ĐA DẠNG ĐỂ CÓ SỨC ĐỀ KHÁNG


TS. Nguyễn thị Hậu

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử - văn hoá đã nhận định rằng, trong số các quốc gia ở Đông Nam Á, Việt Nam có thể coi là quốc gia chịu ảnh hưởng văn hoá Hán mạnh nhất. Tất nhiên sự hấp thụ văn hóa Trung Quốc của Việt Nam không giản đơn là kết quả của thời kỳ 1000 năm “Bắc thuộc” hay là hệ quả tất yếu của giao lưu tự nhiên do gần gũi về địa lý “núi liền núi sông liền sông”. Thực tế quá trình “tiếp biến văn hoá” diễn ra phức tạp hơn nhiều.

Trên đại thể, quá trình giao lưu giữa Văn hoá Việt Nam và văn hoá Trung quốc diễn ra trong một thời gian rất dài và chịu sự chi phối của tình thế chính trị nên luôn ở hai trạng thái: bị đồng hoá và chống đồng hoá, giao lưu tự nguyện và giao lưu cưỡng bức. Mức độ và cường độ của các trạng thái này khác nhau ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử. Có thể thấy rằng những thành tựu của văn hoá Việt Nam có được từ sự giao lưu với văn hoá Trung quốc chính là quá trình tiếp nhận và sáng tạo, chọn lọc những gì phù hợp, đồng thời sắp xếp lại những giá trị văn hoá theo quan niệm văn hoá bản địa. Vì vậy có thể hiểu như là quá trình “Việt hóa” các yếu tố văn hóa Trung Quốc.

Nghiên cứu văn hoá Đông Nam Á nhiều học giả đã nhận xét: Đồng Nam Á = Hoa + Ân, với hàm nghĩa phía Bắc ĐNA chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa còn phía Nam chịu ảnh hưởng văn hoá Ấn Độ. Điều này cũng đúng với Việt Nam. Ảnh hưởng của văn hoá Trung quốc không đồng đều giữa các vùng lãnh thổ: phía Bắc “nặng” hơn, sâu hơn phía Nam, do 1000 năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, từ sau thế kỷ X sự mô phỏng mô hình nhà nước Trung Hoa được các triều đại nhà nước quân chủ Đại Việt đầy mạnh, thể chế các triều đại phong kiến Đại Việt xây dựng theo “hình mẫu” của Trung quốc - một quốc gia có nền văn minh vào loại sớm và lớn thế giới. Trong khi đó khu vực phía Nam từ thế kỷ XV trở về trước, với nhà nước Chăm Pa (khu vực miền Trung), nhà nước Phù Nam (một phần ở Nam bộ) chịu ảnh hưởng của văn hoá và thể chế nhà nước Ấn Độ lâu dài và sâu sắc hơn, giống như nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á. Sự ảnh hưởng này nhạt dần rồi mất đi khi nhà nước “vương quyền kết hợp với thần quyền” kiểu Ấn Độ không còn tồn tại, văn hoá khu vực này trở về với các yếu tố văn hoá truyền thống của ĐNA.

Do hoàn cảnh lịch sử mà sự ảnh hưởng của văn hoá Trung quốc đối với 54 tộc người của quốc gia Việt Nam cũng khác nhau, trong đó người Việt (Kinh) thể hiện sự tiếp biến với văn hoá Trung quốc tuy chỉ là “lớp phủ bên ngoài” nhưng khá dày, như nhiều nhà nghiên cứu đã minh chứng. Việc giao lưu với văn hoá Trung quốc của người Việt (Kinh) diễn ra trong một thời kỳ dài khoảng 2000 năm vừa hoà bình vừa chiến tranh, khởi nghĩa chống lại sự xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc. Từ thế kỷ XV, cuộc “Nam tiến” của Chúa Nguyễn rồi Triều Nguyễn trong đó người Việt (Kinh) là chủ thể, văn hoá của các tộc người phía Nam vốn chịu nhiều ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ dần dần được phủ một lớp văn hoá Việt (Kinh), một cách tự nhiên do sự cộng cư của/ với người Việt. Sau “500 năm như thế” ảnh hưởng của văn hoá Trung quốc ở vùng đất phía Nam vẫn mỏng hơn so với phía Bắc, văn hoá các tộc người phía Nam luôn là sự hoà trộn những yếu tố văn hoá dân gian bản địa và sự cởi mở “không từ chối” tiếp nhận những yếu tố văn hoá khác, mặc dù có thể nhận thấy văn hoá (người) Việt vẫn là chủ đạo.

Ngoài ra, lưu dân người Việt và người Hoa di cư xuống phía Nam thời các Chúa Nguyễn đã mang theo nhiều yếu tố văn hoá truyền thống. Phần lớn là nông dân, thương nhân, thợ thủ công, số ít là tầng lớp quan lại người Hoa “bài Thanh phục Minh”, vì vậy những yếu tố văn hoá dân gian Việt, Hoa được duy trì trong làm ăn, trong đời sống dân thường nên dễ dàng giao hoà với văn hoá Chăm, Khmer và các tộc người khác, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá Nam bộ. Văn hoá Đại Việt ở phía Nam (của các Chúa Nguyễn) là sự hoà hợp của các nền văn hoá Việt - Chăm – Hoa nên phần nào thoát khỏi tư tưởng coi mô thức văn hoá Trung Hoa là “chuẩn mực”.

Theo chiều dài lịch sử và chiều rộng của lãnh thổ, có thể hình dung nền văn hoá Việt Nam như một “cơ thể sống” mà văn hoá của những tộc người những vùng miền qua nhiều giai đoạn lịch sử trở thành hệ thống mạch máu nuôi sống nền văn hoá một cách mạnh khoẻ để có thể chống lại và vô hiệu hoá những “virus văn hoá lạ”, không phù hợp . Quá trình tiếp nhận (những) yếu tố văn hoá “ngoại sinh” cũng giống như việc tiêm chủng “vacxin” làm tăng sức đề kháng của văn hoá dân tộc. Để duy trì sức mạnh của văn hoá dân tộc cần thiết phải “giữ gìn và phát huy bản sắc” đồng thời phát huy được tính đa dạng vốn có của các cộng đồng người, các vùng miền, sự phong phú của từng cá nhân. Đó là chủ thể sáng tạo ra văn hoá dù cộng đồng hay cá nhân là tộc người đa số hay thiểu số, nhờ vậy cho đến nay nền tảng xã hội Việt Nam vẫn là các giá trị, truyền thống, tập quán văn hóa bản địa, những yếu tố quan trọng định hình nên bản sắc dân tộc Việt Nam.

Không thể phủ nhận những giá trị tích cực mà văn hoá Trung quốc đem đến cho văn hoá Việt Nam trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau. Tuy nhiên, một nền văn hoá mà hàng trăm năm chỉ có một “hình mẫu”, một “chuẩn mực” trong thế giới chuyển biến và rộng mở từng ngày thì không tránh khỏi sự trì trệ, lạc hậu, chưa kể là “hình mẫu” đó ngày nay cũng bộc lộ quá nhiều nhược điểm – như cuốn sách Người Trung quốc xấu lậu nổi tiếng của nhà văn Bách Dương đã vạch ra. Mặt khác, thừa nhận tính đa dạng của văn hoá truyền thống cũng cần công nhận sự đa dạng của văn hoá đương đại để tránh được sự “độc quyền văn hoá” trong một quốc gia đa tộc người, đồng thời cũng hạn chế sự “độc quyền” tiếp nhận một loại “vacxin văn hoá” nào đó. Khi biết tiếp nhận thêm nhiều hình mẫu chuẩn mực mới thì văn hoá luôn được sáng tạo và phát triển, hành trang mang tới tương lai là những di sản văn hoá thực sự quý giá chứ không chỉ là những mảnh vụn bộn bề của quá khứ.

Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 29/5/2014
http://www.thesaigontimes.vn/115534/Da-dang-de-co-suc-de-khang.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...