Có những lúc phải đứng trước một sự chọn lựa mà bạn biết rằng, dù quyết định theo cách nào thì bạn cũng sẽ phải thay đổi một phần cuộc sống của mình.
Sự lựa chọn, có khi là những việc lớn trong đời liên quan đến nghề nghiệp, gia đình, cuộc sống tương lai… cũng như chỉ là những việc nho nhỏ như đi chợ mua thức ăn hàng ngày của người phụ nữ. Tùy thuộc vào mức độ quan trọng mà người ta cần ít nhiều thời gian, kinh nghiệm, sự cân nhắc, tham khảo, nghe ngóng, hỏi han… từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, để có thể chọn lựa được một kết quả như ý.
Nói chung, mỗi người có khả năng tự lựa chọn, và do đó, cần biết tự chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của mình, dù kết quả tốt xấu như thế nào. Việc chọn cái này hay cái khác là do yêu cầu, nhu cầu, khả năng, sở thích của cá nhân… được/ bị “quy định” bởi hoàn cảnh, điều kiện, kinh nghiệm… của bản thân, đồng thời, cũng do hoàn cảnh, điều kiện và kinh nghiệm của xã hội, của cộng đồng mà mình đang sống. Những yếu tố đó giúp người ta cân nhắc, suy đi nghĩ lại hay toan tính kỹ càng… và rồi thường lựa chọn phương án “tối ưu” cho mình, có khi là cái tốt nhất nhưng thường là cái ít xấu nhất trong những khả năng mình có được.
Vì vậy, kết quả của sự lựa chọn mang tính chủ quan nhưng lại phản ánh hoàn cảnh khách quan. Không lạ, mỗi khi có kết quả xấu, không như ý, thì những “tại, vì, bởi, do” được viện dẫn để tìm nguyên nhân thì ít mà để tránh nhận trách nhiệm về mình thì nhiều.
Làm thế nào để người ta có thể tự (do) chọn lựa và có thể (biết) tự chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình?
Chỉ khi nào sự lựa chọn của mình không đi ngược lại những giá trị mà mình coi trọng và xác định sẽ suốt đời hướng đến.
Có lẽ thế, bởi sự lựa chon như thế, dù cuộc sống sẽ phải thay đổi, dù biết sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, vẫn mang lại cho mình sự thanh thản và nhẹ nhõm.
Có cần gì hơn thế, phải không?
EM ủng hộ chị trong mọi trường hợp. Chị quyết định thế là đúng lắm :-)
Trả lờiXóaMỗi khi phải lựa chọn là mệt lắm đấy bạn ạ!
Trả lờiXóa