RIÊNG TƯ… TRÊN MẠNG?



Nguyễn Thị Hậu

Cứ thử hình dung một ngày chúng ta không có Internet. Thì sao nhỉ?
Chúng ta có còn liên hệ với ai không khi mà không email, không mạng xã hội, không báo mạng, không tài liệu ebook, không nghe nhạc xem phim trực tuyến, không game, không status không note không comment không like…?
Có lẽ như vậy cũng không luôn cả máy tính, bởi vì cần gì máy tính khi chức năng nối mạng không còn?
Chúng ta không còn cả cảm giác “cô đơn trên mạng”, bởi vì có còn gì còn ai đâu, ngoài chính mình. Những mối liên hệ “thực” ngoài đời trở nên nhạt nhoà bởi thiếu đi sự lung linh khi giao tiếp với nhau qua mạng.

Ồ, bỗng nhiên chúng ta chợt nhận ra mình có được sự riêng tư – trạng thái rất cần thiết của mỗi con người nhưng phần lớn đã đánh mất từ khi chúng ta hoà mình vào mạng.
Ta không cần “phơi” tâm trạng, “phô” hành động như một thói quen khi nhìn thấy câu hỏi “bạn đang nghĩ gì?” trên FB; buồn vui sến sủa, bực tức cáu giận, chửi đổng mỉa mai, yêu đương hay căm ghét, tâng bốc hay ném đá, đi ăn đi chơi, xem phim, cãi lộn… Thậm chí, xin lỗi cả nhà, đến chuyện “đang vui thì đứt dây đàn/nàng đang khó chịu thì chàng đến chơi” cũng nhất định phải cho “cả làng” biết;
Ta không phải tức khắc trả lời một câu còm của ai đó có vẻ hiểu sai hay khiêu khích về một status của ta; Ta không phải lạ lùng khi những điều hay ho ta viết ra đã bị ai đó chôm mất và đăng ở nơi nào đó, tự nhiên cứ như là của họ;

Ta không ngại khi bất ngờ một ai trong nhóm bạn đang ngồi cà phê với nhau bỗng dưng đưa điện thoại lên chụp hình ta trong một tư thế không đẹp lắm, ăn nhồm nhoàm hay cười ha ha hay hoa tay múa chân… làm mất “hình tượng” ta đã cố công xây dựng lâu nay trên mạng. Ta cũng không phải phiền lòng khi những hành ảnh bạn chụp ta cứ hồn nhiên được đưa lên mạng, dù là với lòng yêu quý… nhưng đấy là khoảng khắc riêng tư của “chúng mình” cơ mà?
Ta không phải lo lắng khi bất cứ ai cũng có thể biết được “vị trí bạn đang ở” nếu quên tắt chức năng định vị của điện thoại. Một anh bạn, bữa đó ngồi họp ở cơ quan ngay đầu cầu Chương Dương, nhắn tin cho vợ là về trễ, nhưng vợ anh ta thì lại thấy “đang ở nhà nghỉ gần Gia Lâm”. Chuyện tiếp theo thế nào chắc mọi người đoán được.

Ta cũng không sợ phải bất ngờ khi nhìn thấy ảnh mình trên một trang báo mạng, trên facebook của ai đó kèm với câu chuyện rất là kinh khủng khiếp, nhưng quên mất dòng chú thích tối thiểu “ảnh chỉ có tính chất minh hoạ” dù rõ ràng không được phép sử dụng hình ảnh người khác một cách tuỳ tiện như thế;
Ta không phải bực mình khi câu chuyện vui vẻ chia sẻ với bạn bè trên mạng chỉ nhẹ như “một chiếc lông gà” bỗng dưng biến thành “một chị gà mái rụng hết lông” khi nó quay ngược về facebook của ta;
Ta không cần quan tâm tới những câu hỏi hay tiếng xì xào rằng, sao cô/anh ấy chẳng hay kể gì về chồng/vợ gì nhể? Chắc là vợ chồng nhà ấy làm sao…? Ta không phải hối hận khi chuyện yêu đương của ta ngày nào cũng xuất hiện để rồi khi hết yêu cả thế giới cũng biết;

Tóm lại, nếu không có internet thế giới riêng tư của ta được bảo toàn trong một phạm vi nhất định: gia đình, người thân, và với nhiều người, chuyện riêng tư chỉ là của chính mình.
Thế nhưng ngày nay “không có internet” chỉ là giả tưởng, cũng như vài chục năm trước đây mạng xã hội cũng là “giả tưởng”. Internet – trong đó cũng có những thông tin riêng tư của chúng ta – góp phần làm cho thế giới ngày càng “phẳng”.
Thời tiền sử thế giới cũng phẳng, nhưng phẳng trong tình trạng không có thông tin, của cá nhân cũng như của những cộng đồng.

“Thế giới phẳng” có thực sự Phẳng, khi sự riêng tư của mỗi chúng ta đang có thể “lâm nguy”? Và liệu có đến lúc nào đấy, con người phải từ chối thông tin để có một “thế giới phẳng” của riêng mình?

NGƯỜI ĐÔ THỊ 26/6/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...