Lâu rồi mới
gặp lại học trò cũ. Tôi dạy lớp em từ năm 1984, em là cậu lớp phó có gương mặt
thông minh, hay hỏi thầy cô những câu cắc cớ, rất nhiệt tình và chủ động trong
những hoạt động chung của trường, lớp. Tốt nghiệp, khoa giữ lại làm giảng viên
nhưng cậu “không dám” và ra đời, trở thành phóng viên của một tờ báo nổi tiếng.
Rồi trải qua vài nghề, bây giờ có thể nói em là một doanh nhân thành đạt nhưng
vẫn dính dáng ít nhiều đến nghề báo.
Cách đây vài
năm hai cô trò gặp lại trong một nhóm sưu tầm tư liệu về Sài Gòn xưa. Từ đó nối lại liên lạc bằng email, điện
thoại… Một buổi trưa em mời cô giáo cũ
đi ăn trưa để xin ý kiến vài việc liên quan đến chuyên môn của mình. Tôi thật
sự vui vì đã 30 năm mà em vẫn còn nhớ và trân trọng gọi bằng “cô”, tất nhiên,
cũng có chút tự hào vì vẫn được sinh viên cũ “nể” vì công việc chuyên môn của
mình.
Hai cô – trò
gặp nhau trong một quán cà phê đặc phong cách Paris ở trung tâm Sài Gòn, em
nói: em đọc những gì cô viết, biết cô hay ngồi cà phê và rất yêu những quán cà
phê ở Paris, vì vậy em mời cô ở đây để cô có dịp “thả hồn mơ màng” như đang ở
Paris. Quả thật, quán mang phong cách Paris, nhẹ nhàng, lịch thiệp từ trang trí
đến phục vụ… Giữa trưa mọi người gọi đồ ăn tới tấp nhưng mình chỉ gọi bánh mì
với bơ, đường và một ly cà phê đá vẫn được các em phục vụ nhiệt tình, vui vẻ
mang đến (có lần cũng vào buổi trưa tôi vào một quán cà phê thương hiệu nổi
tiếng của VN, gọi như vậy, người phục vụ lạnh nhạt quay đi, hơn 20 phút sau mới
mang tới, đặt xoạch xuống bàn, quay đi, không nói một lời, làm tôi “tổn thương
xâu xắc” J )
Em hỏi thăm
gia đình tôi, khi biết hai con gái tôi đã lớn, em ngạc nhiên: ồ, em nhớ khi cô
dạy em là lúc cô mới lập gia đình… lớp em ai cũng “ngưỡng mộ” cô. Tôi nói: em
không nhớ à, hồi đó có lần cô bị… xỉu trên lớp, em nhanh chân chạy lên đỡ cô và
dìu vào phòng giáo viên ngồi nghỉ. Hồi đó cô đang… nghén, yếu xìu mà còn ráng
đi dạy vì không có ai thay J . Em cười, vậy hả cô?
Cô - trò
xuất thân khác nhau, vị thế khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, ở hai thế hệ, vậy
nhưng nhiều vấn đề xã hội lại có chung cách nhìn, cách lý giải, có thể chia sẻ
những suy nghĩ về thời cuộc… Không biết do em “già” hay tôi “trẻ”, chỉ biết
chắc chắn một điều là những kiến thức và phương pháp đánh giá, nhìn nhận các
vấn đề lịch sử mà hồi đó tôi và em cùng được học từ những người Thầy giỏi đã là
nền tảng cho những suy nghĩ của chúng tôi hôm nay. Càng ngày chúng tôi càng
nhận thấy nhiều người Thầy thời ấy, bằng cách này cách khác, nói một cách kín
đáo hay công khai, nghiêm khắc hay hài hước, thậm chí bóng gió, mỉa mai… cũng
đã truyền cho chúng tôi những nhận thức mới về lịch sử và phương pháp độc lập
suy nghĩ, đánh giá. Sinh viên, chỉ cần ai tinh ý chút và yêu môn học thì có thể
“thấm” dần. Sau này nhớ lại những người Thầy đó, bất giác tôi cứ liên tưởng đến
những sử gia thời trung cổ: họ ghi chép những gì diễn ra trong thời đại, trong
những trang ghi chép ấy nếu người đọc tinh ý sẽ nhận ra những gì họ không được
phép ghi lại, hoặc chỉ bằng một hai câu thôi có thể hiểu ngược lại những gì họ
đang kể. Cứ đọc Đại Việt Sử ký toàn thư mà xem! Người đọc sử đừng đọc bằng
miệng, bằng mắt mà phải đọc bằng đầu – Thầy Trần Quốc Vượng đã dạy chúng tôi
như thế!
Em cũng đồng
ý khi tôi chia sẻ: nếu thầy cô bây giờ nghĩ rằng, sinh viên của mình thiệt thòi
vì không được học những người thầy giỏi như mình hồi đó, chắc sẽ cố gắng và có
trách nhiệm hơn trong việc truyền nghề. Kiến thức mênh mông, lại có Internet hỗ
trợ, thầy cô cũng như sinh viên có thể dễ dàng tìm kiếm nhiều nguồn tư liệu,
nhưng để sinh viên coi “nghề” mình học sẽ là cái “nghiệp” và theo đuổi suốt đời
thì có thể nói, vai trò của người thầy rất lớn, có khi là quyết định.
Chia tay học
trò cũ, tôi nghĩ, mình thật may mắn vì đã chọn nghề không nhầm, và may mắn hơn,
có được những người Thầy tuyệt vời và cả nhiều học trò tử tế.
Ý Bà là chúng ta đã/đang sống ở một thời kỳ mà có thể tương tự với thời Trung Cổ ở Âu châu; ít ra là trong việc dạy/chép sử ? "...Sau này nhớ lại những người Thầy đó, bất giác tôi cứ liên tưởng đến những sử gia thời trung cổ: họ ghi chép những gì diễn ra trong thời đại, trong những trang ghi chép ấy nếu người đọc tinh ý sẽ nhận ra những gì họ không được phép ghi lại, hoặc chỉ bằng một hai câu thôi có thể hiểu ngược lại những gì họ đang kể..."
Trả lờiXóa