SỰ DỬNG DƯNG

Là trạng thái thường được xác định giữa những người đã từng… không dửng dưng với nhau, họ có mối quan hệ quen biết, thậm chí từng có tình cảm thân thiết sâu nặng.

Sự dửng dưng xuất hiện thế nào, và tại sao, giữa họ?

Có phải vì họ đã xa nhau (về không gian), không thể/ không muốn gặp lại? “sự xa cách như một cơn bão lớn…” quét sạch đi những gì có trong nhau, để rồi đến một ngày khi nghĩ đến nhau bỗng thấy như những “người xa lạ”. Khi gặp lại họ vẫn có thể trò chuyện, nhưng câu chuyện sẽ cứ nhạt đi, trôi đi, không cách gì “cứu vãn”, mà cũng chả ai có ý định cứu vãn… hãy để cho nó qua đi.

(Có lần trong note cũ: “Mưa Sài gòn vẫn thế, nắng Sài Gòn vẫn thế, gió Sài Gòn vẫn thế… chỉ có anh và em là đã khác, khi ta nghĩ về nhau…)

Có thể họ vẫn hàng ngày gặp nhau ở một không gian nào đó, như trong công sở, thậm chí trong cùng một nhà… Nhưng rồi không hiểu sao, từ sự quan tâm, vui buồn… đến sự giận dữ, đau đớn mà họ vẫn chia sẻ, chịu đựng cùng nhau/ vì nhau, một ngày nào đó bỗng dưng biến mất, thậm chí (khá phổ biến) là những mâu thuẫn khác biệt trong quan hệ bị đẩy lên cực đỉnh, “chiến tranh vùng vịnh” bùng nổ. Và sau chiến tranh tất cả những gì quen thuộc nhất, có lúc từng làm trái tim nghẹn lại khi nhìn thấy, cảm thấy, nhớ đến… giờ chỉ lướt qua mắt nhau, thóang qua tai nhau, trượt khỏi ý nghĩ của nhau, cả khi đối diện trò chuyện với nhau cũng không còn chút cảm xúc nào lưu lại… Trong cái “trường” quan hệ ấy, mỗi người tự xác lập một không gian của riêng mình, “makeno” không (muốn/ thèm) xâm phạm khỏang riêng tư của nhau. Gần nhau mà bỗng nghe xa ngái, nhưng khi ấy dường như họ lại cảm thấy “yên ổn” hơn khi không còn bận tâm về nhau, dù họ vẫn phải duy trì những mối quan hệ khác xung quanh. Họ hài lòng/ bằng lòng với tình trạng “hòa bình lập lại” trong sự tan hoang, đổ nát, vỡ vụn của tình cảm…

Cũng có khi chỉ trong khỏanh khắc, một lời nói một hành vi xúc phạm nặng nề, sau khi giận dữ, thất vọng, mọi tình cảm nhường chổ cho sự dửng dưng, rất nhanh. Một người đã “chết”, không còn tồn tại trong ý nghĩ của người kia.

Sự dửng dưng làm cùn mòn các mối quan hệ tình cảm, làm chai lỳ cảm xúc, làm tầm thường tất cả những gì từng là đẹp đẽ và cao quý.

Sự dửng dưng tạo ra những khỏang trống trong tâm hồn, cái ác rất dễ nhảy vào và tác oai tác quái. Một xã hội, một gia đình mà mọi người dửng dưng với nhau là một môi trường chứa đầy nguy cơ.

Này, lúc nào đấy bỗng nhiên mình “nhìn nhau ôi cũng như mọi người” thì còn tệ hơn là căm ghét nhau, bạn nhỉ…

(Ta nện bước trên đường phố Huế, lòng dửng dưng không một chút cảm tình chi - Tố Hữu)

1 nhận xét:

  1. Dửng dưng thì thì tôi không thích, nhưng người dưng thì được đấy chứ bạn! Có câu: "Gió đâu gió thổi sau lưng. Người đâu đi nhớ người dưng thế này" mà!

    Trả lờiXóa

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...