“TRẢ LẠI EM YÊU…”

Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu

Ai từng ở Sài Gòn, từng yêu sài Gòn mà không biết đến câu hát “Trả lại em yêu khung trời đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát…”, mà không nhớ những kiot bán hoa tươi, bưu thiếp, đồ lưu niệm trên đường Nguyễn Huệ, mà không nghe nói về con đường sách cũ Đặng Thị Nhu… Những hình ảnh đó của Sài Gòn chỉ là nét sinh hoạt văn hóa đô thị rất đỗi bình thường nhưng lại có sức sống bền lâu trong tâm tưởng nhiều thế hệ cư dân thành phố.

Thời gian trôi qua, đường Duy Tân (nay là đường Phạm Ngọc Thạch) tuy vẫn còn ngôi trường đại học ở đó (Đại học Kinh tế), hàng cây cao vút còn đó, nhưng không gian êm đềm của những chiều nhạt nắng với tà áo dài vấn vít trên hè phố thì từ lâu đã không còn nữa. Nhiều ngôi biệt thự xinh xắn khiêm tốn lùi sau vỉa hè rộng rãi và bờ tường phủ giàn bông giấy đã biến mất.  Nhà cao tầng ngạo mạn mọc lên như đua chen với hàng cây, những quán hàng nhỏ cơi nới từ khuôn viên các biệt thự chen lấn ra vỉa hè từ … Con đường trở nên nhỏ bé như một con hẻm và ngày càng chật chội.

Đường Nguyễn Huệ từ lâu không còn là con đường cho người Sài Gòn và người từ nơi khác đến đây dạo chơi bất cứ lúc nào trong ngày dù hai bên đường có thêm dải phân cách trồng cây xanh, trông chỉn chu đấy nhưng không để lại ấn tượng gì bởi xe cộ chạy qua không ngừng, bởi đâu còn những kiot đầy sắc màu các loài hoa tươi tắn làm dịu cả cái nắng của ngày oi bức. Những tháng gần đây, khi nó trở thành “phố đi bộ” thì chỉ vào chiều tối, khi ánh nắng và không khí nóng bức dịu đi,  người ta mới đến đây đi lại nhìn ngó những ngôi nhà cao to đồ sộ hai bên đường, đến khu tượng đài, selfie vài tấm hình, rồi… hết. Cả quảng trường – mà đúng là quảng trường – rộng rãi sạch sẽ và trống trơn… không tạo được cảm giác thân thiện của một không gian văn hóa bởi sự thiếu vắng những hoạt động của cộng đồng. Có lẽ không gian này chỉ thích hợp để tổ chức đường hoa đường sách vào khoảng thời gian Tết, cũng như trước khi nó được xây dựng lại “hoành tráng” như vậy.

Nói đến đường sách lại nhớ ý tưởng của nhiều người về một “đường sách” cho Sài Gòn, bắt đầu từ sự liên tưởng đến những khu sách cũ đã tồn tại hàng trăm năm ở nhiều thành phố trên  thế giới. Người ta có thể tìm thấy ở đấy những vật phẩm văn hóa xưa cũ nhưng có giá trị như sách, tranh ảnh bưu thiếp, tiền xưa, đồ lưu niệm… Dạo chơi ngắm nghía phố sách cũ ta như được đi ngược thời gian trở về quá khứ của thành phố. Vài năm trước tôi qua Paris cũng đến những kiot bên bờ sông Seine. Một Paris cổ xưa hiện lên cụ thể và đa dạng trên từng quầy sách mà người bán là tourguide nhiệt tình và hết lòng yêu nghề, họ say mê tất cả những gì họ bán, một cuốn sách bán đi, một tấm bưu thiếp có người mua, một bức tranh có ngừơi chủ mới… người bán dường như phải chia tay với người bạn thân thiết, họ gửi gắm cho người mua cả tình yêu của mình đối với Paris, với nước Pháp. Rất đông du khách đến đây để khi chia tay người ta sẽ nhớ mãi Paris từ nơi bình dị này.

Bây giờ Sài Gòn có còn nơi nào như thế?
Quá trình “hiện đại hóa” khu vực trung tâm Sài Gòn đã làm mất nhiều không gian là nơi lưu giữ “hồn đô thị” – một đặc trưng văn hóa tinh tế có được từ đời sống hàng trăm năm của cộng đồng. Ký ức cộng đồng không phải là một tâm lý “nệ cổ” dù hoài cổ, nó gắn liền với một không gian nhất định, nơi ấy quen thuộc đối với mỗi “cái tôi”, sự quen thuộc do được lặp đi lặp lại mà có khi chỉ cần một kỷ niệm. Mỗi không gian văn hóa có ý nghĩa với một cộng đồng nhất định, nhờ đó cộng đồng mới có ý thức giữ gìn và nếu có biến đổi thì cũng không làm thay đổi hoàn toàn.

Bây giờ Sài Gòn có còn ai yêu Sài Gòn?
Còn nhiều lắm! Người già, trung niên, và rất nhiều người trẻ còn đó một tình yêu Sài Gòn nồng nàn mà sâu đậm. Những quán cà phê, quán ăn trang trí theo phong cách Sài Gòn xưa chính là nơi cố gắng lưu giữ chút “hồn đô thị”. Người ta tìm đến không gian Sài Gòn xưa để muốn bù đắp cảm giác thiếu hụt chống chếnh vì “sự đoạn tuyệt của tư duy với các sự vật quen thuộc, khi mà ta cảm thấy lạc lõng trong môi trường xa lạ…”, khi ấy con người không cảm thấy sự ấm áp thân thiện và bình yên của nơi chốn mình đang sống. Trò chuyện về điều đó với bạn bè, trong sự tiếc nuối những cảnh quan quen thuộc của Sài Gòn nay đã không còn nữa, bỗng bật ra ý nghĩ: Trong vô vàn công trình xây mới sao không có công trình nào “trả lại” cho Sài Gòn một không gian văn hóa cộng đồng gần gũi quen thuộc như đường Duy Tân, Nguyễn Huệ, Đặng Thị Nhu?

Anh bạn là giảng viên trường Đại học Kiến trúc thành phố - ngôi trường nằm giữa hai con đường vào loại đẹp nhất của Sài Gòn (đường Pasteur và Nguyễn Đình Chiểu), nói: Tôi sẽ đưa ý tưởng này cho sinh viên thi thiết kế “đường sách”, bởi vì con đường Nguyễn Văn Bình dự kiến là nơi sẽ tổ chức đường sách hội đủ các yếu tố: Nằm ở khu trung tâm có lịch sử lâu đời, trong phạm vi những công trình kiến trúc tiêu biểu của Sài Gòn, con đường nhỏ nhắn bình yên với hàng cây xanh rợp mát là hình ảnh quen thuộc của Sài Gòn. Chỉ cần có thêm dãy kiot xinh xắn khiêm nhường chứa đựng trong đó biết bao câu chuyện về Sài Gòn từ những gì được trưng bày mua bán…  Một không gian văn hóa Sài Gòn cổ xưa mà hiện đại sẽ hiện lên giữa thành phố đang thay đổi không ngừng. “Đường sách” này sẽ trở thành “ký ức đô thị” của những thế hệ  cư dân Sài Gòn trong thời đại toàn cầu.

Ừ nhỉ, tại sao không?


Sài Gòn, 25/9/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...