TẢN MẠN CUỐI NĂM




Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu

Sài Gòn những ngày cuối năm tiết trời chuyển từ dịu mát sang nắng gắt, không khí lễ hội tấp nập từ tết dương lịch ngày càng tăng lên khi năm mới Canh Tý đến gần. Khu trung tâm thành phố đèn chăng hoa mắc rực rỡ, chưa đẹp nhưng cũng đã bớt phần màu mè hơn vài năm trước. Năm nay tết âm lịch đến sớm hơn, từ sau tết dương lịch nhiều người đã kết hợp nghỉ phép để có vài ngày nghỉ ngơi, có thể đi chơi xa cùng với gia đình. Nhiều người tranh thủ tàu xe còn dễ dàng để về quê sớm. Nếp quen “về quê ăn tết” phổ biến trong người nhập cư, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh nơi có hàng triệu người của tất cả các vùng miền đến làm ăn và sinh sống.

Vào những ngày này trên báo chí, truyền thông tràn ngập tin tức chính phủ, các bộ ban ngành, nhiều công ty, cơ quan tổng kết một năm hoàn thành kế hoạch với thành tích tốt đẹp. Còn trên mạng xã hội nhiều người cũng nhìn lại năm qua: công việc, những chuyến đi, sự thay đổi nơi chốn hay mối quan hệ nào đó. Nhiều hài lòng và không ít luyến tiếc... Dường như thời gian ngày một nhanh hơn khiến con người cũng vội vã “nhìn lại” đời mình. Như chu kỳ của tự nhiên, cuối năm cũng là thời điểm kết thúc nhiều việc để đầu năm bắt đầu những công việc mới, với những kỳ vọng và nỗ lực mới.

Những ngày cuối năm, nhạc sĩ tài danh Nguyễn Văn Tý đã ra đi ở tuổi 94 sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật. Ống là một trong nhiều nhạc sĩ có các tác phẩm sáng tác theo “phong trào” nhưng trở thành những bài hát hiện tượng của một thời, được nhiều người yêu thích rất lâu: Mẹ yêu con, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Em đi nuôi dạy trẻ, Dáng đứng Bến Tre... “Dư Âm” những tác phẩm của ông sẽ còn mãi khi tài năng của người nghệ sĩ đồng hành cùng công chúng trên một đoạn đường thời cuộc.

Nếu hỏi năm Kỷ Hợi vừa qua để lại ấn tượng gì sâu sắc nhất với tôi, tiếc rằng đó là những sự kiện đau buồn, bởi nó xảy ra khi người ta đang mong chờ ngày sum họp gia đình, bởi sự vô lý khi rất nhiều người phải đau đớn hỏi tại sao, và bởi những mất mát không gì bù đắp được: tính mạng con người. Đó là cái chết của 38 người Việt vượt biên trong thùng xe đông lạnh ở Anh, là cái chết của 8 người Việt trong vụ hỏa hoạn chợ ở Nga, là cái chết của 3 người lính và 1 người dân tại Đồng Tâm – một xã của thủ đô Hà Nội.

Bốn mươi lăm năm hòa bình rồi mà sao nhiều người Việt vẫn chết tức tưởi, chết vì tai nạn giao thông, vì bệnh nan y ngày càng tăng do ô nhiễm không khí thức ăn, vì những hoàn cảnh những xung đột mà nguyên nhân đều được nhìn thấy và dự báo từ trước. Kêu ca lo lắng thì rất nhiều nhưng những sự việc đau lòng vẫn cứ xảy ra “gây hậu quả nghiêm trọng” như thông tin ồn ào sau đó. Và sau những trận bút chiến “ném đá” trên báo chí trên mạng xã hội... cứ sôi lên tưởng mọi việc phải ra ngô ra khoai ngay lập tức, nhưng rồi tất cả lại như chưa có gì xảy ra.
Tôi biết, những sự việc này là nỗi day dứt khôn nguôi đối với những người có lương tâm, sẽ là sự ám ảnh nặng nề mà người có trách nhiệm không thể lẩn tránh!
***
Thôi thì, dẫu sao cũng là năm hết tết đến. Chuyện xã hội suy nghĩ bao nhiêu cho đủ, đành quay về không gian nhỏ nhoi của gia đình - nơi mang lại những giây phút bình yên.
Căn hộ chung cư trên lầu cao nhìn ra con đường có hai hàng cây dầu cao vút lúc nào cũng tấp nập xe cộ, trên vòm cao thi thỏang vút lên một bóng chim nhỏ nhoi… Ngày nắng gắt mà gió vẫn rạo rực. Có những ngày lu bu công việc ngồi lỳ trong nhà, đến trưa hay chiều mới bước chân ra ngòai. Ở hành lang kê một chiếc bàn với hai chiếc ghế màu trắng nổi bật trên nền lá xanh ngăn ngắt. Ngồi đây nhìn ra ngòai kia khi thì thấy bóng nắng lốm đốm trên những chiếc lá, lúc chợt nhận ra một vệt nắng vàng rực trên bãi cỏ nho nhỏ ở góc sân chung cư.

          Nhiều buổi sáng ngồi đây với ly cà phê cho sự tỉnh táo một ngày mới, thỉnh thoảng buổi chiều ngồi đây với bình trà đậm để có thể tạm quên đi mệt mỏi, đôi khi là sự bức bối, là tâm trạng không vui vì những tin tức tiêu cực. Chỉ cần nhìn bầu trời xanh qua từng kẽ lá, ngắm những cánh hoa dầu xoay xoay trong gió như đang bay bổng điệu luân vũ, lòng bình yên nhẹ nhõm hơn.

Đã cuối tháng chạp, đường phố dưới ngày một kia đông đúc hơn, xe hơi xe máy nối đuôi nhau từ sáng đến tối, những giỏ quà nhiều màu sắc, những tờ lịch năm mới đỏ rực trên xe máy xe hơi báo hiệu năm mới đã rất gần. Hôm rằm tháng chạp chị tạp vụ của chung cư tỉa tót mấy chậu bông rồi lặt lá cây mai lão trồng trong chậu to bằng gốm… Mấy bữa nay đêm về gió chương se se làm cho những nụ mai tươi non bung cánh, vàng mơn mởn sáng cả một góc sân.

Cuối năm con gái sinh con đầu lòng và mang cháu ngoại về nhà, có tiếng con trẻ gia đình bận rộn vui vẻ hẳn lên. Nhãng đi gần một tuần không bước chân ra khỏi cửa, một sáng nhìn xuống sân vườn dường như thấy thiếu vắng gì đó…A, cỏ, vạt cỏ xanh bên hồ nước đâu rồi sao còn trơ đất? Hỏi chị tạp vụ, chị hồn nhiên kể, mấy bữa trước công nhân tới cắt cành mé nhánh hàng cây ngòai đường, họ tới lui cưa kéo cành cây làm sao mà đám cỏ trong sân giập nát héo queo, em phải xới đất nhổ đi hết...

Bần thần. Nghĩ ngợi. Sao người ta biết chăm sóc gìn giữ một cây lớn mà lại dẫm đạp lên đám cỏ nhỏ nhoi, có ai biết khi bị chà đạp cỏ cũng đau, như bao thân phận “thảo dân” trong xã hội… Chưa kịp nói gì thì chị tạp vụ xởi lởi, em đã đi mua mấy vạt cỏ về trồng lại, đất em xới kỹ rồi, chịu khó tưới nước thì cỏ sẽ lên nhanh lắm. Qua tuần đến tết là cỏ lại xanh thôi mà.
Ừ. Xuân đang về. Hy vọng cỏ sẽ lên xanh…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...