Nguyễn Thị Hậu
1.
Từ những năm 1990 tại TP. Hồ
Chí Minh đã có những công trình khảo sát, nghiên cứu về bảo tồn di sản văn hóa
trong đó tập trung vào các công trình kiến trúc thời Pháp như công sở, nhà thờ,
dinh thự, biệt thự... Tuy nhiên kết quả nghiên cứu chỉ thể hiện trong các cuộc
hội thảo khoa học, một số cuốn sách... Vấn đề “bảo tồn di sản đô thị” hầu như
chưa được xã hội quan tâm, thông tin ít ỏi trên báo chí ảnh hưởng đến cộng đồng
do đó cũng không đáng kể.
Cũng cần nhận thấy, trước năm 2010 cảnh quan khu vực
trung tâm Sài Gòn còn khá nguyên vẹn. Có một vài thay đổi như xây dựng khách sạn
Caravell, tháo dỡ các kiot ở đường Nguyễn Huệ... nhưng nhìn chung đường Đồng Khởi
và khu trung tâm vẫn còn mang đậm dấu ấn của một đô thị có tuổi trên dưới trăm
năm, có sự kết hợp hài hòa cảnh quan thiên nhiên miền Nam VN với quy hoạch và
kiến trúc kiểu Pháp.
Nhưng từ sau năm 2010 thì đây là nơi bị tác động trực tiếp
và rất nhanh của quá trình “hiện đại hóa”. Đó là sự biến mất của hàng loạt kiến
trúc cũ, tiêu biểu cho cảnh quan, sinh hoạt, lối sống của Sài Gòn như khu Eden
với rạp phim, cửa tiệm, dịch vụ... đặc biệt là hiệu sách Xuân Thu và quán cà
phê Givral nổi tiếng; công viên Chi Lăng nhỏ xinh như một khoảng lặng thân thiện
trên con đường Đồng Khởi sang trọng và tấp nập ngày đêm... Hàng cây sao cao vút
trước Nhà hát lớn bị chặt bỏ, và đỉnh điểm là bùng binh cây liễu nơi giao lộ
Nguyễn Huệ - Lê Lợi và thương xá Tax “biến mất” nhanh chóng và triệt để!
Bắt đầu từ đó báo chí phản ánh tiếng nói của cộng đồng và
các nhà nghiên cứu kiến trúc, lịch sử, di sản... tin tức và bài viết về “bảo tồn
di sản Sài Gòn” xuất hiện nhiều hơn. Những năm sau đó, công xưởng Ba Son, hàng
cây đường Tôn Đức Thắng và Dinh Thượng Thơ luôn được báo chí quan tâm từ góc độ
“di sản đô thị”. Có thể nhận thấy, nếu năm 2013, 2014 phổ biến là những bài viết
tỏ lòng thương tiếc như “Givral – C’est fini” hay “người Sài Gòn lưu luyến vĩnh
biệt Tax”... thì sau đó tiếng nói của báo chí ngày càng thẳng thắn đặt vấn đề
và đòi hỏi việc bảo tồn di sản đô thị Sài Gòn. Đó là một sự thay đổi lớn về nhận
thức và ý thức của cộng đồng nói chung và vai trò của báo chí nói riêng trong
“hành trình” bảo tồn di sản đô thị Sài Gòn – TP. HCM còn nhiều khó khăn.
2. Gõ từ khóa “bảo tồn di sản Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh,
báo chí” tìm kiếm trên Google thì được khoảng 22.200 kết quả trong 0,88 giây! Với
các từ khóa khác như “thương xá Tax” có 165.000 kết quả trong 0,60 giây, “di
tích lịch sử Ba Son” có tới 106.000.000 kết quả trong 0,78 giây, “hàng cây cổ
thụ đường Tôn Đức Thắng” có 2.640.000 kết quả trong 0,64 giây, “Dinh thượng
Thơ” có 98.500.000 kết quả trong 0,43 giây... (*) Đây chỉ là vài ví dụ về sự “nổi
tiếng” trên báo chí của các di tích tại khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh trong
vài năm gần đây.
Những trang đầu Google của kết quả tìm kiếm về các di
tích trên là tin tức của cơ quan truyền thống “chính thống” gồm những tờ báo lớn,
các trang báo điện tử có nhiều người đọc, một số tạp chí chuyên ngành về kiến
trúc... hầu hết trong khoảng thời gian các di tích trên bị xâm phạm và phá hủy.
Hình thức của thông tin khá đa dạng: từ nguồn tin của các cơ quan quản lý
(UBNDTP, Sở QHKT, Sở GTVT, Sở VHTT..), bài viết từ quá trình thu thập, điều tra
của nhà báo, phỏng vấn ý kiến của chuyên gia, nhà nghiên cứu, ý kiến của cộng đồng,
những hình ảnh, video clip thực tế và cập
nhật từng giờ... Thông tin liên tục, dồn dập và “đúng điểm rơi” của sự kiện nên
thu hút sự chú ý, theo dõi của đông đảo công chúng, tạo nên những “sự kiện
nóng” thực sự. Đặc biệt, báo chí đã kịp thời đưa tin các nhà ngoại giao lên tiếng
về di sản thành phố như trường hợp Thương xá Tax, Dòng tu và nhà thờ Thủ Thiêm
và Dinh Thượng Thơ. Đây là những thông tin rất quan trọng để chính quyền cân nhắc
quyết định “số phận” các công trình này.
Nội dung trên các báo cũng rất phong phú: từ việc tổ chức
tuyến bài hồ sơ (như loạt bài về Ba Son của báo Tuổi Trẻ, về Thương xá Tax của
báo Pháp luật TP, về Dinh Thượng Thơ của báo Thanh Niên, chuyên đề về các “điểm
nóng” di sản đô thị có mặt đều đặn trên báo Người Đô Thị... và tin bài của nhiều
báo khác), đến phỏng vấn các chuyên gia về giá trị, ý nghĩa lịch sử văn hóa, kiến
trúc của các công trình, từ những bài tập hợp ý kiến các tầng lớp nhân dân đến
những “giải pháp” bảo tồn của giới nghiên cứu chuyên sâu... Không chỉ phản ánh
ý kiến trực tiếp mà báo chí còn phản ánh
những hoạt động gián tiếp mang ý nghĩa “bảo tồn” như các trang web thu thập ý
kiến của công chúng, việc sưu tầm di vật của Ba Son để xây dựng quán cà phê, biệt
thự, một số nhóm thanh niên đặt hoa trên gốc cây và các nghệ sĩ trình diễn nghệ
thuật mang ý nghĩa “tưởng niệm” hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng - một ký ức đẹp
của thành phố...
Ngoài tin bài chính trên các tờ báo điện tử còn có hàng
ngàn lượt ý kiến (comments) của độc giả bàn luận về vấn đề, có các cuộc thăm dò
do báo tổ chức về phương án đối với di tích (bảo tồn/không bảo tồn/ý kiến khác)
có đến hàng trăm ngàn bình chọn... Những số liệu thống kê nhanh chóng và công
khai đã phản ánh khá toàn diện ý kiến các tầng lớp dân chúng mà đại đa số đồng
thuận việc bảo tồn. Có lẽ sau những đợt “dư luận xã hội” mạnh mẽ về việc bảo tồn
di tích khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long hồi những năm 2000 thì sự phá hủy di
sản đô thị ở trung tâm TP.HCM cũng đã thu hút sự quan tâm rất lớn của công
chúng cả nước. Điều đó không thể không có vai trò tích cực của báo chí và truyền
thông.
Những cuộc “vận động” này ngày càng có kết quả rõ rệt. Từ
việc Thương xá Tax bị phá bỏ để xây công trình mới nhưng phải bảo tồn toàn bộ sảnh,
trang trí gạch mosaic, cầu thang... để tích hợp vào công trình mới, đồng thời
phục dựng mặt tiền xây dựng năm 1924 của Thương xá Tax... đến việc dừng đập bỏ
Dinh Thượng Thơ, cùng lúc ngành quản lý là Sở QHKT đã tổ chức hội thảo khoa học
về Giá trị lịch sử - kiến trúc cần được bảo tồn của công trình này. Đây là những
hành xử hợp lý, kịp thời và thiện ý của chính quyền sau khi tiếp nhận ý kiến của
cộng đồng thông qua nhiều kênh, trong đó rất quan trọng là từ truyền thông, báo
chí.
Ngoài ra, có thể kể đến vài trường hợp khác
như: nhà cổ đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) bị đập bỏ do nhu cầu bức thiết
của gia chủ, qua phản ánh của báo chí cơ quan chuyên ngành cũng đã kịp thời điều
chỉnh và đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu phân loại các biệt thự, nhà cổ trên địa
bàn thành phố, nhằm bảo tồn các công trình có giá trị và cảnh quan biệt thự - một
đặc trưng của đô thị. Qua đó giá trị nhiều mặt của biệt thự cũng được cộng đồng
ý thức hơn.
Hay trường hợp nhỏ là màu sơn của Bưu điện
thành phố. Sau khi thực hiện sơn một phần công trình, nhận được sự phản ứng của
cộng đồng qua báo chí, cơ quan chủ quản đã tích cực tham vấn các nhà nghiên cứu
và đã chỉnh sửa ngay màu sơn, phù hợp với tư liệu lịch sử và “ký ức cộng đồng”.
Công trình trở nên “quen thuộc” hơn, được
người dân và du khách hài lòng.
Một trường hợp “cực kỳ nhạy cảm” là Tu viện
Dòng Mến Thánh giá và nhà thờ Thủ Thiêm đã thuộc diện “giải tỏa” trong quy hoạch
khu đô thị mới Thủ Thiêm. Từ báo chí - khởi đầu là báo Người Đô Thị - với sự
bày tỏ thẳng thắn của các nhà nghiên cứu về lịch sử, tôn giáo, giáo dục... về giá
trị và việc cần thiết phải bảo tồn những công trình này, đến nay “dường như” đã
được chính quyền chấp thuận (**).
Ngoài phản ánh sự kiện, sự việc thì báo chí còn là kênh thông
tin quan trọng “điểm sách” và giới thiệu các tác phẩm văn học về “ký ức đô thị”,
các công trình nghiên cứu, khảo cứu về lịch sử, văn hóa, di sản đô thị Sài Gòn.
Sức lan tỏa của các tác phẩm, công trình này nhờ đó ngày càng sâu rộng trong cộng
đồng, nhất là với giới trẻ.
3.
Từ thực tế của TP. Hồ Chí Minh,
trong công trình nghiên cứu của mình (***), tôi đã nhận thấy có bốn nhân tố
liên quan chặt chẽ đến “bảo tồn di sản đô thị Sài Gòn” là nhà quản lý, nhà
chuyên môn, cộng đồng dân cư và nhà đầu tư. Trong đó, giữ vai trò quan trọng là
cộng đồng và nhà chuyên môn, nhưng vai trò quyết định là nhà quản lý và nhà đầu
tư. Tuy nhiên theo dõi khá đầy đủ thông tin về bảo tồn di sản không thể không
nhận thấy, trên báo chí hầu như rất ít ý kiến hay sự phản hồi của nhà đầu tư (những
tập đoàn đầu tư vào địa ốc, xây dựng hạ tầng đô thị) – nhân tố tác động trực tiếp vào công trình di sản, hoặc
vùng, khu vực, cảnh quan di sản. Thay vào đó là ý kiến của nhà quản lý (Sở
ngành, UBNDTP) “giải thích” sự cần thiết phải “giải tỏa” các di tích để xây dựng
công trình, cơ sở hạ tầng hiện đại và “đô thị mới”. Thậm chí thông tin chính
xác về nhà đầu tư vào khu vực, công trình di tích nào đó cũng ít khi xuất hiện trên
báo chí cho đến khi di tích đã bị “xóa sổ” và ở đó mọc lên công trình mới.
Điều này tạo nên cảm giác tất cả sự lên tiếng của cộng đồng
nói chung, của báo chí nói riêng đều chưa tác động đúng chỗ, thậm chí báo chí còn
né tránh vì “tế nhị, nhạy cảm”... Và tất nhiên vì thế những cố gắng đó đã không
có kết quả mà trường hợp di tích Ba Son là một điển hình.
Một điều hạn chế nữa là, thông tin quy hoạch đô
thị hiện nay mới chỉ có ở website của cơ quan quản lý mà chưa được phổ biến rộng
rãi qua truyền thông, báo chí, nhất là khu vực cảnh quan di sản đô thị. Mặt
khác, việc xếp hạng các công trình di sản đô thị còn khá chậm và chưa toàn diện.
Vì vậy, việc xâm phạm, hủy hoại các công trình mang giá trị di sản vẫn tiếp diễn.
Thực trạng này làm cho thông tin trên báo chí có phần nặng về phản ánh những “việc
đã rồi” tiêu cực trong bảo tồn di sản. Nếu những thông tin của các cơ quan quản lý kịp thời được công khai, minh
bạch trên báo chí thì các nhà chuyên môn và cộng đồng sẽ có tiếng nói sớm hơn, tham
gia cứu vãn và bảo vệ các di tích một cách tích cực hơn.
Có một điều tôi thấy tiếc, đó là các giải thưởng báo chí
hàng năm chưa có giải nào cho tác phẩm về bảo tồn di sản. Điều này cho thấy
lĩnh vực Di sản văn hóa chưa thực sự được coi trọng, công lao và tâm huyết các tờ
báo, nhà báo “đeo bám” mảng đề tài khó khăn này chưa được đánh giá xứng đáng.
Là người thường xuyên cộng tác với báo chí về lĩnh vực bảo
tồn di sản đô thị ở TP.HCM, tôi nhận thấy trong khoảng 5 năm gần đây đã có một
sự “đồng hành” khá mật thiết của báo chí với việc bảo tồn di sản đô thị Sài Gòn
– TP.HCM. Ở những thời điểm “nóng bỏng” tiếng nói của báo chí có tác dụng rất lớn,
vì với chức năng “thông tin” báo chí đã giúp những ý kiến phản biện kịp thời đến
với chính quyền, đồng thời phản hồi của cơ quan chức năng cũng giúp cộng đồng nắm
thông tin tốt hơn. “Dư luận xã hội” qua báo chí và nhờ báo chí, không chỉ là “cảm
xúc” cộng đồng mà còn cả những lý trí bình tĩnh và khoa học.
Qua quá trình này, quan điểm của báo chí và các nhà
nghiên cứu, học giả ngày càng gần nhau hơn, nói cách khác, thực tiễn đa dạng phức
tạp của xã hội và tri thức “hàn lâm” của giới khoa học ngày càng tìm được tiếng
nói chung trong hành trình bảo tồn di sản. Đấy cũng là kinh nghiệm và bài học từ
nhiều nước đã thành công trong việc bảo tồn di sản văn hóa.
Chú thích.
(*)
Truy cập ngày 15.1.2018
(**)
Gần đây đã có thông tin
chính thức trên báo chí.
(***)
“Khảo cổ học đô thị và bảo tồn di sản văn hóa SG – TPHCM” hoàn thành 2017.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét