ĐI TÌM TẤM BẢNG CHỈ ĐƯỜNG


NguyỄn Thị Hậu

Đi đến đâu tôi cũng hay để ý đến bảng tên đường, và cùng với nó là những bảng báo giao thông.
Ví dụ, cách đây vài năm tôi đến Huế, đi trong khu vực Thành Nội tôi hỏi cậu lái xe của cơ quan: này, bảng tên đường ở đây có gì là lạ nhỉ? Cậu ta buông ngay một câu đầy vẻ “ngoa ngoắt”: thành phố thì nhỏ xíu đường thì ngắn ngủn nhưng bảng tên đường thì to đùng, có khi to nhất nước! Ừ thật, là vì trên bảng tên đường có thêm biểu tượng “Di sản văn hoá thế giới” khá lớn nằm ở một góc.

Gần đây, một vài đô thị đã có sáng kiến là bảng tên đường còn kèm theo “lý lịch” vắn tắt của nhân vật được đặt tên đường. Chưa kịp vui với sáng kiến hữu ích cho du lịch và cho việc biết/nhớ lịch sử của người dân thì đã phải buồn (cười) vì cái bảng “Tiểu sử đồng chí Ngô Thời Nhiệm (Bính Dần 1746 – Quý Hợi 1803)” không biết ở thành phố nào mà cư dân mạng tung lên Facebook.

Có lần đi qua khu Phú Mỹ Hưng (quận 7, TPHCM), cả bác tài taxi và tôi đều không biết đường cần đến nằm ở đâu. Đô thị mới, tuyến đường chính mỗi bên 5,6 làn xe cùng dải phân cách dài suốt đường. Anh lái xe lúng túng vì không tìm thấy bảng chỉ dẫn trước khi đến giao lộ. Đến sát giao lộ phải chạy chậm tìm bảng tên đường, khi nhìn thấy thì không kịp chuyển làn đường, đành đi quá lên rất xa mới quay lại được. Đường thì rộng thế, đầu đường, giao lộ thường là những toà nhà lớn, bảng tên đường bé xíu nếu sơ ý chút thôi thì không nhìn thấy.

Tinh thần “tiết kiệm” mấy cái bảng báo như thế có ở nhiều nơi trong nước, không hiếm lần chúng ta ngơ ngác băn khoăn thậm chí hốt hoảng vì không biết phải đi đường nào trước những giao lộ bùng binh hay chạy hoài không thấy nơi mình muốn đến. Mà ghé xe vô hỏi thì thế nào cũng gặp tình trạng mỗi người chỉ đường một kiểu! Không muốn nhưng cứ nhớ đến các nước khác, ngay Thailand hay Singapore thôi, trên đường thành phố hay xa lộ thì hệ thống bảng báo cũng rất hoàn chỉnh, theo quy định gần đến giao lộ thì có những bảng báo theo khoảng cách nhất định, treo ngang đường trên cao vừa tầm khoảng cách cho lái xe nhận ra. Trên đó gồm các yếu tố: làn đường nào chạy tốc độ bao nhiêu, đi thẳng đến đâu, rẽ thì đến đâu, cách bao nhiêu thì chuyển làn đường để rẽ phải, rẽ trái, quay đầu xe… Vì vậy xe chạy không cần giảm tốc độ vẫn có thể nhận biết cần đi theo đường nào để đi cho đúng, giảm thiểu tai nạn do người tham gia giao thông bị động khi chuyển làn đường.

Tôi rất thích những cái bảng tên đường ở Boston (Mỹ) vì tôi ở đấy có 4 ngày thăm thú nơi này nơi kia mà toàn đi bộ, thi thoảng mới đi xe bus. Bảng tên đường ở các giao lộ thường được treo cùng với bảng chỉ dẫn giao thông (đường một chiều/ cấm xe hơi/ cấm đậu xe/ đường có trường học…), vừa có chữ, có ký hiệu lại vừa có hình vẽ “tả thực”, nếu không biết chữ Anh thì cũng hiểu nội dung bảng báo. Tôi nói đùa với bạn: nhìn bảng chỉ dẫn thế này, không khéo có ông cán bộ giao thông nào ở nhà mình sang đây “tham quan học tập kinh nghiệm” lại về báo cáo “người Mỹ nói chung là không biết đọc!”.

Nhưng thật, dù là người “không biết đọc” thì vẫn có lúc phải ra ngoài đường chứ nhỉ? Trẻ em nhìn thấy những bảng báo như thế mỗi ngày, sau này khi đủ tuổi, các em học Luật giao thông thi lấy bằng lái xe chắc chắn sẽ dễ dàng hơn. Những tấm bảng chỉ dẫn như thế giúp người ta đi đúng đường đúng luật. Bởi vì nếu không được thông báo, cảnh báo một cách rõ ràng thì có nhiều khả năng vi phạm luật, nguy cơ xảy ra tai nạn cũng sẽ tăng. Lúc đó có truy trách nhiệm về ai thì cũng đã muộn.
Nhưng trên hết, đó là sự quý trọng tính mạng con người và tinh thần thượng tôn pháp luật, từ việc nho nhỏ là những tấm bảng chỉ đường.
Lại nhớ câu “chốt hạ” của bác tài taxi sau khi nghe câu chuyện của tôi “nhà mình á, có khi người ta không muốn có bảng báo rõ ràng, vì như vậy còn làm ăn gì được nữa!”

Thời báo kinh tế Sài Gòn số ngày 12/6/2014


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...