GÌN GIỮ NHỮNG "KHÔNG GIAN CỘNG CẢM"

Phỏng vấn trên Báo Tuổi trẻ cuối tuần, số ra ngày 5/12/2010.

Thưa chị, gần đây chị được giao nhiệm vụ khảo sát khu vực Cần Giờ phục vụ cho quy hoạch lớn tại khu vực này. Đây cũng là nơi chị làm luận án tiến sỹ về “Di tích mộ chum miền Đông Nam bộ: những phát hiện mới tại Cần Giờ - TPHCM” và là vùng đất rất nhạy cảm về sinh học cũng như địa lý. Liệu có xung đột gì hay không, giữa vai trò của “nhà khảo cổ học” và người đang làm việc tại cơ quan có chức năng tham mưa cho chính quyền thành phố về phát triển đô thị?

Lãnh đạo thành phố đã gợi ý tôi tiến hành khảo sát lại về mặt khảo cổ học tại khu vực Cần Giờ theo đề án quy hoạch tới năm 2020. Thực ra, những năm 1992-1998 đã có khảo sát sơ bộ rồi. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi, chủ yếu ở khu vực ven biển do quá trình đô thị hóa. Khi có dự án phát triển Cần Giờ trở thành đô thị biển thì các nhà quản lý muốn biết xem liệu dự án này có ảnh hưởng gì đến những di tích khảo cổ đã công bố hay không, tức là thành phố quan tâm đến vấn đề: Cần Giờ trở thành đô thị biển thì việc bảo tồn di tích lịch sử và môi trường sinh thái sẽ như thế nào?

Nếu theo quy hoạch của dự án này thì may mắn là ít nhất đến năm 2020 hệ thống di tích đã được phát hiện và khai quật tại đây chưa bị đụng chạm đến vì môi trường cảnh quan là khu dự trữ sinh quyền được bảo vệ nguyên vẹn. Do địa hình tự nhiên các giồng đất là di tích ở Cần Giờ nằm sâu trong rừng ngập mặn. Tuy nhiên, điều tôi lo ngại là biến đổi khí hậu nước biển dâng sẽ xâm hại tới di tích. Theo như kế hoạch thì tới năm 2020, chủ yếu sẽ phát triển đô thị ven biển (và lấn biển) là chính, theo các tiêu chí: vừa là đô thị hiện đại, vừa có sinh thái tự nhiên và có di sản văn hóa. Về sinh thái tự nhiên thì chúng ta đã biết Cần Giờ được thế giới công nhận là Khu dự trữ sinh quyển. Còn về hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở đây cũng rất có giá trị: Đó là những di tích khảo cổ học có niên đại từ 3000 năm đến khoảng 1500 năm cách ngày nay, kéo dài từ văn hóa Đồng Nai thời tiền sử đến thời kỳ văn hóa Óc Eo. Sau đó còn là các dấu tích của lưu dân trên con đường vào khai phá vùng đất Gia Định – Đồng Nai, gồm có di tích khảo cổ, đình, chùa… và nhiều lễ hội tín ngưỡng dân gian.

Vậy chị chắc chắn là dự án sẽ không ảnh hưởng gì tới khu vực sinh thái và di tích cổ? Nhưng nếu xét về lâu dài dự án thì sẽ ảnh hưởng ra sao, đặc biệt đối với những khu vực mà chúng ta chưa có điều kiện khai quật?

Nhiệm vụ của đề tài là khảo sát lại hệ thống di tích khảo cổ đã biết. Căn cứ vào thông tin quy hoạch hiện nay tới năm 2020 mà tôi được biết thì tôi thấy rằng dự án chưa ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống di tích này, tức là không xây dựng công trình gì ở khu vực có di tích cả. Đúng là chúng tôi chưa có điều kiện khảo sát toàn bộ khu vực Cần Giờ, nhất là xã đảo Thạnh An. Nhưng có một điều chắc chắn là muốn bảo tồn di tích khảo cổ ở Cần Giờ thì phải bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, vì di tích cổ không thể tách rời môi trường. Nếu phá hoại môi trường mà chỉ giữ di tích thì giá trị giảm đi rất nhiều. Cảnh quan di tích tạo ra “không gian cộng cảm” giữa những con người hiện tại với những người đã từng sống ở vùng đất đó. Di tích không chỉ là “hố khai quật” hay cái làng còn lại, mà còn là không gian quanh nó. Khi tiến hành khảo sát ở đây tôi nhận thấy hai vấn đề: 1/ Cần tiến hành khảo sát thường xuyên và trước mắt là xã đảo Thạnh An. 2/ Có thể nhìn nhận việc lấn biển là một cách xây dựng đô thị của một số vùng ven biển (như ở Hàn quốc chẳng hạn), trong những cái ưu và nhược điểm của cách làm này thì ở Cần Giờ ưu điểm của nó là không phá hoại môi trường sinh thái trong rừng ngập mặn.

Điều tôi lo ngại nhất, cũng là quan trọng nhất đối với việc bảo tồn các di tích cổ, là quy hoạch không thực hiện đúng như bây giờ đề ra. Điều lo ngại khác của tôi là khi phát triển đô thị Cần Giờ, loại hình du lịch sinh thái – văn hóa ở đây sẽ trở nên quan trọng và hấp dẫn hơn. Nếu “khai thác” không đúng cách cũng làm hư hỏng hoặc giảm giá trị của di tích. Đó chính là sự ảnh hưởng gián tiếp của quá trình đô thị hóa đối với di tích lịch sử văn hóa và môi trường sinh thái Cần Giờ.

Những sự kiện có liên quan tới khảo cổ gần đây như trùng tu bằng cách phá di tích cổ xây di tích mới, hay cảnh quan văn hóa của bến Bình Đông, bến Chương Dương đều đã mất cả rồi. Xin hỏi, giới khảo cổ học của chị đã ở đâu thời gian qua?

Giới khảo cổ học chúng tôi vẫn ở đây, vẫn làm được nhiều việc khác và đều nhìn thấy tất cả những chuyện đó. Nhưng trên thực tế không phải lúc nào giới khảo cổ cũng có điều kiện tham gia trực tiếp vào quá trình trùng tu di tích, nhất là tham gia vào việc quy hoạch đô thị. Mặt khác, từ trước tới nay chúng ta vẫn mạnh về khảo cổ học tiền sử - sơ sử và khảo cổ học lịch sử (từ thời nguyên thủy đến khoảng thế kỷ 19). Khái niệm khảo cổ học đô thị (bao gồm các đô thị cổ, di tích công nghiệp và cảnh quan kiến trúc đô thị nói chung) thì mới xuất hiện vài năm nay. Trong Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm khảo cổ học Việt Nam (2001) Giáo sư Trần Quốc Vượng đã có một báo cáo nêu ra vấn đề “tương lai của KCH Việt Nam thế kỷ 21” chính là khảo cổ học đô thị. Cuộc khai quật và nghiên cứu khu di tích Hoàng Thành Thăng Long cũng là thực hiện khảo cổ học đô thị.

Trong hầu hết các vấn đề gây tranh cãi liên quan tới bảo tồn di tích, trong đó có vần đề về khảo cổ học hầu như giới chuyên môn chỉ đưa ra ý kiến khi được báo chí hỏi tới. Lý do gì khiến các nhà khảo cổ thường ít khi chủ động đưa ra ý kiến của mình về một số vấn đề mà dư luận quan tâm?

Đúng là có hiện tượng đó. Tôi không thể giải thích thay đồng nghiệp về việc này. Nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng, giới khảo cổ vốn là giới làm việc một cách âm thầm, xã hội ít khi biết đến. Quan trọng là khi có việc chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm với những ngành liên quan như thế nào. Trong nhiều trường hợp để tìm ra tiếng nói chung về một phương pháp để bảo vệ di tích, không nhất thiết nhà khoa học phải đặt vào thế đối lập với nhà quản lý dù chúng tôi có sự phản biện độc lập, tức là phân tích đúng sai, nên hay không nên dưới góc độ chuyên môn.

Có ý kiến cho rằng di tích bị ảnh hưởng, phá hoại vì ý thức dân chúng kém quá. Thay vì giữ gìn thì họ lại phá. Liệu đánh giá như vậy có chủ quan không, trong khi thực tế không ít những giá trị tinh túy của dân tộc được bảo tồn là nhờ dân, nhờ những thiết chế chặt chẽ của làng xã?

Đó là cách đánh giá mà tôi không tán thành, một khía cạnh nào đấy như có vẻ như phán xét của “bề trên”, “ngoài cuộc”. Luôn đổ thừa tại trình độ của dân kém cũng không đúng. Nhìn chung, ở làng xã người dân rất biết gìn giữ đình giữ chùa, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Tôi nghĩ nên nhìn từ hai phía: người dân và nhà quản lý. Ví dụ: các di tích dưới mặt đất thì người dân chưa có hiểu biết nhiều nên thường đào phá để tìm đồ cổ. Nếu người dân (và cả người mua bán đồ cổ) có sự hiểu biết nhiều hơn về giá trị của di tích là không thể đo đếm bằng tiền mua bán cổ vật, nếu người quản lý, địa phương làm tốt hơn chức trách của mình, ngăn chặn việc đào phá di tích thì hiện tượng này sẽ được hạn chế.

Khảo cổ học cộng đồng không phải là câu chuyện quá mới với thế giới. Bằng nhiều cách để mời gọi người dân tham gia, quan tâm tới khảo cổ như truyền hình, các chương trình hấp dẫn ở bảo tàng, đưa người dân thực sự tham gia vào quá trình khai quật và thông tin rất nhiều về các dự án khai quật tới cho họ. Ở Việt Nam câu chuyện này ra sao, thưa chị?

Thực ra “khái niệm” thì mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng trên thực tế thì đã có, tuy mức độ còn hạn chế và chưa có hệ thống. Đó là việc người dân địa phương tham gia vào các cuộc khai quật khảo cổ. Một nguyên tắc của khảo cổ học là luôn tuyên truyền giới thiệu với người dân địa phương giá trị, ý nghĩa các di tích khảo cổ mà họ tham gia khai quật. Sau đó họ cũng được thêm nhiều hiểu biết, nhiều người trong số họ thường xuyên giữ mối liên hệ với nhà khảo cổ, thông báo về những phát hiện của họ hay về tình hình di tích, di vật ở địa phương. Trong báo cáo khai quật, những người làm khảo cổ luôn nhắc tới vai trò của người dân. Đó là biểu hiện của khảo cổ học cộng đồng.

Tuy nhiên, việc chủ động điều tra, nghiên cứu, khai quật phải thuộc về các nhà chuyên môn. Nếu di tích cần đươc bảo tồn thì các nhà chuyên môn thực hiện theo những phương pháp khoa học, nhưng nếu không có người dân tham gia – như một chủ thể quan trọng - vào việc bảo vệ di tích thì không di tích nào có thể tồn tại được.

Đối với các phát hiện khảo cổ thì xã hội thường quan tâm vào thông tin khoa học mới. Vì vậy vai trò thầm lặng của nhân dân, và đôi khi của cả các nhà khảo cổ, ít được mọi người biết đến.

Với người từng làm khảo cổ và hiện làm việc tại Viện nghiên cứu phát triển thành phố, chị nhận thấy có sự mâu thuẫn nào giữa bảo tồn và phát triển đô thị hay không, và có hướng nào để dần tháo gỡ?

Đó là mâu thuẫn luôn có trong quá trình phát triển ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là những nước đang phát triển. TP Hồ Chí Minh cũng vậy. Nhu cầu cải thiện cuộc sống, xây dựng một đô thị hiện đại là nhu cầu cấp thiết, nhưng làm thế nào để vừa có một thành phố hiện đại, vừa giữ gìn được bản sắc riêng thì cần có một “lộ trình” rõ ràng, trong đó quy hoạch đô thị không chỉ là mở rộng diện tích, xây dựng công trình mới, cải tạo công trình cũ mà còn phải là “bảo tồn di sản văn hóa” đồng thời, thậm chí là trước khi tiến hành các công trình mới. Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các ngành quy hoạch kiến trúc đô thị, cơ quan quản lý xây dựng và ngành bảo tồn di sản văn hóa, việc thực thi và tuân thủ Luật Di sản văn hóa của xã hội là những điều kiện tiên quyết để có thể “bảo tồn” trong “phát triển”

Người ở phố thì kêu không còn hồn phố, người ở quê thì nói rằng đã mất hồn quê. Có phải chúng ta đang thực sự mất mát những hồn vía vốn làm nên những nét riêng của cuộc sống mỗi vùng miền hay không?

Hồn quê hồn phố là cả cảnh quan và con người ở đó. “hồn vía” của làng quê hay đô thị sẽ không còn nếu cái “xác” là di sản văn hóa không được giữ gìn. Mặt khác, cuộc sống thay đổi quá nhanh chóng và phức tạp làm cho con người cũng thay đổi suy nghĩ, nhận thức, lối sống… những yếu tố văn hóa tinh thần dường như không còn chỗ “bám rễ”, con người không giữ được bản chất và truyền thống của mình cũng góp phần đánh “hồn vía” của mỗi vùng miền.

Khổng Loan - Cẩm Phan

3 nhận xét:

  1. http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/414319/Gin-giu-nhung-%E2%80%9CKhong-gian-cong-cam%E2%80%9D.html

    Trả lờiXóa
  2. Hay thật, hồn phố mất hồn phố, hồn quê mất hồn quê. Vậy mất đi đâu hả bạn? Phố thì bị nhà quê hóa, quê thì bị đô thị hóa, đúng không?

    Trả lờiXóa
  3. Đúng đấy ạ. Và đây còn là chuyện dài nhiều tập... :(

    Trả lờiXóa

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...