1.
TP. Hồ Chí Minh có hàng trăm con đường mặt tiền sôi
động suốt ngày đêm, thể hiện nhịp
sống khẩn trương không một phút giây ngừng lặng của đô thị lớn nhất
nước. Và cũng như tất cả những thành phố khác trên thế giới, phía sau những
con đường là hàng ngàn ngõ hẻm, đan nhau như mạng nhện, cài nhau như chân
rết… tạo thành không gian sống tương đối “tĩnh” của hàng
triệu cư dân. Nhiều năm trước, một nghiên cứu về “Hẻm phố Sài Gòn – TP. Hồ Chí
Minh” đã phân loại hẻm theo điều kiện
sống: hẻm có điều kiện sống tốt, trung bình và chưa tốt.
Nhưng bằng sự hiểu biết của người dân sống ở đây, hay bằng cảm nhận của du
khách, có thể nhận thấy một số loại hẻm khá phổ biến ở Sài Gòn – TP. Hồ Chí
Minh.
Hẻm ở các quận trung tâm thành phố là khu vực đô thị đã hình
thành trên trăm năm. Đó là những hẻm thường
rộng đủ cho xe hơi ra vào, được tráng xi măng bằng phẳng sạch
sẽ, tương đối thẳng, thường là hẻm cụt. Dân cư đa phần
là công chức, “dân cố cựu” lâu đời, nhà cửa xây dựng khá ổn
định, kiến trúc hài hòa. Vài ngôi biệt thự nhỏ, một hai
ngôi nhà cao tầng hay những căn nhà phố. Hiện
nay ở những khu đô thị mới được quy hoạch ngay từ đầu, loại hẻm này khá phổ biến,
còn được gọi là “đường nội bộ” chạy giữa các dãy nhà cao tầng hay biệt thự có lối
thiết kế giống nhau.
Hẻm ở các khu vực khác dân cư đông đúc, trong nội
thành cũ và các quận mới. Trong hẻm có những gia đình đã vài đời ở Sài
Gòn nhưng cũng có nhiều người nhập cư
ở nhà thuê, vài năm sau có thêm con cháu từ quê vô, rồi
dần dần trở thành “người Sài Gòn”. Hẻm không
được “quy hoạch” nên nhà trệt nhà lầu chen nhau. Hẻm
cũng giống như đường làng quanh co, có nhiều ngõ ngách rộng hẹp bất ngờ. Hẻm “xóm
lao động” hay “nhà ven kênh rạch” như một tổ ong khổng lồ, mỗi
sáng hầu hết mọi người đổ ra đường “đi mần ăn”, chiều tối mới lần lượt trở về.
Mỗi
nhà là một ngăn nhỏ của tổ ong lớn, tuy
chật chội nhưng gắn bó và tình nghĩa.
Hẻm chợ có ở khắp nơi. Thường chợ trong hẻm chỉ đông vào buổi
sáng đến trưa thì tan. Những hẻm chợ này may mắn còn giữ lại ít nhiều “văn hóa
chợ xưa”, nơi mà quan hệ bán mua không chỉ là tiền hàng mà còn là tình nghĩa giữa
những con người. Có những hẻm “chợ ẩm
thực” nổi tiếng lâu đời vì tập trung bán các món ăn hay các quán
nhậu bình dân, đồ ăn ngon, giá rẻ, người mới đến Sài Gòn, người xa Sài Gòn trở
về thường hay tới đó, cám giác là lạ quen quen níu giữ nỗi nhớ của nhiều người…
Dọc nhiều con đường ở khu vực Chợ Lớn có
những
hẻm cổ của người Hoa. Nhà cửa thường hẹp bề ngang mà sâu hun
hút, ngay cửa ra vào dán mảnh giấy đỏ có hàng chữ Hán cầu mong sự bình an sung
túc… Trong mỗi ngôi nhà là “tam, tứ đại đồng đường”. Dân cư trong hẻm
phần
lớn có họ hàng với nhau do thủa xa xưa cùng từ một bang, tỉnh từ
Trung
Hoa di cư sang. Ở TP. Hồ Chí Minh còn có những hẻm của cộng
đồng người Khmer, người Chăm hình thành muộn hơn do quá trình tụ cư ở thành phố
từ khoảng giữa thế kỷ 20.
Có thể nhận diện một số hẻm “nghề thủ công” ở các “làng
nghề” xưa, nay thu hẹp thậm chí không còn nữa. Một số hẻm gắn liền với cơ sở
tín ngưỡng, tôn giáo nổi tiếng trong khu vực…
Theo lịch sử hình thành và phát triển không gian đô thị thì
có nhiều hẻm hình thành ngẫu nhiên từ đường mòn của làng cổ, hay từ vịệc san
lấp ruộng, hồ ao, hay men theo kinh rạch
trong quá trình cư trú tự phát của cư dân – phần lớn là người nhập cư.
Nếu để ý sẽ thấy, trong quy hoạch đô thị Sài Gòn từ thời Pháp, những con đường
bắt đầu từ bờ sông (đường dọc) thường khá thẳng. Còn đường song song với bờ sông
hay kênh, rạch (đường ngang) thì thường uốn lượn. Các con hẻm dọc, ngang theo
các con đường cũng vậy.
2.
Nếu “mặt tiền” của đô thị là khu vực sôi động bởi
hoạt động kinh doanh, dịch vụ, bởi các tuyến giao thông chính, những giao tiếp
xã hội… là yếu tố “động”, bên ngoài, thiếu tính bền vững giữa các nhóm cộng đồng…
Thì đằng sau đó là “mạng lưới” hẻm dày đặc, chằng chịt và đa dạng về văn hóa, mang
tính chất “sống chậm”, bền vững và đi vào chiều sâu của quan hệ giữa con người
với nhau và với các cộng đồng khác.
Không gian cư trú có tác động nhất định đến sự hình thành
lối sống, cách ứng xử của cá nhân với gia đình, với cộng đồng. Dù là hẻm loại
nào thì mỗi con hẻm ở TP. Hồ Chí Minh đều có một
“đời sống” riêng, là một “tiểu không gian văn hóa” kết tinh bởi sự đa dạng của
nguồn gốc, lối sống, nếp sinh họat của dân cư trong hẻm.
Là một thành phố có số lượng
người nhập cư lớn nhất về số lượng, tốc độ và mật độ cư trú, nên đã hình thành
những khu vực (chủ yếu trong các con hẻm) mà dân cư có cùng nguồn gốc. Ở những
hẻm như vậy quan hệ của cư dân và lối sinh hoạt vừa mang tính chất đô thị (vì
công chuyện làm ăn) nhưng cũng vừa mang tính truyền thống “làng xóm” vì quan hệ
đồng hương, họ hàng… Yếu tố văn hóa quê nhà như ngôn ngữ, ẩm thực hầu như
nguyên vẹn trong những hẻm như vậy.
Những con hẻm hình thành lâu đời – nhất là ở các quận trung
tâm – giữ gìn lối sinh hoạt thị dân khá vững chắc. Hẻm luôn yên tĩnh, sạch sẽ,
dân cư ít trò chuyện với nhau nhưng không vì thế mà lạnh nhạt hay “đèn nhà ai nấy
rạng”. Có những con hẻm phía ngoài là nhà biệt thự “kín cổng cao tường”, đi vào
sâu là những ngôi nhà cấp 4 rồi nhà mái tôn của “dân nghèo thành thị”… Nhưng
không vì thế mà cư dân trong hẻm không tương trợ giúp đỡ nhau khi hữu sự.
Về không gian, đường hẻm dù rộng hay nhỏ hẹp
thường được dân trong hẻm cùng “nắn” cho thẳng hơn, vừa dễ đi lại, thuận tiện
cho những việc khẩn cấp, vừa làm cho nhà “có giá” hơn khi cần bán hay cho thuê.
Hẻm mặc nhiên là không gian công cộng. Nơi ấy mọi người có thể sử dụng
khi cần thiết nhưng cũng là nơi sinh họat chung, liên kết mọi thành viên trong
hẻm với nhau. Hẻm – như không gian mở rộng của từng ngôi nhà riêng biệt. Không
gian văn hóa riêng – chung trong hẻm không bị cắt rời mà linh họat kết nối với
nhau, như người Sài Gòn phóng khóang cởi mở trong giao tiếp mà vẫn tôn trọng khoảng riêng tư của
mỗi con người, mỗi nhà.
Ngay trong trận dịch kinh hoàng năm 2021 vừa qua, mỗi hẻm
phố dù bị “phong tỏa” thì bên trong hẻm lại càng tăng cường những mối quan hệ,
liên hệ giữa các gia đình: thăm hỏi qua zalo hay facebook, giúp nhau mớ rau hay
miếng thịt, bao gạo gói mì những ngày cơ nhỡ, thông tin ngay cho cơ quan chức
năng khi trong hẻm có người lâm vào tình trạng nguy hiểm… Không phân biệt mặt
tiền hay trong hẻm, “hẻm giàu” hay “hẻm nghèo” mà cùng khu phố, cùng tuyến đường
thì hết lòng giúp nhau vượt qua khó khăn.
Có thể nói, hẻm phố ở TP. Hồ Chí Minh là những không gian
văn hóa đa dạng nhưng đậm nét tính cách “người Sài Gòn”: tình nghĩa, cởi mở, cộng
đồng trách nhiệm. Hẻm ở Sài Gòn là một phần quan trọng của “cơ thể”
thành phố sống động, cả về không gian địa lý và tính
cách văn hóa. Từ những mạch máu lớn nhỏ này ngày lại ngày hàng triệu con người
hòa mình vào thành phố, như dòng máu đỏ mang lại sinh khí trẻ trung, năng động
và tạo nên bản sắc văn hóa Sài Gòn.
3.
Tại TP. Hồ Chí Minh, từ sau 1975 và nhất là quá
trình đô thị hóa từ đầu thế kỷ 21 đến nay, ít nhiều đã phá vỡ và làm thay đổi
những “tiểu không gian văn hóa” hay sự cố kết của các cộng đồng dân cư. Tuy
nhiên, có thể nói những hẻm phố vẫn còn giữ được sự thân thiện và bình yên -
nét đặc trưng của những con hẻm xưa.
Thành phố mở rộng hơn, đời sống ở mỗi khu vực cũng
thay đổi. Nhiều “hẻm nhà lá xóm kênh đen” không còn nữa, sau giải tỏa được ra “mặt
tiền” xây dựng thành con đường mới, nhà cửa khang trang. Nhiều hẻm được “nâng cấp”
theo phương thức “nhà nước nhân dân cùng làm” mà phần nhân dân là “hiến đất mở
rộng hẻm”, đóng góp phần lớn kinh phí làm đường cống thoát nước, ngầm hóa đường
điện, viễn thông, trải nhựa hay đổ bê tông làm cho hẻm trở thành “sân chơi”
công cộng… Sự thay đổi ấy không chỉ từ chủ trương của chính quyền mà bắt đầu từ
sự tự giác “vì việc chung” của người dân, vì quyền lợi của cộng đồng và của
chính mình.
Hiện nay, ngoài việc gìn giữ, “bảo tồn” không gian
văn hóa hẻm với lối sống hiện đại nhưng vẫn “tình làng nghĩa xóm”, thì vấn đề
an ninh và vệ sinh môi trường luôn được người dân quan tâm. Nhiều hẻm sau khi cải
tạo, nâng cấp đã cho gắn camera theo dõi tình hình an ninh, kịp thời ngăn chặn
nhiều hành vi phạm pháp. Các phương thức thông tin hiện đại (qua điện thoại,
zalo và mạng xã hội) cùng với thông tin truyền thống (tờ rơi, họp tổ dân phố…) đã
kịp thời mang thông tin đến người dân.
Tuy nhiên về môi trường thì còn một số vấn đề. Nếu
trước đây trong hẻm thường có cây xanh trồng trong khuôn viên đất của mỗi nhà,
cây xanh có sẵn trên đường hẻm… Tuy không phải là những cây lớn nhưng đã tạo
bóng mát, không khí trong sạch và cảnh quan bình yên, giúp con người giảm bớt
căng thẳng sau một ngày lao động… Thì nay “đất có giá hơn” sau khi nhiều hẻm được
cải tạo, nhà cửa được xây mới đã thiếu vắng cây xanh, hẻm bê tông hóa tuy sạch
sẽ nhưng làm tăng thêm không khí nóng nực. Cảnh quan của hẻm và tình trạng
ô
nhiễm không khí không khác gì ngoài đường lớn khi xe máy, thậm chí xe hơi ra vô
tấp nập.
Đặc biệt vấn đề rác thải. Hầu hết rác thải trong hẻm
là nhờ những chiếc xe nhỏ chạy vô thu gom mỗi ngày. Bất kể nắng mưa anh chị em
làm vệ sinh đều cần mẫn thực hiện công việc. Tuy nhiên, rất cần thiết mỗi hẻm
có những thùng rác chuyên dụng. Không có thùng rác “phân loại từ nguồn” thì vừa
lãng phí việc phân loại rác ở mỗi nhà (đã để 3 loại rác vào 3 túi rác khác
nhau), nhưng khi thu gom thì đều bị vứt chung lẫn lộn vào xe rác. Rất mất vệ
sinh và ảnh hưởng sức khỏe của những người vận chuyển.
Hẻm là thành
phần quan trọng cấu thành một đô thị, không gian sống trong hẻm là của phần lớn
dân cư thành phố. Hẻm có văn minh, sạch đẹp thì mặt tiền mới có thể giữ được vẻ
sạch đẹp, văn minh. Văn hóa lối sống trong hẻm như một “khoảng lặng” giúp cho
thị dân bình tâm và an yên sau những hối hả lo toan làm ăn của một đô thị không
ngừng chuyển động, như TP. Hồ Chí Minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét