SÀI GÒN – TP. HỒ CHÍ MINH VÙNG ĐẤT NGHĨA TÌNH

1.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế - văn hóa, nơi được nhiều người coi là “miền đất hứa” vì tạo ra nhiều cơ hội kiếm sống, những việc làm có thể nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nơi đây luôn thu hút hàng triệu người từ địa phương khác, trở thành nguồn lao động dồi dào và đóng góp lớn cho sự phát triển của thành phố. Thế nhưng trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành ở thành phố vừa qua, hàng triệu lao động nhập cư đã phải trở về quê hương trong tình trạng cùng kiệt vì hầu hết chưa được chích ngừa vac – xin và bị thiếu đói nhiều ngày. Cho đến nay khi người lao động từ các tỉnh chưa quay lại thì nguồn nhân lực của thành phố vẫn chưa được phục hồi.
Đại dịch là tình trạng bất thường nhưng để lại hậu quả lâu dài. Thành phố Hồ Chí Minh đang phải khắc phục những hậu quả ấy chủ yếu bằng nguồn lực của chính mình dù bị tổn thương nghiêm trọng. Sẽ bắt đầu như thế nào và từ đâu, để thành phố lại có sức hấp dẫn, thu hút nguồn nhân lực từ nhiều nơi đổ về như trước? Thành phố Hồ Chí Minh có còn là vùng đất mở và nghĩa tình, luôn dang tay “ôm đón” người dân tứ xứ về dựng nghiệp, mưu sinh?
Từ những bước chân khai khẩn của lưu dân hàng trăm năm trước đến nay, Nam bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng luôn là một vùng “đất lành chim đậu”. Vùng đồng bằng ấy, nơi đô thị ấy là “đất lành” không hẳn vì được “thiên nhiên ưu đãi”, bởi có nơi nào con người không phải chống chọi và thích ứng với thiên nhiên để tồn tại và phát triển? Kinh nghiệm biến đất dữ thành đất lành của người Nam Bộ là thích nghi, hòa hợp, chấp nhận khác biệt của hoàn cảnh mới, “tứ hải giai huynh đệ” chân thành giúp đỡ bao bọc những người đến sau như đàn chim giúp nhau cùng xây tổ mới.
2.
Cho đến nay, sự hội tụ nhân lực từ mọi miền, mọi nguồn gốc, nhiều thế hệ cư dân Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh đã duy trì và gắn kết các mối liên hệ xã hội, trong đó có quan hệ làm ăn. Sự gắn bó chia sẻ này là động lực tinh thần giúp người nhập cư sớm “an cư lạc nghiệp”, góp phần phát triển vùng “đất lành”. Sức sống của Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh luôn tươi mới và tràn đầy năng lượng là nhờ vậy.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho biết mức độ đóng góp ngày càng quan trọng của lao động nhập cư cho sự phát triển của các đô thị. Bên cạnh nhân lực “chất xám” thì lao động giản đơn hay các ngành dịch vụ là một phần không thể thiếu của đời sống đô thị. Từ nhiều năm nay chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã có sự quan tâm đến hệ thống an sinh xã hội cho người dân thành phố, tuy nhiên chưa thể “phủ sóng” rộng khắp và đáp ứng nhu cầu của phần lớn người lao động. Đặc biệt về nhà ở, chăm sóc y tế, điều kiện giáo dục cho người lao động nhập cư và con em của họ là những vấn đề thành phố luôn phải đối mặt, mỗi năm một khó khăn hơn, đồng thời với các vấn đề cấp bách của hạ tầng đô thị.
Đại dịch covid – 19 vừa qua đã cảnh báo thực chất hệ thống an sinh ở các thành phố trong tình trạng mong manh và cực kỳ dễ bị tổn thương. Người lao động đến thành phố mang tâm thức “kiếm sống”, chưa “an cư” thì không thể “lạc nghiệp”. Khi tình trạng khẩn cấp xảy ra thì lập tức họ bị cắt đứt việc làm, nguồn thu nhập, những nhu cầu thiết yếu thiếu hụt... Trong điều kiện bất thường và rất phức tạp của một đô thị lớn, các chính sách, giải pháp an sinh cho tầng lớp này đã không đạt hiệu quả như dự kiến vì chưa phù hợp với thực tiễn! Hiện tượng hàng triệu người rời bỏ thành phố Hồ Chí Minh mà chưa biết khi nào trở lại không chỉ phản ánh tình trạng bất an của người nhập cư mà đó còn là dấu hiệu bất ổn của thành phố.
Để TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là vùng ”đất lành chim đậu” không thể chỉ trông chờ vào sự quay lại của hàng triệu người lao động. Chính sách thời “hậu covid” của chính quyền cần ưu tiên các giải pháp cụ thể về hệ thống an sinh xã hội cho người lao động nói chung và người nhập cư nói riêng, nhằm hai mục tiêu, trước mắt khắc phục những bất cập về nhà ở, y tế đã xảy ra trong thời gian dịch bệnh. Tiếp đó là những điều kiện thuận lợi hơn về nhà ở, y tế, giáo dục và những vấn đề đời sống xã hội khác. Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, “ký túc xá” tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, quy chuẩn hóa những khu vực “nhà trọ” của tư nhân... phục vụ điều kiện sinh hoạt cơ bản cho người lao động. Quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở, trường học, hạ tầng điện nước, internet phục vụ sinh hoạt vật chất, tinh thần của người lao động và gia đình... Đó là những quyết sách mà thành phố Hồ Chí Minh cần thực hiện ngay để có thể thu hút nhân lực, thúc đẩy phục hồi kinh tế. Đặc biệt cần quan tâm điều kiện học hành của con em người lao động và người nhập cư, vì đây là nguồn nhân lực tương lai của thành phố. “Còn người còn của” ông bà mình đã đúc kết như vậy!
3.
Đại dịch covid – 19 còn phá vỡ “cái phao” cuối cùng của tầng lớp “người yếu thế” ở đô thị: các tổ chức thiện nguyện (trong và ngoài TP. Hồ Chí Minh) dù rất cố gắng nhưng cũng không đủ sức hỗ trợ cho nhu cầu ăn, ở tối thiểu của người nghèo và cận nghèo, người thất nghiệp trong tình trạng căng thẳng đến vài tháng. Chứng kiến thực trạng này nhiều người đã lo lắng đặt ra câu hỏi, sau đại dịch liệu người Sài Gòn còn có thể thực hiện những hoạt động thiện nguyện như trước nữa hay không? Riêng tôi, tôi tin rằng phẩm chất “thương người như thể thương thân” luôn được thể hiện một cách cụ thể và thiết thực của người Sài Gòn không bao giờ mất đi! Vì đó là bản chất của thành phố này, được hình thành từ lòng nhân ái của những con người tứ xứ đến đây qua hàng trăm năm trước cho đến hôm nay.
Để thích ứng với tình trạng “bình thường mới” của thế giới “hậu đại dịch” thì cả chính quyền và cộng đồng đều cần có sự thay đổi tư duy và hành xử. Thực hiện đúng vai trò chức năng của chính quyền cũng như các tổ chức xã hội trong việc đảm bảo an sinh cho toàn xã hội cũng như cho tầng lớp người yếu thế. Người dân nói chung và người lao động nhập cư nói riêng cần thấy mình trong chính sách của nhà nước, của thành phố một cách cụ thể và khả thi, thấy nhu cầu bức thiết của mình được chính quyền thấu hiểu và đáp ứng! Chính quyền luôn tạo “cần câu” cho người dân ổn định đời sống, các tổ chức dân sự hỗ trợ “con cá” trong tình huống bất ổn và khẩn cấp. Sự phối hợp chặt chẽ nhưng không thay thế vị trí vai trò của nhau thể hiện trách nhiệm chính yếu của chính quyền cũng như phát huy truyền thống tốt đẹp của cộng đồng.
Có thể nói quá trình đô thị hóa và làn sóng nhập cư là hai mặt gắn bó chặt chẽ, một thuộc tính của đô thị. Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế để thu hút người nhập cư. Sự cởi mở, tạo điều kiện và chia sẻ cơ hội cho mọi người với tấm lòng nhân ái là một truyền thống đã được thử thách trong cơn đại dịch codid – 19 khắc nghiệt vừa qua.
#baotet2022 báo NGƯỜI LAO ĐỘNG XUÂN NHÂM DẦN






MỘT DÒNG XANH TUYỆT VỜI CỦA HUẾ


Mỗi khi đến Huế tôi thường được đi thuyền trên sông Hương. Từ thành phố với cảnh quan đôi bờ là đường phố, nhà cửa... rồi phố xá thưa dần, vườn xanh đồi cây hiện ra. Gần đến Phá Tam Giang là một vùng trời mây sông nước mênh mang... Lần nào sông Hương cũng mang lại cho tôi cảm giác bồi hồi như được trở về xa xưa, thủa các chúa Nguyễn đi tìm nơi xây dinh rồi lập phủ. Tôi cũng như nhiều người khác, quen thuộc với sông Hương và cung điện lăng tẩm nhưng lại không biết rằng, còn có một số dòng sông khác cùng với Hương Giang góp phần tạo nên hình hài kinh thành Huế.

May thay, vào một ngày thu nắng vàng rực rỡ, người bạn Huế đã đưa tôi đi thuyền trên một dòng sông nổi tiếng khác: Ngự Hà. Lần đầu tiên đi thuyền dọc theo những xóm làng xưa của kinh thành cùng với những câu chuyện hấp dẫn của bạn, tôi nhận ra nhiều điều thú vị của sông nước vùng đất cố đô.
Bắt đầu từ một bến thuyền bên bờ sông Hương, con thuyến đưa tôi đi vào dòng Ngự Hà. Chảy vòng từ Tây sang Đông của Kinh thành Huế, dòng Ngự Hà (dân gian còn gọi là sông Vua) có vai trò quan trọng. Bạn kể rằng, “khi xây đắp Kinh Thành, sông Kim Long bị lấp đoạn phía trên, còn đoạn ở hạ lưu được cải tạo thành Ngự Hà và một đoạn khác của sông này được biến cải thành hồ Tịnh Tâm và hồ Học Hải ở trong Kinh Thành. Hạ lưu sông Bạch Yến được chỉnh dòng, trở thành sông hộ thành ở phía Bắc của Kinh Thành. Vua Gia Long cho đào thêm sông Đông Ba và sông Kẻ Vạn, làm hai con sông hộ thành ở hai mặt đông và tây của tòa thành. Hai sông này kết hợp với sông Hương ở phía Nam và sông Bạch Yến ở phía Bắc, tạo thành một “tứ giác nước” bao quanh Kinh Thành. Ngự Hà là dòng sông nhân tạo chảy giữa lòng kinh thành theo hình thước thợ, nối thông với “tứ giác nước” thông qua hai thủy khẩu là Tây thành thủy quan và Đông thành thủy quan, hợp thành hệ thống thủy đạo hoàn hảo, thông suốt từ ngoài vào trong, phục vụ đi lại và chuyên chở hàng hóa ra vào Kinh thành”.
Ngày nay sông Ngự Hà còn dài gần 4 km, chia Kinh thành Huế ra thành hai phần Nam và Bắc. Dòng sông chảy giữa màu xanh êm đềm, hai bờ sông kè đá chắc chắn, gần đây sông thường được nạo vét chỉnh trang nên nước trở lại trong xanh... Nếu đi trên sông Hương ta quen với những cồn Hến, cồn Dã Viên, Điện Hòn Chén, cầu Tràng Tiền, Kỳ đài, Ngọ Môn và những công trình kiến trúc tây phương khác... Thì theo dòng Ngự Hà ta sẽ được chiêm ngưỡng nhiều cầu xưa cống cổ, biết thêm những xóm làng lâu đời của kinh đô vàng son một thủa, khung cảnh làng quê thanh bình hiện ra như những bức tranh thủy mạc...
Dân gian vẫn truyền rằng, vào những chiều hè mát mẻ hay những ngày xuân đẹp trời, các vua Nguyễn thường dạo chơi trên thuyền rồng trên sông Ngự Hà, chắc hẳn không chỉ vì sự tiện lợi nhờ dòng sông trong “nội thành” mà còn vì phong cảnh hữu tình hai bên bờ sông. Mấy trăm năm đã qua mà cảnh quan nơi đây vẫn đủ sức quyến rũ du khách: thuyền đi qua đoạn nhà phố bảng hiệu quảng cáo chữ xanh đỏ nhưng cạnh đó là bến sông với những bậc thềm dài xây bằng gạch, sát bờ sông một cây cổ thụ cành lá sum sê ngả bóng rợp mặt nước... rồi những hàng phượng hàng me nối nhau trên bờ kè trông không khác một phố cổ nào đó ở miền Tây Nam bộ. Những ngôi nhà mái ngói rêu phong có hàng cau cao vút, lại có ngôi nhà lầu tím rực hàng bông giấy ngoài sân... Nhiều đoạn hai bên bờ sông là vườn tược và rặng tre la đà, trên vài cành tre còn vương mấy chiếc túi xốp, mảnh hộp bằng bìa, có lẽ là “bằng chứng” của một lần nước sông dâng cao. Thấp thoáng trên mặt sông in bóng khi thì ngọn tháp khi lại là cổng tam quan một ngôi chùa hiện lên giữa vườn cây tươi tốt. Không hiếm những đoạn sông hoàn toàn vắng lặng, dường như nước cũng ngừng chảy cho những bông lục bình dừng chân... Bỗng hiện ra cái vó bè buông chùng trên mặt nước, vài chiếc thuyền nho nhỏ neo lại, trên bờ một người đi câu ngồi dưới cái dù cắm sát mép, nước nét mặt trầm ngâm, dường như ông không quan tâm tới chiếc phao đang dập dềnh trên mặt nước... Rồi đến đoạn sông sát bên tường thành xây bằng gạch bên trên còn tháp canh nho nhỏ, hay một đoạn mặt nước lặng như hồ vươn lên những bông súng hồng tím duyên dáng...
Tôi chưa bao giờ hình dung Huế lại có cảnh sông nước giống miền Tây quê tôi như vậy, chỉ còn thiếu mấy chiếc cầu khỉ nữa thôi... Nhưng đấy lại là một khám phá thú vị của tôi. Theo dòng Ngự Hà cứ vài trăm met lại gặp một chiếc cầu ngang sông, phần lớn được xây dựng trong thời Nguyễn. Những chiếc cầu này hình thức cổ điển, hai bên xây lan can bằng gạch vữa, phía dưới có cửa cống đủ để cho thuyền bè qua lại. Mỗt chiếc cầu – cống đều có một dấu tích, một câu chuyện đặc biệt, nhưng tất cả đều khá rộng, nay đã được trải nhựa bằng phẳng, xe cộ qua lại đêm ngày mà vẫn vững vàng. Phía dưới vòm cống còn nguyên vật liệu xây dựng lúc đầu bằng đá hay gạch, nhìn từ xa những chiếc cầu dáng cong cong như chiếc lược gài trên dòng tóc xanh Ngự Hà.
Khi thuyền đi qua cây cầu cuối cùng trên sông Ngự Hà là Cầu Thủy quan, còn gọi là cống Tây Thành Thủy Quan, ngắm bờ kè gồm những viên đá xếp chồng lên nhau, rễ cây xuyên qua len lỏi bám chắc, chui vào đoạn cống dài âm u rêu xanh, hơi nước phả lên mát lạnh, nhìn ra đoạn “sông cụt” dày bèo và rau muống, mới có cảm nhận thực sự về một thời đã vĩnh viễn đi qua... Từ một phần của tự nhiên lại được bàn tay con người đào đắp, sông Ngự Hà và hệ thống cầu cống đã trở thành một thành tố gắn kết chặt chẽ với quần thể di sản kiến trúc đặc sắc của kiến trúc Kinh thành Huế, góp phần tạo nên vẻ đẹp tự nhiên cho tổng thể cảnh quan Cố đô.
Nhưng đáng quý hơn cả là cảnh quan thiên nhiên của dòng sông và những làng xóm cổ xưa, nay đã là phường nội thành nhưng chưa bị lấn át bởi beton kính thép của hiện tượng “đô thị hóa”. Từ lâu rồi tôi có đọc ở đâu đó một câu mà bây giờ mới “nghiêm sinh”: Huế đẹp vì Huế xanh! Không chỉ xanh ở những ngôi nhà vườn – một di sản về kiến trúc và lối sống Huế, mà Huế còn có những dòng xanh nguyên vẹn nét đẹp tinh tế dù đã gần trăm năm mất vị thế kinh thành, dù trải qua bao dâu bể chiến tranh. Đó là sự hòa trộn, gắn bó kỳ lạ giữa một Huế cung đình kiêu sa và một Huế của làng quê bình dị. Ngự Hà là một dòng xanh tuyệt vời như thế.

Nguyễn Thị Hậu
Báo Thừa Thiên - Huế Xuận Nhâm Dần



“BIA CON CỌP” và NHỮNG BIỂU TƯỢNG CỦA SÀI GÒN XƯA

 Sài Gòn xưa có những “biểu tượng” phổ biến trong dân chúng và bền chặt qua thời gian, như biểu tượng Chợ Bến Thành, Bia Con Cọp, xà bông Cô Ba... phản ánh đặc trưng kinh tế và sinh hoạt của thành phố. Riêng về bia, Sài Gòn chuộng bia chai uống với đá lạnh, sau này phổ biến “ướp lạnh” chai và lon trong thùng nước đá. Từ năm 1975 trở về trước, khắp Sài Gòn và miền Nam có hàng chục ngàn đại lý, cửa hàng bán bia, nước ngọt kèm nước đá cây. Tại đó bất cứ lúc nào cũng có thể mua mấy chai bia được ướp lạnh uống ngay cho đã khát, hoặc kêu mang đến nhà cả két bia kèm bịch đá miễn phí. Những chai “la de” (Larue) logo hình Con Cọp hay số 33 màu vàng quen thuộc với mọi người, phổ biến từ bữa ăn gia đình đến quán ăn bình dân và các nhà hàng.

Thời ấy người Sài Gòn đều biết đến “bộ ba” thức uống phổ biến được sản xuất tại thành phố: rượu Bình Tây, nước ngọt/xá xị Chương Dương và bia Con Cọp/bia 33. Nhà máy rượu Bình Tây và nhà máy nước ngọt có ga Chương Dương nằm phía quận 4, còn hãng bia Con Cọp thì nằm ở quận 5 trong Chợ Lớn, trên một con đường có hai hàng cây sao cao vút ghi dấu tuổi đời cổ xưa. Tài liệu lịch sử cho biết, Công ty bia và nước đá Đông Dương (Brasseries et Glacèries de l’Indochine) được ông Victorin Larue thành lập từ cuối thế kỷ 19 ở khoảng đầu đường Hai Bà Trưng (quận 1) ngày nay. Lúc đầu là xưởng làm nước đá đáp ứng nhu cầu của những người Pháp được uống nước mát lạnh trong thời tiết nắng nực quanh năm của một thành phố xứ nhiệt đới. Sau đó xưởng sản xuất thêm nước ngọt có ga, tạo ra một thói quen ẩm thực mới của thị dân Sài Gòn. Khoảng năm 1875 một phân xưởng nhỏ của hãng bia BGI được xây dựng thành nhà máy tại vị trí đắc địa ở khu vực Chợ Lớn. Trải qua hơn một trăm năm đến nay nhà máy vẫn ở vị trí cũ nhưng đã dần được mở rộng và hiện đại hóa quy trình sản xuất. Ngày nay nhà máy Bia Sài Gòn trên đường Nguyễn Chí Thanh là một dấu tích hiếm hoi của nền công nghiệp nước giải khát phát đạt của đô thành Sài Gòn trong thế kỷ 20.
Bây giờ đi qua khu vực này người ta vẫn nhận ra những cấu trúc đặc trưng của nhà máy Bia BGI qua bức tường, cánh cổng, những “lam” che nắng và đón gió ở các tầng lầu, khu vực sản xuất bia và nhiều máy móc vẫn còn ở vi trí cũ... Đặc biệt Logo Con Cọp nằm trong vòng tròn còn hiện diện ở nhiều nơi trong nhà máy như một dấu ấn lịch sử, một hoài niệm của người Sài Gòn với bia Con Cọp. Có dịp vào tham quan nhà máy, tôi chứng kiến sự tôn trọng và yêu quý lịch sử nhà máy của nhiều thế hệ người làm việc tại đây.
Trong khuôn viên rộng lớn và phảng phất nét cổ xưa hiện diện ở những bức phù điêu bằng gốm, khung cửa, tay vịn lan can bằng đồng… rất tinh xảo và mang nhiều nét gần gũi với trang trí của các công trình kiến trúc “Đông Dương”. Một phòng trưng bày hình ảnh và “cổ vật” của nhà máy được sưu tầm, lưu giữ mỗi khi nhà máy sửa chữa hay xây dựng thêm. Đó là các loại máy móc làm bia từ Pháp mang qua, các loại thùng kín đựng bia để vận chuyển, các loại két đựng bia chai từ bằng gỗ đến bằng nhựa, mẫu mã hàng chục loại bia chai, bia lon qua các thời kỳ... Đặc biệt còn có chiếc máy bơm từ giếng khoan đầu tiên được nhà máy đào từ cuối thế kỷ 19, bơm nước vào hệ thống một bể chứa và lọc rất lớn. Dân ghiền bia Con Cọp thường truyền tụng đây là “giếng nước thần kỳ”, vì nhờ chất lượng nước ở giếng này mà bia Con Cọp có vị riêng đặc biệt, hấp dẫn khó quên!
Không chỉ có vậy, phòng trưng bày còn có những viên gạch xây, gạch chịu lửa mang từ Pháp qua, nhiều viên có in chữ chìm B.G.I cho biết được sản xuất riêng để xây dựng nhà máy này. Bên cạnh đó là gạch trang trí, bông gió màu men xanh đồng, men vàng khá đặc trưng của gốm Biên Hòa hồi đầu thế kỷ 20, gạch bông lát nhà kiểu Pháp nhiều kích cỡ, nhiều hoa văn...
Ngay cạnh phòng Trưng bày là hệ thống “bể” lên men bia từ giai đoạn sản xuất đầu tiên nay được bảo tồn nguyên vẹn. Một lối đi rộng khoảng 1m bằng gỗ lát trên những khung sắt giữa hai dãy khoảng 20 chiếc bể – là những thùng bằng đồng hình trụ rất lớn dung tích đến mấy ngàn lít, đặt nằm ngang, một đầu có khóa xả và một cửa nhỏ hình tròn để người có thể vào làm vệ sinh bể. Có hai bể đã được biến thành hai phòng có đèn sáng, có thể trở thành nơi ngồi uống bia thoải mái.
Bên khu vực đang sản xuất còn những chiếc “nồi nấu bia” bằng đồng xưa, một chiếc nồi giữ nguyên kích thước để “bảo tồn” tại vị trí, còn lại những chiếc nồi khác đã được thay bằng chất liệu hiện đại và dung tích lớn hơn, đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng tăng của nhà máy. Nơi này cũng còn những chiếc cột có gắn gạch trang trí là gốm Biên Hòa, chi tiết hoa văn và màu men xanh đẹp vô cùng.
Đằng sau tường rào và cánh cửa còn in dấu thời gian, trên mảnh đất cũ những chứng tích của một thương hiệu nổi tiếng của Sài Gòn vẫn còn đó. Hiện nay dù có thêm nhà máy Bia Sài Gòn ở nhiều địa phương khác, nhưng sản phẩm Bia Sài Gòn được sản xuất tại nhà máy đầu tiên vẫn là một nhãn hiệu uy tín và thân thuộc nhất với người tiêu dùng, nhãn hiệu BGI không còn nhưng tên gọi “la de con cọp” luôn tồn tại trong ký ức người Sài Gòn.
***
Trong khối di sản văn hóa đô thị đồ sộ của Sài Gòn, người ta thường quan tâm đến những công trình kiến trúc – nghệ thuật “thời Tây”, đó là công sở như Dinh Xã tây, Tòa án, công trình công cộng như trường học, bảo tàng, công trình tôn giáo như các nhà thờ và tu viện... Nhưng bên cạnh đó còn nhiều công trình cũng được xây dựng từ thời Pháp, có chức năng quan trọng đối với đời sống đô thị và tạo thành một đặc điểm của nền kinh tế Sài Gòn. Đó là sự đa dạng phong phú sản phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa đồng thời là hàng hóa xuất khẩu. Từ ngành “công nghiệp nặng” như Công xưởng Ba Son và các cảng lớn trên sông Sài Gòn, hệ thống bến cảng – bến chợ ven sông Bến Nghé dài vào đến Chợ Lớn... đến ngành công nghiệp “dịch vụ” không thể thiếu của đô thị: nhà đèn Chợ Quán, nhà máy nước và hệ thống thủy đài khắp thành phố... và hệ thống nhà máy sản xuất và chế biến lương thực thực phẩm như nhà máy lúa gạo dọc bến Bình Đông, nhà máy rượu, bia nước ngọt... Ngoài ra còn nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội, Sài Gòn (quận 5), nhà máy xà bông Cô Ba...
Các công trình kiến trúc và cảnh quan công nghiệp ngày nay được gọi là Di sản công nghiệp đô thị. Trải qua hơn một thế kỷ tồn tại và phát triển – có thời Sài Gòn cực thịnh nhất Đông Nam Á, TP. Hồ Chí Minh hiện còn lại rất ít công trình loại này. Đặc biệt từ đầu thế kỷ 21 những di tích này biến mất nhanh chóng, bởi vị trí “đất vàng” của chúng trong quy hoạch đô thị hóa thành phố. Dọc sông Bến Nghé từ quận 1, quận 4 vào đến vào đến bến Bình Đông quận 6 quận 8 nay đã trở thành khu vực của cao ốc, trung tâm thương mại, chung cư... Tại quận 1 nhà máy đèn Chợ Quán đã biến mất không còn dấu vết, may sao địa danh này còn được lưu giữ ở nhà thờ Chợ Quán. Tại quận 5 nhà máy thuốc lá Sài Gòn trên đường Trần Nhân Tôn – Trần Phú với vị trí đắc địa cũng bị giải tỏa từ lâu... Chỉ có nhà máy bia BGI trên đường Nguyễn Chí Thanh còn tồn tại. Dù qua mấy lần thay đổi “chủ” nhưng việc bảo toàn nhà máy tại vị trí cũ, việc xây dựng một phòng trưng bày – truyền thống trong nhà máy, sự trân trọng quá khứ của những người có trách nhiệm ở đây thật đáng quý!
Hồi đầu thế kỷ 20 quá trình đô thị hóa đã làm cho nhiều làng nghề của Sài Gòn xưa di chuyển ra các tỉnh lân cận, như nhiều lò gốm của Xóm Lò Gốm di chuyển lên Lái Thiêu, các làng nghề khác cũng mất dần dấu tích. Ngày nay việc các nhà máy di dời khỏi nội thành hoặc ra khỏi thành phố để bảo vệ môi trường, đến khu vực khác phù hợp với quy mô sản xuất mới và hiện đại là một quy luật tất yếu. Tuy nhiên, nhiều thành phố trên thế giới đã có ứng xử khôn ngoan với loại hình di tích này.
Đối với những nhà máy, xưởng thủ công sản xuất hàng tiêu dùng mà nhãn hiệu đã trở thành thương hiệu của thành phố thì thường được giữ lại một phần và duy trì sản xuất, đưa chúng trở thành một di sản văn hóa và sản phẩm du lịch của thành phố. Phổ biến hơn là việc chính quyền thành phố lựa chọn bảo tồn một số công trình công nghiệp tiêu biểu, mang ý nghĩa là những dấu mốc của lịch sử thành phố. Thực hiện bảo tồn kiến trúc và cảnh quan đồng thời thay đổi công năng, trùng tu tôn tạo mang lại cho công trình sức sống mới, vừa tôn trọng lịch sử vừa mang lại lợi ích mới cho thành phố. Với lợi thế không gian rộng, thường ở khu vực trung tâm thành phố nên nơi này được biến thành không gian văn hóa – kinh tế cho cộng đồng, ưu tiên dành cho giới trẻ. Như vậy “Kinh tế di sản” không chỉ có trong lĩnh vực di tích lịch sử - văn hóa mà còn có thể ứng dụng tại các di sản công nghiệp.
Trường hợp nhà máy bia Sài Gòn – bia Con Cọp BGI - rất nên và cần được ứng xử như vậy! Và không chỉ một trường hợp này mà còn cả Chợ Bến Thành – một dấu ấn lịch sử, một biểu tượng quan trọng của sinh hoạt và con người Sài Gòn – cũng cần được lưu tâm “bảo tồn” ngay từ bây giờ! Bởi vì sắp tới đây hệ thống thương mại dịch vụ hiện đại nằm dưới tầng ngầm của ga metro trung tâm sẽ hoạt động, thu hút một lượng lớn khách du lịch cũng như người dân thành phố. Sức hoạt động và vai trò của Chợ Bến Thành chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Lẽ nào chúng ta để cho công trình và biểu tượng lịch sử một thời của Sài Gòn xưa mất dần trước mắt?

MIDNIGHT TALKS SỐ 23: DI SẢN ĐÔ THỊ SÀI GÒN - CÒN HAY MẤT?

 MIGNIGHT TALKS tối qua về DI SẢN SÀI GÒN CÒN HAY MẤT

@ Nội dung trao đổi dù rất sôi nổi thậm chí "gay cấn" nhưng chỉ mới được một phần những gì chúng tôi muốn đặt ra:
- Di sản đô thị SG có hay không?
- Nếu có, đó là những gì?
- Di sản đô thị Sài Gòn đang trong tinh trạng nào?
Do hết thời gian, thậm chí đã quá hơn 1 tiếng (kết thúc lúc 12g đêm), nên những vấn đề khác cũng rất cần thiết thì chưa trao đổi được nhiều. Như, Vì sao cần bảo tồn di sản đô thị? Làm thế nào để bảo tồn, gìn giữ di sản đô thị Sài Gòn?
Thiếu những nội dung này thì cũng chỉ dừng lại ở việc phản ánh thực trạng, kêu ca, và như nhiều vấn đề khác, lại chỉ nhìn thấy nguyên nhân chính quyền đã không làm được vai trò của mình trong vấn đề bảo tồn di sản.
Tất nhiên, nguyên nhân này không sai, nhưng nếu chỉ thấy vậy thì như mọi hiện tượng xã hội khác, việc thay đổi tốt hơn sẽ còn xa vời. Điều cần thiết là bắt đầu từ sự thay đổi của mỗi người về nhận thức và hành động! Sâu xa hơn là sự thay đổi về tâm thức văn hóa/nhìn nhận lại quá khứ một cách khách quan hơn về một vùng đất mà nó không MỚI như người ta vẫn tưởng!
@ Di sản văn hóa nói chung, di sản đô thị nói riêng, cần được coi là tài sản, nguồn vốn xã hội quan trọng và lâu dài, chứ không phải là một “gánh nặng” của việc bảo tồn, trùng tu hay là sự cản trở quá trình “hiện đại hóa”. Do vậy, di sản cần được bảo vệ, thậm chí phải nằm ngoài sự “tranh cãi” giữa “bảo tồn và phát triển”, để có thể chính danh tham gia vào những quy hoạch chiến lược phát triển của đô thị, của quốc gia.
Ứng xử với di sản văn hóa thể hiện trình độ văn minh của một xã hội.
Chủ thể của văn hóa đô thị không phải là con người nói chung, mà đó là con người làm gạch nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, tức là con người có ký ức về dĩ vãng, hiểu biết và quý trọng di sản. Di sản còn được coi là “ký ức tập thể” có vị trí quan trọng ở thành thị, nơi mà mối liên hệ và tính gắn kết của cộng đồng chưa sâu bền bằng ở nông thôn.
Di sản đô thị còn giúp cho các cộng đồng dân cư hiểu biết và hòa hợp với nhau, vì đô thị là nơi luôn thu hút người nhập cư, nhất là Sài Gòn/Nam bộ được hình thành và phát triển không thể thiếusự đóng góp của cộng đồng dân cư từ miền Trung, miền Bắc trong nhiều thời kỳ lịch sử…
Một vấn đề luôn được đề cập đến trong quy hoạch đô thị lâu nay, đó chính là bài toán giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị: lựa chọn lợi ích về kinh tế hay văn hoá lịch sử? lợi ích đường dài hay chỉ là trước mắt? lợi ích của cộng đồng hay lợi ích nhóm?
Vai trò của chính quyền Thành phố quyết định “số phận” của di sản đô thị. Cùng với đó là vai trò quan trọng của cộng đồng, bao gồm các nhà nghiên cứu, dân cư... Hiện nay hà đầu tư địa ốc có tác động trực tiếp và gián tiếp vào sự tồn tại di sản của thành phố.
Hy vọng việc bảo tồn di sản văn hóa đô thị sẽ có những thay đổi tích cực, bắt đầu từ nhận thức của mỗi người và sự tham góp tích cực của cộng đồng.
Có thể là hình ảnh về 3 người và văn bản

MIDNIGHT TALKS SỐ 23: DI SẢN ĐÔ THỊ SÀI GÒN - CÒN HAY MẤT?

⏰Thời gian: 21 - 23h, thứ 7 ngày 22/01/2022
Từ sau 1975, Việt Nam chấm dứt thời kỳ chiến tranh bước vào một thời đại mới, thời đại hòa bình, độc lập và thống nhất. So với nhiều nơi khác ở Việt Nam và trên thế giới, Sài Gòn có một điều cực kỳ may mắn là bước vào hòa bình với một đô thị mà cơ sở vật chất còn gần như nguyên vẹn, đặc biệt là các công trình có giá trị di sản ở khu vực trung tâm vẫn nguyên vẹn!
Điều này có ý nghĩa rất lớn với một thành phố trẻ như Sài Gòn, mới hình thành được khoảng 300 năm và xây dựng đô thị chỉ khoảng trăm năm. Những công trình còn sót lại ấy đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau của lịch sử thành phố và cùng nhau tạo thành một hệ thống di sản, những dấu ấn riêng của Sài Gòn.
Gần 50 năm qua, thành phố phát triển nhanh chóng theo xu hướng hiện đại hóa, diện mạo thành phố hay đổi nhanh chóng, đặc biệt là vùng ngoại thành. Ở khu trung tâm, hạ tầng giao thông và cảnh quan đường phố cũng thay đổi chóng mặt. Khu trung tâm (ngày trước là thành Gia Định), là vùng lõi phát triển lâu đời, là nơi từng con đường, góc phố đều chứa đựng các giá trị lịch sử, văn hóa và ký ức đô thị Sài Gòn
Có thể kể đến một số công trình kiến trúc tiêu biểu như: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật (nhà chú Hỏa), Nhà hát Thành phố, Chợ Bến Thành, Ủy ban nhân dân TP (Dinh Xã Tây, Tòa đô chánh), Thương xá Tax, Dinh Độc Lập, Khám Chí Hòa, Dinh Thượng thơ, Nhà thờ Huyện Sĩ, Nhà thờ Tân Định, Nhà thờ Thánh Jeanne d'Arc, Sở Giao dịch Chứng khoán, Khách sạn Majestic Saigon, Khách sạn Continental….
Nhiều công trình di sản đã bị hư hỏng, bị phá bỏ (như Thương xá Tax), bị lên kế hoạch phá bỏ (như Dinh Thượng thơ). Các công trình hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành những biểu tượng mới của Sài Gòn như Bitexco, Hầm Thủ Thiêm, Landmark 81…
Nhưng vẫn còn đó rất nhiều công trình với phong cách kiến trúc khác nhau, chức năng khác nhau, tuổi đời khác nhau, giá trị văn hóa - lịch sử khác nhau…và cùng nhau tạo nên cái hồn cho đô thị Sài Gòn hơn 300 năm tuổi.
👉 Diễn giả tham dự chương trình:
- Host: PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Chuyên gia kinh tế, người sáng lập, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS).
Diễn giả:
- TS. Nguyễn Thị Hậu, Nhà nghiên cứu khảo cổ học, văn hóa học và còn được biết đến với bút danh Hậu khảo cổ. Chị là tác giả nhiều đầu sách về văn hóa, lịch sử, di sản vùng Nam Bộ và Sài Gòn
- Nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến, Cựu nhà báo của báo Tuổi trẻ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tu nghiệp báo chí tại Đại học Oxford. Anh hiện là giám đốc công ty Hợp điểm chuyên về Anh văn và du học. Là một người nghiên cứu nhiều về Sài Gòn, anh thường viết các bài viết về di sản Sài Gòn cho Tạp chí Người Đô Thị và viết các đầu sách về Sài Gòn.
👉 Quý khán giả quan tâm, xin kính mời đặt câu hỏi cho diễn giả tại: https://forms.gle/kzqYbP5cLwJJJLGR8
Chương trình được phát trực tiếp trên kênh Facebook Fanpage và Youtube Channel của Midnight Talks.
____________________
Midnight Talks là chuỗi hoạt động được diễn ra tối thứ 7 hàng tuần, với mong muốn tạo ra không gian để cùng bàn luận, chia sẻ về những câu chuyện lịch sử, chính trị xã hội, những vấn đề "cực nóng" đã và đang diễn ra trong và ngoài nước. Chuỗi sự kiện do anh Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Công ty CP Sách Alpha, Chủ tịch Công ty Omega+ và là Viện trưởng Viện lãnh đạo ABG khởi xướng.
____________________
Theo dõi và xem lại chương trình qua:
📷Youtube và Facebook: Midnight Talks
Liên hệ chúng mình qua:
📩Email: midnighttalks.t7@gmail.com
Tham gia cộng đồng của chúng tôi: https://www.facebook.com/groups/metamindsnetwork




SỐNG QUA NHỮNG NGÀY ĐẠI DỊCH

"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng". TCS

Nhớ lại...
Đầu tháng 7.2021, thành phố Hồ Chí Minh bước vào những ngày căng thẳng khi chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm bị đình trệ và có nguy cơ đứt gãy. Tình trạng khan hiếm hàng hóa và giá cả leo thang xuất hiện. Ngay lập tức trên mạng xã hội đã có những lời nhắn nhủ: “Bạn bè ơi đừng tích trữ nhiều đồ ăn nhé! Vì một người mua thức ăn 3,4 ngày thì sẽ có người thiếu hụt 1,2 ngày! Năm ngoái Sài Gòn đã qua được qua hai tuần trong tình trạng “cả nước cách ly”, năm nay dẫu khó khăn nhưng chúng ta hãy bình tĩnh, nhường nhau chút xíu, rồi sẽ ổn!” Và thực tế ở các siêu thị hàng hóa tuy ít nhưng hầu như không xảy ra tình trạng tranh mua cướp bán.
Trong tình hình đó, người Sài Gòn đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều tỉnh thành. Thương quá những con cá hũ mắm từ Quảng Bình, Quảng Trị, những cần xé rau tươi trái cây khoai củ từ miền Tây, từ Đà Lạt, những đồng tiền chắt chiu từ Hải Phòng và nhiều tỉnh còn nghèo khác... Tất cả dù ít dù nhiều đến với Sài Gòn không chỉ là món quà vật chất mà còn là sự động viên tinh thần rất lớn trong những ngày khó khăn. Bởi vì Sài Gòn là nơi hàng triệu người đến đây kiếm sống, đóng góp nguồn sống cho gia đình ở quê hương cũng là góp phần vào sự phát triển của nhiều tỉnh thành.
Qua tháng 8.2021, hoạt động từ thiện của nhiều doanh nghiệp, các nhóm thiện nguyện ở thành phố đã tăng cường đến mức tối đa. Dù phải hạn chế đi lại, có lúc gần như trong tình trạng “thiết quân luật” nhưng mỗi ngày vẫn có hàng chục ngàn phần cơm cho người thiếu đói, những xuất ăn đủ dinh dưỡng thậm chí nóng sốt đến với những người đang ở tuyến đầu chống dịch. Hàng trăm ngàn phần gạo mì nhu yếu phẩm đến với những gia đình thất nghiệp, những xóm trọ của người nhập cư mất việc làm. Hàng trăm triệu đồng mua trang thiết bị chống dịch hỗ trợ các bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh viện... được vận chuyển kịp thời đến tận nơi cần thiết. Trên đường phố Sài Gòn, trước nhiều quán hàng phải chăng dây giãn cách với người mua là tấm bảng ghi dòng chữ “Tăng giá là tội ác”. Nhiều người vừa bán vừa cho rau xanh các loại như một cách giúp nhau mùa dịch. Người Sài Gòn không tính toán thiệt hơn, đã chia sẻ cho nhau ngay cả khi chính mình cũng gặp vô vàn khó khăn. Trong gian nan tình nghĩa đồng bào ngày càng đầy hơn.
Hai tháng, rồi ba tháng cách ly toàn thành phố...
Đường phố đã vắng càng thêm vắng, những đoạn dây “cảnh báo”, hàng rào ở các ngõ hẻm, khu dân cư nhiều hơn. Số ca nhiễm bệnh, số người thiệt mạng tăng nhanh. Sài Gòn hoang vu như một thành phố “ngủ mê” vì bị mụ phù thủy Covid – 19 hóa phép. Phần lớn dân chúng ở nhà, nghiêm túc chấp hành “5K” và những chỉ thị khác của chính quyền, dù có bức xúc việc này việc khác nhưng mọi người đều hiểu rằng, chỉ có thể vượt qua đại dịch khi tất cả đồng lòng, tự bảo vệ mình cũng là góp phần bảo vệ cộng đồng.
Đây là thời gian hầu hết chợ búa ngừng hoạt động, một số ít siêu thị được hoạt động tăng hết công suất nhưng không thể cung cấp cho người dân hàng hóa theo nhu cầu tối thiểu hàng ngày. Ngay cả vào thời điểm này các nhóm thiện nguyện vẫn hết sức giúp đỡ những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, cố gắng không để một ai bị đứt bữa. Các bác sĩ và đội ngũ cán bộ y tế tiếp tục căng mình chữa bệnh, chăm sóc, xét nghiệm, tiêm chủng... cho người dân, trong khi bản thân họ không được nghỉ ngơi hồi phục sức lực, để có thể tiếp tục cuộc chiến ác liệt này.
Không thể “lùi” hơn được nữa, chính quyền thành phố đã khẩn trương, quyết liệt và có những thay đổi giải pháp phù hợp hơn trong chỉ đạo điều hành chống dịch. Những đồng tiền hỗ trợ tuy ít ỏi cũng đã đến tay người cần nhất, gạo và nhu yếu phẩm được đưa về từng gia đình thiếu đói... Chính quyền hiểu rằng, dân yên thì thành phố mới ổn! Nhưng hơn cả là trách nhiệm đối với những con người đã thầm lặng đóng góp cho sự phát triển của thành phố.
...Và suy nghĩ
Nhớ lại, để biết rằng ta đã vượt qua một khoảng thời gian kinh hoàng và hy vọng sẽ không có lần hai! Sau giây phút tưởng niệm đồng bào tử vong vì dịch bệnh, mỗi người đều thấy mình may mắn biết bao khi còn có mặt trên cuộc đời này, có thể gặp mặt người thân bạn bè, và nếu lúc nào đó ra đi thì vẫn có gia đình bên cạnh.
Nhớ lại, vì nhận ra sau biến cố đại dịch covid -19, cuộc sống của thế giới và mỗi người không còn như trước nữa! Đời sống vật chất vẫn cần nhà ở cơm ăn áo mặc, ta vẫn phải kiếm sống và sống đầy đủ hơn. Đời sống tinh thần là những mối quan hệ gia đình và xã hội, ta luôn mong muốn có được những tình cảm tốt đẹp, lâu bền.
Nhưng “bình thường mới” sau đại dịch là một trạng thái thật khó cân bằng, khi mọi thứ vật chất tinh thần đều trở nên mong manh dễ dàng biến mất như giọt sương dưới ánh nắng, nhưng cuộc sống luôn cần sự bình thản của sa mạc ngàn năm phơi mình dưới thiêu đốt mặt trời.
Nhớ lại, để hiểu rằng cuộc sống bình thường thật đáng quý biết bao! Đại dịch và những gì xảy ra giúp ta thấm thía hơn giá trị của “tài sản” tinh thần. Những ngày cách ly xã hội, sống bên gia đình người thân ta được tiếp thêm năng lượng yêu thương. Khi tiếp nhận quà hỗ trợ hay tham gia giúp đỡ đồng bào với tinh thần “thương người như thể thương thân”, ta được vun đắp thêm lòng nhân nghĩa. Chứng kiến sự tàn khốc của dịch bệnh, những mất mát đau thương quanh mình, ta càng thấu hiểu hơn sự thua thiệt bần cùng của những người yếu thế...
Nhớ lại để nhận ra rằng, sự quan tâm đến những số phận khốn khổ trong xã hội không bao giờ là thừa, lòng trắc ẩn với những người kém may mắn hơn mình không bao giờ là đủ! Nhưng không chỉ chọn thái độ “đứng về phe nước mắt” mà cần hơn là những hành xử tích cực, sao cho không ai còn phải rơi nước mắt vì phải chịu bất công và rơi vào tình trạng “bước đường cùng”, như quá nhiều số phận trong những ngày đại dịch vừa qua.
Tất cả, vượt trên sự tàn khốc của đại dịch là những tấm lòng và hành xử đầy nhân ái. Và từ đống tro tàn đại dịch, lòng nhân ái sẽ tiếp tục nảy mầm xanh vươn lên tươi tốt, bởi nó được vun trồng từ biết bao trái tim nhân hậu.
DOANH NHÂN VIỆT TẾT NHÂM DẦN 2022






NHỮNG NHỎ BÉ THƯƠNG MẾN NGÀY XƯA

 Tặng các chị em và các cháu gái <3

 Nguyễn Thị Hậu

Những ngày giáp tết nhà nào cũng có cảm giác sao nhiều việc thế, nôn nao chưa xong việc này đã thấy việc khác trước mắt. Rồi thì bà thì mẹ “bỗng dưng” cứ à với ồ, sau những cái à ồ ấy thế nào bọn trẻ cũng có thêm vài việc vặt... phổ biến nhất là dọn dẹp quét tước nhà cửa, rồi giặt giũ chăn màn chiếu gối, rồi gọt thái củ quả làm mứt, làm dưa góp dưa món... Những việc vặt thôi nhưng để làm thì phải có những vật dụng quen thuộc, hàng ngày đã cần thì ngày tết lại càng cần hơn.

Thời bao cấp trong các khu tập thể cao vài tầng gác, mỗi nhà thường có một cái “chổi lúa” quét nhà. Nhà ai dưới đất hay ngoài phố thì có thêm cái “chổi rễ” quét sân, dọn cống rãnh. Những cái chổi thường cái cán ngắn, nếu không tìm được đoạn tre buộc vào cho cán dài hơn thì phải khom mỏi lưng để quét. Tôi nhớ trong phim hay trên sân khấu kịch hay có cảnh “người mẹ (người bà) dừng tay quét, đưa tay ra sau đấm đấm lưng, mắt nhìn xa xăm như chờ người đi xa về ăn tết”.  Chỉ vài nhà có thêm cái chổi lông gà (thường để phủi bụi bàn ghế), đến tết lại vất vả đi tìm cành tre dài nối vào quét mạng nhện. Chưa kịp làm mà cả xóm mượn vòng quanh thì đến khi nhà dùng chổi lông gà đã rụng rơi gần hết.

Thời ấy nhà ai cũng chật, ngoài cái giường đôi cái tủ quần áo còn lại tất tật tống vào gầm giường kê cao thêm bằng mấy hòn gạch. Nền nhà tráng xi măng hay may mắn có “gạch hoa” thì luôn được lau sạch sẽ, mùa đông mùa hè đều bỏ guốc dép ngoài cửa. Việc lau nhà thường dùng khăn mặt hay áo may ô cũ bằng vải dệt kim thấm hút nước tốt, ngồi xổm và kéo lê cái chậu cái xô vòng quanh để lau hai ba lượt. “Bò ra mà lau nhà” là bình thường.

Những ngày mưa dầm hay sau tết giời nồm, quần áo giặt phơi không bao giờ khô, âm ẩm lành lạnh, vài ngày đã có mùi ẩm mốc. Khổ là giặt xong chỉ phơi ngang dọc trên đoạn dây phơi ngắn trong nhà hay ngoài hiên, nhà có trẻ con nhiều quần áo còn phơi chồng lên nhau, chị em phơi đồ lót phải phủ áo lên trên “cho kín đáo”... Gần tết mà trời hửng nắng thì quanh bể nước nhộn nhịp người múc nước người giũ xả chăn màn người giặt chiếu, rồi phơi la liệt bất cứ chỗ nào có thể. Chiều tối có nhà để bếp than tổ ong trong nhà để hong tã lót em bé, nhà kín đáo hơn cắm bếp điện dù điện yếu đoạn dây “mai-so” chỉ hồng hồng một chút.

Mỗi khi làm bếp nhiều cô gái sợ phải gọt củ quả bằng dao con, vụng tay hay dao cùn thì gọt vỏ bí bầu mướp hay bị sứt sẹo trông hết cả ngon lành lại còn bị mẹ mắng. Thỉnh thoảng nhà ăn rau sống, nhìn mớ rau muống tự chẻ có thể biết con gái nhà này có khéo tay không. Có lúc người ta nghĩ ra việc gài cái kim băng ở đầu mũi dao để canh độ dày mỏng, gọt vỏ bầu bí mướp hay chẻ rau vừa nhanh vừa đẹp. Nhưng không phải ai cũng làm thế vì sợ bị chê là “vụng”, là “vẽ chuyện”.

Những thứ bất tiện ấy cứ tồn tại mãi trong cuộc sống, một thời quen thuộc đến mức “đương nhiên”, không ai thấy sự mất công là phiền phức, không thấy cần phải “cải tiến” hay thay đổi cho thuận tiện hơn - dù trong lao động sản xuất thì luôn có phong trào thi đua “cải tiến kỹ thuật” sao cho “nhanh nhiều tốt rẻ”. Hàng ngày làm công việc nội trợ, phụ nữ “đảm đang khéo léo” chăm chỉ cứ phải luôn tay luôn chân. Nếp cũ thế nào thì người sau làm vậy, “cần cù bù thông mình” được coi là một lời khen ngợi, động viên.

***

Bắt đầu từ “thị trường” hàng hóa phong phú đa dạng ở miền Nam, sau thời bao cấp hàng tiêu dùng sản xuất ngày càng nhiều, chất liệu, mẫu mã được cải tiến, thay đổi phù hợp và thuận tiện hơn cho người dùng. Đáp ứng nhu cầu thị trường làm cho cuộc sống ngày càng tiện nghi hơn.

Chỉ chuyện cái chổi cái giẻ thôi, bây giờ biết bao loại chổi, giẻ lau nhà? Bên cạnh “chổi đót” phổ biến nhất còn có thêm chổi bằng sợi nilon giả đót, hình dáng màu sắc y hệt nhưng không bị rụng bông ra nhà, lại bền hơn. Chổi nào cũng có cán dài vừa tầm, có thêm cái hót rác và giỏ rác xinh xắn bằng nhựa đủ màu, trong nháy mắt nhà cửa sạch sẽ. Công sở có bộ chổi và ky hót rác gắn liền giúp chị lao công đỡ vất vả. Gần tết thế nào cũng có mấy ông bán chổi rong, tiếng loa pin oang oang “chổi lông gà chổi quét nhà” cụt ngủn chứ không ngân nga “chổi các loại đâyyyyy”... như ngày xưa. Gác dọc chiếc xe máy hay xe đạp là những cây chổi muôn màu sắc đã có cán dài ngắn khác nhau, chổi lông gà quét mạng nhện dài nhất, từ xa đã thấy những túm lông rực rỡ báo hiệu sắp đến những ngày bận rộn dọn dẹp quét tước.

Siêu thị, ngoài chợ bán rất nhiều loại cây lau nhà đủ màu sắc và chất liệu, loại nào cũng có cán dài vừa tầm đứng, có thể nhẹ nhàng đẩy lau mọi ngóc ngách. Từ loại miếng giẻ sợi cố định ở đầu cây lau đến loại có thể thay được miếng giẻ mới... nay thì phổ biến là combo cây lau nhà có thể xoay tròn và thùng đựng nước lại biết vắt khô giẻ lau. Nếu mà có “Huân chương vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ” thì tôi sẽ ủng hộ việc tặng thưởng cho phát minh ra combo này.

Khâu giặt giũ thì đã có máy giặt gia đình và cửa hàng giặt sấy có luôn ủi là gấp gọn nữa. Quần áo ngày một nhiều hơn nhưng đã có những chiếc móc áo tiện dụng, một lúc phơi được nhiều quần áo thẳng thớm, kín đáo và đẹp mắt. Xưa ít nhà có móc áo bây giờ móc nhựa móc nhôm hay inoc, lớn nhỏ, dài ngắn. Tã lót em bé đã có dàn phơi tròn có nhiều cái kẹp, tha hồ kẹp tất bao tay khăn tã quần áo... Lại còn “dàn phơi thông minh” lắp đặt sẵn linh hoạt kích thước, phơi chăn màn rất tiện. Từ nông thôn đến căn hộ ở thành phố, việc sử dụng móc áo đã tiết kiệm một cách có hiệu quả không gian phơi quần áo, làm cho trong nhà gọn gàng ngăn nắp và cảnh quan chung văn minh hơn.

Trong bếp bây giờ không thể thiếu con dao bào, thậm chí có nhiều kích cỡ khác nhau.  Không còn phải mắm môi mắm lợi đưa con dao đi cho khéo mà vẫn bị đứt tay, giờ thì củ quả gọt xong láng mướt ngon lành. Lại có thêm dao cắt tỉa hoa lá... món xào món nấu, hũ dưa chua dưa góp vừa đẹp vừa ngon. Ngày giỗ ngày tết “chấp hết” hàng rổ củ quả nhé, phụ nữ vẫn khoe tài khéo léo mà đỡ vất vả hơn nhiều.

Những vật dụng nhỏ bé này có mặt bên ta hàng ngày, ít người để ý cho đến khi thấy... thiếu, vì nó cần thiết cho công việc nội trợ nói nói chung và phụ nữ nói riêng. Tuy không phải là máy móc hiện đại hay đồ dùng đắt tiền, chức năng cũng đơn giản, nhưng nhờ luôn được cải tiến nên người dùng đỡ mất công sức và thuận tiện hơn, mang lại tâm lý thoải mái khi làm việc nhà. Cuộc sống tốt đẹp hơn có khi bắt đầu từ việc nhà cửa gọn gàng bếp núc ngăn nắp, khi công việc nội trợ hàng ngày trở nên nhẹ nhàng và thoải mái.

“Bình đẳng giới” không chỉ là thay đổi quan niệm phong kiến về nữ giới, không phải là “giải phóng” họ khỏi cái bếp hay cây chổi, giẻ lau... Mà còn là và cần hơn là làm sao cho phụ nữ được thực hiện thiên chức “bếp núc” của mình một cách thoải mái, thuận tiện, dễ dàng, để họ có thể giữ gìn sức khỏe, niềm vui, mang lại hạnh phúc lâu dài cho gia đình. Thực hiện bình đẳng giới hay giải phóng phụ nữ không chỉ là khẩu hiệu hay văn bản pháp luật, mà nó bắt đầu từ sự quan tâm và thay đổi những việc nhỏ bé nhưng cụ thể và tinh tế như vậy.

 

 Sài Gòn 16/12/2021

 



 

 

MỖI NGÀY XEM MỘT BỨC HÌNH - (từ FB Trần Đức Anh Sơn)


Cụ đã làm hết trách nhiệm của mình, từ việc theo lệnh vua Tự Đức vào Nam Kỳ đàm phán với thực dân Pháp để ký Hòa ước Nhâm tuất (5/6/1862), chấp nhận mất 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ vào tay giặc, cũng là nhằm giữ cho vua một cái chỗ để ngai vàng như mong muốn của vua (*).
Cụ cũng không quản ngại đường xa, đem cái thân già lênh đênh trên biển hàng tháng trời, cùng hai đại thần Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản sang tận Pháp quốc (1863) để thương lượng chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Nhưng việc không thành, cụ chịu án phạt nặng của triều đình.
Khi Pháp đánh chiếm Vĩnh Long (20/6/1867), trước sức mạnh áp đảo của Pháp về mặt quân sự, cho rằng không thể giữ nổi, nên để tránh đổ máu vô ích, cụ quyết định không kháng cự, nhưng yêu cầu người Pháp phải bảo đảm an toàn cho dân chúng. Rồi thì cụ tự sát (4/8/1867) vì hổ thẹn đã không làm tròn trọng trách với nước với dân.
Chính vì thế mà cụ được người đương thời và đời sau kính trọng, vì tính cương trực, khẳng khái, hiếu nghĩa, thanh liêm.
Ngay cả kẻ thù cũng ngưỡng mộ cụ và ghi nhận tấm lòng của cụ đối với nước nhà: “Sống trong 4 tháng gần vị lão thành cao thượng ấy, chúng tôi có thể đánh giá các đức tính của ông ta... trong thời gian vượt biển này (chuyến đi sứ sang Pháp) ông không ngớt được khuyến khích bởi lòng nhiệt thành ái quốc của ông, và thúc đẩy bởi nguyện vọng thực hiện được công chuyện hữu ích cho nước nhà...” [H. Abel (tức sĩ quan Pháp Reunier, người từng đánh nhau với quân Nguyễn trên chiến trường Nam Kỳ), Solution pratique de la quesstion de Cochin-chine. Dẫn theo: Tập san Sử Địa, “Đặc khảo về Phan Thanh Giản”, số 7-8, tr. 26].
Cả trước và sau năm 1975, chính quyền của hai chế độ đều đã tổ chức hội thảo về cụ và đánh giá cụ là một nhà Nho liêm trực, một vị quan thân dân, một người yêu nước.
Nhưng đến đầu năm 2022 thì đồng môn của tui, nay là Phó ban Tuyên giáo Trung ương, lại ra văn bản cấm không được lấy tên của cụ để đặt tên đường.
Buồn thay!
Đau đớn thay!
-----
(*) Năm Mậu Thìn (1868) có kỳ thi Hội, đề thi “quân xâm lăng hiện nay càng ngày càng thêm gây hấn, đồn lũy khắc dân gian, vậy nên đánh hay nên hòa?”. Vũ Duy Tuân, trong bài thi, có viết câu: 朝廷擁百萬之精兵, 見義不爲無勇也. (Triều đình ủng bách vạn chi tinh binh, kiến nghĩa bất vi vô dũng dã). Nghĩa là: Triều đình sẵn hàng trăm vạn quân tinh nhuệ, thấy việc nghĩa không làm thì không phải là dũng vậy.
Vua Tự Đức châu phê vào bên câu này: 今日請戰, 明日請戰, 戰而不勝, 將置朕於何地. (Kim nhật thỉnh chiến, minh nhật thỉnh chiến, chiến nhi bất thắng, tương trí trẫm ư hà địa?). Nghĩa là: Hôm nay xin đánh, ngày mai xin đánh, đánh mà không thắng thì để trẫm ở chỗ nào?
Vậy là vua Tự Đức cũng chủ hòa chớ có phải mình cụ Phan Thanh Giản đâu, mà lại bắt tội cụ?



NOTE CŨ, NHÂN CÓ NGƯỜI NHẮC LẠI


Đình thờ Phan Thanh Giản ở Óc Eo - An Giang (trùng tu 2018)

Gần 30 năm trước, hồi học Nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Viện KHXH vùng Nam bộ (1994), khi làm tiểu luận về lịch sử cận đại VN, mình đã chọn và viết về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản. Đại ý như sau:
* Trong số những nhân vật lịch sử Việt Nam cận đại, tôi đặc biệt yêu quý Phan Thanh Giản, dù trước đây tôi được học về ông như một "kẻ bán nước". Càng học Sử và tìm hiểu về văn hóa Nam bộ, tôi phải tự hỏi: vì sao Phan Thanh Giản lại được dân Nam bộ thờ cúng lâu dài và kính trọng đến thế? Không thể nói dân Nam bộ thờ “kẻ bán nước” vì họ là những người đã “đi trước về sau” trong các cuộc chiến chống ngoại xâm. Vậy thì câu trả lời phải đến từ góc nhìn khác chứ không chỉ dựa vào “chính sử”.
Qua tìm hiểu, và ít nhất như tôi được biết, đó là do Phan Thanh Giản là vị Tiến sĩ đầu tiên của đất Nam bộ (là một nhân tài); ông là vị quan thanh liêm đến cuối đời (là một hiền tài); và ông là người dám chịu trách nhiệm về hành động của mình: ông tự tử sau khi ký 2 hòa ước với Pháp. Đó là sự dũng cảm, dám chịu trách nhiệm cá nhân vì đã làm tổn hại cho đất nước, hành động đó thể hiện một Nhân cách.
Dân Thờ ông như tôn vinh một con người có tài, liêm khiết và có nhân cách. Dân thờ ông, còn là sự bày tỏ thái độ đối với vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn, khi ông mất rồi còn bị nhà vua còn kết tội, mà lẽ ra, với cương vị là người đứng đầu quốc gia, Vua phải là người chịu trách nhiệm trước hết và trên hết với sự an nguy của đất nước.
Đánh giá một nhân vật lịch sử nếu chỉ nhìn vào sự kiện lịch sử hay “con người chính trị” của họ thì sẽ không lý giải được, hoặc sẽ nhìn nhận sai lầm, cực đoan về những sự kiện và hiện tượng xã hội của/ quanh nhân vật ấy. Khi đó, bài học lịch sử để lại cho đời sau tiếp tục là những “bài học’ đầy thiên kiến, sai lạc.
Thái độ và sự đánh giá đối với người đã khuất – nhất là những nhân vật lịch sử - là sự đánh giá nhân cách người đó, là thái độ phản ứng hay đồng tình đối với người còn sống có liên quan mật thiết (hẹp là gia đình, rộng hơn là chính quyền), nhưng cũng là sự thể hiện nhân cách của những người bày tỏ thái độ, đánh giá, đặc biệt là những nhà sử học.* (hết)
Về sau trong một cuộc trò chuyện với hai người bạn thân về lịch sử, mình nhắc lại một câu từng nghe ở đâu đó: “dân đã thờ ai thì không bao giờ lầm”, như như một bài học mình rút ra từ lịch sử, và cũng để răn mình: đừng tự cho mình quyền phán xét ai đó, nhất là phán xét tình cảm của nhân dân, dù nhân dân có khi chỉ là một cộng đồng nhỏ! Bởi vì chính trị nào rồi cũng sẽ qua đi… chỉ có những giá trị nhân dân/ cộng đồng thực sự coi trọng là sẽ tồn tại mãi: nhân cách, lòng khoan dung và sự công bằng.
Có những nhân vật lịch sử mà lịch sử đời sau đánh giá trái ngược nhau, nhưng ở họ lại có “số phận” khá giống nhau. Đó là con người chính trị thì có thể có công hay tội, nhưng nhìn cách DÂN đối với họ sau khi họ mất lại thấy số phận của họ có điều gì đó tương đồng. SỐ PHẬN CÁ NHÂN chứ ko nói đến những yếu tố khác, vì họ khác nhau nhiều điều nhất là khác nhau ở thời họ sống.
Mình chỉ dám “lấn sân” sang Lịch sử cận – hiện đại một lần như vậy thôi, từ đó trở về sau chỉ lo làm Khảo cổ 😃
(10.2013)
P/S. Ngoài ra, vài suy nghĩ của tôi ở trên chỉ là một sự tìm và tạm hiểu về một nhân vật cụ thể có sự đánh giá trái ngược giữa "chính sử"/cách nhìn "chính thống" với thực tiễn văn hóa dân gian Nam bộ. Cách hiểu này hoàn toàn không nhằm để đối lập với đánh giá về các nhân vật cùng thời có hành xử khác với PTG.

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...