THÁNG TƯ TRÊN ĐẤT CHÙA THÁP



Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu

Tháng tư, tháng nắng nóng cao điểm khi mùa mưa chưa bắt đầu. Chúng tôi có dịp qua Campuchia vào những ngày khắp nơi nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết Chol Chnam Thmay – tết năm mới của người Khmer.

Qua cửa khẩu Hoa Lư của tỉnh Bình Phước, theo quốc lộ mới được nâng cấp chúng tôi đi qua tỉnh Kratie, Tabon Khmau, Kampong Cham, Kampong Thum, khoảng đường dài hơn 400km để đến Siem Reap – nơi có khu di tích Angkor là trung tâm du lịch lớn nhất Campuchia. Gần một ngày rong ruổi trên đường với quang cảnh nửa quen nửa lạ vì tôi đã bắt gặp những cảnh những người như vậy ở miệt Trà Vinh, Sóc Trăng: thấp thoáng phía xa xa phía sau hàng cây thốt nốt vài ngôi nhà trệt lợp lá dừa, ven đường là những ngôi nhà sàn cao lợp mái tole, cây rơm lớn trong sân, hàng rào  bông giấy đỏ rực, vài con bò trên cánh đồng cỏ khô... Thỉnh thoảng hiện ra một ngôi chùa màu vàng rực rỡ, bậc thềm tam cấp cao với mái ngói cong vút duyên dáng.

Đoàn công tác chúng tôi đi qua khá nhiều tỉnh của đất nước Campuchia. Từ Siem Reap chúng tôi đi đến Battambang qua tỉnh Bantia Meancheay, rồi qua các tỉnh Pursat, Kampong Chnang, Kampong Speu để đến thủ đô Phnom Penh. Từ Phnom Penh qua tỉnh Kandal, Prey Veng, Svay Rieng về cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).

Những thành phố tôi qua đều để lại ấn tượng về sự phát triển “đô thị hóa” nhanh chóng nhưng khá quy củ, không tràn lan và lộn xộn. Thành phố du lịch nổi tiếng Siem Reap so với vài năm trước đây giờ đã tấp nập hơn, đường phố vào ban đêm sáng đèn rực rỡ nhà hàng, quán bar, chợ đêm, quán ăn vỉa hè... Siem Reap vẫn là một thành phố xanh bởi rất nhiều cây to hơn trăm năm tuổi, rất nhiều thảm cỏ vườn hoa và cây non trồng ở các công trình mới, trên những con đường mới. Khách sạn san sát trên các đường phố chính nhưng không có công trình nào cao quá 4, 5 tầng, ngay cả khách sạn lớn nhất có 2000 phòng cũng vậy. Đó là sự tuân thủ quy định nghiêm ngặt trong xây dựng ở đây: không được phép cao hơn các công trình quan trọng trong khu di tích Angkor cách đó gần 7km.

Battambang là một đô thị lớn của Campuchia. Nằm bên bờ sông Sangker là “khu phố Tây” gồm mấy con đường song song bờ sông từ đó có vài đường dọc chia thành từng ô vuông vắn, nhà phố một trệt một lầu, công sở, quán xá, những cửa hàng, trường học lâu đời của của người Hoa được bảo tồn và duy trì sinh hoạt cộng đồng... Khoảng vài năm gần đây Battambang đã mở rộng qua bên kia sông Sangker, đô thị mới nối liền đô thị cổ bằng mấy cây cầu beton hiện đại được trang trí hình tượng điều khắc thời Angkor. Sự “tương phản” kiến trúc truyền thống và hiện đại hai bên bờ sông làm cả hai đô thị cũ và mới đẹp hơn, dân cư đông hơn mà không chật chội, thành phố phát triển mà không đánh mất quá khứ cho thấy lịch sử và văn hóa được bảo tồn và trân trọng.

Thủ đô Phnom Penh đã thay đổi khá nhiều. Công trình đang xây dựng khắp thành phố, nhiều nhà cao tầng hiện đại mọc lên nhưng quanh Hoàng cung và khu quảng trường trung tâm (đài Độc lập, tượng nhà vua, đài Hữu nghị...) cảnh quan được giữ gìn khá nguyên vẹn. Thành phố Phnompenh cổ xưa xây dựng bên bờ sông Tonle Sap (một đoạn của sông Mekong), lấy Hoàng cung làm trung tâm, khu vực xung quanh được quy hoạch từ khoảng đầu thế kỷ 20 nay trở thành “đô thị cổ” kiểu Pháp. Đô thị hóa bắt đầu phát triển ở một vùng có địa thế giống như bán đảo Thủ Thiêm ở TPHCM nhưng hầu như chưa có dân cư sinh sống, người địa phương gọi là “dòng sông bốn mặt”: đó là nơi dòng chính Mekong gặp nhánh Tonle Sap rồi tiếp tục đổ về Việt Nam bằng hai nhánh lớn Mekong và sông Batsac (Tiền giang và Hậu giang). Một thành phố mới đối diện đô thị cổ đã mọc lên những công trình cao tầng hiện đại, kiểu dáng kiến trúc đẹp nhưng không xây dựng dày đặc mà vẫn có không gian để phóng tầm nhìn ra khúc sông bốn mặt rộng mênh mông... Nơi “tụ thủy” sẽ là nơi mang lại nhiều phúc lộc.

Ngày cuối cùng tại Phnompenh đoàn chúng tôi đến tham quan quần thể tượng đài Win – Win (cùng Thắng) mới khánh thành ngày 29.12.2018 nhân kỷ niệm 20 năm kết thúc nội chiến và thực hiện thành công chính sách Thắng - Thắng dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen. Với diện tích khoảng 8ha, quần thể Tượng đài Win – Win nằm đối diện với khu liên hợp thể thao Morodok Decho thuộc phường Bak Kheng, quận Chroy Changvar, thủ đô Phnompenh. Tượng đài này ghi nhận ý nghĩa to lớn của việc thực hiện chính sách Thắng - Thắng trong công cuộc kiến tạo hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc cho đất nước Campuchia.

Sau cuộc tổng tuyển cử do Liên hợp quốc tổ chức năm 1993, Campuchia vẫn chưa thực sự có hòa bình trọn vẹn do lực lượng Khmer Đỏ, với sự hậu thuẫn của một số phe phái trong nước và nước ngoài, vẫn tiếp tục tồn tại và gây bất ổn ở nhiều địa bàn. Trước tình hình đó, Thủ tướng Hun Sen và các nhà lãnh đạo Đảng Nhân dân Campuchia đã nghiên cứu và đề ra chính sách Thắng - Thắng nhằm làm tan rã bộ máy tổ chức chính trị-quân sự của Khmer Đỏ, đưa những người ủng hộ lực lượng này quay trở về với Chính phủ. Đối với sĩ quan, binh lính và những người ủng hộ Khmer Đỏ quy hàng, Chính phủ bảo đảm về an toàn tính mạng, nghề nghiệp, tài sản, đồng thời tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập với đời sống xã hội. Chỉ sau hai năm thực hiện từ 1996-1998, hầu hết các cựu chỉ huy Khmer Đỏ cùng binh lính và gia đình đã chính thức giao nộp vũ khí, xin được đứng dưới ngọn cờ hòa hợp dân tộc của Thủ tướng Hun Sen và Đảng Nhân dân Campuchia. (*)

Tượng đài Win – Win của Campuchia làm tôi nhớ đến câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Duy “phe nào thắng thì nhân dân cũng bại” nhưng ở một ý nghĩa khác: chỉ khi nào cả hai phe “cùng thắng” thì chiến thắng mới thực sự và trọn vẹn, vì dân tộc thoát khỏi nạn diệt chủng, đất nước thoát khỏi cuộc nội chiến và sự chia rẽ về tinh thần. Không có sự trả thù trên diện rộng mà chỉ nhằm trừng trị lãnh đạo cao cấp của Khmer đỏ, nhân dân không nuôi dưỡng và bộc lộ sự căm thù đồng bào mình, ngay cả ở những người đã mất hết gia đình vì Khmer đỏ... Có lẽ vì vậy mà những người dân Campuchia tôi gặp, trong đó có không ít người là nạn nhân của nạn diệt chủng - nhớ lại một thời khủng khiếp và luôn day dứt: vì sao đất nước họ lại phải trải qua “kiếp nạn” kinh hoàng như vậy? Tự hỏi để rồi vượt qua nỗi đau, vượt qua hận thù với lòng khoan dung vì mình thoát chết còn người khác không còn phạm tội giết người, đó là một may mắn lớn. Vì vậy, tất cả cùng vun đắp một “nghiệp” mới cho “kiếp sau” an lành hơn, như giáo lý Phật giáo mà hầu hết người Campuchia được giác ngộ từ nhỏ.

Bốn mươi năm đã qua kể từ năm 1979, dấu ấn và chứng tích của “nạn diệt chủng” chỉ còn lưu giữ trong vài di tích - nhà bảo tàng ở một số nơi, nhưng lịch sử không bị “bỏ quên”: ngoài di sản kiến trúc như những khu đền cổ, chùa tháp luôn được bảo tồn, tôn tạo thì tại thủ đô Phnompenh và nhiều tỉnh thành đã dành vị trí đẹp, rộng rãi để xây dựng tượng đài hữu nghị Việt Nam – Campuchia với hình tượng hai người lính Việt – Cam và một phụ nữ Cam bế em nhỏ trên tay. Vào những ngày lễ lớn chính quyền và nhân dân địa phương thường đến đây đặt vòng hoa tưởng niệm... Sự quý trọng di sản văn hóa xa xưa là cầu nối để tôn trọng lịch sử mới vừa trải qua. Người dân ở nơi nào trên đất nước Campuchia cũng “côi cút làm ăn toan lo nghèo khó” hồn hậu và chất phác như người dân Việt Nam, những người lính Việt Nam hay Campuchia đều là con em những người dân như vậy. Họ đã trải qua tháng năm hy sinh khắc nghiệt nhất nhưng họ cũng là những người thấm nhuần đạo đức truyền thống “làm ơn không nên kể chịu ơn chớ nên quên”. Chính tình cảm và đạo lý của nhân dân đã kết nối và sẽ bảo vệ tình hữu nghị bền chặt hơn bất cứ “chính trị” nào.

Nạn diệt chủng và cuộc nội chiến trong quá khứ vẫn còn là một vết thương nhưng không bị khoét sâu hơn nữa mà đang được làm lành bằng mọi cách... Sự thay đổi nhanh chóng của Campuchia trong hai mươi năm qua là kết quả trực tiếp từ chính sách và việc thực hiện hòa hợp hòa giải cùng nhiều chính sách đối nội, đối ngoại của chính quyền. Tất cả tạo nên sức mạnh âm thầm nhưng bền bỉ để thay đổi đất nước.
Tháng Tư trên đất nước chùa tháp tôi nhớ về tháng Tư của chúng ta, một tháng Tư vẫn còn đó ngổn ngang lòng người và di chứng từ hơn bốn mươi năm trước...

Sài Gòn 10.4.2019





BÁO CHÍ VÀ BẢO TỒN DI SẢN ĐÔ THỊ Ở TP.HCM



Nguyễn Thị Hậu

1. Từ những năm 1990 tại TP. Hồ Chí Minh đã có những công trình khảo sát, nghiên cứu về bảo tồn di sản văn hóa trong đó tập trung vào các công trình kiến trúc thời Pháp như công sở, nhà thờ, dinh thự, biệt thự... Tuy nhiên kết quả nghiên cứu chỉ thể hiện trong các cuộc hội thảo khoa học, một số cuốn sách... Vấn đề “bảo tồn di sản đô thị” hầu như chưa được xã hội quan tâm, thông tin ít ỏi trên báo chí ảnh hưởng đến cộng đồng do đó cũng không đáng kể.
Cũng cần nhận thấy, trước năm 2010 cảnh quan khu vực trung tâm Sài Gòn còn khá nguyên vẹn. Có một vài thay đổi như xây dựng khách sạn Caravell, tháo dỡ các kiot ở đường Nguyễn Huệ... nhưng nhìn chung đường Đồng Khởi và khu trung tâm vẫn còn mang đậm dấu ấn của một đô thị có tuổi trên dưới trăm năm, có sự kết hợp hài hòa cảnh quan thiên nhiên miền Nam VN với quy hoạch và kiến trúc kiểu Pháp.
Nhưng từ sau năm 2010 thì đây là nơi bị tác động trực tiếp và rất nhanh của quá trình “hiện đại hóa”. Đó là sự biến mất của hàng loạt kiến trúc cũ, tiêu biểu cho cảnh quan, sinh hoạt, lối sống của Sài Gòn như khu Eden với rạp phim, cửa tiệm, dịch vụ... đặc biệt là hiệu sách Xuân Thu và quán cà phê Givral nổi tiếng; công viên Chi Lăng nhỏ xinh như một khoảng lặng thân thiện trên con đường Đồng Khởi sang trọng và tấp nập ngày đêm... Hàng cây sao cao vút trước Nhà hát lớn bị chặt bỏ, và đỉnh điểm là bùng binh cây liễu nơi giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi và thương xá Tax “biến mất” nhanh chóng và triệt để!
Bắt đầu từ đó báo chí phản ánh tiếng nói của cộng đồng và các nhà nghiên cứu kiến trúc, lịch sử, di sản... tin tức và bài viết về “bảo tồn di sản Sài Gòn” xuất hiện nhiều hơn. Những năm sau đó, công xưởng Ba Son, hàng cây đường Tôn Đức Thắng và Dinh Thượng Thơ luôn được báo chí quan tâm từ góc độ “di sản đô thị”. Có thể nhận thấy, nếu năm 2013, 2014 phổ biến là những bài viết tỏ lòng thương tiếc như “Givral – C’est fini” hay “người Sài Gòn lưu luyến vĩnh biệt Tax”... thì sau đó tiếng nói của báo chí ngày càng thẳng thắn đặt vấn đề và đòi hỏi việc bảo tồn di sản đô thị Sài Gòn. Đó là một sự thay đổi lớn về nhận thức và ý thức của cộng đồng nói chung và vai trò của báo chí nói riêng trong “hành trình” bảo tồn di sản đô thị Sài Gòn – TP. HCM còn nhiều khó khăn.

2. Gõ từ khóa “bảo tồn di sản Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, báo chí” tìm kiếm trên Google thì được khoảng 22.200 kết quả trong 0,88 giây! Với các từ khóa khác như “thương xá Tax” có 165.000 kết quả trong 0,60 giây, “di tích lịch sử Ba Son” có tới 106.000.000 kết quả trong 0,78 giây, “hàng cây cổ thụ đường Tôn Đức Thắng” có 2.640.000 kết quả trong 0,64 giây, “Dinh thượng Thơ” có 98.500.000 kết quả trong 0,43 giây... (*) Đây chỉ là vài ví dụ về sự “nổi tiếng” trên báo chí của các di tích tại khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh trong vài năm gần đây.
Những trang đầu Google của kết quả tìm kiếm về các di tích trên là tin tức của cơ quan truyền thống “chính thống” gồm những tờ báo lớn, các trang báo điện tử có nhiều người đọc, một số tạp chí chuyên ngành về kiến trúc... hầu hết trong khoảng thời gian các di tích trên bị xâm phạm và phá hủy. Hình thức của thông tin khá đa dạng: từ nguồn tin của các cơ quan quản lý (UBNDTP, Sở QHKT, Sở GTVT, Sở VHTT..), bài viết từ quá trình thu thập, điều tra của nhà báo, phỏng vấn ý kiến của chuyên gia, nhà nghiên cứu, ý kiến của cộng đồng,  những hình ảnh, video clip thực tế và cập nhật từng giờ... Thông tin liên tục, dồn dập và “đúng điểm rơi” của sự kiện nên thu hút sự chú ý, theo dõi của đông đảo công chúng, tạo nên những “sự kiện nóng” thực sự. Đặc biệt, báo chí đã kịp thời đưa tin các nhà ngoại giao lên tiếng về di sản thành phố như trường hợp Thương xá Tax, Dòng tu và nhà thờ Thủ Thiêm và Dinh Thượng Thơ. Đây là những thông tin rất quan trọng để chính quyền cân nhắc quyết định “số phận” các công trình này.

Nội dung trên các báo cũng rất phong phú: từ việc tổ chức tuyến bài hồ sơ (như loạt bài về Ba Son của báo Tuổi Trẻ, về Thương xá Tax của báo Pháp luật TP, về Dinh Thượng Thơ của báo Thanh Niên, chuyên đề về các “điểm nóng” di sản đô thị có mặt đều đặn trên báo Người Đô Thị... và tin bài của nhiều báo khác), đến phỏng vấn các chuyên gia về giá trị, ý nghĩa lịch sử văn hóa, kiến trúc của các công trình, từ những bài tập hợp ý kiến các tầng lớp nhân dân đến những “giải pháp” bảo tồn của giới nghiên cứu chuyên sâu... Không chỉ phản ánh ý kiến trực tiếp  mà báo chí còn phản ánh những hoạt động gián tiếp mang ý nghĩa “bảo tồn” như các trang web thu thập ý kiến của công chúng, việc sưu tầm di vật của Ba Son để xây dựng quán cà phê, biệt thự, một số nhóm thanh niên đặt hoa trên gốc cây và các nghệ sĩ trình diễn nghệ thuật mang ý nghĩa “tưởng niệm” hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng - một ký ức đẹp của thành phố...
Ngoài tin bài chính trên các tờ báo điện tử còn có hàng ngàn lượt ý kiến (comments) của độc giả bàn luận về vấn đề, có các cuộc thăm dò do báo tổ chức về phương án đối với di tích (bảo tồn/không bảo tồn/ý kiến khác) có đến hàng trăm ngàn bình chọn... Những số liệu thống kê nhanh chóng và công khai đã phản ánh khá toàn diện ý kiến các tầng lớp dân chúng mà đại đa số đồng thuận việc bảo tồn. Có lẽ sau những đợt “dư luận xã hội” mạnh mẽ về việc bảo tồn di tích khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long hồi những năm 2000 thì sự phá hủy di sản đô thị ở trung tâm TP.HCM cũng đã thu hút sự quan tâm rất lớn của công chúng cả nước. Điều đó không thể không có vai trò tích cực của báo chí và truyền thông.

Những cuộc “vận động” này ngày càng có kết quả rõ rệt. Từ việc Thương xá Tax bị phá bỏ để xây công trình mới nhưng phải bảo tồn toàn bộ sảnh, trang trí gạch mosaic, cầu thang... để tích hợp vào công trình mới, đồng thời phục dựng mặt tiền xây dựng năm 1924 của Thương xá Tax... đến việc dừng đập bỏ Dinh Thượng Thơ, cùng lúc ngành quản lý là Sở QHKT đã tổ chức hội thảo khoa học về Giá trị lịch sử - kiến trúc cần được bảo tồn của công trình này. Đây là những hành xử hợp lý, kịp thời và thiện ý của chính quyền sau khi tiếp nhận ý kiến của cộng đồng thông qua nhiều kênh, trong đó rất quan trọng là từ truyền thông, báo chí.
Ngoài ra, có thể kể đến vài trường hợp khác như: nhà cổ đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) bị đập bỏ do nhu cầu bức thiết của gia chủ, qua phản ánh của báo chí cơ quan chuyên ngành cũng đã kịp thời điều chỉnh và đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu phân loại các biệt thự, nhà cổ trên địa bàn thành phố, nhằm bảo tồn các công trình có giá trị và cảnh quan biệt thự - một đặc trưng của đô thị. Qua đó giá trị nhiều mặt của biệt thự cũng được cộng đồng ý thức hơn.
Hay trường hợp nhỏ là màu sơn của Bưu điện thành phố. Sau khi thực hiện sơn một phần công trình, nhận được sự phản ứng của cộng đồng qua báo chí, cơ quan chủ quản đã tích cực tham vấn các nhà nghiên cứu và đã chỉnh sửa ngay màu sơn, phù hợp với tư liệu lịch sử và “ký ức cộng đồng”. Công trình trở nên “quen thuộc”  hơn, được người dân và du khách hài lòng.
Một trường hợp “cực kỳ nhạy cảm” là Tu viện Dòng Mến Thánh giá và nhà thờ Thủ Thiêm đã thuộc diện “giải tỏa” trong quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Từ báo chí - khởi đầu là báo Người Đô Thị - với sự bày tỏ thẳng thắn của các nhà nghiên cứu về lịch sử, tôn giáo, giáo dục... về giá trị và việc cần thiết phải bảo tồn những công trình này, đến nay “dường như” đã được chính quyền chấp thuận (**).
Ngoài phản ánh sự kiện, sự việc thì báo chí còn là kênh thông tin quan trọng “điểm sách” và giới thiệu các tác phẩm văn học về “ký ức đô thị”, các công trình nghiên cứu, khảo cứu về lịch sử, văn hóa, di sản đô thị Sài Gòn. Sức lan tỏa của các tác phẩm, công trình này nhờ đó ngày càng sâu rộng trong cộng đồng, nhất là với giới trẻ.

3. Từ thực tế của TP. Hồ Chí Minh, trong công trình nghiên cứu của mình (***), tôi đã nhận thấy có bốn nhân tố liên quan chặt chẽ đến “bảo tồn di sản đô thị Sài Gòn” là nhà quản lý, nhà chuyên môn, cộng đồng dân cư và nhà đầu tư. Trong đó, giữ vai trò quan trọng là cộng đồng và nhà chuyên môn, nhưng vai trò quyết định là nhà quản lý và nhà đầu tư. Tuy nhiên theo dõi khá đầy đủ thông tin về bảo tồn di sản không thể không nhận thấy, trên báo chí hầu như rất ít ý kiến hay sự phản hồi của nhà đầu tư (những tập đoàn đầu tư vào địa ốc, xây dựng hạ tầng đô thị) – nhân tố  tác động trực tiếp vào công trình di sản, hoặc vùng, khu vực, cảnh quan di sản. Thay vào đó là ý kiến của nhà quản lý (Sở ngành, UBNDTP) “giải thích” sự cần thiết phải “giải tỏa” các di tích để xây dựng công trình, cơ sở hạ tầng hiện đại và “đô thị mới”. Thậm chí thông tin chính xác về nhà đầu tư vào khu vực, công trình di tích nào đó cũng ít khi xuất hiện trên báo chí cho đến khi di tích đã bị “xóa sổ” và ở đó mọc lên công trình mới.
Điều này tạo nên cảm giác tất cả sự lên tiếng của cộng đồng nói chung, của báo chí nói riêng đều chưa tác động đúng chỗ, thậm chí báo chí còn né tránh vì “tế nhị, nhạy cảm”... Và tất nhiên vì thế những cố gắng đó đã không có kết quả mà trường hợp di tích Ba Son là một điển hình.
Một điều hạn chế nữa là, thông tin quy hoạch đô thị hiện nay mới chỉ có ở website của cơ quan quản lý mà chưa được phổ biến rộng rãi qua truyền thông, báo chí, nhất là khu vực cảnh quan di sản đô thị. Mặt khác, việc xếp hạng các công trình di sản đô thị còn khá chậm và chưa toàn diện. Vì vậy, việc xâm phạm, hủy hoại các công trình mang giá trị di sản vẫn tiếp diễn. Thực trạng này làm cho thông tin trên báo chí có phần nặng về phản ánh những “việc đã rồi” tiêu cực trong bảo tồn di sản. Nếu những thông tin của các cơ quan quản lý kịp thời được công khai, minh bạch trên báo chí thì các nhà chuyên môn và cộng đồng sẽ có tiếng nói sớm hơn, tham gia cứu vãn và bảo vệ các di tích một cách tích cực hơn.
Có một điều tôi thấy tiếc, đó là các giải thưởng báo chí hàng năm chưa có giải nào cho tác phẩm về bảo tồn di sản. Điều này cho thấy lĩnh vực Di sản văn hóa chưa thực sự được coi trọng, công lao và tâm huyết các tờ báo, nhà báo “đeo bám” mảng đề tài khó khăn này chưa được đánh giá xứng đáng.

Là người thường xuyên cộng tác với báo chí về lĩnh vực bảo tồn di sản đô thị ở TP.HCM, tôi nhận thấy trong khoảng 5 năm gần đây đã có một sự “đồng hành” khá mật thiết của báo chí với việc bảo tồn di sản đô thị Sài Gòn – TP.HCM. Ở những thời điểm “nóng bỏng” tiếng nói của báo chí có tác dụng rất lớn, vì với chức năng “thông tin” báo chí đã giúp những ý kiến phản biện kịp thời đến với chính quyền, đồng thời phản hồi của cơ quan chức năng cũng giúp cộng đồng nắm thông tin tốt hơn. “Dư luận xã hội” qua báo chí và nhờ báo chí, không chỉ là “cảm xúc” cộng đồng mà còn cả những lý trí bình tĩnh và khoa học.
Qua quá trình này, quan điểm của báo chí và các nhà nghiên cứu, học giả ngày càng gần nhau hơn, nói cách khác, thực tiễn đa dạng phức tạp của xã hội và tri thức “hàn lâm” của giới khoa học ngày càng tìm được tiếng nói chung trong hành trình bảo tồn di sản. Đấy cũng là kinh nghiệm và bài học từ nhiều nước đã thành công trong việc bảo tồn di sản văn hóa.

Chú thích.
(*) Truy cập ngày 15.1.2018
(**) Gần đây đã có thông tin chính thức trên báo chí.
(***) “Khảo cổ học đô thị và bảo tồn di sản văn hóa SG – TPHCM” hoàn thành 2017.

 Tạp chí Kiến trúc số 2.2019




Bài về Đà Lạt (4) DOANH NHÂN SÀI GÒN phỏng vấn


  1. Thưa Tiến sĩ, người ta thường nhắc đến bản sắc của một đô thị. Bản sắc này làm nên đặc trưng, không trộn lẫn của chính đô thị đó. Vậy bản sắc đó bao gồm những gì nếu không có di sản?
Bản sắc của các đô thị bao gồm nhiều yếu tố, trong đó di sản (vật thể và phi vật thể) là quan trọng nhất như những ADN xác lập đô thị đó là chính nó chứ không phải đô thị khác. Mất di sản các đô thị sẽ trở thành những bản sao của nhau vì những yếu tố khác không thể hiện quá trình lịch sử, văn hóa riêng biệt. Do đó diện mạo, cốt cách của đô thị bị xóa nhòa cả ở khía cạnh vật chất và tinh thần.
Mất di sản thì đô thị không còn bản sắc.

  1. Ở khía cạnh kinh tế, như góc nhìn hiện nay, người quy hoạch đô thị tại Việt Nam cho rằng, những giá trị của di sản không đủ mang lại nguồn lợi kinh tế, đáp ứng sự phát triển nhanh mạnh của thành phố trong quá trình hội nhập. Chị nghĩ như thế nào trước quan điểm này 


Tôi không cho rằng những người làm quy hoạch đô thị tử tế lại có quan điểm như vậy. Khoa học quy hoạch không thể chỉ phục vụ mục đích kinh tế trước mắt mà quan trọng hơn, phục vụ đời sống xã hội lâu dài.Quy hoạch đô thị chính là giải bài toán “bảo tồn và phát triển”, là tìm ra phương thức tốt nhất để tránh xung đột giữa bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế. “Kinh tế di sản” là phương thức phù hợp mà quy hoạch đô thị nhiều nước đã ứng dụng thành công.

3. Việc quy hoạch không đúng cách di sản và đô thị sẽ để lại những hậu quả như thế nào đối với sự phát triển của đô thị cũng như người dân?

Từ góc độ văn hóa thì hậu quả là sự hủy hoại lịch sử đô thị, thể hiện tâm thức coi thường những lớp người đã xây dựng và phát triển đô thị. Do đó không lạ nếu thế hệ sau tiếp tục phá hủy những gì hôm nay đang làm. Đó không phải là “phát triển” chứ chưa nói đến “phát triển bền vững”.
Người dân sống ở đô thị cần có những ký ức chung để cố kết tạo nên cộng đồng có bản sắc và có ý thức bảo vệ đô thị. Mất di sản là cắt đứt ký ức và sự cố kết cộng đồng. Đó là một hình thức “đồng hóa” văn hóa vì xóa bỏ sự đa dạng văn hóa.


4. Chúng ta nói nhiều đến giải pháp. Thế nhưng, mỗi lần một di sản/ thành phố đưa vào quy hoạch, mới vỡ lẽ, hóa ra bấy lâu nay di sản đó thoi thóp nằm chờ, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, như trường hợp của khu di chỉ Vườn Chuối tại Hà Nội hay việc quy hoạch lại trung tâm thành phố Đà Lạt. Đây cũng không phải là lần đầu tiên vấn đề này được dấy lên trong dư luận. Tại sao lại như vậy?

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo tôi là vì vấn đề mấu chốt “đô thị và di sản đô thị của ai? Là nguồn vốn xã hội lâu dài của cộng đồng hay là lợi nhuận trước mắt của một thế hệ/một nhiệm kỳ?” chưa bao giờ được những người có trách nhiệm nghiêm túc đặt ra và thực tâm tìm câu trả lời.

Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ!
Hoàng Linh Lan


 Hình ảnh có liên quan


NOTRE DAME DE PARIS - NƠI DỪNG CHÂN CỦA KÝ ỨC

Notre-Dame de Paris - Nơi dừng chân của kí ức - 3

Tôi có may mắn được đến Paris vài lần, và lần nào cũng vậy Nhà thờ Đức Bà Paris luôn là nơi tôi tìm đến, có thể chỉ là đi ngang qua chốc lát. Như nhiều người cùng thế hệ, tôi biết đến ngôi nhà thờ nổi tiếng này đầu tiên là qua tác phẩm Notre-Dame de Paris của đại văn hào Victor Hugo, sau đó là nhờ xem nhiều bộ phim có cảnh quay tại đây. Từ đó trở thành một ký ức chưa bao giờ rời khỏi tâm tưởng khiến tôi luôn “đi tìm”, mỗi lần nhìn thấy lại như trở về miền ký ức ngọt ngào và bí ẩn.

Tiểu thuyết của Victor Hugo để lại sự ám ảnh nặng nề từ kiến trúc đồ sộ của nhà thờ như một cái bóng khổng lồ đè lên số phận chàng gù Quasimodo nhân hậu và nàng Esmeralda tài hoa xinh đẹp, tiếng chuông đầy đe dọa với đám người bần cùng luôn tụ tập đầy rẫy xung quanh nhà thờ, sự ám ảnh của những cuộc nổi loạn, cướp phá và giết chóc...  tất cả đã dựng lại xã hội nước Pháp đen tối thời trung cổ. Những nhân vật chính của tiểu thuyết trở thành huyền thoại bởi mối tình lãng mạn, quên mình... một kiểu tình yêu “rất Pháp”.

Từ một thiết chế tôn giáo quan trọng trong một giai đoạn lịch sử nhất định, từ một tác phẩm được dựng trên bối cảnh của nó và qua ký ức của nhiều thế hệ độc giả trong và ngoài nước Pháp, Notre-Dame de Paris đã trở thành biểu tượng của Paris về kiến trúc, về lịch sử và tính cách “Parisiens”. Nhà thờ Đức Bà Paris còn một trong những biểu tượng được công nhận rộng rãi nhất của cả nước Pháp, là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng. Mỗi năm có hàng chục triệu du khách khắp thế giới ghé thăm nơi đây.
***
Cho đến ngày 15.4.2019 khi cuộc hỏa hoạn xảy ra, Notre-Dame de Paris đã tồn tại khoảng 850 năm. Công trình bắt đầu xây dựng từ thế kỷ 12 và phải qua một thế kỷ sau mới hoàn thành, đồng thời cũng được  trùng tu vài lần do tác động của thời gian, hư hỏng sau cuộc cách mạng Pháp... Ngày nay bất cứ ai đến Paris cũng muốn tìm đến nơi này, ngắm nhìn công trình kiểu Gothic tiêu biểu cho kiến trúc công giáo thời trung cổ. Nhìn chính diện từ quảng trường với hai tòa tháp cao sừng sững và cân đối thì Notre-Dame de Paris như một Đức Ông lạnh lùng đầy quyền uy, nhưng khi nhìn từ phía sông Seine với tháp chuông cao vút, những đường nét trang trí thanh thoát mềm mại thì Notre-Dame de Paris lại giống một mệnh phụ thanh lịch và duyên dáng...

Công trình có được sự trang nghiêm của tôn giáo nhưng gần gũi với dân chúng như vậy là nhờ việc xây dựng nhà thờ đi cùng việc quy hoạch đôi bờ sông Seine. Sự kết hợp giữa công trình đồ sộ ở một hòn đảo nhỏ hài hòa với quảng trường rộng phía trước, những con đường lớn và đường đi bộ, bến du thuyền ven sông. Các dãy phố hai bên bờ sông từ hàng trăm năm nay không xây nhà cao tầng là phố thương mại dịch vụ gồm quán ăn, quán cà phê, hiệu sách cũ, cửa hàng đồ lưu niệm... Một cây cầu không quá lớn, không trang trí cầu kỳ dẫn vào quảng trường xung quanh có cây xanh, trụ đèn, thảm cỏ bồn hoa như một công viên nhỏ. Điểm KM số 0 của nước Pháp đánh dấu ở sân trước Nhà thờ Đức Bà được ghi dòng chữ KILOMETRE ZERO DE FRANCE.  Tất cả cảnh quan đó đã tạo nên cảm giác thân thiện với cộng đồng và du khách.

Tháp chuông cao vút như một mũi tên của Nhà thờ Đức Bà luôn in trên nền trời, nhìn từ phía nào cũng nổi bật, nhất là đi du thuyền trên sông Seine. Nhà thờ là một trong ba điểm nhấn quan trọng – cột mốc Lịch sử của Paris, cùng với hai điểm nữa là Khải Hoàn Môn – cột mốc thời cận đại và Tháp Eiffel – thời hiện đại. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử kiến trúc đã có nhận xét: về kiến trúc và sự gìn giữ bảo tồn thì Notre-Dame de Paris không quá đặc sắc so với nhiều nhà thờ ở nước Pháp và châu Âu, nhưng khi gắn liền với Paris – một nơi chốn cụ thể với quá trình lịch sử, văn hóa cụ thể thì giá trị to lớn của Notre-Dame de Paris  ở chỗ nó là cột mốc cho lịch sử thời trung cổ của thành phố này.

Một điểm đặc sắc của Notre-Dame de Paris mà không nhiều du khách biết đến, đó là ngay dưới nền của quảng trường nhà thờ đã có một bảo tàng Khảo cổ học. Khi thành phố Paris định xây dựng một bãi đậu xe ngầm tại đây thì phát hiện di tích một làng cổ còn dấu tích nhà cửa, lò bánh mì, những vật dụng sinh hoạt… Chính quyền thành phố đã quyết định khai quật toàn bộ và bảo tồn trở thành bảo tàng tại chỗ, bởi vì đó chính là làng cổ đã nhường chỗ để xây dựng nhà thờ từ thế kỷ 12. Bảo tàng này có thể coi là Bảo tàng về việc hình thành Paris cổ xưa và quá trình xây dựng Notre-Dame de Paris, được minh họa bằng những bộ phim tài liệu khoa học 3D hiện đại bên cạnh những hiện vật khảo cổ học.

Ngoài giá trị về kiến trúc và điêu khắc trang trí như những cửa sổ Hoa Hồng, tranh thánh tích bằng kính màu, tượng điêu khắc linh vật Gargoyle, mười chiếc chuông cổ… nhà thờ Đức Bà Paris còn là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật và báu vật quốc gia mà theo thông tin chính thức, những báu vật này đã được kịp thời cứu thoát khỏi trận hỏa hoạn: " các tác phẩm nghệ thuật lớn và những mẫu vật thiêng liêng, vương miện gai bằng vàng, áo choàng của nhà vua của Saint Louis - vị vua thế kỷ thứ 13 của Pháp, và một mảnh của Thánh giá Đích thực hiện đã về nơi an toàn". Ngoài ra hai tòa tháp chính (cao đến 68m, bao gồm 387 bậc thang mà khi leo hết những bậc thang này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Paris) cũng đã thoát khỏi ngọn lửa khủng khiếp. Những chứng tích quan trọng này sẽ trở thành điểm tựa cho cuộc hồi sinh của của Notre-Dame de Paris.

Hỏa hoạn ở Notre-Dame de Paris được dập tắt chỉ trong vài giờ nhưng thiệt hại của nó thì chắc chắn phải hàng thập kỷ nữa cũng chưa bù đắp được. Nhưng cũng từ đây, bằng tình yêu lịch sử và sự trân trọng di sản văn hóa đã trở thành truyền thống, chính phủ và người dân Paris, nhân dân Pháp sẽ làm mọi cách để biểu tượng này được “sống lại”. Tôi tin điều đó sẽ trở thành hiện thực trong một mùa Phục sinh không xa!
***
“Trông người lại ngẫm đến ta”, nhiều di sản văn hóa từ nông thôn đến đô thị nước ta đang bị mai một, bị hủy hoại do tự nhiên và phần lớn là do con người. Ý thức, sự hiểu biết và trân trọng các công trình di sản còn chưa trở thành thói quen, truyền thống… Những mối lợi trước mắt về địa ốc, về lợi nhuận luôn rình rập để có cơ hội là phá bỏ các công trình di sản, việc trùng tu không khoa học và không cẩn trọng luôn ẩn chứa nguy cơ tại họa như mới xảy ra với Nhà thờ Đức Bà Paris… Nguyên nhân sâu xa là từ  việc nhận thức và giáo dục về di sản không được coi trọng, nguyên nhân trực tiếp là việc phá hủy di sản bằng nhiều hình thức mỗi ngày vẫn diễn ra mà không bị ngăn chặn hay chế tài kịp thời.

Trên mạng xã hội đã có một số ý kiến gay gắt chỉ trích các ngôi sao “người của công chúng” khi họ bày tỏ thương xót luyến tiếc Nhà thờ Đức Bà Paris mà chưa bao giờ lên tiếng vì những di sản văn hóa trong nước!  Mong rằng, khi đã biết trân trọng di sản văn hóa nước ngoài thì hãy nhìn về di sản nước nhà để nhận biết giá trị và trân trọng.  Mất mát nào cũng là bài học - miễn là mỗi người chúng ta đều thấy cần phải học! Mất mát nào cũng phải trả giá nhưng di sản mất đi thì không có sự trả giá nào bù đắp được. Hãy gìn giữ để di sản văn hóa Việt Nam trở thành những điểm đến mang giá trị “nơi dừng chân của ký ức” như Notre Dame de Paris và nhiều di sản trên thế giới.

Nguyễn Thị Hậu, Sài Gòn 16.4.2019


Notre-Dame de Paris - Nơi dừng chân của kí ức - 2

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...