Có bốn chiếc đồng hồ treo trên một bức tường



Họ yêu nhau đã lâu nhưng không ở cùng một thành phố. Thỉnh thoảng họ mới có dịp gặp nhau.
Mỗi lần cô đến thăm, anh đều dẫn cô đến cái mall lớn nhất. Tại đó có một nhà hàng nhỏ xinh và món ăn thì rất ngon, mấy người phục vụ đã quen với anh - người khách hay đến đây một mình.

Họ thường chọn chỗ ngồi bên ngoài ngay hành lang rộng, anh và cô có khi gọi 1,2 món ăn nhẹ, hai ly vang đỏ, nhấm nháp và trò chuyện. Hoặc là bữa ăn trưa kiểu địa phương mà gọi món nào anh cũng dặn “ít cay nhé”. Xong bữa trưa thì cũng là chiều, họ lang thang trong cái mall mênh mông cả chục tầng lầu, ngó nghiêng mà chẳng mấy khi mua gì. Anh và cô không có nhu cầu  về “hàng hiệu” như nhiều người thành đạt khác. Họ chỉ cần những bữa ăn đơn giản mà ngon lành và được ngồi bên nhau.

Tiệm ăn trang trí bằng hai màu xám và nâu, đơn giản mà sang trọng. Chỗ cô thường ngồi đối diện với bức tường màu xám có treo bốn chiếc đồng hồ hình tròn màu nâu. Bốn chiếc đồng hồ với bốn giờ khác nhau của thành phố nơi anh ở, của Tokyo, Paris và New York. 

Giữa những phút trò chuyện cô luôn đưa mắt nhìn lên mấy chiếc đồng hồ, đôi lúc thoáng nghĩ, giờ này những người ở đó đang làm gì? Là nửa đêm… “phần lớn mọi người đã ngủ ngon, không nên thức khuya”. Là buổi sáng “nhiều người thức dậy sớm, họ ăn sáng và đi làm, đi học” hay  buổi chiều “khi công việc kết thúc, mọi người trở về nhà. Phụ nữ chuẩn bị bữa ăn tối, sau đó họ xem truyền hình…”. Nhớ lại những câu đơn giản bằng tiếng Anh thuộc lòng từ hồi mới học, cô không khỏi mỉm cười. 

Hầu như trong bữa ăn nào cũng có lúc anh đứng lên đi về phía restroom (và luôn cầm theo điện thoại). Cô lại nhìn chăm chú vào bốn chiếc đồng hồ, và tự hỏi, hình như ở nơi nào đó đang có người chờ một cuộc gọi từ thành phố này? Nơi nào? Ở đó là sáng hay chiều hay tối? Bốn chiếc đồng hồ cứ bình thản tích tắc, kim phút nhích dần, chậm thôi, nhưng đủ để làm cho kim giờ chuyển động theo. Những cuộc điện thoại cũng như chiếc kim phút của đồng hồ, có thể làm thay đổi một cuộc tình dù rất chậm và hầu như không thể nhận ra sự thay đổi đó. Có cuộc điện thoại với người này như sợi dây thắt chặt cuộc tình, nhưng với người khác lại như sợi dây diều, càng dài càng xa và cuối cùng chiếc diều tình yêu mất hút.

Mà biết đâu cô cũng từng nhận được cuộc gọi từ một phút tranh thủ giữa bữa ăn như thế? Sau phút thoáng chạnh lòng, khi anh quay lại cô đã bình thản như không. Nếu không định đi cùng nhau cho đến cuối đường đời thì ích gì mà căn vặn hay hờn giận? Chỉ tình cờ đi cùng một đoạn, hãy nhìn con đường đang đi và cố tránh đoạn đường xấu, không tránh được thì đi vòng qua nó, đừng để vấp té hay sa lầy. Vết thương trên người có thể chữa lành, vết bẩn trên quần áo có thể giặt sạch không còn dấu tích, nhưng để làm biến mất một tổn thương thì không dễ dàng chút nào…

Chỉ có một lần, khi anh quay về bàn ăn với vẻ mặt thảng thốt và tránh nhìn vào đôi mắt đầy dấu hỏi lặng thầm của cô, cô nhẹ nhàng nói: anh à, lần sau trong bữa ăn với bất cứ ai, anh cũng đừng dùng điện thoại nữa nhé!
Anh im lặng gật đầu.
Và cũng từ đó các cuộc gọi của anh cho cô cứ thưa dần… 

Rất lâu sau này, bốn chiếc đồng hồ màu nâu treo trên bức tường màu xám quen thuộc luôn quay về trong giấc mơ của cô. Trong mơ, mấy chiếc kim phút chạy nhanh như ngựa vía, kim giờ hối hả chạy theo, cho đến lúc cả bốn thành phố ở những múi giờ khác nhau đều cùng một giờ, đều là ban ngày hay ban đêm. Mọi người ở nơi đó đang sinh hoạt giống nhau: ăn sáng, đi làm, miệt mài nơi công sở hay yên ấm bên gia đình. Không ai trông chờ điện thoại từ một nơi xa vì lúc đó không phải là thời gian dành cho “những giây phút ngoài vợ ngoài chồng” mà hình như ít nhiều mỗi người đều có…
Khi tỉnh giấc cô luôn thấy lòng bình yên, trong khoảnh khắc chỉ là mơ ấy anh đã thuộc về cô, trọn vẹn!
***
Mươi năm trôi qua… Trên tường nhà cô cũng treo bốn chiếc đồng hồ có giờ của bốn thành phố, là nơi cô sống và Tokyo, Paris và New York. Các con cô hay nói: phòng khách nhà mình giống như nơi tiếp tân của khách sạn. Còn chồng cô thì bảo: Từ lâu rồi có đi đâu cũng chỉ nhớ giờ ở nhà mình thôi! 

Cô vẫn hay nhìn lên bốn chiếc đồng hồ treo trên tường, giữa bốn múi giờ khác nhau ấy là khoảng không gian xa xôi. Thật ra đồng hồ chỉ là chiếc máy đếm thời gian, còn không gian xa gần là do con người quyết định. Khoảng cách khi tính bằng dặm bằng kilomet thậm chí bằng năm ánh sáng thì vẫn còn đo đếm được nhưng khoảng cách do chiếc điện thoại gây ra có khi là vô tận… 
Cũng may, từ nhiều năm trước anh đã kịp hiểu ra điều đó.

Truyện ngắn, Nguyễn Thị Hậu
(báo Phụ nữ TPHCM ngày 21/8/2016)

 Hình ảnh có liên quan

KỂ CÔNG




Nguyễn Thị Hậu

Trên các phương tiện truyền thông của nhà nước thường nhận thấy một hiện tượng là, bất cứ khi nói về một công trình dân sinh nào được xây dựng, một việc làm phục vụ tốt cho dân, thì luôn có ngưới dân phát biểu ý kiến mở đầu bằng câu “nhờ ơn Đảng ơn chính quyền…”, và chính tác giả bài báo, phóng sự cũng viết “nhờ sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, sự nhiệt tình giải quyết của lãnh đạo địa phương…”. Đặc biệt đối với những vùng sâu vùng xa, nơi nghèo khó thì điều này lại càng được nhấn mạnh!

Nghe riết thành quen mà vẫn không sao thoát khỏi cảm giác gờn gợn: tại sao và từ khi nào mà nhiệm vụ chức năng của chính quyền là phục vụ người dân lại trở thành “ơn trên mưa móc” như vậy? 

Từ đường lối phát triển vĩ mô đến việc vi mô là giải quyết các vấn đề dân sinh, an sinh đều là trách nhiệm của nhà nước. Không chỉ đề ra đường hướng và tập hợp các nguồn lực từ nhà nước, tư nhân hay cộng đồng mà phần nhiều hạ tầng cơ sở và công trình công cộng đều do nhà nước phải đảm trách, vì tính chất phục vụ quốc gia hoặc liên vùng của những công trình này. Những nơi nghèo đói là nơi nhà nước càng cần phải làm mọi việc cụ thể sao cho dân bớt nghèo bớt khổ. Một con đường, một cây cầu, một trạm xá một trường học… là những cơ sở tối thiểu mà chính quyền phải cung cấp cho người dân. Ấy vậy mà có khi các nhóm thiện nguyện hay người dân đóng góp tiền bạc công sức làm đường xây trường vẫn phải xin phép chính quyền, và ngày khánh thành không thể không có mặt các vị lãnh đạo và vài lời “kể công” về sự “quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ”! 

Cũng vậy, việc đền ơn  đáp nghĩa là đạo lý ngàn đời của dân ta. Nhưng “của cho không bằng cách cho”, một ngôi nhà đơn sơ mà gắn tấm bảng “nhà tình nghĩa, nhà tình thương” nghe như lời nhắc nhở phải “nhớ ơn”, hơn thế, còn là một gánh nặng hơn nhiều lần! Bởi vì, cũng là đạo lý của dân ta “của biếu là của lo, của cho là của nợ”!

Khi người dân nói lên sự cảm kích của mình thì nhà nước mà người đại diện là chính quyền cũng không thể mặc nhiên chấp nhận “lòng biết ơn” đó. Ngược lại, cần phải nhận lỗi vì đã để tình trạng tồi tệ xảy ra, hoặc vì không giải quyết kịp thời, hoặc đã không lường trước được những hậu quả xấu thì trách nhiệm đầu tiên vẫn là của chính quyền. Cho nên kịp thời sửa sai là trách nhiệm và đạo đức của chính quyền, nhân dân có quyền đòi hỏi điều đó. Bởi vì nhà nước sinh ra để làm gì nếu như không mang lại cuộc sống yên ổn và đầy đủ cho nhân dân?! 

Ngược lại với sự “kể công” phổ biến thì việc các “công bộc” thời nay cần phải biết ơn người dân hầu như lại là một khái niệm xa lạ!
Thời chiến tranh, giữa cái sống cái chết cách nhau gang tấc, có khi sinh mạng một người cộng sản phải đổi bằng sinh mạng hàng chục người dân, lúc đó người ta biết ơn những người cứu mạng cho mình. Nay, có được chức này tước kia ít người nghĩ rằng mình đang mang gánh nặng là phải trả ơn sự hy sinh của nhân dân, mà chỉ coi địa vị là quyền lợi của mình và gia đình, hơn nữa, còn cho đó là đặc quyền đặc lợi. 

Có quyền trong tay nên gây thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng, tham nhũng hàng ngàn tỷ, tham ô cỡ hàng trăm triệu có lẽ tính không hết! Mức độ lãng phí đi cùng với tham nhũng ngày càng trầm trọng, không cần che dấu lén lút mà công khai: những công trình, công ty ngàn tỷ mà khi quyết định xây dựng hay phế bỏ các vị “công bộc” coi như “tiền chùa”. Hầu hết đó là những doanh nghiệp nhà nước, công sở, tượng đài, cầu đường… vừa xây xong chỉ thời gian ngắn thì hư hỏng hoặc sử dụng không hiệu quả. Lãng phí, tham nhũng và vô trách nhiệm phải coi là một trọng tội, bởi vì nó tàn phá đất nước, tiêu diệt lòng tin của con người và sự tử tế trong xã hội.

 Những người biết suy nghĩ đều nhớ lời dạy của tiền nhân “Làm ơn thì đừng nên nhắc, chịu ơn thì chớ nên quên”. Nhưng có lẽ đối với các vị “công bộc” đang phung phí tài sản thiên nhiên và nhân tạo của quốc gia, tiêu xài vô tội vạ từng đồng tiền thuế đổi bằng mồ hôi nước mắt của người dân, tham nhũng tích lũy của cải cho bản thân, gia đình và phe cánh, cần thiết phải đóng một tấm bảng đồng lên mỗi ngôi nhà và dựng bia đá tại các công trình mà họ đang ngự trị “ĐÂY LÀ NHÀ Ở, CÔNG TRÌNH CÓ ĐƯỢC TỪ MÁU CỦA NHÂN DÂN”.

Hàng ngày nhìn thấy lời nhắc nhở như vậy may ra “công bộc”  mới thấy hết những món nợ rất lớn của họ đối với nhân dân.

 THỚI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN 18/8/2016


ĐẠI KHÁI NÓI CHUNG LÀ TƯƠNG ĐỐI


Nguyễn Thị Hậu
Không khó để đọc hoặc nghe thấy lời đánh giá, nhận xét bằng những từ này. Nó phổ biến đến mức ghép các từ lại cũng thành một câu như “trạng từ” chỉ tình trạng hay tính chất của sự việc, hành động, thậm chí là tính cách của một con người. Thử tìm hiểu thì biết một số nghĩa như:
ĐẠI KHÁI: chỉ trên những nét lớn, nét khái quát, không đi sâu vào chi tiết, cụ thể.
biết đại khái, đại khái câu chuyện chỉ có thế.
Là lối làm việc chỉ chú ý những cái chung chung, thiếu đi sâu vào những cái cụ thể
làm đại khái thôi!
Đồng nghĩa: đại loại, đại thể, phiên phiến
Khẩu ngữ: qua loa đại khái
NÓI CHUNG: nói một cách bao quát, không tính đến cái có tính chất cá biệt, bộ phận: tình hình nói chung là tốt; công việc nói chung có tiến triển…
Đồng nghĩa: nhìn chung
TƯƠNG ĐỐI: ở một mức nào đó, trong quan hệ so sánh với những cái khác cùng loại: kết quả tương đối tốt, kinh tế tương đối phát triển…có nghĩa ở mức đại khái trên trung bình, có thể tạm hài lòng: hình thức trông cũng tương đối…
Đại khái, nói chung, tương đối không mang tính định lượng mà là định tính bởi không cụ thể, cảm quan, lưng chừng, không khẳng định… kiểu nhận xét NÓI CHUNG như vậy không làm mất lòng ai, dễ làm vừa lòng người nghe dù có thể hiểu là không khen, đồng thời khi đánh giá TƯƠNG ĐỐI thì nhận xét đó có thể là ĐẠI KHÁI, như vậy người ta có thể dễ lẩn tránh trách nhiệm của mình.
Vì sao người ta thường bằng lòng với kiểu đánh giá này, cả từ hai phía?
Cứ theo sự giải nghĩa những từ ngữ này thì cần nhìn từ hai phía.
Hoặc bản thân sự việc hiện tượng đã thể hiện sự qua loa, không cụ thể, không đạt một chuẩn mực nào cả, không có kết quả như lẽ ra nó phải đạt.
Hoặc là thể hiện thái độ của người nhận xét một cách qua loa đại khái vì không hiểu biết cụ thể, sự hai mặt của nhận xét khi không khẳng định khen, chê, phê phán hay khuyến khích, muốn hiểu thế nào cũng được.
Nhưng cả hai bên đều bằng lòng với sự mù mờ không rõ ràng, thậm chí là giả dối.
Tất nhiên, bản thân những từ này không mang nghĩa tiêu cực hay tích cực, vì vẫn có những hiện tượng sự việc có tính chất mức độ như vậy. Nhưng khi nó phổ biến và được coi là “cần thiết” của sự đánh giá thì nhận xét không còn khách quan. Có thể thấy nguyên nhân xuất phát từ sự vô trách nhiệm. Nhân cách con người xã hội luôn gắn liền với trách nhiệm đối với chính mình và với cộng đồng. Người ta thường lo mất uy tín nhưng không coi trọng tinh thần trách nhiệm.
Có thể nhìn thấy vô số những ví dụ từ đời thường đến “chính sự” được đánh giá, nhận xét như vậy, cả bằng lời nói và văn bản, cho thấy tính đại khái, sự nửa vời và giả dối đã trở thành phổ biến trong xã hội. Bởi vì sự nửa vời dễ làm người ta hài lòng với những cái gì mình có, tự biện minh cho những yếu kém và ngại thay đổi, do đó người ta dễ dàng thỏa hiệp để có sự “ổn định”. Nhưng cứ mãi “ổn định” thì sẽ là trì trệ, lạc hậu.
Cũng như vận hành máy móc. Khi nhìn thấy những dấu hiệu trục trặc đầu tiên, hư hỏng nhẹ, đáng lẽ phải tìm ngay cách thức khắc phục thì nhiều người tự nhủ, máy vẫn chạy được, không sao, rồi đâu vào đấy. Đến khi dấu hiệu mang tính nguy cơ cũng chưa vội tìm hiểu hỏng cái gì và khắc phục như thế nào, mà lại đi tìm “đứa nào làm hỏng” vì cho rằng nhất định phải có một ai đó phá hoại thì máy mới hỏng; không nghĩ rằng, sự vận hành sai và không bảo trì máy thường xuyên chính là nguyên nhân đầu tiên. Tức là luôn đi tìm nguyên nhân khách quan mà ít khi tìm nguyên nhân từ phía chủ quan. Nếu có cũng là những nguyên nhân không thể quy trách nhiệm cụ thể cho ai!
Tiếc rằng, khi chưa tìm được cái đứa làm hỏng thì máy đã ngừng chạy hoặc cho ra đời những phế phẩm! Lúc đó thì đã muộn, nếu chữa được thì máy giảm tuổi thọ, chất lượng sản phẩm giảm, nhưng hầu hết máy phải “đắp chiếu”. “Cái xảy nảy cái ung” từ thói qua loa đại khái sau đó đổ thừa không dám chịu trách nhiệm.
Nhưng có vẻ như tính cách này đang phổ biến trong mọi mặt đời sống xã hội. Dần dần nó trở thành căn bệnh trầm kha và tạo thành nhân cách con người. Thói tùy tiện vô trách nhiệm có thể không làm chết người ngay lập tức nhưng nó tạo ra các phế phẩm gây hại cho con người và lãng phí cho xã hội. Khi sản phẩm là chính con người thì xã hội không có chuẩn mực, luật pháp tùy tiện, cản trở sự phát triển.
“Đại khái nói chung là tương đối” không chỉ là một cách nói mà là một cách làm, nó thể hiện tính cách lười biếng, tùy tiện và không có ý thức công dân. Mỗi người chỉ cần làm đúng công việc và làm hết trách nhiệm của mình, khi đó xã hội sẽ như guồng máy được vận hành đúng quy trình, giảm thiểu hư hỏng và giữ được độ bền máy móc.
Hãy dạy con trẻ làm “đến nơi đến chốn” vì đó là kỹ năng, tính cách và đạo đức cần thiết đầu tiên của một con người. “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” ngay từ điều này chứ không phải từ lý tưởng xa vời.
TBKTSG 11/8/2016


Vụn vặt đời thường (120)


@ Đăng ký thương hiệu Bún Bò Huế thì nên đăng ký với Bò chứ không phải với Huế. 

@ Hoa hậu KD không nên hút thuốc lá, uống rượu dù không có luật lệ nào ngăn cấm, vì là "người của công chúng" cô dễ bị soi và sẽ bất lợi nếu hành xử vô ý bất cẩn.
Nhưng quăng hình cô lên mạng, miệt thị cô, xử phạt cô bằng hình thức "cấm xuất hiện" thì thật sự cái "vương miện" ấy cũng chả có giá trị gì trong mắt các vị có chức có quyền và có vẻ như có học! 

@ Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh chiến thắng đầu tiên là do công sức và ý chí của chính anh, các thể loại cơ quan quản lý xin đừng vội nhận công đầu - còn chưa nói đến việc thủ tục kiểu gì mà hai lần súng của anh bị thất lạc?! Nhưng có khi thế lại may, nhờ 
Nhân đây xin báo chí đừng bỗ bã dơ dáy khi giật tít tin bài về HXV, đùa có chỗ có nơi không phải nơi nào cũng đem đầu óc bịnh hoạn của mình ra mà khoe, các anh chị ạ!

@ Nhiều bạn FB cứ dẫn những tin cũ sì từ đời ông cố hỉ mà làm như tin mới, thế là nhiều bạn khác lại sôi lên sùng sục. Đọc TIN thì ít nhất phải xem cái NGÀY của nó chứ !

@ Phim hành động của Mỹ đoạn cuối cũng giống cải lương nhỉ: phải "ca 6 câu" xong rồi mới Bùm cho kẻ thù một phát mới hết chuyện 

LỜI THỀ CÁ TRÊ

Người Việt có một số thành ngữ và sự tích liên quan đến cá trê, như truyện Trê Cóc chẳng hạn.
Câu chuyện không chỉ là việc Trê tranh giành với Cóc để nhận đám nòng nọc là con mà nó còn cho biết, từ thời xưa tìm người lo lót chạy tội giúp mình cũng phải là cùng loài cùng giống: Trê thì nhờ Ngạnh còn Cóc phải cậy Nhái. Mà quan lại thời ấy xử việc cũng đại khái, nhìn qua thấy nòng nọc giống Trê thì xử cho Trê. Nhưng dù sao đã kịp thời “sửa sai” khi đàn nòng nọc đứt đuôi, dân Cóc được minh oan, chả được đền bù gì nhưng may không bị mất con. Còn Trê thì mang tiếng xấu là tham lam nhận xằng, nếu theo luật bây giờ mà xét thì phạm tội “bắt cóc trẻ con”.
Nhưng loài trê còn nổi tiếng hơn trong câu thành ngữ “thề cá trê chui ống”. Sao không phải loài cá khác mà là cá trê? Chắc hẳn vì loài trê da trơn tuồn tuột, sống chui rúc dưới tầng đáy nước toàn bùn bẩn, lại còn có ngạch cứng chống trả nên nếu thấy chúng đã chui vào ống mà tưởng chắc ăn thì lầm, bởi vì chúng đã dễ dàng tuột ra! Vì vậy đã được nhân cách hóa để chỉ những người khôn lỏi, hay thủ lợi bằng việc làm mờ ám, không biết giữ tín nghĩa, biết cách trốn thoát trách nhiệm và tội lỗi.
“Thề cá trên chui ống” là lời nói, lời hứa, lời thề nói ra cho có, nói ngay để cố tạo niềm tin nơi người nghe. Nhưng chính vì sự “trơn tuột” của lời nói, thái độ không chân thành mà lời thề ấy chẳng được ai tin. Người ta không tin vì những lời thề thốt quá dễ dàng, là những lời đao to búa lớn chẳng có gì thiết thực, và quan trọng nhất, người ta không tin vì người thề đã từng từng tráo trở, thất hứa, đã từng có việc làm không như lời nói.
***
Lời hứa, lời thề, lời tuyên thệ thể hiện mức độ khác nhau nhưng đều là sự tín nghĩa của con người, nhất là người có trọng trách. Tuy rằng “lời nói gió bay” nhưng lời thề lại có một sức nặng vô hình, người đã thề thì phải “giữ lời” tức là phải mang theo mình sức nặng của lời thề ấy và chỉ có thể vơi nhẹ khi lời thề không bị phản bội, khi lời thề được biến thành hiện thực, và cũng có lời thề được hóa giải bởi sự thấu hiểu khoan dung.
Không phải tự nhiên mà khi thề thốt người ta thường lấy những gì vĩnh cửu siêu nhiên để làm chứng nhân cho sự tín nghĩa của mình. Là vật chất như “sông cạn núi mòn”, cột đá linh thiêng, là tinh thần như như Trời, Chúa, Phật hay các đấng thần linh… Tất cả nhằm thể hiện sự quyết tâm nhưng cũng tiềm ẩn sự trừng phạt nếu lời thề bị phản bội. Người bình dân thì cụ thể hơn, người ta lấy cả sinh mạng bản thân, sinh mạng người thân làm “bảo chứng” như sẽ bị “trời đánh”, “xe đụng”… tức là hậu quả không an toàn tính mạng nếu nuốt lời. Chẳng ai lấy những gì chỉ là tạm thời, theo quy luật sẽ không tồn tại lâu dài như gió cuốn mây bay nắng sớm mưa chiều làm bảo chứng cho lời thề của mình!
Tin hay không tin vào lời thề còn tùy thuộc vào mối quan hệ giữa hai bên. Từ việc giữ lời hứa nho nhỏ đến việc thực hiện lời thề to to không phải tự nhiên mà thành. Nó là một quá trình giống như xây một ngôi nhà, từ thấp lên cao, từ xây thô đơn giản đến nội thất phức tạp… Việc nhỏ không xong sao làm được việc lớn, tin vào lời thề chính là tin tưởng vào nhân cách người thề.
Tuy nhiên đã có những lời thề “để gió cuốn đi” nên lòng tin của con người với nhau ngày càng trở thành của hiếm! Sơ sẩy một lần còn có thể bỏ qua, hai lần có thể tha thứ, nhưng lần thứ ba thì là sự bất tín. Đã bất tín lại còn biện minh, ngụy biện hay tệ hại hơn là lấp liếm bao che… thì đó là tội ác. Tội ác lớn nhất là làm mất niềm tin ở con người – thứ duy nhất mà khi sở hữu con người trở nên tử tế.
Ngẫm ra trên đời này thời nào ở đâu cũng những lời “thề cá trê chui ống”. Chừng nào còn loại người chỉ biết lợi lộc cho mình và phe cánh thì sẽ còn không ít những “lời thề cá trê”. Và để bảo vệ những “cá trê” thì loài “cá ngạnh” sẵn sàng bức hại dân đen như vợ chồng nhà Cóc,đồng thời còn tạo ra những “cái ống” để loài trê dễ dàng thoát tội.
“Một sự bất tín vạn sự bất tin”, luôn nhớ để mà tạo dựng sự tin tưởng từ việc làm nhỏ nhất chứ không chỉ từ những lời thề thốt.
TBKTSG 4.8.2016

Kết quả hình ảnh cho trê cóc

Vụn vặt đời thường (119)

@ Bây giờ "tin tặc" không phải để chỉ hacker mà để chỉ những người làm tin dối trá!
Không lẽ lại phải dùng từ này đặt tên cho một nơi?!

@ "Công dân hạng ba tuyệt đối không thể sinh ra chính phủ hạng nhất. Nhưng một chính phủ hạng ba hoàn toàn có thể có những công dân hạng nhất... Chúng ta phải bắt đầu từng chút từ bản thân mình”.

@ “Tìm người tài chứ không tìm người nhà” – câu nói của tân Thủ tướng (vừa được quốc hội khóa 14 bầu lại) rồi dây cũng sẽ được nhắc lại như câu nói của cựu Thủ tường “ráng làm người tử tế”.
Cả hai câu đều không sai, vì thiếu / không làm được điều gì người ta sẽ nói nhiều đến điều đó.
Chợt nhận ra vì sao trong thành ngữ tục ngữ ca dao của người Việt có quá nhiều câu khuyên bảo về những điều hay lẽ phải.


@ Bolero được người miền Nam/ Nam bộ yêu thích vì nhiều lý do, nhưng theo tôi là vì Bolero chỉ có thể đơn ca hoặc có vài bài song ca nam nữ, chứ không thể hát "tập thể" (tốp ca đồng ca) như loại nhạc khác, kể cả khi đi karaoke :)
Bolero là tâm trạng cá nhân chứ không phải tinh thần của đám đông :D


@ Người Trung quốc xấu xí - Bách Dương:

NHỚ XE ĐẠP MINI

http://plo.vn/thi-dan/nho-xe-dap-mini-643938.html

Bây giờ trên đường phố Sài Gòn hiếm khi nhìn thấy chiếc xe đạp mini.
Khoảng những năm 1970 – 1980 là thời hoàng kim của xe đạp mini và kiểu áo dài mini. Thời ấy nữ sinh thường mặc áo dài trắng, tà hẹp và ngắn khoảng ngang đầu gối, quần ống rộng và đi xe đạp mini, đó là một hình ảnh quen thuộc và rất đẹp của Sài Gòn.
Quả thật, xe đạp mini rất hợp với các thiếu nữ mái tóc thề ngang lưng và tà áo dài bay bay trong gió. Áo dài không ôm sát mà xẻ eo cao hơn lưng quần, khi ngồi xe không cần lót tà xuống yên xe cho kín đáo, tà áo buông thả nhưng không lo bị quấn vào bánh xe, nhờ vậy hai tà áo cứ lượn lờ, thi thoảng hé lộ chút eo thon hay khoảng lưng mịn màng… Sáng sớm hay chiều tà, trên đường có những nàng thiếu nữ thong thả đạp xe phía trước, thế nào cũng có chàng trai theo sau, chưa kể nhiều người đi qua còn ngoái lại nhìn…
Nếu chiếc áo dài mini với hai tà ngắn và hẹp, cổ áo thấp, tay lửng tạo nên sự thoải mái và năng động cho các nàng thì khi mặc với kiểu quần tây ống loe rộng, dài phủ đôi guốc cao, đạp xe mini lại tạo nên vẻ dịu dàng đằm thắm. Chiếc xe mini vành bánh nhỏ, yên xe và tay lái khá cao tạo sự thoải mái cho người đi xe, ngồi trên xe thì lưng thẳng chân dài… Nếu khi đi bộ “Em không dám đi mau, ngại chàng chê hấp tấp, số gian nan không giàu” thì đi xe mini cũng ít cô nào vội vàng. Cứ từ từ thong thả vòng bánh xe quay cùng lá me bay, chiếc giỏ xe phía trước là cặp sách, có khi có chiếc nón vải gấp lại gọn gàng. “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng” làm rối lòng không biết bao nhiêu chàng trai mỗi khi hè tới. Ai mà bồ bịch chở nhau bằng xe mini tình cảm hết biết: nàng ngồi phía sau “miệng cười khúc khích trên lưng” chàng, tay ôm hờ eo chàng. Còn chàng, một tay lái xe một tay nắm tay nàng… Đi xe mini an toàn, có chuyện gì thì chàng chống hai chân xuống đất chẳng lo té ngã.
Ở miền Bắc trước năm 1975 hoàn toàn không có xe đạp mini, thỉnh thoảng trên phố thấy có chiếc xe đạp thiếu nhi Liên xô dân quen gọi là xe “pơ giô con vịt”. Sau 1975 xe mini ra Bắc không nhiều, hình ảnh các anh bộ đội đi tàu Thống Nhất vác theo cái khung xe đạp buộc con búp bê nhắm mở mắt quen thuộc gần chục năm sau chiến tranh. Còn ở Sài Gòn mặc dù có xe mini Nhật nhưng phần lớn xe đạp đều do nhà máy ở bên khu Khánh Hội sản xuất, với những nhãn hiệu quen thuộc như LUX, MOTOBECANE… Xe đạp mini thường có màu đỏ, màu trắng rất hợp với đồng phục học sinh. Hầu như mỗi nhà đều có một, hai chiếc xe mini cho con đi học. Nhà khá giả thì có xe gắn máy nhưng học sinh trung học rất ít người dùng, phần lớn người đi xe gắn máy là người đã đi làm hay sinh viên.
Cho đến những năm 1990 xe máy ít dần, xăng dầu khan hiếm, xe đạp càng trở nên phổ biến nhiều loại xe lớn, xe mini không được ưa chuộng như trước. Lúc này ai cũng vất vả làm ăn, đi xe lớn nhanh hơn, chở được nhiều hơn. Một chiếc xe đạp gắn thêm ghế nhỏ phía trước là chở được “cả hộ khẩu” trên xe, gồm vợ chồng và một, hai đứa con. Chiếc xe đạp lúc đó cũng như một gia tài chứ không chỉ là phương tiện bình thường.
Rồi đến lúc xe máy Trung quốc ồ ạt tràn vào, “đánh bạt” xe Dream Thái xe Daelim Hàn, xe cup “nghĩa địa” Nhật… Các loại xe đạp cũ biến mất. Sài Gòn có xe đạp Martin 107, lúc đầu lắp ráp xe lớn nhưng sau có thêm xe mini. Sau khi nhà nước quy định học sinh trung học chưa đủ tuổi đi xe máy thì thị trường xe đạp sôi động hơn, nhưng cũng ít người chuộng xe mini như trước.
Bây giờ trên đường thành phố là xe hơi xe máy, vội vã ồn ào chen chúc… Đâu ai thích đi xe đạp nữa? Áo dài mới được hồi sinh nhưng hoặc là kiểu cổ điển sang trọng hoặc “cách tân” ngắn ngủn cứng đơ. Cả hai kiểu đều không thích hợp với chiếc xe đạp mini giản dị, năng động mà dịu dàng. Hình ảnh “tà áo em bay bay trên phố ” chỉ còn là ký ức…
Sài Gòn 27.7.2016
Nguyễn Thị Hậu

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...