GIỮ LỄ BẮT ĐẦU CỦA ĐẠO LÀM NGƯỜI

 1. Sao bây giờ người lớn thì ăn nói cộc lốc, trẻ con toàn ăn nói trống không thế nhỉ? Chắc có nhiều lần bạn và tôi đã phải thốt lên câu hỏi đó, khi chứng kiến hay chính ta là đối tượng của những câu cộc lốc trống không ấy. Khi nghe những kiểu ăn nói như vậy chính ta thấy mắc cỡ nhưng hình như người nói  thì không có cảm giác đó. Mà chẳng cứ với người ngoài, trong nhiều gia đình con cái nói năng với cha mẹ ông bà cũng y như vậy!

Trên thế giới “ảo” thì sao? Tôi vẫn thường liên hệ với sinh viên qua email hoặc qua facebook. Những trao đổi đầu tiên của các em bao giờ cũng làm tôi phải nhắc nhở: nói với thầy cô dù trên mạng cũng phải thưa gửi đàng hoàng, cũng phải có chủ ngữ chứ?! Tôi biết các em chỉ vô ý vô tứ, nhưng vì sao những thanh niên sắp vào đời rồi mà ngôn từ còn chưa có sự lễ phép tối thiểu như thế?

Còn trên các phương tiện truyền thông? Nhan nhản những câu nói cách gọi xếch mé về một người nào đó, nhất là với người đang lâm vào tình trạng không may; đặc biệt khi tranh luận về một vấn đề thì thôi rồi, ngôn từ nói với nhau, nói về nhau thật là kinh khủng! Hình như bao nhiêu năng lượng không thể trút vào nhau bằng vũ lực thì người ta trút vào nhau bằng những từ ngữ nhục mạ nặng nề.

Bắt đầu những việc dẫn đến bạo lực bao giờ cũng là màn đôi co cãi cọ, lớn tiếng rồi chửi bới xúc phạm nhau. Dường như người ta không có đủ ngôn từ để giải thích mọi việc một cách từ tốn rõ ràng?  Dường như người ta cho rằng ngôn từ không thể giải quyết sự việc một cách êm đẹp?

Thực trạng này bắt đầu từ đâu, và khi nào?

2. Trẻ đến trường mỗi ngày nhìn thấy đầu tiên là dòng chữ “Tiên học lễ hậu học văn”, nhưng Lễ là gì và có thực sự được dạy trước khi học những kiến thức văn hóa? Thử hỏi có thầy cô nào đến trường được dành toàn tâm toàn ý cho chuyên môn mà không phải làm thêm đủ thứ việc từ “nhồi nhét” cho học sinh đến “bồi dưỡng” cho chính mình. Phụ huynh thì tâm lý “Trăm sự nhờ thầy cô” nên rồi trăm “tội” cũng đổ lên đầu thầy cô.

Trong gia đình bây giờ, nhất là ở các đô thị, một ngày cha mẹ gần con được bao lâu? Sáng tất bật đánh thức cho ăn rồi đưa con đi học, chiều vội vàng đón cho ăn lại đưa đi học thêm, hoặc về nhà thì cũng không còn thời gian trò chuyện. Ngay trong bữa cơm con cái vẫn “cắm mặt” vào ipad vào điện thoại… nhiều khi bố hỏi mẹ nói cũng không nghe hoặc trả lời chiếu lệ. Có khách đến nhà thì vội vàng tránh vào phòng riêng để khỏi phải thưa gửi, cha mẹ thấy vậy cũng kệ, “cho nó thoải mái”. Ngoài đường thì bất cứ một nguyên cớ nhỏ nào cũng có thể dẫn đến việc chửi bới rồi ẩu đả. Người ta không thể nói với nhau một cách ôn hòa bình tĩnh mà chỉ có thể đôi co cự cãi rồi lớn tiếng nhục mạ nhau.

Ông bà mình đã dạy phải “học ăn học nói”, nhưng người ta chỉ lo cho con cái ăn ngon mà chưa lo dạy chúng nói đẹp. “Khởi đầu là Lời” vậy mà lời nói không được quý trọng, không được dạy dỗ tử tế từ tuổi thơ. Khi chào hỏi dạ thưa, cám ơn xin lỗi không được coi là “lễ” thì sự vô lễ trở nên phổ biến. Lúc đó muốn có LỄ cũng đã muộn! Lời nói vô lễ, cư xử vô lễ… là hậu quả của một thời gian dài không coi trọng lễ, bởi cách hiểu thô thiển “lễ là phong kiến”, bởi cho rằng ăn nói lịch sự là kiểu “tư sản”. Người ta vô lễ vì không biết ai hơn mình, vì không biết mình kém người, vì dốt mà tưởng mình giỏi. Sự vô lễ làm đảo lộn các giá trị, vô lễ thì sẽ bất nghĩa.

Khi xã hội nhan nhản sự vô lễ và bất nghĩa, “tiên học lễ” trong nhà trường có giá trị gì ngoài ý nghĩa như những câu khẩu hiệu khác đầy trên đường phố, mà như một quy luật của tâm lý, xã hội càng nói nhiều về điều gì càng chứng tỏ đang thiếu vắng điều đó. Sự “ăn nói” không được coi trọng bắt nguồn từ lối sống thực dụng và cách giáo dục nặng nề lý thuyết cao siêu đạo đức trống rỗng nhưng lại xem nhẹ việc dạy thái độ, hành xử lễ nghĩa hàng ngày.

Loài người trải qua hàng triệu năm để hoàn thiện ngôn ngữ. Lời nói thay thế “sức mạnh cơ bắp” để con người có thể sống hòa bình với nhau. Khi lời nói không được coi trọng thì bạo lực là cách người ta bày tỏ thái độ hành xử với nhau.

3. Dạy trẻ “học ăn học nói” bắt đầu từ lời ăn tiếng nói của cha mẹ, nhưng nuôi dưỡng chữ “Lễ” cho con trẻ thì ngoài sự gương mẫu của người lớn còn cần tri thức của nhân loại, của dân tộc qua hàng trăm hàng ngàn năm được đúc kết, truyền đạt qua sách vở. Dạy con có thói quen đọc sách, cùng con đọc sách hàng ngày là một trong những cách thức quan trọng để dạy con giữ Lễ.

Mỗi ngày đều được nghe đọc những câu chuyện hay những cuốn sách bổ ích, trẻ sẽ sớm biết được rằng từ ngữ trong sách vở phản ánh lời nói hàng ngày, ngôn ngữ của trẻ sẽ phong phú và chính xác hơn. Một cuốn cẩm nang về cách đọc nhận xét: “Mỗi lần trẻ nghe đọc, một thông điệp thú vị được truyền đến não chúng. Thậm chí có thể gọi đó là một cách quảng cáo giúp trẻ liên tưởng đến những điều thích thú khi nhìn thấy sách báo”. Nhiều bậc cha mẹ đã nhận thấy, khi con trẻ ham thích theo dõi câu chuyên cha mẹ đọc cho nghe thì chúng càng muốn “tự đọc” nhanh hơn, và nhiều trẻ còn muốn tự mình viết ra những câu chuyện. Việc học chữ của trẻ vì vậy trở nên nhẹ nhàng và đầy hứng thú.

Đồng thời, khi đọc sách cùng trẻ, sự trao đổi, đối thoại với trẻ còn giúp các bậc phụ huynh khám phá ra nhiều điều thú vị, đó là sự cảm nhận thế giới tự nhiên một cách trong sáng và bất ngờ của trẻ, sự hồn nhiên và lòng tốt một cách bản năng của trẻ đối với những vấn đề xã hội giúp người lớn nhìn lại mình và sống tốt hơn. Giúp con đọc sách không chỉ để trẻ khám phá thế giới xung quanh mà còn làm cho trẻ khám phá ra chính mình: sở thích, khả năng, xu hướng… Qua đó cha mẹ hiểu con em mình hơn sẽ ứng xử phù hợp hơn.

Ngoài việc tăng cường tình cảm trong gia đình thì việc “đọc sách cùng con” còn mang lại một điều quan trọng: thiết lập và củng cố mối liên hệ gần gũi, gắn bó một cách “bình đẳng” giữa người lớn và trẻ nhỏ, bởi vì ta có thể “áp đặt” cho trẻ những gì ta biết từ kinh nghiệm từ sự từng trải, nhưng trong thế giới biến đổi từng giờ với vô vàn kiến thức mới thì ta và trẻ phải cùng khám phá, tự học, hay là học lại, và đôi khi, chính chúng ta cũng học được nhiều điều từ trẻ. Qua đó, Lễ Nghĩa của người lớn cũng luôn được nhắc nhở và điều chỉnh trong hành vi, ngôn ngữ hàng ngày.

Việc đọc sách phải được hình thành từ thời thơ ấu, nhưng là do người lớn tạo ra và khuyến khích con trẻ.Tiếp nhận những gì từ sách vở nói cho cùng là việc học LÀM NGƯỜI. Nếu văn hoá đọc “xuống cấp” thì trước hết, người lớn phải tự trách mình. Giữ Lễ phải bắt đầu và duy trì cả từ gia đình và xã hội. Gia đình là cơ sở nhưng xã hội là điều kiện để duy trì hay phá hủy Đạo học Đạo người.

Nguyễn Thị Hậu - Báo Nông nghiệp VN số tân niên 2.2021




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...