Sài Gòn có hàng ngàn
quán cà phê lớn nhỏ trong những ngôi biệt thự, nhà phố, chung cư… khác nhau,
hợp thành một loại quán “có nhà” khác với quán lề đường, vỉa hè hay cà phê bệt
ở công viên. Hầu hết những quán này thuộc 2 loại cà phê sân vườn hoặc quán có
máy lạnh, hoặc kết hợp cả hai. Không khí dễ chịu hay không của một quán cà phê
thường được tạo nên bởi 3 yếu tố: chủ quán (sở thích, thẩm
mỹ, ý tưởng) – khách đến quán – không gian (nội, ngoại thất) của quán.
Những quán như vậy thường không quá sang trọng, giản dị thôi nhưng trang trí
khá bắt mắt, có “gout” riêng tạo nên sức hấp dẫn
với nhiều khách hàng. Có những quán dường như không bao giờ
đông khách, chủ quán cũng không trông chờ điều đó mà chỉ mong chờ vài người
khách “ruột” đến đấy chỉ ngồi yên lặng lắng nghe một bản nhạc jazz hay ngắm một
bức tranh. Có những vị khách chỉ thích tìm quán vắng, nghiền ngẫm một cuốn sách
hay lặng lẽ lướt web, ngồi cả buổi với ly cà phê đá đã cạn và đã thêm vài ly
trà đá… Chủ quán cũng không sốt ruột. Một sự sẻ chia thầm lặng đã kết nối chủ
và khách, đó là cà phê hay là gì khác?
Nhiều
quán như vậy ta có thể bắt gặp trên bất
cứ con đường nào. Đó
là những căn nhà phố dùng mặt tiền mở
quán cà phê. Quán không lớn, thậm chí nhỏ thôi, thường có 2 không gian rõ ràng
là trong nhà và ngoài vỉa hè, ngăn cách nhau bằng tấm cửa kính mờ. Trong nhà là
quầy nước, nơi tính tiền, vài bộ bàn ghế hay salon khác nhau từng quán, máy
lạnh mát rượi, nhạc êm dịu, ánh sáng vừa đủ… bên ngoài dưới mái hiên hay dưới
mấy cây dù là hai, ba cái bàn, vài cái ghế nép sát cửa nhà
Vì sao những quán cà phê này luôn
có một phần quán trước cửa nhà như vậy? Có thể trả lời được ngay: là để tận dụng
mặt bằng “công cộng” mở cho không gian của quán rộng thêm một chút. Khoảng vỉa
hè này, nhà nào buôn bán cũng “lấn chiếm”, khi để xe của khách, khi trưng bày
hàng hoá sáng mang ra đến chiều tối lại mang vô. Nhiều nơi còn có gánh hàng
rong chiếm cứ. Vậy thì tại sao không tận dụng để bộ bàn ghế, cây dù, vừa thêm
chỗ ngồi vừa “tiếp thị” cho người đi đường dễ nhận biết về quán.
Nhưng có lẽ không
chỉ là như vậy. Ngoài vỉa hè có khi nắng sớm nắng chiều chói chang, có khi mưa tạt
ướt hết, vậy mà hầu như lúc nào cũng có khách ngồi đây. Ngồi đây quay mặt ra đường, buổi sáng khách
thong thả đọc báo và uống cà phê, buổi chiều có thể ngồi đó một mình nhìn ngó đường
phố tấp nập hay vắng lặng, trong ngày có khi chỉ ghé qua, dựng vội chiếc xe,
kêu một ly cà phê đá, uống nhanh rồi xuống đường đi tiếp. Chủ quán chỉ cần nghe kêu là nhanh chóng
phục vụ, có khi mời anh/ chị vô trong nhà mát hơn, khi lại nói anh chị ngồi
ngoài này cho thoáng… Vỉa hè trước cửa như không gian mở rộng của từng căn nhà phố. Nó là nơi giao thoa của đường
phố và căn nhà, thể hiện cái riêng của từng ngôi nhà trong cái chung của đường
phố, của khu vực ấy. Có thể cảm nhận không gian văn hóa riêng – chung của nhà và phố không cắt rời mà linh họat kết nối với
nhau bằng
khoảng vỉa hè, như người
Sài Gòn phóng khóang cởi mở trong giao tiếp mà vẫn tạo ra khỏang riêng tư cho mỗi con người.
Nhiều người nói những quán cà phê mở ra khoảng không gian vỉa hè ở Sài Gòn
là tiếp thu từ phong cách cà phê Paris (nói riêng, hay là phong cách cà phê
Pháp nói chung). Ngồi đó, nhàn tản ngắm người qua đường và cuộc sống đang diễn
ra trước mắt, phiếm đàm về thời cuộc về văn chương… ấy là cà phê Paris của văn
nghệ sĩ, của tầng lớp trung và thượng lưu. Dấu ấn ấy, nếu có ở Sài Gòn thì nay
còn thấy ở những quán cà phê lâu đời trên đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ…
thuộc khu trung tâm thành phố. Còn những vỉa hè của quán cà phê mà tôi kể trên
đây có mặt trên các con đường lớn nhỏ ở khắp các quận huyện của thành phố, nó
là của phần đông người Sài Gòn luôn năng động nhưng nhiều lúc cũng cần cho mình
khoảng lặng bình yên.
Cà phê vỉa hè và vỉa hè của quán cà phê là hai không gian văn hoá cà phê đặc
trưng của Sài Gòn. Khi nghe tôi bảo tôi là dân cà phê vỉa hè, bạn nói thì anh cũng
hay ngồi cà phê vỉa hè đấy chứ. Tôi cười: vâng, ông ngồi cà phê vỉa hè Hàn
Thuyên bàn cao ghế nệm có người phục vụ đeo tạp dề tinh tươm, làm sao sánh được
với tôi ghế thấp bàn nhựa, tự phục vụ và có thể… ký sổ nợ thoải mái nếu chưa đến
ngày lãnh lương.
Vậy nên viết cái tạp bút này, nếu gửi báo biết đâu có vài đồng nhuận bút để bon chen cà
phê Hàn Thuyên với bạn, thử xem mình có thể trở thành “thượng lưu” được chút
nào không? Mà thôi, không có nhuận bút thì vẫn đủ tiền rủ bạn ra cà phê vỉa hè, mình cứ là
mình là tuyệt nhất, phải không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét