làng Hồ" của cha P. Dourisboure (1825 -1890). Cũng như nhiều công trình khác của những nhà truyền giáo, những nhà nghiên cứu người Pháp về Tây Nguyên, khi đọc những cuốn sách như vậy càng khâm phục tác giả vì hiểu rằng khi có đức Tin người ta sẽ có sức mạnh để làm được tất cả, vượt qua tất cả.

Mình thích các công trình, cuốn sách như vậy vì đã mang lại cho mình nhiều hiểu biết về vùng đất tuyệt vời này. Tây Nguyên - qua các học giả Pháp, lại làm cho mình thấy gần gũi và thân quen hơn.


NGỤ CƯ

1.

Bạn hiện ra trong ô cửa chát. Tám với nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, chuyện siêu sao đến những chuyện ầm ĩ trên báo vừa qua, chuyện khoa học đến chuyện chính chị chính em, chuyện công việc đến chuyện bồ bịch... của người khác. Vẫn không dấu được vẻ hoang mang của sự cô đơn.

À, chuyện của bạn thì mình có thể kể lại bằng một số truyện 100 chữ đấy, lúc nào "mua" bản quyền của bạn nhé: cafe bệt Hàn Thuyên? Cơm trưa Bông Giấy? hay một bữa bia bọt ở vỉa hè Pasteur? Tùy nhé. Hehe, mình được tiếng là chiều bạn bè mà

Chỉ tiếc mình lại chẳng có nhiều niềm vui đủ để mua đứt "bản quyền" sự cô đơn của bạn...

2.

Lượn lờ trên mạng nhận thấy nhiều điều hay hay. Đọc các com của bạn bè ở nhà mình và nhà hàng xóm, nhiều còm làm "em cười một mình" - chắc là trông... buồn cười lắm :), nhiều lúc thán phục sự thông minh của các bạn ấy. Người xưa nói chẳng sai, người biết hài hước, nhất là hài hước với chính mình, phải là người thông mình. cực :)

Hhihi, hay nhất là nhìn thấy sự “theo dõi, truy đuổi” của ai đó với ai đó, và ngược lại là sự “trốn chạy” bằng cách này kiểu khác của ai đó. Đôi lúc ngẫm nghĩ chả biết mạng và đời phần giống nhau hay phần khác nhau nhiều hơn…?

3.

Đồng hồ đã chỉ sang ngày mới. Càng khuya xóm trên mạng càng vắng vẻ. Thi thỏang mới có người post entry mới, thi thỏang mới có comment. Tự nhiên thấy giống một xóm nhỏ tòan dân ngụ cư vào ngày giáp tết, ai nấy về quê, xóm vắng, buồn, như là một thời đã qua...

Giữa người với người cũng có những mối quan hệ tình cảm kiểu "ngụ cư" như thế. Quen đấy rồi xa đấy. May thì giữ lại chút gì trong nhau. Mà thường thì quên nhanh lắm. Cuộc sống bề bộn thế, nhiều mối quan tâm thế, nhiều điều suy tính thế... Đôi lúc tự trách mình sao cứ giữ mãi ký ức tươi rói vậy, như mới ngày hôm qua... Thật là thân làm tội đời .

4.

Cái này người ta gọi là "lâu lâu buồn một chút... cho vui".


Hình chỉ có tính minh họa :D

CAO NGUYÊN

Chưa ra khỏi thành phố Pleiku thì Biển Hồ đã hiện ra long lanh trong nắng sớm. Trên đọan đường ngắn rợp những hàng thông vẫn xanh, nhiều cặp cô dâu chú rể đang tạo dáng chụp hình đám cưới, trông họ thật rạng rỡ. Bạn vừa khéo léo lách xe vòng qua đám chụp hình vừa nói vui “tươi cười cho đã rồi hai ba lại năm ly dị”, ‘cưới em anh có lời mừng, bao giờ ly dị xin đừng quên anh” ai đó đọc nhanh câu thơ làm cả xe cười ồ.
Trong cái nắng cao nguyên đã bắt đầu gay gắt gió từ Biển Hồ lồng lộng mang lại hơi se lạnh đầu đông. Mọi người háo hức chụp hình từ góc này góc khác. Cảnh nơi nào cùng đẹp, bạn bè ai cũng rạng rỡ niềm vui. Đứng trên cao nhìn xuống Biển Hồ dường như không còn mênh mông như nhiều năm trước… Biển Hồ như nhỏ hơn, còn mình như rỗng hơn lơ lửng trong ồn ào vui vẻ…
Đường từ Pleiku lên Kon Tum không còn vẻ hoang vắng. Ven đường đã có nhiều ngôi nhà, khang trang có mà tạm bợ cũng có. Hầu hết xây dựng theo kiểu nhà phố, cũng giống hệt như những con đường khác trên đất nước này. Nếu là người ít đi lại có thể sẽ không biết con đường này đi đến đâu nếu những cột cây số không hiện ra báo rằng còn 30, 20 rồi 10 km nữa là đến Kon Tum. Cố tìm một cái gì đó quen thuộc trên con đường này… và chỉ còn nhận ra “người quen” duy nhất là vài vạt dã quỳ nho nhỏ ven đường. Dạo xưa dã quỳ rực rỡ trải dài ngút ngát dọc đường đi. Có khi cả một triền hoa vàng đột ngột hiện ra hút mắt. Chỉ muốn được lao vào dang tay chạy giữa những bông dã qùy vướng vít quấn quýt quanh mình.
Tháng mười một rồi. Có lần em bảo sẽ đưa chị lên cao nguyên đón dã quỳ đầu mùa. Hứa hẹn, hẹn ước… Tiếng Việt mình hay thế…
Thì cao nguyên đấy, cao mà có còn nguyên đâu, nhỉ...

VẺ ĐẸP CỦA SÀI GÒN CŨ ĐANG DẦN BIẾN DẠNG

(LĐ) - Với đô thị, luôn luôn tồn tại sự “ngập ngừng” giữa việc bảo tồn di sản và phát triển. Là một đô thị lớn, TPHCM càng khó khăn khi giải quyết quan hệ này.

tttt
Bà Nguyễn Thị Hậu.

Chúng tôi trao đổi với bà Nguyễn Thị Hậu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử TPHCM - về việc bảo tồn di sản lịch sử Sài Gòn - TPHCM.

Trái với những quan niệm thông thường về “tuổi” của TPHCM, bà từng lên tiếng rằng đô thị này không trẻ như người ta vẫn nghĩ. Bà có thể giải thích thêm về điều đó?

- Cho đến nay, Sài Gòn vẫn được coi là một “vùng đất mới 300 năm”, một “thành phố trẻ” hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, những dấu tích trên vùng đất Sài Gòn đã cho biết nơi đây từng là một “cảng thị cổ” từ khoảng đầu công nguyên. Đến nay đã qua 20 thế kỷ, trong bất cứ giai đoạn nào, vùng đất Sài Gòn vẫn giữ vị thế địa lý trung tâm, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và giao lưu kinh tế - văn hóa của vùng đất Nam Bộ.

Mặc dù số lượng di tích tiền - sơ sử khai quật còn ít, nhưng đều là những di tích tiêu biểu cho các giai đoạn phát triển của thành phố, là những mắt xích quan trọng nối liền từ khoảng 3.000 năm trước đến nay. Một trong những con đường hình thành nền văn minh Óc Eo đã thể hiện khá rõ từ các di tích khảo cổ học ở TPHCM nói riêng và miền Đông Nam Bộ nói chung. Thương cảng Sài Gòn, từ góc độ lịch sử có thể coi là đặc điểm chủ yếu của đô thị Sài Gòn.

Bà có thể cho biết sơ bộ về các dấu tích vật chất phản ánh lịch sử văn hóa vùng đất này?

- Những dấu tích vật chất phản ánh lịch sử văn hóa vùng đất này không còn nhiều. Những di tích thuộc loại hình kiến trúc - nghệ thuật thường là những công trình tôn giáo tín ngưỡng. Được xây dựng từ khoảng hơn trăm năm với vật liệu gỗ là chính, nên nhiều di tích đang xuống cấp trầm trọng, đòi hỏi cần được trùng tu ngay. So với Hà Nội hay Huế, thì loại hình này ở Sài Gòn không nhiều, niên đại muộn, đặc trưng kiến trúc - trang trí thể hiện sự giao lưu văn hóa đậm nét, nhiều chiều... Hệ thống mộ cổ ở thành phố mang tính tiêu biểu cho loại hình di tích này của cả Nam Bộ, tuy đã được khảo sát, khai quật một số di tích, nhưng nhìn chung vẫn chưa được chú ý đúng mức. Đặc biệt, quá trình chỉnh trang đô thị và đô thị hóa đang trực tiếp “đe doạ” các di tích đặc thù này.

Một loại hình di tích nữa là các ngôi nhà cổ hiện nay gần như chưa được sự quan tâm và đầu tư bảo vệ, bảo tồn từ phía các cơ quan chức năng của Nhà nước. Nhiều cá nhân sở hữu nhà cổ đã gặp rất nhiều khó khăn cả về kinh phí và phương pháp trong việc bảo tồn. Đó là chưa kể đến việc “sức ép” từ nhu cầu cuộc sống hiện đại đòi hỏi họ phải cơi nới, có khi phá bỏ để xây một ngôi nhà mới tiện nghi hơn.

Di tích “Sài Gòn 300 năm” còn có các công xưởng, nhà máy, công trình xây dựng, máy móc từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 mà ngày nay được xếp vào loại hình di tích của ngành “khảo cổ học công nghiệp và đô thị”. Vì vậy, đây cũng là một thế mạnh của di sản lịch sử thành phố.

Toàn cảnh TPHCM. Ảnh: Internet
Toàn cảnh TPHCM. Ảnh: Internet

Và chúng ta đã “tận dụng” lợi thế này ra sao, thưa bà?

- Hệ thống bảo tàng của thành phố có thể phong phú hơn nhiều địa phương, song nội dung và hình thức trưng bày chưa có sự thay đổi lớn. Tuy các bảo tàng đã tiến hành sưu tầm một con số đáng kể hiện vật, song phương thức sưu tầm, nhất là loại hình cổ vật, vẫn phổ biến cách thức mua từ các sưu tập tư nhân. Vì vậy, hạn chế lớn nhất là nguồn gốc di vật không thể rõ ràng chắc chắn, chưa kể hiện tượng nhiều di vật đã được sửa chữa, tuy “đẹp” về hình thức, nhưng giá trị nguyên gốc - giá trị quan trọng nhất cho việc nghiên cứu - đã bị mất đi ít nhiều.

Nhìn lại sự phát triển của Sài Gòn trong vài thập kỷ qua, điều dễ dàng nhận thấy là vẻ đẹp của sự quy hoạch đồng bộ, lâu dài, của phong cách kiến trúc sang trọng mà tiện dụng, của những chi tiết trang trí thanh thoát mà ấn tượng đang dần biến dạng, biến mất, do nhiều nguyên nhân. Chính vì vậy, nhiều di sản vật chất đã biến mất, hệ quả tất yếu là những di sản tinh thần cũng bị mai một, trong đó rõ ràng nhất là sự biến mất, nhạt đi của “không gian văn hóa sông nước” trong nội thành thành phố.

Và theo bà, để giữ cho tương quan phát triển - bảo tồn được cân bằng, chúng ta cần làm gì?

- Đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, lại không tuân thủ quy hoạch cũng như chưa có hoạch định rõ ràng, các vùng ngoại ô có tiềm năng về khảo cổ học cần được đặt trong bản đồ khảo cổ học chung của miền Đông Nam Bộ để thấy được mức độ quan trọng của khu vực này.

Cũng như những thành phố khác, khi giải quyết mâu thuẫn giữa việc bảo tồn kiến trúc cổ với việc phát triển công trình mới, thì phần thiệt thòi luôn về phía kiến trúc cổ. Để bảo vệ những di tích này không chỉ cần có kiến thức khảo cổ, bảo tồn nói chung, mà cần có cả một ngành “nghiên cứu khảo cổ kiến trúc” phục vụ việc bảo tồn các kiến trúc này.

Đa phần dân chúng quan tâm đến các di tích là do nhu cầu “hưởng thụ cá nhân” về tinh thần, chứ chưa phải là xuất phát từ ý thức đối với cộng đồng và xã hội. Cần có những giải pháp đẩy mạnh sự tham gia của người dân vào việc bảo vệ các di tích này một cách tích cực, như “khảo cổ học cộng đồng” chẳng hạn.

NHỚ THẦY TRẦN QUỐC VƯỢNG


Tôi chỉ là một trong số hàng ngàn học trò đã được học với Thầy Trần Quốc Vượng, nhưng lại học trò nữ (duy nhất) ở Sài Gòn đi theo chuyên ngành Khảo cổ .Với Thầy ngay từ những khóa đầu tiên của khoa Sử Đại học Tổng hợp TP.HCM sau năm 1975 (nay là Đại học KHXH&NV TP.HCM). Tôi đã lựa chọn cái nghề luôn phải“đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” ngay từ khi được học những bài đầu tiên về Khảo cổ của Thầy Trần Quốc Vượng, Thầy Hà Văn Tấn từ năm thứ II. Có lẽ nhờ vậy tôi được Thầy biết đến,“nhớ mặt đặt tên” và cho ra Hà Nội làm luận văn tốt nghiệp với Thầy, rồi Thầy lại hướng dẫn soạn giáo án giảng dạy. Sau này còn “bị” nhiều bạn bè“tị nạnh” vì được Thầy coi là một trong vài học trò ruột.

Tôi nhớ mãi giờ đầu tiên Thầy Vượng lên lớp: Một người đàn ông khoảng 40 tuổi nhanh nhẹn bước vào giảng đường, trán cao, mắt tinh anh, quần jean áo thun “cá sấu”, vai khoác túi dết, tay cầm điếu thuốc 3 số cháy dở, thong thả nói rõ từng tiếng “Chào các ông các bà sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn, tôi là Trần Quốc Vượng…”. Ngày ấy chúng tôi ở Sài Gòn được học nhiều thầy cô từ Hà Nội vào giảng dạy, buổi đầu bao giờ giáo vụ Khoa Sử cũng đưa thầy cô vào lớp và giới thiệu trân trọng. Thầy Vượng là người duy nhất phá bỏ lệ thường và làm nhiều người ngỡ ngàng vì hình dáng rất “Sài Gòn” của một ông Thầy Hà Nội. Còn tôi, tôi chợt giật mình vì những hàm nghĩa trong lời chào ấy – thầy gọi chúng tôi là “sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn”! – bởi vì lúc đó chúng tôi không được gọi là “sinh viên” mà chỉ là “học sinh đại học”, và Đại học Văn khoa vừa sát nhập với Đại học Khoa học để thành trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, với cơ cấu những khoa, ngành theo mô hình từ những năm 1960 của Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Bắt đầu những giờ học Thầy Vượng – những buổi trò chuyện vô cùng thú vị về mọi vấn đề. Giờ Thầy Vượng nghe thì thật thích, nhưng ghi thì thật khó vì hình như chẳng có gì liên quan đến Khảo cổ, để khi “đốn ngộ” thì mọi cái đều là Khảo Cổ ! Chỉ khi nào hiểu được những gì Thầy nói trong sự liên tưởng, liên hệ với nhiều vấn đề khác thì mới có thể ghi chép được bài giảng – tư tưởng của Thầy – bằng ngôn ngữ của mình, chứ chẳng thể nào ghi chép được bằng ngôn ngữ của Trần Quốc Vượng ! Do đó, không chỉ “động não” ngay trên lớp mà khi về nhà vẫn phải tiếp tục suy nghĩ để có thể bổ sung vào bài ghi, xâu chuỗi những kiến thức mà qua cách trình bày của Thầy tưởng như tản mạn thành một/ vài nhận thức cụ thể của mình. Một câu nói vui của dân Nam Bộ mà Thầy rất thích và hay nói “Coi zdậy, mà hổng phải zdậy, mà đúng là zdậy…”. Và Thầy bảo, là sinh viên phải biết suy nghĩ như thế! Sau này mới hiểu Thầy đã khai tâm cho chúng tôi một triết lý của Phật giáo Thiền tông: Khi chưa học Thiền ta nhìn núi là núi, ta nhìn sông là sông. Khi đang học Thiền ta thấy núi không còn là núi, sông không là sông. Nhưng sau khi đã chứng ngộ Thiền, ta lại nhìn ra giản dị: Núi là Núi, Sông là Sông.

Dạy về các nền văn hóa khảo cổ Việt Nam nhưng Thầy lại bắt đầu bằng câu hỏi: “Các ông các bà có biết vì sao Đại học Văn khoa Sài Gòn có Khoa Sử - Địa không?”. Câu hỏi làm chúng tôi ngạc nhiên, vì ngay từ giờ học Lịch sử đầu tiên trong trường Đại học, chúng tôi đã được biết rằng truyền thống nghiên cứu khoa học xã hội ở VN là “Văn Sử bất phân”: Các công trình sử học quan trọng đồng thời là những tác phẩm văn học tiêu biểu cho từng thời kỳ, và ngược lại, nhiều tác phẩm văn học cũng được sử dụng như những tư liệu lịch sử. Bằng câu hỏi này Thầy Vượng đã mở ra cho chúng tôi kiến thức đầu tiên về Địa -Văn hóa, Địa - Chính trị , một khái niệm khoa học hiện đại mà bất cứ người học Sử, làm Sử nào cũng cần nắm vững. Có thể diễn giải đơn giản khái niệm này là “ Lịch sử – đó là địa lý trong thời gian và Địa lý – đó là lịch sử trong không gian”. Sau này, một lần tôi có dịp đưa Thầy đi khảo sát hệ thống các di tích khảo cổ vùng rừng ngập mặn ở Cần Giờ-TP.HCM. Khi biết sẽ đi bằng xe jeep theo con đường mới đắp băng qua vùng đầm lầy nước mặn, Thầy hỏi tôi, giọng không bằng lòng: “Thế ngày xưa dân vùng này cũng đi bằng đường bộ à?”. Khi nghe tôi trả lời chỉ đi xe jeep đến huyện, từ đó sẽ dùng ghe theo đường nước là các sông, rạch, tắt, ngọn…chằng chịt ngang dọc để đến những giồng đất đỏ- nơi lưu lại dấu tích cư trú của người tiền sử - Thầy có vẻ vui và ra điều kiện: “Tôi chỉ đi đường bộ một lần, lúc về cô cho tôi đi bằng đường sông nhé”. Và Thầy trò tôi đã lang thang ngược dòng Đồng Nai từ cửa Cần Giờ về đến ngã ba Nhà Bè, chiêm nghiệm một vùng trời mây sông nước bây giờ vẫn còn dáng vẻ hoang sơ lạ lẫm mà bồi hồi nhớ lại câu ca của những người lưu dân đi mở đất thuở xa xưa: “Nhà Bè nước chảy chia hai, Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”…

Tôi ở Sài Gòn nên không có may mắn như những bạn bè khác được đi nhiều nơi với Thầy, cũng chưa bao giờ được đi khai quật khảo cổ do Thầy hướng dẫn. Nhưng hầu như tất cả các di tích khảo cổ ở vùng đất Sài Gòn mà chúng tôi phát hiện và nghiên cứu đều đã được Thầy đến tận nơi, có khi ngay trong lúc khai quật, để “thăm thú”, để hỏi han, để khơi gợi cho chúng tôi một “idea” nào đó. Tuy thầy không có điều kiện để trực tiếp hướng dẫn chúng tôi trong các công trình khoa học nhưng Thầy luôn là người phản biện tuyệt vời, thấu hiểu và nâng đỡ những ý tưởng khoa học mới mẻ của học trò với trách nhiệm của một nhà khoa học chân chính và tấm lòng nhân hậu của một người Thầy! Thầy ở Hà Nội và thường xuyên dịch chuyển khắp trong và ngoài nước, nhưng mỗi khi có dịp “hành phương Nam” thì bao giờ Thầy cũng ghé vô Sài Gòn 1,2 ngày, có khi chỉ là 1,2 giờ quá cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi luôn là người được Thầy gọi đi đón, rồi sau đó cùng vài học trò khác ngồi với Thầy ở quán Vườn Cau, Vườn Dừa nào đó và hầu Thầy mấy lon bia…Ở đó có thể hỏi Thầy bất cứ chuyện gì mình đang phân vân, chưa rõ hay chưa biết, và nghe Thầy hỏi chuyện này, chuyện khác mà biết rằng, đó là chỗ mình còn đang yếu, đang thiếu, đang dốt… Thầy Vượng thương học trò lắm, chẳng bao giờ Thầy trách giận chúng tôi cho dù có lúc chúng tôi đã làm Thầy buồn lòng vì không hiểu Thầy, cho dù chúng tôi chưa đạt được những gì mà Thầy luôn kỳ vọng.

Học Thầy đã lâu lại ở xa Thầy nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần gặp Thầy, tôi luôn cảm nhận nỗi cô đơn của Thầy ngày một đầy hơn. Dường như trên con đường khoa học gập ghềnh vạn dặm, trên những nẻo đường đời quanh co đầy bất trắc Thầy đã không có lấy một người bạn đồng hành, dù quanh Thầy bao giờ cũng tấp nập những người, ồn ào và náo nhiệt… Ở Thầy không chỉ có kiến thức rộng lớn, sâu sắc, tư duy linh hoạt, sắc sảo mà Thầy còn có cả một nỗi lòng lắng đọng, ẩn sâu bên trong cái vẻ “bạc đời” đôi khi đến mức kỳ cục! Nỗi lòng ấy tựa như những ca khúc đơn côi của Trịnh Công Sơn … Và như lời một bài hát của Trịnh mà Thầy trò tôi vẫn thường ngâm nga“sống trên đời cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”, ở Thầy Vượng là sự trân trọng, lòng bao dung với những điều bình dị trong cuộc sống, và cũng là thái độ không thỏa hiệp với những gì làm cho con người trở nên tầm thường: sự dối trá, phản bội, lòng ghen ghét, đố kỵ…vốn có không ít trên cuộc đời này…

Tiễn đưa Thầy rời xa cõi tạm vào một ngày bão xa, trời lúc mưa lúc tạnh… Nơi quán nhỏ quen thuộc gần Viện Khảo cổ học, tôi lại ngồi với những người bạn thân như mỗi khi tôi từ Sài Gòn ra. Quanh bàn gần như đông đủ những học trò ruột của Thầy mà sao vẫn vắng lạnh quá... “đời người như gió qua” … Một ly rượu đặt ở đầu bàn dành cho Người vẫn ngồi chỗ đó, Thầy Trần Quốc Vượng của chúng tôi, và của riêng tôi…

Hà Nội , ngày 12/8/2005

Trở lại Kon Tum.

Cách đây vài năm tôi thường lên đây hầu như mỗi năm một lần, khi thì sư tầm hiện vật bảo tàng, khi thì giám định cổ vật giúp một vài nhà sưu tập, khi thì điền dã ở các di tích khảo cổ hay các buôn làng. Thời gian di chỉ Lung leng (H. Sa Thầy) đang được Viện KCH khai quật thì lên thường xuyên hơn, vì đây là công trường khai quật di chỉ tiền sử lớn nhất của VN, đã mang lại những thông tin rất mới về tiền sử Tây nguyên và cả khu vực Đông Nam Á.

Lần nào cũng vậy, Nhà thờ Gỗ ở thành phố Kon Tum là nơi tôi thường xuyên trở lại. Chỉ để ngắm nhìn, để đắm mình vào bầu trời xanh cao nguyên trong không gian không rộng lắm luôn tĩnh lặng... Ngồi trên những bậc thềm và Bình tâm, thấy mọi cái đã qua dù may mắn hay rủi ro, cũng đều như có sự sắp đặt nào đấy...

Hình như đấy vẫn được coi là số phận.

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...