RƯNG RƯNG NHỚ “MIỀN NƯỚC NỔI”

Nguyễn Thị Hậu

Sau nhiều năm nước về muộn, năm nay từ giữa tháng chín nước đã về miền Tây, tuy không cao nhưng người dân vui mừng đón mùa nước nổi. Nước lên từ từ, cá đồng có thời gian sinh trưởng, nguồn sống của người miền Tây dồi dào hơn, đồng thời cũng phải đỡ vất vả “chạy lũ” như những năm nước về đột ngột với lưu lượng lớn.

Mấy bữa trước bạn gọi điện: “nhà mới tát đìa, cá rô cá trê nhiều quá trời, làm sao gởi lên cho chị được? Gởi chị thì gởi cả thùng chớ 1,2 kg ai nhận? Dưới này cá đồng có vài chục ngàn một ký, trên Sài Gòn nghe nói tới mấy trăm? Hay chị ở nhà đi, em gởi cá lên chị bỏ mối cũng kiếm bạc triệu mỗi ngày!”. Tôi cười, trời ơi tui mà biết buôn bán thì đâu có chờ tới giờ này?

Vậy mà bữa qua bạn đã nhắn: em gửi chị thùng cá theo xe đò đó, họ sẽ mang tời tận nhà nhen! Chưa kịp nhắn lại thì thùng cá đã tới cửa. Một thùng xốp bự nặng đến chục ký, cuốn băng keo chắc chắn như đi vòng quanh thế giới. Mở thùng ra thì nào cá linh, cá rô, ba khía, chuột đồng… còn tươi bọc trong bịch xốp giữa lớp nước đá, nào bông súng còn nguyên những nụ tím hồng, đọt nhãn lồng màu xanh tươi xếp đầy phía trên…

Như sợ tôi không nhớ cách nấu nướng, bạn còn dặn: chị nấu canh chua cá linh bông súng, cá rô kho tộ ăn với đọt nhãn lồng luộc sơ. Ba khía nhớ ướp ớt tỏi đường chút dấm với bột nêm, mai mốt ăn với cơm nóng cơm nguội đều ngon. Chuột đồng ướp gia vị rồi rôti, bây giờ về miền Tây cũng ít nơi còn đặc sản này…

Cả một trời hương vị miền Tây mùa nước nổi ùa về, bỗng rưng rưng nỗi nhớ quê nhà…

***

Nhiều năm trước năm nào tôi cũng về quê vào mùa nước nổi. Có năm từ bến xe về nhà theo đường lộ mà nước ngập hơn nửa bánh xe máy, có năm phải đi đò theo con rạch mới hồi mùa nắng còn cạn trơ đáy, giờ nước đã ngấp nghe mặt cầu ván. Nhà có đám giỗ, đám cưới hay tiệc tùng vào mùa này thì cực nhưng mà vui. Sông rạch nước ngập cá tôm đầy chợ, tươi chong, rau đồng mơn mởn nhiều loại tươi tốt vào mùa này như bông điên điển, hẹ nước, bông súng, bông sen, sầu đâu, đọt choại, bồn bồn… Hồi đó đám tiệc ở quê còn do nhà tự nấu, chưa đặt dịch vụ như bây giờ. Sáng sớm lội nước ra chợ mua thức ăn, các sạp hàng có khi nổi lềnh bềnh trên mặt nước, người bán người mua luôn hít hà chắt lưỡi không phải vì thức ăn đắt hiếm, mà vì quá nhiều quá ngon mà lại rẻ rề. Đám tiệc hay bữa ăn gia đình cũng dễ dàng chế biến được những đặc sản.

 Đám giỗ ông ngoại tôi vào tháng chín âm lịch. Người lớn kể rằng ông mất vào mùa nước lớn, gia đình và bà con lối xóm lội nước đưa ông ra đồng. Từ đó năm nào ngày giỗ ông cũng lấy nước năm đó để mà so sánh, năm nay nước hơn hay kém…  Xong ngày chánh giỗ đãi đằng bà con, ngày “hậu thường” chỉ còn người nhà, thế nào mấy dì mấy mợ cũng làm nồi lẩu mắm “ăn đỡ ngán”, dù từ mấy ngày trước phụ nữ trong nhà đã phải lo lắng và luôn tay chuẩn bị mọi thứ từ nồi xoong chén đĩa, bàn ghế đến các mòn dưa chua, củ kiệu, có năm còn gói bánh tét bánh ít, làm bánh ngọt… có ai ăn uống được gì đâu. Chỉ cần mua mớ tép mớ cá linh, một rổ gần chục loại rau đồng tươi mướt về là có ngay nồi lẩu mắm ngon lành, có khi còn đổ bánh xèo, món khoái khẩu những ngày mưa se lạnh. Trời ơi là ngon! Bảo sao cứ đến mùa nước nổi là người miền Tây lại cồn cào nỗi nhớ. Ai cũng nói, nhớ nhà bắt đầu từ nỗi thèm những món ăn dân dã quen thuộc, bởi đó là cánh đồng, dòng sông, là mùa nắng mùa mưa chốn quê nhà.

***

Mùa nước nổi mang theo phù sa làm tươi mới những cánh đồng, mang về sông rạch bao nhiêu cá tôm cua ốc… Cuộc sống ở đồng bằng sinh động hẳn lên. Khi nước "nhảy" khỏi bờ là lúc người dân dùng nhiều loại ngư cụ như giăng câu, thả lưới, đặt lờ, lọp, dớn… để khai thác thủy sản trên những cánh đồng mênh mông nước. Dân mưu sinh bằng việc đánh bắt cá tôm và nhiều sản vật tự nhiên, tuy cực nhưng bù lại có miếng ăn miếng để, có đồng ra đồng vô, nên thật ra mùa nước nổi không phải là mùa đói kém. Tuy nhiên, trước hết phải có một ngôi nhà chắc chắn, rồi một chiếc xuồng với những dụng cụ đơn sơ là có thể “sống khỏe”. Nhiều nơi ở miền Tây phổ biến chiếc xuồng “năm quăng” làm từ gỗ tạp, chỉ dùng một mùa nước là quăng bỏ, các xưởng ghe xuồng làm ra bán rất chạy vào mùa nước nổi, vì phù hợp với túi tiền của nhiều người.

Khoảng hai mươi năm trước khái niệm “sống chung với lũ” xuất hiện trên truyền thông với ám ảnh tiêu cực. Nhưng có ở miền Tây mới biết, người miền Tây không chỉ nhìn thấy những thiệt hại trong ‘mùa lũ” bởi họ hiểu đó là quy luật của tự nhiên. Thích nghi với mùa nắng mùa mưa, tận dụng mùa nước nổi mang lại nguồn lợi, đó là lối sống “thuận thiên” của cư dân đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành từ hàng trăm năm qua.

 TC DU LỊCH TPHCM, 10.2022





 

 

 

 

 

BẢO TỒN KHÔNG GIAN VĂN HÓA HẺM SÀI GÒN

 https://nld.com.vn/ban-doc/chuyen-hem-va-quy-hoach-mo-rong-hem-bao-ton-khong-gian-van-hoa-hem-20221012215121688.htm?fbclid=IwAR39PsHX3TFPsizTktycXI2ac426SW6wqsXA40vfunkg8QpATKxW-P9dmgs

1.

TP. Hồ Chí Minh có hàng trăm con đường mặt tiền sôi động suốt ngày đêm,  thể hiện nhịp sống khẩn trương không một phút giây ngừng lặng của đô thị lớn nhất nước. Và cũng như tất cả những thành phố khác trên thế giới, phía sau những con đường là hàng ngàn ngõ hẻm, đan nhau như mạng nhện, cài nhau như chân rết… tạo thành không gian sống tương đối tĩnh của hàng triệu cư dân. Nhiều năm trước, một nghiên cứu về “Hẻm phố Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh” đã phân loại hẻm theo điều kiện sống: hẻm có điều kiện sống tốt, trung bình và chưa tốt. Nhưng bằng sự hiểu biết của người dân sống ở đây, hay bằng cảm nhận của du khách, có thể nhận thấy một số loại hẻm khá phổ biến ở Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh.

Hẻm ở các quận trung tâm thành phố là khu vực đô thị đã hình thành trên trăm năm. Đó là những hẻm thường rộng đủ cho xe hơi ra vào, được tráng xi măng bằng phẳng sạch sẽ, tương đối thẳng, thường là hẻm cụt. Dân cư đa phần là công chức, “dân cố cựu” lâu đời, nhà cửa xây dựng khá ổn định, kiến trúc hài hòa. Vài ngôi biệt thự nhỏ, một hai ngôi nhà cao tầng hay những căn nhà phố. Hiện nay ở những khu đô thị mới được quy hoạch ngay từ đầu, loại hẻm này khá phổ biến, còn được gọi là “đường nội bộ” chạy giữa các dãy nhà cao tầng hay biệt thự có lối thiết kế giống nhau.

Hẻm ở các khu vực khác dân cư đông đúc, trong nội thành cũ và các quận mới. Trong hẻm những gia đình đã vài đời ở Sài Gòn nhưng cũng có nhiều người nhập cư ở nhà thuê, vài năm sau có thêm con cháu từ quê vô, rồi dần dần trở thành “người Sài Gòn”. Hẻm không được “quy hoạch” nên nhà trệt nhà lầu chen nhau. Hẻm cũng giống như đường làng quanh co, có nhiều ngõ ngách rộng hẹp bất ngờ. Hẻm “xóm lao động” hay “nhà ven kênh rạch” như một tổ ong khổng lồ, mỗi sáng hầu hết mọi người đổ ra đường “đi mần ăn”, chiều tối mới lần lượt trở về. Mỗi nhà là một ngăn nhỏ của tổ ong lớn, tuy chật chội nhưng gắn bó và tình nghĩa.

Hẻm chợ có ở khắp nơi. Thường chợ trong hẻm chỉ đông vào buổi sáng đến trưa thì tan. Những hẻm chợ này may mắn còn giữ lại ít nhiều “văn hóa chợ xưa”, nơi mà quan hệ bán mua không chỉ là tiền hàng mà còn là tình nghĩa giữa những con người. Có những hẻm chợ ẩm thực” nổi tiếng lâu đời vì tập trung bán các món ăn hay các quán nhậu bình dân, đồ ăn ngon, giá rẻ, người mới đến Sài Gòn, người xa Sài Gòn trở về thường hay tới đó, cám giác là lạ quen quen níu giữ nỗi nhớ của nhiều người…

Dọc nhiều con đường ở khu vực Chợ Lớn những hẻm cổ của người Hoa. Nhà cửa thường hẹp bề ngang mà sâu hun hút, ngay cửa ra vào dán mảnh giấy đỏ có hàng chữ Hán cầu mong sự bình an sung túc… Trong mỗi ngôi nhà là “tam, tứ đại đồng đường”. Dân cư trong hẻm phần lớn có họ hàng với nhau do thủa xa xưa cùng từ một bang, tỉnh từ Trung Hoa di cư sang. Ở TP. Hồ Chí Minh còn có những hẻm của cộng đồng người Khmer, người Chăm hình thành muộn hơn do quá trình tụ cư ở thành phố từ khoảng giữa thế kỷ 20.

Có thể nhận diện một số hẻm “nghề thủ công” ở các “làng nghề” xưa, nay thu hẹp thậm chí không còn nữa. Một số hẻm gắn liền với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nổi tiếng trong khu vực…

Theo lịch sử hình thành và phát triển không gian đô thị thì có nhiều hẻm hình thành ngẫu nhiên từ đường mòn của làng cổ, hay từ vịệc san lấp ruộng, hồ ao, hay men theo kinh rạch trong quá trình cư trú tự phát của cư dân – phần lớn là người nhập cư. Nếu để ý sẽ thấy, trong quy hoạch đô thị Sài Gòn từ thời Pháp, những con đường bắt đầu từ bờ sông (đường dọc) thường khá thẳng. Còn đường song song với bờ sông hay kênh, rạch (đường ngang) thì thường uốn lượn. Các con hẻm dọc, ngang theo các con đường cũng vậy.

2.

Nếu “mặt tiền” của đô thị là khu vực sôi động bởi hoạt động kinh doanh, dịch vụ, bởi các tuyến giao thông chính, những giao tiếp xã hội… là yếu tố “động”, bên ngoài, thiếu tính bền vững giữa các nhóm cộng đồng… Thì đằng sau đó là “mạng lưới” hẻm dày đặc, chằng chịt và đa dạng về văn hóa, mang tính chất “sống chậm”, bền vững và đi vào chiều sâu của quan hệ giữa con người với nhau và với các cộng đồng khác.

Không gian cư trú có tác động nhất định đến sự hình thành lối sống, cách ứng xử của cá nhân với gia đình, với cộng đồng. Dù là hẻm loại nào thì mỗi con hẻm ở TP. Hồ Chí Minh đều có một “đời sống” riêng, là một “tiểu không gian văn hóa” kết tinh bởi sự đa dạng của nguồn gốc, lối sống, nếp sinh họat của dân cư trong hẻm.

 Là một thành phố có số lượng người nhập cư lớn nhất về số lượng, tốc độ và mật độ cư trú, nên đã hình thành những khu vực (chủ yếu trong các con hẻm) mà dân cư có cùng nguồn gốc. Ở những hẻm như vậy quan hệ của cư dân và lối sinh hoạt vừa mang tính chất đô thị (vì công chuyện làm ăn) nhưng cũng vừa mang tính truyền thống “làng xóm” vì quan hệ đồng hương, họ hàng… Yếu tố văn hóa quê nhà như ngôn ngữ, ẩm thực hầu như nguyên vẹn trong những hẻm như vậy.

Những con hẻm hình thành lâu đời – nhất là ở các quận trung tâm – giữ gìn lối sinh hoạt thị dân khá vững chắc. Hẻm luôn yên tĩnh, sạch sẽ, dân cư ít trò chuyện với nhau nhưng không vì thế mà lạnh nhạt hay “đèn nhà ai nấy rạng”. Có những con hẻm phía ngoài là nhà biệt thự “kín cổng cao tường”, đi vào sâu là những ngôi nhà cấp 4 rồi nhà mái tôn của “dân nghèo thành thị”… Nhưng không vì thế mà cư dân trong hẻm không tương trợ giúp đỡ nhau khi hữu sự.

Về không gian, đường hẻm dù rộng hay nhỏ hẹp thường được dân trong hẻm cùng “nắn” cho thẳng hơn, vừa dễ đi lại, thuận tiện cho những việc khẩn cấp, vừa làm cho nhà “có giá” hơn khi cần bán hay cho thuê. Hẻm mặc nhiên là không gian công cộng. Nơi ấy mọi người có thể sử dụng khi cần thiết nhưng cũng là nơi sinh họat chung, liên kết mọi thành viên trong hẻm với nhau. Hẻm – như không gian mở rộng của từng ngôi nhà riêng biệt. Không gian văn hóa riêng – chung trong hẻm không bị cắt rời mà linh họat kết nối với nhau, như người Sài Gòn phóng khóang cởi mở trong giao tiếp mà vẫn tôn trọng khoảng riêng tư của mỗi con người, mỗi nhà.

Ngay trong trận dịch kinh hoàng năm 2021 vừa qua, mỗi hẻm phố dù bị “phong tỏa” thì bên trong hẻm lại càng tăng cường những mối quan hệ, liên hệ giữa các gia đình: thăm hỏi qua zalo hay facebook, giúp nhau mớ rau hay miếng thịt, bao gạo gói mì những ngày cơ nhỡ, thông tin ngay cho cơ quan chức năng khi trong hẻm có người lâm vào tình trạng nguy hiểm… Không phân biệt mặt tiền hay trong hẻm, “hẻm giàu” hay “hẻm nghèo” mà cùng khu phố, cùng tuyến đường thì hết lòng giúp nhau vượt qua khó khăn.

Có thể nói, hẻm phố ở TP. Hồ Chí Minh là những không gian văn hóa đa dạng nhưng đậm nét tính cách “người Sài Gòn”: tình nghĩa, cởi mở, cộng đồng trách nhiệm. Hẻm ở Sài Gòn là một phần quan trọng của “cơ thể” thành phố sống động, cả về không gian địa lý và tính cách văn hóa. Từ những mạch máu lớn nhỏ này ngày lại ngày hàng triệu con người hòa mình vào thành phố, như dòng máu đỏ mang lại sinh khí trẻ trung, năng động và tạo nên bản sắc văn hóa Sài Gòn.

3.

Tại TP. Hồ Chí Minh, từ sau 1975 và nhất là quá trình đô thị hóa từ đầu thế kỷ 21 đến nay, ít nhiều đã phá vỡ và làm thay đổi những “tiểu không gian văn hóa” hay sự cố kết của các cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, có thể nói những hẻm phố vẫn còn giữ được sự thân thiện và bình yên - nét đặc trưng của những con hẻm xưa.

Thành phố mở rộng hơn, đời sống ở mỗi khu vực cũng thay đổi. Nhiều “hẻm nhà lá xóm kênh đen” không còn nữa, sau giải tỏa được ra “mặt tiền” xây dựng thành con đường mới, nhà cửa khang trang. Nhiều hẻm được “nâng cấp” theo phương thức “nhà nước nhân dân cùng làm” mà phần nhân dân là “hiến đất mở rộng hẻm”, đóng góp phần lớn kinh phí làm đường cống thoát nước, ngầm hóa đường điện, viễn thông, trải nhựa hay đổ bê tông làm cho hẻm trở thành “sân chơi” công cộng… Sự thay đổi ấy không chỉ từ chủ trương của chính quyền mà bắt đầu từ sự tự giác “vì việc chung” của người dân, vì quyền lợi của cộng đồng và của chính mình.

Hiện nay, ngoài việc gìn giữ, “bảo tồn” không gian văn hóa hẻm với lối sống hiện đại nhưng vẫn “tình làng nghĩa xóm”, thì vấn đề an ninh và vệ sinh môi trường luôn được người dân quan tâm. Nhiều hẻm sau khi cải tạo, nâng cấp đã cho gắn camera theo dõi tình hình an ninh, kịp thời ngăn chặn nhiều hành vi phạm pháp. Các phương thức thông tin hiện đại (qua điện thoại, zalo và mạng xã hội) cùng với thông tin truyền thống (tờ rơi, họp tổ dân phố…) đã kịp thời mang thông tin đến người dân.

Tuy nhiên về môi trường thì còn một số vấn đề. Nếu trước đây trong hẻm thường có cây xanh trồng trong khuôn viên đất của mỗi nhà, cây xanh có sẵn trên đường hẻm… Tuy không phải là những cây lớn nhưng đã tạo bóng mát, không khí trong sạch và cảnh quan bình yên, giúp con người giảm bớt căng thẳng sau một ngày lao động… Thì nay “đất có giá hơn” sau khi nhiều hẻm được cải tạo, nhà cửa được xây mới đã thiếu vắng cây xanh, hẻm bê tông hóa tuy sạch sẽ nhưng làm tăng thêm không khí nóng nực. Cảnh quan của hẻm và tình trạng ô nhiễm không khí không khác gì ngoài đường lớn khi xe máy, thậm chí xe hơi ra vô tấp nập.

Đặc biệt vấn đề rác thải. Hầu hết rác thải trong hẻm là nhờ những chiếc xe nhỏ chạy vô thu gom mỗi ngày. Bất kể nắng mưa anh chị em làm vệ sinh đều cần mẫn thực hiện công việc. Tuy nhiên, rất cần thiết mỗi hẻm có những thùng rác chuyên dụng. Không có thùng rác “phân loại từ nguồn” thì vừa lãng phí việc phân loại rác ở mỗi nhà (đã để 3 loại rác vào 3 túi rác khác nhau), nhưng khi thu gom thì đều bị vứt chung lẫn lộn vào xe rác. Rất mất vệ sinh và ảnh hưởng sức khỏe của những người vận chuyển.

Hẻm là thành phần quan trọng cấu thành một đô thị, không gian sống trong hẻm là của phần lớn dân cư thành phố. Hẻm có văn minh, sạch đẹp thì mặt tiền mới có thể giữ được vẻ sạch đẹp, văn minh. Văn hóa lối sống trong hẻm như một “khoảng lặng” giúp cho thị dân bình tâm và an yên sau những hối hả lo toan làm ăn của một đô thị không ngừng chuyển động, như TP. Hồ Chí Minh.



Lịch sử trong nhà trường: Hướng đến thường dân và tính nhân văn (Tuổi trẻ cuối tuần 21/11/2015)


TTCT - Một cuộc trò chuyện cũ giữa giáo sư Ngô Vĩnh Long (khoa lịch sử Trường đại học Maine, Hoa Kỳ) và nhà nghiên cứu độc lập Phạm Hoàng Quân nay vẫn có thể là một góc tham khảo đáng chú ý, cho ta thêm một góc nhìn thấu đáo hơn nữa về cách biên soạn và giảng dạy lịch sử trong hệ thống giáo dục.

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng QuânTheo anh, làm thế nào để giúp người đọc, người học hiểu được lịch sử một cách đúng đắn?

- Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Để người đọc đọc và hiểu được lịch sử một cách đúng đắn thì người viết sử cần viết sử một cách đúng đắn. Đây là vấn đề phẩm chất của người làm sử. Nếu người làm sử sai từ đầu hoặc khi viết chỉ tiếp cận 1-2 nguồn sử liệu thì lịch sử sẽ được tiếp nhận lệch lạc và thiếu hụt.

Tôi cho rằng sách giáo khoa (SGK) nhiều lắm chỉ nên do 2-3 người viết, sau đó đưa cho những người/nhóm khác cho ý kiến. Nhưng người viết đầu tiên phải dựa trên nhiều nguồn khác nhau, dựa trên cách phân kỳ lịch sử hợp lý và khoa học, nêu được những đặc trưng của từng thời kỳ với những ảnh hưởng chính trị - kinh tế - xã hội - văn hóa thế nào. Khi 5-6 nhóm cùng viết một chương trình sử học đường thì dễ dẫn tới thỏa hiệp và khó đưa ra những giảng giải có gốc, có ngọn.

SGK phải để cho những người biết cách viết SGK làm. Từ đây đi đến mô hình có nhiều SGK, các trường, các giáo viên có thể lựa chọn nhiều SGK khác nhau, người học được đọc nhiều nguồn thì có thể đi tới tranh luận, so sánh. Điều này cũng giúp bản thân quá trình hoàn thiện SGK về sau. Chỉ có một loại SGK là “hỏng”.

Để có SGK hoặc giáo trình tốt, hiện đại, phù hợp giai đoạn mới cần ứng dụng những phương pháp luận mới về viết sử trên thế giới. Loại sách này ở VN có thể nói rất thiếu hụt hoặc cũ. Liệu anh có từng nghĩ đến việc dịch và phổ biến các giáo trình về phương pháp luận tại VN?

- Có rất nhiều cuốn sách về phương pháp luận, vừa để cho người viết sử, vừa cho sinh viên rất cần được dịch. Nhưng tôi nghĩ cũng có thể dịch những cuốn sách rất hay trên thế giới mà người ta viết về lịch sử của chính họ, chẳng hạn cuốn sách của ông bạn tôi - Howard Zinn - A people’s history of America Empire, cuốn sách được đọc ngay cả ở phổ thông trung học và đại học.

Cuốn sách này viết về vai trò của những người dân Mỹ bình thường và họ tạo nên lịch sử của chính mình ra sao. Cuốn sách vừa cho ta biết lịch sử, vừa cho ta biết cách nghiên cứu lịch sử của nước Mỹ như thế nào. Những cuốn sách “lịch sử ứng dụng” như vậy cũng quan trọng không kém những cuốn về phương pháp luận.

Một mảng quan trọng là truyền thông tri thức lịch sử đến người đọc. Tôi có cảm giác hiện nay làm kiểu “mùa vụ”, nhất thời nhằm phụng sự một mục đích cụ thể nào đó chứ không mang tính liền lạc. Phương pháp sư phạm phải là một thứ mang tính lâu dài, hệ thống, bền bỉ để người học nói riêng, người dân nói chung nắm được. Theo anh, có giải pháp nào cho vấn đề này?

- Ở Mỹ, trước khi có tivi thì có các chương trình trên radio giới thiệu về lịch sử rất sinh động, dễ hiểu, giúp người dân tiếp cận thông tin lịch sử rất tự nhiên, gần gũi. Họ có nhiều buổi kể chuyện lịch sử, họ làm đủ cách từ lập viện bảo tàng (đi kèm thay đổi cách trình bày lịch sử mỗi năm mấy lần để sinh động hơn) đến tổ chức những vở kịch lịch sử diễn cho trẻ em, trẻ em tham gia diễn xuất (ở trường, ở câu lạc bộ) cùng giáo viên.

Tôi thấy rằng trước hết lịch sử VN hiện nay không hẳn đã là nhồi nhét quá nhiều mà thật ra lại quá sơ sài. Học từ thời kỳ Hồng Bàng đến năm 1945 mà cứ lặp đi lặp lại một số chuyện, Trần Quốc Toản bóp quả cam trong sử tiểu học, lên đến trung học vẫn thấy Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, cứ thế liệt kê mà không có cái gì làm học sinh hứng thú.

Ở lớp nhỏ, dạy lịch sử nên chọn vài chi tiết - câu chuyện lý thú cho học trò và phải giải thích được tại sao lại như vậy, làm cho học trò say mê và thấy được tầm quan trọng của lịch sử ngay từ những bài học đầu. Vì lịch sử là thực tiễn và kinh nghiệm sống của những người đi trước, mình hiểu được những điều đó vì mình biết những thực tiễn và kinh nghiệm sống hiện tại.

Không biết hiện tại thì không thể biết quá khứ. Chứ cứ theo đuổi lịch sử theo dòng với những nhân danh, địa danh mà không hiểu đặc điểm lịch sử mỗi thời kỳ thì học trò sẽ rất chán. Tôi nghĩ lịch sử ngày nay dù không thiếu chi tiết, nhưng tham quá mà lại “làm biếng” nên các bài học cứ tới lui vậy hoài.

 Ý anh là lịch sử, sự kiện đưa ra quá nhiều biểu tượng mà không đưa ra những câu chuyện, hình ảnh gần gũi để học trò có thể thông hiểu, thông cảm với nhân vật?

- Đúng vậy. Cách làm hiện nay ở nước Mỹ cũng không khác ở VN nhiều lắm, nghĩa là lớp dưới học sử theo câu chuyện, nhân vật, sự kiện, lên bậc cao hơn sẽ học theo vấn đề. Nhưng khác biệt là bậc học cao có nhiều lớp để các em chọn: có những lớp lịch sử đại cương nhưng cũng có nhiều lớp lịch sử theo chuyên đề kinh tế - xã hội - văn hóa nghệ thuật. Nếu bắt tất cả học trò học cùng một thứ thì mau chán và rập khuôn. Nhưng vấn đề chính của VN vẫn là nằm trong SGK và phương pháp viết sử trong đó.

Viết SGK phải để cho các nhóm, các nhà nghiên cứu độc lập tham gia, không phải công việc hành chính của một bộ quản lý. Các trường sẽ có nhiều lựa chọn SGK cho mình để giảng dạy, theo nhiều tiêu chí: sách rẻ, sách hay, sách đa dạng, sách chuyên đề. Thậm chí trường có thể chọn mỗi cuốn sách để dạy trong vòng 1-2 năm rồi thay sách khác. Lên đại học thì quyền chọn sách để dạy là của từng giáo sư, phù hợp với vấn đề/phân tích riêng của họ, giúp sinh viên hiểu sâu và tìm được hướng nghiên cứu mới cũng như có hứng thú để theo đuổi lối nghiên cứu riêng.

Tôi dạy về lịch sử Trung Quốc và Đông Nam Á, lúc cần nhấn mạnh vấn đề này thì sẽ chọn những cuốn sách cần thiết, bổ túc cho vấn đề đó, lúc khác lại chọn vấn đề khác, cuốn sách khác.

Tôi cho rằng dạy cho học trò cách phân tích, đánh giá sự kiện lịch sử là quan trọng nhất. Sử liệu dù nhiều mà không biết cách phân tích thì cũng vô nghĩa. Biết phân tích là một kỹ năng rất quan trọng trong mỗi ngành. Nhiều người tưởng lịch sử là kể lể nhưng thật ra lịch sử phải được phân tích bằng đầu óc logic. Phải cho người học biết: học sử là học từ cách dùng sử liệu, biết so sánh để phân định rõ cái đúng - cái sai.

Lịch sử không bao giờ lặp lại lần thứ hai và không thực nghiệm lại được để kiểm chứng đúng - sai, nên dù có bao nhiêu người từng phân tích thì cũng không phải đã khép lại để kết luận ngay được. Kỹ năng phân tích và so sánh rất quan trọng trong ngành sử. Và so sánh xong cần viết lại để người đọc hiểu vấn đề cho rõ, cho đúng. Kỹ năng viết ở đây một lần nữa vô cùng quan trọng.

* Đó là những gợi ý quan trọng cho việc làm SGK và kỹ năng truyền bá, dạy trong trường. Theo tôi biết, khi viết sách sử hoặc những giáo trình sử, một trong những xu hướng sử tiến bộ trên thế giới là dùng sử liệu để phục dựng hoàn cảnh lịch sử, một xu hướng khác chủ trương phải giải thích sử liệu cho đúng hoàn cảnh lịch sử và phù hợp với hiện tại.

Anh tiếp cận những trường phái, chủ thuyết, phương pháp sử nào của phương Tây, thấy có những điểm có thể giới thiệu để ứng dụng cho VN sắp tới?

- Sử liệu, sự kiện rất quan trọng, nếu sử quan muốn đánh giá một vấn đề nào đó mà có một sự kiện rất nhỏ đi ngược lại cái thuyết của anh thì anh phải nghĩ tại sao, không thể “ém mất” được. Sử liệu và sử quan phải dung hòa. Tất nhiên, nếu dùng quá nhiều sử liệu, có cái rất nhỏ hoặc không phù hợp hoặc cái gì cũng đưa vào thì sẽ rối vấn đề, như vậy ta phải trở lại cái lúc nãy ta nói là biết phân tích vấn đề thế nào, sử dụng sự kiện thế nào, dùng những sự kiện nào đúng cho thời đó, nó có thể giải thích gì mà anh muốn giải thích cho giai đoạn đó…

Cái này có thể dùng trong nhiều ngành khác như ngành kinh tế. Nếu cứ thu thập hàng triệu dữ kiện khác nhau, đưa vào máy phân tích thì cũng không ra cái gì cả. Nhưng nếu anh là một kinh tế gia giỏi biết dùng dữ kiện lịch sử, chỉ cần xem khoảng 6-7 sự kiện là biết nó sẽ dẫn đến đâu.

Sử gia cũng vậy. Bất cứ người làm sử nào cũng có chủ quan nhưng anh phải phân tích, chứng minh được vì sao anh nói thế, đồng thời lắng nghe những người khác trình bày quan điểm của họ từ nhiều góc cạnh khác nhau, từ đó dẫn tới dung hòa. Nước Mỹ có kho sử liệu khổng lồ, nhưng vẫn cần những người có sử quan tìm hiểu cái kho đó để giải thích cho mọi người dễ hiểu mà không sai.

Người làm sử phải tranh luận và chứng minh đàng hoàng, sau đó người nghe sẽ đánh giá, lựa chọn. Không thể làm theo lối thường thấy là người ta đặt vấn đề như vậy, bảo anh viết như vậy là anh cứ thế mà viết. Sử theo quan điểm của từng người nghiên cứu là cần có. Nhiều người nói tôi không chủ quan, không tư riêng gì là nói không đúng, thật ra là không muốn bị chỉ trích mà thôi.

30 năm qua, càng ngày người ta càng chú trọng vào lịch sử thường dân, nhất là những người “bên dưới”. Ví dụ ở Anh người ta chú ý đến những hiệp hội công nhân với những ảnh hưởng từ các cuộc đình công, hay vai trò phụ nữ, những đóng góp của môn xã hội học (vốn mới bắt đầu sau Chiến tranh thế giới thứ II nhưng nay rất quan trọng), rồi ta có social history (*).

Nhưng trường phái tiến bộ là trường phái nghiên cứu những vấn đề của các tầng lớp trước giờ thường bị bỏ quên, tôi nghĩ đây cũng là vấn đề quan trọng của VN. Đóng góp của thường dân, của phụ nữ… rất lớn và quan trọng, chứ không chỉ nghị quyết hay sử từ trên xuống. “Sử từ dưới lên” ngày càng quan trọng hơn và đã rất mạnh ở nước Mỹ mấy chục năm qua.

 Nghĩa là đã mở ra một hướng tiếp cận, biên soạn sử mới cần đi theo hướng từ dưới lên, mang tính nhân văn cao. Anh có thể lấy ví dụ về nó để hình dung tốt hơn một mô hình mà VN hiện nay có thể đi đến?

- Tôi sẽ đi vào một ví dụ về “sử từ dưới lên” giúp cho việc làm chính sách thế nào. Bên Mỹ có ngành học public history (lịch sử công cộng). Có thể nói về một cộng đồng, một bang có lịch sử thế nào, ai có vai trò tích cực trong việc phát triển lịch sử công cộng đó, ai đã ngăn chặn cộng đồng đó phát triển, ai đã đi vận động cho các quỹ phúc lợi, quỹ cho phụ nữ, trẻ em… Thậm chí ai đã giúp xây bao nhiêu cây cầu có lợi cho sự phát triển của địa phương đó, ai cố tình phá rừng ngăn sông tư lợi, gây hại môi trường cộng đồng ở đó.

Những người nghiên cứu sử đi theo hướng này để định hình public history, từ đây giúp ích cho xây dựng chính sách công, nên hướng này hữu ích không chỉ cho người học lịch sử.

Hoặc môn sử có nhánh học về xây cất nhà cửa. Họ đi vào những sử liệu tỉ mỉ: nhà cửa, cầu đường thế nào, giúp sưởi ấm và tăng giao tiếp giữa các thành viên ra sao, trẻ con chạy chơi an toàn thế nào. Thứ lịch sử như thế vô cùng hữu ích. Nó cũng có thể giúp một xã hội hiện đại tận dụng được những kinh nghiệm đó, để ngày càng văn minh hơn. Họ cũng dùng những thứ lịch sử “từ dưới lên” như thế để chống những thế lực muốn quy hoạch cưỡng bức, tránh được sự áp đặt từ bên trên.

Điều gì thúc đẩy, dẫn đến mối quan tâm của giới làm sử đối với trào lưu đó?

- Nó xuất phát từ những bức xúc đối với khoảng cách, sự khác biệt quá đáng giữa người giàu - người nghèo trong các xã hội. Nó cũng xuất phát từ sự quan tâm ngày càng lớn hơn với con người, vì sự giao tiếp giữa con người với nhau. Nó có nền tảng nhân văn.

Nước Mỹ có 50 tiểu bang thì có 50 hệ thống đại học bang, tuy không được như Harvard nhưng cũng là những trường nghiên cứu có chất lượng. Vì nước Mỹ hiểu rằng nếu không có hệ thống đại học bang như vậy thì không bao giờ có những nơi đỉnh cao như Harvard, vì những người ưu tú phải được chọn từ dưới lên, cái đó giúp xã hội phát triển. Xã hội phải làm sao chọn lựa được những người giỏi từ nhiều nơi và giúp họ phát triển.

__________

(*): Một nhánh nghiên cứu lịch sử chú trọng đến kinh nghiệm của những người bình thường trong quá khứ.

https://cuoituan.tuoitre.vn/lich-su-trong-nha-truong-huong-den-thuong-dan-va-tinh-nhan-van-553940.htm?fbclid=IwAR3UpEMdNnRamF8jgoW-J3oRt0fQMxhq7_yA3xXd8Tcw2h7NRGwrUjOwzg4

Midnight talks #60. Sự hình thành giọng nói Quảng Nam – một sự biến âm tiếng Việt.

 1.

Đầu tiên phải nói ngay, mình không có hiểu biết nhiều về Ngôn Ngữ Học, chỉ là người yêu tiếng Việt và quan tâm đến văn hóa, nhất là hiện tượng giao lưu, tiếp biến văn hóa, do bản thân cũng là một “hiện tượng” này 😊

Trước công trình “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” của PGS.TS Andrea Hòa Phạm khá lâu, mình được đọc công trình “Có 500 năm như thế” của anh Hồ Trung Tú ngay từ lần xuất bản đầu tiên. Công trình của anh khá mới mẻ về cách tiếp cận, tuy với mình thì không quá xa lạ. Ai đã từng học GS Trần Quốc Vượng đều tiếp nhận được ít nhiều phương pháp tiếp cận liên ngành lịch sừ - văn hóa của Thầy: Thầy Vượng luôn đặt các sự kiện lịch sử trong bối cảnh văn hóa rộng hơn để có thể thấy sự đa dạng, đa tuyến, phức tạp của lịch sử, của các hiện tượng văn hóa. Từ đó nhìn nhận nguyên nhân hay kết quả một cách khách quan nhất có thể.

Vì vậy, tuy chưa thỏa mãn với lý giải của tác giả Hồ Trung Tú về sự hình thành hay nguồn gốc tiếng QN – ngắn gọn là do là người Chăm nói tiếng Việt trong một hoàn cảnh đặc thù – thì đối với mình, công trình của anh Tú cho đến nay vẫn rất đáng được quan tâm, khi nghiên cứu về “Xứ Quảng” nói riêng và quá trình “mở rộng lãnh thổ đất đai” vào Trung và Nam bộ, vào thời Lê và sau đó là thời Trịnh – Nguyễn và triều Nguyễn, nói chung.

Lịch sử di dân – dù không thật đầy đủ, cụ thể và chi tiết, thì vẫn cho biết cư dân Đại Việt đi vào Champa phần lớn là từ Thanh – Nghệ/Tĩnh. Vì ít nhất 2 lý do: đấy là nơi tiếp giáp gần nhất, “di cư” thuận tiện nhất; và vì vua Lê , sau này là chúa Nguyễn có gốc gác bản quán ở vùng này, mang theo bà con họ hàng đi vào “vùng đất mới” là mang theo một lợi thế lớn về tinh thần. [Gia phả của gia đình tôi do ông nội tôi (đời thứ 6) ghi lại cũng nói rõ: ông cố ông sơ đời thứ nhất của gia đình là từ Quảng Ngãi vào Nam bộ nhưng gốc gác nhiều đời lại từ Thanh Hóa].

Vì vậy “suy diễn” theo lịch sử đã có thể đặt giả thuyết: Xứ Quảng là nơi tiếp nhận/giao thoa/tranh chấp/đối chọi/hòa nhập… văn hóa - trong đó có ngôn ngữ - của hai tộc người Việt (Thanh/Nghệ là chủ yếu) – Chăm. Quá trình hòa nhập này diễn ra trong một thời gian dài, trong hoàn cảnh xã hội mới của người Chăm là “buộc phải” tiếp nhận và sử dụng ngôn ngữ (và có thể một số thành tố văn hóa khác) từ một cộng đồng có lợi thế hơn về vị thế xã hội, ít nhất trong giao tiếp với chính quyền và số đông người mới đến. Việc tiếp nhận này có thể “không bị bắt buộc”, hay “chính quyền không can thiệp vào ngôn ngữ” – về lý thuyết thì vậy nhưng thực tế thì không tránh khỏi điều đó.

Một ví dụ: hiện nay, các ngã tư ngã năm hay bùng binh tại TP.HCM đều được gọi/viết là “nút giao/vòng xoay” – cùng rất nhiều từ ngữ khác/lạ với người Nam bộ xuất hiện và phổ biến từ các văn bản quy phạm đến ngoài xã hội… Và có thể chỉ một thời gian ngắn nữa thôi cư dân TP sẽ quen với những từ ngữ mới, đồng thời những từ ngữ cũ sẽ mất đi. Nhất là TPHCM là nơi người nhập cư nhiều và liên tục, trong đó có những người đã quen sử dụng những ngôn ngữ hành chinh/chinh trị phổ biến ở miền Bắc.

2.

Công trình của PGS. TS. Andrea Hòa Phạm “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” đang là vấn đề “nóng” được nhiều người quan tâm, thể hiện ở những tọa đàm, hội thảo, ở nhiều bài viết trên báo chí, trên FB… “là một công trình nghiên cứu đồ sộ về âm vị học của phương ngữ Quảng Nam” như giới thiệu của BTC Midnight Talks trên Fanpage.

Tiêu đề cụ thể của Chủ đề của Midnight talks lần này thu hẹp hơn (tiêu đề) và nội dung công trình trên, tập trung vào “sự hình thành” trên cơ sở nghiên cứu “sự biến âm tiếng Việt”, cụ thể là tiếng Việt ở vùng Thanh – Nghệ /Tĩnh. Vì vậy, Lời giới thiệu của PGS.TS Hoàng Dũng cũng như nội dung trình bày của PSG.TS Hoa Phạm cũng khá cụ thể và chuyên sâu về khoa học ngôn ngữ. Một người “ngoại đạo” như mình, tham dự buổi Talks này thì hiểu thêm về công trình của chị Hòa Phạm, ít nhất là biết được cách tiếp cận từ ngôn ngữ học là như thế nào, khi tìm hiểu về (lịch sử) một ngôn ngữ nào đó.

Mình thấy nghiên cứu ngôn ngữ khá giống nghiên cứu KCH, cũng phải ngược về quá khứ tìm kiếm những bằng chứng, dấu tích… từ đó đặt chúng trong những mối quan hệ trong không – thời gian (mạng/net), hoặc có thể dựa trên sự kiện lịch sử và suy luận một cách logic…để có thể tìm ra (những) nguồn gốc, đặc trưng của một hiện tượng văn hóa. Mà ngôn ngữ và ẩm thực là hai hiện tượng văn hóa thú vị nhất của một cộng đồng :)

Sau những trao đổi với host là PGS.TS Hoàng Dũng và diễn giả Hòa Phạm, mình đã nhận rõ hơn điều gì làm mình “chưa thật sự thỏa mãn” khi đọc công trình của chị. Đó là, ngôn ngữ cũng như nhiều hiện tượng văn hóa, không phát triển đơn tuyến và đơn giản! Tiếng Việt từ Thanh-Nghệ vào đến Quảng Nam, rồi từ đó vào đến Nam bộ, có sự thay đổi không phải chỉ theo các quy luật ngôn ngữ học như chị Hoa Phạm lý giải rất hay, mà chắc chắn và chủ yếu còn vì sự tiếp xúc với những cộng đồng tộc người khác, dù “thiểu số” và “yếu thế” hơn về vị thế xã hội, làm thay đổi ngôn ngữ của cả hai bên.

Theo GS Hà Văn Tấn, “Giao lưu tiếp biến văn hóa là sự tiếp nhận văn hóa bên ngoai bởi dân tộc chủ thể. Quá trình này luôn đặt dân tộc chủ thể phải xử lý tốt mới quan hệ biện chứng giữa yếu tố nội sinh và yếu tố ngoai sinh. Hai yếu tố này luôn chuyển hóa cho nhau và rất khó tách biệt trong một thực thể văn hóa. Có yếu tố ở giai đoạn này là yếu tố ngoại sinh, nhưng đến giai đoạn sau những tính chất của yếu tố ngoại sinh ấy không còn hoặc nhạt dần đến nỗi người ta tưởng rằng đó là yếu tố nội sinh. Hơn nữa sự tương tác của hai yếu tố này thường diễn ra theo hai trạng thái: một là yếu tố ngoại sinh lấn át, triệt tiêu yếu tố nội sinh, hai là có sự cộng hưởng lẫn nhau, yếu tố ngoại sinh dần dần trở thành yếu tố nội sinh và làm phai nhạt căn tính của yếu tố ngoại sinh. Nhìn ở phương diện thái độ của tộc người chủ thể, sự tiếp nhận yếu tố ngoại sinh cũng có hai dạng thể hiện: Một là tự nguyện tiếp nhận, hai là cưỡng bức tiếp nhận”… 

[Cơ sở văn hóa VN, Trần Quốc Vượng chủ biên, tái bản lần thứ 8, tr.52. NXB Giáo dục 2006]

Do đó, mình đồng cảm với sự phân tích ngôn ngữ học của chị Hòa Phạm về sự dịch chuyển và biến âm từ tiếng Thanh/Nghệ và trở thành  “hóa thạch” ở tiếng Quảng Nam. Nhưng nếu coi đó là “nguồn gốc” thì mình thấy còn chưa đủ. Ngôn ngữ cần được đặt vào đời sống thực tiễn trong giao tiếp với các trạng huống khác nhau. Như một vấn đề mình nêu ra vào cuối buổi talks, “vì sao người Quảng Nam hay trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi” là một hiện tượng văn hóa cũng cần được tìm hiểu khi nghiên  cứu về “nguồn gốc” tiếng/giọng Quảng Nam.

        3.

May quá, có stt của Lê Thanh Hải cảm nhận về buổi talk này giống mình, xin trích và lưu ở phần dưới đây, cám ơn em Hải nhé :) 

        4. 

Vài lần mình đến trung tâm thương mại Đồng Xuân của người Việt ở Berlin (và một số chợ Việt khác ở Tiệp, Ba Lan..). Trời ơi, như đang ở Nghệ An, Hà Tĩnh, hay nói chung là ở miền Bắc. Tiếng Việt (nhất là Nghệ/Tĩnh) nguyên xi, dù có những em, cháu qua đây đã chục năm, ngoài giao tiếp với người Việt tại chợ các em vẫn có thể giao tiếp (có thể ít hơn) với người Đức. Càng đi xa người ta càng giữ lại “văn hóa quê nhà” đã mang theo, mà ngôn ngữ và ẩm thực có thể thấy rõ nhất ở những nơi nào có người Việt xa quê, như đến Cali cũng vậy, ngồi cà phê, quán ăn hay vào các trung tâm thương mại của người Việt thì như đang trở lại SG những năm sau 1975. 

Nếu “dịch chuyển” hiện tượng này lên vài trăm năm trước khi người Thanh/Nghệ vào xứ Quảng cũng có thể hình dung họ mang theo và giữ lại ngôn ngữ, giọng điệu bền vững như thế nào - NẾU HỌ CƯ TRÚ CO CỤM, HẠN CHẾ GIAO TIẾP VÀ HÒA NHẬP VỚI CỘNG ĐỒNG CHĂM BẢN ĐỊA. Nhưng với thế và lực của người Việt ở vùng đất này từ thế kỷ 15,16 trở đi, thì có lẽ có nhiều “hòa trộn” về văn hóa và cả huyết thống nữa. Vì vậy, theo mình cần nhìn nhận các nguồn gốc đã tham góp vào sự hình thành giọng Quảng Nam, gồm:

 Hai nguồn chính/ 2 cộng đồng chủ đạo: Việt (Thanh/Nghệ) mang theo + Chăm nói tiếng Việt (qua nhiều thế hệ), và có thể một nguồn bổ sung là tiếng nói của các tộc khác Chăm, và những “ngoại nhân” có mặt ở xứ Quảng trong thời gian dài (vì nơi này có Đại Chiêm hải khẩu - cảng thị Hội An, với đặc điểm chung của thương mại đường biển ĐNA là thương nghiệp gió mùa, khi trái gió thương nhân có thể lưu trú tại cảng lâu để chờ thuận gió mới xuất hành).

 Những nguồn ấy đã tham góp và hòa trộn ở mức độ khác nhau để thành một giọng Quảng Nam hiện nay khác biệt cả Thanh/Nghệ xưa và cả Chăm nay. Đây không phải là “ba phải” mà vì sự thật có khi rất đơn giản, nhưng đơn giản thì không phải là đơn nhất và đơn tuyến "từ Bắc vô Nam" như nhiều người vẫn nghĩ 😊

Công trình của anh Tú là “từ góc nhìn phân kỳ lịch sử” có thể diễn giải một hiện tượng văn hóa một cách phù hợp logic lịch sử. Còn công trình của chị Hòa Phạm là góc tiếp cận ngôn ngữ học, có phương pháp phân tích khoa học ngữ/âm cụ thể. Giá mà có nhà ngữ học nào, và nhà ngữ học người Chăm thì càng tốt, nghiên cứu hiện tượng này tiếp cận từ phía giọng/ngôn ngữ Chăm nhỉ? 

Nói thêm

Qua buổi talk và qua một số bài trao đổi, tranh luận trên báo chí, trên FB, lại một lần nữa mình nhận thấy rằng, ở nước mình giữa “nghiên cứu hàn lâm” và “nghiên cứu độc lập” (ấy là một số người phân biệt thế) còn khoảng cách xa lắm, cả về cách tiếp cận, vận dụng nghiên cứu liên ngành, nhất là việc đánh giá “vị thế” người nghiên cứu, dù rằng gần đây những công trình của các nhà nghiên cứu độc lập ngày càng có uy tín đối với cộng đồng rộng rãi chính từ giá trị khoa học của các công trình ấy.

Trong ngành của mình, KCH cộng đồng (mà từ năm 2010 cùng với Lê Thanh Hải mình đã xuất bản cuốn KCH bình dân Nam bộ) và KCH đô thị (công trình của mình năm 2017, tái bản 2019) cũng là hai ngành có cách tiếp cận đối tượng nghiên cứu “từ dưới lên – bottom up”. Tức là từ chủ thể của lịch sử, của di sản văn hóa, có thể coi là sự liên ngành với nhân học. Điều đó giúp lý giải khá nhiều vướng mắc, mâu thuẫn giữa “hiện tượng” và “bản chất” của một số yếu tố văn hóa, sự kiện lịch sử, đồng thời giúp giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn. Nhưng một mức độ nào đó, mình cũng chịu sự “định kiến” vì tính “không hàn lâm”, “nghiệp dư” như một số đánh giá về công trình của anh Hồ Trung Tú 😊

 Sài Gòn, 9.10.2022

Youtube của Midnight talks #60: https://www.youtube.com/watch?v=FMXqds3fbhk

@ LÊ THANH HẢI: ETIC vs EMIC

Theo như bạn admin thì youtube kg cho comment quá dài nên chiều nay kg có cơ hội đặt câu hỏi với chị Hoà, nhưng đó có thể là điểm yếu kết cấu làm sụp đổ lập luận của chi (và cả a Dũng) bác bỏ a Tú Trung Hồ.

Trước hết là vầy. Lập luận của chị Hoà đầy thuyết phục. Nhưng, là với hệ thống lý thuyết trong ngành ngôn ngữ học của chị ấy. Và lập luận để chị bác bỏ giả thiết của a Tú là vì kg có bằng chứng (về ngôn ngữ học) trong khi luận văn của chị là cả một hệ thống bằng chứng. Đúng. Anh Tú sai. Sai bét nhè trong hệ thống lý thuyết của chị Hoà.

Nhưng mà. Lý thuyết là lý thuyết. Lý thuyết kg phải là chân lý. Và lý thuyết càng kg phải là thực tế - mà nhiều khi còn được coi là sự thật. Và thuyết - và giả thuyết - nhiều khi sụp đổ vô cùng dễ dàng ở đâu đó, như Thomas Kuhn từng viết về paradigm vậy.

Ví dụ như có bác Haudricourt (https://en.wikipedia.org/wiki/Andr%C3%A9-Georges_Haudricourt) từng lập thuyết về sự tiến hoá của tiếng Việt - từ một/kg dấu lên 2 dấu (như ở tộc người gì, cũng quên tên rồi - vùng Quảng Bình) rồi 3-4-5-6 ' \?~. như bây giờ. Là một dạng thuyết tiến hoá - evolution, mà sau này khi sinh học kg còn được dùng để diễn tả xã hội nữa (chỉ coi là metaphore) thì cũng biến mất theo. Chị Hoà có 2 ý theo kiểu này 1- cho rằng hỏi ngã nhập lại để bớt âm (cũng có thể lý giải hỏi ngã phân chia rõ để tiến hoá) 2- dùng lập luận cơ thể đào thải bộ phận ghép <= cái này sai cơ bản về logic lập luận trong khoa học xã hội nhân văn, dù rằng để giảng bài hay nói chuyện với quần chúng thì tạm chấp nhận được.

Như trong tiếng Anh có thuyết cho rằng đầu tiên đơn âm - như số đếm đó, rồi dần theo tiến hoá mà ghép thêm âm (trong khi tiếng Hoa hay Hàn, Việt thì giữ đơn âm nhưng thay đổi dấu). Nhưng kiểu gì thì vẫn có ngoại lệ - vì tiếng Việt cũng có những từ phải 2 chữ-âm đó thôi - vì suy cho cùng vẫn là thuyết - kiểu như phương trình hay gì gì đó biểu diễn thực tại.

Mà nói tới "công thức" để diễn tả thực tại, thì chính là cái sai khác mà chị Hoà có lẽ cần ý thức hơn, là cuôc tranh chấp, hay có thể gọi là mâu thuẫn giữa hai trường phái mà ban đầu chính từ ngành ngôn ngữ học, giữa những người đòi ký âm theo chuẩn quốc tế (phonetics - như tiếng Anh trong từ điển bên cạnh có cách đọc) và những người tin rằng mỗi ngôn ngữ luôn có những đặc thù của riêng mình cần phải có ký/phiên âm riêng (phonemics - như chính tiếng Việt dùng tiếng Việt chứ kg phải hệ thống ký âm quốc tế để ghi các biến thể khác như xe độp và eng/ăng cơm).

Mở rộng ra thì cuộc tranh luận giữa etics và emics - như các nhà khoa học Nhật Bản làm rất mạnh - kg đơn giản là ngôn ngữ học, mà còn là cái góc nhìn. Nghiên cứu giọng Quảng Nam như người từ bên ngoài - etics (và nhìn thấy sự "tiến hoá" của một ngôn ngữ di cư - còn bị coi là tư tưởng thực dân) hay một thành viên bên trong - emics (và nhìn thấy sự "bản địa hoá" những nguồn văn hoá khác nhau, tiếp biến hay khúc xạ - Phan Ngọc - bên trong chính bản thân mình - cũng thường bị coi là sai hay thiếu khoa học vì kg/chưa đủ sức minh chứng). Do đó, với những phổ âm (đạo hàm bậc 2 của sóng âm mà chị Hoà cứ dùng những thuật ngữ f1 f2 trên đường biểu diễn nguyên âm tròn môi mà kg biết có biết phương trình toán của phép phân tích đó hay kg)...

Mà thôi chốt lại, chị Hoà đúng khi vẽ được con đường di cư (Hậu nhấn mạnh) của tiếng Thanh-Nghệ. Nhưng sai khi dùng lập luận đó bác "nguồn gốc Chăm" của tiếng Quảng Nam. Như chị Hậu Kc Nguyễn đã nhắc nhẹ đó, “liên ngành” là điểm yếu trong lập luận này. Thêm một ý cho a Dũng cũng suy nghĩ nữa, rằng đúng là không thể ép người xưa sử dụng iPhone (ý nói đến lập luận: nguồn gốc tiếng Quảng Nam là do người Chăm nói tiếng Việt mà không có chứng cứ)  nhưng chúng ta thi sao? Chúng ta có đang áp đặt cách nghĩ - mà ngay chính ta kg ý thức được - iPhone, tức là etics, cho người xưa kg? thay vì tìm cách nghĩ theo kiểu của họ - emics?

[HẾT TRÍCH]



 

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...