TÔI CÒN NỢ MÙA HÈ NƯỚC PHÁP


Tôi đến nước Pháp vài lần, vừa là cái duyên từ những ký ức qua văn chương thời thơ ấu, vừa là kỳ duyên với những người bạn vong niên thân quý. Năm nay ánh nắng ấm áp mùa hè nước Pháp theo tôi suốt những con đường tôi qua…

Paris tháng bảy là mùa du khách tấp nập trong khi người Paris bắt đầu “đi trốn” cái nóng. Nhân viên các công sở lần lượt nghỉ hè, cửa hàng cửa hiệu bắt đầu treo bảng “tạm nghỉ”… Những chuyến xe bus, metro thoát khỏi cảnh chen chân nhau lên xuống, những quán cà phê vỉa hè không còn quá đông đúc, có thể dễ dàng tìm thấy một vài bàn trống để ngồi đó thoải mái ngó nghiêng một Paris mà tôi yêu thích. Cà phê Paris cũng giống như cà phê Sài Gòn (có lẽ phải nói ngược lại mới đúng  ) là bạn có thể ngồi đó hàng giờ chỉ với một ly cà phê hay thêm một cái croissant, ngồi đó mơ màng, viết lách thậm chí chẳng nghĩ ngợi gì cả, giản đơn chỉ là đắm mình vào cái thú nhàn tản của người Paris. Ở Paris người ta chỉ “cắm mặt” vào thế giới ảo ở smarphone hay ipad khi đi bus hay metro, còn ở tiệm ăn hay quán cà phê thì người ta thưởng thức cuộc sống, trò truyện, ăn uống hoặc im lặng bên nhau… Người Paris “sống thật” hơn nhiều nơi khác.
Có lần tôi ngồi ở Café de Flore nổi tiếng trên đại lộ Saint-Germain. Được mở từ năm 1887, trong suốt thế kỷ 20, Café de Flore từng là điểm đến của rất nhiều nhân vật nổi tiếng nhưng người ta thường tự hào nhắc đến các nghệ sĩ như Jean-Paul Sartre, Picasso, Yves Saint Laurent, Ernest Hemingway... Cùng với Les Deux Magots và Brasserie Lipp, Café de Flore là một trong ba quán cà phê nổi tiếng của khu phố Saint-Germain-des-Prés. Quán lúc nào cũng đông khách và hình như ai cũng thích ngồi ngoài vỉa hè có lẽ vì bên trong quán khá nhỏ, ngồi dưới bảng hiệu “Café de Flore” và trên nữa là những ban công hàng rào bằng gang đúc hoa văn mềm mại xen những chậu hoa mùa hè rực rỡ, phía sau thấp thoáng rèm thưa màu trắng tinh khôi… Một cảm giác thật là Paris.
Ở Paris có nhiều nơi để bạn đi chơi, nhìn ngắm và thư giãn: trong công viên, viện bảo tàng, những lâu đài cung điện, di tích thắng cảnh, các khu chợ trời, nhâm nhi cà phê hay tản bộ dọc theo sông Seine, kể cả những nghĩa trang yên tĩnh… Không cần phải vội vàng cứ thong thả dạo quanh thành phố, có thể mang theo đồ ăn đơn giản, tìm một chiếc ghế mát dọc theo bờ sông, trên bãi cỏ trong công viên hay ngay trên những cây cầu dành cho người đi bộ, ngồi đó với bạn bè hay chỉ một mình thưởng thức bữa trưa ngoài trời. Paris ngày hè làm cho ai đến đây cũng có cảm giác đang tận hưởng ngày cuối tuần kéo dài bất tận bởi vì đến chín, mười giờ đêm ngoài trời vẫn còn nhìn rõ mặt người.
Mỗi lần đến Paris như một lần gặp lại người thân yêu, quen thuộc lắm nhưng cảm xúc luôn mới mẻ, hệt như mỗi sáng “gặm” miếng bánh mì baguette còn nóng hổi thơm lừng mùi men mùi bột và cả mùi ban mai Paris tinh khiết.
Nhưng nước Pháp đâu chỉ có Paris?
Mùa hè nước Pháp trong ký ức tươi nguyên của tôi là ba sắc màu xanh, vàng và trắng. Màu xanh của cây lá khắp nơi, màu vàng của cánh đồng lúa mì đang mùa thu hoạch, của vệt dài hoa cỏ ven đường, và màu trắng lấp lánh của cánh quạt điện gió và những cánh chim bay về nơi cuối trời… Tất cả sắc màu tươi tắn hiện ra dưới ánh nắng trong như mật những ngày hè tháng bảy.
Mùa hè cũng là mùa gặt - ừ, bây giờ hay gọi là mùa thu hoạch bởi trên những cánh đồng lúa mì chỉ thấy những chiếc máy gặt đập thong thả cuốn từng vòng để lại phía sau lớp rơm rạ nằm ngay hàng thẳng lối. Đã lâu lắm rồi người nông dân châu Âu đâu còn phải cắm mặt xuống đất còng lưng cầm liềm hái gặt lúa nữa.
Mùa hè nước Pháp của tôi là những thành phố cổ kính, những ngôi làng xưa “đẹp nhất nước Pháp”, pháo đài cổ, nhà thờ, di tích khảo cổ hang động xưa hàng triệu năm, xưởng gốm cổ chuyên sản xuất phục vụ Hoàng gia Pháp… Những ngọn đồi xanh mướt bên thung lũng xanh thắm nối nhau hiện ra rồi lùi lại phía sau… Và tôi, hệt như cậu bé Remy trong “Không Gia đình” khi ngồi trên đỉnh đồi nhìn xuống thung lung, nơi có ngôi làng và căn nhà nhỏ của má Barberin, lòng nao nao vì phải rời xa nó… Thấp thoáng đâu đó hương thơm dịu nhẹ của những bông hồng nở muộn và những bụi oải hương màu tím… còn đọng lại trong ký ức tôi. Cánh đồng lavender tím ngát tận chân trời, quyến rũ như người đàn bà tuổi vào thu đầy bí ẩn.
Trong nhiều làng cổ nước Pháp chợt tôi nhìn thấy cái nhà lồng chợ, quen thuộc như nhà lồng ở bất cứ thị tứ nào ở Nam bộ, đó là ngôi nhà rộng rãi, cao ráo chỉ có những cây cột và mái ngói, bốn phía trống không, nền cao. Khác với nhà thờ bao giờ cũng ở trung tâm của làng, nhà lồng thường nằm ngay “quảng trường” đầu làng, là chợ cũng là nơi hội họp chung khi cần. Xưa người ta họp chợ vào buổi sáng hay vào ngày phiên chợ, bây giờ không còn sinh hoạt này nữa, nhà lồng trở thành “di tích”, chỉ vào ngày cuối tuần khi du khách đổ về, trong nhà lồng là những quầy hàng thức ăn đặc sản, đồ lưu niệm đặc sắc của làng, xung quanh những ngôi nhà cổ trở thành hàng quán, tiệm ăn, khách sạn nhỏ… Làng cổ bình yên giữ nguyên cảnh quan và được đẹp thêm bởi hàng chục loài hoa nở rộ dưới hiên nhà, trên bệ cửa sổ, bởi những khuôn cửa trắng bình yên, bởi con đường uốn quanh sạch sẽ và những nụ cười của dân làng… Những ngôi làng với nhà lồng nơi xa dường như chẳng có gì liên quan lại làm tôi nhớ quá chừng những làng quê Nam bộ, cũng nhà lồng chợ xôn xao lúc ngày rạng sáng, cũng những gương mặt hồn hậu… chỉ còn thiếu tiếng mái chèo khua nhẹ trên kinh rạch và bóng chị bóng mẹ dịu dàng trên chiếc xuồng ba lá…
Mùa hè nước Pháp với tôi còn là sắc vàng trong những bức tranh của Van Gogh. Những cánh đồng bát ngát lúa mì vàng sậm, những cánh đồng tràn hoa hướng dương rực rỡ. Đắm mình trong không gian này mới hiểu và cảm nhận hết những sắc độ màu vàng trong những bức tranh của danh họa – người đã chọn nước Pháp làm nơi ra đi lần cuối - màu vàng đầy sức sống nhưng cũng đầy ám ảnh của sự chia ly mãi mãi.
Rời nước Pháp vào giữa những ngày hè rực rỡ nhưng chỉ ít ngày sau bạn nhắn, bên này trời chưa lạnh nhưng lá bắt đầu vàng, sắp sang thu rồi đấy. Tôi hay đi xa vào mùa thu nhưng chưa lần nào phải chia tay với ai vào cái mùa mà người ta mặc định là “mùa chia ly”. Nhưng khi chia tay mùa hè nước Pháp với cảm giác còn nợ một điều gì đó… cũng ám ảnh không khác gì màu vàng hoa hướng dương Van Gogh.
Bởi vì, ở tuổi mùa thu của chúng ta mùa hè không trở lại nữa mà phía trước sắp là mùa đông…

VIẾT CHO SINH NHẬT CON GÁI



Mẹ sinh con sau một cơn đau kéo dài đến 2 ngày. Lúc mới lọt lòng con là một cô bé tròn trịa có cặp mắt rất to và đôi môi đỏ như son. Cô bác sĩ vừa đỡ con ra đời đã nói “con bé xinh quá, hiếm có đứa trẻ nào mới sinh mà nết nào ra nét ấy như thế”. Nằm trên bàn sanh mẹ như quên hết nỗi đau đớn vừa trải qua, tràn ngập cảm giác dịu dàng của lần đầu làm mẹ khi mẹ nhìn thấy con.
Thấm thoắt con đi nhà trẻ, rồi mẫu giáo. Con vào lóp 1 tung tăng váy xanh áo trắng… lên cấp 3 với tà áo dài tinh khôi. Con vô đại học, rồi đi làm… Chưa bao giờ con làm mẹ phải buồn lòng vì bất cứ chuyện gì. Con hơn 2 tuổi thì mẹ sinh em gái. Sàn sàn tuổi nhau nhưng con luôn là Chị Hai dịu dàng, nhường nhịn em, chăm sóc em chu đáo. Nghề của mẹ hay phải đi công tác, con đã sớm biết phụ mẹ nấu cơm đi chợ. Món nào mẹ cũng chỉ hướng dẫn 1,2 lần là con biết làm. Bây giờ có những món con nấu còn ngon hơn cả mẹ nữa. Cuối tuần là những ngày con trổ tài nấu nướng còn mẹ thì khoe… trên FB.
Rồi sẽ có ngày “con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy”, mẹ vừa mong nó đến để yên tâm thấy con trưởng thành và có người đi cùng con với tất cả tình yêu trên con đường dài phía trước … lại cũng mong nó đừng vội đến, bởi vì nếu nhà mình mà vắng con thì sẽ buồn lắm… Nhưng dù con ở đâu làm gì thì mẹ con mình sẽ mãi là những người bạn có thể chia sẻ với nhau tất cả như nhiều năm qua, phải không?
Cuộc sống không phải lúc nào cũng là những điều tốt đẹp, luôn có cả niềm vui và cả những nỗi buồn. Nhưng đừng để hận thù, ghen ghét có chỗ trong trái tim, và dù thế nào mẹ cũng luôn tin rằng con gái của mẹ không bao giờ làm tổn thương người khác, vì như vậy chính tâm hồn mình trở thành khuyết tật. Hãy luôn giữ được tình yêu thương và sự quan tâm đến người thân, với mọi người, và hãy luôn mỉm cười, con nhé. Mẹ cầu mong cuộc sống của con được bình yên, Niềm vui và Hạnh phúc sẽ luôn ở bên con.
Điều may mắn nhất của mẹ là đã có con và em, và thành công nhất của mẹ là hai cô con gái ngoan hiền. Và cũng như tất cả những người mẹ khác, với sự thiên lệch thường tình, bao giờ con gái của mẹ cũng là cô gái xinh đẹp nhất!
Chúc mừng sinh nhật con gái yêu của mẹ 😍
(16/7 -Note cũ mà không cũ)






MỘT “BẢO TÀNG LÚA GẠO VIỆT NAM” – TẠI SAO KHÔNG?

https://doanhnhansaigon.vn/di-nghi-viet/nghi-ve-bao-tang-lua-gao-viet-nam-1111633.html?fbclid=IwAR10mVEIfc2AzciKS03Mx1qC6F0z0M1Xuq10lXb8kFf0KCmXCzg_ZMV2ccY

1.
VN nằm trong vùng Đông Nam Á là một trong những cái nôi của nghề nông sớm nhất thế giới. Dấu tích của nghề trồng trọt đã được tìm thấy trong các di tích thuộc nền Văn hóa Hòa Bình cách nay khoảng 10.000 năm. Từ thời kỳ này cư dân cổ đã biết thuần hóa rồi tiến tới trồng trọt các loại cây có củ và một số loại thực vật như bầu bí. Đông Nam Á cũng là nơi có giống lúa hoang Oryza Sativa sau này được thuần hóa và trồng trọt ở đây. Từ khoảng 4000 năm cách ngày nay, vùng trung du và đồng bằng sông Hồng trở thành địa bàn chính của nghề nông trồng lúa. Từ đó nông nghiệp lúa nước trở thành ngành kinh tế chủ đạo, góp phần quan trọng cho việc hình thành và phát triển nền văn minh nông nghiệp của người Việt cổ.
2.
Việc đặt ra vấn đề thành lập “Bảo tàng nông nghiệp Việt Nam” là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Với một bề dày lịch sử 4000 năm, văn minh nông nghiệp trồng lúa VN xứng đáng và cần phải có một bảo tàng riêng để có thể phản ánh một cách toàn diện và đa dạng các giống lúa và cây trồng từ xưa đến nay, các phương thức trồng lúa ở các vùng miền khác nhau trên đất nước: từ đồng bằng sông Hồng đến đồng bằng sông Cửu Long hay dọc dải đồng bằng nhỏ hẹp ven biển miền Trung. Từ miền núi, trung du phía bắc đến Tây nguyên… Mỗi vùng tùy theo điều kiện tự nhiên có những phương thức canh tác truyền thống khác nhau.
Trong quá trình người Việt đi về phía Nam cũng đã sáng tạo phương thức kỹ thuật mới, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm cư dân tại chỗ và cải tiến kỹ thuật mang theo từ quê hương bản quán. Từ những phương thức canh tác khác nhau sẽ có những phức hệ kỹ thuật khác nhau: các loại nông cụ, cách thức sử dụng nông cụ ở mổi vùng miền, những kỹ thuật hỗ trợ như giống má, thủy lợi, phân bón… của nghề trồng lúa hay các cây trồng khác…
Ngoài trồng lúa Việt Nam còn là xứ sở của nhiều cây trồng khác nữa, vì vậy cũng cần được thể hiện trong Bảo tàng nông nghiệp Việt Nam. Từ khoảng cuối thế kỷ 19 nước ta còn có nghề trồng các cây công nghiệp do người Pháp du nhập vào (cao su, cà phê…) và từ nửa sau thế kỷ 20 phát triển các trang trại trồng cây ăn trái. Ở Nam bộ “văn minh miệt vườn” xuất hiện sớm, sản phẩm trồng trọt trở thành hàng hóa lưu thông rộng rãi trong nước, thậm chí ra nước ngoài chứ không chỉ mang tính chất tự cung tự cấp như trước nữa.
3.
Về ý tưởng thành lập “Bảo tàng lúa gạo Việt Nam”. Đây là một phần có thể được xây dựng và trưng bày trước khi Bảo tàng Nông nghiệp Việt Nam được xây dựng hoàn chỉnh. Nhưng cũng có thể là một bảo tàng riêng trưng bày riêng về lúa gạo – gạo – nếp… và những “sản phẩm sau thu hoạch” của nghề trồng lúa, đặc biệt là sản phẩm ẩm thực như cơm, xôi (nấu trong nồi, nướng trong ống tre, đồ xôi…), các loại bánh, bún, phở, nấu rượu… Gạo, nếp chế biến được rất nhiều món ăn vì vậy cách thức chế biến, vật dụng chế biến… cũng vô cùng phong phú, đa dạng theo vùng miền và theo thời gian. Có nhiều loại thức ăn trước đây chỉ dành cho những dịp đặc biệt nay phổ biến hàng ngày, nhưng cũng có nhiều món ăn cổ truyền đang có nguy cơ “biến mất” trong xã hội công nghiệp, do đó giá trị văn hóa “phi vật thể” như kỹ thuật chế biến, ý nghĩa của nó cũng mai một, thậm chí biến dạng…
Liên quan đến lúa gạo là công cụ chế biến lúa gạo và các nghề thủ công như nghề làm các loại cốm, bún, phở, bánh hỏi, các loại bánh… Rồi cách ăn các loại bánh (ví dụ cách làm bánh xèo miền Trung và Nam bộ khác nhau thế nào, những thứ rau ăn kèm, các loại nước chấm… các “biến thể” của bánh xèo là bánh khọt, bánh khoái chẳng hạn…). Hay về cách làm bánh chưng, bánh tét cũng đã là một nội dung vô cùng hấp dẫn của bảo tàng này. Đặc biệt là bao bì của các loại bánh đều từ các loại lá cây: “bao bì tự nhiên” thân thiện với môi trường.
Nói đến lúa gạo là nói đến văn hóa ẩm thực Việt Nam: có thể trưng bày về hệ thống đồ gốm dùng trong nấu nướng, ăn uống… hoặc các vật dụng chế biến bằng các chất liệu khác nhau từ truyền thống đến hiện đại… Rồi “cơ cấu” bữa ăn hàng ngày, bữa ăn có tính chất nghi lễ (đám giỗ, đám cưới, lễ hội…). Các nghi lễ, lễ hội đều có liên quan mật thiết với văn hóa ẩm thực.
4.
Tại Seoul (Hàn quốc) có một bảo tàng tư nhân, nhỏ thôi, trưng bày sản phẩm từ rơm rạ: các loại dép, áo, những đồ chơi của trẻ em, các vật dụng khác… thu hút khá nhiều khách tham quan. Nhiều du khách đến xem đã mua các sản phẩm “lưu niệm” bán tại bảo tàng. Bảo tàng về món Kim chi nổi tiếng cũng vậy: trưng bày quy trình trồng các loại rau, cách thu hoạch, cách làm các loại kim chi, cách chế biến món ăn từ kim chi, các loại đồ gốm liên quan… Tại đó còn có nhà hàng cho du khách thưởng thức các loại kim chi khác nhau, vô cùng phong phú. Trong các bảo tàng có trưng bày sản phẩm đồng thời chiếu phim về cách thức làm ra và sử dụng những sản phẩm ấy. Rất sinh động, hấp dẫn và làm cho khách tham quan nhớ lâu. Một cách thức giới thiệu, quảng bá về văn hóa Hàn Quốc rất có hiệu quả.
Ở VN có thể thành lập rất nhiều bảo tàng như thế, nhỏ thôi nhưng chuyên vào một chủ đề nhất định. Các doanh nghiệp mà sản phẩm hang hóa đã có thương hiệu, nếu làm bảo tàng về ngành nghề của mình thì sẽ tạo dựng được cả thương hiệu về văn hóa. Ví dụ bảo tàng cà phê , bảo tàng gốm sứ, hay bảo tàng về một (hoặc nhiều) món ăn nổi tiếng của Việt Nam…
Ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là khu vực phục vụ du lịch, khi bán những đặc sản là nông sản, đều kết hợp trưng bày (một mức độ nhất định) về cách sản xuất, chế biến các loại sản phẩm. Điều này góp phần tạo được sự tin tưởng cho khách đến tham quan và mua sản phẩm, cũng đồng nghĩa với việc gìn giữ thương hiệu (chất lượng hàng hóa, thái độ phục vụ, chế độ hậu mãi…)
Luật di sản văn hóa VN đã quy định về loại hình bảo tàng tư nhân và điều kiện thành lập, tuy nhiên từ khi có Luật đến nay đã hơn 20 năm vẫn chỉ phổ biến việc trưng bày các sưu tập cổ vật tư nhân. Nếu các doanh nghiệp chú ý đến việc “lập bảo tàng” cho sản phẩm của mình thì sẽ có nhiều lợi ích: tăng cường quảng bá thương hiệu, lưu giữ lịch sử ngành nghề và tôn vinh vai trò doanh nhân. Tăng thêm giá trị văn hóa của sản phẩm, góp phần tích cực bảo tồn và quảng bá văn hóa Việt Nam, đồng thời làm cho bảo tàng phong phú hơn, “văn hóa bảo tàng” trở nên quen thuộc và phổ biến hơn trong đời sống xã hội.

Nguyễn Thị Hậu



CHÚNG TA SẼ ĐỂ LẠI GÌ CHO TƯƠNG LAI?

Di sản văn hóa đô thị, có thể hiểu một cách cụ thể, là tập hợp các địa điểm, vị trí, khu phố, các công trình và tập quán mà một xã hội được kế thừa từ quá khứ, muốn bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ tương lại.
Kinh nghiệm phát triển của nhiều quốc gia đã cho thấy: Bảo tồn di sản đô thị thực chất là “kết quả dàn xếp các xu hướng mâu thuẫn” mà mâu thuẫn lớn nhất là di sản đô thị được coi là tài sản của công đồng dân cư nhưng thường bị coi là “gánh nặng” của chính quyền đô thị. Vì thế các thỏa thuận đạt được thường bấp bênh và nhạy cảm một khi có thay đổi dù là rất nhỏ về các giá trị. Để hạn chế mâu thuẫn này việc tối thiểu cần phải làm là đưa bảo tồn vào chiến lược phát triển. Có thể tránh nguy cơ nảy sinh các xung đột khi chính quyền đô thị thực tâm hiểu và coi di sản chính là “nguồn vốn xã hội đặc thù” tham gia vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đô thị.
Vấn đề bảo vệ di sản văn hóa thực chất là việc ban hành chính sách và thực thi chính sách quản lý đô thị không chỉ về văn hóa mà cả về kinh tế. Khi những di sản đang được quản lý và sử dụng bởi người chưa có đầy đủ kiến thức và ý thức, khi luật pháp và các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh thì ý chí và năng lực của chính quyền đô thị cực kỳ quan trọng để từ đó có những quyết sách và giải pháp hữu hiệu nhằm thực thi việc bảo vệ di sản văn hóa một cách cụ thể, đồng thời còn là biện pháp quan trọng để giáo dục ý thức của người dân.
Đồng thời, khi người dân đã có ý thức bảo tồn di sản thì chính quyền cần hết sức thận trọng khi thực hiện những dự án “phát triển” bằng cách phá hủy các công trình cổ xưa có giá trị, xóa bỏ lịch sử hiện hữu bằng “vật chất” tức là vứt bỏ tài sản của cộng đồng dân cư được thừa kế từ quá khứ.
Nói cách khác, “tầm nhìn” hướng đến tương lai của một chính quyền đô thị nếu hạn hẹp về không gian trong khu trung tâm “đất vàng” thì việc xây dựng đường giao thông, công trình hiện đại sẽ phải phá bỏ những kiến trúc có giá trị lịch sử của đô thị. Nhưng nếu tầm nhìn rộng hơn thì việc mở ra những khu đô thị mới để giải quyết nhu cầu ngày càng tăng của thành phố là giải pháp phù hợp, chứng tỏ cả tầm nhìn xa hơn về văn hóa. Bởi vì bảo tồn khu vực này đồng thời xây dựng các khu đô thị mới chính là “phát triển bền vững”, bao gồm việc mang lại và làm tăng thêm giá trị đất đai và giá trị văn hóa của những khu vực khác, đồng thời bảo toàn di sản của cha ông cho những thế hệ sau còn được kế thừa.
Khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh tập trung nhiều công sở được xây dựng từ khi đô thị Sài Gòn hình thành. Đó là những công trình đẹp về kiến trúc và ẩn chứa trong nó biết bao câu chuyện về lịch sử và con người thành phố. Từ khoảng hai mươi năm nay “quá trình hiện đại hóa” đã làm mất đi và biến dạng quá nhiều di sản ở khu vực này. Đấy là sự “lấy đi” nguồn vốn xã hội dưới dạng di sản văn hóa. Nếu chúng ta chỉ biết lấy mà không biết giữ gìn hay đền bù trở lại thì e rằng có ngày sẽ phải trả giá cho sự phá hủy di sản văn hóa một cách bừa bãi.
Thực tế TP. HCM cho thấy, bảo tồn di sản đô thị không chỉ là trách nhiệm và quyền hạn của chính quyền đô thị, mà ý thức trách nhiệm của các nhà chuyên môn giữ vai trò tư vấn cho chính quyền rất quan trọng! Khi những người tư vấn thiếu hiểu biết về lịch sử văn hóa, hoặc đặt nặng "phát triển hơn bảo tồn", hoặc thiếu sự khách quan trong đánh giá lợi ích giữa cộng động và nhà đầu tư... thì rõ ràng không thể bảo tồn di sản.
Hiện đại hóa đô thị không hề loại trừ bảo tồn di sản, vấn đề là làm thế nào. Sài Gòn/ Nam bộ sẽ cứ là "Vùng đất mới" nếu không còn chứng tích lịch sử, và đừng trông chờ thế hệ sau "giữ gìn" những gì được xây dựng ngày hôm nay, khi "phá hủy di sản" là tấm gương thế hệ hôm nay để lại!

Hình: Cầu Mống, quận 1, di sản công nghiệp đô thị SG



VỀ BẾN TRE 1.7.2022

 Hôm rồi mình về BA TRI, BẾN TRE. Tham dự Lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

Chương trình buổi lễ khá ổn. Có nhiều quan chức cao cấp và nguyên là cao cấp tham dự. Khách mời là các nhà khoa học trong và ngoài nước dự HTKH quốc tế (ngày 30/6), quan chức nhiều bộ ngành trung ương, khách từ nhiều tỉnh bạn, các ban ngành của tỉnh và bà con địa phương. Các diễn văn của lãnh đạo ngắn gọn, có chữ và có nghĩa 🙂
Sân khấu và các tiết mục nghệ thuật phù hợp với chủ đề. Chỉ hơi tiếc là không có trích đoạn "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" - một tác phẩm luôn mang lại sự xúc động mạnh mẽ cho người đọc. Mình cho rằng đấy chính là tác phẩm phản ánh đúng thời điểm đau xót của dân tộc, cũng như thể hiện tấm lòng trọn vẹn của cụ Đồ Chiểu với dân với nước. Cũng vậy, không có bài hát rất hay "Dáng đứng Bến Tre" cũng làm cho người xem thấy "thiêu thiếu" một "đặc trưng" của tỉnh nhà.
Với riêng mình, bài Văn tế... là tác phẩm văn học mình thuộc lòng ngay từ lần đầu được học, và lần nào đọc lại cũng mang cho mình nhiều cảm xúc. Đặc biệt ngôn ngữ giản dị, bình dân, hình ảnh gần gũi thân thuộc, như chính bà con anh em của mình ở miền Tây.
"Tiếng mẹ đẻ cha sanh" nên mình luôn yêu thích văn chương của Nguyễn Đình Chiểu, có lẽ vì gốc gác nhà mình cũng là dân ấp dân lân 🙂
Về Bến Tre lần nào cũng tới viếng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu, mộ cụ Phan Thanh Giản, mộ cụ Võ Trường Toản, những trí thức danh nhân luôn được người Nam bộ trân trọng và tôn kính!
P/S. Trong khi các lãnh đạo cao cấp còn ngồi lại đến cuối chương trình (khoảng 40 phút), thì khi phần nghi lễ vừa kết thúc thì hàng loạt người ngồi ở các dãy ghế giữa dành cho khách mời (quan chức, các tỉnh) đứng lên ra về, tạo ra khoảng trống lớn trong khu vực làm lễ. Điều này khá bất nhã với chủ nhà.









PHỤC SINH - MỘT BỘ PHIM TỪ KIỆT TÁC CỦA L.TONXTOI

 

Mình xem tiểu thuyết “Sống lại” từ hồi mười hai, mười ba tuổi… Khi đó chưa được xem phim nhưng tâm trí in sâu những hình ảnh khó quên: cô gái Kachiusa ngước đôi mắt đen láy vui tươi nhìn chàng Nekhliudop, rồi hai người hôn nhau với câu nói còn ngượng ngập nhưng tràn đầy niềm vui “Chúa sống lại rồi”, trong tiếng chuông nhà thờ rộn rã và ánh nến lấp lánh của ngày lễ Phục Sinh… Cái đêm tối mịt mùng, mưa gió từng cơn, nàng chạy theo đoàn xe lửa trên đó chàng đang ngồi ấm áp uống rượu với bạn bè. Sự ngây thơ lòng trong trắng của nàng đã bị vùi dập… Rồi sau đó là nỗi ân hận muộn màng của chàng Nekhliudop, cố gắng tuyệt vọng của chàng nhằm bù đắp phần nào những khổ đau mà Kachiusa đã phải chịu đựng… 50 năm qua, hôm nay bộ phim đen trắng PHỤC SINH đã mang lại cho mình trọn vẹn cảm xúc từng có khi đọc tiểu thuyết, đồng thời thêm những cảm nhận mới mà ở độ tuổi này mới thấu hiểu hơn chăng?

Phim mở ra khung cảnh mùa thu nước Nga nhưng không có lá vàng trời xanh đẹp tuyệt mà nhiều người vẫn ca ngợi, mà là cảnh tượng khắp nơi một màu xám xịt trong nhà tù, trên đường phố, những tòa nhà mờ mịt trong sương mù… Chỉ có chiếc khăn choàng đầu màu trắng của Maslova sáng lên như một tia hy vọng về cuộc sống tự do như bầy chim bồ câu bay nhảy trên đường phố, bất chấp sự ảm đảm, ẩm ướt và lạnh lẽo. Ảm đảm và lạnh lẽo cũng là ánh mắt của cô gái Maslova trong nhà tù, trên đường bị giải đến tòa án, trong phòng xử án. Đôi mắt đen long lanh thỉnh thoảng lóe lên sự lọc lõi, ánh nhìn khiêu khích, mời gọi theo thói quen “nghề nghiệp”, nhưng cũng không dấu vẻ khinh bỉ những người đàn ông đang hau háu nhìn cô.

Nhưng cũng cô gái đó với đôi mắt ngơ ngác không hiểu điều gì xảy ra, nức nở tuyệt vọng khi bị kết án 4 năm tù khổ sai. Maslova sống trong tầng lớp dưới đáy của xã hội nhưng nàng vẫn ngây thơ khi tưởng rằng, đã nói tất cả sự thật cô không phải là kẻ giết người, rằng cô chỉ muốn được thoát khỏi một kẻ say rượu hành hạ thể xác cô, thì mọi người sẽ hiểu cô vô tội… Sự ngây thơ của người lương thiện, khác hẳn sự “hiểu biết” của những kẻ kết án cô vì sự vô cảm, vì thói quen kết tội người yếu thế, và vì trong cuộc sống bọn họ đều có thể hành xử bẩn thỉu như tên lái buôn say rượu đã hành hạ Maslova và bị nàng vô tình giết chết. Kết tội nàng vì bọn họ hoảng sợ trước một cái kết mà rất có thể là của chính họ!

Lần thứ hai “sự thật” của Maslova bị vùi dập nên nàng không thể tin vào thiện ý của Nekhliudop. Nhưng dần dần nàng nhận thấy sự ân hận vô cùng thành tâm và trong sáng của Nekhliudop, nàng nhận ra con người Nekhliudop có thể phạm lỗi lầm nhưng không phải là người xấu xa như nàng từng căm hận. Sau khi ném vào mặt chàng những lời nặng nề, coi việc chàng làm mọi điều để nàng được giảm án chỉ là “sự chuộc tội cho kiếp sau”, nàng không thể không nhận thấy sự quên mình của chàng còn cao hơn sự chuộc lỗi thông thường, đó là vì tình yêu những gì tốt đẹp trong con người nàng hiện tại, nhờ đó tình yêu của nàng yếu ớt hồi sinh…

Chứng kiến cuộc đời Kachiusa tàn tạ bởi một lỗi lầm thời tuổi trẻ của mình, Nekhliudop nhìn lại cuộc đời mình, chàng “sống lại” từ nhận thức về bản thân, từ sự nhìn nhận cái xã hội thượng lưu mà chàng là một phần trong đó, từ việc quyết liệt thực hiện mọi việc nhằm thay đổi số phận của Maslova và của chính mình… dù chàng hiểu rằng “nàng Kachiusa xưa kia đã chết”. Tình cảm của chàng với Maslova đi từ “trách nhiệm, bổn phận” của lương tâm đến sự thấu hiểu và chia sẻ của tâm hồn. Maslova tìm thấy cuộc sống trong tình yêu và sự cảm phục một người tù chính trị, Nekhliudop để nàng tự quyết định số phận dù chàng nhận ra tình yêu của hai người đã mong manh hồi sinh… Hai người từ biệt tình yêu của mình, số phận của họ đi theo hai con đường khác nhau. Nhưng tâm hồn họ sẽ mãi gắn bó bởi họ đã cùng tìm lại được bản thân trong một tình cảm cao cả: yêu thương CON NGƯỜI. Con người có thể sai lầm nhưng sửa chữa lỗi lầm không chỉ là nhận lấy gánh nặng của sự tự trừng phạt, mà còn là việc thay đổi chính mình, trở nên khoan dung, thấu hiểu và vị tha hơn.

Diễn biến của phim trung thành với nguyên tác tiểu thuyết. Trước đây, khi bình về tiểu thuyết này nhiều người thường nhấn mạnh cái kết hướng theo “lý tưởng cách mạng” như một tất yếu. Nhưng mình luôn nghĩ rằng trong nhiều kiệt tác của L.Tonxtoi, tình yêu nói riêng và lòng yêu thương con người nói chung mới chính là sự cứu rỗi cho tâm hồn các nhân vật của ông, cho sự tha hóa của xã hội mà ông lên án và đả phá. Tình yêu mang cho con người sự sống và có thể làm hồi sinh những gì tốt đẹp nhất mà con người từng đánh mất. Bộ phim PHỤC SINH với diễn xuất tuyệt vời của hai nhân vật chính, đặc biệt đôi mắt ám ảnh  biểu cảm tuyệt vời của nữ diễn viên Tamara Syomina đã thể hiện trọn vẹn những gì mà L.Toixtoi gửi gắm trong kiệt tác của ông.

1.7.2022

Hình: Nàng Kachiusa- Maslova








LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...