“KHAI TỬ” MÔN LỊCH SỬ TỨC LÀ SINH RA NHỮNG THẾ HỆ KHÔNG CÓ QUÁ KHỨ!



Những năm gần đây thực trạng bi đát của việc dạy và học môn lịch sử đã được dư luận đem ra mổ xẻ nhiều lần. Nhiều hội thảo khoa học, nhiều ý kiến trên báo chí của những người tâm huyết với lịch sử dân tộc đã dóng lên tiếng chuông báo động về các yếu tố quan trọng tác động đến việc dạy và học môn lịch sử. Đó là chương trình, sách giáo khoa, nhận thức của phụ huynh nói riêng và xã hội nói chung về môn lịch sử đối với việc giáo dục thế hệ trẻ.
Đầu tiên cần nhìn nhận một cách khách quan một thực tế, đó là hiện nay học sinh có nhiều phương tiện cung cấp tri thức, sự hiểu biết nhiều kiến thức của nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề. Nếu vài chục năm trước những ngành đào tạo ở đại học có thể đếm trên đầu ngón tay thì nay đã có hàng trăm ngành nghề khác nhau ở các trường đại học cả trong và ngoài nước. Do đó học sinh có nhiều lựa chọn hơn theo sở thích, khả năng hoặc điều kiện của gia đình. Cũng như nhiều môn học “truyền thống” khác, môn lịch sử cũng phải chia sẻ “đối tượng” yêu thích lịch sử cho nhiều môn học mới. Ngoài ra những phương tiện giải trí hiện đại và nhiều hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế, nhiều phim ảnh, tác phẩm văn học nghệ thuật về lịch sử, cổ sử rất hấp dẫn… cũng là một yếu tố làm cho học sinh giảm hứng thú với những giờ học khô khan về thời quá khứ.
Đối với gia đình và xã hội, quan niệm về dạy và học môn lịch sử cũng chưa đúng. Hiện nay hầu như học sinh thường được định hướng đến những ngành nghề nhanh chóng kiếm được nhiều tiền, mau thành đạt, nổi tiếng như các nhóm ngành nghề kinh tế, ngoại ngữ, vi tính, du lịch, ca nhạc, người mẫu thời trang… Việc hướng nghiệp vào các ngành này cũng do nhu cầu trước mắt của xã hội, nhưng hầu như ít người nhận thức được rằng, để làm tốt bất cứ ngành nghề nào, nhất là những ngành nghề “hiện đại” thì kiến thức xã hội nhân văn cực kỳ quan trọng, trong đó có môn lịch sử. Phần nhiều các gia đình hiện nay không muốn cho con em theo học ngành lịch sử ở đại học, cho nên ở phổ thông nếu các em học kém môn này  thì gia đình cũng không coi trọng như các môn khác.
Cần nhận thức rằng, trong thời đại nào thì những môn học XHNV đều nhằm dạy LÀM NGƯỜI và xây dựng NHÂN CÁCH, thông qua tri thức của từng cộng đồng, quốc gia, dân tộc được tích lũy qua nhiều thế hệ. Đặt trong truyền thống văn hóa nói chung thì việc dạy và học sử không chỉ là về những sự kiện hay nhận vật mà đầu tiên là về SỰ THẬT. Đã là lịch sử thì không thể che dấu và dối trá. Chỉ có sự thật mới làm cho con người  hiểu biết về quy luật của cuộc sống nói chung và từng thời đại nói riêng. Môn lịch sử không chỉ cung cấp cho học sinh kiến thức mà quan trọng là mang lại cho các em phương pháp đúng đắn để nhận thức quy luật phát triển của quá khứ và hiện tại. Lịch sử thực sự là “bài học kinh nghiệm” cho thế hệ sau khi thế hệ trước không “vẽ đường hươu chạy” mà chỉ ra con đường mình đã đi qua có cạm bẫy gì, từng vấp ngã thế nào, bị lạc ở đâu… để thế hệ sau cảnh giác và không lặp lại sai lầm của người đi trước. Khi đó thế hệ sau sẽ nhận thức được quy luật phát triển và tìm ra con đường phát triển phù hợp với thời đại.
Tuy nhiên từ nhiều năm nay môn sử với chương trình nặng về lịch sử chiến tranh, nội dung toàn những con số sự kiện khô khan và lồng vào đó sự miêu tả đánh giá bằng ngôn từ nặng về cảm xúc chứ chưa khách quan, khoa học. Cách nhìn lịch sử một chiều, tài liệu không cập nhật trong khi có quá nhiều nguồn tài liệu được công bố bằng sách in trong và ngoài nước, trên mạng internet, cung cấp những thông tin khác nhau thậm chí trái ngược, phủ nhận nhau… càng làm cho việc giảng dạy môn sử trong trường phổ thông khó khăn, vì thầy cô phải dạy theo sách giáo khoa - được coi là pháp lệnh. Nếu học sinh ham hiểu biết tìm tòi có thể đặt ra những câu hỏi mà thầy cô không dễ trả lời.
Cũng do không nhận thức đúng về chức năng của môn sử nên từ nhiều năm nay nó bị coi là môn phụ - có năm thi tốt nghiệp năm không thi. Vì vậy tâm lý khi dạy và học môn này cũng không ổn định, chương trình giờ dạy có khi cũng bị cắt để tăng cường cho môn khác. Điều này còn do nguyên nhân là bệnh thành tích trong thi cử. Vòng luẩn quẩn này cứ tái diễn làm sao thầy cô dạy môn sử còn đủ nhiệt tình và lòng yêu nghề để giảng dạy? Chưa kể có những người người theo học ngành sư phạm Sử, hay làm giảng viên ngành sử ở đại học không phải từ sở thích, ham mê mà vì những lý do khác nên họ cũng không nghiên cứu tìm hiểu bồi dưỡng kiến thức mới, không thay đổi phương pháp giảng dạy cho thích hợp với nhu cầu mới của học sinh.
Trong Bản dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (GDPT) của Bộ GD&ĐT có cách tích hợp và phân loại sẽ biến lịch sử thành môn tự chọn - mà trong giai đoạn hiện nay có thể biết trước sẽ có rất ít người chọn - khiến môn cơ bản này có khả năng biến mất trong chương trình học. Tất nhiên không thê tồn tại mãi cách dạy và học sử như hiện nay. Nhưng việc từng bước “khai tử” môn lịch sử trong trường phổ thông cũng đồng nghĩa với việc khai tử truyền thống lịch sử và văn hóa Việt Nam, bắt đầu từ việc sinh ra những thế hệ không có quá khứ!
Lịch sử không thể là những sự thật nửa vời hoặc những điều dối trá, nhưng gạt bỏ lịch sử ra khỏi sự hiểu biết của con người thì đó chính là sự dối trá lớn nhất.

TS. Nguyễn thị Hậu, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử VN.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...