PHỤC SINH - MỘT BỘ PHIM TỪ KIỆT TÁC CỦA L.TONXTOI

 

Mình xem tiểu thuyết “Sống lại” từ hồi mười hai, mười ba tuổi… Khi đó chưa được xem phim nhưng tâm trí in sâu những hình ảnh khó quên: cô gái Kachiusa ngước đôi mắt đen láy vui tươi nhìn chàng Nekhliudop, rồi hai người hôn nhau với câu nói còn ngượng ngập nhưng tràn đầy niềm vui “Chúa sống lại rồi”, trong tiếng chuông nhà thờ rộn rã và ánh nến lấp lánh của ngày lễ Phục Sinh… Cái đêm tối mịt mùng, mưa gió từng cơn, nàng chạy theo đoàn xe lửa trên đó chàng đang ngồi ấm áp uống rượu với bạn bè. Sự ngây thơ lòng trong trắng của nàng đã bị vùi dập… Rồi sau đó là nỗi ân hận muộn màng của chàng Nekhliudop, cố gắng tuyệt vọng của chàng nhằm bù đắp phần nào những khổ đau mà Kachiusa đã phải chịu đựng… 50 năm qua, hôm nay bộ phim đen trắng PHỤC SINH đã mang lại cho mình trọn vẹn cảm xúc từng có khi đọc tiểu thuyết, đồng thời thêm những cảm nhận mới mà ở độ tuổi này mới thấu hiểu hơn chăng?

Phim mở ra khung cảnh mùa thu nước Nga nhưng không có lá vàng trời xanh đẹp tuyệt mà nhiều người vẫn ca ngợi, mà là cảnh tượng khắp nơi một màu xám xịt trong nhà tù, trên đường phố, những tòa nhà mờ mịt trong sương mù… Chỉ có chiếc khăn choàng đầu màu trắng của Maslova sáng lên như một tia hy vọng về cuộc sống tự do như bầy chim bồ câu bay nhảy trên đường phố, bất chấp sự ảm đảm, ẩm ướt và lạnh lẽo. Ảm đảm và lạnh lẽo cũng là ánh mắt của cô gái Maslova trong nhà tù, trên đường bị giải đến tòa án, trong phòng xử án. Đôi mắt đen long lanh thỉnh thoảng lóe lên sự lọc lõi, ánh nhìn khiêu khích, mời gọi theo thói quen “nghề nghiệp”, nhưng cũng không dấu vẻ khinh bỉ những người đàn ông đang hau háu nhìn cô.

Nhưng cũng cô gái đó với đôi mắt ngơ ngác không hiểu điều gì xảy ra, nức nở tuyệt vọng khi bị kết án 4 năm tù khổ sai. Maslova sống trong tầng lớp dưới đáy của xã hội nhưng nàng vẫn ngây thơ khi tưởng rằng, đã nói tất cả sự thật cô không phải là kẻ giết người, rằng cô chỉ muốn được thoát khỏi một kẻ say rượu hành hạ thể xác cô, thì mọi người sẽ hiểu cô vô tội… Sự ngây thơ của người lương thiện, khác hẳn sự “hiểu biết” của những kẻ kết án cô vì sự vô cảm, vì thói quen kết tội người yếu thế, và vì trong cuộc sống bọn họ đều có thể hành xử bẩn thỉu như tên lái buôn say rượu đã hành hạ Maslova và bị nàng vô tình giết chết. Kết tội nàng vì bọn họ hoảng sợ trước một cái kết mà rất có thể là của chính họ!

Lần thứ hai “sự thật” của Maslova bị vùi dập nên nàng không thể tin vào thiện ý của Nekhliudop. Nhưng dần dần nàng nhận thấy sự ân hận vô cùng thành tâm và trong sáng của Nekhliudop, nàng nhận ra con người Nekhliudop có thể phạm lỗi lầm nhưng không phải là người xấu xa như nàng từng căm hận. Sau khi ném vào mặt chàng những lời nặng nề, coi việc chàng làm mọi điều để nàng được giảm án chỉ là “sự chuộc tội cho kiếp sau”, nàng không thể không nhận thấy sự quên mình của chàng còn cao hơn sự chuộc lỗi thông thường, đó là vì tình yêu những gì tốt đẹp trong con người nàng hiện tại, nhờ đó tình yêu của nàng yếu ớt hồi sinh…

Chứng kiến cuộc đời Kachiusa tàn tạ bởi một lỗi lầm thời tuổi trẻ của mình, Nekhliudop nhìn lại cuộc đời mình, chàng “sống lại” từ nhận thức về bản thân, từ sự nhìn nhận cái xã hội thượng lưu mà chàng là một phần trong đó, từ việc quyết liệt thực hiện mọi việc nhằm thay đổi số phận của Maslova và của chính mình… dù chàng hiểu rằng “nàng Kachiusa xưa kia đã chết”. Tình cảm của chàng với Maslova đi từ “trách nhiệm, bổn phận” của lương tâm đến sự thấu hiểu và chia sẻ của tâm hồn. Maslova tìm thấy cuộc sống trong tình yêu và sự cảm phục một người tù chính trị, Nekhliudop để nàng tự quyết định số phận dù chàng nhận ra tình yêu của hai người đã mong manh hồi sinh… Hai người từ biệt tình yêu của mình, số phận của họ đi theo hai con đường khác nhau. Nhưng tâm hồn họ sẽ mãi gắn bó bởi họ đã cùng tìm lại được bản thân trong một tình cảm cao cả: yêu thương CON NGƯỜI. Con người có thể sai lầm nhưng sửa chữa lỗi lầm không chỉ là nhận lấy gánh nặng của sự tự trừng phạt, mà còn là việc thay đổi chính mình, trở nên khoan dung, thấu hiểu và vị tha hơn.

Diễn biến của phim trung thành với nguyên tác tiểu thuyết. Trước đây, khi bình về tiểu thuyết này nhiều người thường nhấn mạnh cái kết hướng theo “lý tưởng cách mạng” như một tất yếu. Nhưng mình luôn nghĩ rằng trong nhiều kiệt tác của L.Tonxtoi, tình yêu nói riêng và lòng yêu thương con người nói chung mới chính là sự cứu rỗi cho tâm hồn các nhân vật của ông, cho sự tha hóa của xã hội mà ông lên án và đả phá. Tình yêu mang cho con người sự sống và có thể làm hồi sinh những gì tốt đẹp nhất mà con người từng đánh mất. Bộ phim PHỤC SINH với diễn xuất tuyệt vời của hai nhân vật chính, đặc biệt đôi mắt ám ảnh  biểu cảm tuyệt vời của nữ diễn viên Tamara Syomina đã thể hiện trọn vẹn những gì mà L.Toixtoi gửi gắm trong kiệt tác của ông.

1.7.2022

Hình: Nàng Kachiusa- Maslova








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...