TẾT SÀI GÒN NAY NHỚ TẾT HÀ NỘI XƯA


Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu

Các đô thị ngày nay đã có nhiều thay đổi do nhịp sống công nghiệp tạo nên sự chuyển dịch từ lối sống “truyền thống, hướng nội” sang “hiện đại, hướng ngọai”. Sự thay đổi rõ nhất là vào dịp Tết nguyên đán. Nếu trước đây không khí Tết chỉ hiện diện rõ từ ngày 23 tháng Chạp thì giờ đây, các hoạt động đón chào năm mới đã đến sớm hơn, từ Giáng sinh và Tết dương lịch. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy ở Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh.
Từ lâu việc ăn Tết và chơi Tết ở Sài Gòn đã có nhiều dịch vụ cung cấp cho người dân, từ thực phẩm, quà bánh biếu tặng, quần áo đồ dùng sinh hoạt mới,  đến tour du lịch... Người Sài Gòn “ăn Tết” nên việc chuẩn bị thức ăn ngày tết của gia đình và để biếu tặng người thân là một việc quan trọng. Các gia đình hầu như không phải lo lắng sắm sửa hay vất vả mua bán những gì mình cần, rảnh rỗi thì đi siêu thị một buổi là mua sắm đầy đủ. Nhưng người Sài Gòn còn “chơi Tết” nên từ trước Tết khá lâu nhiều gia đình đã tham khảo các nơi vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng, các tour du lịch trong và ngoài nước. Chỉ cần vài phút lên mạng tìm kiếm đặt tour mua vé là cả nhà sẽ có một kỳ nghỉ như ý.
Dù hiện đại và tiện lợi như vậy nhưng Tết ở Sài Gòn vẫn lưu giữ được ý nghĩa truyền thống: đây là dịp sum họp gia đình, mừng thọ ông bà cha mẹ, lên chùa cầu mong một năm mới tốt lành. Với người Sài Gòn ba ngày Tết là thời gian dành cho gia đình, bà con và bạn bè thân thiết, nhiều gia đình về quê ở miền Tây “ăn ba ngày tết” rồi mới lên Sài Gòn chơi Tết và đi làm. Điều đó làm cho Tết Sài Gòn luôn đáng yêu vì yếu tố “truyền thống và hiện đại” đan xen nhuần nhuyễn.
***
Với nhiều gia đình người Sài Gòn, dù bận rộn nhộn nhịp từ rằm tháng Chạp, hay từ ngày đưa Ông Táo về Trời nhưng Tết thực sự là ba ngày Ba mươi, mùng Một và mùng hai Tết. Như lệ thường, trưa ba mươi nhà nào cũng sắp đặt mâm cơm cúng đón Ông Bà về hưởng Tết cùng con cháu. Giao thừa cúng đất trời cầu mong mọi điều tốt lành may mắn rồi lên chùa lễ Phật. Ngày mùng Một chúc thọ ông bà cha mẹ, mừng tuổi các con, sau đó có khi cả nhà đi chùa xin lộc đầu năm. Ngày mùng hai thường họp mặt gia đình bà con thân thiết trong những bữa cơm đầu năm vui vẻ, không quá trang nghiêm như bữa cơm cúng ba mươi mùng một. “Ba ngày tết” là thời gian chuyển giao giữa năm cũ chấm dứt và năm mới bắt đầu, là thời gian trong mỗi gia đình giữa Tổ tiên ông bà và con cháu có một mối đồng cảm thiêng liêng, như sự giao hòa giữa trời và đất vào thời khắc giao thừa...
Mâm cơm cúng ngày Tết ở Sài Gòn là những món ăn được người bà, người mẹ, người chị chăm chút. Chiều ba mươi đón ông bà thì có nồi thịt kho tàu kho bằng nước dừa, hột vịt và từng miếng thịt màu nâu vàng, mỡ trong veo mềm rục, này đĩa thịt đầu heo ngâm dấm trộn vài cọng dưa rau muống xanh điểm lát tỏi trắng lát ớt đỏ sợi gừng vàng, dĩa dưa góp củ cải cà rốt mặn ngọt thơm thơm, đĩa chả giò chiên và rau sống, tô canh khổ qua hầm thịt, tô canh măng tươi hầm chân giò… Tất nhiên không thể thiếu đĩa bánh tét từng khoanh và những món đồ nguội như giò chả, nem, bì…
Đêm giao thừa cùng với mâm cúng trên bàn thờ ông bà, nhiều gia đình còn sắp cúng ở bàn thờ ông Thiên ngoài sân, gồm một trái dừa tươi, đĩa bánh kẹo, trái cây, bánh tét bánh ít nhân ngọt (chay), bình bông, nhang đèn và giấy tiền vàng bạc. Thời khắc giao thừa ánh nến hương thơm từ mọi nhà lan tỏa hòa quyện với không khí đất trời vào xuân.
 Ngày mùng Ba cúng đưa ông bà không thể không có đĩa Tam sên gồm một miếng thịt ba chỉ, hai trứng luộc và ba con tôm càng xanh, nồi cá kho và tô canh chua, rau củ Đà Lạt xào thịt bò, nấm hương, cần tây… Vẫn biết trước cúng sau ăn, nhưng những bữa cơm đông đủ cả nhà vào dịp Tết, lại có ông bà về chứng kiến, chắc chắn là bữa cơm ngon nhất trong năm!
Qua mùng bốn mùng năm đường phố đã trở lại nhịp sống bình thường. Người về quê ăn tết hay những người các tỉnh lần lượt trở lại Sài Gòn. Đây là thời gian của những cuộc vui với bạn bè, đồng nghiệp, đi chùa... Người Sài Gòn thường hẹn nhau ở nhà hàng, quán ăn để cùng vui xuân, lớp trẻ thì rủ nhau đi xem phim, xem ca nhạc hay đến những khu vui chơi giải trí. Vào dịp Tết nhiều cửa hàng cửa hiệu vẫn bán suốt ngày đêm, phục vụ người đi chơi, mua sắm đầu năm nườm nượp. Sài Gòn là đô thị rất phát triển về dịch vụ, Tết là một dịp các dịch vụ hoạt động hết công xuất, tất nhiên cũng thu về nhiều hơn ngày thường. Tết còn là dịp kiếm thêm thu nhập của nhiều bạn trẻ, không thiếu việc làm và nếu chịu khó “cày” ba ngày Tết có khi kiếm đủ tiền học phí cho năm học mới.
Những năm gần đây dịp Tết thường được nghỉ dài ngày, nhiều khu vui chơi ở Sài Gòn đã dựng lại tục Mùng bảy Tết hạ nêu để cho trẻ em được biết về một phong tục xưa còn lưu trong câu đối Tết dù nhiều thứ không còn nữa:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Sắc đỏ của câu đối tết trong mỗi gia đình giờ rất hiếm. Còn chăng chỉ có ở nơi đình chùa hay những khu phố người Hoa mỗi dịp Tết đến trang trí màu đỏ tươi tắn tượng trưng cho may mắn. Tiếng pháo báo hiệu giao thừa, mở đầu ngày mùng Một Tết cũng đã im ắng từ nhiều năm nay, thay vào đó ở Sài Gòn – Chợ Lớn là tiếng trống múa lân tưng bừng mà nhiều cửa hàng, công ty, thậm chí một số gia đình, đã thuê đội lân sư rồng biểu diễn mở đầu năm mới thành công và may mắn.
***
          “Nơi tôi sinh Hà Nội”. Cho đến bây giờ ký ức những ngày Tết ở Hà Nội thời bao cấp chưa bao giờ phai mờ trong tôi. Gần Tết là chuyện xếp hàng mua các loại thực phẩm bánh kẹo theo tem phiếu, mỗi nhà được một túi nilon trong có hộp mứt có vẽ cành đào và phong pháo đỏ, gói kẹo, bánh pháo, vài bao thuốc lá, miếng bóng (da lợn khô), gói miến, gói nhỏ bột ngọt (mì chính). Chỉ thế thôi nhưng có cái túi quà Tết trong nhà là thấy Tết đã về. Rồi xếp hàng mua đậu xanh, mua nếp, ra chợ mua lá dong chuẩn bị gói bánh chưng. Má tôi thường ra chợ ngoại ô Hà Nội  để có thể mua lá chuối về gói bánh tét Nam bộ. Tối 29,30 Tết cả khu tập thể đỏ lửa, hai ba nhà chung nhau một nồi nấu bánh, trẻ con thì náo nức khoe quần áo mới từ ngày được nghỉ Tết… Dịp lễ Tết chưa bao giờ dư dả nhưng đầy ắp tình cảm gia đình, hàng xóm. Hà Nội những ngày giáp Tết luôn là những ngày đẹp nhất trong ký ức của tôi.
Ba ngày Tết. Mưa phùn như rây, lạnh buốt, hương thơm nồi nước lá mùi già tắm gội “tất niên”, bình hoa thược dược rực rỡ trên bàn thờ, bình hoa violet tím và hoa lay ơn trắng trên bàn nước… những màu sắc mùi vị ấy có thể vẫn còn nhưng khó mà tìm lại được cảm xúc như xưa. Có lẽ vì Hà Nội bây giờ đã giàu sang hơn trước…
Bây giờ cả ở Hà Nội và Sài Gòn, bánh chưng (và bánh tét) không còn là “đặc sản” ngày Tết. Bước chân ra đường ở đâu cũng có thể tìm thấy nơi bán bánh chưng. Lớn có nhỏ có, gói bằng lá dong cũng có mà bằng lá chuối cũng nhiều. Bánh vẫn xanh màu lá, nhưng không chắc, nhân bánh vẫn có miếng thịt mỡ và đậu xanh… gọi là. Cũng phải thôi, giờ ăn bánh chưng lấy no làm chính, mấy ai biết thưởng thức miếng ngon từ nhân đậu xanh lựa từng hạt nấu nhỏ lửa cho thật nhừ để có thể thấm đẫm mỡ thịt tan ra trong miệng, miếng bánh nếp chắc dẻo quánh mà ngọt ngào như lắng đọng từ dòng nước chở nặng phù sa.
Bây giờ, bất cứ ngày nào ta vào một quán cơm bụi hay quán cà phê bán cơm trưa văn phòng cũng có thể ăn thịt (nấu) đông, kể cả giữa Sài Gòn nắng như đổ lửa, không cần phải có cái giá lạnh của mùa đông miền Bắc. Giò lụa chả quế dưa hành bán quanh năm, thức ăn ngày thường chẳng khác ngày Tết bao nhiêu, vị ngon đặc biệt của món ăn ngày Tết theo đó cũng mất dần, chỉ còn lại trong nỗi nhớ.
Vẫn biết là khi “đặc sản ngày Tết” chỉ còn ngon... trong ký ức, tức là cuộc sống mỗi ngày đã đủ đầy hơn xưa, nhưng vẫn có chút ngậm ngùi. Dường như cái bận rộn của sự lo toan, cái tình nghĩa của sự thiếu thốn, cái ấm áp của sự sum họp… ở các đô thị đang biến mất, mang theo hoài niệm của thế hệ mà với họ, thời thơ ấu đã rất xa...

  BÀI TRÊN BÁO LAO ĐỒNG XUÂN CANH TÝ 2020

Kết quả hình ảnh cho tết hanoi"

TẾT ĐẦU TIÊN TRÊN QUÊ HƯƠNG



Nguyễn Thị Hậu
          Mùa xuân Bính Thìn 1976 gia đình tôi được ăn cái tết đầu tiên ở quê hương sau 21 năm “ngày Bắc đêm Nam”. Đó là những ngày tết tại Sài Gòn và Cao Lãnh vô cùng đáng nhớ của tôi.
Từ đầu năm 1975 ba má tôi – những cán bộ miền Nam tập kết – đã lên đường về Nam theo một kế hoạch rất khẩn trương và bí mật. Trước đó trong những năm từ 1965 – 1972 ba tôi nhiều lần đưa các đoàn nghệ thuật đi phục vụ chiến trường dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, với tâm nguyện là được trở về quê hương Nam bộ. Nhưng do tình hình chưa thuận lợi nên sau vài tháng hay nửa năm là ông cùng các nghệ sĩ lại quay ra Bắc cùng với lời động viên của cấp trên “tình hình chưa chín muồi, các đồng chí về hậu phương chuẩn bị sức khỏe tốt hơn và các tác phẩm nghệ thuật hay hơn, khi điều kiện thuận lợi nhất định sẽ được ra tiền tuyết và trở lại quê hương!”.

Tháng Năm 1975 cả gia đình tôi được đoàn tụ ở Sài Gòn. Mỗi người một công việc trong không khí bề bộn nhưng cũng rất náo nức của những ngày hòa bình đầu tiên. Cả gia đình tôi vẫn ở nhờ một gian phòng trong một biệt thự là trụ sở cơ quan của ba tôi. Sau đó vài tháng thì chuyển về căn nhà nhỏ ở vùng Phú Nhuận. Bà con đến thăm và giúp cho một số đồ đạc cần thiết. Vậy là chúng tôi thực sự “an cư” trong ngôi nhà của mình sau mấy chục năm ở trong một căn phòng tập thể nhỏ hẹp. Nhưng quan trọng hơn đây là ngôi nhà chúng tôi đón cái tết sum họp đầu tiên đầy đủ cha mẹ con cái và có cả gia đình nội ngoại.

Từ Giáng sinh năm 1975 đến tháng chạp năm đó không khí Sài Gòn bỗng nhiên se lạnh, dường như giới tuyến 17 không còn chia cắt hai miền nên thời tiết cũng được giao hòa. Trên đường phố Sài Gòn xuất hiện những chiếc áo gió, khăn quàng, thậm chí cả áo len áo khoác khiến tôi tưởng như mình còn ở mùa đông Hà Nội. Gần tết Bính Thìn ba má tôi bàn nhau: Năm nay mấy ngày Tết ba má, anh Hai đều phải trực “bảo vệ” cơ quan, vì vậy cho hai chị em tôi về Cao Lãnh ăn Tết với bà ngoại và các dì các cậu. Vậy là ngày 23 tháng Chạp hai chị em tôi ra bến xe miền Tây đi xe đò về quê ngoại. Đường về miền Tây nườm nượp xe hơi xe máy, sau bao năm chiến tranh loạn lạc nhiều người mới lần đầu về quê ăn cái tết hòa bình.

          Thị xã Cao Lãnh khi ấy còn nhỏ bé yên bình nhưng ngày giáp tết dãy phố quanh nhà lồng chợ rực rỡ sắc vàng hoa mai trước mỗi ngôi nhà, sắc đỏ đèn lồng ở những cửa hiệu của người Hoa. Chợ Tết đông đúc chen chân không lọt, ê hề trái cây thịt cá bánh kẹo... nhiều nhất là dưa hấu chất thành từng đống cao, trái nào trái nấy rất lớn, chắc nịch, vỏ tươi xanh mà ruột đỏ rực. Hàng hóa đồ dùng, quần áo giày dép.... cuối năm đổ đống bán rẻ như cho, phong bao lì xì và đồ trang trí nhà cửa rực rỡ mời gọi người mua... Cả thị xã nhộn nhịp từ sáng sớm đến đêm khuya, khác ngày thường chỉ chập tối là đường phố đã vắng. Trên sông Cao Lãnh ghe xuồng qua lại không ngớt, ghe trái cây, bông kiểng nhiều nhất, rồi ghe chiếu mới, ghe than ghe bếp ông lò... chiều tối đèn điện sáng rực cả một khúc sông.

Về ngoại tôi mới biết thêm phong tục tập quán ngày tết quê mình: Bàn thờ chưng một cành mai hoặc bông vạn thọ, cúc đại đóa, một cặp dưa hấu, bánh tét bánh ít, mâm mứt và bánh ngọt, chai rượu. Nhà nào cũng trồng vài cây mai ở sân, trước cổng, sau rằm tháng chạp người ta lặt hết lá mai để sát tết cả cây mai nở bung rực rỡ đón xuân về. Bà ngoại nhắc mấy dì nhớ mua bịch muối, đổ đầy mấy lu nước, chặt quày dừa tươi để cúng giao thừa. Mấy cậu cháu tôi ra khu mộ gia đình, rửa mộ sạch sẽ, trồng hoa, thắp nhang cho ông ngoại. Cậu Út tôi nói vui “mời tía dìa ăn tết với má, bả giục tui đi đón ông dìa nè”. Khói nhang thơm ngát như ông ngoại cùng theo về nhà.
Bên chái bếp có mấy cây mận hồng đào chua chua ngọt ngọt, mợ tôi hái xuống, cắt đôi, rửa sạch, ngâm đường cho thấm và “sên” trên bếp trấu riu riu làm mứt mận, sau bữa ăn có một ly mứt mận dầm nước đá mát ngọt sẽ đánh tan cảm giác ngán thức ăn thịt nếp ngày tết. Rồi nhà nào cũng nhộn nhịp nữ công gia chánh: mấy dì mấy cô pha bột nướng bánh kẹp, quết bánh phồng, nướng bánh bông lan, mấy chị em mang hết nồi xoong ra sông chùi rửa sáng bóng. Rồi mua thịt đầu heo về làm dưa làm giò thủ, phơi củ cải cà rốt làm dưa món, cắt lá chuối ngâm nếp ngâm đậu gói bánh tết bánh ít, lại còn quầy chuối chín chờ gói bánh tét nhân chuối đỏ thắm ngọt thơm.

Ngày hai chín Tết kho nồi thịt heo hột vịt nước dừa, làm chảo thịt khìa, nồi khổ qua dồn thịt hay nồi măng tươi hầm chân giò, mua giò lụa chả quế nem chua, chuẩn bị gà vịt cho mâm cúng chiều Ba mươi và đêm giao thừa... Sáng mùng Một cả nhà lên nhà lớn thắp nhang bàn thờ ông bà và chúc thọ bà ngoại, chị em tôi được ngoại lì xì một phong bao đỏ tươi, dày hơn phong bao các anh em khác, “tội nghiệp, hai đứa nhỏ lớn xa nhà bây giờ mới được về ăn tết với ngoại”.
***
Ngày mùng Hai tết hai chị em tôi lại theo xe đò lên Sài Gòn cho biết không khí Tết của thành phố. Nhiều đường phố vẫn còn vắng nhưng khu trung tâm thì náo nhiệt suốt từ ngày 23 tết. Những ngôi nhà mặt tiền treo lá cờ đỏ sao vàng và cờ nửa xanh nửa đỏ sao vàng. Chợ hoa Nguyễn Huệ đã kết thúc vào chiều ba mươi, trả lại con đường rộng rãi thoáng đãng tràn gió mát từ sông Sài Gòn qua những kiot bán hoa, văn phòng phẩm, báo chí, vật lưu niệm... Bùng binh cây liễu và đài phun nước luôn tấp nập người chụp hình, rất nhiều tà áo dài, quân phục bộ đội, nhiều người không quen biết nhưng sẵn sàng chụp chung tấm hình trong ngày tết hòa bình. Nhiều gia đình chở nhau cả nhà trên chiếc xe gắn máy, lá cờ gài trên tay lái, chùm bong bóng nhiều màu cầm tay. Thỉnh thoảng có chiếc xe jeep cắm cờ mặt trận chạy vòng vòng trên đường phố, trên xe là mấy chú bộ đội giải phóng quần áo tinh tươm nai nịt gọn gàng.

Trước tết má tôi ra chợ Cũ mua cặp bánh tét và vài món đồ nguội để sẵn trong nhà. Sau mấy ngày trực tết ở cơ quan, khi chị em tôi ở quê lên cả nhà mới ăn tết với một giỏ đồ ăn mà bà ngoại và mấy dì mấy mợ gửi lên Sài Gòn. Vui nhất là cái bánh tét má tôi mua... chỉ có nếp mà không có nhân thịt đậu, “bánh tét giả” – má tôi cười nói. Đây đó trong hẻm phố tiếng pháo râm ran, vang vang điệu nhạc xuân xen nhạc cách mạng rộn rã, khắp nơi cũng mai vàng cúc thắm. Lần đâu tiên tôi được xem múa lân với tiếng trống tiếng chập cheng rộn rã, chú lân leo lên cao và đớp được chiếc túi màu đỏ có tiền lì xì đầu năm của gia chủ. Ai nấy đều phấn khởi: năm nay chắc sẽ hên nhiều.

Khác với Hà Nội, người Sài Gòn thường đi chơi tết: đến các khu vui chơi giải trí, đi xem phim nghe ca nhạc, đi ăn hàng quán... Thảo cầm viên Sài Gòn là nơi tụ hội náo nhiệt nhất, không chỉ có người Sài Gòn mà người các tỉnh lên thành phố đều muốn “vô sở thú” nhất là trong những ngày tết. Trong đó có nhiều loài hoa đẹp, thú lạ, đủ loại hàng quán, lại còn có xiếc mô tô bay, có thợ chụp hình dạo lấy ngay, vẽ chân dung, cắt giấy hình người...
Còn trong Chợ Lớn thì đường phố đỏ xác pháo, nhà nào cũng câu đối đỏ, đèn lồng và hình rồng trang trí ở cửa. Các ngôi chùa nghi ngút khói nhang suốt mấy ngày tết, người đến lễ Phật cầu may đông đúc nhộn nhịp, ra về ai cũng cầm trên tay một cây nhang đại là lộc đầu năm. Hàng quán ở Chợ Lớn bán suốt ngày đêm, tết lại càng đông khách. Đại lộ Nguyễn Tri Phương, Châu Văn Liêm, đường Nguyễn Trãi... và những đường nhỏ, những con hẻm sâu hun hút không lúc nào ngớt người qua lại.

Bác Hai – hàng xóm nhà tôi, một người Khmer Trà Vinh lưu lạc lên Sài Gòn từ năm 1960, sinh sống bằng nghề thợ tỉa vườn thuê cho những biệt thự trong vùng Phú Nhuận – trong bữa tối mùng 3 tết ngồi lai rai với ba tôi, nói: hòa bình rồi nên tết này Sài Gòn nhộn nhịp từ sáng tới khuya, chớ hồi chiến tranh vùng Phú Nhuận này chừng 6g chiều là vắng hoe, gần sân bay Tân Sơn Nhứt càng vắng. Láng cháng coi chừng bị cảnh sát xét hỏi liền... Thôi thì đói no gì cũng hết giặc giã rồi, mơi mốt tui dìa quê làm ruộng, anh Bảy rảnh xuống chơi tui đưa đi thăm chùa Miên quê tui, đẹp lắm...
Mùng 4 rồi mùng 5 tết người các tỉnh lại đổ vào thành phố... Nhịp sống Sài Gòn trở lại bình thường. Qua cái tết hòa bình đầu tiên nhiều người nghĩ rằng, hơn hai mươi năm chiến tranh đã kết thúc, một năm mới và tương lai đang đến sẽ là hai chữ Bình An và Hạnh phúc.

Bài trên báo Người Lao động xuân Canh Tý 2020

 Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và văn bản

XIN YÊU THƯƠNG ĐẾN VƠI HẬN THÙ




Là câu hát trong một bài ca xuân. Có vài ca khúc Xuân tôi yêu thích mà có người coi thường là “bolero sến súa”, lại có người đến bây giờ vẫn coi đó là dòng nhạc “phản động” vì có hình ảnh người lính khác chiến tuyến. Từ sau 1975 khi về Sài Gòn tôi mới biết những bài hát này, đó không phải là những bài hát nổi tiếng nhưng lời ca và giai điệu chân thành giản dị của nó đã mãi nằm lại trong một góc sâu của trái tim tôi...
Bởi vì, tình cảm trong những bài hát ấy thật trong sáng, ngọt ngào, chân thật... Và đúng là hát về mùa xuân, giai điệu của mùa xuân, lời ca của con người chờ đón mùa xuân, dù mỗi bài là một tâm trạng một hoàn cảnh cụ thể.
Bởi vì giai điệu mang âm hưởng quê hương da diết hay vui tươi rộn rã đều thẫm đẫm tình nghĩa gia đình, tình yêu đôi lứa, trách nhiệm với tổ quốc... và trên hết là mong muốn đoàn viên và ước vọng hòa bình cho đất nước.
Bởi vì, lời ca không là ngợi ca sáo rỗng hay động viên tuyên truyền... mà là ân tình là dành cho CON NGƯỜI, những con người cụ thể như người mẹ già, đàn em nhỏ, em gái hậu phương, người lính nơi tiền tuyến, người nông dân một sương hai nắng, bạn bè, đồng đội... Qua đó là tình yêu dành cho quê hương VN đau đớn và chia ly vì chiến tranh.
Chiến tranh dù khốc liệt và dài lâu đến đâu cũng chỉ là hiện tượng nhất thời. Hòa bình và khát vọng về hòa bình mới là sự vĩnh cửu mà con người hướng đến. Vì thế, tôi nghĩ những bài hát tràn đầy sự nhân văn như thế sẽ còn được nhiều người yêu thích.
Bạn nghe thử nhé, các ca sĩ hát những bài này đều hay, nhưng tôi thích những bản dưới đây.
-Phiên gác đêm xuân (NS NGuyễn Văn Đông): ca sĩ Thế Sơn hoặc Thanh Hà
-Xuân này con không về (NS Trịnh Lâm Ngân): ca sĩ Quang Lê
-Cánh thiệp đầu xuân (NS Minh Kỳ- Lê Dinh): ca sĩ Kim Anh/Phương Anh
- Mùa xuân đầu tiên (NS Tuần Khanh): ca sĩ Phương Anh/ Như Quỳnh-Thế Sơn
Ngoài ra, Ly Rượu mừng (NS Phạm Đình Chương/Văn Phụng, ban hợp ca) hay Em còn nhớ mùa xuân (NS Ngô Thụy Miên, ca sĩ Khánh Ly/Sĩ Phú) cũng là bài hát tôi yêu thích...
Còn rất nhiều bài hát mừng xuân sáng tác ở miền Nam trước năm 1975, và nếu bạn để ý sẽ thấy những ca khúc ấy thường được trình bày đơn ca, vài bài song ca nam nữ, rất hiếm hợp ca. Tâm trạng tình cảm thể hiện bằng giọng đơn ca nam hay nữ “tròn vành rõ tiếng” làm cho người nghe cảm nhận được sự rộn ràng hay sâu lắng của không khí đón chào năm mới, sự da diết nỗi nhớ mong và tình yêu dành cho người 'lính chiến" xa nhà. Tôi nhận ra một điều giản dị: sự chán ghét và căm thù chiến tranh thật sự bắt đầu từ tình yêu những điều bình dị của quê hương, yêu thương gia đình, yêu thương con người... nhưng tiếc rằng không phải lúc nào ở đâu con người nói chung, người lính nói riêng có thể tỏ bày tình cảm ấy.
Khai bút đầu năm bằng vài lời này: Mùng Một Tết – nghe những bài hát này như một lời cầu mong người VN thật lòng yêu thương nhau hơn, hy vọng một ngày lòng người không còn chia ly và đất nước thái bình thịnh vượng.
tết Canh Tí 2020, 25/1
Không có mô tả ảnh.

TẢN MẠN CUỐI NĂM




Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu

Sài Gòn những ngày cuối năm tiết trời chuyển từ dịu mát sang nắng gắt, không khí lễ hội tấp nập từ tết dương lịch ngày càng tăng lên khi năm mới Canh Tý đến gần. Khu trung tâm thành phố đèn chăng hoa mắc rực rỡ, chưa đẹp nhưng cũng đã bớt phần màu mè hơn vài năm trước. Năm nay tết âm lịch đến sớm hơn, từ sau tết dương lịch nhiều người đã kết hợp nghỉ phép để có vài ngày nghỉ ngơi, có thể đi chơi xa cùng với gia đình. Nhiều người tranh thủ tàu xe còn dễ dàng để về quê sớm. Nếp quen “về quê ăn tết” phổ biến trong người nhập cư, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh nơi có hàng triệu người của tất cả các vùng miền đến làm ăn và sinh sống.

Vào những ngày này trên báo chí, truyền thông tràn ngập tin tức chính phủ, các bộ ban ngành, nhiều công ty, cơ quan tổng kết một năm hoàn thành kế hoạch với thành tích tốt đẹp. Còn trên mạng xã hội nhiều người cũng nhìn lại năm qua: công việc, những chuyến đi, sự thay đổi nơi chốn hay mối quan hệ nào đó. Nhiều hài lòng và không ít luyến tiếc... Dường như thời gian ngày một nhanh hơn khiến con người cũng vội vã “nhìn lại” đời mình. Như chu kỳ của tự nhiên, cuối năm cũng là thời điểm kết thúc nhiều việc để đầu năm bắt đầu những công việc mới, với những kỳ vọng và nỗ lực mới.

Những ngày cuối năm, nhạc sĩ tài danh Nguyễn Văn Tý đã ra đi ở tuổi 94 sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật. Ống là một trong nhiều nhạc sĩ có các tác phẩm sáng tác theo “phong trào” nhưng trở thành những bài hát hiện tượng của một thời, được nhiều người yêu thích rất lâu: Mẹ yêu con, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Em đi nuôi dạy trẻ, Dáng đứng Bến Tre... “Dư Âm” những tác phẩm của ông sẽ còn mãi khi tài năng của người nghệ sĩ đồng hành cùng công chúng trên một đoạn đường thời cuộc.

Nếu hỏi năm Kỷ Hợi vừa qua để lại ấn tượng gì sâu sắc nhất với tôi, tiếc rằng đó là những sự kiện đau buồn, bởi nó xảy ra khi người ta đang mong chờ ngày sum họp gia đình, bởi sự vô lý khi rất nhiều người phải đau đớn hỏi tại sao, và bởi những mất mát không gì bù đắp được: tính mạng con người. Đó là cái chết của 38 người Việt vượt biên trong thùng xe đông lạnh ở Anh, là cái chết của 8 người Việt trong vụ hỏa hoạn chợ ở Nga, là cái chết của 3 người lính và 1 người dân tại Đồng Tâm – một xã của thủ đô Hà Nội.

Bốn mươi lăm năm hòa bình rồi mà sao nhiều người Việt vẫn chết tức tưởi, chết vì tai nạn giao thông, vì bệnh nan y ngày càng tăng do ô nhiễm không khí thức ăn, vì những hoàn cảnh những xung đột mà nguyên nhân đều được nhìn thấy và dự báo từ trước. Kêu ca lo lắng thì rất nhiều nhưng những sự việc đau lòng vẫn cứ xảy ra “gây hậu quả nghiêm trọng” như thông tin ồn ào sau đó. Và sau những trận bút chiến “ném đá” trên báo chí trên mạng xã hội... cứ sôi lên tưởng mọi việc phải ra ngô ra khoai ngay lập tức, nhưng rồi tất cả lại như chưa có gì xảy ra.
Tôi biết, những sự việc này là nỗi day dứt khôn nguôi đối với những người có lương tâm, sẽ là sự ám ảnh nặng nề mà người có trách nhiệm không thể lẩn tránh!
***
Thôi thì, dẫu sao cũng là năm hết tết đến. Chuyện xã hội suy nghĩ bao nhiêu cho đủ, đành quay về không gian nhỏ nhoi của gia đình - nơi mang lại những giây phút bình yên.
Căn hộ chung cư trên lầu cao nhìn ra con đường có hai hàng cây dầu cao vút lúc nào cũng tấp nập xe cộ, trên vòm cao thi thỏang vút lên một bóng chim nhỏ nhoi… Ngày nắng gắt mà gió vẫn rạo rực. Có những ngày lu bu công việc ngồi lỳ trong nhà, đến trưa hay chiều mới bước chân ra ngòai. Ở hành lang kê một chiếc bàn với hai chiếc ghế màu trắng nổi bật trên nền lá xanh ngăn ngắt. Ngồi đây nhìn ra ngòai kia khi thì thấy bóng nắng lốm đốm trên những chiếc lá, lúc chợt nhận ra một vệt nắng vàng rực trên bãi cỏ nho nhỏ ở góc sân chung cư.

          Nhiều buổi sáng ngồi đây với ly cà phê cho sự tỉnh táo một ngày mới, thỉnh thoảng buổi chiều ngồi đây với bình trà đậm để có thể tạm quên đi mệt mỏi, đôi khi là sự bức bối, là tâm trạng không vui vì những tin tức tiêu cực. Chỉ cần nhìn bầu trời xanh qua từng kẽ lá, ngắm những cánh hoa dầu xoay xoay trong gió như đang bay bổng điệu luân vũ, lòng bình yên nhẹ nhõm hơn.

Đã cuối tháng chạp, đường phố dưới ngày một kia đông đúc hơn, xe hơi xe máy nối đuôi nhau từ sáng đến tối, những giỏ quà nhiều màu sắc, những tờ lịch năm mới đỏ rực trên xe máy xe hơi báo hiệu năm mới đã rất gần. Hôm rằm tháng chạp chị tạp vụ của chung cư tỉa tót mấy chậu bông rồi lặt lá cây mai lão trồng trong chậu to bằng gốm… Mấy bữa nay đêm về gió chương se se làm cho những nụ mai tươi non bung cánh, vàng mơn mởn sáng cả một góc sân.

Cuối năm con gái sinh con đầu lòng và mang cháu ngoại về nhà, có tiếng con trẻ gia đình bận rộn vui vẻ hẳn lên. Nhãng đi gần một tuần không bước chân ra khỏi cửa, một sáng nhìn xuống sân vườn dường như thấy thiếu vắng gì đó…A, cỏ, vạt cỏ xanh bên hồ nước đâu rồi sao còn trơ đất? Hỏi chị tạp vụ, chị hồn nhiên kể, mấy bữa trước công nhân tới cắt cành mé nhánh hàng cây ngòai đường, họ tới lui cưa kéo cành cây làm sao mà đám cỏ trong sân giập nát héo queo, em phải xới đất nhổ đi hết...

Bần thần. Nghĩ ngợi. Sao người ta biết chăm sóc gìn giữ một cây lớn mà lại dẫm đạp lên đám cỏ nhỏ nhoi, có ai biết khi bị chà đạp cỏ cũng đau, như bao thân phận “thảo dân” trong xã hội… Chưa kịp nói gì thì chị tạp vụ xởi lởi, em đã đi mua mấy vạt cỏ về trồng lại, đất em xới kỹ rồi, chịu khó tưới nước thì cỏ sẽ lên nhanh lắm. Qua tuần đến tết là cỏ lại xanh thôi mà.
Ừ. Xuân đang về. Hy vọng cỏ sẽ lên xanh…

Đồng Tâm 2017 - 2019!


Máu người đã đổ, lính hay dân cũng là người VN, tội ác lớn nhất là làm cho quân đội và nhân dân trở thành đối thủ của nhau!
Tôi căm ghét những người nhục mạ người dân Đồng Tâm cũng như nhục mạ người lính chết vì nhiệm vụ.
Tôi căm ghét những tin tức dối trá, những ý kiến kiểu đổ tội cho dân nhằm "bảo vệ pháp luật" một cách ngụy biện!
Đây là stt của tôi năm 2017 về vụ Đồng Tâm:

@ Khi đã mất niềm tin thì cách đầu tiên và duy nhất là đối thoại, đối thoại sòng phẳng và trung thực về chuyện đã qua rồi mới đến chuyện hiện tại, vì quá khứ là căn nguyên của hiện tại. Không được/ không thể đối thoại sẽ dẫn đến bế tắc, từ đó nảy sinh nhiều chuyện mà bạo động là biểu hiện rõ nhất phổ biến nhất.
Chính quyền không chịu đối thoại với dân vừa thể hiện sự không chính danh (trong những việc làm dân bức xúc), vừa thể hiện không tôn trọng dân, coi dân là “đối thủ”. Lẩn tránh đối thoại càng dồn sự việc vào bế tắc.  Cùng tắc biến!
“Từ tia lửa sẽ thành ngọn lửa” –một lãnh tụ của cách mạng vô sản thế giới đã nói như vậy đấy! "Chở thuyền cũng là Dân, lật thuyền cũng là Dân", từ thế kỷ 15 Nguyễn Trãi đã nói như vậy đấy!

@ Thấy gì qua trường hợp "giữ đất" của các anh Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng), Đặng Văn Hiến (Đắc Lắc) và cụ Lê Đình Kình (Đồng Tâm, HN)?

@ Bạn có thể im lặng trước những câu hỏi này thì cũng đừng nhục mạ người đã chết, dù đó là dân hay lính.
Bởi vì tội lỗi ko phải ở họ!


Mai Thanh Sơn
NHỮNG CÂU HỎI SAU ĐÊM MẤT NGỦ
Vụ Đồng Tâm thực sự đã trở thành một "sự kiện" mà dù muốn hay không nó cũng sẽ được ghi vào "biên niên sử". Từ một tranh chấp dân sự, dần chuyển thành một vụ án hình sự, bây giờ đã trở thành một thảm hoạ nhân đạo. Số người thương vong chưa được thống kê đầy đủ, nhưng tôi tin sẽ làm không ít người giật mình. Máu người Việt cả đấy. Tôi xót thương cho ĐỒNG BÀO tôi, bất kể thuộc bên nào. Họ đều là NẠN NHÂN.
Đêm mất ngủ, tự bật ra mấy câu hỏi:
1. Tại sao từ khi bắt đầu có vụ tranh chấp công khai (2017) đến nay Bộ Quốc phòng không hề lên tiếng?
Nếu thực sự 59ha đồng Sênh là đất Quốc phòng từ 1980, Bộ Quốc phòng nhẽ ra phải lên tiếng trước. Bộ Quốc phòng bao giờ cũng là nơi có những tấm bản đồ chi tiết, và họ giữ bản đồ rất tốt. Trong công tác tham mưu, "bản đồ đâu?" luôn là câu hỏi đầu tiên của tất cả các vị chỉ huy tác chiến đối với các trợ lý của mình. Thế nhưng cho đến nay, Bộ Quốc phòng, Quân chủng PK-KQ và cả Lữ đoàn 28 là đơn vị đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ở sân bay Miếu Môn đều im lặng. Nếu là đất Quốc phòng, theo luật, vệ binh có thể bắn bỏ tất cả những kẻ vi phạm. Nếu là đất Quốc phòng, chỉ cần Bộ Quốc phòng và các đơn vị quân đội liên quan trực tiếp lên tiếng, tôi tin rằng không ai dám chống đối.
2. Bộ Quốc phòng có tiến hành thanh/kiểm tra công tác quản lý quỹ đất của mình hay không?
Tất cả các thông tin về thanh tra đất đai khu vực sân bay Miếu Môn từ trước đến nay đều chỉ do thanh tra nhà nước cung cấp. Vậy thanh tra quân đội ở đâu nếu thực sự các đơn vị quản lý sân bay Miếu Môn để cho dân chiếm đất Quốc phòng? Nếu thực sự 59ha đất đồng Sênh là đất Quốc phòng mà đơn vị quản lý vẫn để cho dân xâm canh, nộp thuế cho xã, thì Tư lệnh PK-KQ và Lữ trưởng Lữ đoàn 28 phải là những người đầu tiên bị điểm danh kỷ luật.
3. Cuộc tập kích thôn Hoành lúc 4h sáng ngày 09/01/2020 dựa trên cơ sở pháp lý nào?
Người dân thôn Hoành không phạm pháp quả tang. Việc tấn công vào thôn với lý do họ ngăn trở việc thực hiện xây dựng tường bao sân bay (như báo chí đưa tin) là không thuyết phục. Còn nếu coi ông Lê Đình Kình và "Tổ đồng thuận" có âm mưu "bạo loạn/làm phản", cần tiến hành công tác điều tra làm rõ động cơ, phân loại và trấn áp đúng đối tượng. Nếu muốn khám xét nhà ông Lê Đình Kình, Bộ Công an hoặc Công an Hà Nội phải được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn lệnh, không thể đột ngột kéo hàng ngàn quân vào làm náo loạn cả vùng như trong tình trạng khẩn cấp.
4. Ai là người chủ trương và ra quyết định?
Theo quy định về phân cấp/trao quyền, UBND huyện Mỹ Đức và UBND thành phố Hà Nội là những đơn vị thực hiện công tác quy hoạch, cũng là đầu mối chịu trách nhiệm giải quyết những khiếu kiện/xung đột về đất đai. Nếu Hà Nội chủ trương và quyết định tập kích thôn Hoành, họ chỉ được phép sử dụng lực lượng công an thành phố. Nhưng những thông tin về sự thiệt hại phía cảnh sát lại chỉ ra rằng, đó là binh sĩ thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô (K.20), thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, nghĩa là thuộc Bộ Công an chứ không phải Công an Hà Nội. Trung đoàn này không nhận lệnh từ Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, mà từ Tư lệnh của mình. Và Tư lệnh Cảnh sát cơ động không thể điều quân, nếu không nhận được sự đồng thuận từ cấp trên.
5. Thực sự, đến nay đã có bao nhiêu người thương vong?
Tất cả các thông tin trên mạng đều không chính thức và không đáng tin. Liên quan đến sinh mệnh của công dân, các bên liên quan đến "sự kiện Đồng Tâm" cần minh bạch, tránh để tình trạng đồn thổi gây hoang mang.
Đây là những trăn trở của tôi, và có lẽ cũng đồng cảm với không ít người. Mọi người có thể cùng trao đổi, cung cấp thông tin. Tuy nhiên, trên trang của mình, tôi không chấp nhận những lời lẽ thô tục, ngôn từ mạt sát, và thái độ thù địch. Vi phạm những điều đó, xin phép được kính tiễn.

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...