KHÔNG KÌM CHẾ ĐƯỢC, VÌ SAO…?

Mỗi ngày chỉ cần lướt qua vài trang báo là có thể thấy vô số tin “tức” về hành vi bạo lực trong xã hội, mà nguyên nhân nào có gì to tát: va quệt xe cộ ngòai đường, lời qua tiếng lại trong quán cà phê… thế là đánh nhau; một cái “nhìn đểu” cũng đủ là nguyên nhân giết người. Thậm chí người thi hành công vụ cũng có hành vi bạo lực dẫn đến hậu quả nặng nề như vụ công an đánh chết người vì “không đội mũ bảo hiểm”, và gần đây an ninh hàng không “khống chế một cách thái quá” khiến hành khách đòi khởi kiện VNA.

Không thể không tự hỏi: vì sao bây giờ người ta nhục mạ nhau, đánh nhau, giết nhau… dễ dàng đến thế?

Bắt đầu việc dẫn đến bạo lực bao giờ cũng là màn đôi co cãi cọ, lớn tiếng rồi chửi bới xúc phạm nhau. Dường như người ta không có đủ ngôn từ để giải thích mọi việc một cách từ tốn rõ ràng? Dường như người ta không cho rằng ngôn từ có thể giúp giải quyết sự việc một cách êm đẹp? Khi ngôn từ bất lực thì người ta sử dụng bạo lực.

Lòai người trải qua hàng triệu năm để hòan thiện ngôn ngữ. Lời nói thay thế “sức mạnh cơ bắp” để con người có thể sống hòa bình với nhau. Ông bà mình cũng dạy “học ăn học nói”. Khi lời nói không còn được coi trọng, khi ấy bạo lực lên ngôi.

Có lẽ rất cần một lời nhắc nhở hiện diện khắp nơi “đề nghị đồng bào hết sức bình tĩnh và hết sức kìm chế”, khi không/ chưa hiểu rõ nhau muốn nói gì!

SỰ DỬNG DƯNG

Là trạng thái thường được xác định giữa những người đã từng… không dửng dưng với nhau, họ có mối quan hệ quen biết, thậm chí từng có tình cảm thân thiết sâu nặng.

Sự dửng dưng xuất hiện thế nào, và tại sao, giữa họ?

Có phải vì họ đã xa nhau (về không gian), không thể/ không muốn gặp lại? “sự xa cách như một cơn bão lớn…” quét sạch đi những gì có trong nhau, để rồi đến một ngày khi nghĩ đến nhau bỗng thấy như những “người xa lạ”. Khi gặp lại họ vẫn có thể trò chuyện, nhưng câu chuyện sẽ cứ nhạt đi, trôi đi, không cách gì “cứu vãn”, mà cũng chả ai có ý định cứu vãn… hãy để cho nó qua đi.

(Có lần trong note cũ: “Mưa Sài gòn vẫn thế, nắng Sài Gòn vẫn thế, gió Sài Gòn vẫn thế… chỉ có anh và em là đã khác, khi ta nghĩ về nhau…)

Có thể họ vẫn hàng ngày gặp nhau ở một không gian nào đó, như trong công sở, thậm chí trong cùng một nhà… Nhưng rồi không hiểu sao, từ sự quan tâm, vui buồn… đến sự giận dữ, đau đớn mà họ vẫn chia sẻ, chịu đựng cùng nhau/ vì nhau, một ngày nào đó bỗng dưng biến mất, thậm chí (khá phổ biến) là những mâu thuẫn khác biệt trong quan hệ bị đẩy lên cực đỉnh, “chiến tranh vùng vịnh” bùng nổ. Và sau chiến tranh tất cả những gì quen thuộc nhất, có lúc từng làm trái tim nghẹn lại khi nhìn thấy, cảm thấy, nhớ đến… giờ chỉ lướt qua mắt nhau, thóang qua tai nhau, trượt khỏi ý nghĩ của nhau, cả khi đối diện trò chuyện với nhau cũng không còn chút cảm xúc nào lưu lại… Trong cái “trường” quan hệ ấy, mỗi người tự xác lập một không gian của riêng mình, “makeno” không (muốn/ thèm) xâm phạm khỏang riêng tư của nhau. Gần nhau mà bỗng nghe xa ngái, nhưng khi ấy dường như họ lại cảm thấy “yên ổn” hơn khi không còn bận tâm về nhau, dù họ vẫn phải duy trì những mối quan hệ khác xung quanh. Họ hài lòng/ bằng lòng với tình trạng “hòa bình lập lại” trong sự tan hoang, đổ nát, vỡ vụn của tình cảm…

Cũng có khi chỉ trong khỏanh khắc, một lời nói một hành vi xúc phạm nặng nề, sau khi giận dữ, thất vọng, mọi tình cảm nhường chổ cho sự dửng dưng, rất nhanh. Một người đã “chết”, không còn tồn tại trong ý nghĩ của người kia.

Sự dửng dưng làm cùn mòn các mối quan hệ tình cảm, làm chai lỳ cảm xúc, làm tầm thường tất cả những gì từng là đẹp đẽ và cao quý.

Sự dửng dưng tạo ra những khỏang trống trong tâm hồn, cái ác rất dễ nhảy vào và tác oai tác quái. Một xã hội, một gia đình mà mọi người dửng dưng với nhau là một môi trường chứa đầy nguy cơ.

Này, lúc nào đấy bỗng nhiên mình “nhìn nhau ôi cũng như mọi người” thì còn tệ hơn là căm ghét nhau, bạn nhỉ…

(Ta nện bước trên đường phố Huế, lòng dửng dưng không một chút cảm tình chi - Tố Hữu)

MIỀN TÂY (5) - MÓN NGON

CÁ KÈO KHO TỘ, CANH CHUA CÁ BÔNG LAU, KHỔ QUA XÀO TRỨNG, DƯA CHUA

BÁNH ÍT NHÂN DỪA

RAU ĂN LẨU LƯƠN: NHÃN LỒNG, RAU MUỐNG

LẨU LƯƠN (Ở U MINH HẠ, CON LƯƠN TỚI... 2KG :))

CÁ KHÔ Ở ĐẤT MŨI
CÁ ĐỐI CHIÊN GIÒN CUỐN BÁNH TRÁNG RAU SỐNG


NGHAO NƯỚNG CHAO

GÀ HẤP BÍ ĐỎ

RA CHỢ MÀ NGHE


Người ta hay nhận xét: ăn nói kiểu chợ búa, ăn nói như hàng tôm hàng cá… Và xã hội cũng mặc định rằng, chợ, và người buôn bán ở chợ chỉ có kiểu ăn nói đanh đá, ghê gớm, “vô văn hóa” như thế!

Có thật ngôn ngữ ở chợ từ xưa đến nay chỉ có như thế không?

Năm 1975 về Sài Gòn. Lần đầu đi chợ tôi được nghe mời chào bằng giọng nói ngọt ngào: Mua bán trả giá lời lẽ nhẹ nhàng, nếu có đôi co một chút cũng chỉ như phân trần giải thích… Dù bán được hay không cũng đều có lời cám ơn, dù không mua được hàng, thậm chí mua đắt hơn một chút nhưng người mua vẫn vui lòng vì cảm giác mình tự nguyện mua, không bị ai ép buộc. Cái sự “thuận mua vừa bán” này phổ biến từ gian hàng đồ dùng cao cấp đến hàng rau cá thịt. Thi thoảng có cuộc to tiếng thì thường là giữa những người bán hàng với nhau, một lời can ngăn từ bất cứ ai cũng có thể ngăn chặn cuộc cãi vã.

Đang “quen” với việc mua bán ở mậu dịch và phải luôn “ngọt nhạt” với các cô mậu dịch viên nên ấn tượng nhất của tôi về “ngôn ngữ chợ búa” ở đây chính là cách xưng hô thân mật: người bán xưng “dì” (nếu lớn tuổi), xưng “con” nếu nhỏ tuổi, gọi người mua là con, là dì, là cậu… Đây chính là cách xưng hô trong gia đình của người Việt ở Nam bộ, anh chị em ruột thịt về phía mẹ có chỉ có 2 danh xưng là Dì (chị và em gái) và Cậu (anh và em trai) của mẹ. Việc đem hệ thống xưng hô từ gia đình ra ngoài xã hội là một đặc điểm của ngôn ngữ Việt Nam, phần nào “quy định” cách ứng xử ngoài xã hội. Có lẽ vì người bán mua chủ yếu là phụ nữ nên việc “hướng về” bên ngoại như một điều tất nhiên, cách xưng hô cũng “quy định” cách ứng xử nơi “chợ búa” tựa như đều là những người có bà con về bên ngoại: gần gũi, thân mật, không khách sáo và có phần xa cách như với bên nội?

Cách xưng hô ở chợ như vậy cho ta nhận ra dấu ấn “văn hóa mẫu hệ” khá rõ của người Việt Nam bộ, có lẽ đã được gìn giữ từ thời lưu dân Ngũ Quảng vào khai phá vùng đất phương Nam. Có thể suy luận thêm chút nữa, phải chăng cho đến thế kỷ 16, 17 người Việt vẫn thiên về “mẫu hệ” - truyền thống cơ bản của văn hóa Đông Nam Á?

Cách xưng hô, ứng xử theo kiểu “mẫu hệ” như thế này đã mai một. Bây giờ chỉ ở chợ thôn quê, vài chợ nhỏ chợ hẻm, nơi kẻ mua người bán không mấy xa lạ với nhau… ta còn nghe được người bán người mua gọi nhau thân mật gần gũi như thế. Ở những chợ lớn, chợ nơi thị thành xưng hô nói năng đã khác.

Mà bây giờ, ăn nói “kiểu chợ búa”, “hàng tôm hàng cá”… đâu cần phải ra đến chợ mới có!

MIỀN TÂY (4) - BẾN TRE

CẦU RẠCH MIỄU: QUÁ DÀI, QUÁ DỐC, QUÁ HẸP ;)

BẠT NGÀN DỪA XANH

XÀ LAN KHAI THÁC CÁT TRÊN SÔNG

SÔNG CỔ CHIÊN GIỮA BẾN TRE VÀ TRÀ VINH

PHÀ CỔ CHIÊN (ĐANG XÂY CẦU RỒI)

ĐƯỜNG QUA PHÀ CỔ CHIÊN

TRƯA Ở CAFE SỎI ĐÁ




Trưa ngồi cùng bạn bè, ăn cơm văn phòng ở cà phê Sỏi đá. Lại làm "người mẫu" cho em Tiểu Anh. Bạn bảo: ngày nay sỏi đá cũng cần có... chân, hehe :))

VỀ CÀ MAU, NHỚ...

“Anh đến quê em đất biển Cà Mau có thấy xinh tươi đước rừng bát ngát… Về đất biển Cà Mau, thấy đất trời thêm rộng lớn”. Mỗi lần nghe bài hát này là một lần ao ước được về Cà Mau, vậy mà rồi vài chục năm sau tôi mới đặt chân đến nơi đây. Nhiều lần về miền tây công tác, đây là lần đầu tiên tôi đi chơi, không vướng bận việc gì, thích đâu ghé đó nhưng vẫn trực chỉ Đất mũi. Đây rồi, thành phố Cà Mau, vòng xoay tượng đài đại lộ nhà cao tầng san sát, mới hơn, rộng hơn, hiện đại hơn, và cũng… giống hệt các thành phố thị xã ở bất kỳ tỉnh nào.

Nam bộ có một từ rất hay: miệt. Miệt vườn, miệt ruộng…nghe xa ngái mà như trải dài trước mắt. Với những người chưa từng đến Cà Mau thì miệt u minh qua những “Hương rừng Cà Mau”, “Đất rừng phương nam”, “Về đất mũi”… đã mang lại hình ảnh độc đáo mà gần gũi với vùng biển trầm lắng nặng màu phù sa, bạt ngàn rừng cây mắm trước đước sau tràm xanh dừa nước, những dòng sông con kinh nước phèn trong xanh, bãi bồi ngập linh láng thoáng bóng cò lặn lội kiếm ăn… Bởi vậy cảnh trời nước Cà Mau vừa quen vừa lạ, đi đến đâu cũng nhận ra những địa danh đã in dấu trong tôi từ ngày thơ bé. Mỗi bước đi tôi như tìm lại được hình bóng của ba má tôi những ngày kháng chiến chín năm. Mỗi nơi tôi qua cho tôi sự chiêm nghiệm nỗi nhớ quê hương của ba má tôi, của những người con Nam bộ sống qua 20 năm dài trên đất Bắc ...

Về Cà Mau không thể không nhớ nhà văn Đoàn Giỏi và “Đất rừng phương Nam”. Trong tôi bỗng hiện lên ngôi biệt thự số 4 Cổ Tân có mảnh vườn lúc nào cũng đầy lá rụng, xưa cũ, bình yên… Bên ngoài hàng rào sắt thưa thoáng là quán bia hơi Cổ Tân nổi tiếng. Quán bia chỉ có cái quầy gỗ mái tôn bốn mặt trống, mấy cô mậu dịch viên đứng bên trong luôn tay xé phiếu, rót bia bán kèm đậu phọng rang hoặc luộc. Mấy thùng bia hết dựng phía ngoài, sát đường là dãy “tăng xê” có nắp tròn đậy lệch trên miệng hầm. Bên kia là một công viên nhỏ, cây nhỏ, ghế đá nhỏ… vắng lặng, thi thoảng mới có người ngồi chơi, khác hẳn vỉa hè bên này lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt. Ngôi nhà số 4 rất quen thuộc - nơi mà tôi, có lẽ, là độc giả đầu tiên của Đất rừng phương Nam, mắt tròn miệng tròn nuốt từng lời nghe chú Đoàn Giỏi đọc từng trang bản thảo, có lần còn chứng kiến những giọt nước mắt hiếm hoi của 2 người đàn ông Nam bộ nhớ quê hương...

Về Cà Mau không thể không gặp nhà văn Nguyễn Ngọc Tư – như ai đó đã nói, Tư như “đặc sản” miền tây, đặc sản Cà Mau. Tư thường xuyên tiếp đón bạn bè từ khắp nơi, chân tình trò chuyện, hồn hậu đối đáp những câu giỡn ẩn ý “mặn nhạt” trong cuộc nhậu vui vui… Như bao người phụ nữ khác Tư cũng bận rộn chăm sóc con cái, lo toan cho cái gia đình nhỏ bé của em, làm việc như một công chức, và Tư viết, trải lòng mình cùng nhân tình thế thái… Nhớ những trang viết của Tư ngày trước chứa chất nỗi buồn chứa chất niềm hy vọng như “Ngọn đèn không tắt”, đẹp bình dị như đất trời biển rừng Cà Mau. Trang viết của Tư giờ đây đầy trăn trở, nhiều tiếng thở dài có khi tắt nghẹn, vẫn đẹp, cái đẹp của người phụ nữ thiệt thà miệt ruộng đang dần quen với cuộc sống thị thành… Ngồi với Tư lòng bình yên như ngồi với cô em gái lâu ngày không gặp. Bạn bè ai cũng mong được đọc tác phẩm mới của Tư, lại cũng muốn cùng Tư trò chuyện, rủ Tư cùng đi chơi. Về nhà rồi, tự trách mình, quỹ thời gian của ai cũng có hạn, với phụ nữ thời gian còn eo hẹp hơn nhiều, vậy mà…hình như mình đang “làm khó” cho Tư…?

SỰ IM LẶNG

“Con người cần 6 năm học nói và 60 năm để học cách im lặng”, có nghĩa là, đến hết đời (nếu chịu khó học) mới biết cách không nói, đủ hiểu “im lặng” khó như thế nào.

“Lời nói là bạc nhưng im lặng là vàng” có nghĩa là im lặng mang lại lợi ích như “vàng” nhưng cũng có thể hiểu là lời nói dùng “tiêu xài” hàng ngày nhưng im lặng thì chỉ được mang ra sử dụng khi cần thiết, thậm chí rất cần thiết.

“Thùng rỗng kêu to”, lời nói như thế thì chẳng có giá trị gì.

“Khởi đầu là Lời”, không có lời nói thì sự im lặng liệu có giá trị không?

Lời nói và sự im lặng như là hai cực đối lập, nhưng có vẻ như sự im lặng được đánh giá cao hơn lời nói.

Khi nào “lời nói” chính là sự dũng cảm, dám chấp nhận, dám hành động thực sự, còn “im lặng” chính là sự lười biếng, trì trệ, trốn tránh, thậm chí là hèn nhát, thì khi ấy lời nói đáng quý gấp ngàn lần sự im lặng.

Đôi khi những lời nói độc địa nhất không mảy may làm tổn thương nhưng sự im lặng lại có thể giết chết con người. Bởi vì, người ta chỉ nghĩ rằng mình đang có “vàng” chứ mấy ai nhận ra rằng “mình đang giết người”.

Bây giờ sự im lặng nhiều hơn lời nói, im lặng là vàng, nhưng là vàng mã!

MIỀN TÂY (3) - TRÀ VINH









Trà Vinh: hàng sao cao vút, thẳng tắp rợp bóng mát, đường nhỏ còn mang dáng dấp phố cũ. Chùa Miên... bình yên câu hát xa đưa...

SÁCH MỚI XUẤT BẢN, CON GÁI MAI QUYÊN DỊCH

Tặng 5 cuốn sách 'Nụ hôn của Quỷ'

http://www.zing.vn/news/nhip-song-tre/tang-5-cuon-sach-nu-hon-cua-quy/a112575.html

Tác phẩm đã được tiêu thụ hơn một triệu bản và được coi như phát pháo lệnh mở đầu cho trào lưu văn học lãng mạn tuổi teen của thiên hậu trên văn đàn Trung Hoa - Tiểu Ni Tử.

Tặng 5 cuốn sách 'Nụ hôn của Quỷ'

Tiểu Ni Tử là nhà văn trẻ được coi như lá cờ đầu của thể loại tiểu thuyết tình cảm ở Trung Quốc. Cô được xưng tụng là “thiên hậu trường phái mới của các diễn đàn văn học thanh xuân”, “người tiên phong viết tiểu thuyết thanh xuân”, “thiên hậu của tiểu thuyết tình cảm trong sáng ở các diễn đàn văn học tiếng Hoa”… với các tác phẩm nổi tiếng đi đầu trong dòng văn học dành cho tuổi teen.

Năm 2004, Tiểu Ni Tử đã khởi xướng một trào lưu mới với tác phẩm Nụ hôn của Quỷ, khơi dậy làn sóng mạnh mẽ trong toàn Trung Quốc, tạo ra hiện tượng kỳ tích tiêu thụ hơn triệu bản, khẳng định vị thế của cô trong văn đàn thanh xuân.

Nụ hôn của Quỷ là câu chuyện mới lạ, thú vị và không kém phần lãng mạn của một cô bé vốn coi việc chinh phục nam nhi như trò đùa vô hại và anh chàng “hắc mã hoàng tử” đẹp trai, tài giỏi, giàu có nhưng rất lạnh lùng, tàn nhẫn!

Quách Tiễn Ni, “thợ săn ác quỷ” đã cùng quân sư của mình là Trương Tịnh Mỹ vạch ra kế hoạch chinh phục ác quỷ thứ 100, mà mục tiêu không ai khác chính là Kim Thuần Hy, chàng trai nổi tiếng kiêu ngạo, lạnh lùng và tài giỏi trong trường. Và từ đó, những sự kiện và biến cố liên tiếp xảy ra, đan xen lẫn nhau như thể sắp đặt từ trước khiến Quách Tiễn Ni và Kim Thuần Hy dần dần phát hiện ra tình cảm thật của mình.Nhưng cũng đến lúc đó, những biến cố vô tình cũng như những âm mưu kế sách của người đời lại làm cho họ trở nên xa nhau, ngay khi tưởng như đã thật gần.

Câu chuyện không chỉ xoay quanh Quách Tiễn Ni và Kim Thuần Hy, mà còn có Lý Tú Triết – anh chàng công tử giàu có nhưng rất trong sáng, tốt bụng; Trương Tịnh Mỹ - cô nàng quân sư ít nói nhưng rất lợi hại; Thân Tuấn Hạo – diễn viên thiên tài có ngoại hình giống hệt Kim Thuần Hy nhưng tính cách rất dịu dàng…

Câu chuyện không đưa đến cho người đọc những tình huống gay cấn, ly ký nghẹt thở, nhưng lại mang đến một không khí lãng mạn với bao điều tốt đẹp, những tình huống như thể vừa gặp đâu đó quanh cuộc sống hàng ngày…và hơn tất cả là phép mầu vạn năng của tình yêu để biến cuộc sống hàng ngày ấy thành thiên đường.

Nếu bạn tin thế giới này vẫn còn những điều trong sáng, tốt đẹp, bạn không thể bỏ qua tác phẩm này!

MIỀN TÂY (2) - CÀ MAU

MIỀN TÂY (2) - CÀ MAU

bởi Hậu Khảo Cổ Nguyễn vào ngày 15 tháng 4 2011 lúc 11:19 sáng
Vòng xoay trung tâm TP Cà Mau
bến đò đi Đất Mũi
trời- nước Cà Mau
ven sông
xanh xanh rừng tràm
rừng đước
Mốc tọa độ
Mốc xịn :) - sâu dưới mặt đấy khỏang 2m
biển cà Mau

MIỀN TÂY (1)

Cau vườn nhà
Xóm dưới chân cầu Cần Thơ


Sông Hậu, đọan qua Cần Thơ


Cầu Cần Thơ (nhìn từ... trên xe)


Cầu Cần Thơ (nhìn từ bờ Nam)


Kênh rạch miền tây


Cầu Mỹ thuận (từ bờ Nam)


Cảnh quen thuộc của miền tây: hàng lu chứa nước mưa.

SỰ CHỌN LỰA


Có những lúc phải đứng trước một sự chọn lựa mà bạn biết rằng, dù quyết định theo cách nào thì bạn cũng sẽ phải thay đổi một phần cuộc sống của mình.

Sự lựa chọn, có khi là những việc lớn trong đời liên quan đến nghề nghiệp, gia đình, cuộc sống tương lai… cũng như chỉ là những việc nho nhỏ như đi chợ mua thức ăn hàng ngày của người phụ nữ. Tùy thuộc vào mức độ quan trọng mà người ta cần ít nhiều thời gian, kinh nghiệm, sự cân nhắc, tham khảo, nghe ngóng, hỏi han… từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, để có thể chọn lựa được một kết quả như ý.

Nói chung, mỗi người có khả năng tự lựa chọn, và do đó, cần biết tự chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của mình, dù kết quả tốt xấu như thế nào. Việc chọn cái này hay cái khác là do yêu cầu, nhu cầu, khả năng, sở thích của cá nhân… được/ bị “quy định” bởi hoàn cảnh, điều kiện, kinh nghiệm… của bản thân, đồng thời, cũng do hoàn cảnh, điều kiện và kinh nghiệm của xã hội, của cộng đồng mà mình đang sống. Những yếu tố đó giúp người ta cân nhắc, suy đi nghĩ lại hay toan tính kỹ càng… và rồi thường lựa chọn phương án “tối ưu” cho mình, có khi là cái tốt nhất nhưng thường là cái ít xấu nhất trong những khả năng mình có được.

Vì vậy, kết quả của sự lựa chọn mang tính chủ quan nhưng lại phản ánh hoàn cảnh khách quan. Không lạ, mỗi khi có kết quả xấu, không như ý, thì những “tại, vì, bởi, do” được viện dẫn để tìm nguyên nhân thì ít mà để tránh nhận trách nhiệm về mình thì nhiều.

Làm thế nào để người ta có thể tự (do) chọn lựa và có thể (biết) tự chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình?

Chỉ khi nào sự lựa chọn của mình không đi ngược lại những giá trị mà mình coi trọng và xác định sẽ suốt đời hướng đến.

Có lẽ thế, bởi sự lựa chon như thế, dù cuộc sống sẽ phải thay đổi, dù biết sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, vẫn mang lại cho mình sự thanh thản và nhẹ nhõm.

Có cần gì hơn thế, phải không?

SÁCH MỚI CỦA CON GÁI DỊCH



SÁCH DÀY 670 TRANG (giá 120.000). Con gái mất một tháng rưỡi để dịch. Đây là cuốn sách thứ 4 trong vòng 10 tháng qua của con gái. Chúc mừng công chúa Boom Boom của mẹ :)

tâm_chạng sến như con sên :)

Chắc bạn đã có lần lâm vào tình trạng mệt mòi, chán nản hay căng thẳng, vì nhiều nguyên nhân nguyên cớ khác nhau, do người khác mang đến cho bạn hay có khi chỉ là vì tự nhiên bạn thấy không chịu nổi chính mình. Những lúc như thế bạn sẽ làm gì?
Nếu ở nhà, có thể bạn sẽ vào phòng đóng chặt cửa, lăn ra giường, nằm im, và sẽ ngủ một giấc dài đầy mộng mị... thức dậy đầu óc vẫn chưa thanh thản, nhưng không còn nặng nề nữa...

Có thể bạn sẽ trốn vào thế giới Blog ảo mà thật… Ở đó bạn sẽ được là chính bạn hay bạn sẽ được là một tính cách khác: kiêu ngạo/ hài hước/ lãng mạn/ sến/ nghiêm trang/ nhạt nhẽo/ thú vị/ … một con người khác: nhà khoa học/ nhà thơ, nhà văn/ nhà phê bình/ bình luận (văn học/ người khác/ sự kiện nào đó)… Ở đó bạn có thể là thế hệ tuổi Teen 8x/ 9x (thường là như thế!!!), có thể bạn sẽ là một người duyên dáng/ đẹp trai/ xinh gái/… Ở đó bạn có thể bình đẳng với tất cả khi được tự do tỏ bày/ bộc lộ/ bức xúc/ tán thưởng/ … Ở đó bạn được thể hiện/ viết ra bằng thứ ngôn ngữ do bạn lựa chọn, có phải/ có đúng là tiếng Việt “chính thống” hay ko, bạn không quan tâm, chỉ cần bạn được là chính bạn trong/ tại thời điểm đó… Nhảy từ “nhà” này sang nhà khác, ngó nghiêng nhìn ngắm các chủ nhà và của cải trong nhà… có khi bạn làm quen với người này người khác, cũng có khi bạn “cắt đứt” không thương tiếc với một người nào đó… Sau những lúc lang thang trên mạng như thế, bạn thấy nỗi buồn phiền nén chặt trong mình dường như được lõang ra, nhạt đi, và nhẹ đi…
Có thể bạn sẽ lấy xe máy phóng ra đường, đến một nơi nào đó, thường là quán cafe quen thuộc, ngồi đó nhìn ngắm người qua kẻ lại, những chuyện ồn ào trong quán lọt vào tai này rồi đi ra tai kia, giống như chiếc lá vàng ngoài kia rời cành rơi xuống đường rồi lại bị gió cuốn đi. Đến khi ra về không có gì để lại trong bộ nhớ của bạn ngoài giai điệu thật buồn nhưng cũng thật ngọt ngào của bản nhạcYesterday... Bạn thấy hài lòng vì mình đã đến đây và ngồi một minh như thế...
Có thể bạn sẽ kêu mấy người bạn đến ngồi đâu đó, người thân có người sơ cũng có, sẽ chuyện trò rôm rả về mọi đề tài, từ chuyện Sếp ở cơ quan đến chuyện "sếp" ở nhà ( là Bà vợ hay lại là Ông con?!). Ly cụng côm cốp, dô dô liên tục... Có khi nửa chừng cuộc nhậu bạn đã quên mất tâm trạng rối bời lúc nãy...
Có thể bạn sẽ lượn lờ shoping trong siêu thị hay ở chợ... những model mới nhất sẽ hấp dẫn bạn, bạn nhìn ngắm, ướm thử, rồi mặt mày rạng rỡ khi kiếm được cái gì đó vừa ý... Ra về bạn đã tưởng tượng đến ngày mai trông mình sẽ thế nào trong bộ đồ mới...
Có thể bạn sẽ ghé tiệm làm tóc quen, giao phó cái đầu mình cho mấy cô thợ... và bạn nhìn thấy trong gương một người, giống bạn mà khác bạn, với mái tóc vừa cắt ngắn/ duỗi thẳng/ uốn quăn... Có vẻ hợp với mình hơn đấy nhỉ, bạn hài lòng nghĩ vậy...
Có thể...
Có thể...
và có thể...
Tôi cũng đã có khi thế này, có khi thế khác... Nói chung kết quả như trên.
Nhưng có lúc tôi thấy mình bất lực̉, chẳng làm được gì. Đầu óc cứ quanh quẩn câu hỏi “tại sao…?”, mọi giác quan trở nên bén nhạy hơn bao giờ hết, sự liên tưởng các sự việc, hiện tượng, con người nhanh như những dòng điện cao thế. Đấy là lúc tôi thất vọng về con người. Những lúc ấy bạn có biết tôi muốn làm được điều gì không...?
Không có gì ghê gớm / khó khăn đâu…
Tôi chỉ muốn mình sẽ nở một nụ cười thật tươi...

NOTE CŨ. P/S: còn bi giờ tui đi làm một tô mì gói. Đói thì không thể buồn (và cười) được. Sau khi no rồi tôi sẽ cười và tự nhủ: Tôi ơi đừng thất vọng. Trên đời vẫn còn những CON NGƯỜI.

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...