RIÊNG TƯ… TRÊN MẠNG?



Nguyễn Thị Hậu

Cứ thử hình dung một ngày chúng ta không có Internet. Thì sao nhỉ?
Chúng ta có còn liên hệ với ai không khi mà không email, không mạng xã hội, không báo mạng, không tài liệu ebook, không nghe nhạc xem phim trực tuyến, không game, không status không note không comment không like…?
Có lẽ như vậy cũng không luôn cả máy tính, bởi vì cần gì máy tính khi chức năng nối mạng không còn?
Chúng ta không còn cả cảm giác “cô đơn trên mạng”, bởi vì có còn gì còn ai đâu, ngoài chính mình. Những mối liên hệ “thực” ngoài đời trở nên nhạt nhoà bởi thiếu đi sự lung linh khi giao tiếp với nhau qua mạng.

Ồ, bỗng nhiên chúng ta chợt nhận ra mình có được sự riêng tư – trạng thái rất cần thiết của mỗi con người nhưng phần lớn đã đánh mất từ khi chúng ta hoà mình vào mạng.
Ta không cần “phơi” tâm trạng, “phô” hành động như một thói quen khi nhìn thấy câu hỏi “bạn đang nghĩ gì?” trên FB; buồn vui sến sủa, bực tức cáu giận, chửi đổng mỉa mai, yêu đương hay căm ghét, tâng bốc hay ném đá, đi ăn đi chơi, xem phim, cãi lộn… Thậm chí, xin lỗi cả nhà, đến chuyện “đang vui thì đứt dây đàn/nàng đang khó chịu thì chàng đến chơi” cũng nhất định phải cho “cả làng” biết;
Ta không phải tức khắc trả lời một câu còm của ai đó có vẻ hiểu sai hay khiêu khích về một status của ta; Ta không phải lạ lùng khi những điều hay ho ta viết ra đã bị ai đó chôm mất và đăng ở nơi nào đó, tự nhiên cứ như là của họ;

Ta không ngại khi bất ngờ một ai trong nhóm bạn đang ngồi cà phê với nhau bỗng dưng đưa điện thoại lên chụp hình ta trong một tư thế không đẹp lắm, ăn nhồm nhoàm hay cười ha ha hay hoa tay múa chân… làm mất “hình tượng” ta đã cố công xây dựng lâu nay trên mạng. Ta cũng không phải phiền lòng khi những hành ảnh bạn chụp ta cứ hồn nhiên được đưa lên mạng, dù là với lòng yêu quý… nhưng đấy là khoảng khắc riêng tư của “chúng mình” cơ mà?
Ta không phải lo lắng khi bất cứ ai cũng có thể biết được “vị trí bạn đang ở” nếu quên tắt chức năng định vị của điện thoại. Một anh bạn, bữa đó ngồi họp ở cơ quan ngay đầu cầu Chương Dương, nhắn tin cho vợ là về trễ, nhưng vợ anh ta thì lại thấy “đang ở nhà nghỉ gần Gia Lâm”. Chuyện tiếp theo thế nào chắc mọi người đoán được.

Ta cũng không sợ phải bất ngờ khi nhìn thấy ảnh mình trên một trang báo mạng, trên facebook của ai đó kèm với câu chuyện rất là kinh khủng khiếp, nhưng quên mất dòng chú thích tối thiểu “ảnh chỉ có tính chất minh hoạ” dù rõ ràng không được phép sử dụng hình ảnh người khác một cách tuỳ tiện như thế;
Ta không phải bực mình khi câu chuyện vui vẻ chia sẻ với bạn bè trên mạng chỉ nhẹ như “một chiếc lông gà” bỗng dưng biến thành “một chị gà mái rụng hết lông” khi nó quay ngược về facebook của ta;
Ta không cần quan tâm tới những câu hỏi hay tiếng xì xào rằng, sao cô/anh ấy chẳng hay kể gì về chồng/vợ gì nhể? Chắc là vợ chồng nhà ấy làm sao…? Ta không phải hối hận khi chuyện yêu đương của ta ngày nào cũng xuất hiện để rồi khi hết yêu cả thế giới cũng biết;

Tóm lại, nếu không có internet thế giới riêng tư của ta được bảo toàn trong một phạm vi nhất định: gia đình, người thân, và với nhiều người, chuyện riêng tư chỉ là của chính mình.
Thế nhưng ngày nay “không có internet” chỉ là giả tưởng, cũng như vài chục năm trước đây mạng xã hội cũng là “giả tưởng”. Internet – trong đó cũng có những thông tin riêng tư của chúng ta – góp phần làm cho thế giới ngày càng “phẳng”.
Thời tiền sử thế giới cũng phẳng, nhưng phẳng trong tình trạng không có thông tin, của cá nhân cũng như của những cộng đồng.

“Thế giới phẳng” có thực sự Phẳng, khi sự riêng tư của mỗi chúng ta đang có thể “lâm nguy”? Và liệu có đến lúc nào đấy, con người phải từ chối thông tin để có một “thế giới phẳng” của riêng mình?

NGƯỜI ĐÔ THỊ 26/6/2014

Vụn vặt đời thường (43)

@ Sau Tây Ban Nha là Ý , có sự thất vọng nhẹ về những đội bóng một thời. 
Sau HD 981 đã là 2,3,4,5... Ko còn là Thất vọng mà đang tự hỏi: còn không lòng tự trọng?!

@ Cần gì nghị quyết vì các vị nghị sĩ ko ai có sổ đỏ ở biển Đông! Sự dửng dưng cuả nhiều người đối với đất nước cũng có thể coi là một thành công :(

@ Quan chức nhà mềnh, hết bị KHỚP lại MẤT NGỦ. Đề nghị chị Y tế tập trung nghiên cứu chế ra vacxin ngừa các bệnh này.

@ "Đời chúng ta chưa đòi được thì đời con cháu chúng ta sẽ đòi được HS" - Thế này thì "chúng ta" xứng đáng là ông nội AQ. Oách nhá!

@Cái gì cũng trông chờ con cháu, kể cả "có được vẻ vang hay ko", ko phải là đề cao vai trò của lớp trẻ mà là là sự vô trách nhiệm của thế hệ hôm nay!

@ Chớp lấy thời cơ, cướp chính quyền, đi tắt đón đầu… thảo nào lịch sử nước mềnh là những “bước ngoặt” chứ không phải là hình xoáy ốc cao hơn và rộng hơn như quy luật.


@ Đọc XUYÊN MỸ nhưng mình thấy rõ hành trình "XUYÊN VIỆT" của người phụ nữ Việt. Hành trình này chưa đến điểm dừng và có lẽ, khó có điểm dừng.


@ Từ ngày không phải đi làm những gì mình viết đều giảm hẳn độ sến. Nghĩ mãi mới hiểu: hồi đó luôn có những chuyện gây bức xúc bực bội, nếu mình không tự sến cho cân bằng thì xì choét chết mất!
Cũng may, chỉ tự sến chứ không mắc "bệnh than" 
Bây giờ, cũng chả nghiêm túc hơn, chỉ có độ nhảm là tăng thêm :)

Linh tinh lang tang (90) KHI ĐAU ĐỚN BẠN GỌI TÊN AI?



Trong cuộc đời không phải khi nào đau đớn ta cũng có thể gọi tên một ai đó, và cũng có thể khi ta đau đớn không có một ai để ta có thể gọi tên, như tìm một sự an ủi, để xoa dịu nỗi đau, hay chỉ đơn giản, gọi tên ai đó để có cảm giác cái đau sẽ theo tiếng gọi mà thoát ra ngoài.
Cũng có khi ta chỉ nhớ thầm, gọi thầm bởi cảm giác nếu gọi thành tiếng sẽ mất đi một phần cảm xúc chất chứa trong lòng. Mất đi, vì không biết nó được đón nhận thế nào, người nhận nó liệu có xứng đáng được biết về cảm xúc đó hay không…
Và cũng có khi ta nghiến răng chịu đựng một mình, cảm giác trái tim sắp vỡ bung ra, nghẹn thở, choáng váng… Không một cái tên nào bật ra từ đôi môi khô nứt đau đớn của ta.

Và khi ta có thể gọi tên một ai đó, thậm chí chỉ gọi thầm, bạn hãy chắc rằng, sẽ có người chia sẻ với bạn nỗi đau, sự bất hạnh hay thậm chí, cả sự cùng cực mà đời người không mấy ai bị lâm vào. Người đến bên bạn không hẳn là người bạn đã gọi tên mà có khi là người bạn không hề nghĩ tới trong giây phút khó khăn đó. Người mà bạn gọi tên có thể không phải là ruột thịt nhưng chắc chắn là người luôn có mặt trong sâu thẳm ký ức. Chỉ cần bạn cần thì người đó sẽ lập tức trở về trái tim bạn.
Đơn giản là vì ta còn lòng tin vào con người, còn tình yêu đối với dù chỉ một người thì cuộc đời không bao giờ phụ ta.
 

What I've Learned - Esquire 7/2014



Giới thiệu ngắn về bản thân? Tôi là người gốc Nam nhưng nói giọng Bắc. Tính cách của tôi là sự hòa trộn giữa Hà Nội và Sài Gòn, nhưng có lẽ phần tính cách Sài Gòn vượt trội hơn.
Tôi rất sung sướng khi vừa nhận quyết định nghỉ hưu cách đây ít ngày. Giờ tôi đã có thời gian để thoải mái làm điều mình thích, là quay lại chuyên môn khảo cổ học.
Đa phần người ta chỉ biết đến khảo cổ học qua góc độ "xương khủng long" hay "xác ướp Ai Cập".... vốn là những chuyên ngành rất nhỏ trong môn khảo cổ học. Có thể coi đây là kết quả tuyên truyền của giới truyền thông nhưng cũng là “hậu quả” cuả giới khoa học đã   không mang những kiến thức khảo cổ đến cho cộng đồng nói chung.
Tôi tin vào may mắn, vì đã chọn được một nghề và xem nó là "nghiệp" của mình, theo nghĩa "toàn tâm toàn ý" với nghề. Hồi mới vào đại học, tôi còn không có khái niệm về ngành khảo cổ, nhưng tôi may mắn đã được học một người thầy rất giỏi, ông đã khơi gợi nơi tôi lòng ham thích lĩnh vực khảo cổ nói riêng và văn hoá nói chung.
Tôi rất yêu ngôn ngữ. Nếu không theo ngành khảo cổ, tức là không học Sử, có lẽ tôi sẽ theo học ngôn ngữ.
Tiếng Việt là ngôn ngữ cực kỳ linh hoạt. Bạn có thể sử dụng nó với bất cứ ngữ cảnh nào và ta có thể hiểu theo bất cứ nghĩa nào.
Tôi là người cô đơn theo nghĩa không phải cái gì tôi cũng có thể chia sẻ được ngay với người khác, đã có những lúc tôi gặp những khó khăn và có điều không may thì bao giờ tôi cũng chịu đựng một mình.
Tôi đang sợ nhất là trong tương lai gần mình không còn đủ sức khỏe tinh thần lẫn thể chất.
Việc làm đẹp với phụ nữ không phải là điều bắt buộc, mà là một phần bản năng. Ở một hiện trường khai quật không quá vất vả, tôi vẫn trang điểm một chút để trở nên tươi tắn và bản thân cũng cảm thấy vui vẻ, tự tin. Khi mọi người đùa bảo "ra đến hiện trường vẫn son phấn à", tôi sẽ trả lời "đương nhiên, để còn phân biệt mình với các... di cốt được tìm thấy chứ!"
Tôi thích và nể phục những người phụ nữ thành đạt, nhưng không thần tượng họ. Ví dụ tiêu biểu nhất là chị Tôn Nữ Thị Ninh. Ở chị có mọi điều: tri thức, sự mềm mại, quyết liệt và sang trọng.
Cha đã dạy tôi hiểu rằng làm nghệ thuật thì siêng năng thôi vẫn chưa đủ, mà còn cần phải có tài năng nữa, đó là vào năm tôi 14 tuổi, khi vừa thi đậu vào trường sân khấu nghệ thuật Hà Nội. Nghe lời khuyên đó tôi nhận ra mình chỉ thích nghệ thuật qua ánh hào quang trên sân khấu, chứ chưa hiểu cốt lõi bản chất của nghệ thuật. Lời dạy của cha không chỉ giúp tôi chọn nghề, mà còn giúp tôi hiểu được bản chất của nhiều hiện tượng và lĩnh vực trong xã hội.
Với mẹ, bà dạy tôi bài học lớn nhất: làm phụ nữ phải biết chịu đựng. Dù không nói ra, nhưng tôi quan sát được điều này từ cả quá trình cuộc đời bà. Không phải chịu đựng theo nghĩa tiêu cực nhu nhược, mà là chịu đựng theo nghĩa người phụ nữ trong gia đình cần phải nhún nhường một chút, hoặc biết lùi một chút...  Chịu đựng trong cái thế là mình tự chủ được cuộc đời mình, không quá phụ thuộc vào chồng hay bất cứ ai.
Tôi học được từ chồng việc biết cách chấp nhận những khác biệt ở bạn đời, dù tôi biết anh ấy có thể không hài lòng với một người hay đi công tác và nhiều bạn bè như tôi. Gia đình tôi nhìn chung là ổn đến giờ cũng nhờ vào điều ấy.
Hai cô con gái đã dạy tôi phải luôn làm mới bản thân, giữ mình trẻ trung và quan trọng nhất là dạy tôi sử dụng... Internet.  Vài người bạn của tôi cứ hay kêu gào bị con mình "block" (chặn) trên Facebook, còn tôi may mắn vẫn... chưa bị.
Sở thích của tôi là đọc sách. Tôi đang đọc tập tản văn Hà Nội Thì Không Có Tuyết của họa sỹ Đỗ Phấn và Việt Nam Pháp Thuộc Sử của nhà sử học Phan Khoang. Tác phẩm của anh Đỗ Phấn viết về đề tài thị dân của Hà Nội, vốn từ lâu đã vắng bóng trong văn học nước ta. Bản thân anh Đỗ Phấn là người cùng thế hệ nên giúp tôi cảm nhận được nhiều hơn về một thời mình đã sống.
Sách giấy góp phần hủy hoại môi trường ư? Sao bạn không nghĩ một ngày nào đó sách "giấy" sẽ không còn làm bằng chất liệu bột gỗ, mà là sợi thủy tinh hay sợi nilon hay một loại vật liệu nhân tạo nào đó?
Nếu có thể thay đổi một lựa chọn trong quá khứ, thì ngày đó tôi sẽ chọn đi học nghiên cứu sinh ở nước ngoài, thay vì làm nghiên cứu trong nước.
Nếu được gặp gỡ một nhân vật trong lịch sử, có lẽ tôi sẽ gặp văn hào Alexandre Dumas. Vì, thứ nhất tôi yêu văn học Pháp, thứ hai tôi thích mẫu đàn ông thông minh và hài hước. Các tác phẩm của Dumas cho tôi thấy ông có những phẩm chất đó.
Nước hoa tôi đang dùng? Chanel No.5
Bí quyết luyện trí nhớ của tôi là đọc và ghi chép thường xuyên. Tôi không thể đọc mà thiếu cuốn sổ tay và cây bút.
Tôi đến Nhật Bản đúng vào mùa hoa anh đào đang nở rộ, rồi rụng sạch sẽ chỉ trong vỏn vẹn khoảng một tuần. Sự quyết liệt này có gì đó giống với người Nhật. Họ cũng luôn đi đến tận cùng của bản thân nhằm vượt sang một ngưỡng mới. "Cùng tắc biến", có lẽ là như vậy!
TRÍ VƯƠNG



HÀNG CÂY LÁ XANH GẦN VỚI NHAU...


Nguyễn Thị Hậu

(TBKTSG) - Câu hát trong ca khúc Mưa hồng của Trịnh Công Sơn đã mang lại cho những cơn mưa vẻ lãng mạn đẹp lạ lùng. Nghe bài hát này tôi luôn nghĩ về cơn mưa Sài Gòn mau tới mau tạnh, gió ào ạt mưa cũng ào ạt làm cho “đường phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau”, và con người bỗng nhận ra “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”.

Vậy đấy, những hàng cây luôn gắn bó với những con đường, những ngôi nhà, với những con người thành phố.Ai cũng hiểu cảnh quan đô thị không thể thiếu những hàng cây cao vút tỏa bóng mát tạo khoảng xanh bình yên... Mỗi thành phố, vô tình hay hữu ý, có loại cây đặc trưng riêng, như Hải Phòng “thành phố hoa phượng đỏ”, Hà Nội “mùa hoa sữa”, Sài Gòn “cánh hoa dầu xoay tít bay bay”... Trải qua thời gian, môi trường biến đổi, quy hoạch đô thị thay đổi, cây xanh trong thành phố trở thành chứng nhân của sự thay đổi ấy.

Hệ sinh thái đô thị ngoài thành phần hữu cơ và vô cơ còn có thành phần thứ ba là những gì con người xây dựng nên. Đô thị càng hiện đại, càng mở rộng thì các yếu tố tự nhiên càng mất dần vì không gian dành cho thiên nhiên bị thu hẹp. Môi trường khí hậu đô thị thay đổi do sự can thiệp của con người bằng vật liệu xây dựng và tiện nghi sinh hoạt hiện đại, do bị ô nhiễm từ nguồn nước, rác thải, khói bụi, tiếng ồn... chưa kể sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Hệ thống cây xanh cần được nhận thức và đối xử xứng đáng với vai trò quan trọng của nó, bởi vì đây là thành phần mang lại nguồn lợi cho sức khỏe con người, bảo vệ môi trường và cải thiện không gian sống, giảm thiểu tác hại của khí thải độc hại và các nguồn ô nhiễm. Ở xứ nhiệt đới hai mùa mưa nắng như đô thị Sài Gòn thì những nơi trồng cây không bị bê tông hóa còn như “nhà máy” lọc và tích trữ nước ngầm...

Cây xanh còn được sử dụng phổ biến trong kiến trúc và tạo cảnh quan. Những tính chất của cây xanh như hình dạng (tán lá, thân cây), màu sắc (lá, hoa, thân cây, trạng mùa của lá...) là những yếu tố trang trí làm tăng giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc cũng như cảnh quan chung. Ở nhiều đô thị các bụi cây thấp, bờ giậu, đường viền cây xanh trang trí trong vườn hoa công viên còn có tác dụng định hướng cho người đi bộ. Hàng cây bên đường, nhất là vào ban đêm, các gốc cây có quét sơn phản quang là những tín hiệu chỉ dẫn cho người đi lại.

Cây xanh thân thuộc hữu ích với cư dân đô thị là thế, vậy nhưng chúng ta đã đối xử như thế nào? Chiều nay đọc báo thấy tin hàng cây xà cừ lâu năm trên đường Láng ở Hà Nội đã bị đốn hạ vì công trình đường sắt trên cao. Rồi một bạn viết trên Facebook “Hàng cây thuộc loại đẹp nhất của Sài Gòn nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ đang dần mất đi. Những cây to mấy người ôm đang bị đào tận gốc, trốc tận rễ, cưa thành từng khúc..."

Không hiếm những hành vi “giết” cây như đào rễ, đổ axit, chặt cụt ngọn cây... chỉ để chiếm lấy vài mét vuông vỉa hè trước cửa nhà để buôn bán. Rồi mưa giông làm gãy cành trốc gốc vì cây không được chăm sóc thường xuyên, bên trong đã bị mối đục rỗng cả... Cứ vậy mỗi ngày những cây cổ thụ xanh cứ mất dần, đô thị phô phang những khối bê tông tường kính, con người lọt thỏm vào sắt thép, ngày càng trơ trụi và khô cằn.

Để “bù lại” bây giờ người trồng cây gì? Rất hiếm thấy trồng mới loại cây thân gỗ, cây lâu năm để sau này thành phố lại có những hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát. Phần nhiều là cây tạo cảnh, cây cắt xén, cây dây leo... tốn công chăm sóc nhưng cây không lâu bền, chỉ một thời gian ngắn phải thay thế. Chưa kể nhiều bùng binh vòng xoay trồng hoa theo kiểu xếp các giỏ hoa, vài bữa bốc lên xếp giỏ khác vào... Lại có lúc có nơi đua nhau trồng cây hoa sữa dù chẳng hợp thời tiết, làm cư dân nơi ấy khốn khổ vì mùi hoa sữa - mà ngay ở Hà Nội vào mùa thu, đoạn đường nhiều hoa sữa cũng làm khổ cho cư dân ở đó bởi cái mùi hắc nồng của nó. Cây ở đô thị trồng theo “phong trào” như thế sẽ chẳng bao giờ có được một đô thị xanh.

Thôi thì không trồng cây lâu năm thì hãy trồng loại cây có hoa, tạo ra “thương hiệu” như Nhật Bản với mùa hoa Sakura nổi tiếng. Hà Nội giờ trồng nhiều bằng lăng, ngày đầu hè nhiều con đường tím ngát nao lòng. Còn Sài Gòn sẽ trồng cây gì, “hoàng hậu bông vàng” (bò cạp nước) từng chùm nở bung vàng tươi trong nắng có lẽ là một sự lựa chọn hay. Mà đâu chỉ cần làm đẹp cho những con đường, còn hai bên bờ những dòng kinh con sông trong thành phố nữa. Cần tạo “thương hiệu xanh” cho từng thành phố, bởi vì một thành phố xanh và đẹp giúp con người yêu thiên nhiên và sống tốt hơn, cả sức khỏe và tinh thần.

Ông bà mình luôn ví cây với người: “Dụng nhân như dụng mộc”, “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Nhìn cách trồng cây có thể biết cách “trồng người”. Nhìn cách đối xử với cây có thể biết con người có được quý trọng hay không. Hình như luôn có sự tương đồng như thế.


http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/116435

LINH TINH LANG TANG (89) – 10 PHÚT CỦA NHÀ BÁO NGHIỆP DƯ



Sáng nay trong cuộc tọa đàm tại hội quán Cà phê thứ Bảy (19B Phạm Ngọc Thạch, Q3), mình vinh dự được ngồi cùng các anh chị nhà báo nổi tiếng: Chị Kim Hạnh, anh Nguyễn Vạn Phú, anh Xuân Trung, chị Thu Thủy, chỉ có mình tui là người viết báo nghiệp dư.
Mỗi người có khoảng 10 phút nói về nghề báo, kỷ niệm, suy nghĩ hay quan niệm… Trong 10 phút đó mình chỉ nói được gần hết những gì mình chuẩn bị dưới đây.
-        Nghề nghiệp: giảng viên đại học, từng làm bảo tàng, Viện nghiên cứu. Sắp có thẻ Nhà báo (vì là TBT Tạp chí khoa học của Viện nghiên cứu) thì đến lúc về hưu J
-        Bắt đầu viết từ khoảng 7,8 năm nay. Được nhiều báo đặt bài về mảng bảo tồn, di sản văn hóa và một số vấn đề xã hội đô thị.
-        Viết báo thích nhất: có nơi để mình bày tỏ chính kiến về vấn đề mình quan tâm, đồng thời giới thiệu những kiến thức chuyên môn đến với công chúng rộng rãi. Ngoài ra còn có nhuận bút để cà phê với bạn bè J
-        Viết báo sợ nhất: khi báo đặt bài “phản ứng nhanh” lại quy định số chữ, phải viết đúng hạn và trình bày ngắn gọn, sắc, đúng trọng tâm nội dung mà báo cần. Ngoài ra còn ngại làm phiền các anh chị biên tập, đều là bạn bè, nếu như bài phải sửa nhiều!
-        Viết báo vui nhất: là được đăng thường xuyên, nếu có bài không đăng được thì không phải vì chất lượng của bài, mà vì lý do nào đó J . Ngoài ra được các anh chị biên tập tôn trọng hỏi ý kiến nếu cần chỉnh sửa.
-        Viết báo buồn nhất: những vấn đề mình viết hoài nói hoài mà rồi báo vẫn đặt viết tiếp, như mảng bảo tồn di sản văn hóa L. Ngoài ra còn không vui khi bài không đăng mà không được giải thích, phản hồi, dù đó là bài đặt viết (mặc dù hiếm khi như vậy).
-        Hiện nay hay đọc những tờ báo mà qua những bài báo của họ, người dân thấy mình có quyền lực và quyền lực của mình được tôn trọng. Không đọc và không thích những tờ báo, nhà báo, phóng viên viết những bài báo mà qua đó người ta chỉ thấy “quyền lực của người làm báo!”.

-        Là người đọc: tôi nghĩ báo in không mất đi mặc dù báo mạng phát triển. Vấn đề là báo in cần thay đổi, thay đổi bản thân tờ báo và cả điều kiện để báo chí hoạt động.

Linh tinh lang tang (88) Học trò cũ (2)


Lâu rồi mới gặp lại học trò cũ. Tôi dạy lớp em từ năm 1984, em là cậu lớp phó có gương mặt thông minh, hay hỏi thầy cô những câu cắc cớ, rất nhiệt tình và chủ động trong những hoạt động chung của trường, lớp. Tốt nghiệp, khoa giữ lại làm giảng viên nhưng cậu “không dám” và ra đời, trở thành phóng viên của một tờ báo nổi tiếng. Rồi trải qua vài nghề, bây giờ có thể nói em là một doanh nhân thành đạt nhưng vẫn dính dáng ít nhiều đến nghề báo.
Cách đây vài năm hai cô trò gặp lại trong một nhóm sưu tầm tư liệu về Sài Gòn xưa.  Từ đó nối lại liên lạc bằng email, điện thoại…  Một buổi trưa em mời cô giáo cũ đi ăn trưa để xin ý kiến vài việc liên quan đến chuyên môn của mình. Tôi thật sự vui vì đã 30 năm mà em vẫn còn nhớ và trân trọng gọi bằng “cô”, tất nhiên, cũng có chút tự hào vì vẫn được sinh viên cũ “nể” vì công việc chuyên môn của mình.

Hai cô – trò gặp nhau trong một quán cà phê đặc phong cách Paris ở trung tâm Sài Gòn, em nói: em đọc những gì cô viết, biết cô hay ngồi cà phê và rất yêu những quán cà phê ở Paris, vì vậy em mời cô ở đây để cô có dịp “thả hồn mơ màng” như đang ở Paris. Quả thật, quán mang phong cách Paris, nhẹ nhàng, lịch thiệp từ trang trí đến phục vụ… Giữa trưa mọi người gọi đồ ăn tới tấp nhưng mình chỉ gọi bánh mì với bơ, đường và một ly cà phê đá vẫn được các em phục vụ nhiệt tình, vui vẻ mang đến (có lần cũng vào buổi trưa tôi vào một quán cà phê thương hiệu nổi tiếng của VN, gọi như vậy, người phục vụ lạnh nhạt quay đi, hơn 20 phút sau mới mang tới, đặt xoạch xuống bàn, quay đi, không nói một lời, làm tôi “tổn thương xâu xắc” J )

Em hỏi thăm gia đình tôi, khi biết hai con gái tôi đã lớn, em ngạc nhiên: ồ, em nhớ khi cô dạy em là lúc cô mới lập gia đình… lớp em ai cũng “ngưỡng mộ” cô. Tôi nói: em không nhớ à, hồi đó có lần cô bị… xỉu trên lớp, em nhanh chân chạy lên đỡ cô và dìu vào phòng giáo viên ngồi nghỉ. Hồi đó cô đang… nghén, yếu xìu mà còn ráng đi dạy vì không có ai thay J . Em cười, vậy hả cô?

Cô - trò xuất thân khác nhau, vị thế khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, ở hai thế hệ, vậy nhưng nhiều vấn đề xã hội lại có chung cách nhìn, cách lý giải, có thể chia sẻ những suy nghĩ về thời cuộc… Không biết do em “già” hay tôi “trẻ”, chỉ biết chắc chắn một điều là những kiến thức và phương pháp đánh giá, nhìn nhận các vấn đề lịch sử mà hồi đó tôi và em cùng được học từ những người Thầy giỏi đã là nền tảng cho những suy nghĩ của chúng tôi hôm nay. Càng ngày chúng tôi càng nhận thấy nhiều người Thầy thời ấy, bằng cách này cách khác, nói một cách kín đáo hay công khai, nghiêm khắc hay hài hước, thậm chí bóng gió, mỉa mai… cũng đã truyền cho chúng tôi những nhận thức mới về lịch sử và phương pháp độc lập suy nghĩ, đánh giá. Sinh viên, chỉ cần ai tinh ý chút và yêu môn học thì có thể “thấm” dần. Sau này nhớ lại những người Thầy đó, bất giác tôi cứ liên tưởng đến những sử gia thời trung cổ: họ ghi chép những gì diễn ra trong thời đại, trong những trang ghi chép ấy nếu người đọc tinh ý sẽ nhận ra những gì họ không được phép ghi lại, hoặc chỉ bằng một hai câu thôi có thể hiểu ngược lại những gì họ đang kể. Cứ đọc Đại Việt Sử ký toàn thư mà xem! Người đọc sử đừng đọc bằng miệng, bằng mắt mà phải đọc bằng đầu – Thầy Trần Quốc Vượng đã dạy chúng tôi như thế!

Em cũng đồng ý khi tôi chia sẻ: nếu thầy cô bây giờ nghĩ rằng, sinh viên của mình thiệt thòi vì không được học những người thầy giỏi như mình hồi đó, chắc sẽ cố gắng và có trách nhiệm hơn trong việc truyền nghề. Kiến thức mênh mông, lại có Internet hỗ trợ, thầy cô cũng như sinh viên có thể dễ dàng tìm kiếm nhiều nguồn tư liệu, nhưng để sinh viên coi “nghề” mình học sẽ là cái “nghiệp” và theo đuổi suốt đời thì có thể nói, vai trò của người thầy rất lớn, có khi là quyết định.
Chia tay học trò cũ, tôi nghĩ, mình thật may mắn vì đã chọn nghề không nhầm, và may mắn hơn, có được những người Thầy tuyệt vời và cả nhiều học trò tử tế.


Vụn vặt đời thường (42)

DANH THIẾP

Hồi còn đi làm có lần văn phòng cơ quan in cho mình... 5 hộp danh thiệp, mình thấy phí quá: in nhiều thế, có mang rải như truyền đơn cũng không dùng hết! Quả nhiên 6 năm sau đến khi về hưu cũng vẫn còn, vì mình chỉ dùng danh thiếp khi nào thật cần thiết! Khi nghỉ hưu mình bỏ hết vì là phó thường dân dự khuyết thì cần gì nữa 

Bây giờ thi thoảng đi đâu làm gì đó lại thấy cần danh thiếp để tiện trao đổi điện thoại, địa chỉ, email... Mình đi in 1 hộp với thông tin rất đơn giản, người nhận in tròn mắt nhìn: sao chị ko ghi chức vụ gì thế? Có người in cả chục hộp mà chức vụ kín hết cả hai mặt chị ạ, chữ nhỏ xíu không biết có ai đọc được? Mình cười: sao em không tư vấn cho họ in danh thiếp khổ A4 cho dễ đọc 

BÀI TRÊN MẠNG

@ Những gì mình viết và bỏ trên FB và vài trang mạng khác ai cũng có thể sử dụng, link về, nhưng làm ơn ghi rõ nguồn. Đã có trường hợp mình được nhắn (qua mess) là "sao bài của chị lại giống bài này bài này... " và cho link, hoá ra bài đó là của mình. 

@ Tình cờ phát hiện một số tản văn của mình được in trong những "tuyển tập" tản văn, tạp bút, truyện ngắn... hoặc trong các tạp chí online. Cũng vậy thôi, ai dùng thì làm ơn nhắn giùm mình một tiếng, kẻo mình mang tiếng "gửi 1 bài đi in nhiều nơi", hic! Chưa kể mình phải bỏ tiền ra mua cuốn sách đó, dù phía sau ghi rõ "Người tuyển chọn do không biết hết địa chỉ các tác giả nên chưa gửi sách biếu tặng, các tác giả liên hệ với số đt này... để nhận sách tặng". Mình gọi nhưng chả bao giờ có ai nghe máy!


@ Lại có bài BBT trang online nọ đề nghị mình gửi đăng, gửi rồi, đăng xong, vài bữa tự nhiên xoá mất, mình cũng chẳng được biết lý do.

Tất cả trường hợp trên mình đều để lại lời nhắn... nhưng không bao giờ có hồi âm. Mình luôn cho rằng Internet giúp cho con người thêm một "trường quan hệ" THẬT với nhau, ngoài việc phải gặp nhau. nhìn thấy nhau. Nhưng với những trường hợp thế này thì MẠNG quả là ẢO, Ảo với những người... không thật 

Linh tinh lang tang (46) NGÀY CỦA CHA

@ Dù bây giờ vẫn còn những người trọng nam coi thường nữ, thích có con trai, thậm chí phải có con trai bằng mọi cách, thì cũng có nhiều người vẫn nghĩ rằng, nếu chỉ có con gái thì vẫn tuyệt vời làm sao! Này nhé, con gái còn nhỏ thì nhõng nhẽo cha mà cha thì luôn cưng chiều con gái, con gái khi lớn thì biết lo cho cha mà cha thì luôn *nghe lời* con gái. Thậm chí mẹ muốn cha làm gì cứ để con gái *đòi* là xong ngay. Nếu có hai con gái chúng cũng yêu thương nhau hơn và chia sẻ với nhau nhiều điều, từ nhỏ đến lúc cha mẹ già cả ốm đau hay khi không còn cha mẹ, kể cả những việc lớn trong gia đình thì các chị em gái bây giờ cũng giải quyết ngon lành. Với các chàng rể *khách* thì (hình như) bố mẹ vợ cũng dễ cư xử hơn là với các nàng dâu.
Ở nhà tôi “tình hình” là như thế 

@ *Ngày của Cha* là một ngày Lễ mới du nhập vào VN nhưng trong quan niệm dân gian từ xưa vai trò của người Cha rất lớn. Không kể những quan niệm gia trưởng, ông bà mình vẫn nói * con gái hưởng đức Cha con trai nhờ lộc Mẹ*. Vì vậy, mình cứ nghĩ thế này, một người đàn ông cư xử tệ bạc với một người phụ nữ khác, làm cho người phụ nữ yêu thương mình phải rơi nước mắt, nếu lúc đó họ nghĩ rằng, người phụ nữ này cũng được một người cha yêu thương như họ bây giờ yêu thương con gái, nếu họ “giật mình” rằng, có thể một ngày nào đó đứa con gái thiên thần của mình cũng sẽ bị một người đàn ông nào đó đối xử như vậy, chắc hẳn họ sẽ cư xử khác, phải không?
Chúc những người Cha luôn bao dung, mạnh mẽ, luôn là trụ cột (ko phải là Cụ Chột) trong gia đình, để cho vợ con luôn coi 365 ngày là Ngày của Cha :)

Linh tinh lang tang (84) Mưa chiều



Chiều. Cơn mưa trút xuống ào ào, rồi tạnh thật nhanh, đúng là “sau cơn mưa trời lại không mưa” như thi nhơn Bùi Chát chiêm nghiệm. Ô, lâu rồi mới thấy “mưa Sài Gòn”. 
Bây giờ Sài Gòn có những ngày nóng hầm hập như chảo rang, ngột ngạt như ngày hè Hà Nội. Đâu rồi hơi gió sông gió biển lao xao trên phố ngay cả trong những ngày nắng nhất?

Bây giờ mùa mưa Sài Gòn có khi còn vào tháng chạp, có khi tháng tư “tắm Phật” rồi mà vẫn chẳng thấy mưa đâu. Đâu rồi bầu trời nặng nước và hơi gió lành lạnh báo hiệu mùa mưa về khi mùa nắng tháng ba đang còn gay gắt.
Bây giờ Sài Gòn có những cơn mưa dai như… mưa Huế. Đâu rồi những cơn mưa ào đến ào đi, để mặt trời lại vui vẻ ló ra và dịu dàng những tia nắng cuối chiều tạm biệt phố.

Bây giờ Sài Gòn còn có cả mùa đông. Mỗi sáng cuối năm vẫn cần áo lạnh khăn ấm, dù có vẻ như để diện nhiều hơn. Mỗi tối trên phố đôi lứa nép sát vào nhau hơn. Đâu rồi… mà thôi, có cái này cũng hay, vì Sài Gòn trở nên lãng mạn hơn…
Mọi người bảo: do biến đổi khí hậu. Sự bất thường khó chịu của thời tiết hiện diện ngày càng rõ ràng. Mình bảo: Người điên thì thời tiết cũng khùng, dzậy thui 

Nhưng mà chiều nay Sài Gòn vẫn còn cơn mưa mát mẻ, dù là mưa ào vài phút thì cũng làm nhẹ cả bầu không khí. Sài Gòn lại là Sài Gòn, bạn còn nhớ không...?
Bỗng nhớ: ở một nơi nào đó, có mưa...?
Ừ, mình biết... "cũng may Cali trời mưa ít, không như Sài Gòn..."

ĐI TÌM TẤM BẢNG CHỈ ĐƯỜNG


NguyỄn Thị Hậu

Đi đến đâu tôi cũng hay để ý đến bảng tên đường, và cùng với nó là những bảng báo giao thông.
Ví dụ, cách đây vài năm tôi đến Huế, đi trong khu vực Thành Nội tôi hỏi cậu lái xe của cơ quan: này, bảng tên đường ở đây có gì là lạ nhỉ? Cậu ta buông ngay một câu đầy vẻ “ngoa ngoắt”: thành phố thì nhỏ xíu đường thì ngắn ngủn nhưng bảng tên đường thì to đùng, có khi to nhất nước! Ừ thật, là vì trên bảng tên đường có thêm biểu tượng “Di sản văn hoá thế giới” khá lớn nằm ở một góc.

Gần đây, một vài đô thị đã có sáng kiến là bảng tên đường còn kèm theo “lý lịch” vắn tắt của nhân vật được đặt tên đường. Chưa kịp vui với sáng kiến hữu ích cho du lịch và cho việc biết/nhớ lịch sử của người dân thì đã phải buồn (cười) vì cái bảng “Tiểu sử đồng chí Ngô Thời Nhiệm (Bính Dần 1746 – Quý Hợi 1803)” không biết ở thành phố nào mà cư dân mạng tung lên Facebook.

Có lần đi qua khu Phú Mỹ Hưng (quận 7, TPHCM), cả bác tài taxi và tôi đều không biết đường cần đến nằm ở đâu. Đô thị mới, tuyến đường chính mỗi bên 5,6 làn xe cùng dải phân cách dài suốt đường. Anh lái xe lúng túng vì không tìm thấy bảng chỉ dẫn trước khi đến giao lộ. Đến sát giao lộ phải chạy chậm tìm bảng tên đường, khi nhìn thấy thì không kịp chuyển làn đường, đành đi quá lên rất xa mới quay lại được. Đường thì rộng thế, đầu đường, giao lộ thường là những toà nhà lớn, bảng tên đường bé xíu nếu sơ ý chút thôi thì không nhìn thấy.

Tinh thần “tiết kiệm” mấy cái bảng báo như thế có ở nhiều nơi trong nước, không hiếm lần chúng ta ngơ ngác băn khoăn thậm chí hốt hoảng vì không biết phải đi đường nào trước những giao lộ bùng binh hay chạy hoài không thấy nơi mình muốn đến. Mà ghé xe vô hỏi thì thế nào cũng gặp tình trạng mỗi người chỉ đường một kiểu! Không muốn nhưng cứ nhớ đến các nước khác, ngay Thailand hay Singapore thôi, trên đường thành phố hay xa lộ thì hệ thống bảng báo cũng rất hoàn chỉnh, theo quy định gần đến giao lộ thì có những bảng báo theo khoảng cách nhất định, treo ngang đường trên cao vừa tầm khoảng cách cho lái xe nhận ra. Trên đó gồm các yếu tố: làn đường nào chạy tốc độ bao nhiêu, đi thẳng đến đâu, rẽ thì đến đâu, cách bao nhiêu thì chuyển làn đường để rẽ phải, rẽ trái, quay đầu xe… Vì vậy xe chạy không cần giảm tốc độ vẫn có thể nhận biết cần đi theo đường nào để đi cho đúng, giảm thiểu tai nạn do người tham gia giao thông bị động khi chuyển làn đường.

Tôi rất thích những cái bảng tên đường ở Boston (Mỹ) vì tôi ở đấy có 4 ngày thăm thú nơi này nơi kia mà toàn đi bộ, thi thoảng mới đi xe bus. Bảng tên đường ở các giao lộ thường được treo cùng với bảng chỉ dẫn giao thông (đường một chiều/ cấm xe hơi/ cấm đậu xe/ đường có trường học…), vừa có chữ, có ký hiệu lại vừa có hình vẽ “tả thực”, nếu không biết chữ Anh thì cũng hiểu nội dung bảng báo. Tôi nói đùa với bạn: nhìn bảng chỉ dẫn thế này, không khéo có ông cán bộ giao thông nào ở nhà mình sang đây “tham quan học tập kinh nghiệm” lại về báo cáo “người Mỹ nói chung là không biết đọc!”.

Nhưng thật, dù là người “không biết đọc” thì vẫn có lúc phải ra ngoài đường chứ nhỉ? Trẻ em nhìn thấy những bảng báo như thế mỗi ngày, sau này khi đủ tuổi, các em học Luật giao thông thi lấy bằng lái xe chắc chắn sẽ dễ dàng hơn. Những tấm bảng chỉ dẫn như thế giúp người ta đi đúng đường đúng luật. Bởi vì nếu không được thông báo, cảnh báo một cách rõ ràng thì có nhiều khả năng vi phạm luật, nguy cơ xảy ra tai nạn cũng sẽ tăng. Lúc đó có truy trách nhiệm về ai thì cũng đã muộn.
Nhưng trên hết, đó là sự quý trọng tính mạng con người và tinh thần thượng tôn pháp luật, từ việc nho nhỏ là những tấm bảng chỉ đường.
Lại nhớ câu “chốt hạ” của bác tài taxi sau khi nghe câu chuyện của tôi “nhà mình á, có khi người ta không muốn có bảng báo rõ ràng, vì như vậy còn làm ăn gì được nữa!”

Thời báo kinh tế Sài Gòn số ngày 12/6/2014


truyện 100 chữ (p.3) 3/2

Ý NGHĨA LỊCH SỬ
Xưa mẹ Âu đẻ trăm trứng, người nay chỉ nhắc 50 con theo mẹ lên núi có con giai trưởng làm vua, anh em làm Lạc hầu Lạc tướng, chả thấy nhắc gì đến 50 con theo cha ra biển (chắc chỉ làm dân).
1. Biển không quan trọng như núi (“lên rừng xuống biển”, Sơn tinh Thuỷ tinh)
2. Sử miệng cũng chỉ nói về dòng dõi của vua, còn dân thì… miễn, huống hồ sử viết!
3. Con cháu đã đi ra biển rồi thì… biến, nhé. “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, là thế!

ĐÊM MƯA Ở TOKYO

Đêm mưa lạnh. 
Chuyến tàu dừng lại. Một người đàn ông bước lên, nhìn quanh, bất giác ông bước tới ngồi xuống bên cạnh người phụ nữ đang chăm chú vào chiếc Ipad. Chị không ngẩng lên nhưng nhận thấy ánh mắt ông lướt qua... cảm giác quen thuộc lạ lùng. 
Ông nhắm mắt. Gương mặt nhìn nghiêng với đôi môi dịu dàng kia thoang thoảng hương thơm ấm áp. 
Đến ga, chị nhẹ nhàng đừng dậy bước xuống. Khi tàu chuyển bánh, ông còn kịp ngoái lại. Họ nhìn nhau và biết đang lạc mất nhau.


 Dao (2)

Lưỡi dao luôn nghĩ mình sắc bén mới được việc còn cán dao nhẵn nhụi chả làm được gì, vì vậy nó và cán dao hay chòng choẹ với nhau. Một ngày kia lưỡi bị gãy rời khỏi cán. Người bèn vứt cả cả hai vào thùng rác.
Bà ve chai
lượm được, lưỡi dao bị bán sắt vụn, cán dao thành củi. Thế là hết chuyện.

TRUYỆN 100 CHỮ (P.3)

Tự do
Cô giáo hỏi: Vì sao Nữ thần Tự do lại cầm cây đuốc mà không cầm thứ khác? Các học sinh lần lượt trả lời những lý do khác nhau. Đến một em kia: Thưa cô, vì bà ấy là nữ thần tự do nên muốn cầm gì mà chả được!
Ra vậy, nhiều người cũng hiểu Tự do là muốn làm gì nói gì mà chả được, thảo nào cái “làng mình” nó thế!

Ai khổ?

Ông giám đốc kia có anh lái xe tâm phúc. Mọi việc công tư của ông anh ta đều biết và thường được sai/nhờ nhiều chuyện phục vụ cho những việc khuất tất của sếp. Khốn nỗi anh chàng lái xe đúng là loại “nhiệt tình + ngu dốt” nên đã làm hỏng nhiều việc thì chớ lại còn cho thiên hạ thấy bao điều xấu xa của sếp.
Làm lính cứ than khổ khi sếp dốt, mấy ai biết nỗi khổ của sếp khi có lính ngu!

 THỊ

"Thị ơi thị rơi bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn" - Thị rất cảnh giác nên bám chặt vào cành nhưng con giai của bà lão đã vác dao ra chặt. Kết quả: không chỉ 1 thị mà còn vài thị khác rụng rơi.
Từ đó “Thị” được dùng để chỉ đàn bà và làm tên lót cho con gái, vì họ cảnh giác đến mấy thì cuối cùng cũng rơi vào tay một ai đó.

CÙNG CON ĐỌC SÁCH MỖI NGÀY


Nguyễn Thị Hậu

Thiên hạ giờ cứ kêu ca: bọn trẻ không biết đọc sách, bọn trẻ chỉ biết mạng miếc chả biết sách vở là gì, bọn trẻ toàn đọc truyện tranh sách ngôn tình linh tinh… tóm lại là “hiện nay văn hoá đọc xuống cấp”. 
Thế nhưng có bao giờ người lớn tự hỏi, chúng ta đã dạy con trẻ đọc sách như thế nào?

Xưa nay thường là ru con ngủ bằng ca dao, truyện thơ, bằng kể truyện cổ tích… những gì ta được nghe hồi nhỏ đến lượt mình sẽ lại “mẹ kể con nghe” (đến bài học lịch sử mà còn “anh kể em nghe chuyện Mỵ Châu…” nữa là). Thói quen của chúng ta là người lớn nói – trẻ em nghe, người lớn dạy – trẻ em (phải) nghe. Người lớn, nếu có đọc sách, thì dạy lại trẻ em những gì mình biết từ sách vở, và trẻ em, tiếp nhận qua sự truyền đạt của người lớn, bằng cảm quan và bằng cả thái độ của người lớn. Thói quen này vô hình trung làm cho trẻ thụ động tiếp nhận, rồi lười suy nghĩ, rồi… chỉ biết nói theo, nói lại những gì đã được/bị nghe. “Truyền miệng” có lẽ là đặc điểm mang tính truyền thống nhất và quan trọng của “truyền thông” nước ta, từ phạm vi trong gia đình đến ngoài xã hội (“di chứng” là cái loa phường còn hiện diện ở những đô thị mà internet đã trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống”).

Thay vì “kể” ta hãy đọc sách cho con nghe, mỗi ngày. Khi nghe đọc chuyện, trẻ sớm biết được rằng từ ngữ trong sách vở tương ứng với ngôn ngữ nói, đồng thời cũng làm quen với cách diễn đạt của sách vở. Ngôn ngữ của trẻ sẽ phong phú và chính xác hơn. Một cuốn cẩm nang về cách đọc nhận xét: “Mỗi lần trẻ nghe đọc, một thông điệp thú vị được truyền đến não chúng. Thậm chí có thể gọi đó là một cách quảng cáo giúp trẻ liên tưởng đến những điều thích thú khi nhìn thấy sách báo”. Nhiều bậc cha mẹ đã nhận thấy, khi con trẻ ham thích theo dõi câu chuyên cha mẹ đọc cho nghe thì chúng càng muốn “tự đọc” nhanh hơn, và nhiều trẻ còn muốn tự mình viết ra những câu chuyện. Việc học chữ của trẻ vì vậy trở nên nhẹ nhàng và đầy hứng thú. Đồng thời, khi đọc sách cùng trẻ, sự trao đổi, đối thoại với trẻ còn giúp chúng ta khám phá ra nhiều điều thú vị, đó là sự cảm nhận thế giới tự nhiên một cách trong sáng và bất ngờ của trẻ, sự hồn nhiên và lòng tốt một cách bản năng của trẻ đối với những vấn đề xã hội giúp người lớn nhìn lại mình và sống tốt hơn. Đọc sách cùng con không chỉ để giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh mà còn giúp trẻ khám phá ra chính mình: sở thích, khả năng, xu hướng… Qua đó cha mẹ hiểu hơn tính cách của con, giúp việc ứng xử với con trẻ phù hợp hơn
.
Ngoài việc tăng cường tình cảm trong gia đình thì việc “đọc sách cùng con” còn mang lại một điều quan trọng: thiết lập và củng cố mối liên hệ gần gũi, gắn bó một cách “bình đẳng” giữa người lớn và trẻ nhỏ, bởi vì ta có thể “áp đặt” cho trẻ những gì ta biết từ kinh nghiệm từ sự từng trải, nhưng trong thế giới biến đổi từng giờ với vô vàn kiến thức mới thì ta và trẻ phải cùng khám phá, tự học, hay là học lại, và đôi khi, chính chúng ta cũng học được nhiều điều từ trẻ. Việc “tự đọc” là trẻ chủ động khám phá, tiếp nhận, tìm hiểu, nhận xét, phê phán… từ đó sớm hình thành tính tự chủ trong suy nghĩ và hành xử. Có vô vàn lợi ích mà sách vở mang lại cho trẻ con nói riêng và con người nói chung, tuỳ từng giai đoạn đời người mà sự lựa chọn hay cần thiết những thể loại sách khác nhau. Đọc sách cũng cần tạo được sự hứng thú và thói quen từ nhỏ, khi lớn lên trẻ sẽ dễ dàng đọc được sách tri thức, kỹ thuật, sách chuyên ngành – những loại sách “khó đọc” nhưng rất cần thiết cho sự trưởng thành về trí tuệ và hữu ích cho quá trình làm việc.

Nhiều gia đình trẻ ở đô thị ngày nay đã có thói quen “đọc sách cùng con” vào buổi tối, trước khi cho trẻ ngủ. Phòng ngủ của trẻ cũng có giá sách nho nhỏ bên cạnh các loại đồ chơi, trẻ cũng được dạy biết giữ gìn sách vở cũng như đồ chơi, quần áo. Trẻ còn biết tự mình tiết kiệm tiền để mua sách. Tuy nhiên, làm cách nào để duy trì thói quen này thì không chỉ cần sự cố gắng của các bậc cha mẹ mà còn cần sự hỗ trợ từ những người “làm sách”. Ngoài việc xuất bản nhiều sách hay và quảng bá rộng rãi của các nhà xuất bản, nếu mỗi nhà sách có được một nhân viên chuyên phụ trách “góc sách cho trẻ” để có thể giới thiệu, hướng dẫn chọn lọc sách phù hợp cho từng lứa tuổi khi phụ huynh đi mua sách… thì chắc chắn, việc đọc sách cho trẻ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Văn hoá đọc phải được hình thành từ thời thơ ấu, nhưng là do người lớn tạo ra và khuyến khích con trẻ. Văn hoá đọc – nói cho cùng là việc học LÀM NGƯỜI. Nếu văn hoá đọc “xuống cấp” thì trước hết, người lớn phải tự trách mình.

NGƯỜI ĐÔ THỊ số ra ngày 5/6/2014.

ĐA DẠNG ĐỂ CÓ SỨC ĐỀ KHÁNG


TS. Nguyễn thị Hậu

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử - văn hoá đã nhận định rằng, trong số các quốc gia ở Đông Nam Á, Việt Nam có thể coi là quốc gia chịu ảnh hưởng văn hoá Hán mạnh nhất. Tất nhiên sự hấp thụ văn hóa Trung Quốc của Việt Nam không giản đơn là kết quả của thời kỳ 1000 năm “Bắc thuộc” hay là hệ quả tất yếu của giao lưu tự nhiên do gần gũi về địa lý “núi liền núi sông liền sông”. Thực tế quá trình “tiếp biến văn hoá” diễn ra phức tạp hơn nhiều.

Trên đại thể, quá trình giao lưu giữa Văn hoá Việt Nam và văn hoá Trung quốc diễn ra trong một thời gian rất dài và chịu sự chi phối của tình thế chính trị nên luôn ở hai trạng thái: bị đồng hoá và chống đồng hoá, giao lưu tự nguyện và giao lưu cưỡng bức. Mức độ và cường độ của các trạng thái này khác nhau ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử. Có thể thấy rằng những thành tựu của văn hoá Việt Nam có được từ sự giao lưu với văn hoá Trung quốc chính là quá trình tiếp nhận và sáng tạo, chọn lọc những gì phù hợp, đồng thời sắp xếp lại những giá trị văn hoá theo quan niệm văn hoá bản địa. Vì vậy có thể hiểu như là quá trình “Việt hóa” các yếu tố văn hóa Trung Quốc.

Nghiên cứu văn hoá Đông Nam Á nhiều học giả đã nhận xét: Đồng Nam Á = Hoa + Ân, với hàm nghĩa phía Bắc ĐNA chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa còn phía Nam chịu ảnh hưởng văn hoá Ấn Độ. Điều này cũng đúng với Việt Nam. Ảnh hưởng của văn hoá Trung quốc không đồng đều giữa các vùng lãnh thổ: phía Bắc “nặng” hơn, sâu hơn phía Nam, do 1000 năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, từ sau thế kỷ X sự mô phỏng mô hình nhà nước Trung Hoa được các triều đại nhà nước quân chủ Đại Việt đầy mạnh, thể chế các triều đại phong kiến Đại Việt xây dựng theo “hình mẫu” của Trung quốc - một quốc gia có nền văn minh vào loại sớm và lớn thế giới. Trong khi đó khu vực phía Nam từ thế kỷ XV trở về trước, với nhà nước Chăm Pa (khu vực miền Trung), nhà nước Phù Nam (một phần ở Nam bộ) chịu ảnh hưởng của văn hoá và thể chế nhà nước Ấn Độ lâu dài và sâu sắc hơn, giống như nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á. Sự ảnh hưởng này nhạt dần rồi mất đi khi nhà nước “vương quyền kết hợp với thần quyền” kiểu Ấn Độ không còn tồn tại, văn hoá khu vực này trở về với các yếu tố văn hoá truyền thống của ĐNA.

Do hoàn cảnh lịch sử mà sự ảnh hưởng của văn hoá Trung quốc đối với 54 tộc người của quốc gia Việt Nam cũng khác nhau, trong đó người Việt (Kinh) thể hiện sự tiếp biến với văn hoá Trung quốc tuy chỉ là “lớp phủ bên ngoài” nhưng khá dày, như nhiều nhà nghiên cứu đã minh chứng. Việc giao lưu với văn hoá Trung quốc của người Việt (Kinh) diễn ra trong một thời kỳ dài khoảng 2000 năm vừa hoà bình vừa chiến tranh, khởi nghĩa chống lại sự xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc. Từ thế kỷ XV, cuộc “Nam tiến” của Chúa Nguyễn rồi Triều Nguyễn trong đó người Việt (Kinh) là chủ thể, văn hoá của các tộc người phía Nam vốn chịu nhiều ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ dần dần được phủ một lớp văn hoá Việt (Kinh), một cách tự nhiên do sự cộng cư của/ với người Việt. Sau “500 năm như thế” ảnh hưởng của văn hoá Trung quốc ở vùng đất phía Nam vẫn mỏng hơn so với phía Bắc, văn hoá các tộc người phía Nam luôn là sự hoà trộn những yếu tố văn hoá dân gian bản địa và sự cởi mở “không từ chối” tiếp nhận những yếu tố văn hoá khác, mặc dù có thể nhận thấy văn hoá (người) Việt vẫn là chủ đạo.

Ngoài ra, lưu dân người Việt và người Hoa di cư xuống phía Nam thời các Chúa Nguyễn đã mang theo nhiều yếu tố văn hoá truyền thống. Phần lớn là nông dân, thương nhân, thợ thủ công, số ít là tầng lớp quan lại người Hoa “bài Thanh phục Minh”, vì vậy những yếu tố văn hoá dân gian Việt, Hoa được duy trì trong làm ăn, trong đời sống dân thường nên dễ dàng giao hoà với văn hoá Chăm, Khmer và các tộc người khác, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá Nam bộ. Văn hoá Đại Việt ở phía Nam (của các Chúa Nguyễn) là sự hoà hợp của các nền văn hoá Việt - Chăm – Hoa nên phần nào thoát khỏi tư tưởng coi mô thức văn hoá Trung Hoa là “chuẩn mực”.

Theo chiều dài lịch sử và chiều rộng của lãnh thổ, có thể hình dung nền văn hoá Việt Nam như một “cơ thể sống” mà văn hoá của những tộc người những vùng miền qua nhiều giai đoạn lịch sử trở thành hệ thống mạch máu nuôi sống nền văn hoá một cách mạnh khoẻ để có thể chống lại và vô hiệu hoá những “virus văn hoá lạ”, không phù hợp . Quá trình tiếp nhận (những) yếu tố văn hoá “ngoại sinh” cũng giống như việc tiêm chủng “vacxin” làm tăng sức đề kháng của văn hoá dân tộc. Để duy trì sức mạnh của văn hoá dân tộc cần thiết phải “giữ gìn và phát huy bản sắc” đồng thời phát huy được tính đa dạng vốn có của các cộng đồng người, các vùng miền, sự phong phú của từng cá nhân. Đó là chủ thể sáng tạo ra văn hoá dù cộng đồng hay cá nhân là tộc người đa số hay thiểu số, nhờ vậy cho đến nay nền tảng xã hội Việt Nam vẫn là các giá trị, truyền thống, tập quán văn hóa bản địa, những yếu tố quan trọng định hình nên bản sắc dân tộc Việt Nam.

Không thể phủ nhận những giá trị tích cực mà văn hoá Trung quốc đem đến cho văn hoá Việt Nam trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau. Tuy nhiên, một nền văn hoá mà hàng trăm năm chỉ có một “hình mẫu”, một “chuẩn mực” trong thế giới chuyển biến và rộng mở từng ngày thì không tránh khỏi sự trì trệ, lạc hậu, chưa kể là “hình mẫu” đó ngày nay cũng bộc lộ quá nhiều nhược điểm – như cuốn sách Người Trung quốc xấu lậu nổi tiếng của nhà văn Bách Dương đã vạch ra. Mặt khác, thừa nhận tính đa dạng của văn hoá truyền thống cũng cần công nhận sự đa dạng của văn hoá đương đại để tránh được sự “độc quyền văn hoá” trong một quốc gia đa tộc người, đồng thời cũng hạn chế sự “độc quyền” tiếp nhận một loại “vacxin văn hoá” nào đó. Khi biết tiếp nhận thêm nhiều hình mẫu chuẩn mực mới thì văn hoá luôn được sáng tạo và phát triển, hành trang mang tới tương lai là những di sản văn hoá thực sự quý giá chứ không chỉ là những mảnh vụn bộn bề của quá khứ.

Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 29/5/2014
http://www.thesaigontimes.vn/115534/Da-dang-de-co-suc-de-khang.html

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...