Trong làng xã hay đô thị cổ
xưa ở nước ta, không gian công cộng thường là khuôn viên của các công trình
tôn giáo, tín ngưỡng hoặc chợ làng... Nơi đó cộng đồng sinh hoạt chung, giao lưu văn hóa, trao đổi hàng hóa. Tuy không nhiều,
năm đôi ba lần lễ hội vào dịp nông nhàn hay tết nguyên đán... nhưng “không
gian công cộng” luôn tồn tại trong mọi cộng đồng, mọi thời đại vì đó chính là nơi thể hiện bản sắc và đặc trưng văn hóa của
cộng đồng, của địa phương.
Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, nhiều đô thị được hình thành và quy hoạch xây dựng
theo kiểu phương Tây, không gian công cộng nhiều hơn và đa dạng hơn. Đó là những “không gian mở” như là đường phố, công viên, quảng trường
và các công trình công cộng khác, nơi mà ở đó tất cả mọi người
đều có quyền tiếp cận bất luận địa vị xã hội hay điều kiện kinh tế, và quyền này được hiến
pháp và pháp luật bảo vệ. Không gian
công cộng nối liền xã hội và
nhà nước, vai trò của
chính quyền là điều hành và quản lý những hoạt động kinh tế - văn hóa tại đây,
còn vai trò của cộng đồng là tổ chức và thực hiện những hoạt động ấy. Vì vậy các không gian công cộng được quy hoạch và thiết kế sao cho chức năng của nó tương ứng với điều kiện xã hội và nhu cầu của cộng đồng.
***
1. Khu vực quận I TP. Hồ
Chí Minh là nơi đã sớm được quy hoạch và xây dựng theo kiểu đô thị phương Tây từ giữa thế kỷ 19, vì vậy nơi đây có nhiều “không gian công cộng” quan trọng nhất của đô thị Sài Gòn. Nhưng trong
quá trình hiện đại hóa khu vực này đã có sự biến đổi mặc dù nhu cầu về không gian
công cộng của cư dân thành phố ngày càng cấp thiết.
Đường Nguyễn Huệ từ khi
được hình thành đến nay luôn là trung tâm của không gian văn hóa công cộng quan trọng nhất này. Hiện nay khu vực tượng đài Hồ
Chủ tịch trước Ủy ban Nhân dân có thể coi là “không gian thiêng”, còn lại toàn
bộ con đường cần được tổ chức thành những khu vực sinh hoạt của cộng đồng thể
hiện văn hóa đa dạng
của TP. Hồ Chí Minh… Chúng ta đã quen thuộc mỗi khi Tết đến Xuân về, “đường hoa phố sách” được tổ chức trong không gian
hiện đại nơi đây. Nhưng chưa đủ, đường Nguyễn Huệ cần phải tổ chức thêm nhiều hoạt động khác. Thử hình
dung trên con đường này một bên
là những trung tâm thương mại, cửa hàng, quán cà phê với hàng bàn ghế dưới những chiếc dù nhiều màu rực rỡ mời gọi mang lại cảm giác bình yên cho khách dạo chơi. Bên kia là “liên hiệp quốc” về ẩm thực: những gánh hàng rong, xe đẩy sạch sẽ,
thơm ngon, quyến rũ du khách bởi những món ăn đặc trưng của Sài Gòn và nhiều
vùng miền khác. Khắp nơi là những
chiếc ghế băng đặt dưới
bóng cây xanh, những bồn cây lát đá thành nơi nghỉ chân. Mọi người, nếu
không ăn uống mua sắm thì vẫn có thể đến đây ngồi chơi, đón cơn gió mát từ sông Sài
Gòn, ngắm cảnh, nghe nhạc, trò chuyện… Sự thân thiện của
không gian công cộng này chắc chắn trở thành điểm đến đầu tiên
của du khách.
Hơn thế nữa, đường Nguyễn Huệ cần thiết lập một không
gian nghệ thuật dành cho những
“nghệ sĩ đường
phố”: họa sĩ ký họa chân dung, phong cảnh, nghệ sĩ xiếc hay ảo thuật, biểu diễn âm nhạc thính
phòng hoặc nhạc truyền thống, là nơi khiêu vũ
tập thể vào những buổi tối đẹp trời… Và có những dịp đường Nguyễn Huệ trở thành một sân khấu khổng lồ của cải
lương, hát bội, đờn ca tài tử Nam bộ, hoặc là “chiếu chèo sân
đình”, “làng quan họ Kinh Bắc” hay “không
gian cồng chiêng Tây Nguyên”… Thậm
chí con đường trung tâm thành phố có thể trở thành “bãi biển nhân tạo” đầy cát trắng và lộng gió từ sông Sài Gòn, có sân bóng chuyền bãi biển cho thanh thiếu niên vui chơi, như
nhiều thành phố châu Âu từng thực hiện tại quảng trường Tòa thị chính vào mùa
hè. Điều này tạo nên hình ảnh gần gũi và thân thiện của chính quyền, mang lại
sự thiện cảm từ người dân, vì cả công trình kiến trúc đại diện cho chính quyền
và không gian công cộng thực sự là của cộng đồng.
Khi con đường Nguyễn Huệ được tổ chức những hoạt động như vậy sẽ mang lại nhiều lợi ích: thứ
nhất là lợi ích kinh tế vì có thể thu thuế, phí của việc buôn bán hay biểu diễn hàng ngày hoặc định kỳ vào cuối tuần, bên cạnh nhiều hoạt động
không thể tính phí, vé (ví dụ: không thể bán vé để đi vào không gian này, không
thu phí những hoạt động chính trị, xã hội hoặc sinh
hoạt khác không thường xuyên…); thứ hai, thu hút đông đảo
dân cư và du khách đến tham gia sinh hoạt nơi đây, góp phần thể hiện và quảng
bá văn hóa đặc sắc của thành phố; thứ ba, cộng đồng được thụ hưởng cả giá trị
vật chất và tinh thần của không gian văn hóa này, có ý thức trách nhiệm cao hơn khi nhận thức được “thành
phố là của chúng ta, là của chính mình”.
2. Tại khu
vực trung tâm thành phố, vỉa hè là không gian công cộng nhiều chức năng. Nhiều
nhà nghiên cứu văn hóa đô thị đã chỉ ra, vỉa hè không chỉ “dành cho người đi
bộ”. Nó là một bộ phận của cơ sở hạ tầng, vừa có chức năng kỹ thuật (phân định
và ngăn cách lòng đường và nhà trên đường, trồng cây xanh, cột điện, nhà chờ xe
bus hoặc một số chức năng khác…) vừa có chức năng “kinh tế vỉa hè”, đồng thời sinh
hoạt của cộng đồng trên vỉa hè là một đặc trưngvăn hóa của các đô thị lớn. Do đó vỉa hè là tài sản công
cộng cần được nhà quản lý điều hành và phân bố sao cho việc sử dụng phù hợp
từng khu vực và quyền lợi của các nhóm cộng đồng ở đô thị. Đây là không gian công
cộng luôn diễn ra những giao tiếp sinh động và linh hoạt; du khách hay người đi
đường cảm nhận được sự hấp dẫn từ các cửa hàng trưng bày sản phẩm đa dạng, sự mua
bán nhộn nhịp và nhiều sinh hoạt khác. Không gian giao tiếp vỉa hè từ lâu đã
trở nên quen thuộc với người Việt Nam và cả khách quốc tế; nó góp phần đa dạng
hóa chức năng các không gian công cộng ở đô thị, tăng cường sự gắn kết những
con người thuộc các nhóm cộng đồng khác nhau.
Trên các trục Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi
trước đây có nhiều hoạt động giao tiếp phong phú và đa dạng. Từ hơn một thế kỷ
nay nơi này đã sớm hình thành lối sống đô thị với kinh tế thương mại dịch vụ mở
và đa dạng, phục vụ mọi nhu cầu của cư dân đô thị, khách du lịch, khách vãng
lai… Trong đó những cửa hàng “mặt tiền”, vỉa hè có mái che, con đường rộng rãi
nhiều làn đường cho các loại xe đã trở thành một thể “thống nhất”, tạo ra không
gian công cộng của nhiều tầng lớp dân cư. Tuy nhiên ngày nay những sinh hoạt này đang mất dần do việc
“hiện đại hóa” cảnh quan đường phố đã làm mất đi sự thân thiện với con người,
với môi trường.
Trong một phạm vi bị giới hạn về không gian của đô thị, chia sẻ không gian công cộng đa chức năng
như vỉa hè là một bài toán không khó giải, nếu nhà quản lý thực sự lưu tâm đến
quyền lợi chung của đô thị và quyền lợi riêng của từng cộng đồng. Lo cho người
đi bộ thì cũng cần lo chỗ để xe, giữ xe cho người đi xe máy, bởi vì đô thị là
của tất cả những người đang góp phần làm nên sức sống của nó, trong đó có những
người lấy vỉa hè làm nơi buôn bán kiếm sống. Một trong những biện pháp mà nhiều
nơi trên thế giới đã thực hiện là tổ chức cho vỉa
hè trật tự và sử dụng hết chức năng của nó để mang lại lợi ích cho xã hội. Có lẽ không một nhà nước nào có thể đảm bảo việc làm
cho tất cả người dân, vì vậy cần tạo điều kiện và có những luật lệ phù hợp cho người dân kiếm sống trong hoàn cảnh cho
phép. Vỉa hè đô thị -
đặc biệt ở khu vực trung tâm - chính là một trong những điều kiện ấy.
***
Không gian công cộng không chỉ dành cho
du lịch, mua sắm, nghỉ ngơi mà còn là không gian của kinh tế - văn hóa đặc
trưng của đô thị, nó cần được
chia sẻ về “lợi ích” vật chất và tinh thần, từ đó đóng góp của cộng đồng lại
làm giàu có hơn “vốn xã hội” của không gian công cộng. Khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh tập trung nhiều
công trình và cảnh quan được xây dựng từ khi đô thị Sài Gòn mới hình thành và phát triển, ẩn chứa biết bao câu chuyện về lịch sử và con người
thành phố. Trong cơn lốc “hiện đại hóa” sự biến đổi kiến trúc và cảnh quan tại đây làm thay đổi
không gian giao tiếp độc đáo và đặc trưng của đô thị Sài Gòn. Không
gian công cộng là nơi thể hiện bản sắc văn hóa và trình độ văn minh của thành
phố, khi mà chính quyền có những giải pháp sử dụng chúng hướng đến lợi ích của
cộng đồng một cách khoa học, nhân văn và bền vững.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét