(TBKTSG) - Ở đâu không có đói nghèo? Không ở đâu cả, chắc bạn đồng ý với tôi như vậy, dù là ở châu lục nào, khu vực nào trên thế giới.
Ở nhiều thành phố châu Á, châu Âu hay Mỹ, không khó để nhìn thấy những người ăn xin, người bán hàng rong cũng mắt trước mắt sau canh chừng, cũng bỏ chạy khi cảnh sát xuất hiện. Những làng mạc nơi châu lục ấy cũng không hiếm cảnh đói nghèo từ những ngôi nhà lụp xụp, những em bé thất học những người đàn bà sớm tàn tạ vì lao lực.
Nhưng cũng ở nơi ấy những người ăn xin, đàn hát kiếm tiền ở ga metro, bán hàng rong ở địa điểm du lịch, những người vất vả trên đồng ruộng hay đầu tắt mặt tối nơi đô thị thì phần lớn là thanh niên chân dài vai rộng, là đàn ông trụ cột gia đình. Còn ở nơi khác, như nước mình, bạn thử quan sát xem, phần đông người ăn xin, bán hàng rong vé số, làm nhiều công việc cực nhọc... lại là đàn bà, trẻ em, người già, người khuyết tật. Đàn bà, con trẻ, người già bệnh tật ăn xin hay bán hàng rong, vé số có lẽ khêu gợi được lòng trắc ẩn nhiều hơn chăng?
Nhiều công trình điều tra ở các nước chậm và đang phát triển đều cho một kết quả: Phụ nữ thường phải gánh chịu ảnh hưởng của nghèo đói nhiều hơn nam giới và chính họ là những người nghèo nhất trong số những người nghèo.
Nhóm người nghèo ở Việt Nam đa số là phụ nữ người dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, miền núi; hay nông dân ở những vùng ít đất canh tác, hay gặp thiên tai. Ở nông thôn hàng triệu phụ nữ nghèo ít có điều kiện tiếp cận với các tiện nghi, phúc lợi xã hội, chủ yếu là lao động nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, làm nghề thủ công... Ở thành thị, phụ nữ nghèo là những người sống trong các ngôi nhà “ổ chuột”, trong những dãy nhà trọ nhỏ hẹp cho người nhập cư hay ở khu vực ngoại thành, chủ yếu là làm nghề bán hàng rong, thu mua đồng nát, nhặt rác, bán hàng nhỏ lẻ ở các chợ tạm, “chợ chạy”, hay đi làm thuê làm mướn...
Lao động nữ chiếm tỷ trọng cao hơn nam trong dòng người di cư nhưng lại chịu vị thế bất lợi. Quan sát chỗ ở và điều kiện sinh hoạt của các khu lao động tập trung ở thành phố ta thấy rõ nhiều vấn đề bức xúc đối với sức khỏe và phẩm giá của những phụ nữ nông dân vừa rời làng quê ra thành phố lao động kiếm sống. Phụ nữ nghèo ở nông thôn nhiều hơn ở thành thị do ở nông thôn ít việc làm để kiếm tiền hơn, chủ yếu là làm nông nghiệp nên một số đông phụ nữ đã phải bỏ ra thành phố thuê nhà trọ ở để đi làm thuê, bán hàng rong kiếm sống. Cuộc sống của họ rất vất vả, vì thế mà cho đến bây giờ phụ nữ nông thôn vẫn luôn bị gắn với hình ảnh nghèo đói, cực khổ.
Mặt khác, phần lớn phụ nữ và em gái sống ở nông thôn thường ít được học hành đến nơi đến chốn so với nam giới cho nên họ không biết là mình có thể làm được việc gì khác ngoài nông nghiệp. Trong chương trình giáo dục cũng như sách giáo khoa ở nhiều nước vẫn còn những quan niệm thành kiến với phụ nữ, không đề cập đến những gì mà phụ nữ có quyền được làm, được hưởng mà hay đặt ra cho phụ nữ nghĩa vụ phải phục vụ gia đình, chồng con. Thậm chí người ta còn cho rằng hy sinh là đức tính phải có của phụ nữ, cho nên không ít phụ nữ, cả ở thành thị, cũng quan niệm như vậy.
Từ nghèo đói người phụ nữ rất dễ bị rơi vào tình trạng cùng cực không chỉ về vật chất mà cả tinh thần khi phải bỏ qua lòng tự trọng, thậm chí cả nhân cách để bán thân, lệ thuộc vào kẻ “chăn dắt” để có “đất” mà ăn xin, chịu đựng sự coi thường khinh miệt của nhiều người. Chưa kể nhiều cô gái lấy chồng xa, số phận như hạt mưa sa vào vũng lầy không lối thoát.
Nhưng nhiều nơi còn không ít những người đàn ông mặc kệ số phận gia đình cho người phụ nữ lo toan. Họ coi việc phụ nữ phải làm tất cả để nuôi sống gia đình là đương nhiên, trong khi họ không hề có sự cố gắng để thoát khỏi đói nghèo. Khi còn có những người đàn ông mang tâm thế “anh Dậu” ốm yếu bất lực, chỉ biết chấp nhận và ỷ lại vào sự hy sinh của vợ con, thì cũng đừng trách trời gần đất xa, xã hội bất công để những người phụ nữ quanh mình trở thành “chị Dậu” với “tiền đồ tối đen như mực”!
Học vấn, tri thức sẽ giúp người phụ nữ thoát nghèo, nhưng nếu đàn ông còn tăm tối thì đói nghèo vẫn mang gương mặt phụ nữ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét