Midnight talks #60. Sự hình thành giọng nói Quảng Nam – một sự biến âm tiếng Việt.

 1.

Đầu tiên phải nói ngay, mình không có hiểu biết nhiều về Ngôn Ngữ Học, chỉ là người yêu tiếng Việt và quan tâm đến văn hóa, nhất là hiện tượng giao lưu, tiếp biến văn hóa, do bản thân cũng là một “hiện tượng” này 😊

Trước công trình “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” của PGS.TS Andrea Hòa Phạm khá lâu, mình được đọc công trình “Có 500 năm như thế” của anh Hồ Trung Tú ngay từ lần xuất bản đầu tiên. Công trình của anh khá mới mẻ về cách tiếp cận, tuy với mình thì không quá xa lạ. Ai đã từng học GS Trần Quốc Vượng đều tiếp nhận được ít nhiều phương pháp tiếp cận liên ngành lịch sừ - văn hóa của Thầy: Thầy Vượng luôn đặt các sự kiện lịch sử trong bối cảnh văn hóa rộng hơn để có thể thấy sự đa dạng, đa tuyến, phức tạp của lịch sử, của các hiện tượng văn hóa. Từ đó nhìn nhận nguyên nhân hay kết quả một cách khách quan nhất có thể.

Vì vậy, tuy chưa thỏa mãn với lý giải của tác giả Hồ Trung Tú về sự hình thành hay nguồn gốc tiếng QN – ngắn gọn là do là người Chăm nói tiếng Việt trong một hoàn cảnh đặc thù – thì đối với mình, công trình của anh Tú cho đến nay vẫn rất đáng được quan tâm, khi nghiên cứu về “Xứ Quảng” nói riêng và quá trình “mở rộng lãnh thổ đất đai” vào Trung và Nam bộ, vào thời Lê và sau đó là thời Trịnh – Nguyễn và triều Nguyễn, nói chung.

Lịch sử di dân – dù không thật đầy đủ, cụ thể và chi tiết, thì vẫn cho biết cư dân Đại Việt đi vào Champa phần lớn là từ Thanh – Nghệ/Tĩnh. Vì ít nhất 2 lý do: đấy là nơi tiếp giáp gần nhất, “di cư” thuận tiện nhất; và vì vua Lê , sau này là chúa Nguyễn có gốc gác bản quán ở vùng này, mang theo bà con họ hàng đi vào “vùng đất mới” là mang theo một lợi thế lớn về tinh thần. [Gia phả của gia đình tôi do ông nội tôi (đời thứ 6) ghi lại cũng nói rõ: ông cố ông sơ đời thứ nhất của gia đình là từ Quảng Ngãi vào Nam bộ nhưng gốc gác nhiều đời lại từ Thanh Hóa].

Vì vậy “suy diễn” theo lịch sử đã có thể đặt giả thuyết: Xứ Quảng là nơi tiếp nhận/giao thoa/tranh chấp/đối chọi/hòa nhập… văn hóa - trong đó có ngôn ngữ - của hai tộc người Việt (Thanh/Nghệ là chủ yếu) – Chăm. Quá trình hòa nhập này diễn ra trong một thời gian dài, trong hoàn cảnh xã hội mới của người Chăm là “buộc phải” tiếp nhận và sử dụng ngôn ngữ (và có thể một số thành tố văn hóa khác) từ một cộng đồng có lợi thế hơn về vị thế xã hội, ít nhất trong giao tiếp với chính quyền và số đông người mới đến. Việc tiếp nhận này có thể “không bị bắt buộc”, hay “chính quyền không can thiệp vào ngôn ngữ” – về lý thuyết thì vậy nhưng thực tế thì không tránh khỏi điều đó.

Một ví dụ: hiện nay, các ngã tư ngã năm hay bùng binh tại TP.HCM đều được gọi/viết là “nút giao/vòng xoay” – cùng rất nhiều từ ngữ khác/lạ với người Nam bộ xuất hiện và phổ biến từ các văn bản quy phạm đến ngoài xã hội… Và có thể chỉ một thời gian ngắn nữa thôi cư dân TP sẽ quen với những từ ngữ mới, đồng thời những từ ngữ cũ sẽ mất đi. Nhất là TPHCM là nơi người nhập cư nhiều và liên tục, trong đó có những người đã quen sử dụng những ngôn ngữ hành chinh/chinh trị phổ biến ở miền Bắc.

2.

Công trình của PGS. TS. Andrea Hòa Phạm “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” đang là vấn đề “nóng” được nhiều người quan tâm, thể hiện ở những tọa đàm, hội thảo, ở nhiều bài viết trên báo chí, trên FB… “là một công trình nghiên cứu đồ sộ về âm vị học của phương ngữ Quảng Nam” như giới thiệu của BTC Midnight Talks trên Fanpage.

Tiêu đề cụ thể của Chủ đề của Midnight talks lần này thu hẹp hơn (tiêu đề) và nội dung công trình trên, tập trung vào “sự hình thành” trên cơ sở nghiên cứu “sự biến âm tiếng Việt”, cụ thể là tiếng Việt ở vùng Thanh – Nghệ /Tĩnh. Vì vậy, Lời giới thiệu của PGS.TS Hoàng Dũng cũng như nội dung trình bày của PSG.TS Hoa Phạm cũng khá cụ thể và chuyên sâu về khoa học ngôn ngữ. Một người “ngoại đạo” như mình, tham dự buổi Talks này thì hiểu thêm về công trình của chị Hòa Phạm, ít nhất là biết được cách tiếp cận từ ngôn ngữ học là như thế nào, khi tìm hiểu về (lịch sử) một ngôn ngữ nào đó.

Mình thấy nghiên cứu ngôn ngữ khá giống nghiên cứu KCH, cũng phải ngược về quá khứ tìm kiếm những bằng chứng, dấu tích… từ đó đặt chúng trong những mối quan hệ trong không – thời gian (mạng/net), hoặc có thể dựa trên sự kiện lịch sử và suy luận một cách logic…để có thể tìm ra (những) nguồn gốc, đặc trưng của một hiện tượng văn hóa. Mà ngôn ngữ và ẩm thực là hai hiện tượng văn hóa thú vị nhất của một cộng đồng :)

Sau những trao đổi với host là PGS.TS Hoàng Dũng và diễn giả Hòa Phạm, mình đã nhận rõ hơn điều gì làm mình “chưa thật sự thỏa mãn” khi đọc công trình của chị. Đó là, ngôn ngữ cũng như nhiều hiện tượng văn hóa, không phát triển đơn tuyến và đơn giản! Tiếng Việt từ Thanh-Nghệ vào đến Quảng Nam, rồi từ đó vào đến Nam bộ, có sự thay đổi không phải chỉ theo các quy luật ngôn ngữ học như chị Hoa Phạm lý giải rất hay, mà chắc chắn và chủ yếu còn vì sự tiếp xúc với những cộng đồng tộc người khác, dù “thiểu số” và “yếu thế” hơn về vị thế xã hội, làm thay đổi ngôn ngữ của cả hai bên.

Theo GS Hà Văn Tấn, “Giao lưu tiếp biến văn hóa là sự tiếp nhận văn hóa bên ngoai bởi dân tộc chủ thể. Quá trình này luôn đặt dân tộc chủ thể phải xử lý tốt mới quan hệ biện chứng giữa yếu tố nội sinh và yếu tố ngoai sinh. Hai yếu tố này luôn chuyển hóa cho nhau và rất khó tách biệt trong một thực thể văn hóa. Có yếu tố ở giai đoạn này là yếu tố ngoại sinh, nhưng đến giai đoạn sau những tính chất của yếu tố ngoại sinh ấy không còn hoặc nhạt dần đến nỗi người ta tưởng rằng đó là yếu tố nội sinh. Hơn nữa sự tương tác của hai yếu tố này thường diễn ra theo hai trạng thái: một là yếu tố ngoại sinh lấn át, triệt tiêu yếu tố nội sinh, hai là có sự cộng hưởng lẫn nhau, yếu tố ngoại sinh dần dần trở thành yếu tố nội sinh và làm phai nhạt căn tính của yếu tố ngoại sinh. Nhìn ở phương diện thái độ của tộc người chủ thể, sự tiếp nhận yếu tố ngoại sinh cũng có hai dạng thể hiện: Một là tự nguyện tiếp nhận, hai là cưỡng bức tiếp nhận”… 

[Cơ sở văn hóa VN, Trần Quốc Vượng chủ biên, tái bản lần thứ 8, tr.52. NXB Giáo dục 2006]

Do đó, mình đồng cảm với sự phân tích ngôn ngữ học của chị Hòa Phạm về sự dịch chuyển và biến âm từ tiếng Thanh/Nghệ và trở thành  “hóa thạch” ở tiếng Quảng Nam. Nhưng nếu coi đó là “nguồn gốc” thì mình thấy còn chưa đủ. Ngôn ngữ cần được đặt vào đời sống thực tiễn trong giao tiếp với các trạng huống khác nhau. Như một vấn đề mình nêu ra vào cuối buổi talks, “vì sao người Quảng Nam hay trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi” là một hiện tượng văn hóa cũng cần được tìm hiểu khi nghiên  cứu về “nguồn gốc” tiếng/giọng Quảng Nam.

        3.

May quá, có stt của Lê Thanh Hải cảm nhận về buổi talk này giống mình, xin trích và lưu ở phần dưới đây, cám ơn em Hải nhé :) 

        4. 

Vài lần mình đến trung tâm thương mại Đồng Xuân của người Việt ở Berlin (và một số chợ Việt khác ở Tiệp, Ba Lan..). Trời ơi, như đang ở Nghệ An, Hà Tĩnh, hay nói chung là ở miền Bắc. Tiếng Việt (nhất là Nghệ/Tĩnh) nguyên xi, dù có những em, cháu qua đây đã chục năm, ngoài giao tiếp với người Việt tại chợ các em vẫn có thể giao tiếp (có thể ít hơn) với người Đức. Càng đi xa người ta càng giữ lại “văn hóa quê nhà” đã mang theo, mà ngôn ngữ và ẩm thực có thể thấy rõ nhất ở những nơi nào có người Việt xa quê, như đến Cali cũng vậy, ngồi cà phê, quán ăn hay vào các trung tâm thương mại của người Việt thì như đang trở lại SG những năm sau 1975. 

Nếu “dịch chuyển” hiện tượng này lên vài trăm năm trước khi người Thanh/Nghệ vào xứ Quảng cũng có thể hình dung họ mang theo và giữ lại ngôn ngữ, giọng điệu bền vững như thế nào - NẾU HỌ CƯ TRÚ CO CỤM, HẠN CHẾ GIAO TIẾP VÀ HÒA NHẬP VỚI CỘNG ĐỒNG CHĂM BẢN ĐỊA. Nhưng với thế và lực của người Việt ở vùng đất này từ thế kỷ 15,16 trở đi, thì có lẽ có nhiều “hòa trộn” về văn hóa và cả huyết thống nữa. Vì vậy, theo mình cần nhìn nhận các nguồn gốc đã tham góp vào sự hình thành giọng Quảng Nam, gồm:

 Hai nguồn chính/ 2 cộng đồng chủ đạo: Việt (Thanh/Nghệ) mang theo + Chăm nói tiếng Việt (qua nhiều thế hệ), và có thể một nguồn bổ sung là tiếng nói của các tộc khác Chăm, và những “ngoại nhân” có mặt ở xứ Quảng trong thời gian dài (vì nơi này có Đại Chiêm hải khẩu - cảng thị Hội An, với đặc điểm chung của thương mại đường biển ĐNA là thương nghiệp gió mùa, khi trái gió thương nhân có thể lưu trú tại cảng lâu để chờ thuận gió mới xuất hành).

 Những nguồn ấy đã tham góp và hòa trộn ở mức độ khác nhau để thành một giọng Quảng Nam hiện nay khác biệt cả Thanh/Nghệ xưa và cả Chăm nay. Đây không phải là “ba phải” mà vì sự thật có khi rất đơn giản, nhưng đơn giản thì không phải là đơn nhất và đơn tuyến "từ Bắc vô Nam" như nhiều người vẫn nghĩ 😊

Công trình của anh Tú là “từ góc nhìn phân kỳ lịch sử” có thể diễn giải một hiện tượng văn hóa một cách phù hợp logic lịch sử. Còn công trình của chị Hòa Phạm là góc tiếp cận ngôn ngữ học, có phương pháp phân tích khoa học ngữ/âm cụ thể. Giá mà có nhà ngữ học nào, và nhà ngữ học người Chăm thì càng tốt, nghiên cứu hiện tượng này tiếp cận từ phía giọng/ngôn ngữ Chăm nhỉ? 

Nói thêm

Qua buổi talk và qua một số bài trao đổi, tranh luận trên báo chí, trên FB, lại một lần nữa mình nhận thấy rằng, ở nước mình giữa “nghiên cứu hàn lâm” và “nghiên cứu độc lập” (ấy là một số người phân biệt thế) còn khoảng cách xa lắm, cả về cách tiếp cận, vận dụng nghiên cứu liên ngành, nhất là việc đánh giá “vị thế” người nghiên cứu, dù rằng gần đây những công trình của các nhà nghiên cứu độc lập ngày càng có uy tín đối với cộng đồng rộng rãi chính từ giá trị khoa học của các công trình ấy.

Trong ngành của mình, KCH cộng đồng (mà từ năm 2010 cùng với Lê Thanh Hải mình đã xuất bản cuốn KCH bình dân Nam bộ) và KCH đô thị (công trình của mình năm 2017, tái bản 2019) cũng là hai ngành có cách tiếp cận đối tượng nghiên cứu “từ dưới lên – bottom up”. Tức là từ chủ thể của lịch sử, của di sản văn hóa, có thể coi là sự liên ngành với nhân học. Điều đó giúp lý giải khá nhiều vướng mắc, mâu thuẫn giữa “hiện tượng” và “bản chất” của một số yếu tố văn hóa, sự kiện lịch sử, đồng thời giúp giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn. Nhưng một mức độ nào đó, mình cũng chịu sự “định kiến” vì tính “không hàn lâm”, “nghiệp dư” như một số đánh giá về công trình của anh Hồ Trung Tú 😊

 Sài Gòn, 9.10.2022

Youtube của Midnight talks #60: https://www.youtube.com/watch?v=FMXqds3fbhk

@ LÊ THANH HẢI: ETIC vs EMIC

Theo như bạn admin thì youtube kg cho comment quá dài nên chiều nay kg có cơ hội đặt câu hỏi với chị Hoà, nhưng đó có thể là điểm yếu kết cấu làm sụp đổ lập luận của chi (và cả a Dũng) bác bỏ a Tú Trung Hồ.

Trước hết là vầy. Lập luận của chị Hoà đầy thuyết phục. Nhưng, là với hệ thống lý thuyết trong ngành ngôn ngữ học của chị ấy. Và lập luận để chị bác bỏ giả thiết của a Tú là vì kg có bằng chứng (về ngôn ngữ học) trong khi luận văn của chị là cả một hệ thống bằng chứng. Đúng. Anh Tú sai. Sai bét nhè trong hệ thống lý thuyết của chị Hoà.

Nhưng mà. Lý thuyết là lý thuyết. Lý thuyết kg phải là chân lý. Và lý thuyết càng kg phải là thực tế - mà nhiều khi còn được coi là sự thật. Và thuyết - và giả thuyết - nhiều khi sụp đổ vô cùng dễ dàng ở đâu đó, như Thomas Kuhn từng viết về paradigm vậy.

Ví dụ như có bác Haudricourt (https://en.wikipedia.org/wiki/Andr%C3%A9-Georges_Haudricourt) từng lập thuyết về sự tiến hoá của tiếng Việt - từ một/kg dấu lên 2 dấu (như ở tộc người gì, cũng quên tên rồi - vùng Quảng Bình) rồi 3-4-5-6 ' \?~. như bây giờ. Là một dạng thuyết tiến hoá - evolution, mà sau này khi sinh học kg còn được dùng để diễn tả xã hội nữa (chỉ coi là metaphore) thì cũng biến mất theo. Chị Hoà có 2 ý theo kiểu này 1- cho rằng hỏi ngã nhập lại để bớt âm (cũng có thể lý giải hỏi ngã phân chia rõ để tiến hoá) 2- dùng lập luận cơ thể đào thải bộ phận ghép <= cái này sai cơ bản về logic lập luận trong khoa học xã hội nhân văn, dù rằng để giảng bài hay nói chuyện với quần chúng thì tạm chấp nhận được.

Như trong tiếng Anh có thuyết cho rằng đầu tiên đơn âm - như số đếm đó, rồi dần theo tiến hoá mà ghép thêm âm (trong khi tiếng Hoa hay Hàn, Việt thì giữ đơn âm nhưng thay đổi dấu). Nhưng kiểu gì thì vẫn có ngoại lệ - vì tiếng Việt cũng có những từ phải 2 chữ-âm đó thôi - vì suy cho cùng vẫn là thuyết - kiểu như phương trình hay gì gì đó biểu diễn thực tại.

Mà nói tới "công thức" để diễn tả thực tại, thì chính là cái sai khác mà chị Hoà có lẽ cần ý thức hơn, là cuôc tranh chấp, hay có thể gọi là mâu thuẫn giữa hai trường phái mà ban đầu chính từ ngành ngôn ngữ học, giữa những người đòi ký âm theo chuẩn quốc tế (phonetics - như tiếng Anh trong từ điển bên cạnh có cách đọc) và những người tin rằng mỗi ngôn ngữ luôn có những đặc thù của riêng mình cần phải có ký/phiên âm riêng (phonemics - như chính tiếng Việt dùng tiếng Việt chứ kg phải hệ thống ký âm quốc tế để ghi các biến thể khác như xe độp và eng/ăng cơm).

Mở rộng ra thì cuộc tranh luận giữa etics và emics - như các nhà khoa học Nhật Bản làm rất mạnh - kg đơn giản là ngôn ngữ học, mà còn là cái góc nhìn. Nghiên cứu giọng Quảng Nam như người từ bên ngoài - etics (và nhìn thấy sự "tiến hoá" của một ngôn ngữ di cư - còn bị coi là tư tưởng thực dân) hay một thành viên bên trong - emics (và nhìn thấy sự "bản địa hoá" những nguồn văn hoá khác nhau, tiếp biến hay khúc xạ - Phan Ngọc - bên trong chính bản thân mình - cũng thường bị coi là sai hay thiếu khoa học vì kg/chưa đủ sức minh chứng). Do đó, với những phổ âm (đạo hàm bậc 2 của sóng âm mà chị Hoà cứ dùng những thuật ngữ f1 f2 trên đường biểu diễn nguyên âm tròn môi mà kg biết có biết phương trình toán của phép phân tích đó hay kg)...

Mà thôi chốt lại, chị Hoà đúng khi vẽ được con đường di cư (Hậu nhấn mạnh) của tiếng Thanh-Nghệ. Nhưng sai khi dùng lập luận đó bác "nguồn gốc Chăm" của tiếng Quảng Nam. Như chị Hậu Kc Nguyễn đã nhắc nhẹ đó, “liên ngành” là điểm yếu trong lập luận này. Thêm một ý cho a Dũng cũng suy nghĩ nữa, rằng đúng là không thể ép người xưa sử dụng iPhone (ý nói đến lập luận: nguồn gốc tiếng Quảng Nam là do người Chăm nói tiếng Việt mà không có chứng cứ)  nhưng chúng ta thi sao? Chúng ta có đang áp đặt cách nghĩ - mà ngay chính ta kg ý thức được - iPhone, tức là etics, cho người xưa kg? thay vì tìm cách nghĩ theo kiểu của họ - emics?

[HẾT TRÍCH]



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...