Nguyễn
Thị Hậu
Trong những tác phẩm
văn học Nga làm tôi say mê từ khi còn nhỏ xíu hầu như ít có những trang miêu tả
nhà thờ. Ấn tượng của tôi về nhà thờ Nga là cảnh chàng sinh viên Nekhliudop gặp
cô hầu Cachiusa ngây thơ xinh xắn trong nhà thờ vào ngày Lễ Phục sinh. Nụ hôn
“Chúa sống lại rồi” mở đầu cho chuyện tình của họ. Thời gian trôi qua, chàng NêKhliuđốp đã bỏ rơi Cachiusa tội nghiệp, đẩy
cô vào kiếp sống long đong, vất vả và tù tội. Một lần, vô tình gặp lại người
yêu cũ, trước tình cảnh của Cachiusa, chàng đã dằn vặt, đấu tranh tư tưởng và
quyết định sẽ thay đổi cách sống. Chàng quan tâm giúp đỡ đến mọi người, hết
lòng bù đắp cho Cachiusa. Và cuối cùng, tình yêu của họ đã được phục sinh.
Nhà
thờ là nơi mở ra hy vọng, cũng là nơi đền đáp những mất mát, tôi đã cảm nhận Phục
Sinh của Lep Tonxtoi như thế.
Nhưng
với tôi ấn tượng về nhà thờ Nga mạnh mẽ hơn là từ những bức tranh của những
danh họa Nga, phần nhiều là nhà thờ ở thôn quê với tháp chuông và mái vòm tròn
nổi bật trên nền trời xanh đắm đuối mùa thu hay trên nền tuyết trắng mênh mông
của mùa đông nước Nga. Mái vòm nhà thờ như dấu ấn cuối cùng của quê hương khi
người ta từ giã để ra đi, cũng như cái đích để người ta tìm về sau những hành
trình gian nan mỏi mệt. Cũng giống làng quê Việt, đi xa về chỉ cần nhìn thấy
mái đình, cây đa hay cổng làng rêu phong thì lòng người đã lắng lại, bình yên.
Mười
ngày ở nước Nga tôi đã đi qua và thăm thú biết bao ngôi nhà thờ, từ những nhà
thờ nổi tiếng về lịch sử và vĩ đại về kiến trúc và trang trí ở hai thành phố lớn
Saint Peterburg và Moskva đến những ngôi nhà thờ nhỏ nhắn bình dị bằng gỗ ở
làng quê, nơi đâu tôi cũng nhìn thấy người dân Nga đến thăm viếng và làm lễ với
thái độ thành kính, từ già đến trẻ, nam và nữ. Những chiếc khăn san choàng lên
mái tóc các cô gái, những người đàn bà Nga như dấu hiệu của sự “phục sinh” niềm
tin vào Chúa – niềm tin tưởng như đã không còn tồn tại qua hơn 70 năm chế độ Xô
viết chủ trương vô thần.
Từ góc độ nghề nghiệp đi đến đâu tôi
cũng nhìn thấy những nhà thờ, tu viện đang trùng tu, sửa chữa và cả xây mới.
Nhiều nhà thờ có niên đại khoảng thế kỷ 11,12 đã được xây dựng lại theo hình
thức cũ, không quá to lớn nhưng tinh tế và duyên dáng với hai màu xanh trắng.
Một số nhà thờ từng là những trung tâm của Chính thống giáo Nga ở các thành phố
lớn cũng được phục dựng lại theo nguyên bản, trong đó công trình vĩ đại nhất có
thể kể đến là Nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Đấng Cứu Độ (tiếng Nga: Хра́м Христа́ Спаси́теля).
Đây là nhà thờ được coi là trung tâm của Giáo Hội
Chính Thống Nga, quy mô cao nhất và lớn nhất trên thế giới, tọa lạc ở thủ đô Moskva bên bờ sông Moskva. Nhà thờ ban đầu được xây dựng vào năm 1883, bị phá hủy năm
1931 dưới thời Stalin và xây dựng lại một cách trung thực
theo bản mẫu cũ trong giai đoạn 1994 - 2000. Những ngày ở đây nhiều lần đi qua
nhà thờ này, nhưng chỉ khi được cô em thân thiết đưa đến tận nơi tôi mới cảm
nhận hết sự giá trị của nó. Không chỉ vì nhà thờ được xây dựng lại theo đúng
thiết kế ban đầu vào thế kỷ 19, không chỉ vì sự vĩ đại càng được tôn lên bởi
màu trắng của hàng trăm khối đá cẩm thạch lấp lánh trong ánh đèn đêm hay sáng
rực trong ánh mặt trời, mà vì, như tôi đọc từ những bản thuyết minh trong nhà
thờ, nó được phục dựng chỉ trong sáu năm sau khi vào năm 1990 Giáo hội Chính thống Nga nhận được sự cho
phép để xây dựng lại Nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Đấng Cứu Độ. Một quỹ xây dựng được thành lập trong năm 1992 , việc xây dựng nhà
thờ bắt đầu vào năm 1994 và hoàn tất năm 2000. Chỉ có sáu năm và từ nguồn quỹ của xã hội! Và ở khắp
nước Nga không chỉ có một ngôi nhà thờ, một tu viện được phục hồi bằng phương
thức này.
Những ngôi nhà thờ cổ xưa hoặc nhà thờ
trung tâm đều là những điểm du lịch thu hút rất đông khách tham quan, tìm hiểu.
Nhiều nhà thờ trong quá trình trùng tu đã tìm thấy di tích khảo cổ và tiến hành
bảo tồn ngay tại chỗ, trở thành một bộ phận di sản và làm tăng giá trị văn hóa
– lịch sử của nhà thờ. Có thể nhận thấy nhà thờ ở nước Nga không chỉ là trung
tâm tôn giáo, nó còn tiêu biểu cho kiến trúc và kỹ thuật xây dựng nhà thờ Chính
thống giáo, là những bảo tàng nghệ thuật tranh tượng, là dấu ấn lịch sử lâu dài
cùng những biến động có ảnh hưởng không nhỏ đến thế giới hiện đại. Vậy nên chỉ
sau vài năm bắt đầu thể chế mới, chính quyền Nga đã cho phục hồi Chính thống
giáo và xây dựng lại nhiều nhà thờ bị phá hủy trước đó. Có thể đây là một hành
xử chính trị khôn ngoan nhằm tạo dựng lại cho dân chúng một niềm tin, nhưng
trên hết người ta đã hành xử đúng với một bộ phận quan trọng, độc đáo và vĩ đại
của của nền văn hóa Nga.
Niềm tin được khởi đầu và duy trì từ những
giá trị văn hóa bao giờ cũng bền chặt hơn từ những thần tượng chính trị nhất
thời.
Sài Gòn 25/9/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét