“TRẢ LẠI EM YÊU…”

Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu

Ai từng ở Sài Gòn, từng yêu sài Gòn mà không biết đến câu hát “Trả lại em yêu khung trời đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát…”, mà không nhớ những kiot bán hoa tươi, bưu thiếp, đồ lưu niệm trên đường Nguyễn Huệ, mà không nghe nói về con đường sách cũ Đặng Thị Nhu… Những hình ảnh đó của Sài Gòn chỉ là nét sinh hoạt văn hóa đô thị rất đỗi bình thường nhưng lại có sức sống bền lâu trong tâm tưởng nhiều thế hệ cư dân thành phố.

Thời gian trôi qua, đường Duy Tân (nay là đường Phạm Ngọc Thạch) tuy vẫn còn ngôi trường đại học ở đó (Đại học Kinh tế), hàng cây cao vút còn đó, nhưng không gian êm đềm của những chiều nhạt nắng với tà áo dài vấn vít trên hè phố thì từ lâu đã không còn nữa. Nhiều ngôi biệt thự xinh xắn khiêm tốn lùi sau vỉa hè rộng rãi và bờ tường phủ giàn bông giấy đã biến mất.  Nhà cao tầng ngạo mạn mọc lên như đua chen với hàng cây, những quán hàng nhỏ cơi nới từ khuôn viên các biệt thự chen lấn ra vỉa hè từ … Con đường trở nên nhỏ bé như một con hẻm và ngày càng chật chội.

Đường Nguyễn Huệ từ lâu không còn là con đường cho người Sài Gòn và người từ nơi khác đến đây dạo chơi bất cứ lúc nào trong ngày dù hai bên đường có thêm dải phân cách trồng cây xanh, trông chỉn chu đấy nhưng không để lại ấn tượng gì bởi xe cộ chạy qua không ngừng, bởi đâu còn những kiot đầy sắc màu các loài hoa tươi tắn làm dịu cả cái nắng của ngày oi bức. Những tháng gần đây, khi nó trở thành “phố đi bộ” thì chỉ vào chiều tối, khi ánh nắng và không khí nóng bức dịu đi,  người ta mới đến đây đi lại nhìn ngó những ngôi nhà cao to đồ sộ hai bên đường, đến khu tượng đài, selfie vài tấm hình, rồi… hết. Cả quảng trường – mà đúng là quảng trường – rộng rãi sạch sẽ và trống trơn… không tạo được cảm giác thân thiện của một không gian văn hóa bởi sự thiếu vắng những hoạt động của cộng đồng. Có lẽ không gian này chỉ thích hợp để tổ chức đường hoa đường sách vào khoảng thời gian Tết, cũng như trước khi nó được xây dựng lại “hoành tráng” như vậy.

Nói đến đường sách lại nhớ ý tưởng của nhiều người về một “đường sách” cho Sài Gòn, bắt đầu từ sự liên tưởng đến những khu sách cũ đã tồn tại hàng trăm năm ở nhiều thành phố trên  thế giới. Người ta có thể tìm thấy ở đấy những vật phẩm văn hóa xưa cũ nhưng có giá trị như sách, tranh ảnh bưu thiếp, tiền xưa, đồ lưu niệm… Dạo chơi ngắm nghía phố sách cũ ta như được đi ngược thời gian trở về quá khứ của thành phố. Vài năm trước tôi qua Paris cũng đến những kiot bên bờ sông Seine. Một Paris cổ xưa hiện lên cụ thể và đa dạng trên từng quầy sách mà người bán là tourguide nhiệt tình và hết lòng yêu nghề, họ say mê tất cả những gì họ bán, một cuốn sách bán đi, một tấm bưu thiếp có người mua, một bức tranh có ngừơi chủ mới… người bán dường như phải chia tay với người bạn thân thiết, họ gửi gắm cho người mua cả tình yêu của mình đối với Paris, với nước Pháp. Rất đông du khách đến đây để khi chia tay người ta sẽ nhớ mãi Paris từ nơi bình dị này.

Bây giờ Sài Gòn có còn nơi nào như thế?
Quá trình “hiện đại hóa” khu vực trung tâm Sài Gòn đã làm mất nhiều không gian là nơi lưu giữ “hồn đô thị” – một đặc trưng văn hóa tinh tế có được từ đời sống hàng trăm năm của cộng đồng. Ký ức cộng đồng không phải là một tâm lý “nệ cổ” dù hoài cổ, nó gắn liền với một không gian nhất định, nơi ấy quen thuộc đối với mỗi “cái tôi”, sự quen thuộc do được lặp đi lặp lại mà có khi chỉ cần một kỷ niệm. Mỗi không gian văn hóa có ý nghĩa với một cộng đồng nhất định, nhờ đó cộng đồng mới có ý thức giữ gìn và nếu có biến đổi thì cũng không làm thay đổi hoàn toàn.

Bây giờ Sài Gòn có còn ai yêu Sài Gòn?
Còn nhiều lắm! Người già, trung niên, và rất nhiều người trẻ còn đó một tình yêu Sài Gòn nồng nàn mà sâu đậm. Những quán cà phê, quán ăn trang trí theo phong cách Sài Gòn xưa chính là nơi cố gắng lưu giữ chút “hồn đô thị”. Người ta tìm đến không gian Sài Gòn xưa để muốn bù đắp cảm giác thiếu hụt chống chếnh vì “sự đoạn tuyệt của tư duy với các sự vật quen thuộc, khi mà ta cảm thấy lạc lõng trong môi trường xa lạ…”, khi ấy con người không cảm thấy sự ấm áp thân thiện và bình yên của nơi chốn mình đang sống. Trò chuyện về điều đó với bạn bè, trong sự tiếc nuối những cảnh quan quen thuộc của Sài Gòn nay đã không còn nữa, bỗng bật ra ý nghĩ: Trong vô vàn công trình xây mới sao không có công trình nào “trả lại” cho Sài Gòn một không gian văn hóa cộng đồng gần gũi quen thuộc như đường Duy Tân, Nguyễn Huệ, Đặng Thị Nhu?

Anh bạn là giảng viên trường Đại học Kiến trúc thành phố - ngôi trường nằm giữa hai con đường vào loại đẹp nhất của Sài Gòn (đường Pasteur và Nguyễn Đình Chiểu), nói: Tôi sẽ đưa ý tưởng này cho sinh viên thi thiết kế “đường sách”, bởi vì con đường Nguyễn Văn Bình dự kiến là nơi sẽ tổ chức đường sách hội đủ các yếu tố: Nằm ở khu trung tâm có lịch sử lâu đời, trong phạm vi những công trình kiến trúc tiêu biểu của Sài Gòn, con đường nhỏ nhắn bình yên với hàng cây xanh rợp mát là hình ảnh quen thuộc của Sài Gòn. Chỉ cần có thêm dãy kiot xinh xắn khiêm nhường chứa đựng trong đó biết bao câu chuyện về Sài Gòn từ những gì được trưng bày mua bán…  Một không gian văn hóa Sài Gòn cổ xưa mà hiện đại sẽ hiện lên giữa thành phố đang thay đổi không ngừng. “Đường sách” này sẽ trở thành “ký ức đô thị” của những thế hệ  cư dân Sài Gòn trong thời đại toàn cầu.

Ừ nhỉ, tại sao không?


Sài Gòn, 25/9/2015

Vụn vặt đời thường (94)

@ Nghe ở quán nhậu:
- Ba mươi tuổi mà đã lấy vợ vài năm rồi thì làm gì mà chả được, sao cứ phải xoắn 
 - Ờ, khó gì bằng lãnh đạo vợ.
- Chú này chắc thuộc bài "có con chim vành khuyên nhỏ... gọi dạ bảo vâng cũng giống như chúng mình".
Haha, hihi, hehe...

@ Iem xin can ông bà nào (có nhẽ là ông?) làm ơn đừng chăm chăm soi mói đờn bà nữa ạ. Không có việc gì làm đầu óc bị treo máy hay sao mà hết chụp hình mẹ cho con tè đến chụp hình mẹ cho con bú?!
Bộ ông ko từng được mẹ cho bú hay sao? Gứm, hồi trước ở nhà quê còn chả vạch vú cho con bú giữa sân đình, giữa cuộc họp hợp tác xã... thì đã làm sao?
May mà ngày xưa ko có FB nên Bà Triệu còn vắt vú ra sau lưng mà đi đánh giặc!
Kinh dị loại người bạ đâu cũng chụp bạ gì cũng post!

@ Bạn hay hỏi vì sao những người bạn yêu thương cứ dần rời xa bạn?
Tình bạn, càng (muốn) thân thiết càng cần những khoảng lặng, để tránh những ảnh hưởng và phụ thuộc không cần thiết. Đôi khí có những mâu thuẫn như một đoạn đường khó khăn, thì hãy coi đó là những khoảng lặng, mỗi người tự mình vượt qua để đến đoạn đường bằng phẳng sẽ cùng nhau đi tiếp.
Qua được một khoảng lặng sẽ hiểu nhau hơn.
Thế nhưng, gặp đoạn đường khó khăn bạn đã quay lưng bỏ đi con đường khác. Và tìm người khác cùng đi.
Điều đó cho thấy thực tâm bạn cũng không quý trọng gì tình bạn, không có người này thì có ngay người khác.

Với người bạn như vậy liệu ta có đủ tin cậy để gắn bó lâu dài?

NHÀ CỔ - TỒN TẠI HAY KHÔNG TỒN TẠI

          (Một phần bài viết được báo Tuổi Trẻ đăng sáng nay 25/9)

Sự việc nhà cổ ở phố Trần Hưng Đạo – Hà Nội bị sập gây thương vong và làm chết người sẽ khơi lại một vấn đề “Bảo tồn, trùng tu hay phá bỏ những ngôi nhà, công trình cổ đã quá hạn sử dụng?”. Không phải bây giờ câu hỏi này mới đặt ra mà ngay từ sự việc của Bưu điện tỉnh Bình Thuận hay trường Châu Văn Liêm ở thành phố Cần Thơ gần đây dư luận đã có hai luồng ý kiến:

Về phía chính quyền: cần phá bỏ để tránh nguy hiểm cho người sử dụng, đồng thời xây dựng công trình mới phù hợp với quá trình hiện đại hóa đô thị.
Về phía cộng đồng, trong đó có những người dân từng có nhiều ký ức gắn bó với địa điểm, công trình, những nhà nghiên cứu lịch sử, bảo tồn di sản văn hóa, kiến trúc sư quy hoạch đô thị… lại mong muốn công trình được trùng tu, phục hồi để bảo tồn cảnh quan “hồn phố”, giữ được lịch sử đô thị cho nhiều thế hệ cư dân sau này.

Đầu tiên cần phải nhìn nhận một thực tế khách quan: Các công trình dân sinh như biệt thự, trường học, bệnh viện…mà người Pháp xây dựng giai đoạn cuối thế kỉ XIX đến nửa đầu thế kỉ XX có quy mô về diện tích, trải qua một thế kỷ đến nay đã hết hạn sử dụng, một số công trình được người Pháp gửi công văn thông báo rõ điều này, đồng thời hình thức công trình cũng lộ rõ sự hư hỏng nặng nề do thời gian qua đã không được kịp thời duy tu, sửa chữa, hoặc sửa chữa không phù hợp.  

Phần lớn những biệt thự ở Hà Nội sau năm 1954 và TP. Hồ Chí Minh sau năm 1975 đã thay đổi công năng khi sử dụng: từ biệt thự cho một gia đình biến thành công sở hoặc nhà tập thể, hiện tượng cơi nới chắp vá vào bản thân công trình, việc xây dựng thêm trong khuôn viên… đã làm công trình biến dạng hoàn toàn. Chưa kể một thời khó khăn người ta còn nuôi heo gà, làm bể nuôi cá ngay trong từng gian phòng nhỏ; rồi khi đời sống khá lên thì xây dựng thêm phòng vệ sinh nhà tắm, bất chấp hệ thống nước thải nước xả vốn cho ít người sử dụng nay phải chịu đựng số người gấp nhiều lần và đã hư hỏng. Tất cả những tác động như thế đã làm công trình nhanh chóng xuống cấp từ bên trong.
 
Tình trạng “cha chung” do nhiều hộ gia đình cùng sở hữu, do sở hữu của cơ quan nhà nước… nên công trình không được sửa chữa kịp thời, càng không được trùng tu sau một thời gian nhất định. Những ngôi biệt thự này giống như “người cao tuổi” mà từ lúc thanh niên đã không biết giữ gìn, thậm chí phung phí sức khỏe, để rồi bệnh tật âm thầm tàn phá cơ thể. Có thể bề ngoài sơn phết lại, thêm những tiện nghi hiện đại… nhưng cũng chỉ là bộ quần áo mới bên ngoài một cơ thể đã tàn tạ.

“Tồn tại hay không tồn tại” những ngôi nhà cổ đã hết hạn sử dụng? Trả lời câu hỏi này không hề đơn giản, bởi vì đó là một phẩn của sự mâu thuẫn gay gắt giữa bảo tồn và phát triển ở các đô thị hiện nay. Để tránh những sự cố như ngôi nhà cổ ở phố Trần Hưng Đạo, thiết nghĩ, việc cần làm ngay là khẩn trương tổng kiểm tra về chất lượng những công trình, biệt thự nhà cổ thời Pháp đã được xếp hạng quốc gia hay tỉnh, thành để phát hiện kịp thời phát hiện và sửa chữa ngay những hư hỏng dù nhỏ, hoặc trùng tu nếu đã xuống cấp không an toàn. Nếu công trình thuộc quyền quản lý của nhà nước thì có thể sử dụng kinh phí của cơ quan chủ quản, vì đây cũng là trách nhiệm của họ nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên phải có hướng dẫn của cơ quan quản lý di sản văn hóa và sự giám sát của chuyên gia, nhà khoa học bảo tồn di sản.

Việc đánh giá giá trị hệ thống nhà cổ, biệt thự thời Pháp, như Hà Nội đã làm và TPHCM sắp làm, theo hệ thống tiêu chí cụ thể để phân loại bảo tồn hay không bảo tồn là rất cần thiết, nhưng rất khó khăn. Chưa nói đến tình trạng biệt thự xuống cấp nặng thì nhiều biệt thự đã chuyển đổi công năng, chuyển đổi hình thức sở hữu. Khi những công trình, biệt thự cổ còn là sở hữu “chung” hay “tập thể” thì sẽ tiếp diễn tình trạng “cha chung không ai khóc”, tình trạng khai thác sử dụng kiểu “của chùa”. Dù có được (hay “bị”) đưa vào diện bảo tồn thì cũng rất khó thực thi. Vì vậy nên chăng cần trả lại công năng của các công trình này như nó vốn có và hình thức quản lý, sở hữu phù hợp. Như vậy mới có thể bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời có thể khai thác tốt về giá trị kinh tế.

Mặt khác, nhiều biệt thự hiện nằm lọt trong khu vực mà những ngôi biệt thự xung quanh đã được cải tạo thậm chí đập bỏ, xây mới… Việc bảo tồn lại càng khó khăn hơn vì giá trị đất đai rất lớn, chủ sở hữu muốn khai thác giá trị kinh tế chứ ít ai muốn bảo tồn vì giá trị văn hóa. Điều này cho thấy việc bảo tồn di sản văn hóa đô thị không chỉ nhằm vào một vài công trình mà cần có cái nhìn rộng hơn, là bảo tồn một cảnh quan, một không gian của đô thị. Có như vậy giá trị chung của cả khu vực mới được nâng cao, trong đó có giá trị về văn hóa.


Nguyễn Thị Hậu


 

Linh tinh lang tang (127) LOA PHƯỜNG – CÒN CẦN HAY KHÔNG?




Cái loa với chức năng là công cụ để chính quyền thông tin đến người dân thì đã có từ lâu đời. Thời phong kiến là anh lính lệ cái vác loa to hơn người, vừa đi vừa nhắc lại những lời quan lại muốn truyền đạt đến dân chúng. Xa xưa hơn nữa là anh Mõ vừa đi vừa gõ cốc cốc… Đấy là một kiểu thông tin của thời dân ta phần lớn còn mù chữ, không có thói quen tiếp nhận thông tin bằng đọc chữ. Chỉ được nghe và thực hiện chứ không có quyền hỏi lại hay phản hồi.

Vào thời chiến tranh ở một số đô thị miền Bắc có hệ thống loa phóng thanh để kịp thời thông tin những việc khẩn cấp, cần thiết, trong điều kiện rất ít gia đình có phương tiện truyền thông như radio. Cứ sau tiếng loa cảnh báo thì tiếng còi báo động sẽ vang lên… Loa thực sự có ích vì góp phần tích cực bảo vệ tính mạng con người.

Hòa bình, hệ thống loa phóng thanh trở thành “loa phường”, nhằm thông tin những sinh hoạt công cộng hay thông báo của chính quyền đến người dân. Ở đô thị nên dân cư đi làm theo giờ hành chính, vì vậy loa phường phải làm việc vào giờ nghỉ ngơi của mọi người: sáng sớm từ 5,6g, chiều tối lúc 18,19g, và vào ngày nghỉ cuối tuần thì hầu như loa nói không ngừng.

Đến nay, trong khi nhà nhà đã có radio, TV, có internet, báo chí tràn ngập, hàng tháng họp tổ dân phố lại được phát các loại thông báo thông tin… Thì truyền thanh kiểu loa phường thực chất không khác gì ngày xưa, bởi vì giờ phát thanh không phù hợp, loa ra rả nói nhưng người dân có nghe không, tiếp nhận được bao nhiêu thông tin? Không thể phản hồi vì thông tin một chiều, “ai mà đi cãi nhau với cái loa bao giờ!”. 

Khi người dân có thể tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn, có thể tương tác ngay với nguồn cung cấp thông tin như qua báo mạng, nâng cao được tính chủ động tiếp nhận và chọn lọc thông tin… thì loa phường đã trở thành biểu tượng của một kiểu truyền thông lạc hậu, vô bổ, một kiểu “nói lấy được”, thậm chí gây phiền phức vì ở đô thị không gian công cộng (ngoài đường phố, hẻm, chung cư) cũng như riêng tư (nhà) cần được gìn giữ để giảm thiểu ô nhiễm chất thải, bụi bẩn, tiếng ồn… Việc loa phường bất chấp giờ giấc và cường độ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân, gián tiếp góp phần làm cho đời sống đô thị trở nên căng thẳng.

Nguyễn thị Hậu

Vụn vặt đời thường (93)

@ "Hò khoan chúng em khua mái chèo...", bài hát Qua Sông được đề nghị sử dụng làm nhạc hiệu của Đài truyền hình TPHCM - HTV. TPHCM thực sự trở thành HÒN NGẬP VIỄN ĐÔNG!
Đề nghị các báo không gọi tên SG trong những trường hợp tiêu cực như thế này!!!

@ Một ngày mắc hai trận mưa, trận nào mưa cũng lớn ngập đường. Mưa rát mặt mặc áo mưa cũng chả ăn thua vẫn ướt từ đầu đến chân. Đêm qua gần như thức trắng nên ngày cứ ngơ ngơ như bị ngáo đá. Gặp trận mưa tỉnh hẳn, vừa đi vừa nhớ chuyện hồi trước cũng dầm mưa thế này, nghĩ, đi trong mưa thích nhất là có khóc cũng không ai biết J .
Đường về nhà có đoạn ngập hơn nửa bánh xe, may mà về sớm chưa đến giờ cao điểm nên không bị kẹt xe. Đã vậy còn ráng ghé chợ mua đồ nấu hủ tíu xương đuôi heo, trời lạnh lạnh thấy thèm J
Dầm mưa một buổi chiều, kết quả được nồi hủ tíu ngon cực, chưa kịp ăn thì người ớn lạnh, nhảy mũi, nặng đầu… Lâu lâu bịnh chút cho… khỏe, hén :D
15/9

@ Một đêm dài hơn một ngày…
Có những cảm giác lờ mờ theo đuổi rất lâu mà ko sao lý giải được. Nó như cái dằm nằm sâu trong da thịt, thỉnh thoảng vì một cử động bất ngờ nhói lên mà không biết chính xác nó đang nấp ở đâu. Rồi nó lại nằm im, ta dần quên đi cái đau điếng mà nó vừa gây ra.
Một ngày một nốt mưng mủ nhỏ xuất hiện rồi nhanh chóng loang ra thành một vết thương. Cái dằm đã “phát huy tác dụng”.
Với con người cũng vậy. Chỉ cần một sự việc nho nhỏ cũng đủ làm vỡ ra cảm giác gờn gợn về thái độ tình cảm của một / vài người với mình.
Định kiến không dễ xóa bỏ, và không thể coi là thật lòng với nhau khi vẫn còn ẩn sâu trong tâm thức định kiến về “bên này, bên kia”. Chỉ cần một người luôn thường trực cái định kiến chết tiệt về thắng thua thì bao nhiêu cố gắng của người kia cũng không sao lấp đầy khoảng trống.
Tại sao bất cứ chuyện gì cũng phải bắt đầu từ cái chính trị khốn kiếp?!
14/9
P/S không liên quan: Cái thời khốn khó ta không thể chia sẻ với ai, tưởng qua rồi thì mình sẽ chai sạn hơn, ai ngờ khi viết lại chỉ đọc những comts của bạn bè mà bỗng ứa nước mắt.


SỨC SỐNG CỦA CÁT


Tạp bút, Nguyễn thị Hậu

Sa mạc gợi cho người ta hình ảnh của một thế giới không có sự sống. Chỉ còn sự im lặng ngàn đời của cát và những cơn cuồng phong của gió trước sự im lặng chết chóc ấy.

Trên chuyến bay từ Hồng Kông đến Dubai, khi màn hình chuyển từ màu xanh bất tận của mặt đất, của đại dương sang màu nâu vàng bợt bạt cũng bất tận như thế, tôi biết mình đang đi vào thế giới sa mạc, thế giới của ánh nắng chói chang, của cái nóng bỏng da rát thịt, của những bóng áo choàng trắng và đen dài phủ gót chân, thế giới của những khăn trùm đầu và những đôi mắt đẹp tuyệt trần, đôi mắt từ nghìn lẻ một đêm xa xưa sống lại.

Dubai là một thành phố đồng thời cũng là một trong bảy tiểu quốc của Các tiểu Vương quốc ARập thống nhất . Cùng với tiểu quốc – thủ đô Abu Dhabi, Dubai là một trong hai nước thịnh vượng và phát triển nhất. Khởi đầu một cách khiêm tốn và lặng lẽ từ nửa sau thế kỷ 20, thành phố đã trải qua một sự biến đổi đáng kinh ngạc để có những kỳ quan ngày hôm nay. Một đất nước nổi tiếng với nhiều kỷ lục như đảo nhân tạo lớn nhất, trung tâm thương mại lớn nhất, khách sạn 7 sao sang trọng nhất hay tòa nhà cao nhất thế giới. Có thể nói Dubai là thành phố của những điều kỳ diệu nhất mà con người có thể xây dựng nên từ cát.

Cuối tháng tám không còn là thời gian cao điểm của nắng nóng nhưng nhiệt độ ngoài trời thường vào khoảng 40 độ C, bước chân ra đường không thể không choàng  khăn hay đội mũ, vậy mà mặt vẫn rát lên vì hơi nóng phả vào.  Có khăn choàng che kín mặt thật là lợi hại,  nhưng nếu không mang kiếng mát thì bị chói mắt vì ánh nắng gay gắt của mặt trời và sự phản chiếu từ cát. Vậy mà những người phụ nữ ở đây ít khi mang kiếng mát, phải chăng vì luôn chống chọi với cái nắng như vậy mà họ có cặp mắt sâu và hàng mi dài rợp hút hồn người ta như thế. Thực ra  đàn ông ở đây cũng có đôi mắt rất đẹp. Nhưng có lẽ vì không bịt mặt nên người ta thường có ấn tượng hơn với bộ râu quai nón rất “đàn ông” của họ.

Dubai có đến vài trăm ngôi nhà cao tầng giữa mênh mông cát và một phần  sát bờ biển. Tuy nhiên ta không thấy thành phố nặng nề thô kệch hay chật chội là nhờ hầu hết những tòa nhà đều có màu xanh biển, xanh lá cây của những tấm kính  hoặc màu cát (vàng nâu nhạt  hay trắng  xám), điểm những đường viền trang trí  màu trắng (màu của thánh đường Hồi giáo) làm cho tất cả các công trình trở nên nhẹ nhõm và duyên dáng. Hơn nữa không có tòa nhà nào kiến trúc  giống nhau, từ những khách sạn hay công sở cao vài chục đến vài trăm tầng hình thức rất hiện đại; đến những khu chung cư cho dân nghèo hay villa của người giàu có chỉ  một trệt một lầu kiến trúc truyền thống  với tháp cao đón gió và những đường trang trí kiểu mái vòm…

Cả Dubai như một công trường xây dựng khổng lồ, nơi nào cũng có những công trình đang xây, đang hoàn thiện. Giữa những toà nhà là cát, khu đất sắp xây dựng cũng là cát, rồi cát đổ ra lấn biển làm đảo nhân tạo… Vậy mà thành phố chỉ có nắng nóng chứ không bụi bặm. Và đây đó vẫn có những mảng xanh dù nho nhỏ nhưng cũng làm dịu đôi mắt trong chốc lát.

Trên những con đường  trong thành phố thậm chí cả trên xa lộ từ Dubai đến Abu Dhabi người ta trồng cọ hoặc chà là như cây xanh đô thị.  Người ta trồng chúng trong khuôn viên nhà, khách sạn… như là cây kiểng sân vườn, dù hai loại cây sống được ở xứ cát này lá của chúng không xanh  mà gần như màu của cát. Những thảm cỏ nho nhỏ, những bụi cây thấp là màu xanh hiếm hoi còn lại của thành phố, tuy ít ỏi nhưng nó làm nên sự sống của cát. Thật ra sự sống của màu xanh nằm ở phía dưới, trên nền cát dưới lớp đất mỏng là những đường ống nước nhỏ như ngón tay, tưới nhỏ giọt làm cho đất luôn ẩm đủ cho cây cỏ sống giữa nắng sa mạc. Nhìn màu xanh ở đây mới thấy quý từng giọt nước.

Dubai có cả một con sông đào nhân tạo chảy giữa thành phố, nước xanh trong nhưng lờ lợ mặn. Hai bên nhà xây sát bờ sông. Cũng có tàu du lịch đưa khách đi từng đoạn ngắm hai bên bờ, rồi ghé vào khu chợ Gia Vị không chỉ có gia vị mà còn bánh kẹo, chà là, đồ lưu niệm… Kế đó là Chợ Vàng nổi tiếng với bốn dãy phố quanh một Trung tâm cao bảy tầng lầu rực rỡ chói lòa những đồ trang sức bằng vàng y và đá quý cho những người khách như tôi thỏa sức… ngắm nhìn.

Khách sạn độc đáo hình Cánh Buồm được xây trên một hòn đảo nhân tạo cách xa bờ biển, nhưng rồi cát lại lấn biển để mọc thêm nhiều công trình khác nên bây giờ trông khách sạn như ngay trên bãi biển. Nói đến công trình lấn biển thì phải kể đến quần đảo Cây Cọ nổi tiếng.  Đi trên con đường chính hay những đường nhánh không ai nghĩ đây là quần đảo nhân tạo càng không nghĩ diện tích nhỏ, bởi chen giữa những công trình to lớn “hoành tráng” là sự thoáng đãng của màu xanh cây cỏ trên nền xanh của biển. Tại đây nhiều công trình cũng đang tiếp tục xây dựng nhưng cả quần đảo được quy hoạch rất đẹp.

Nhiều người đã nhập cư đến đây lao động trên những công trường xây dựng hay trong các khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại nhiều như sao trên trời. Các công ty lớn của thế giới đặt tại đây cũng thu hút nhiều nhân tài. Bên cạnh những bóng áo choàng đen trắng cũng còn rất nhiều trang phục phổ biến khác, chưa kể khách du lịch lúc nào cũng nườm nượp. Người ta đến đây không chỉ để vui chơi, hưởng thụ những dịch vụ cao cấp nhất, mà còn để tận mắt chứng kiến con người có thể làm sa mạc thay đổi thế nào.

Sức sống của cát ở đây là do con người mang lại, không chỉ từ sức lực mà quan trọng hơn là từ trí tuệ hoạch định tầm nhìn và từng bước thực hiện, tuy chỉ mới khoảng hai chục năm. Dường như giữa sa mạc mênh mông không đầu không cuối con người buộc phải “nhìn thấy” những ốc đảo từ rất xa, người ta phải biết tính toán đường đi và sức lực của mình để có thể đến nơi có nước ngọt và bóng mát trước khi bị lạc đường rồi chết khô trên sa mạc.

Cuộc sống giữa sa mạc của Dubai và Abu Dhabi cũng bắt đầu như thế.

Sài Gòn 3/9/2015

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

LINH TINH LANG TANG (128)


Chúng ta thường tiết kiệm một thái độ ân cần
Một câu cám ơn một lời xin lỗi
Quên cách tỏ bày yêu thương với người thương yêu nhất
Bởi nghĩ rằng đâu cần khách sáo làm chi?
Tự cho mình sâu sắc kín đáo không “sến sẩm yêu đương”
Ta giống lão Grăng-đê có tiền nhưng tiêu xài chẳng dám
Cất kỹ những đồng xu vào hầu bao rồi không sao moi ra được
Ky bo cảm xúc của chính mình
Ta không biết đã nghèo đi biết mấy.
....

Vụn vặt đời thường (92)



@ Đây là một việc liên quan đến một bạn trẻ đồng nghiệp (là người mình hướng dẫn luận văn cử nhân và luận văn thạc sĩ). Sau khi được phản ánh thì TC Dân tộc học đã xử lý ngay, đồng thời PGS.TS Bính, em Hoa (SV mới tốt nghiệp) cũng viết thư xin lỗi đến tác giả Võ Thị Ánh Tuyết . Nhưng thạc sĩ Nguyễn Văn Bằng (khoa Sử, ĐH Sư phạm HN) - người gửi bài này đến TC Nghiên cứu Đông Nam Á (số 2/2015) thì cho đến giờ, cả anh Bằng và TC ĐNA vẫn im lặng!
Trao đổi với Tổng biên tậpTC Dân tộc học PGS.TS Tinh Vuong Xuan và PGS.TS Nguyễn Duy Bính, mình đã nói: công khai minh bạch những việc "đạo văn" không chỉ nhằm làm trong sạch môi trường học thuật, mà quan trọng hơn, để cho những người nghiên cứu trẻ tin vào sự tử tế những người đi trước"


@ Đành rằng mỗi tổ chức, nhà nước hay tư nhân, đều có những nguyên tắc mà ai vi phạm sẽ không tồn tại trong tổ chức ấy. Nhưng có những "nguyên tắc" (thậm chí không công khai) mà nếu ta ủng hộ hay hả hê vì nó được thực thi thì đó là thái độ phản dân chủ - điều mà chúng ta đang cố gắng xây dựng!

Nhân trường hợp hai nhà báo Đỗ Hùng (trong nước) và Lê diễn Đức (ngoài nước). bèn nhận thấy "VN sang Mỹ (thỉ) vẫn là... Việt Nam"  - nhại lời một bài hát ngày xưa "Nghệ an - Xô viết vẫn là Nghệ An"

 Một phần thân thể
Chồng: em à, anh vừa về nơi mà trước kia anh đã để lại một phần thân thể…
Vợ: Này, trông anh lành lặn thế này… Giời ơi, anh để lại phần thân thể kiểu gì hà???
Chồng: em biết ngay thôi, hôm nay anh mang nó về đây…

@ "Bảo tồn di sản sông nước" của TPHCM! (9/2015)
"Kẹt xe ngập đường do trời mưa do triều cường do trời mưa kết hợp với triều cường chứ không phải do con người. Đằng nào cũng lội cũng bơi, vậy… ở ghe là đúng nhất rồi còn gì. Mỗi khi “phố bỗng là dòng sông uốn quanh” thì mình đã có sẵn ghe bơi tung tăng cho bà con nhìn thấy tức chơi, ở trên ghe mình còn nhóm bếp cà ràng nướng cá khô sặc trộn gỏi xoài dưa leo, ngồi nhâm nhi nhìn bà con dắt xe chết máy lội bì bõm… thiệt là một “thú vui tao nhã”…
(trích tản văn Buổi trưa trong quán cà phê hay là Mơ ghe, 2012)
Ảnh: FB Lê Thanh Phong Biểu tượng cảm xúc smile

truyện 100 chữ (tiếp)

 Món quà của Chúa

Một lần cô ngập ngừng thổ lộ “Anh biết không, em vô cùng may mắn vì có tình yêu của Anh - món quà quý giá nhất mà em được Chúa ban tặng”.
Sau giây phút cảm động vì sự chân tình của cô, anh bỗng thấy như bị một gánh nặng đặt lên vai!  
“Món quà của Chúa” giống một truyện cực ngắn không tìm ra cái kết.


Lời ru buồn

Chồng mất sớm, chị có một con nhỏ. Vài năm sau chị tái hôn. Rồi chị sinh “con chung”. Đứa con của chị hậm hực vì mình không còn là “duy nhất” của mẹ, nó lạnh nhạt thậm chí luôn tỏ thái độ ghét đứa em cùng mẹ khác cha.
Buồn lòng, chị thường cất tiếng ru:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.


SỢ CHUỘT

Ông sợ chuột. Ngày trẻ, mỗi khi có chuột lọt vào nhà ông bà lại cãi nhau vì không ai chịu đuổi chuột ra, thường thì bà thắng vì bà mau nước mắt. Đêm qua, chuột lại vào nhà, sục sạo cả đêm bà không ngủ được. Sáng dậy, thấy ông vẫn bình thản, bà hỏi mấy lần “Đêm qua có chuột, ông ngủ được không ?” mà ông cứ ậm ờ. Bà quay đi, giấu ngấn nước trên mắt. Ông lão ngày càng điếc đặc.


Viết cho Tháng chín



 Sinh nhật 70 năm, thế là lên lão. Buồn hay vui thì cũng tùy người!
Mình luôn nhớ lời người ta thường nói
Tuổi càng cao không phải là kinh nghiệm nhiều hơn
Mà có khi là sai lầm dài hơn!

Khai giảng năm học mới, học sinh và phụ huynh vui hơn vì buổi lễ…vui hơn J. Không vì quan chức lắm lời mà vì con trẻ được thảnh thơi.

Một người đàn anh đột ngột ra đi. Mình chưa được hân hạnh quen biết, nhưng quý mến anh vì tư cách nhà báo của anh.
Một bạn FB vì đùa vui mà mất chức trong một tờ báo, nhưng cái nghề rất giỏi của bạn thì chẳng ai có thể lấy mất.

Hình em bé ngủ ngoan ngàn đời trên bãi biển. Bình yên nơi thiên đàng, con nhé!
Những chuyến đi tị nạn của hàng trăm ngàn cha mẹ của những em bé khác…

Những cái chết đột ngột vì đủ mọi nguyên nhân
Thảm sát tự tử tai nạn… đều không ai biết trước

Thế giới với hàng triệu tin tức mỗi ngày
Sao tin buồn nhiều hơn tin vui?
Sao bất an nhiều hơn sao mất mát nhiều hơn?

Em bé nằm ngủ say trên bãi biển
và từ em là hàng triệu người tìm được cơ hội sống
ở những xứ sở là thiên đàng với họ.

Những cái chết của hàng trăm trẻ em vì tai nạn thậm chí vì đói ăn, vì bị bạo hành
Chưa bao giờ là cánh cửa vào thiên đàng cho hàng triệu trẻ em khác
Ở Việt Nam.



 (không phải Thơ! :) )

Linh tinh lang tang (126) - ĐỤNG XE


Hôm bữa ngồi cà phê với vợ chồng Chat Chit, tình cờ chứng kiến một việc vừa tức vừa buồn cười.
Trên đường Trần Quốc Thảo, hàng xe hơi dừng chờ đèn đỏ phía đường Điện Biên Phủ. Một bà dẫn xe đạp từ trên lề xuống chen vào giữa hàng xe hơi bất ngờ định băng ngang đường. Một anh đi chiếc xe máy chạy qua không nhìn thấy nên va vào bánh trước của xe đạp khiến cả chiếc xe và bà kia ngã xuống đường, chiếc xe máy cũng đổ văng cả thùng hàng phía sau. Nói chung là cả hai đều té nhưng nhẹ nhàng. Mọi người dựng xe lên đi vào lề. Tưởng xong việc.

Nhưng không, bà kia xông đến la lối:
- Thằng kia mày đi ngược chiều mày làm tao ngã mà không nói gì à?!
Thực ra anh kia không đi ngược chiều mà đi ra phía ngoài hàng xe hơi vì giữa đường có vạch đứt, nghĩa là có thể lấn tuyến trong trường hợp này. Anh kia trả lời
- Thì tui dựng xe lên cho bà rồi, tui cũng bị đổ hết đồ nè, bà đi qua đường thì phải nhìn ngó chứ.
Anh này nói đúng, bà kia đi bộ không đúng chỗ vạch ngang cho người qua đường.
- Mày phải nói gì chứ, tao kêu công an bây giờ.
- Bà kêu công an đi, ai sai cho biết.

Bà kia hai tay hất thùng đổ xuống, rồi túm áo anh kia, rồi lục túi tìm điện thoại, rồi la lối chửi bới um sùm. Anh kia cũng điên lên, “nè tui ăn nói đàng hoàng đó nha”, rồi cũng la lối “bà muốn gì, bà kêu công an đi, bà không kêu tui kêu đó”.
Bà kia gọi điện thoại nhưng không kêu công an mà là kêu ai đó “đến đây xử thằng này cho tao” – chắc là gọi người nhà. Anh kia đâu vừa, buộc xong thùng hàng liền nổ máy xe chạy đi dù vẫn bị bà kia giữ xe. Cuối cùng anh kia chạy mất. Bà nọ đứng trơ một hồi dẫn xe đạp bỏ đi. Hết chuyện!

Dễ sợ thiệt! Dân mình quả thật bạo lực dễ sợ, bạo lực ngôn từ, bạo lực hành vi, đâu phải chỉ người trẻ mà cả người lớn tuổi, đâu chỉ đờn ông mà đờn bà cũng vậy. Mà vẫn là tâm lý muôn thủa: người đi xe đạp có quyền bắt đền người đi xe máy, hay người đi xe nhỏ luôn ăn vạ người đi xe lớn. Đó là cái “ưu thế” mà nhiều người luôn sử dụng!

Chuyện xảy ra chừng 20 phút, nhiều người qua lại nhìn ngó. Chứng kiến chuyện này còn có ông giữ xe cho quán cà phê ngay trên lề đường. Ổng đứng đó, không can ngăn, bà kia nói ổng cũng gật đầu mà anh nọ nói ổng cũng gật đầu. Tui và Tiểu Anh nói: vái trời bà kia kêu công an tới tụi mình sẽ ra làm chứng mọi chuyện. Nhưng những lúc như vậy ít khi nào thấy công an xuất hiện.

4/9/2015

CHỈ TẠI BỘ GIÁO DỤC (Phạm Thị Hoài)

Thích bài này của Phạm Thị Hoài quá Biểu tượng cảm xúc smile
Cái sự "thối nát" của giáo dục nước ta - như một em học sinh 14 tuổi lớn tiếng tuyên bố và được bao nhiêu người nhớn tung hô, phải chăng chỉ do thể chế Biểu tượng cảm xúc grin

 CHỈ TẠI BỘ GIÁO DỤC

Giáo dục Việt Nam thối nát, điều đó tôi đã biết từ kiếp trước. Cá nhân tôi, có cha mẹ đều là giáo viên - đã nghỉ hưu, một chị ruột - còn đang đứng lớp, và khá nhiều người trong họ hàng tham gia vào hệ thống đó, thấy nó cùng lắm chỉ thối ngang với tất cả các ngành khác chứ không thể đòi xếp đầu bảng. Song OK, tôi đồng ý là nó thối và gửi một nụ hôn cho cái mũi khắt khe của mình. Đồng ý là Bộ trưởng Bộ Giáo dục phải từ chức và Facebook có thể tiến cử ngay lập tức ba mươi triệu nhà chiến lược giáo dục xứng đáng ngồi ở vị trí ấy hơn. Nói chung nhiệm vụ chính của tất cả các bộ trưởng ở Việt Nam là từ chức, trừ Bộ trưởng Bộ Chính trị. Đồng ý là ngành giáo dục Việt Nam phải chịu tránh nhiệm về tai nạn giao thông và sự băng hoại đạo đức, về suy thoái kinh tế và nguy cơ mất chủ quyền lãnh thổ, về nạn ăn cắp, hôi bia, chửi bậy, chặt chém, nhậu nhẹt, phong bì chạy chọt, về các nữ ca sĩ hở hang, các nhà sư hổ mang và các ông quan đánh bạc, về mại dâm và hút xách, về những vụ cướp, hiếp và giết người hàng loạt ở Nghệ An, Bình Phước, Yên Bái mới toanh... Nghĩ kỹ thì Bộ Giáo dục cũng không vô can khi nông dân khóc trên đống dưa ếcổ động viên khóc vì đội tuyển Việt Nam lại thua đau. Vùng phủ sóng kinh hãi của Bộ Giáo dục là vô tận, tôi biết thế, song thực tình tôi may mắn đứng ngoài, cho đến tuần vừa rồi.
Tuần vừa rồi, một người bạn của tôi ở Việt Nam lỡ một cái hẹn. Không cháy nhà chết người, nhưng đơn giản đã hẹn thì phải giữ, nên tôi điện về hỏi. Bạn bảo, xin lỗi, bận đi canh điểm cho con. Nó còn nhảy lung tung lắm.
Thằng bé nhà mình nhảy đi đâu? Tôi hỏi.
Giời ạ, điểm nó nhảy. Chới với luôn. Không canh ngày canh đêm thì chết.
Sau một hồi ngôn ngữ bất đồng, cuối cùng tôi cũng hiểu ra rằng đoàn tầu giáo dục năm nay sắp rời ga; toa hạng nhất đang chen nhau bẹp ruột. Vé bán như chơi chứng khoán, phải cập nhật từng phút. Ai cũng muốn mua cổ phiếu khủng giá hời. Ai cũng sợ mua oan cổ phiếu bèo giá đắt. Ai cũng đòi nhà ga cấp cho mình điều kiện tốt nhất. Ai cũng phàn nàn. Trong trận đánh lớn do Bộ Giáo dục tổng chỉ huy này, các thí sinh đang thí sinh mạng và ngã như ngả rạ. Con số tổn thất thực ra phải nhân lên nhiều lần, vì mỗi học trò gục xuống đều nướng theo các bậc phụ huynh. Đọc Lều chõng của Ngô Tất Tố, tôi không thấy học trò nào phải đem theo cha mẹ. Họ đều tự tìm hiểu trường quy, tự vác tráp, dựng lều, kê chõng trên những cánh đồng trống hoác, tự lo việc ăn uống, nộp quyển, rồi tự về nhà trọ ăn dầm ở dề chờ ngày xem bảng. Thời tôi đi thi đã có bố đèo xe đạp đến trường và mẹ giúi cho nắm mì luộc, song chỉ đến cổng trường là hết, ai lo việc người nấy. Sĩ tử nước Việt dường như mỗi thế hệ một trẻ mỏ hơn.
Tôi hỏi, thế thằng bé không tự canh điểm được à.
Việc hệ trọng của cả đời thế này, mình phải có trách nhiệm chứ, nó lo thế nào được, bạn bảo.
Tôi cũng có một đứa con. Thực ra tôi không định có. Lấy chồng là giao hẹn luôn, không con cái gì đâu, em không có thời gian. Đó là lý do tuyệt đối để từ chối toàn diện, rất nhiều người không có cả thời gian để tồn tại, còn tôi cho rằng mình thậm chí không có chút thời gian nào để không có thời gian. Tương đối hơn, tôi vừa sợ cảnh những đứa trẻ hạ cố ăn thêm một thìa cho bà mẹ cầm bát chạy theo van lơn khắp xóm, vừa sợ cảnh những đứa trẻ ruồi bu không buồn đuổi trong sự vô tình của các đấng sinh thành. Tôi sợ mình là một người mẹ tồi. Một chỗ dựa quá yếu ớt. Hay một cái bóng quá sấn sổ đổ vào đời con. Trong nhật ký năm 1910, Franz Kafka ngẫm ra rằng mình đã bị bức hại bởi công cuộc giáo dục do một loạt người tham gia, cụ thể là cha mẹ, một số người trong họ hàng, vài ba vị khách của gia đình, nhiều nhà văn, một bà nấu bếp, một đống giáo viên, một thanh tra giáo dục. Đứng đầu danh sách ấy là cha mẹ, đứng cuối mới đến giáo viên và nhà trường. Tôi có rất nhiều lý do để cảnh giác với bậc phụ huynh nơi mình. Giấc mơ cha đè nát cuộc đời con, chúng ta quẳng tất cả những gì cặn lại từ đống hoài bão dang dở của mình vào tâm hồn con cái, đề bạt mình lên giám đốc quản trị chốn ấy và biến nó thành cái thùng rác lúc nào không hay.
leotuong cheat
Vì tương lai con em: Cha mẹ trèo tường tuồn bài giải cho con trong một kỳ thi tốt nghiệp THPT tại bang Bihar, Ấn Độ (ẢNH: AP)
Tôi bảo, ờ ờ trách nhiệm, nhưng đừng thở hết không khí của bọn trẻ nhé, và lập tức lĩnh hội một bài giảng sùi bọt mép cho những kẻ không biết gì về thực tế Việt Nam. Nó nhiêu khê rắc rối. Nó tù mù. Nó thối nát. Nó tâm thần hạng nặng. Chứ văn minh lành mạnh như bên ấy thì nói làm gì.
Ờ ờ Đức văn minh, tôi bảo, nhưng muốn vào đúng ngành đúng trường mong ước thì cũng không dễ, ngay cả với học trò giỏi. Tốt nghiệp 1.1 là xuất sắc nhưng ngành y trường lớn lấy điểm tuyệt đối 1.0. Hoặc xếp hàng ba năm may ra đến lượt, có khi ba năm sau vào phút cuối trường cho bịt mắt bốc thăm. Hoặc đi tìm trường khác. Học trò nào cũng gửi hồ sơ đi trung bình 5-6 chỗ, cẩn thận hơn thì 10-15. Bị từ chối không phải là cái gì khác thường, trượt hết cũng có. Ngay bây giờ toàn nước Đức đã thiếu hàng trăm ngàn chỗ trong 425 trường đại học và cao đẳng so với nhu cầu, năm 2020 con số ấy có thể lên tới một triệu. Sinh viên Đức ngoài ra phải cạnh tranh với sinh viên quốc tế, ít nhất 10% sinh viên đang theo học tại đây là người nước ngoài. Hệ thống xét tuyển đúng là không thối nát, không tâm thần hạng nặng, không tù mù, nhưng rối mù thì vẫn. Trừ y và dược được "tập trung chỉ đạo" cho toàn liên bang, 16.000 ngành, chuyên ngành và khóa học còn lại do các trường tự chủ xét tuyển. Chỉ đọc hết tên, phân biệt ngành nào với ngành nào, đã mất đứt mấy năm trong một đời người, chưa nói đến giấy tờ, thủ tục, thời hạn, chi phí và sự chồng chéo nơi này thừa, nơi kia thiếu. Một hệ thống điều phối bằng công nghệ thông tin cho đến nay không thực sự được khởi động, vì phần lớn các trường còn chần chừ chưa muốn tham gia. Giáo dục và đào tạo là việc của các tiểu bang, chính quyền liên bang không có thẩm quyền can thiệp. Đó mới là rừng rậm nhiệt đới bạn ạ, phải tự mình lặn lội hết, không túm áo ông bộ trưởng nào đòi chỉ đường được đâu. Tự do, tự chủ, tự lập, tự quyết định rất vất vả và gánh nặng của lựa chọn cũng oằn vai lắm.
Tôi tưởng cái ờ ờ bây giờ sẽ đổi phía. Nhưng bạn quát, dân trí bên ấy khác! Bên này mọi rợ, chúng nó lại mang con bỏ chợ. Chúng nó hành. Chúng nó coi con người như chuột thí nghiệm.
Tôi e hèm, ừa, nhưng trong đợt thí nghiệm này chúng nó có vẻ công nhiều hơn tội. Tội nặng nhất của chúng nó là không tính đến sở thích của dân mình. Dân mình ưa chen lấn giẫm đạp. Dân mình ưa cuống quýt rút ra rút vào trong ba ngày hơn bỏ ra ba tháng bình tĩnh cân nhắc. Dân mình ưa không tin ai hết, không tin nhau, không tin chính quyền, không tin chính mình. Dân mình ưa vai nạn nhân.
Phía bên kia im lặng đột ngột. Kéo dài. Rồi mát mẻ lạnh nhạt. Vâng, thì đã bảo chúng tôi bên này mọi rợ. Nhưng ai làm cho dân mình thành như thế? Bà đứng về phía ai? Tưởng Phạm Thị Hoài thế nào. Té ra là. Thôi, hiểu rồi.
Đến hôm nay tôi vẫn không biết con trai người bạn ấy đã lên toa nào trong đoàn tàu chạy vào tương lai Việt Nam ấy. Như báo chí cho biết, toa hạng nhất dành cho công an nhân dân: 93.000 trong số trên nửa triệu thí sinh, tức cứ sáu người Việt sắp bước vào đời thì một muốn thành công an, trong khi tổng chỉ tiêu là 6.450, tức 1 chọi gần 15, khiến điểm chuẩn các trường này cao nhất trong hệ thống đại học của cả nước. Mấy lần tôi định điện về hỏi, nhưng cuối cùng đều bỏ. Một quan hệ hình như đã tan vỡ. Tôi đã trải qua nhiều tình bạn gãy đổ, song chưa lần nào như lần này, chỉ tại Bộ Giáo dục.
Phạm Thị Hoài
27/8/2015


Vụn vặt đời thường (91)

Cách đây 70 năm, khi đồng ý cho bác Ba và ba mình theo Việt Minh, ông nội đã khấn trước bàn thờ Phật “Hôm nay con đưa 2 con đi theo Cụ Hồ đánh Tây giành độc lập, không để cho thằng Tây ngồi lên đầu lên cổ dân mình. Cầu trời Phật ông bà phù hộ cho con cháu bình an!” Giản dị vậy thôi!

Nhà ông nội mình nghèo nhưng các chú bác và ba mình đều học giỏi, được học bổng của chính quyền Pháp để thành bác sĩ, thầy giáo, công chức… Có học nên hiểu về Tự do, Bình đảng, Bác ái. Vì vậy Độc Lập Dân tộc là ước nguyện của những người trí thức Nam bộ tham gia khởi nghĩa tháng 8 tại Sài Gòn, Nam bộ.

“Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”  là mục tiêu của nhà nước ra đời vào ngày 2/9/1945. 70 năm đã qua, khi chưa có hạnh phúc và tự do thực sự thì Độc lập chưa có giá trị trọn vẹn, nhất là với những thế hệ đã hy sinh xương máu và tài sản của cải cho nền độc lập ấy!
Bởi vì,  “hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp”!


160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...