CÙNG CON ĐỌC SÁCH MỖI NGÀY


Nguyễn Thị Hậu

Thiên hạ giờ cứ kêu ca: bọn trẻ không biết đọc sách, bọn trẻ chỉ biết mạng miếc chả biết sách vở là gì, bọn trẻ toàn đọc truyện tranh sách ngôn tình linh tinh… tóm lại là “hiện nay văn hoá đọc xuống cấp”. 
Thế nhưng có bao giờ người lớn tự hỏi, chúng ta đã dạy con trẻ đọc sách như thế nào?

Xưa nay thường là ru con ngủ bằng ca dao, truyện thơ, bằng kể truyện cổ tích… những gì ta được nghe hồi nhỏ đến lượt mình sẽ lại “mẹ kể con nghe” (đến bài học lịch sử mà còn “anh kể em nghe chuyện Mỵ Châu…” nữa là). Thói quen của chúng ta là người lớn nói – trẻ em nghe, người lớn dạy – trẻ em (phải) nghe. Người lớn, nếu có đọc sách, thì dạy lại trẻ em những gì mình biết từ sách vở, và trẻ em, tiếp nhận qua sự truyền đạt của người lớn, bằng cảm quan và bằng cả thái độ của người lớn. Thói quen này vô hình trung làm cho trẻ thụ động tiếp nhận, rồi lười suy nghĩ, rồi… chỉ biết nói theo, nói lại những gì đã được/bị nghe. “Truyền miệng” có lẽ là đặc điểm mang tính truyền thống nhất và quan trọng của “truyền thông” nước ta, từ phạm vi trong gia đình đến ngoài xã hội (“di chứng” là cái loa phường còn hiện diện ở những đô thị mà internet đã trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống”).

Thay vì “kể” ta hãy đọc sách cho con nghe, mỗi ngày. Khi nghe đọc chuyện, trẻ sớm biết được rằng từ ngữ trong sách vở tương ứng với ngôn ngữ nói, đồng thời cũng làm quen với cách diễn đạt của sách vở. Ngôn ngữ của trẻ sẽ phong phú và chính xác hơn. Một cuốn cẩm nang về cách đọc nhận xét: “Mỗi lần trẻ nghe đọc, một thông điệp thú vị được truyền đến não chúng. Thậm chí có thể gọi đó là một cách quảng cáo giúp trẻ liên tưởng đến những điều thích thú khi nhìn thấy sách báo”. Nhiều bậc cha mẹ đã nhận thấy, khi con trẻ ham thích theo dõi câu chuyên cha mẹ đọc cho nghe thì chúng càng muốn “tự đọc” nhanh hơn, và nhiều trẻ còn muốn tự mình viết ra những câu chuyện. Việc học chữ của trẻ vì vậy trở nên nhẹ nhàng và đầy hứng thú. Đồng thời, khi đọc sách cùng trẻ, sự trao đổi, đối thoại với trẻ còn giúp chúng ta khám phá ra nhiều điều thú vị, đó là sự cảm nhận thế giới tự nhiên một cách trong sáng và bất ngờ của trẻ, sự hồn nhiên và lòng tốt một cách bản năng của trẻ đối với những vấn đề xã hội giúp người lớn nhìn lại mình và sống tốt hơn. Đọc sách cùng con không chỉ để giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh mà còn giúp trẻ khám phá ra chính mình: sở thích, khả năng, xu hướng… Qua đó cha mẹ hiểu hơn tính cách của con, giúp việc ứng xử với con trẻ phù hợp hơn
.
Ngoài việc tăng cường tình cảm trong gia đình thì việc “đọc sách cùng con” còn mang lại một điều quan trọng: thiết lập và củng cố mối liên hệ gần gũi, gắn bó một cách “bình đẳng” giữa người lớn và trẻ nhỏ, bởi vì ta có thể “áp đặt” cho trẻ những gì ta biết từ kinh nghiệm từ sự từng trải, nhưng trong thế giới biến đổi từng giờ với vô vàn kiến thức mới thì ta và trẻ phải cùng khám phá, tự học, hay là học lại, và đôi khi, chính chúng ta cũng học được nhiều điều từ trẻ. Việc “tự đọc” là trẻ chủ động khám phá, tiếp nhận, tìm hiểu, nhận xét, phê phán… từ đó sớm hình thành tính tự chủ trong suy nghĩ và hành xử. Có vô vàn lợi ích mà sách vở mang lại cho trẻ con nói riêng và con người nói chung, tuỳ từng giai đoạn đời người mà sự lựa chọn hay cần thiết những thể loại sách khác nhau. Đọc sách cũng cần tạo được sự hứng thú và thói quen từ nhỏ, khi lớn lên trẻ sẽ dễ dàng đọc được sách tri thức, kỹ thuật, sách chuyên ngành – những loại sách “khó đọc” nhưng rất cần thiết cho sự trưởng thành về trí tuệ và hữu ích cho quá trình làm việc.

Nhiều gia đình trẻ ở đô thị ngày nay đã có thói quen “đọc sách cùng con” vào buổi tối, trước khi cho trẻ ngủ. Phòng ngủ của trẻ cũng có giá sách nho nhỏ bên cạnh các loại đồ chơi, trẻ cũng được dạy biết giữ gìn sách vở cũng như đồ chơi, quần áo. Trẻ còn biết tự mình tiết kiệm tiền để mua sách. Tuy nhiên, làm cách nào để duy trì thói quen này thì không chỉ cần sự cố gắng của các bậc cha mẹ mà còn cần sự hỗ trợ từ những người “làm sách”. Ngoài việc xuất bản nhiều sách hay và quảng bá rộng rãi của các nhà xuất bản, nếu mỗi nhà sách có được một nhân viên chuyên phụ trách “góc sách cho trẻ” để có thể giới thiệu, hướng dẫn chọn lọc sách phù hợp cho từng lứa tuổi khi phụ huynh đi mua sách… thì chắc chắn, việc đọc sách cho trẻ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Văn hoá đọc phải được hình thành từ thời thơ ấu, nhưng là do người lớn tạo ra và khuyến khích con trẻ. Văn hoá đọc – nói cho cùng là việc học LÀM NGƯỜI. Nếu văn hoá đọc “xuống cấp” thì trước hết, người lớn phải tự trách mình.

NGƯỜI ĐÔ THỊ số ra ngày 5/6/2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...