CHÍNH TRỊ ĐỜI THƯỜNG

 "Chính trị" không là gì xa lạ cao siêu mà là những gì xảy ra hàng ngày, có hoặc ko tác động trực tiếp đến mình. Tuy nhiên không thể không quan tâm, suy nghĩ vì những điều đó là yếu tố góp phần tạo nên môi trường sống hiện tại và tương lai.

Mình nghĩ vậy nên thường quan tâm đến chính trị trong nước vì đó là nơi mình đang sống, con cháu mình sẽ sống.

Có người khác cũng sống trong nước nhưng lại thể hiện sự quan tâm đến chính trị thế giới, như theo dõi sát sao và tranh cãi về cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ chẳng hạn. Điều đó cũng tốt vì "thế giới phẳng" nên các quốc gia đều có ít nhiều quan hệ, liên hệ với nhau.

Tuy nhiên, đừng vì vậy mà cho rằng "quan tâm đến chính trị của đất nước" làm gì, vô ích!

@ Với nhà văn, tác phẩm của họ luôn phản ánh thời đại và bản thân họ. Vì vậy muốn hiểu rõ tác phẩm cần biết về xã hội và môi trường nhà văn trưởng thành, sinh sống. Mặt khác, muốn hay không tác phẩm cũng thể hiện "xu hướng chính trị" (theo nghĩa sự quan tâm về xã hội) của tác giả, cho nên trao đổi với tác giả về suy nghĩ thời cuộc cũng là sự quan tâm đến tương lai văn học nước nhà. Những luận bàn về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một trường hợp như thế

Mình, chỉ là một người ham đọc, nghĩ thế.

(Suy nghĩ vụn sau một cuộc giao lưu giới thiệu sách).

P/S. Cách đây hai năm, khi ấy mình còn hay viết về một số vấn đề thời sự xã hội khi có nơi đặt viết. Có lần nhận được lời nhắn từ một tờ báo mình thường cộng tác: "có nhà văn đàn chị nói rằng: bà Hậu viết lắm thế đọc phát ngán!". Mình hơi ngạc nhiên: Ừ ngán thì đừng đọc, cũng như mình không đọc những gì mình thấy không hợp, bình thường thôi mà! Sao lại phải than phiền với nơi đăng bài 🙂



Ám ảnh Nguyễn Huy Thiệp

 

"Có một dòng sông đã qua đời". Kính tiễn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ông ra đi nhưng tác phẩm của ông sẽ còn mãi được đón nhận và đồng cảm. Trong tôi, Nguyễn Huy Thiệp là một biểu tượng của văn học "hiện thực đổi mới". Dường như một thời đã khép lại cùng với sự ra đi của ông...

Nguyễn Huy Thiệp viết mọi điều thật chân xác mà giản dị, cả trong tác phẩm văn học và trong những trò chuyện về nghề văn. Tôi đọc ông và nhận ra nhiều điều vốn bị/được làm cho phức tạp lòe loẹt, nếu gạt bỏ tất cả chỉ còn trần trụi sự thật thì dù đau đớn đến đâu cũng làm cho cuộc đời dễ sống hơn. Với con người cũng vậy.

Sau thời kỳ của những truyện ngắn mà mỗi truyện có sức mạnh như một pho tiểu thuyết đồ sộ, ông lui về viết những thứ khác. Sự thừa nhận một cách giản dị và đau đớn của ông về những tác phẩm sau làm tôi kính phục ông nhiều hơn! Không nhiều người đã từng là "kép chính" trên sân khấu văn chương biết mình cần phải và dám thừa nhận mình đang lui về hậu trường, như ông.

Cái chết khuấy động cuộc sống của ông một lần cuối... Ông ra đi nhưng vẫn gửi lại chúng ta với một câu hỏi lặng thầm, câu hỏi đã luôn hiện diện trong những tác phẩm của ông.

- Này CON NGƯỜI, có thể đừng ác với nhau như thế, được không...?

P/S. Mình rất thích con người CÁ NHÂN ông qua bài viết này!

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=448&rb=0102



Một bộ phim để lại nhiều suy nghĩ.




Khi làm việc thỉnh thoảng để “giải lao”, mình ghé mắt qua TV xem từng đoạn vài bộ phim ở các kênh TV nước ngoài. Có lần xem một bộ phim kiểu phóng sự về vấn đề “lạm dụng tình dục trẻ em”. Phim đã làm mình phải ngồi xem đến hết. Không rõ tựa phim là gì, nhưng phim là một câu chuyện thật, các nhân vật cũng là người thật ngoài đời.
Bằng những lời kể của bà mẹ, cô gái, các nhân chứng, tư liệu hình ảnh, video gia đình, báo chí, tài liệu của cảnh sát, tòa án, bình luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tư liệu về hoạt động nghệ thuật của bà mẹ và ông chồng hờ... Bộ phim dựng lại câu chuyện về gia đình một nữ diễn viên điện ảnh khá nổi tiếng, bà có những đứa con nuôi là người Mỹ da trắng, da đen, gốc Hàn, gốc Hoa... Bà yêu thương, tôn trọng và chăm sóc tất cả các con nuôi như nhau, không hề có sự phân biệt. Bạn trai của bà là một đạo diễn điện ảnh rất nổi tiếng, thỉnh thoảng sống cùng bà và những đứa con nuôi. Bọn trẻ đều coi ông như cha.
Chuyện xảy ra khi bà tình cờ phát hiện ông có quan hệ với cô con gái nuôi người Hàn, lúc đó học gần xong trung học. Khi bị phát hiện cô gái chỉ khóc lóc, còn ông bồ thì chối bay, thề thốt sẽ không để xảy ra nữa. Nhưng rồi họ vẫn lén lút với nhau. Cô gái bỏ nhà ra đi. Bà mẹ đành nhờ toà án ra lệnh hạn chế ông bồ / chồng – đến gặp các con của mình. Bà vẫn tin ông sẽ ko tái phạm. Nhưng rồi sau đó bà phát hiện ông có những hành vi lạm dụng và cuối cùng là việc cưỡng bức cô con gái 7 tuổi... Bà đã chia tay với ông bồ để bảo vệ các con cả trai và gái khỏi bị tổn thương thể xác và tâm lý. Thậm chí phải bỏ cả sự nghiệp nghệ thuật vì không thể chịu sức ép từ đồng nghiệp, báo chí và dư luận khi bà tố cáo “chồng”. Sau đó ông bồ nhanh chóng cưới cô con gái nuôi người Hàn và vẫn tiếp tục nổi tiếng.
Tuy nhiên cô con gái lúc 7 tuổi bị cưỡng bức thì bị chấn thương tâm lý rất lâu, cô ko thể có bạn trai, và khi tìm được một người phù hợp thì thời gian hai người yêu nhau cô vẫn bị ám ảnh chuyện hồi nhỏ và ko thể sống bình thường. Phim kể về sự khó khăn nhưng vô cùng dũng cảm của cô gái khi nhiều năm sau cô mới quyết định tố cáo hành vi của người bố nuôi: “bạn thích xem phim nào của ông X? Bạn có muốn xem nữa không nếu con gái nhỏ của bạn bị ông ta cưỡng bức như đã nhiều lần lạm dụng và đã cưỡng bức tôi khi tôi còn nhỏ?”. Nhưng trong gia đình có một người con nuôi gốc Hoa – anh cô gái – nói rằng cô nói dối, rằng việc đó do cô tưởng tượng ra, rằng hồi nhỏ lũ trẻ luôn bị mẹ bạo hành tinh thần và thể xác...
Những người anh, chị em khác đã dũng cảm ủng hộ cô và nói lên sự thật, dù họ biết rằng, nếu “bảo vệ” bố nuôi họ sẽ có lợi về vật chất, về tiếng tăm. Còn bà mẹ - dù bà thú nhận là vẫn sợ ông bồ, một sự sợ hãi mà bà không giải thích được vì sao - cũng nói với cô gái: “nếu con ko nói gì thì mẹ rất hiểu vì sao, nhưng nếu con quyết định nói ra sự thật thì mẹ luôn bên con”. Gia đình mẹ và các anh chị em, chồng cô, là chỗ dựa cho cô gái vững vàng hơn trong hành trình dài để có thể nói lên sự thật. Hành trình ấy bắt đầu được xã hội chú ý và ủng hộ nhất là khi phong trào ME TOO bùng ra ở Hollywood.
Phim không chỉ dựng lại câu chuyện của một gia đình mà còn phản ánh quá trình nhận thức của xã hội về thực trạng phụ nữ bị lạm dụng tình dục. Sự thay đổi ý thức xã hội từ việc công chúng luôn bênh vực nam giới/người nổi tiếng, cho rằng họ không bao giờ phạm tội, rằng người khác vu oan và muốn kiếm chác từ việc dựng chuyện cho người nổi tiếng. Phụ nữ, những người bình thường luôn là kẻ yếu thế trong xã hội, không được dư luận, truyền thông và cả pháp luật xem xét một cách công bằng.
Trong phim còn đặt ra vấn đề: Đạo đức của nghệ sĩ có quan hệ thế nào với tác phẩm/sản phẩm của họ? Và đâu là giới hạn sự vô đạo đức của nghệ sĩ? Nhiều nghệ sĩ và dư luận vẫn bênh vực những ngôi sao mạc dù họ phạm tội, nhất là các “thần tượng” của công chúng. Nhưng cũng đã có những nghệ sĩ tỏ rõ thái độ không chấp nhận, không cộng tác cùng, ngay cả khi người phạm tội không bị pháp luật trừng trị. Cuối phim đưa ra thông tin: ông đạo diễn nổi tiếng kia vẫn sống với cô vợ người Hàn, họ luôn từ chối không trả lời phỏng vấn về chuyện bị tố cáo. Nhưng phim của ông không được phép chiếu ở Mỹ dù chiếu ở nước ngoài rất thành công.
Một số vấn đề xã hội khác cũng rất hay: Cô gái nói chuyện với vị thẩm phán để tìm hiểu sự thật từ phía tòa án, vì sao khi xưa ông khép lại vụ án? Đó là vì muốn bảo vệ cô trước sự độc ác của dư luận vì cô còn quá nhỏ, khi mà chưa thể trừng trị kẻ phạm tội. Một quan điểm nhân văn khi giải quyết một vụ án liên quan đến tình dục và trẻ vị thành niên. Và khi cô lớn lên, đủ nhận thức và biết tự bảo vệ mình, pháp luật sẽ giúp cô đưa sự thật ra ánh sáng.
Vì sao hai người con nuôi gốc Á (Hàn, Hoa) “phản” mẹ? Với người châu Á, cha nuôi – trong trường hợp này như cha dượng - với con gái nuôi cũng là cha con, nên việc lạm dụng, cưỡng bức con gái nuôi hay con gái lấy cha dượng đều là loạn luân. Phải chăng chính vì mặc cảm “không phải là người Mỹ” nên dù được mẹ nuôi người Mỹ yêu thương và đối xử tử tế, thì ẩn ức “thấp kém” làm cho họ phải “trả thù” làm mẹ và các anh chị em khác phải đau khổ, gia đình thực sự bất ổn.
Sự sợ hãi của bà mẹ với ông chồng hờ là sự sợ hãi vô thức đối với kẻ có quyền hành, có thể chi phối về tinh thần, cụ thể là “sức mạnh” của một ông đạo diễn tài năng, nổi tiếng đối với một nữ diễn viên dù cũng rất có tài? Nhưng bà đã dũng cảm từ bỏ ông ta, tuy chưa đủ sức mạnh để đưa ông ra tòa, bảo vệ danh dự cho chính mình và cho con gái. Sợ hãi kẻ có quyền hành là nỗi sợ của rất nhiều người, nhất là khi người đó có dư luận và cả một hệ thống truyền thông ủng hộ.
Kẻ phạm tội không bị trừng trị, nhưng quan trọng là nạn nhân đã dám đối diện với nỗi đau tinh thần không thể quên, và đã lên tiếng. Xã hội sẽ bớt đi những điều xấu xa không chỉ vì không còn kẻ bất nhân mà vì những người tốt đã không im lặng và cùng nhau phản kháng.
Và cuối cùng, bộ phim chính là quá trình đưa kẻ phạm tội ra trước sự phán xét của người xem.
17.3.2021

GIỮ LỄ BẮT ĐẦU CỦA ĐẠO LÀM NGƯỜI

 1. Sao bây giờ người lớn thì ăn nói cộc lốc, trẻ con toàn ăn nói trống không thế nhỉ? Chắc có nhiều lần bạn và tôi đã phải thốt lên câu hỏi đó, khi chứng kiến hay chính ta là đối tượng của những câu cộc lốc trống không ấy. Khi nghe những kiểu ăn nói như vậy chính ta thấy mắc cỡ nhưng hình như người nói  thì không có cảm giác đó. Mà chẳng cứ với người ngoài, trong nhiều gia đình con cái nói năng với cha mẹ ông bà cũng y như vậy!

Trên thế giới “ảo” thì sao? Tôi vẫn thường liên hệ với sinh viên qua email hoặc qua facebook. Những trao đổi đầu tiên của các em bao giờ cũng làm tôi phải nhắc nhở: nói với thầy cô dù trên mạng cũng phải thưa gửi đàng hoàng, cũng phải có chủ ngữ chứ?! Tôi biết các em chỉ vô ý vô tứ, nhưng vì sao những thanh niên sắp vào đời rồi mà ngôn từ còn chưa có sự lễ phép tối thiểu như thế?

Còn trên các phương tiện truyền thông? Nhan nhản những câu nói cách gọi xếch mé về một người nào đó, nhất là với người đang lâm vào tình trạng không may; đặc biệt khi tranh luận về một vấn đề thì thôi rồi, ngôn từ nói với nhau, nói về nhau thật là kinh khủng! Hình như bao nhiêu năng lượng không thể trút vào nhau bằng vũ lực thì người ta trút vào nhau bằng những từ ngữ nhục mạ nặng nề.

Bắt đầu những việc dẫn đến bạo lực bao giờ cũng là màn đôi co cãi cọ, lớn tiếng rồi chửi bới xúc phạm nhau. Dường như người ta không có đủ ngôn từ để giải thích mọi việc một cách từ tốn rõ ràng?  Dường như người ta cho rằng ngôn từ không thể giải quyết sự việc một cách êm đẹp?

Thực trạng này bắt đầu từ đâu, và khi nào?

2. Trẻ đến trường mỗi ngày nhìn thấy đầu tiên là dòng chữ “Tiên học lễ hậu học văn”, nhưng Lễ là gì và có thực sự được dạy trước khi học những kiến thức văn hóa? Thử hỏi có thầy cô nào đến trường được dành toàn tâm toàn ý cho chuyên môn mà không phải làm thêm đủ thứ việc từ “nhồi nhét” cho học sinh đến “bồi dưỡng” cho chính mình. Phụ huynh thì tâm lý “Trăm sự nhờ thầy cô” nên rồi trăm “tội” cũng đổ lên đầu thầy cô.

Trong gia đình bây giờ, nhất là ở các đô thị, một ngày cha mẹ gần con được bao lâu? Sáng tất bật đánh thức cho ăn rồi đưa con đi học, chiều vội vàng đón cho ăn lại đưa đi học thêm, hoặc về nhà thì cũng không còn thời gian trò chuyện. Ngay trong bữa cơm con cái vẫn “cắm mặt” vào ipad vào điện thoại… nhiều khi bố hỏi mẹ nói cũng không nghe hoặc trả lời chiếu lệ. Có khách đến nhà thì vội vàng tránh vào phòng riêng để khỏi phải thưa gửi, cha mẹ thấy vậy cũng kệ, “cho nó thoải mái”. Ngoài đường thì bất cứ một nguyên cớ nhỏ nào cũng có thể dẫn đến việc chửi bới rồi ẩu đả. Người ta không thể nói với nhau một cách ôn hòa bình tĩnh mà chỉ có thể đôi co cự cãi rồi lớn tiếng nhục mạ nhau.

Ông bà mình đã dạy phải “học ăn học nói”, nhưng người ta chỉ lo cho con cái ăn ngon mà chưa lo dạy chúng nói đẹp. “Khởi đầu là Lời” vậy mà lời nói không được quý trọng, không được dạy dỗ tử tế từ tuổi thơ. Khi chào hỏi dạ thưa, cám ơn xin lỗi không được coi là “lễ” thì sự vô lễ trở nên phổ biến. Lúc đó muốn có LỄ cũng đã muộn! Lời nói vô lễ, cư xử vô lễ… là hậu quả của một thời gian dài không coi trọng lễ, bởi cách hiểu thô thiển “lễ là phong kiến”, bởi cho rằng ăn nói lịch sự là kiểu “tư sản”. Người ta vô lễ vì không biết ai hơn mình, vì không biết mình kém người, vì dốt mà tưởng mình giỏi. Sự vô lễ làm đảo lộn các giá trị, vô lễ thì sẽ bất nghĩa.

Khi xã hội nhan nhản sự vô lễ và bất nghĩa, “tiên học lễ” trong nhà trường có giá trị gì ngoài ý nghĩa như những câu khẩu hiệu khác đầy trên đường phố, mà như một quy luật của tâm lý, xã hội càng nói nhiều về điều gì càng chứng tỏ đang thiếu vắng điều đó. Sự “ăn nói” không được coi trọng bắt nguồn từ lối sống thực dụng và cách giáo dục nặng nề lý thuyết cao siêu đạo đức trống rỗng nhưng lại xem nhẹ việc dạy thái độ, hành xử lễ nghĩa hàng ngày.

Loài người trải qua hàng triệu năm để hoàn thiện ngôn ngữ. Lời nói thay thế “sức mạnh cơ bắp” để con người có thể sống hòa bình với nhau. Khi lời nói không được coi trọng thì bạo lực là cách người ta bày tỏ thái độ hành xử với nhau.

3. Dạy trẻ “học ăn học nói” bắt đầu từ lời ăn tiếng nói của cha mẹ, nhưng nuôi dưỡng chữ “Lễ” cho con trẻ thì ngoài sự gương mẫu của người lớn còn cần tri thức của nhân loại, của dân tộc qua hàng trăm hàng ngàn năm được đúc kết, truyền đạt qua sách vở. Dạy con có thói quen đọc sách, cùng con đọc sách hàng ngày là một trong những cách thức quan trọng để dạy con giữ Lễ.

Mỗi ngày đều được nghe đọc những câu chuyện hay những cuốn sách bổ ích, trẻ sẽ sớm biết được rằng từ ngữ trong sách vở phản ánh lời nói hàng ngày, ngôn ngữ của trẻ sẽ phong phú và chính xác hơn. Một cuốn cẩm nang về cách đọc nhận xét: “Mỗi lần trẻ nghe đọc, một thông điệp thú vị được truyền đến não chúng. Thậm chí có thể gọi đó là một cách quảng cáo giúp trẻ liên tưởng đến những điều thích thú khi nhìn thấy sách báo”. Nhiều bậc cha mẹ đã nhận thấy, khi con trẻ ham thích theo dõi câu chuyên cha mẹ đọc cho nghe thì chúng càng muốn “tự đọc” nhanh hơn, và nhiều trẻ còn muốn tự mình viết ra những câu chuyện. Việc học chữ của trẻ vì vậy trở nên nhẹ nhàng và đầy hứng thú.

Đồng thời, khi đọc sách cùng trẻ, sự trao đổi, đối thoại với trẻ còn giúp các bậc phụ huynh khám phá ra nhiều điều thú vị, đó là sự cảm nhận thế giới tự nhiên một cách trong sáng và bất ngờ của trẻ, sự hồn nhiên và lòng tốt một cách bản năng của trẻ đối với những vấn đề xã hội giúp người lớn nhìn lại mình và sống tốt hơn. Giúp con đọc sách không chỉ để trẻ khám phá thế giới xung quanh mà còn làm cho trẻ khám phá ra chính mình: sở thích, khả năng, xu hướng… Qua đó cha mẹ hiểu con em mình hơn sẽ ứng xử phù hợp hơn.

Ngoài việc tăng cường tình cảm trong gia đình thì việc “đọc sách cùng con” còn mang lại một điều quan trọng: thiết lập và củng cố mối liên hệ gần gũi, gắn bó một cách “bình đẳng” giữa người lớn và trẻ nhỏ, bởi vì ta có thể “áp đặt” cho trẻ những gì ta biết từ kinh nghiệm từ sự từng trải, nhưng trong thế giới biến đổi từng giờ với vô vàn kiến thức mới thì ta và trẻ phải cùng khám phá, tự học, hay là học lại, và đôi khi, chính chúng ta cũng học được nhiều điều từ trẻ. Qua đó, Lễ Nghĩa của người lớn cũng luôn được nhắc nhở và điều chỉnh trong hành vi, ngôn ngữ hàng ngày.

Việc đọc sách phải được hình thành từ thời thơ ấu, nhưng là do người lớn tạo ra và khuyến khích con trẻ.Tiếp nhận những gì từ sách vở nói cho cùng là việc học LÀM NGƯỜI. Nếu văn hoá đọc “xuống cấp” thì trước hết, người lớn phải tự trách mình. Giữ Lễ phải bắt đầu và duy trì cả từ gia đình và xã hội. Gia đình là cơ sở nhưng xã hội là điều kiện để duy trì hay phá hủy Đạo học Đạo người.

Nguyễn Thị Hậu - Báo Nông nghiệp VN số tân niên 2.2021




'Siêu nhân' có thật

 Lướt qua bản tin hàng ngày đang "nóng" về chuyện giải cứu rau quả Hải Dương, về số ca nhiễm Covid, về việc khó khăn khi dạy online do học sinh chưa thể đến trường... Giữa những bề bộn "bình thường mới" ấy, chuyện chàng trai Nguyễn Ngọc Mạnh cứu được cháu bé rơi từ tầng 12 của một chung cư làm trái tim tôi chựng lại trong giây lát, rồi tràn lên một cảm xúc khó nói thành lời.

Cảm giác đầu tiên là giật mình: Trời, nếu đó là con, cháu mình thì sao? Và liền đó là sự khâm phục: May quá nhờ có Mạnh! Mà sao anh ấy nhanh trí và dũng cảm như vậy?

Đã có lúc chúng ta chứng kiến ngoài đường phố, trên mạng xã hội nhiều sự việc, tai nạn chỉ do một giây bất cẩn, hay một vụ đánh nhau từ nguyên nhân nào đó... 

Thế nhưng điều chúng ta thường nhìn thấy là gì? Đó là sự chậm trễ cứu giúp người bị tai nạn, có thể do bất ngờ và nhiều người chưa có kỹ năng ứng xử trong trường hợp khẩn cấp, nhưng vẫn có sự lảng tránh vì ngại "tai bay vạ gió", việc gọi xe cấp cứu hay báo cho người có chức trách cũng không được thực hiện ngay…

Ngược lại điều chúng ta thường thấy là đám đông xúm xít chỉ chỏ bàn tán, thậm chí có những chiếc điện thoại đã vội vã giơ lên, cố quay lại sự việc và sau đó "phát sóng" trên mạng xã hội. Người bị nạn bất lực chịu đựng và chắc hẳn, sự oán trách, giận dữ của họ không chỉ đối với người gây ra tai nạn, mà còn hướng đến cả đám đông vô tình xung quanh. Thử hỏi có mấy người gặp phải thái độ thờ ơ như vậy sẽ cứu giúp người khác lúc khó khăn?

Chính vì vậy, sự nhanh trí và hành động quyết liệt của Nguyễn Ngọc Mạnh đã mang lại cho nhiều người một nguồn năng lượng thật tích cực. 

Chúng ta nhận ra vẫn có người tốt xung quanh mình, họ là những người bình thường, giản dị mà có thể ta gặp trên đường phố hay nơi nào đó. 

Việc làm của Mạnh cho thấy trong mỗi người đều ẩn chứa lòng tốt, sự trắc ẩn và xả thân cứu giúp đồng loại. 

Những việc làm tốt thường bình dị nhưng lại đòi hỏi sự quên mình. Chỉ một tích tắc lưỡng lự, chần chừ hay thờ ơ, tính toán, hậu quả khó lường sẽ xảy ra. Vượt qua được tích tắc ấy là nhờ tia sáng thiện tâm lóe lên, dẫn dắt con người kịp thời hành động.

Cuộc sống luôn có những bất trắc, nên con người luôn coi tấm gương quên mình như những "siêu nhân" bất ngờ xuất hiện mang lại điều lành. "Siêu nhân" chính là lòng tốt và sự dũng cảm của con người được nhân lên nhiều lần và sẵn sàng vì người khác. Nhờ những người như vậy mới có những em nhỏ được cứu sống, người chết đuối được hồi sinh, kẻ yếu thế thoát khỏi sự truy bức của bọn côn đồ...

Tuy nhiên, lòng trắc ẩn, lòng tốt "bản năng" rất dễ bị tổn thương do những va chạm trong đời sống, càng nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội thì "bản năng gốc" tốt đẹp càng "ẩn trốn" kỹ hơn trong sâu thẳm của tâm thức... nếu không được ủng hộ và nuôi dưỡng thì con người khó có thể bộc lộ những hành xử tốt. 

Câu chuyện về sự quên mình của "người hùng" Nguyễn Ngọc Mạnh - "một việc làm bình thường" như anh nói - đã nhanh chóng được lan truyền với sự cảm phục của cộng đồng, mang lại một cơ hội "kích hoạt" lòng nhân ái trong mỗi chúng ta.

https://tuoitre.vn/sieu-nhan-co-that-20210302103042999.htm 




KHÔNG GIAN CÔNG CỘNG – ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA CỦA MỘT THÀNH PHỐ

  

Trong làng xã hay đô thị cổ xưa nước ta, không gian công cộng thường là khuôn viên của các công trình tôn giáo, tín ngưỡng hoặc chợ làng... Nơi đó cộng đồng sinh hoạt chung, giao lưu văn hóa, trao đổi hàng hóa. Tuy không nhiều, năm đôi ba lần lễ hội vào dịp nông nhàn hay tết nguyên đán... nhưng “không gian công cộng” luôn tồn tại trong mọi cộng đồng, mọi thời đại vì đó chính là nơi thể hiện bản sắc đặc trưng văn hóa của cộng đồng, của địa phương.

Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, nhiều đô thị được hình thành và quy hoạch xây dựng theo kiểu phương Tây, không gian công cộng nhiều hơn và đa dạng hơn. Đó là những “không gian mở” như là đường phố, công viên, quảng trường và các công trình công cộng khác, nơi mà ở đó tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận bất luận địa vị xã hội hay điều kiện kinh tế, và quyền này được hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Không gian công cộng nối liền xã hội và nhà nước, vai trò của chính quyền là điều hành và quản lý những hoạt động kinh tế - văn hóa tại đây, còn vai trò của cộng đồng là tổ chức và thực hiện những hoạt động ấy. Vì vậy các không gian công cộng được quy hoạch và thiết kế sao cho chức năng của nó tương ứng với điều kiện xã hội và nhu cầu của cộng đồng.

***

1. Khu vực quận I TP. Hồ Chí Minh nơi đã sớm được quy hoạch và xây dựng theo kiểu đô thị phương Tây từ giữa thế kỷ 19, vì vậy nơi đây có nhiều “không gian công cộng” quan trọng nhất của đô thị Sài Gòn. Nhưng trong quá trình hiện đại hóa khu vực này đã có sự biến đổi mặc dù nhu cầu về không gian công cộng của cư dân thành phố ngày càng cấp thiết.

Đường Nguyễn Huệ từ khi được hình thành đến nay luôn là trung tâm của không gian văn hóa công cộng quan trọng nhất này. Hiện nay khu vực tượng đài Hồ Chủ tịch trước Ủy ban Nhân dân có thể coi là “không gian thiêng”, còn lại toàn bộ con đường cần được tổ chức thành những khu vực sinh hoạt của cộng đồng thể hiện văn hóa đa dạng của TP. Hồ Chí MinhChúng ta đã quen thuộc mỗi khi Tết đến Xuân về, “đường hoa phố sách” được tổ chức trong không gian hiện đại nơi đây. Nhưng chưa đủ, đường Nguyễn Huệ cần phải tổ chức thêm nhiều hoạt động khác. Thử hình dung trên con đường này một bên là những trung tâm thương mại, cửa hàng, quán cà phê với hàng bàn ghế dưới những chiếc dù nhiều màu rực rỡ mời gọi mang lại cảm giác bình yên cho khách dạo chơi. Bên kia là “liên hiệp quốc” về ẩm thực: những gánh hàng rong, xe đẩy sạch sẽ, thơm ngon, quyến rũ du khách bởi những món ăn đặc trưng của Sài Gòn và nhiều vùng miền khác. Khắp nơi là những chiếc ghế băng đặt dưới bóng cây xanh, những bồn cây lát đá thành nơi nghỉ chân. Mọi người, nếu không ăn uống mua sắm thì vẫn có thể đến đây ngồi chơi, đón cơn gió mát từ sông Sài Gòn, ngắm cảnh, nghe nhạc, trò chuyện… Sự thân thiện của không gian công cộng này chắc chắn trở thành điểm đến đầu tiên của du khách.

Hơn thế nữa, đường Nguyễn Huệ cần thiết lập một không gian nghệ thuật dành cho những “nghệ sĩ đường phố”: họa sĩ ký họa chân dung, phong cảnh, nghệ sĩ xiếc hay ảo thuật, biểu diễn âm nhạc thính phòng hoặc nhạc truyền thống, là nơi khiêu vũ tập thể vào những buổi tối đẹp trời… Và có những dịp đường Nguyễn Huệ trở thành một sân khấu khổng lồ của cải lương, hát bội, đờn ca tài tử Nam bộ, hoặc là  “chiếu chèo sân đình”, “làng quan họ Kinh Bắc” hay “không gian cồng chiêng Tây Nguyên”… Thậm chí con đường trung tâm thành phố có thể trở thành “bãi biển nhân tạo đầy cát trắng và lộng gió từ sông Sài Gòn, có sân bóng chuyền bãi biển cho thanh thiếu niên vui chơi, như nhiều thành phố châu Âu từng thực hiện tại quảng trường Tòa thị chính vào mùa hè. Điều này tạo nên hình ảnh gần gũi và thân thiện của chính quyền, mang lại sự thiện cảm từ người dân, vì cả công trình kiến trúc đại diện cho chính quyền và không gian công cộng thực sự là của cộng đồng.

Khi con đường Nguyễn Huệ được tổ chức những hoạt động như vậy sẽ mang lại nhiều lợi ích: thứ nhất là lợi ích kinh tế vì có thể thu thuế, phí của việc buôn bán hay biểu diễn hàng ngày hoặc định kỳ vào cuối tuần, bên cạnh nhiều hoạt động không thể tính phí, vé (ví dụ: không thể bán vé để đi vào không gian này, không thu phí những hoạt động chính trị, xã hội hoặc sinh hoạt khác không thường xuyên…); thứ hai, thu hút đông đảo dân cư và du khách đến tham gia sinh hoạt nơi đây, góp phần thể hiện và quảng bá văn hóa đặc sắc của thành phố; thứ ba, cộng đồng được thụ hưởng cả giá trị vật chất và tinh thần của không gian văn hóa này, ý thức trách nhiệm cao hơn khi nhận thức được “thành phố là của chúng ta, là của chính mình”.

 2. Tại khu vực trung tâm thành phố, vỉa hè là không gian công cộng nhiều chức năng. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đô thị đã chỉ ra, vỉa hè không chỉ “dành cho người đi bộ”. Nó là một bộ phận của cơ sở hạ tầng, vừa có chức năng kỹ thuật (phân định và ngăn cách lòng đường và nhà trên đường, trồng cây xanh, cột điện, nhà chờ xe bus hoặc một số chức năng khác…) vừa có chức năng “kinh tế vỉa hè”, đồng thời sinh hoạt của cộng đồng trên vỉa hè là một đặc trưngvăn hóa của  các đô thị lớn. Do đó vỉa hè là tài sản công cộng cần được nhà quản lý điều hành và phân bố sao cho việc sử dụng phù hợp từng khu vực và quyền lợi của các nhóm cộng đồng ở đô thị. Đây là không gian công cộng luôn diễn ra những giao tiếp sinh động và linh hoạt; du khách hay người đi đường cảm nhận được sự hấp dẫn từ các cửa hàng trưng bày sản phẩm đa dạng, sự mua bán nhộn nhịp và nhiều sinh hoạt khác. Không gian giao tiếp vỉa hè từ lâu đã trở nên quen thuộc với người Việt Nam và cả khách quốc tế; nó góp phần đa dạng hóa chức năng các không gian công cộng ở đô thị, tăng cường sự gắn kết những con người thuộc các nhóm cộng đồng khác nhau.

Trên các trục Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi trước đây có nhiều hoạt động giao tiếp phong phú và đa dạng. Từ hơn một thế kỷ nay nơi này đã sớm hình thành lối sống đô thị với kinh tế thương mại dịch vụ mở và đa dạng, phục vụ mọi nhu cầu của cư dân đô thị, khách du lịch, khách vãng lai… Trong đó những cửa hàng “mặt tiền”, vỉa hè có mái che, con đường rộng rãi nhiều làn đường cho các loại xe đã trở thành một thể “thống nhất”, tạo ra không gian công cộng của nhiều tầng lớp dân cư. Tuy nhiên ngày nay những sinh hoạt này đang mất dần do việc “hiện đại hóa” cảnh quan đường phố đã làm mất đi sự thân thiện với con người, với môi trường.

Trong một phạm vi bị giới hạn về không gian của đô thị, chia sẻ không gian công cộng đa chức năng như vỉa hè là một bài toán không khó giải, nếu nhà quản lý thực sự lưu tâm đến quyền lợi chung của đô thị và quyền lợi riêng của từng cộng đồng. Lo cho người đi bộ thì cũng cần lo chỗ để xe, giữ xe cho người đi xe máy, bởi vì đô thị là của tất cả những người đang góp phần làm nên sức sống của nó, trong đó có những người lấy vỉa hè làm nơi buôn bán kiếm sống. Một trong những biện pháp mà nhiều nơi trên thế giới đã thực hiện là tổ chức cho vỉa hè trật tự và sử dụng hết chức năng của nó để mang lại lợi ích cho xã hội. Có lẽ không một nhà nước nào có thể đảm bảo việc làm cho tất cả người dân, vì vậy cần tạo điều kiện và có những luật lệ phù hợp cho người dân kiếm sống trong hoàn cảnh cho phép. Vỉa hè đô thị - đặc biệt ở khu vực trung tâm - chính là một trong những điều kiện ấy.

***

Không gian công cộng không chỉ dành cho du lịch, mua sắm, nghỉ ngơi mà còn là không gian của kinh tế - văn hóa đặc trưng của đô thị, nó cần được chia sẻ về “lợi ích” vật chất và tinh thần, từ đó đóng góp của cộng đồng lại làm giàu có hơn “vốn xã hội” của không gian công cộng. Khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh tập trung nhiều công trình và cảnh quan được xây dựng từ khi đô thị Sài Gòn mới hình thành và phát triển, ẩn chứa biết bao câu chuyện về lịch sử và con người thành phố. Trong cơn lốc “hiện đại hóa” sự biến đổi kiến trúc và cảnh quan tại đây làm thay đổi không gian giao tiếp độc đáo và đặc trưng của đô thị Sài Gòn. Không gian công cộng là nơi thể hiện bản sắc văn hóa và trình độ văn minh của thành phố, khi mà chính quyền có những giải pháp sử dụng chúng hướng đến lợi ích của cộng đồng  một cách khoa học, nhân văn và bền vững.

 


 

 

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...