Một bộ phim để lại nhiều suy nghĩ.




Khi làm việc thỉnh thoảng để “giải lao”, mình ghé mắt qua TV xem từng đoạn vài bộ phim ở các kênh TV nước ngoài. Có lần xem một bộ phim kiểu phóng sự về vấn đề “lạm dụng tình dục trẻ em”. Phim đã làm mình phải ngồi xem đến hết. Không rõ tựa phim là gì, nhưng phim là một câu chuyện thật, các nhân vật cũng là người thật ngoài đời.
Bằng những lời kể của bà mẹ, cô gái, các nhân chứng, tư liệu hình ảnh, video gia đình, báo chí, tài liệu của cảnh sát, tòa án, bình luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tư liệu về hoạt động nghệ thuật của bà mẹ và ông chồng hờ... Bộ phim dựng lại câu chuyện về gia đình một nữ diễn viên điện ảnh khá nổi tiếng, bà có những đứa con nuôi là người Mỹ da trắng, da đen, gốc Hàn, gốc Hoa... Bà yêu thương, tôn trọng và chăm sóc tất cả các con nuôi như nhau, không hề có sự phân biệt. Bạn trai của bà là một đạo diễn điện ảnh rất nổi tiếng, thỉnh thoảng sống cùng bà và những đứa con nuôi. Bọn trẻ đều coi ông như cha.
Chuyện xảy ra khi bà tình cờ phát hiện ông có quan hệ với cô con gái nuôi người Hàn, lúc đó học gần xong trung học. Khi bị phát hiện cô gái chỉ khóc lóc, còn ông bồ thì chối bay, thề thốt sẽ không để xảy ra nữa. Nhưng rồi họ vẫn lén lút với nhau. Cô gái bỏ nhà ra đi. Bà mẹ đành nhờ toà án ra lệnh hạn chế ông bồ / chồng – đến gặp các con của mình. Bà vẫn tin ông sẽ ko tái phạm. Nhưng rồi sau đó bà phát hiện ông có những hành vi lạm dụng và cuối cùng là việc cưỡng bức cô con gái 7 tuổi... Bà đã chia tay với ông bồ để bảo vệ các con cả trai và gái khỏi bị tổn thương thể xác và tâm lý. Thậm chí phải bỏ cả sự nghiệp nghệ thuật vì không thể chịu sức ép từ đồng nghiệp, báo chí và dư luận khi bà tố cáo “chồng”. Sau đó ông bồ nhanh chóng cưới cô con gái nuôi người Hàn và vẫn tiếp tục nổi tiếng.
Tuy nhiên cô con gái lúc 7 tuổi bị cưỡng bức thì bị chấn thương tâm lý rất lâu, cô ko thể có bạn trai, và khi tìm được một người phù hợp thì thời gian hai người yêu nhau cô vẫn bị ám ảnh chuyện hồi nhỏ và ko thể sống bình thường. Phim kể về sự khó khăn nhưng vô cùng dũng cảm của cô gái khi nhiều năm sau cô mới quyết định tố cáo hành vi của người bố nuôi: “bạn thích xem phim nào của ông X? Bạn có muốn xem nữa không nếu con gái nhỏ của bạn bị ông ta cưỡng bức như đã nhiều lần lạm dụng và đã cưỡng bức tôi khi tôi còn nhỏ?”. Nhưng trong gia đình có một người con nuôi gốc Hoa – anh cô gái – nói rằng cô nói dối, rằng việc đó do cô tưởng tượng ra, rằng hồi nhỏ lũ trẻ luôn bị mẹ bạo hành tinh thần và thể xác...
Những người anh, chị em khác đã dũng cảm ủng hộ cô và nói lên sự thật, dù họ biết rằng, nếu “bảo vệ” bố nuôi họ sẽ có lợi về vật chất, về tiếng tăm. Còn bà mẹ - dù bà thú nhận là vẫn sợ ông bồ, một sự sợ hãi mà bà không giải thích được vì sao - cũng nói với cô gái: “nếu con ko nói gì thì mẹ rất hiểu vì sao, nhưng nếu con quyết định nói ra sự thật thì mẹ luôn bên con”. Gia đình mẹ và các anh chị em, chồng cô, là chỗ dựa cho cô gái vững vàng hơn trong hành trình dài để có thể nói lên sự thật. Hành trình ấy bắt đầu được xã hội chú ý và ủng hộ nhất là khi phong trào ME TOO bùng ra ở Hollywood.
Phim không chỉ dựng lại câu chuyện của một gia đình mà còn phản ánh quá trình nhận thức của xã hội về thực trạng phụ nữ bị lạm dụng tình dục. Sự thay đổi ý thức xã hội từ việc công chúng luôn bênh vực nam giới/người nổi tiếng, cho rằng họ không bao giờ phạm tội, rằng người khác vu oan và muốn kiếm chác từ việc dựng chuyện cho người nổi tiếng. Phụ nữ, những người bình thường luôn là kẻ yếu thế trong xã hội, không được dư luận, truyền thông và cả pháp luật xem xét một cách công bằng.
Trong phim còn đặt ra vấn đề: Đạo đức của nghệ sĩ có quan hệ thế nào với tác phẩm/sản phẩm của họ? Và đâu là giới hạn sự vô đạo đức của nghệ sĩ? Nhiều nghệ sĩ và dư luận vẫn bênh vực những ngôi sao mạc dù họ phạm tội, nhất là các “thần tượng” của công chúng. Nhưng cũng đã có những nghệ sĩ tỏ rõ thái độ không chấp nhận, không cộng tác cùng, ngay cả khi người phạm tội không bị pháp luật trừng trị. Cuối phim đưa ra thông tin: ông đạo diễn nổi tiếng kia vẫn sống với cô vợ người Hàn, họ luôn từ chối không trả lời phỏng vấn về chuyện bị tố cáo. Nhưng phim của ông không được phép chiếu ở Mỹ dù chiếu ở nước ngoài rất thành công.
Một số vấn đề xã hội khác cũng rất hay: Cô gái nói chuyện với vị thẩm phán để tìm hiểu sự thật từ phía tòa án, vì sao khi xưa ông khép lại vụ án? Đó là vì muốn bảo vệ cô trước sự độc ác của dư luận vì cô còn quá nhỏ, khi mà chưa thể trừng trị kẻ phạm tội. Một quan điểm nhân văn khi giải quyết một vụ án liên quan đến tình dục và trẻ vị thành niên. Và khi cô lớn lên, đủ nhận thức và biết tự bảo vệ mình, pháp luật sẽ giúp cô đưa sự thật ra ánh sáng.
Vì sao hai người con nuôi gốc Á (Hàn, Hoa) “phản” mẹ? Với người châu Á, cha nuôi – trong trường hợp này như cha dượng - với con gái nuôi cũng là cha con, nên việc lạm dụng, cưỡng bức con gái nuôi hay con gái lấy cha dượng đều là loạn luân. Phải chăng chính vì mặc cảm “không phải là người Mỹ” nên dù được mẹ nuôi người Mỹ yêu thương và đối xử tử tế, thì ẩn ức “thấp kém” làm cho họ phải “trả thù” làm mẹ và các anh chị em khác phải đau khổ, gia đình thực sự bất ổn.
Sự sợ hãi của bà mẹ với ông chồng hờ là sự sợ hãi vô thức đối với kẻ có quyền hành, có thể chi phối về tinh thần, cụ thể là “sức mạnh” của một ông đạo diễn tài năng, nổi tiếng đối với một nữ diễn viên dù cũng rất có tài? Nhưng bà đã dũng cảm từ bỏ ông ta, tuy chưa đủ sức mạnh để đưa ông ra tòa, bảo vệ danh dự cho chính mình và cho con gái. Sợ hãi kẻ có quyền hành là nỗi sợ của rất nhiều người, nhất là khi người đó có dư luận và cả một hệ thống truyền thông ủng hộ.
Kẻ phạm tội không bị trừng trị, nhưng quan trọng là nạn nhân đã dám đối diện với nỗi đau tinh thần không thể quên, và đã lên tiếng. Xã hội sẽ bớt đi những điều xấu xa không chỉ vì không còn kẻ bất nhân mà vì những người tốt đã không im lặng và cùng nhau phản kháng.
Và cuối cùng, bộ phim chính là quá trình đưa kẻ phạm tội ra trước sự phán xét của người xem.
17.3.2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...