Vụn vặt đời thường (11)



@ Hội thảo về Chúa Tiên Nguyễn Hoàng ở Quảng Trị vừa rồi mình không biết nên không ra tham dự được. Bạn nào có kỷ yếu thì cho mình share hoặc photo giúp mình được không ạ? Cám ơn nhiều lắm! [Đây là Nam nhân lịch sử yêu quý nhất của mình :) ]
@ Ngân hàng Đông á bây giờ cũng cá kiểu phát thanh như loa phường, ngồi ở đó là phải nghe tin hoạt động cuả nghành khắp trong Nam ngoài Bắc, rồi ca nhạc ko yêu cầu là những bài hát ai đó gửi tặng cac anh chị ngân hàng ĐA. Chán toàn tập :)
@ Có hai thứ thuộc về con người cá nhân không ai giống ai, đó là trí tưởng tượng và ký ức. Giàu tưởng tượng và mơ ước bao nhiêu thì cũng cần làm giàu ký ức bấy nhiêu. Người đánh mất, vứt bỏ ký ức thì trí tưởng tượng và mơ ước cũng chỉ loanh quanh và nếu có "bay" cũng chỉ bay như... loài gà mà thôi.
@ Visa
- Em ơi cô Hậu ra chiều nay anh đi ăn với cô Hậu nhé.
- Hậu nó ra chiều tối nay mấy anh em đi nhậu, em đừng chờ cơm.
- Chiều nay em đón con, anh đi với bác Hậu từ Sài Gòn mới ra
- ......
Hậu KC: tui chỉ cấp visa cho mấy ông tới 10g thôi đấy, sau đó tui ko chịu trách nhiệm nha.
@ Kéo túi xách ra và đi, nhưng đừng chết ở quê nhà :)



Linh tinh lang tang (55) – ÍT & NHIỀU


Có hai mắt nhìn được xa hơn rộng hơn
Có hai tai nghe nhiều điều hay hơn
Có hai (lỗ) mũi ngửi được nhiều mùi hương thanh khiết hơn
Có hai tay làm được nhiều việc có ích hơn
Có hai chân đi được đến nhiều nơi thú vị hơn
Miệng, chỉ có một, nên nói “gấp đôi”, tưởng rằng sẽ nói được nhiều điều hay ho, nhưng hóa ra ngược lại. 

Miệng không biết rằng,
Hai mắt còn nhìn thấy nhiều điều bất nhân
Hai tai còn nghe thấy nhiều điều bất nghĩa
Hai mũi còn ngửi thấy nhiều mùi xú uế
Hai tay còn làm nhiều hành vi độc ác
Hai chân còn dẫn con người đi vào con đường hiểm nguy hay vào ngõ cụt.

Nói nhiều có khi là nói dài nói dai nói dở
Nhưng ít nói có khi lại là KHÔNG BIẾT GÌ ĐỂ NÓI.
Để hiểu, biết thế nào là nhiều là ít
Khó lắm thay!

Gặp bác Tạ Chí Đại Trường


Tác phẩm Thần, người và đất Việt được giải thưởng Sách hay 2013



Lần đầu tiên tôi “gặp” bác Tạ Chí Đại Trường là vào cuối năm 1992, tại nhà thầy Trần Quốc Vượng. Năm ấy thầy mới đi Mỹ về. Tôi từ Sài Gòn ra ghé thăm thầy. Ngắm nghía những giá sách đầy chật nhà thầy, tôi nhận ra ngay những cuốn sách mới. Có một cuốn mà vừa nhìn thấy tôi đã cầm lấy xem ngay bởi cái tựa sách và cả tên tác giả đều lạ. Đó là cuốn “Thần, người và đất Việt” – cuốn sách mà cho đến giờ tôi vẫn nhớ nhầm tựa sách, luôn đảo thứ tự 3 thành phần trên như “Người, đất và thần Việt” hay “Đất, thần và người Việt”… vì tôi thấy để kiểu gì cũng hay và… có lý. Tất nhiên sau đó tôi xin phép thầy Vượng photo lại, và nó trở thành một trong số ít những cuốn sách nghiên cứu tôi rất thích, thường đọc đi đọc lại.

Bẵng đi rất lâu, tôi cũng không biết gì thêm về tác giả Tạ Chí Đại Trường và những công trình mới của ông. Cho đến vài năm gần đây mạng Internet phát triển, nhớ đến tên tác giả “là lạ” tôi vào Google tìm kiếm. Thiệt là may, tôi đã tìm thấy nhiều bài viết của ông trên một số Website, rồi sau đó tìm thấy trang Tachidaitruong.com. Bèn copy tất cả các bài viết của ông xuống và xem… từ từ. Năm ngòai năm kia có 2 cuốn sách của ông được xuất bản trong nước, đó là cuốn sách nói trên “Thần, người và đất Việt”, và “Lịch sử một cuộc nội chiến”. Rồi năm nay thêm một cuốn nữa “Những bài dã sử Việt”… Thế là tôi có thêm cơ hội được “gặp” ông qua các công trình nghiên cứu lịch sử rất thú vị.

Biết bác Tạ Chí Đại Trường mới về Sài Gòn, tôi đã nhờ bạn giới thiệu cho tôi được gặp bác. Bác đã tặng tôi mấy cuốn sách của bác in bên Mỹ, lại còn chỉ dẫn cẩn thận những chỗ in lỗi làm tôi thật vui và cảm động, vì tôi không phải là người nghiên cứu chuyên về lịch sử, và chỉ là một trong số hàng trăm độc giả của bác. Được gặp và nói chuyện với bác, nghe bác kể về một số công trình của bác in trong nước và nhiều công trình khác, tôi hiểu rõ hơn vì sao mình lại quan tâm và thích thú như thế khi đọc những cuốn sách của ông.

Đầu tiên là giọng văn của ông: nghiêm túc, khúc chiết nhưng không hiếm khi hóm hỉnh, có khi mỉa mai khi châm chọc, có lúc “cực đoan” thậm chí đầy vẻ định kiến khi chê/ phê một ai đó. Nhưng giọng văn ấy cũng rất “có duyên”, lôi cuốn người đọc, có khi làm cho người đọc thầm tranh luận lại. Người đọc không chán, cứ xem đến cùng, xem đi xem lại, như trò chuyện với ông nhiều lần vậy. Giọng văn ấy lôi cuốn còn vì người đọc thấy được “lập trường” khoa học của chính tác giả. Tôi nhận thấy những cuốn sách nghiên cứu lịch sử, sách giáo khoa lịch sử được viết hay, hấp dẫn, lôi cuốn người đọc thì sẽ làm cho người đọc quan tâm, tìm hiểu và yêu thích lịch sử nói chung và sử học nói riêng.

Thứ hai, quan trọng hơn, đó là vấn đề tư liệu trong các công trình của ông. Ông tiếp cận các vấn đề, sự kiện lịch sử đầu tiên từ chính nguồn sử liệu vốn/ sẵn có. Và cách đơn giản nhất nhưng cũng là cơ bản và khoa học nhất là: Đọc kỹ sử liệu, không chỉ từng câu từng từ mà còn đọc trong sự liên hệ, liên kết các sự kiện, con người mà sử đã ghi chép lại. Để nhận ra, nhìn thấy những gì mà sử gia thời trước không viết ra bằng câu chữ, tức là đọc lịch sử như người cùng thời để hiểu những gì diễn ra đằng sau những câu chữ. Như ông bảo, tất cả những “phát hiện mới” của ông đều đã được ghi chép trong ĐVSKTT cũng như trong các bộ chính sử khác. Những phát hiện “tư liệu mới” của ông làm cho nhiều vấn đề, nhân vật lịch sử trở nên sáng tỏ hơn – nhất là làm ta hiểu hơn bối cảnh xã hội của sự kiện lịch sử - cái nhìn biện chứng hơn. Các vấn đề ông phát hiện, nêu ra liên quan đến những nhân vật, những triều đại lịch sử mà trước nay ta thường chỉ nhìn thấy mặt chủ đạo (ưu điểm hay hạn chế cơ bản, nổi bật, quan trọng nhất…) của nó. Nói cách khác là ông cho chúng ta một góc nhìn khác về lịch sử. Vẫn là những nhân vật sự kiện triều đại đó, nhưng gần gũi, dễ hiểu và cũng có những khiếm khuyết, hạn chế, sai lầm… rất đời thường, rất con người. Lâu nay ta hay nhìn các nhân vật lịch sử chỉ qua lăng kính chính trị. Nhưng họ còn là những con người “xã hội”, con người “gia đình”, con người “cá nhân”. Khi nhìn nhân vật lịch sử trong “tổng hòa các mối quan hệ xã hội” như vậy sẽ hiểu hơn những hành động hành vi, những thành công thất bại, quan trọng hơn là hiểu nguyên nhân nào dẫn đến những sai lầm của họ. Có như vậy mới thấm thía bài học kinh nghiệm từ lịch sử.

Thứ ba: Các công trình của ông thực sự là những công trình liên ngành: tiếp cận một vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, từ nhiều ngành nhiều tư liệu khác nhau, để tìm ra bản chất vấn đề. Nếu những góc nhìn ấy đều đi đến bản chất của vấn đề thì kết quả nghiên cứu là đúng. Còn nếu như mỗi góc nhìn cho thấy những “bản chất” mâu thuẫn với nhau thì hoặc, phải kiểm tra lại tòan bộ tư liệu, hoặc cách đặt vấn đề của mình là sai! Như vậy phương pháp liên ngành đòi hỏi người nghiên cứu phải thực sự khách quan (và dũng cảm) khi sử dụng kết quả, phương pháp của các ngành khác, bởi vì nó có thể làm phá sản ý đồ nghiên cứu của mình. Có lẽ vì vậy mà lâu nay có những công trình nghiên cứu luôn ghi rằng “sử dụng phương pháp liên ngành” nhưng thường là chỉ sử dụng kết quả nghiên cứu nào phù hợp/ ủng hộ ý tưởng của tác giả mà né tránh, thậm chí lờ đi những gì ngược với suy nghĩ của mình.

Phương pháp liên ngành luôn đòi người nghiên cứu phải đặt những câu hỏi Tại sao, như thế nào với ngay những suy luận của mình… Trong nghiên cứu lịch sử biết đặt câu hỏi đúng là đã thành công được hơn một nửa? Nắm vững tư liệu lịch sử đó là chiều sâu, sử dụng tài liệu liên ngành đó là chiều rộng. Như vậy lịch sử sẽ hiện lên tòan diện hơn. Các công trình nghiên cứu lịch sử VN của bác Tạ Chí Đại Trường xuất phát từ góc nhìn rộng nhất: từ văn hóa Việt Nam, các thành tố của văn hóa như ngôn ngữ, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa dân gian, huyền thọai, truyền thuyết… đều được bác sử dụng, miễn là nó cung cấp một cái gì đó để ông có thêm cứ liệu để hiểu đúng, giải thích một cách hợp lý về một sự kiện, một con người lịch sử, trên nền tảng nguồn Sử liệu mà ông đã khảo cứu vô cùng tỉ mỉ. Lịch sử là đời sống, đặt lịch sử trong bối cảnh văn hóa Việt Nam, do đó khi đọc tác giả Tạ Chí Đại Trường ta nhận thấy “sử học” và “sự thật” khá gần gũi nhau.

Lẽ dĩ nhiên không phải vấn đề nào tôi cũng đồng tình với cách hiểu của ông, nhưng đây chỉ là cảm nhận của riêng tôi và tôi thường chia sẻ với các sinh viên của mình. Bởi vì tôi nghĩ, kinh nghiệm quý báu của người đi trước trong nghiên cứu chính là cách thức tiến hành công việc, là phương pháp chứ không chỉ là việc tích lũy tri thức được bao nhiêu, nhất là hiện nay với mạng Internet tòan cầu. Tuy nhiên nếu có phương pháp đúng ta sẽ tự trang bị cho mình những kiến thức tốt, cần thiết cho công việc cũng như đáp ứng sự yêu thích của mình.

(Đã in trong sách "KCH bình dân Nam bộ VN, 2010)


Viết nhân nhày giỗ Cha (2011)

Hôm nay là ngày giỗ Ba.

Gia đình thường tụ hợp đông đủ với Ba vào ngày này, nhưng chỉ đến ngày cuối tuần mới có thể mời bà con bạn bè đến nhà. Tối nay ở nhà má đã nấu mấy món Ba thích: cá lóc nấu canh chua và kho tộ, bông bí xào tỏi, nướng 1, 2 con khô cá sặc trộn gòi sầu đâu và dưa leo… Rồi như hai mươi mấy năm trước đây, con vẫn về ngồi với ba, hai cha con mình cùng ngồi lai rai vài chai bia. Ừ, mà Ba lai rai chớ con thì chỉ phá mồi của Ba thôi, nhưng sẽ ngồi với Ba để nghe Ba nói chuyện đời, để thỉnh thỏang ra vẻ "ngây thơ" hỏi Ba chuyện này chuyện kia, rồi khóai chí nghe Ba giảng giải, có khi thấy Ba ngạc nhiên “ủa, sao kỳ vậy?” về cư xử của người này người khác… mà con lại thấy thương Ba vô hạn… Ba ơi, nếu mà ba còn sống, mấy đứa cháu của Ba chắc sẽ cười và bảo rằng: Ôi ông ngọai sao cứ mãi tuổi TIN (teen)!

Thi thỏang con vẫn gặp Ba về với con trong mơ. Đó là những lúc con gặp điều không vui, những lúc con buồn lòng vì người này, vì chuyện nọ. Những lúc ấy con nhớ Ba, mong có một người hiểu con, thương con như Ba, để con có thể dựa dẫm mà không thấy ngại ngần, để con có thể hờn giận mà biết rằng mình luôn được tha thứ… Sự nhân hậu của ba vẫn bên con, hàng ngày...

“Con gái giống cha giàu ba họ”, người ta nói vậy. Nhà mình chẳng bao giờ giàu có nhưng cũng không quá nghèo, vì mình có một nghề tử tế để kiếm sống. Biết đủ là đủ, ba vẫn dạy tụi con như thế mà. Người ta còn bảo “con gái nhờ đức cha”. Con nghĩ, con cái còn là Đức của cha mẹ. Nhìn con cái người ta có thể biết cha mẹ là người như thế nào. Sống thế nào để cha mẹ không bị thiên hạ “mắng vốn”, anh chị em con cố gắng sống như thế, và cũng mong các con của mình như vậy… Ba ơi, con nghĩ, ít nhất đến lúc này Ba có thể hài lòng vì các cháu nội ngoại của Ba.

Mỗi năm con lại đọc những gì Ba viết trong Nhật ký Dọc đường lưu diễn. Để hiểu hơn về Ba Má, hiểu hơn về một thế hệ những con người đã sống trung thực với niềm tin và lý tưởng trong sáng!

Giờ này, nhiều năm trước, con và má ngồi bên Ba, nắm lấy bàn tay gầy guộc của Ba để giữ Ba ở lại lâu hơn với gia đình... mà không được...
Con chỉ có thể viết những dòng này, vì không thể nói gì hơn về nỗi nhớ Cha...

 Photo: nhà báo Lê Công Thành, báo Tuổi Trẻ




Vụn vặt đời thường (10)

 Lai rai nhuận bút :)

Có việc tìm lại tư liệu cũ, thấy cái này: 92 trang đánh máy giấy pơ luya mỏng vàng khè (mình dành cả 1 tháng tiền ăn bếp tập thể để mua giấy và trả công đánh máy). Bìa và phụ lục bản vẽ do bạn Nguyễn Hồng Kiên làm giùm. Hoàn thành luận văn ở Hà Nội, ngồi tàu 3 ngày về SG, nhịn đói, chỉ ăn vài củ khoai tậy luộc bạn mang vội đến ga trước khi tàu chạy. 
Bảo vệ luận văn được 9,5 điểm, điểm cao nhất trong khoá này 
Vậy mà đã 32 năm rồi..


(làm thế nào xoay hình cho đúng chiều, bác nào biết chỉ cho nhà em làm với, cám ơn nhiều!)

TRUNG THU

Nhanh thật, cái nóng mùa hạ chưa qua mà một Trung thu nữa lại đến, mặc dù “mùa Trung thu” đã hiện diện trong các tiệm bánh ở Sài Gòn từ đầu tháng Bảy mưa ngâu. Mỗi năm bánh trung thu càng được bán sớm hơn. Ngày xưa, thời bao cấp ở Hà Nội, chỉ qua 10/8 mậu dịch mới bắt đầu bán bánh theo phiếu hay phân phối về các cơ quan. Sau năm 75, ở Sài Gòn bánh trung thu cũng chỉ được bán từ đầu tháng tám, chủ yếu ở Chợ Lớn nơi có nhiều người Hoa. Còn những khu vực khác cũng khoảng mùng 7,8 tháng tám mới bán nhiều. Nhưng sau rằm thì bánh “đại hạ giá” tràn ngập. Nghe nói bánh ấy cũng chẳng phải bánh ế, nhưng làm bằng nguyên liệu rẻ tiền để bán rẻ cho người nghèo, và vẫn lãi rất nhiều. Tuy nhiên, các hiệu bánh nổi tiếng ngày ấy ở SG sau rằm hầu như không “đại hạ giá” để giữ tiếng. Bây giờ, có khi mới 12, 13 chưa rằm đã có bánh hạ giá rồi… Mà bánh ấy thì chắc làm từ đầu “mùa trung thu”, nên ai “tốt bụng” mới có can đảm mua ăn!

Ngày xưa, cứ mỗi ngày Trung thu thế nào tôi cũng nhận được một món quà nhỏ từ nhà thơ Thanh Tịnh – một người bạn rất thân thiết của gia đình tôi. Còn nhớ, bác Thanh Tịnh đi cái xe đạp “cởi truồng”, không phanh không chắn xích không chắn bánh xe… Bác bảo: xe của bác cái cần kêu thì không kêu (ấy là cái chuông), còn cái không cần thì cứ kêu, mà kêu to (ấy là toàn bộ cái xe, nhất là xích xe, cứ lọc xọc lọc xọc miết…). Đêm trung thu thế nào bác cũng mang đến cho tôi một cái bánh dẻo nguyên vẹn, chỉ là nhân hạt sen (cứng quèo), lớp bột bánh cũng khô và cứng… nhưng sao mà ngon thế không biết! Ngon nhất, là vì được ăn cả chiếc bánh ấy, vì bác dành riêng cho mình tôi. Còn một, hai cái bánh mua bằng phiếu, hay cơ quan “phân phối” thì má tôi thường để dành, có năm má gửi biếu các bác chủ nhà hồi đi sơ tán, vì “ở Hà Nội mình còn có khi được ăn, chứ ở nông thôn chẳng có đâu con ạ”.

Một năm vào mùa trung thu, khi ấy mới học lớp 3, đi tàu điện từ chợ Hôm lên Cầu Giấy đến trường Yên Hòa, đi qua phố Hàng Bài, phố Hàng Bông, thấy bán đèn ông sao, lồng đèn con gà con thỏ… cứ mải mê ngắm và ước gì mình có được chiếc đèn ấy. Thèm được cầm cái cán dài dài có dán giấy vòng quanh, được đốt ngọn nến nhỏ xíu trong đèn, được đung đưa nó theo mỗi bước chân… Nỗi thèm muốn mạnh đến ứa nước mắt… Sau này mới hiểu lúc đấy tủi thân quá, sự tủi thân không do ai không vì cái gì, chỉ vì không hiểu sao chưa bao giờ (và không bao giờ vì cho đến nay đã già rồi) mình được có một đồ chơi trung thu như thế!

Từ đầu tháng Tám con gái đã nói: Mẹ, trung thu này tụi con quyên góp mua bánh trung thu, lồng đèn tặng cho bệnh nhi trong Bệnh viện ung bướu mẹ ạ. Vô đó tưởng chỉ có người lớn, vậy mà thấy rất nhiều trẻ em bị bệnh, thương các em quá… Chỉ một dòng thông báo ngắn gọn trên blog thôi, nhiều bạn bè của con gái, bạn bè của mẹ “nhào vô” hỏi thăm, đóng góp, rồi hẹn nhau cùng đi mua bánh cùng đi tặng quà. Một tuần tất bật, một ngày chung tay làm chia sẻ chút niềmvui là một ngày có ích cho các con. Một ngày các em nhỏ không may mắn có thêm niềm tin vào cuộc sống để vượt qua bệnh tật.

Bây giờ vào mỗi mùa trung thu, nhiều nơi vẫn còn có những trẻ em ước mong có một cái bánh nhỏ, một món đồ chơi giản đơn như thế. Người lớn ơi, đừng để các em phải tủi thân! Mỗi người một chút hãy giúp cho các em có được niềm vui nho nhỏ trong ngày Tết của trẻ em, bạn nhé…



(2011) 


P/S. Năm nay con gái cùng bạn bè tổ chức tặng quà Trung thu cho các em nhỏ ở xã nghèo Lý Nhơn - Cần Giờ. Chương trình rất thành công, phần qùa tuy nhỏ nhưng thật sự mang lại niềm vui cho các em. Mình cám ơn bạn bè của mình đã ủng hộ con gái trong dịp Trung thu này

Vài phim mới xem (20). Pieta (Sự cứu rỗi) – phim của Kim Ki Duk


Phim kể về một thanh niên chuyên đi đòi nợ thuê. Anh ta sống cô độc trong một căn hộ trên cao, cửa sổ nhìn xuống con hẻm hẹp. Hàng ngày anh đến đòi nợ những người do túng thiếu mà phải đi vay nóng lãi xuất cao, đó là cặp vợ chồng, hai mẹ con, ông bố trẻ… những người lao động nghèo khó khi không có tiền trả nợ phải chấp nhận bị cắt tay chặt chân, bị hiếp, bị ép phải tìm đến cái chết. Người đòi nợ thuê lạnh lùng làm tất cả, như một cái máy, và như một con thú dữ. Mỗi đêm trên chiếc giường hẹp, anh ta thủ dâm vừa như khoái cảm vừa như một cực hình…
Một ngày, một người đàn bà xuất hiện và theo anh đi khắp nơi với bộ dạng như một con chó trung thành theo chủ. Bà ta tự xưng là mẹ anh. Ta có mẹ à? Ta mà cũng có mẹ sao?! Bà làm tất cả cho anh, xông vào bất cứ ai chống lại anh, sẵn sàng làm theo những hành động tàn ác của anh, thậm chí, chịu đựng sự “loạn luân” để được anh coi là mẹ.
Tình cảm Mẹ - Con sống dậy, cũng bắt đầu quá trình suy nghĩ về những gì mình đã làm, đang làm… Nỗi lo sợ Mẹ mình bị trả thù bởi những gì mình gây ra trở thành nỗi ám ảnh. Anh đã biết thế nào là sự hy sinh của người mẹ, cũng biết thế nào là sự trả thù của người mẹ. Tình cảm con người trở lại với anh, và không thể khác, anh tìm đến cái chết. Chiếc xe tải do một người phụ nữ từng bị anh hiếp, chồng cô bị anh làm cho tàn phế - chạy trên con đường mù sương sớm xa tít mà không biết rằng anh đã trừng phạt mình bằng cách tự cột mình vào phía sau xe.
Cũng như nhiều phim khác của Kim Ki Duk, xem xong rất lâu vẫn chưa hết ám ảnh bởi những tình huống bạo lực và tình dục trong phim. Và do đó thật khó có thể viết lại cảm nhận một cách đơn giản như những bộ phim khác.
Sự cứu rỗi chỉ đến từ tình thương và đức hy sinh.


Vài phim mới xem (19)- Midnight in Paris


Một nhà văn trẻ người Mỹ đến Paris cùng gia đình vị hôn thê, chuyến đi vừa vì công việc vừa đi chơi. Ở những đoạn đối thoại đầu tiên ta thấy anh nhà văn này chẳng có gì là một người lãng mạn, anh ta không có sự tế nhị kiểu Pháp, thậm chí ăn nói hơi… vô duyên, anh ta chán ngán những chuyến tham quan cung điện bảo tàng, anh luôn thấy mình lạc lõng ở Paris… Anh ta chỉ nghĩ về cuốn tiểu thuyết anh đang hoàn thành về một cửa hàng đồ cổ và những người nệ cổ.
Một đêm, trong trạng thái lâng lâng vì uống khá nhiều rượu vang, anh không tìm thấy khách sạn của mình. Ngồi ghé trên bậc thềm nhà thờ nghỉ chân, khi chuông 12 giờ đêm vang lên thì từ xa xuất hiện một chiếc xe hơi cổ, xe dừng lại và có những người lạ mời anh lên xe đi. Và từ đó anh bắt đầu bước những bước về quá khứ vàng son của Paris.
Cũng từ đó ta mới nhận ra sự lãng mạn cổ điển ẩn chứa trong chàng nhà văn: anh vui sướng khi gặp những nhà văn, hoạ sĩ, nhạc sĩ… nổi tiếng hồi đầu thế kỷ XX ở Paris. Anh bày tỏ sự ngưỡng mộ một cách thật thà có khi hơi vụng về nhưng rất đáng yêu. Những tiếng chuông 12 giờ đêm cứ đưa anh đi từ nơi này đến nơi khác, gặp gỡ những nghệ sĩ nổi tiếng… tất cả những địa điểm những con người ấy đều là những “báu vật” của Paris. Anh thấy hạnh phúc khi sống trong không khí nghệ thuật những năm 1920.
Cho đến một lần, cô gái Paris mà anh rất có cảm tình, muốn quay về quá khứ xa hơn là Paris cuối thế kỷ XIX để được gặp gỡ với những văn nghệ sĩ mà cô yêu thích… Anh nói khi cô từ biệt anh “anh là người của năm 2010 quay về năm 1920 để được gặp em…”. Còn cô từ 1920 quay lại năm 1880, nơi mà những văn nghệ sĩ lại cũng đang mơ tưởng về thời Phục Hưng vàng son…
Với nhiều người thì quá khứ luôn là “thời hoàng kim”… Chàng nhà văn đã hiểu ra điều đó. Và quan trọng hơn, chàng đã nhận ra sự hoàng kim của hiện tại: đó là một Paris với những quán sách cũ ven sông, những con đường dịu dàng ánh đèn vàng ấm áp, những cây cầu qua sông Seine đẹp như mơ, và một Paris “đẹp nhất lúc trời mưa” – tất nhiên, khi bên cạnh là một cô gái Paris dường như sẽ là người tri kỷ của anh.
Một phim hài nhẹ nhàng, và cảnh quay thì tuyệt đẹp!
Nhớ Paris… Bao giờ trở lại Paris…?



Vụn vặt đời thường (9)

@ Chiều qua chạy xe về được một đoạn thì mưa. Mưa bạt cả người lẫn xe, mưa quất rát hết cả mặt, mưa tạt ko mở được mắt ra nữa... Nghĩ: lúc này mà khóc thì thích nhất vì không ai biết. Nói với bạn như thế, nó mắng: chỉ nghĩ dại, mày thử cười xem cũng chả ai để ý đâu.
Chiều nay về lại mắc trận mưa y như hôm qua. Nghe lời nó mình cười thử vài tiếng. Lập tức khá nhiều ánh mắt xuyên qua màn mưa dày đặc nhìn mình đầy kinh ngạc! Đấy, ở nước mình cứ khóc ngoài đường thì ko ai để ý, chứ cười á, chắc chắn người ta nghĩ mình điên!

@ Nghe chuyện của bạn, bỗng nhận ra trên đời này có những người đàn bà lúc nào cũng với vẻ ngây thơ trong sáng nhưng luôn làm cho (những) người đàn ông hiểu rằng muốn có được tình yêu của nàng thi phải mang đến lễ vật là trái tim tan nát của một người đàn bà khác. Hoá ra chuyện như thế không chỉ có trong tiểu thuyết! Sợ thật!

@ Bạn ngâm nga "lòng người như lá chuối...", mềnh nghĩ thế thì đầu người như củ chuối, thân người như cây chuối à... Thồi, chả nghĩ tiếp nữa. Đấy, người NHÃ là NHÃ ngay từ trong ý nghĩ :D


@ Có quan niệm rằng, hạnh phúc không phải là kết quả mà là quá trình đi đến đích. Có khi nào đó là sự biện hộ của người chưa từng đi đến đích; hoặc biện hộ cho người thích chinh phục nhưng khi đạt được mục đích thì... "cả thèm chóng chán", tiếp tục đi tìm và chinh phục cái khác? 

Kiểu trời chiều ui ui thế này muốn nghe một bài hát của Trịnh, đang định link về FB nhưng sực nhớ đến mấy đứa em ghét nhạc Trịnh đến mức, chúng sẽ lập tức có mặt còn nhanh hơn khi mình gọi chúng đi cà phê nữa, và sẽ hỏi mình rất nhẹ, rằng thì là bà nghe mãi mà ko thấy nhược người ra à... :D

11.9 - Mọi đổ vỡ mất mát dù to lớn và tan nát đến đâu cũng sẽ xây dựng lại được nếu có niềm tin. Nhưng mất niềm tin thì không gì có thể lấy lại được. 

SÀI GÒN TÔI YÊU



So với hơn 300 năm Sài Gòn - Gia Định được thiết lập nền hành chánh, so với hơn 3000 năm vùng đất này in dấu tích những con người cổ xưa nhất, 35 năm tôi sống ở Sài Gòn chỉ là chớp mắt! Chớp mắt tuổi thanh xuân qua đi, tuổi mùa thu đến, nhìn lại những năm tháng qua chợt nhận ra dường như mình chưa một lần nói lời yêu với thành phố này, nơi mình đã sống những tháng năm dài, và có lẽ là cả cuộc đời.
Nhiều người đã yêu, rất yêu Sài Gòn. Có thể đối với họ đây là quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, là nơi họ đã rời xa quê nhà vào kiếm sống và được Sài Gòn rộng rãi sẻ chia. Có thể là nơi để lại mối tình đầu đau đáu nỗi chia ly, là nơi họ rời bỏ mà luôn mong một ngày quay lại… Nhưng cũng với nhiều người tình yêu Sài Gòn thật khó có thể bộc lộ thành lời, phải chăng vì Sài Gòn không như một cô gái đẹp dịu dàng, yểu điệu kiêu sa làm người ta dễ cảm mến để rồi thốt vội lời yêu? Sài Gòn mang dáng vẻ của cô gái hiện đại, năng động và bình dị, một vẻ đẹp mà người ta thường ngại ngùng khi muốn ngỏ lời yêu… Nhiều năm trước tôi cũng vậy, mải mê nhớ về thành phố êm đềm đẹp đến nao lòng của thời thơ ấu, để rồi đến một ngày thu tôi mới nhận ra mình đã yêu Sài Gòn từ khi nào không rõ…
Ấn tượng của tôi lần đầu gặp Sài Gòn là bến Bạch Đằng sông rộng nước đầy với những con tàu lớn nằm sát đại lộ Nguyễn Huệ đẹp nhất Sài Gòn. Đường phố thênh thang luôn tấp nập, hàng cây xanh cao vút trong ánh nắng chói chang, những cô gái đạp xe mini tà áo dài trắng bay bay trong hơi gió biển mát lành. Những ngôi biệt thự sang trọng kín đáo ẩn hiện sau tường rào cây xanh, những ngôi chùa rực rỡ đèn điện vôi màu… So với Hà Nội hay Huế có vẻ như Sài Gòn thiếu sự lắng đọng “hồn núi sông ngàn năm” vì đây là thành phố hiện đại kiểu Âu – Mỹ. Nhưng Sài Gòn mang hình hài đặc sắc một đô thị phương Nam “trên bến dưới thuyền”. 

Khởi thủy, thành Gia Định dựng bên góc sông Sài Gòn và sông Thị Nghè. Kéo dài về phíá tây nam vài cây số, là Chợ Lớn, thành phố của đa số người Hoa, nằm trên những mối giao nhau của kinh rạch chằng chịt, nối ra sông Sài Gòn bằng rạch Tầu Hũ hay còn gọi là rạch Bến Nghé. Nhắc đến Sài Gòn người ta nhớ ngay đến hai cái chợ nổi tiếng: chợ Bến Thành – bến sông thị tứ buôn bán quan trọng nhất của thành Gia Định; và Chợ Lớn – đầu mối giao thương lớn nhất Đàng trong. Rạch Bến Nghé hay rạch Tàu hũ nối liền hai khu vực trung tâm của thành phố. Thành Gia Định nằm ở khu vực trung tâm cao nhất, khoảng từ Dinh Độc Lập cho tới gần Thảo Cầm Viên. Từ đó dốc thoai thoải đều ra chung quanh cho tới kinh rạch và sông Sài Gòn. Phiá tây Sài Gòn lúc ấy vườn ruộng kéo dài nối vào Chợ Lớn, khu vực này có nhiều kinh rạch chảy vào Kinh Bến Nghé hay Tầu Hũ, kinh Đôi. Sông rạch là con đường thông thương của Sài Gòn – Chợ Lớn với miền Đông, miền Tây Nam bộ. Ngã ba Nhà Bè nơi sông Đồng Nai gặp sông Sài Gòn hòa dòng đổ ra biển tại Cần Giờ - cửa ngõ cho Sài Gòn vươn ra biển đông. 
Giai đoạn hình thành Bến Nghé – Sài Gòn cũng là giai đọan tụ cư nhanh chóng của những cộng đồng người từ nhiều nơi, nhiều nguồn gốc đến đây. Quá trình khẩn hoang lập ấp, phát triển sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp… lưu dân đã duy trì những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của quê hương làm chỗ dựa tinh thần ở vùng đất mới. Đình, chùa, đền, miếu, hội quán… xây dựng trong khoảng 300 năm nay thể hiện sự đa dạng và hội tụ văn hóa của các cộng đồng cư dân và sinh hoạt tinh thần của người Việt, người Hoa, Khmer, Chăm.
Cũng như nhiều nước Đông Nam Á, kiến trúc thời thuộc địa cuối thế kỷ 19 nửa đầu thế kỳ 20 đã để lại cho Sài Gòn nhiều di sản kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Không những thế những công trình này còn thể hiện vị trí quan trọng của Sài Gòn trong từng giai đoạn lịch sử. Những di sản kiến trúc nằm trong tổng thể quy hoạch Sài Gòn từ một đô thị chính trị - quân sự thành một thương cảng, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa. Những con đường ngang dọc lấy sông Sài Gòn làm chuẩn chia thành phố thành những ô vuông. Trên những đường chính là các công sở, khu buôn bán, khách sạn nhà hàng… Những đường nhỏ là khu cư trú của giới công chức nhân viên, những biệt thự xinh xắn mang vẻ đẹp của kiến trúc cổ điển châu Âu nhưng gần gũi và đã trở nên quen thuộc với người Sài Gòn, rồi những dãy nhà phố, sâu hơn trong hẻm là xóm “nhà lá” của người lao động… Cứ vài ô vuông lại có nhà thờ làm trung tâm sinh hoạt tinh thần. Có thể thấy 3 đỉnh của tam giác trung tâm thành phố chính là 3 nhà thờ: Đức Bà – Tân Định - Huyện Sĩ (thuộc quận 1, quận 3 ngày nay). Đây cũng là 3 khu vực địa hình cao nhất của thành phố, vì vậy xây dựng nhà thờ ở vị trí này là sự kết hợp tuyệt vời giữa hình thức kiến trúc và chức năng tôn giáo của kiến trúc.
Những kiến trúc công sở hay tôn giáo, bên cạnh yếu tố hài hoà, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, phù hợp với đường phố theo quy hoạch, phù hợp với công năng của công trình còn có một đặc điểm đáng chú ý là có nhiều các chi tiết trang trí mang yếu tố của mỹ thuật Việt, Champa, Khơmer… Sự kết hợp giữa kết cấu, kiểu dáng kiến trúc, vật liệu xây dựng, đề tài trang trí, giữa phương Tây và phương Đông – bản địa và ngoại sinh, làm cho các công trình kiến trúc ở Sài Gòn thời thuộc Pháp có một phong cách kiến trúc khá đặc biệt, được gọi là phong cách kiến trúc Đông Dương, thể hiện xu thế “chủ nghĩa văn hoá” của kiến trúc đô thị phương Tây trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 ở nhiều nước châu Á. Cho đến nay những yếu tố về quy hoạch, kiến trúc, đặc trưng, trang trí… của các công trình kiến trúc này vẫn được xem là “chuẩn mực” cho việc quy hoach - xây dựng một thành phố lớn.
Tính đến tháng 4 năm 2010 toàn thành phố có 124 công trình, địa điểm được xếp hạng di tích, trong đó: 1 di tích quốc gia đặc biệt (Dinh Thống Nhất); 53 di tích quốc gia (25 di tích lịch sử, 26 di tích kiến trúc nghệ thuật, 2 di tích khảo cổ), 70 di tích cấp thành phố (29 di tích lịch sử, 41 di tích kiến trúc nghệ thuật). Hệ thống di tích trong cảnh quan chung của một “Sài Gòn xưa” làm nên “bản sắc Sài Gòn”. Nhưng giờ đây “bản sắc Sài Gòn” đang mai một, vì một nghịch lý nhưng lại rất phổ biến ở các thành phố nước ta: những gì đã từng đem lại bản sắc độc đáo cho một Sài Gòn ngày xưa và còn tồn tại đến ngày nay, thì đang dần bị phá hỏng bởi các công trình cao tầng hiện đại có lối kiến trúc và trang trí vô cảm với khung cảnh lịch sử xung quanh. Sài Gòn có nguy cơ là một thành phố không còn ký ức, những thế hệ con người sau này sẽ không có ký ức lịch sử…
Nhưng Sài Gòn không chỉ có “mất đi” mà những năm gần đây thành phố đã mở rộng và cảnh quan thay đổi từng ngày. Kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè “nổi tiếng” kênh đen với những ngôi nhà chênh vênh cọc gỗ che kín mặt nước đọng dày rác rưởi, bây giờ đang được nạo vét, kè bờ, không lâu nữa sẽ là những “con kênh xanh xanh” chảy giữa lòng thành phố, dọc hai bờ kè mát bóng cây xanh, vườn hoa. Một dự án con đường trên cao dọc theo hai con kênh này với hàng chục cây cầu bắc ngang sẽ trở thành “điểm nhấn” cho vùng trung tâm cũ của Sài Gòn. Khu quận Tư bên kia cầu Khánh Hội nổi tiếng “xã hội đen” một thời, giờ có lẽ nhiều người sẽ không nhận ra nơi này. Những xóm nhà lá lụp xụp trong những con hẻm nhỏ chằng chịt hầu như biến mất. Những con đường rộng rãi, những ngôi nhà khang trang đã hiện lên, và gương mặt những con người nơi đây dường như đã bớt đi nhiều vẻ lo toan khắc khổ. Vùng trũng Nhà Bè mênh mông dừa nước đất vàng phèn mặn, giờ nơi này là đại lộ 8 làn xe chạy giữa khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đẹp như mơ! Những làng xóm ruộng vườn phía Gò Vấp, Tân Bình hay Hốc Môn, Củ Chi cũng đã thành phố mới. Tốc độ đô thị hóa ở Sài Gòn khá nhanh, việc quy hoạch thành phố còn chưa theo kịp sự phát triển vì vậy không tránh khỏi sự lộn xộn trong cảnh quan đô thị, việc xây dựng tự phát, sự tùy tiện phát triển các khu dân cư trú xen lẫn thương mại, khu công nghiệp… là rất rõ. Có thể dùng cụm từ “làng trong phố” để hình dung về cảnh quan văn hóa nhiều khu đô thị mới. Nhiều đường phố xưa êm đềm với hàng cây cao cao nay vào giờ tan tầm bỗng biến thành “hẻm nhỏ” bởi nhà cao tầng đã xây kín mặt đường, bởi dòng xe như nước chảy tràn không dứt.
Sài Gòn bây giờ dân số đã hơn 7 triệu dân mà phần lớn là người tứ xứ từ các tỉnh miền Tây lên, miền Trung miền Bắc vào. Sống với Sài Gòn, sống hết mình cùng Sài Gòn ta sẽ nhận ra tấm lòng nặng tình đầy nghĩa bên trong vẻ bộc trực phóng khóang của người Sài Gòn, người Nam bộ. Ba mươi lăm năm sống ở nơi đây liệu tôi có thể nói “Sài Gòn của tôi”? Của tôi, như một quê hương. Của tôi, như một nơi đã cho tôi trưởng thành. Của tôi, như một mối tình nồng nàn mà lặng lẽ thủy chung suốt cả cuộc đời…
“Dù đến rồi đi tôi cũng xin Tạ ơn người…” với Sài Gòn đó là điều mà nhiều người muốn nói.

(Trong tập "Buổi trưa trong quán cà phê" - 2012)

vài phim mới xem: ON THE ROAD



Phim kể lại cuộc hành trình của Sall, một nhà văn trẻ. Những con đường trải dài khắp nước Mỹ suốt bốn mùa xuân hạ thu đông, bụi đường, nắng gắt, tuyết trắng… những người di dân, những cánh đồng bông, những thành phố hối hả sống, những chàng trai cô gái đang thử nghiệm tất cả… Và trên hết là tình bạn kỳ lạ giữa Sall và những người bạn. Họ gắn bó với nhau bằng chuyến đi và những chuyện điên rồ.
Sall vừa đi vừa viết về những trải nghiệm của mình - thế hệ hậu chiến của nước Mỹ với sự “lên ngôi” của nhạc Jazz, thơ, tình dục và ma tuý.
Trong cuộc hành trình dài và phiêu lưu này Sall có người bạn thân đồng hành là Dean, một anh chàng luôn mang lại niềm vui cho bạn bè và là một người hoàn toàn không có khái niệm về trách nhiệm với bất cứ ai, kể cả cô gái anh ta yêu từ khi mới lớn, kể cả vợ và con gái nhỏ mà anh ta vô cùng yêu quý.
Một lần ở Mexico, khi Sall bị ốm nặng, Dean đã quay về Mỹ và bỏ anh lại đó một mình, sau khi lấy đến đồng bạc cuối cùng của Sall. Vài năm sau Dean tìm đến Sall, nhưng giữa hai người đã là một khoảng cách. Dean nói: “Tôi còn chưa nói với cậu việc tôi bỏ cậu lại Mexico…” – “bây giờ không phải lúc, tôi phải đi…”. Sall trả lời và từ biệt Dean.
Có những chuyện giữa bạn bè không bao giờ có thời điểm thích hợp để nói ra, bởi vì chuyện đó lẽ ra không thể xảy ra, bởi vì nếu nó đã xảy ra thì đó là một việc làm không chính trực.
Dù Sall sẽ nhớ mãi câu nói cuối cùng của Dean “cậu mãi mãi là bạn của tôi”, nhưng anh hiểu, tình bạn ấy vĩnh viễn đã mất, chỉ còn ký ức về nó mà thôi.

Trên đường là bộ phim của điện ảnh Brazil, Pháp, Anh, Mỹ hợp tác, do Walter Salles đạo diễn (dựa theo tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Jack Kerouac), tham gia cạnh tranh giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2012.

(9.9.2013)

Tấm Cám (truyện 100 chữ P.1)

Tấm Cám

Nhà có hai chị em. Tấm ngốc nghếch, làm gì cũng hỏi, nhưng chăm chỉ. Cám tinh quái, gì cũng biết làm, nhưng lười. Được cái hai đứa thân nhau, cùng làm việc nhà chu đáo. Bố mẹ rất hài lòng.
Một ngày kia xuất hiện Gạo - cậu con trai cầu tự. Thế là Tấm và Cám ra rìa.
Từ ấy Tấm hay tủi thân, việc gì cũng khóc, còn Cám ngày càng ghê gớm. Nhưng cả hai đứa đều ao ước: Sao mình không phải là Gạo mà chỉ là Tấm, Cám?

(101 truyện 100 chữ)





da ngăm tóc quăn :)





Lâu lâu "lộ diện" là người Việt gốc Miên, "gõ gàng" cái đầu tóc quăn không cần uốn nè :)

VỈA HÈ CỦA QUÁN CÀ PHÊ




Sài Gòn có hàng ngàn quán cà phê lớn nhỏ trong những ngôi biệt thự, nhà phố, chung cư… khác nhau, hợp thành một loại quán “có nhà” khác với quán lề đường, vỉa hè hay cà phê bệt ở công viên. Hầu hết những quán này thuộc 2 loại cà phê sân vườn hoặc quán có máy lạnh, hoặc kết hợp cả hai. Không khí dễ chịu hay không của một quán cà phê thường được tạo nên bởi 3 yếu tố: chủ quán (sở thích, thẩm mỹ, ý tưởng) khách đến quán – không gian (nội, ngoại thất) của quán. Những quán như vậy thường không quá sang trọng, giản dị thôi nhưng trang trí khá bắt mắt, có “gout” riêng tạo nên sức hấp dẫn với nhiều khách hàng. Có những quán dường như không bao giờ đông khách, chủ quán cũng không trông chờ điều đó mà chỉ mong chờ vài người khách “ruột” đến đấy chỉ ngồi yên lặng lắng nghe một bản nhạc jazz hay ngắm một bức tranh. Có những vị khách chỉ thích tìm quán vắng, nghiền ngẫm một cuốn sách hay lặng lẽ lướt web, ngồi cả buổi với ly cà phê đá đã cạn và đã thêm vài ly trà đá… Chủ quán cũng không sốt ruột. Một sự sẻ chia thầm lặng đã kết nối chủ và khách, đó là cà phê hay là gì khác? 

Nhiều quán như vậy ta có thể bắt gặp trên bất cứ con đường nào. Đó là những căn nhà phố dùng mặt tiền mở quán cà phê. Quán không lớn, thậm chí nhỏ thôi, thường có 2 không gian rõ ràng là trong nhà và ngoài vỉa hè, ngăn cách nhau bằng tấm cửa kính mờ. Trong nhà là quầy nước, nơi tính tiền, vài bộ bàn ghế hay salon khác nhau từng quán, máy lạnh mát rượi, nhạc êm dịu, ánh sáng vừa đủ… bên ngoài dưới mái hiên hay dưới mấy cây dù là hai, ba cái bàn, vài cái ghế nép sát cửa nhà
 
Vì sao những quán cà phê này luôn có một phần quán trước cửa nhà như vậy? Có thể trả lời được ngay: là để tận dụng mặt bằng “công cộng” mở cho không gian của quán rộng thêm một chút. Khoảng vỉa hè này, nhà nào buôn bán cũng “lấn chiếm”, khi để xe của khách, khi trưng bày hàng hoá sáng mang ra đến chiều tối lại mang vô. Nhiều nơi còn có gánh hàng rong chiếm cứ. Vậy thì tại sao không tận dụng để bộ bàn ghế, cây dù, vừa thêm chỗ ngồi vừa “tiếp thị” cho người đi đường dễ nhận biết về quán. 

Nhưng có lẽ không chỉ là như vậy. Ngoài vỉa hè có khi nắng sớm nắng chiều chói chang, có khi mưa tạt ướt hết, vậy mà hầu như lúc nào cũng có khách ngồi đây. Ngồi đây quay mặt ra đường, buổi sáng khách thong thả đọc báo và uống cà phê, buổi chiều có thể ngồi đó một mình nhìn ngó đường phố tấp nập hay vắng lặng, trong ngày có khi chỉ ghé qua, dựng vội chiếc xe, kêu một ly cà phê đá, uống nhanh rồi xuống đường đi tiếp. Chủ quán chỉ cần nghe kêu là nhanh chóng phục vụ, có khi mời anh/ chị vô trong nhà mát hơn, khi lại nói anh chị ngồi ngoài này cho thoáng… Vỉa hè trước cửa như không gian mở rộng của từng căn nhà phố. Nó là nơi giao thoa của đường phố và căn nhà, thể hiện cái riêng của từng ngôi nhà trong cái chung của đường phố, của khu vực ấy. Có thể cảm nhận không gian văn hóa riêng – chung của nhà và phố không cắt rời mà linh họat kết nối với nhau bằng khoảng vỉa hè, như người Sài Gòn phóng khóang cởi mở trong giao tiếp mà vẫn tạo ra khỏang riêng tư cho mỗi con người.

Nhiều người nói những quán cà phê mở ra khoảng không gian vỉa hè ở Sài Gòn là tiếp thu từ phong cách cà phê Paris (nói riêng, hay là phong cách cà phê Pháp nói chung). Ngồi đó, nhàn tản ngắm người qua đường và cuộc sống đang diễn ra trước mắt, phiếm đàm về thời cuộc về văn chương… ấy là cà phê Paris của văn nghệ sĩ, của tầng lớp trung và thượng lưu. Dấu ấn ấy, nếu có ở Sài Gòn thì nay còn thấy ở những quán cà phê lâu đời trên đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ… thuộc khu trung tâm thành phố. Còn những vỉa hè của quán cà phê mà tôi kể trên đây có mặt trên các con đường lớn nhỏ ở khắp các quận huyện của thành phố, nó là của phần đông người Sài Gòn luôn năng động nhưng nhiều lúc cũng cần cho mình khoảng lặng bình yên.

Cà phê vỉa hè và vỉa hè của quán cà phê là hai không gian văn hoá cà phê đặc trưng của Sài Gòn. Khi nghe tôi bảo tôi là dân cà phê vỉa hè, bạn nói thì anh cũng hay ngồi cà phê vỉa hè đấy chứ. Tôi cười: vâng, ông ngồi cà phê vỉa hè Hàn Thuyên bàn cao ghế nệm có người phục vụ đeo tạp dề tinh tươm, làm sao sánh được với tôi ghế thấp bàn nhựa, tự phục vụ và có thể… ký sổ nợ thoải mái nếu chưa đến ngày lãnh lương.

Vậy nên viết cái tạp bút này, nếu gửi báo biết đâu có vài đồng nhuận bút để bon chen cà phê Hàn Thuyên với bạn, thử xem mình có thể trở thành “thượng lưu” được chút nào không? Mà thôi, không có nhuận bút thì vẫn đủ tiền rủ bạn ra cà phê vỉa hè, mình cứ là mình là tuyệt nhất, phải không?


160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...