CẦU KÊNH ĐỘC ĐÁO TRÊN SÔNG LOIRE

 Nguyễn Thị Hậu

Nhiều lần đến Pháp tìm hiểu, nghiên cứu về bảo tồn di sản đô thị - trong đó có di sản công nghiệp – nhưng tôi đã không biết rằng, tại Pháp có hàng trăm cây cầu kênh đào (Pont canal) được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước. Cho đến năm nay tôi mới may mắn được đến tham quan cây cầu kênh nổi tiếng nhất: cầu kênh Briare - mang tên kênh đào Briare dưới thời vua Henri IV (thế kỷ 16), được coi là kênh đào cổ xưa nhất nước Pháp,

Được thông luồng cho giao thông đường thủy vào năm 1642, kênh đào Briare dài 54 km kết nối các con sông ở vùng sông Loire với vùng sông Seine. Tuy nhiên do sự thay đổi của địa hình vùng thung lũng sông Loire nên tàu thuyền đi lại trên kênh phải qua nhiều cửa đập khá nguy hiểm. Vì vậy Cầu kênh Briare đã được xây dựng từ năm 1890 đến năm 1896 trên sông Loire. Cầu kênh – pont canal – là một cây cầu đồng thời cũng là một con kênh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa bằng tàu thuyền, lưu thông từ các kênh hai bên bờ sông Loire qua cầu kênh này, do đó an toàn hơn và rút ngắn đáng kể đường thủy kết nối các con sông.

Cầu kênh Briare được xây dựng trên 14 trụ cầu cao 11,5 m, dài 662m và chiều rộng mặt cầu 11m, bao gồm lối đi bộ hai bên và lòng kênh. Từ hai bên bờ sông Loire hay chỉ cần đứng ở trụ đầu cầu, có thể nhìn thấy cấu trúc đặc biệt bên dưới của cầu kênh. Các trụ cầu đỡ một dầm thép lớn, dầm thép này nâng đỡ toàn bộ một kênh dẫn nước bằng thép có thể chứa đến 13.000 tấn nước, kênh thép rộng 6m và sâu 2,2m, cho phép tàu thuyền có mớn nước sâu 1,8m lưu thông qua lại. Hai bên kênh có đường đi bộ và hàng đèn trang trí rất đẹp. Từ xa đã nhìn thấy mỗi đầu cầu có hai cột trang trí giống như ở cầu Alexandre III nổi tiếng ở Paris.

Cầu kênh Briare được khánh thành vào ngày 16 tháng 9 năm 1896. Trong các công ty tham gia xây dựng có một cái tên rất nổi tiếng và quen thuộc với nhiều người Việt Nam: Các mố cầu và cầu tàu được xây dựng bởi kỹ sư Gustave Eiffel. Từ năm 1896  cầu kênh Briare là cầu dẫn nước dài nhất trên thế giới, cho đến khi cầu Magdeburg Water dài 918 mét bắc qua sông Elbe (Đức) khánh thành vào năm 2003. Tuy nhiên hiện nay nó vẫn là một trong những cây cầu lớn nhất thế giới. Cầu kênh Briare nổi tiếng bởi trình độ xây dựng và việc ứng dụng kỹ thuật, vật liệu mới, những kỹ sư và công ty danh tiếng đã tạo nên vẻ hoàn mỹ của cây cầu. Cầu kênh Briare được công nhận là Di tích lịch sử của Pháp vào năm 1976.

***

Cầu kênh Briare hiện nay chủ yếu phục vụ tàu thuyền du lịch, nhưng có rất nhiều du khách đến đây và đi bộ băng qua cầu trên đường hai bên kênh, ở đó có tầm nhìn rộng và độc đáo sang hai phía của sông Loire. Ban ngày từ trên cầu nhìn xuống sông Loire đang trôi phía dưới, mùa nước cạn những bãi cát nhô lên giữa sông trờ thành bãi tắm cho người dân và du khách. Một bên là thành phố nhỏ với những con đường và những ngôi nhà xinh xắn, tháp chuông nhà thờ cao vút nổi bật trên nền trời xanh thẳm. Bên kia là những cánh rừng nhỏ xen giữa đồng ruộng. Khi hoàng hôn buông xuống, 62 ngọn đèn dọc hai bên cầu và 4 tháp đèn ở hai đầu cầu sáng bừng lên, phản chiếu trên mặt kênh rực rỡ. Đồng thời toàn bộ cây cầu trở thành một dòng sáng lung linh huyền ảo vắt qua sông Loire, đẹp như cổ tích. Cầu kênh Briare được coi là một viên ngọc quý của di sản công nghiệp giao thông đường thủy, một thắng cảnh sông nước của nước Pháp.

Hai bên đầu cầu nổi tiếng với những nhà hàng địa phương, cửa hàng bán đồ lưu niệm sản phẩm của thợ làm guốc, thợ mộc, thợ làm bánh trong vùng, đặc biệt có một cửa hàng Socola nổi tiếng. Các quán hàng luôn đông khách từ trong tiệm ra ngoài sân, họ ngồi đây nghỉ ngơi sau khi đi bộ qua cầu ngắm sông Loire và thành phố. Thỉnh thoảng có một chiếc tàu từ từ đi qua cầu kênh rồi neo đậu ở những âu thuyền gần đó. Khoảng khắc độc đáo này đã thu hút rất nhiều du khách ra chụp hình và selfie cùng với chiếc tàu và cả cầu kênh.

Quanh khu vực cầu kênh có nhiều điểm tham quan phù hợp để đi bộ: nhà thờ Eglise Saint-Etienne, Lâu đài-Bảo tàng Gien và Chateau des Pecheurs cũng là điểm đến thú vị. Trong hành trình tham quan nơi này có một bảo tàng nhỏ ngay đầu con đường dẫn đến cầu kênh. Bảo tàng kể chuyện về thị trấn Briare nằm ở ngã tư của sông Loire, kênh Briare và kênh bên Loire (Canal latéral à la Loire) – nay đã phát triển thành một thành phố nhỏ nhưng vẫn yên tĩnh và đậm nét cổ xưa. Lại có một bảo tàng nhỏ khác khác trưng bày về gạch men và nghệ thuật Mosaic (Musee des Emaux et de la Mosaïque). Hoặc cũng có thể tham quan quanh vùng bằng những chiếc thuyền 12 chỗ ngồi khởi hành từ cảng Chatillon-sur-Loire. Chuyến tàu đưa du khách khám phá nhiều địa điểm tuyệt vời của sông Loire và một số kênh nối liền với nó.

Sản phẩm du lịch từ và cùng với cầu kênh Briare rất đa dạng, cách tổ chức du lịch đồng bộ, thuận tiện cho du khách đến đây bằng bất cứ phương tiện nào và dự tính ở lại trong thời gian bao lâu. Từ một cây cầu vốn có chức năng giao thông, nhưng khi chức năng chính đã suy giảm thì với cấu trúc độc đáo “kênh trên sông”, địa phương đã khéo tổ chức “khai thác và phát huy giá trị” bằng du lịch. Vừa đánh dấu trên bản đồ du lịch quốc tế một “di tích lịch sử công nghiệp” độc đáo, vừa tạo các hoạt động kinh tế khác cho cộng đồng địa phương. Quan trọng nhất là đã bảo tồn được một cây cầu đánh dấu sự phát triển quan trọng về kỹ thuật và mỹ thuật của công trình giao thông ở Pháp vào cuối thế kỷ 19.

***

Khởi đầu là từ các nghiên cứu về lịch sử thời đại công nghiệp ở nước Anh. Từ năm 1990 Unesco bắt đầu ghi nhận các cơ sở công nghiệp vào danh sách di sản văn hóa thế giới, mà nổi bật nhất là Con đường di sản công nghiệp châu Âu – một tuyến đường du lịch nổi tiếng xuyên qua nhiều quốc gia . Gần đây khái niệm Di sản công nghiệp đã được phổ biến rộng rãi hơn, do quá trình hiện đại hóa ở nhiều đô thị đã phá hủy hoặc phế bỏ nhiều công trình công nghiệp, thậm chí đó là những công trình từng mang lại sự phồn thịnh cho đô thị đó.

Không chỉ trong phạm vi đô thị mà nhiều công trình dân sinh nhưng quy mô vĩ đại cũng được xếp vào loại hình di sản công nghiệp. Đi khắp châu Âu có thể nhìn thấy những “cầu dẫn nước” trên cao xây dựng bằng đá dài hàng chục hàng trăm cây số, từ ngàn năm trước đã đưa nước nguồn trên vùng núi cao về các thành phố, có thành phố xây dựng bể chứa nước to như một cung điện ngầm dưới mặt đất. Trong thời cận đại, kỹ thuật “dẫn nước bằng cầu” thời trung cổ được tái hiện qua những cây “cầu kênh” nổi tiếng ở Pháp, đồng thời phát triển thêm chức năng lưu thông cho tàu thuyền. Tất cả những thành tựu khoa học kỹ thuật mới đều được ghi nhận, tôn vinh qua sự bảo tồn bền vững.

Ở Việt Nam, cuối thế kỷ 19 những cơ sở vật chất của nền công nghiệp mới bắt đầu có mặt. Sau hơn một thế kỷ phát triển, dù quy mô không lớn nhưng “văn minh công nghiệp” đã để lại một hệ thống di tích có giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội. Trong đó nhiều công trình gắn bó với đời sống của cộng đồng dân cư, thành "thương hiệu" của một số thành phố, là đặc trưng cho một giai đoạn phát triển của địa phương hoặc quốc gia. Mặc dù những công trình này hình thành trong thời kỳ thuộc địa nhưng hiện nay là tài nguyên văn hóa có giá trị để khai thác du lịch, làm cơ sở kiến thức để hiểu rõ hơn về một giai đoạn lịch sử Việt Nam gắn liền với quá trình phát triển của thế giới. 

Trên thực tế tại Việt Nam, khái niệm "di sản công nghiệp" chỉ mới manh nha gần đây, mặt khác, trải qua chiến tranh và trong quá trình phát triển, nhất là thời kỳ “hiện đại hóa” từ đầu thế kỷ XXI, nhiều di sản công nghiệp ở các đô thị đã bị phá hủy. Nguyên nhân đầu tiên là do hạn chế về nhận thức, về quan điểm đánh giá giá trị di sản đô thị, di sản công nghiệp. Thứ hai là do việc cải thiện và bảo vệ môi trường nên cần thiết phải di dời cơ sở công nghiệp ra khỏi đô thị, việc di dời đồng thời cũng là hủy hoại những tài sản vật chất của ngành công nghiệp. Thứ ba là diện tích các cơ sở công nghiệp khá lớn, vị trí ngày càng trở nên “đắc địa”, trở thành “đối tượng” mà những nhà đầu tư bất động sản rất quan tâm. Vì vậy, các cơ sở công nghiệp cũng như nhiều di sản ở đô thị trở nên “yếu thế” giữa việc “bảo tồn” hay “phát triển”.

Tại TP. Hồ Chí Minh, những cây cầu sắt cổ như cầu xe lửa Bình Lợi, các cây cầu trong vùng Chợ Lớn, Khu công xưởng Ba Son, Nhà máy đóng tàu Caric, hệ thống bến cảng… đã không kịp và không được bảo tồn đúng với giá trị và ý nghĩa của nó. Một phần lịch sử công nghiệp và lịch sử thành phố không còn di tích để minh chứng. Đó là một mất mát rất lớn cho thế hệ mai sau. Nhưng không chỉ thế, đó còn là thiệt thòi ngay cho hiện tại, bởi đã vứt bỏ bao nhiêu “vàng mười” di sản!

 





 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...