Chuyện tào lao :)




Tuổi trẻ cười số ra ngày 1/1/2016. Mại dô bà

 con ơi Biểu tượng cảm xúc smile:D


RUỒI hay KHÔNG RUỒI, vấn đề sống còn 

sinh tử của chúng ta! Yaehhh!



Vụn vặt đời thường (101)

@ NHỮNG TIN TỨC .

- Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng sáng 23-12 dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao QH gồm 1 Phó Chủ tịch QH, 6 Chủ nhiệm Ủy ban QH và Bộ trưởng, đã rời Hà Nội lên đường thăm chính thức Trung Quốc tới ngày 27-12.

- Giàn khoan Hải Dương 981 lại vào Biển Đông. Cục Hải sự Trung Quốc thông báo giàn khoan bán chìm Hải Dương 981 sẽ khoan thăm dò ở khu vực có tọa độ 17-29.53N, 110-57.18E từ ngày 28/12 đến 10/2/2016.

- Chiều 27/12, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã thông qua dự luật chống khủng bố đầu tiên của nước này. Trong cuộc thảo luận lần này, khái niệm "khủng bố" được định nghĩa là mọi ý kiến hay hành động nhằm mưu đồ chính trị và hệ tư tưởng, thông qua bạo lực, hăm dọa, gây hoang mang trong xã hội, phá hoại an ninh công cộng, xâm phạm quyền và tài sản cá nhân và đe dọa các tổ chức chính phủ và quốc tế.
Định nghĩa này đã được mở rộng hơn so với khái niệm trước đó đưa ra hồi tháng 2/2015, khi đó không đề cập đến quyền và tài sản cá nhân cũng như mục đích chính trị và hệ tư tưởng.

- Theo luật chống khủng bố mới được Quốc hội Trung Quốc thông qua, quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ được phép tham gia các chiến dịch chống khủng bố ở nước ngoài. Cũng theo luật này, quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và các lực lượng cảnh sát vũ trang của nước này có thể thực hiện các sứ mệnh chống khủng bố ở nước ngoài nếu được Quân ủy Trung ương Trung Quốc chấp thuận. Lực lượng công an và an ninh cũng có thể cử người ra nước ngoài tham gia các sứ mệnh chống khủng bố, song phải được sự cho phép của Quốc Vụ Viện cùng với các thỏa thuận được ký kết với những nước hữu quan.
(Theo vtv.vn)

Linh tinh lang tang (132). Những ngày cuối năm…


Năm nào cũng thế, vào những ngày này khi bóc tờ lịch cuối cùng vẫn cứ nao nao… Còn nhớ ngày xưa có bài hát “Ngày hôm qua đâu rồi” do bé Thanh Phương và Nguyễn Chánh Tín song ca, có câu “em bóc tờ lịch cũ, ngày hôm qua đâu rồi?”. Uh… ngày hôm qua, tháng qua năm qua đâu rồi khi ta nhìn lại năm tháng ngày cũ…
Hồi còn ở Hà Nội, có một lần mình được bạn cùng lớp tặng một cuốn sổ lịch (hồi đó là của hiếm), trang đầu có lời ghi tặng “cả một năm trong tay, chọn một ngày đi chứ”… Sau đó mình và bạn ấy cả tuần không dám nhìn nhau, hihi. Bây giờ gặp lại bạn ấy còn đùa: hồi đó tui ngỏ lời zới bà, sao bà ko trả lời? Mỗi lần đi karaoke, bạn thường hát “Hậu ơi, Hậu ơi, có con chim đa đa nó đậu cành đa, sao không lấy chồng gần mà đi lấy chồng xa…” cả bọn lại cười xòa Biểu tượng cảm xúc smile
Uh, ngày tháng cũ là những ngây ngô thời học trò đấy thôi…
***
Năm cuối phổ thông mình học ở Sài Gòn. Ngày nhận kết quả tốt nghiệp cả đám bạn rủ nhau đạp xe qua tuốt quận 4 (hồi đó là khu vực toàn dân anh chị, ban đêm người lạ thường không dám đi vô đó). Cả bọn đạp xe lang thang khắp Khánh Hội vô tới bến Bình Đông từ trưa đến tối mịt. Ở nhà bà già lo quá, bắt chị mình chở lên nhà nhỏ bạn thân kiếm, mà nhỏ bạn cũng đi với mình. Hai đứa về đến nhà nhỏ bạn thì gặp bà già ở đó. Đang xụ mặt vì bị la quá trời thì nhìn thấy má mình… đi chân đất leo lên ngồi sau xe honda, thế là hai đứa lăn ra cười rũ rượi… A mà từ chuyện này mà chị mình và anh Hai của nhỏ bạn quen nhau, sau đó tụi mình được ăn kem liên tục…
Ngày hôm qua ở lại trong những chuyện tình cờ buồn cười như thế đấy.
***
Có những ngày cuối năm "buồn như chó ốm" (thơ Nguyên Sa). Ấy là có ngày cuối năm nghe tin những em nhỏ được đi du lịch vì học giỏi, nhưng gặp tai nạn chết đuối ở Cần Giờ; có ngày cuối năm nghe tin nhiều cháu sơ sinh chết vì sốc phản vệ sau khi tiêm vac xin, rồi ngày cuối năm nghe tin phụ huynh cho các em nghỉ học đi biểu tình phản đối chính quyền xã, và ngày cuối năm phụ huynh chen nhau ngất xỉu để có được một liều vacxin cho con…
Có thể không nói về những chuyện buồn, chuyện tiêu cực khác, nhưng những gì làm tổn hại đến con trẻ thì không thể cầm lòng…

Thế giới với hàng triệu tin tức mỗi ngày
Sao tin buồn nhiều hơn tin vui?
Sao bất an nhiều hơn sao mất mát nhiều hơn?
Em bé nằm ngủ say trên bãi biển
và từ em là hàng triệu người tìm được cơ hội sống
ở những xứ sở là thiên đàng với họ.
Cái chết của những trẻ em vì tai nạn, vì đói ăn, vì bị bạo hành
Chưa bao giờ là cánh cửa vào thiên đàng
Cho hàng triệu trẻ em khác
Ở Việt Nam.


Chuyện tào lao (5) Tuổi trẻ cười 15/12/2015

CHUYỆN TÀO LAO (5)
Mắt và răng
Người ta có hai con mắt và hai mươi mấy chiếc răng.
Đau mắt hay đau răng đều khó chịu. Mắt ít đau nhưng đau thì khó chữa, còn răng thì ai chẳng vài lần bị đau? Mắt hỏng không thể thay cả hai mắt giả còn răng có thể làm giả cả hai hàm. Hai mắt giả không nhìn thấy gì nhưng cả hàm răng giả vẫn sử dụng được. Mắt giả dễ nhận ra còn răng giả thì khó biết.
Hình như, vchồng như mắt, bồ bịch như răng?
 Món quà của Chúa
Một lần cô ngập ngừng thổ lộ “Anh biết không, em vô cùng may mắn vì có tình yêu của Anh - món quà quý giá nhất mà em được Chúa ban tặng”.
Sau giây phút cảm động vì sự chân tình của cô, anh bỗng cảm thấy nặng nề.
“Món quà của Chúa” sẽ trở thành một gánh nặng của chính anh khi anh trao nó cho vài người đàn bà, cùng lúc.

CỜ QUẠT
Ngày xưa cờ chỉ xuất hiện trên kỳ đài trong những dịp trang trọng, mọi người nhìn thấy đều phải cúi đầu. Những lúc ấy quạt tự hào vì được là anh em với cờ.
Ngày nay cờ có mặt nhan nhản từ vỉa hè phố thị đến vệ đường thôn quê, từ lễ này qua hội khác, te tua cũ kỹ đến mức ai cũng thờ ơ bước qua. Quạt đau lòng nhận ra cờ không còn là anh em vì đã biến thành phướn từ lúc nào.

Tiến hóa
1960. Thân thể người ta chia làm 3 phần: đầu, mình và tứ chi.
1990. Thân thể người ta chia làm 4 phần: đầu, mình, tứ chi và xe máy.
2015. Thân thể người ta chia làm 5 phần: đầu, mình, tứ chi, xe máy và smartphone.
2020. Thân thể người ta chia làm 6 phần: đầu, mình, tứ chi, xe hơi, smartphone và khẩu súng.
2030. Thân thể người ta chia thành mấy phần?

Hạnh phúc
Cuộc thi viết ngắn về Hạnh Phúc có giải thưởng đến 10 triệu đồng. Chị hăng hái đăng ký. Nhưng nghĩ mãi không biết viết gì dù nhớ rất nhiều chuyện vui buồn đã qua… Rốt cuộc vẫn không biết cả cuộc đời mình có lúc nào hạnh phúc?
 Bèn thôi, không nghĩ nữa, đi nấu cơm.
Nhìn gia đình quây quần trong bữa ăn, bỗng ngộ ra, thời buổi này mà cả nhà vẫn có bữa cơm đầy đủ mọi người, hạnh phúc là đây chứ đâu.



Vụn vặt đời thường (100)



@ Lòng tham có thể là khởi đầu của cái ác, Nhưng lợi dụng lòng tham để đẩy người ta phạm tội thì còn độc ác gấp nhiều lần! 
Tham tiền mà phạm tội thì bị xử lý theo pháp luật, nhưng vì tiền đẩy người khác vào tù tội thì đó là bất nhân! 
Đời bây giờ nhanh lắm, nhân quả có khi không chờ đến kiếp sau!



@ Dù xét xử tội ác thì cũng cần thể hiện, và phải dựa trên sự nhân văn ngay từ hình thức xét xử. Như vậy mới đúng ý nghĩa của công lý.
Rùng minh với không khí "máu kêu trả máu đầu van trả đầu" từ câu hỏi của những người xét xử đến đám đông tham dự. Lại một kiểu "cổ tích" thời hiện đại!
Cám ơn bạn Hà Phạm đã viết rất hay! 

http://danviet.vn/kinh-da-trong/xu-tham-sat-o-binh-phuoc-co-can-4000-nguoi-xem-648791.html

@ Càng ngày càng thấy việc từ bỏ/mất/chia tay/ hay đơn giản hơn là unfollow một người bạn trên FB (và ngược lại, mình là người bị vậy) càng trở nên bình thường, nhẹ nhàng, không có gì quá nghiêm trọng, không như trước đây từng khổ sở nghĩ ngợi mãi Biểu tượng cảm xúc smile 
Là vì ngày càng biết cách chấp nhận những khác biệt trong nhiều vấn đề của đời sống. Có thể còn tranh luận, trao đổi vì không/chưa đồng tình, thừa nhận, tán thành... nhưng tôn trọng không công kích đả phá hay chê trách. Cũng là tự "thực hành" dân chủ với chính mình Biểu tượng cảm xúc smile
Đó là một trong nhiều cái lợi mà FB mang lại.



@ Chiều nay gặp một việc làm nhớ đến câu hát chế "Đã bao lâu rồi không về miền Trung thăm... miền Tây" .
Thật Biểu tượng cảm xúc grin
P/S. ở bàn nhậu câu này thường đi cùng một câu nữa: Nhưng ko chết thằng cha bán phở, mà chết người em gái bưng tô.



Biểu tượng cảm xúc grin
 @ 12g khuya bỗng thấy đói bụng quá, ăn hay không ăn? Không ăn hay ăn? Haizzzz.... Ngày xưa vấn đề của hoàng tử Hamlet To be or not to be có lẽ cũng chỉ khó nghĩ như mình bây giờ!
Không hiểu sao câu nói này của Hamlet lại được minh họa bằng những tấm hình như thế này. Chả lẽ hoàng tử cũng có nghề đào bới tìm di cốt như mình?
Biểu tượng cảm xúc grin
Biểu tượng cảm xúc grin Biểu tượng cảm xúc grin

chuyện tào lao (5) THƯ GỬI ÔNG GIÀ NOEL


Hậu khảo cổ - Tuổi trẻ cười 15/12/2015
Già Santa Claus kính mến,

Một mùa Giáng sinh lại về trên thế giới rộng lớn mênh mông, trên thành phố bốn mươi mùa hoa và trong hẻm nhỏ khu phố văn hóa của con. Hàng ngàn năm nay, hàng triệu trẻ em đã gửi đến ông những lá thư bảy tỏ ước mơ về một món quà chúng yêu thích nhất, tràn trề tin tưởng sẽ được ông mang tặng vào đúng ngày Noel. 
Hàng chục năm nay, nhiều người cũng gửi email đến ông để được ông quan tâm trong ngày lễ trọng. Bởi vì, tuy đã lớn nhưng tâm hồn vẫn rất mong manh dễ rách, cả năm quần quật bức xúc nên cuối năm gửi đến ông một niềm hy vọng, rằng, người lớn ngoan thì cũng có quà.
Năm ngoái, vợ của con, và vợ của nhiều đàn ông khác, đã gửi email cho ông để mong ông mang đến cho họ một người đàn ông về nhà vào 7g tối, điềm đạm tỉnh táo, không cáu gắt khi vợ phản ứng vì toàn kể những chuyện tiêu cực hay những chuyện tích cực không thể tin nổi, và sau bữa cơm thì chuyển ngay sang những chuyện giải trí linh tinh khác, đến 10g đêm thì ngoan ngoãn lên giường…
Kết quả: rất nhiều ông chồng được Ông ủy quyền mang về cho vợ một chiếc TV màn hình phẳng bự tổ chảng (hàng đang mùa giảm giá khủng). TV thế hệ mới được cài đặt tự động chỉ bật lên vào lúc 7g tối chương trình thời sự và tắt lúc 10g đêm, giờ “chúc bé ngủ ngon”.
Năm nay, đến lượt tụi con xin quà của ông. Từ đầu quý 4 tụi con đã họp nhiều lần ở các quán nướng miền tây lẩu miền đông cầy tơ miền bắc hải sản miền trung… nhưng vẫn chưa thống nhất với nhau đề đạt đến ông món quà gì. Ước mong chân dài eo thon dịu dàng ít nói… thì ai cũng muốn, nhưng đâu dám bày tỏ, vì chắc xin ông cũng chẳng cho (lỡ bà già Noel mà phối kết hợp với các bà vợ trần gian thì… thôi rồi!).
Nghĩ mãi bàn bạc mãi… Đến ngày hôm qua thì Ơ rê Ka, chúng ta tìm ra rồi! Món quà này được cả các bà vợ nhanh chóng tán thành. Đó là một thứ mà dân chúng con luôn ấm ức hỏi nhau (vì không biết hỏi ai): “nó đang trốn ở đâu mà không thấy?!”
Thưa Già Santa Claus, chúng con, những người lớn ngoan, xin ông một “món quà” tuy không quý nhưng rất hiếm vì ở cả thủ đô Hà Nội và thành phố này ai cũng biết là CÓ mà đều tìm KHÔNG ra. Đó là THAM NHŨNG. 

Trân trọng cám ơn Ông già Noel!

TTC 15/12/2015

Vụn vặt đời thường (99)

@ mấy bữa nay báo Tuổi Trẻ mở mục hỏi đáp gì đó, nhiều câu hỏi VÀ TRẢ LỜI về NGƯỜI SÀI GÒN rất hay. Đây là ý kiến của Bạn Hoành Hữu Hồ ở FB nhân vấn đề này:

Bởi vì Saigon cũng là đất mới như nước Mỹ, chỉ hơn 300 năm mà thôi. Saigon cũng giống Mỹ ở chổ tứ xứ kéo đến, thuận thiên hợp địa mà chộn rộn phồn hoa. Vì vậy, ở Saigon tính mở và sự hòa nhập, tôn trọng cộng đồng là rất cao.
Do đó, nói người Saigon là phải sinh ra và sống ở Saigon thì chỉ tương đối, nó ko đủ để xác nhận tính cách Saigon.
Nói đúng là nói đủ khi nói Người Saigon là nói đến Tính Cách Saigon trong một con người nào đó. Và tính cách đó đã hình thành suốt hơn 300 năm qua, đó là:
- Năng động nhưng không bon chen
- Bình thản và ko ồn ào
- Nghĩa hiệp, trượng nghĩa
- Hay làm từ thiện, thích giúp người
- Vẫn tử tế, vẫn tin người
- Ăn xài nhẹ nhàng, ko so đo
- Sống và chơi nhiệt tình, hết mình
- Về thăm quê, rồi vào lại Saigon mà cảm giác như về nhà
- Và cuối cùng là ko lưu manh, ghét lưu manh.
Chỉ vậy thôi, bất kể Hà Nội, Quảng Trị, Nghệ An, Cà Mau, Bắc Giang, miễn là sống ở Saigon, rồi có tính cách như vậy, thì đó là Người Saigon.

 - Mình bổ sung: Còn nữa, người Sài Gòn không có cái kiểu hay chê cái gì, chê ai chỉ vì không giống mình :)

Thà đui mà uống thiệt tình, cỏn hơn có mắt mà rình uống gian! 
Dị bản:


 Thà đui mà uống nhiệt tình
Còn hơn sáng mắt rình rình qua tua....

"Thà hưu mà uống thiệt tình,/ Còn hơn đương chức mà rình qua tua."

Thà say vi uống thiệt tình
Còn hơn tỉnh rụi vì rình đổ bia

Thà đui mà giữ đạo mù, còn hơn sáng mắt mà...tu không thành


Nghe từ hai phòng cạnh nhau trong quán karaoke:
Tử thành phố này người đã ra đi
... Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt

:D   :D   :D

CHUYỆN TÀO LAO (4)


Hậu khảo cổ
 LOA
Cái loa, dù "nói" những lời thông thái vẫn chỉ là cái loa. Phát mãi nó quên mất mình là loa.
Nhưng nghe mãi, nhiều người tưởng loa là người. Thế là tiếp tục nói lại những gì loa đã phát.
Cứ thế, đến một lúc không thể phân biệt được loa và người. Mạnh ai nấy nói những lời không phải của mình.
Ai có thể đối thoại với (những) cái loa?
 Ếch nhái
Tối mùa hè ếch nhái kêu váng đầu. Ếch chê nhái quanh quẩn bờ ao, chỉ thấy bèo với bọ, biết gì mà lắm mồm. Nhái chê ếch chỉ “ngồi đáy giếng” nhìn trời nắng không hay mưa không rõ mà làm như thông thái lắm.
Thế giới luôn thay đổi, từ bờ ao đầy bèo bọ đến bầu trời bình yên hay giông bão.
Nhưng chỉ biết trong bèo có bọ hay luôn coi trời bằng vung là vì ếch nhái vẫn chỉ là ếch nhái, đều từ nòng nọc mà ra.

 Ông lão đánh cá và con cá vàng (dị bản)
Lại nói, sau khi cá vàng cho 3 điều cầu được ước thấy, ông lão bèn thả cá xuống biển. Về nhà, vợ ước được bữa ăn ngon. Lão bực mình mắng “đàn bà óc to như trái nho, ước gì như dở hơi”. Lập tức bà vợ thành người dở hơi. Chịu không nổi lão lại ra bờ biển tìm nhưng không thấy cá vàng nữa.
Lão không biết rằng sau khi cho đi ba điều ước thì cá vàng cũng biến thành… một ông lão đánh cá.
 Đẽo cày giữa làng
Anh nọ ngồi giữa làng đẽo cày, ai đi qua cũng góp ý chỉ bảo vài câu… Kết quả: cày không có mà có một đám oánh nhau, vì người này chửi người kia ngu, người kia mắng người nọ không biết gì... Ai cũng tự cho mình là đúng.
Anh chàng thợ vụng đẽo cày rút ra một kinh nghiệm: cứ lẳng lặng mà làm, không thành cày thì cũng được cuốc. Sau đó, thằng nào có ý kiến ý cò thì… lấy cuốc nện nó một trận, là xong.

Vương quốc Thơ
Ngày xưa ở xứ nọ ngành kinh tế chính là “mần thi”: Thơ dùng để ăn mặc, làm phân bón, làm thức ăn gia súc... Sáng sớm ra đồng ngâm thơ thì lúa lên xanh tốt, chiều tối ra chuồng đọc thơ là heo gà lớn nhanh như thổi. Năm nào trình diễn thơ thì được mùa to. Thơ trở thành lương thực chính ở đây.
Thời gian trôi qua... ở vương quốc Thơ tất cả người, cây, con vật dần dần trở nên dị dạng.

 (Tuổi trẻ cười 1/12/2015)

SẾP VỀ HƯU


Hậu khảo cổ
Cơ quan nhà nước nào cũng từng có sếp về hưu. Có khi làm sếp từ lúc cơ quan được thành lập, trải qua “một chặng đường vẻ vang” cả chục sau năm sếp mới từ từ hạ cánh, có khi mới một nhiệm kỳ sếp đã phải nói lời từ biệt anh em… Sếp nào cũng tìm mọi cách để “hạ cánh an toàn”, đó là nhận quyết định đúng hoặc sau tuổi hưu, các chế độ chính sách còn nguyên, bảo toàn mọi tài sản “trừ bà vợ già” và “quy hoạch”, luân chuyển” con cháu đâu vào đấy. Nói chung, kinh nghiệm cho thấy sếp càng kỳ cựu thì chuyện về hưu của sếp càng quan trọng, càng để lại “di chứng” lâu dài.

Khi sếp nhận thông báo nghỉ hưu, anh em hơi xôn xao, người vui người “buồn”, sếp trở nên “nhạy cảm” hơn, bực tức nhiều hơn, quát nạt nhiều hơn, và tính toán kỹ càng hơn cho mọi “thu nhập” của mình.

Rồi đến ngày đến tháng sếp nhận quyết định. Cơ quan tổ chức liên hoan 5 ngày 3 trận: toàn thể cơ quan, phòng ban chuyên môn sếp trực tiếp chỉ đạo, văn phòng, công đoàn, đoàn thanh niên, hội cầu lông hội ten-nít, hội “chiếc ly vàng” hội “giọng ca vàng” rồi hội “bàn tay vàng”… Rồi các anh em “thân tín”, rồi những người được ơn “mưa móc”… Cuộc nào cũng hoành tráng, cũng tràn trề tình cảm cũng đầy ắp lòng biết ơn. Cuộc nào cũng gói to gói nhỏ phong bì nặng nhẹ… Và sau cuộc nào cũng vậy, khi sếp vừa quay lưng thì mọi người đều thở phào nhẹ nhõm.

Thế nhưng hôm sau và hôm sau nữa… sếp vẫn đến cơ quan, anh em lại xúm xít hỏi chào. À đúng rồi sếp còn chưa thu xếp xong đồ đạc tài liệu, vài hôm mới dọn dẹp hết.

Rồi hàng tuần sau sếp vẫn đến, phòng làm việc vẫn là của sếp. Sếp mới vẫn phải ngồi ở phòng “phó” hay tạm phòng nào đấy (nếu là người điều từ nơi khác về). Hàng ngày sếp vẫn dặn lái xe đến đón đưa. Ra vào cơ quan sếp vẫn ngó nhìn chỉ đạo việc này việc khác. Thậm chí họp giao ban cả cơ quan sếp vẫn long trọng ghế trên, phát biểu đầu tiên, nói không ngừng nghỉ… Mặc kệ phía dưới chẳng ai nghe còn sếp mới thì luôn “chăm chú” vào cái ipad trước mặt hay chồng công văn trên bàn.

Rồi đến lúc gặp nhau ở cơ quan không ai chào hỏi, các thể loại “hội” không thấy gọi tụ tập, phòng làm việc cũng phải trả lại, lái xe có mọi lý do để không đón đưa sếp nữa, đi đâu cũng bị nghe giới thiệu là “nguyên nọ nguyên kia”… Sếp tự ái đùng đùng: “chúng mày toàn bọn ăn cháo đá bát”, “thằng X. không nhờ tao thì có mà ăn cám chứ nói gì lên chức”, “con Y. tưởng thế nào hóa ra lại đong đưa với sếp mới ngay được”… Chẳng “đứa nào” thèm chấp, sếp khó chịu lắm, quay sang cáu gắt với sếp bà. Ngay lập tức: “Này, ông còn làm vương làm tướng gì nữa mà quát nạt vợ con!”

Bởi vậy, lính ở cơ quan đố nhau “sếp mới sợ ai?”
Sếp (đương chức) mà sợ ai, cùng lắm thì sợ sếp bà ở nhà? Không phải.
Sếp mới sợ cấp trên? Cũng không chắc, nghe lời thôi, làm theo thôi chứ chắc gì sợ. Mà có khi sếp lớn “sợ” sếp nhỏ, như sếp nhỏ “ngại” lái xe. Lý do thì ai cũng biết rồi.

Chỉ có một người sếp mới phải “sợ”. Sợ, ngại, tránh mặt, khó nói… thậm chí không ưa, ghét nữa… Ai vậy? Đấy là sếp cũ, người “lãnh đạo trực tiếp và toàn diện” vừa mới về hưu.
Nhưng mà, đến lúc “sếp mới” cũng phải về hưu… Màn kịch sẽ diễn lại từ đầu.

 (Tuổi trẻ cười 16/11/2015)



CHUYỆN TỪ MÔN HỌC CỦA TÔI


Chị bạn tôi có cậu con trai học lớp 6, mới sáng sớm chị đã thấy con trai ngồi ngủ gà ngủ gật ở bàn học, hỏi thì biết cậu đang học bài sử vì hôm nay có giờ kiểm tra. Chị hỏi con sao không học từ tối qua, cậu bé uể oải trả lời: con học rồi nhưng mãi không thuộc, nhiều rìu quá ạ! – Sao lại rìu cuốc gì ở đây? Cậu con đưa sách giáo khoa cho chị xem: Bài về Người tối cổ trong đó có nói về rìu đá (làm bằng đá cuội ghè đẽo) tìm thấy ở Mái đá Ngườm… Ngôn ngữ rất khoa học nhưng khô khan, cậu học sinh lớp 6 không hình dung được “ghè đẽo đá” như thế nào? Lại còn phải thuộc tên những di tích tìm thấy rìu đá…

Nhân chuyện dư luận đang bàn việc dạy và học môn lịch sử, chị bạn kể tôi nghe chuyện đó, không bình luận gì nhưng làm tôi giật mình : kiến thức lịch sử có liên quan đến nghề khảo cổ của tôi nếu viết như vậy trong sách giáo khoa thì thật khó khăn cho việc tiếp thu của học sinh! Chưa kể nhà trường gần như không có giáo cụ trực quan mà chỉ có hình ảnh trong sách, làm sao học sinh hình dung ra “hòn đá cuội”, hiểu được cách làm một cái rìu, cách sử dụng chúng  có giống hay khác chiếc rìu ngày nay? và quan trọng là người xưa đã sinh sống thế nào bằng cây rìu đá?

Từ chuyện này tôi nhận ra một vấn đề: đó là từ công trình nghiên cứu của những nhà sử học đến việc thể hiện, cụ thế hóa trong sách giáo khoa, cả về nội dung và hình thức như thế nào.

Viết các công trình nghiên cứu và viết sách giáo khoa là hai lĩnh vực khác nhau, nhất là viết sách giáo khoa rất khó, đòi hỏi trình độ chuyên môn khoa học và sự chuyên nghiệp về sư phạm. Những công trình nghiên cứu KHXH nói chung và sử học nói riêng không phải lúc nào cũng được cập nhật ngay vào sách giáo khoa, bởi đây là loại ấn phẩm đặc biệt đòi hỏi tính chính xác của tri thức và giá trị lâu bền của thông tin. Khi đưa vào sách giáo khoa, tùy theo đối tượng (tuổi, cấp học) mà việc chuyển tải tri thức khoa học  cần có cách diễn đạt phù hợp để học sinh dễ tiếp thu, hiểu đúng nội dung và có khả năng tìm hiểu mở rộng theo chủ đề.

Tuy nhiên trong thời đại thông tin như ngày nay, việc chậm đưa kiến thức mới vào sách giáo khoa cũng là một khó khăn cho giáo viên và thiệt thòi cho học sinh. Có thể khắc phục bằng cách xuất bản loại sách phổ cập kiến thức khoa học cho cộng đồng  từ  kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học mới, nhưng viết một cách giản dị, dễ hiểu, trình bày nội dung cốt lõi của công trình, nhưng bảo đảm tính khoa học chính xác … Ví như từ những thực phẩm tươi sạch ta nấu một bữa cơm gia đình đơn giản, ai đượ mời ăn cũng thấy ngon miệng, thay vì nấu một bữa tiệc cầu kỳ mà nhiều người tham dự cảm thấy gò bó thậm chí không thích hợp. Hoặc, hệ thống sách tham khảo cho học sinh có thể cập nhật những nghiên cứu mới này, vì là “tham khảo”n ên đưa ra nhiều thông tin để học sinh làm quen với sự đa chiều, cái mới, quen với việc suy nghĩ đánh giá những thông tin mình tiếp nhận.

Khi cộng đồng đã được biết, làm quen, thậm chí trao đổi tranh luận qua những thông tin mới thì khi cập nhật vào sách giáo khoa sẽ tránh được tình trạng bị “sốc” khi những gì đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ “bỗng dưng” bị thay thế bằng nội dung khác, hoặc tránh được những ngộ nhận về sự lạc hậu hay “quá hiện đại” của giới nghiên cứu, như trường hợp nhận định đánh giá về triều Hồ, về thời Mạc, kể cả về Nhà Nguyễn gần đây.

Trở lại chuyện học sử của cậu bé lớp 6, tôi đành “thú nhận” với chị bạn: đến sinh viên đại học chuyên ngành khảo cổ còn chẳng nhớ hết tên di tích với di vật, làm sao học sinh lớp 6 thuộc lòng cho được!

Nguyễn Thị Hậu
TBKTSG 3/12/2015



 

Vụn vặt đời thường (98)

@ Ở đáy giếng, mảnh trời xanh dù chỉ bằng cái vung cũng đáng quý vì đó là ánh sáng, là không gian bao la… Nhìn vào đó để sống, để tìm cách leo ra khỏi giếng chứ không chỉ nhìn quanh quẩn bằng lòng với đáy giếng ẩm ướt hay chỉ than thở “bức xúc” vì thành giếng cao quá nhiều rêu trơn quá…
“Ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung” đã tệ, nhưng ra khỏi giếng rồi bèn nhổ nước miếng xuống vì coi thường “bọn ngồi đáy giếng” còn tệ hơn!
Có ngồi ở cái bờ ao thì cũng chả hơn gì mà chửi bọn trong giếng.
Mình thật, bạn như thế thì tiễn cho nhanh!

@ Nghe nói bài thơ "Tổ quốc gọi tên mình" lại tiếp tục bị tranh chấp, tự nhiên nhớ đến câu cửa miệng của dân nhậu miền Tây "ai kêu tui đó".
Hỏi câu đó mà hổng ai trả lời thì quê độ.
Mà lỡ có ai nói "đâu ai kêu ông" thì... có nước nhào xuống mương mà trốn Biểu tượng cảm xúc grin
@ Lại còn "Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Hùng Mạnh" bị bắt sang Tàu 
khi về cũng không biết bố mẹ là ai! Sao đặt tên gì hay quá thể :D

Được đọc cuốn này trước khi xuất bản, hay quá, khoe "đại" vài đoạn 
Biểu tượng cảm xúc smile Hy vọng cuốn sách RẤT HAY này về Lịch sử VN nửa cuối thế kỷ 19 sớm ra mắt bạn đọc!


KẾT NHƯNG CHƯA HẾT!


Đọc tin Quốc hội “lệnh” giữ môn lịch sử, tôi cũng chẳng thấy vui hơn, dù tôi phản đối chuyện “tích hợp môn sử và chuyển thành môn tự chọn ở cấp phổ thông trung học”. Cũng không coi đây là “thắng lợi” của phe “bảo thủ” (có người bạn nói những người phản đối tích hợp là bảo thủ). Bởi vì tất cả chỉ cho thấy, một lần nữa Bộ GDĐT rất chủ quan khi muốn cải cách giáo dục. Và còn em chúng ta lại sẽ tiếp tục chịu hậu quả!
Trong cuộc tranh luận (tích hợp hay ko, bỏ hay dạy sử…) tôi nghĩ không bên nào thắng! Không giữ môn Sử độc lập thì tương lai gần môn sử sẽ chết hẳn (trong trường học) vì không còn là môn sử; còn nếu giữ môn sử mà không thay đổi quan điểm về nội dung, cách dạy và học thì môn sử tiếp tục... chết lâm sàng (như hiện nay)!
Bây giờ “quyết định giữ môn sử” chỉ như được tiêm liều thuốc hồi sức cấp cứu, phải tiếp tục cứu chữa thậm chí phải đại phẫu để môn sử không thể tồn tại như đã!
Trước đó, về tình trạng môn sử quá bi đát, nhiều bạn đã nói "trách nhiệm đó thuộc về giới làm sử". Nhưng ai đưa nội dung vào sách giáo khoa? ai quy định thời lượng, cách soạn giáo án, và cả chuyện thi hay không thi Sử nữa? Giới nghiên cứu cũng có trách nhiệm gián tiếp khi chưa kịp thời lên tiếng về kết quả nghiên cứu mới chưa được cập nhật, đưa vào sách giáo khoa. Nói cho cùng vai trò của thầy cô, từ trường ĐH đến trường phổ thông rất quan trọng để môn sử còn hay mất! Nếu nói “lỗi tại giới làm sử” thì BỘ GD đúng là ko/vô trách nhiệm thật!
Lịch sử/ sử học - theo tôi không đồng nghĩa với chủ nghĩa dân tộc. Bất cứ nghiên cứu lĩnh vực nào cũng có thể trở thành người theo “chủ nghĩa dân tộc”. Chỉ là “chủ nghĩa dân tộc” khi nào/ khi ai coi Lịch sử là “độc quyền” trong việc gìn giữ truyền dạy tinh thần truyền thống dân tộc, và chỉ nói về những cái tốt mà không nói về cái xấu trong quá khứ..
[Quanh “sự cố” này bỗng thấy có những người vốn chẳng ưa gì nhau bỗng dưng trở thành “đồng minh” vì có cùng một mục đích, dù lý do của mục đích ấy thì hoàn toàn khác nhau Biểu tượng cảm xúc grin ]
Tình trạng dạy và học sử như bây giờ do chính những người đang hô hào “tích hợp, cải cách” gây nên từ nhiều năm nay. Có thể nào tin được họ sẽ thực tâm làm cho môn sử được học sinh thích thú, nếu như vẫn giữ quan điểm chính trị hóa những môn KHXHNV?
Vừa xong chuyện dạy sử thì đến chuyện “Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển cho biết, đoàn thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Y tế đã xác định trườngĐại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đủ điều kiện mở mã ngành mới là y đa khoa và dược học, theo đúng quy định của pháp luật”.
Ô hay mấy bác lãnh đạo Bộ GDĐT hình như không "gây" chuyện thì không chịu được :)

P/S. Từ bài này tôi đã chỉnh sửa, bổ sung và được đăng trên báo Tuổi trẻ cuối tuần số ra ngày 6/12/2015. 


XIN TẠ ƠN NGƯỜI…


 Biết về Lễ Tạ ơn đã lâu nhưng mình chỉ chú ý đến ngày Lễ này từ khi mình và bạn tìm thấy nhau nhờ thế giới mạng hỗn độn, ảo mà cũng thật - giản đơn!

Nơi bạn sống Lễ Tạ ơn có lẽ là ngày Lễ lớn nhất trong năm của từng gia đình, như bạn kể, các con đi đâu thì đi, ngày Lễ nào có thể không về nhưng Lễ tạ ơn thì dứt khoát phải trở về nhà, cả nhà tập hợp ở ngôi nhà chung nơi có cha mẹ, ông bà. Mặc dù chưa đến những ngày từ biệt năm cũ đón chào năm mới nhưng trong hình dung của mình, dịp lễ Tạ ơn giống như ngày Tết của quê mình, cũng có những món ăn truyền thống, cũng quây quần cả gia đình, cũng nghi lễ giản đơn mà trân trọng thể hiện lòng biết ơn những ai những gì đã mang lại cho mình một năm có cơm ăn áo mặc, có người thân yêu bên cạnh…

Tất nhiên so sánh nào cũng là khập khiễng, vì mỗi lễ hội truyền thống có nguồn gốc khác nhau, nhất là giữa hai thế giới Đông – Tây, giữa hai dân tộc có quá trình hình thành và tồn tại khác nhau, giữa vô vàn sự khác nhau về lối sống, phong tục tập quán và quan niệm đạo đức… Nhưng qua tất cả, trên tất cả lại là sự giống nhau ở tính nhân văn của những ngày lễ đó. Ở đâu cũng vậy, mình nghĩ, lòng biết ơn là nhân tính đầu tiên và cơ bản của con người.

 Biết ơn vũ trụ tươi đẹp đã bao dung cho loài người và cho mỗi con người, biết ơn ông bà cha mẹ đã tạo ra hình hài và dạy ta từng tiếng nói đầu tiên, biết ơn thế giới quanh ta cho ta những nhận thức và niềm tin, biết ơn Đất Mẹ cho vụ mùa bội thu, biết ơn từng cơn mưa từng dải nắng mang lại sức sống diệu kỳ cho mỗi rừng cây mỗi bông hoa… Tất cả đã nuôi dưỡng cho ta đủ đầy cả “bánh mì và hoa hồng”… Biết ơn từng ánh mắt dịu dàng từng bàn tay ấm áp từng bờ vai vững vàng ở bên ta mỗi khi khốn khó. Biết ơn sự chia sẻ niềm chung vui với ta trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Biết ơn từng nắm gạo từng hột muối từng cọng rau ta được chia sớt khi đói lòng…

Ở quê mình, lòng biết ơn ít khi được thốt ra bằng lời “cám ơn”, nhưng một nụ cười thay lời muốn nói, một lần thăm hỏi khi nhớ đến nhau, một nén nhang cho người mà ta mang ơn khi họ nằm xuống và nhiều năm sau nữa… Ơn người mang đến cho ta và rồi ta lại dành mang cho người khác… Làm ơn không nên nhớ mang ơn chớ nên quên, đạo lý ông bà cha mẹ đã truyền cho tụi mình như thế, phải không?

Nơi bạn ở, dù lời “cám ơn” và “”xin lỗi” có thể nghe thấy ở mọi nơi mọi lúc, luôn được nói ra với thái độ chân thành, vậy nhưng Lễ Tạ ơn vẫn là ngày Lễ quan trọng nhất của tất cả mọi người bất kể tôn giáo nào sắc tộc nào. Mình đọc ở đâu đó, rằng Lễ Tạ ơn mới hình thành chỉ vài trăm năm, so với nhiều lễ hội của các dân tộc khác đây là khoảng thời gian không dài. Vậy mà nó đã thu phục được những ai đến và sống trên mảnh đất ấy, dù họ thuộc tộc người nào đến từ châu lục nào và mang theo văn hóa truyền thống nào. Bên cạnh sự hòa nhập về lối sống, mình nghĩ, ý nghĩa nhân văn của Lễ Tạ ơn vẫn luôn được cộng đồng dân cư nơi đấy biến thành sự thật bằng những hành xử cụ thể và có hiệu quả để giúp đỡ những người mới đến.


Dù con người đến và đi trong cuộc đời này chỉ là khoảnh khắc nhưng lòng nhân từ, sự biết ơn luôn nối tiếp nhau, Tạ Ơn đời đời…


MÔN LỊCH SỬ CHỈ LÀ “TRƯỜNG HỢP ĐIỂN HÌNH”

http://www.thesaigontimes.vn/138686/Mon-Lich-su-chi-la-truong-hop-dien-hinh.html


(TBKTSG 19/11/2015)

Quanh việc Bộ giáo dục đưa ra Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó Lịch sử sẽ tích hợp với Giáo dục công dân và Giáo dục quốc phòng để thành một môn mới “Công dân và Tổ quốc” với yêu cầu nhằm giáo dục chính trị tư tưởng, dư luận xã hội lại một lần nữa “sôi lên” vì môn học này. Những ý kiến đồng thuận hay không với việc tích hợp, thậm chí có ý kiến khá cực đoan khi cho rằng nên… bỏ luôn môn học này… đều được phân tích, lập luận, lý lẽ, dẫn chứng chứ không chỉ là ý kiến mang tính cảm xúc nhất thời… Điều đáng nói là phần lớn các ý kiến gặp nhau ở một điểm: môn sử với chức năng và ý nghĩa quan trọng của nó cần có vị thế độc lập, nhưng không thể tiếp tục dạy và học lịch sử như cũ, cả về nội dung và phương pháp.  

Kết luận cuối cùng của bản Dự thảo này thế nào còn phải chờ “hạ hồi phân giải”, nhưng điều cần đặt ra là vì sao từ nhiều năm qua tình trạng dạy và học môn lịch sử luôn gây ra sự “bức xúc” nhưng khi nó đứng trước nguy cơ bị “biến mất” thì xã hội lại gần như đồng loạt lên tiếng bênh vực nó?

Thật ra những phản ứng của xã hội đã cho thấy, môn sử là trường hợp điển hình của thực trạng “cải cách giáo dục” hàng chục năm qua. Điển hình vì nó thuộc khoa học xã hội, vốn luôn phản ánh và gắn liền với thực trạng xã hội nói chung và ngành nghiên cứu nói riêng, điển hình vì quan niệm tư duy dạy và học khoa học xã hội như thế nào? Và điển hình vì như nhiều quốc gia khác ở châu Á, Việt Nam cũng có truyền thống coi trọng văn chương, lịch sử trong nền giáo dục của nhiều thời đại.

Hiện nay nói đến môn khoa học xã hội nào cũng có vấn đề chứ không chỉ riêng môn sử. Môn văn được coi là môn chính năm nào cũng thi tốt nghiệp, nhưng tình trạng “văn mẫu” rất đáng báo động và lên án bởi nó làm thui chột sự sáng tạo và tính cá nhân trong cảm thụ văn chương; môn địa lý nếu năm nào không thi tốt nghiệp thì gần như cũng bị bỏ lửng, mà thi xong thì cũng “chữ thầy trả thầy” vì kiến thức địa lý “biết dùng làm gì?”. Môn ngoại ngữ cũng vậy, Anh văn là môn “thời thượng” nhưng từ cấp phổ thông đến đại học, xong chương trình liệu có mấy em đọc thông viết thạo nói lưu loát nếu không đi học thêm ở những trung tâm ngoại ngữ? Các môn khoa học xã hội hầu như không được nhiều phụ huynh khuyến khích và tạo điều kiện cho con em theo học và học giỏi, vì nó không phải là những môn học sẽ trở thành “phương tiện” để có thể kiếm tiền, làm giàu nhanh chóng, không phải những ngành nghề “hot” của xã hội, được xã hội “lăng –xê”.

Cho nên việc môn sử bị “mất tích” trong một môn nặng tính “giáo dục chính trị tư tưởng”, không còn đứng tên riêng với nội dung độc lập và có chức năng truyền đạt tri thức khoa học, sẽ sớm làm cho nó bị “khai tử”. Đây chính là sự báo động cho những môn khoa học xã hội khác. Khi các môn khoa học xã hội không còn vị trí là khoa học thì hệ quả đầu tiên đó là “sản sinh” những thế hệ “thuộc lòng, nhắc lại” không biết tư duy độc lập.

Mặt khác từ thực tế, chống ngoại xâm là đặc điểm xuyên suốt và quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam. Trải qua hơn hai mươi thế kỷ dựng nước và giữ nước hầu như thế kỷ nào triều đại nào cũng phải tiến hành những cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập quốc gia, trong đó phần lớn là chống xâm lược từ Trung quốc. “Loại bỏ” môn sử như một môn chính đồng nghĩa với việc “giảm bớt” nội dung truyền dạy về truyền thống chống ngoại xâm, trong tình trạng biển đảo Việt Nam đang bị đe dọa từ Trung quốc và trước đó  là cuộc chiến Hoàng Sa 1974, chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, trận hải chiến Gạc Ma 1988… Chưa kể những nội dung khác về văn hóa – xã hội – kinh tế đã và sẽ không có mặt trong chương trình để thể hiện sự toàn diện của lịch sử việt Nam.

Tất nhiên, lịch sử không chỉ là việc nhắc lại quá khứ để biết quá khứ, mà là  để hiểu hiện tại và biết tương lai, Không học lịch sử như một khoa học thì không thể nhận thức được những gì đang và sẽ xảy ra, bài học và kinh nghiệm lịch sử chỉ có ích cho thế hệ sau nếu nó giúp thế hệ lựa chọn và tự định đoạt con đường tương lai.

Vì vậy, bảo vệ sự độc lập của môn sử trong trường phổ thông đồng nghĩa với việc phải thay đổi nội dung và cách giảng dạy có nhiều bất cập như hiện nay, bắt đầu từ mục tiêu dạy và học môn lịch sử. Quan điểm, triết lý, phuông pháp dạy và học các môn KHXH cần thể hiện đúng chức năng và vị trí của nó, không chỉ theo truyền thống mà còn cần phải phù hợp với thời đại hiện nay.



Chuyện tào lao (3)

HẠ CÁNH AN TOÀN
Trên khoang VIP hai ông quan chức ngồi cạnh nhau. Câu chuyện của họ xoay quanh công việc, cơ chế, nhân sự “cấp cao” rồi thời sự trong và ngoài nước… Cuối cùng sang chuyện họ sắp về hưu.
Những kinh nghiệm để “hạ cánh an toàn” được họ trao đổi với nhau rất tâm đắc.
Vừa lúc ấy máy bay chao đảo dữ dội vì vào vùng thời tiết xấu. Hai ông hoảng sợ nhận ra mọi mánh khóe gian tham đều không thể giúp họ “an toàn hạ cánh” nếu có sự cố xảy ra.

TRANH THỦ
Đầu năm bà đưa cho ông một danh sách để tổ chức kỷ niệm: ngày sinh nhật của ông, bà, của quý tử và công chúa, thượng thọ cha mẹ hai bên, giỗ ông bà nội ngoại, ngày “đám cưới vàng”… Lại có cả dự kiến ngày đám cưới con trai đám gả con gái, rồi thôi nôi cháu nội đầy tháng cháu ngoại…
Ông ngạc nhiên: năm nay gia đình mình có lắm ngày thế?
Bà: cuối năm ông hạ cánh rồi, kiểu gì cũng phải thực hiện hết cái danh sách này, biết chưa?

LÊN SÀN
- Chị nhà sắp nghỉ hưu, anh sẽ bị “kiểm soát chặt chẽ” hơn đấy.
- Phải có cách đối phó chứ!
- Cách gì?
- Anh đã dạy cho bà ấy “lên sàn”, chỉ cần vài trăm triệu tiền cổ phiếu là bà ấy sẽ quên anh ngay.
- Hi hi sao em cũng “lên sàn” lâu rồi mà chưa “quên” anh?
- Anh mà nghỉ hưu thì em quên anh ngay!
- Sao anh lại nói thế? Nhưng mà bao giờ thì anh về hưu?

ĐẦU TƯ
X. luôn đầu tư tình cảm của mọi người bằng việc… than thở về người bạn đời tệ bạc. Li dị rồi X. mở nhà hàng bằng tiền của người yêu X. đầu tư. Nhà hàng thua lỗ, X. lấy hoàn cảnh “đơn chiếc” của mình đầu tư vào túi tiền của vài người khác, để nuôi cái nhà hàng chỉ còn một chức năng là giúp X. có lý do tiếp tục “đầu tư”.
“Mô hình” của X. đã được nhiều công ty học tập và làm theo.

MỘT PHẦN THÂN THỂ
Vợ chồng ở với nhau đã mấy chục năm, con cái gái trai cháu nội cháu ngoại đủ cả. Mới được nghỉ hưu ông đi chơi xa vài ngày, khi về bà hỏi: Ông đi những đâu, vui không?
- Tôi trở về nơi vài năm trước đây đã để lại một phần thân thể…
Bà ngạc nhiên: Lấy nhau bao năm tôi biết rõ ông lành lặn cơ mà? Ôi giời ơi, ông để lại phần thân thể kiểu gì hả?!
- Bà biết ngay thôi, hôm nay tôi đưa nó về đây…

(TTC 15/11/2015)


VỀ NHỮNG NGÔI TRƯỜNG THÂN YÊU


Có lẽ tôi đã từng đọc tập truyện mang đậm tính hồi ký này nhưng không thể nhớ ra đã đọc trong thời gian nào? Nhưng điều đó không quan trọng vì lần này tôi vẫn có một cảm giác thật quen thuộc qua tất cả những gì các tác giả viết lại, chân thực và tràn đầy tình cảm với Mái trường thân yêu, với Thầy giáo của những học sinh giỏi toán.

Truyện dài Mái trường thân yêu kể về một ngôi trường miền trung du, qua đôi mắt một cậu học sinh Hà Nội sơ tán về đó vào những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc. Những trang sách làm tôi được sống lại thời gian đó, quen thuộc quá chừng và nhớ quá chừng những lớp học đơn sơ mái lá, hào giao thông ngay dưới chân bàn, mũ rơm trên lưng mỗi ngày theo đường làng, men theo cánh đồng, ven đồi đến trường, tiếng trống trường khi khoan thai báo hiệu giờ học, khi dồn dập báo động máy bay Mỹ… Và con người bình dị của làng quê, trong đó có thầy cô giáo và những người bạn mới. Thế hệ trẻ em thành phố như chúng tôi có tuổi thơ và lớn lên trong chiến tranh, có thể tự hào nói rằng rất nhiều điều tốt đẹp chúng tôi đã học được từ cuộc sống ở thôn quê: sự tự lập, biết quan tâm và chia sẻ với mọi người, và biết lao động chân tay để hiểu giá trị của những gì mình đang được hưởng dù chỉ là vật chất đơn giản.

Sự thiếu thốn về vật chất hình như làm cho người ta, nhất là bọn trẻ lại say mê sách vở hơn? Tôi nhớ mỗi lần có một quyển sách mới là cả một sự kiện, mỗi quyển sách đem lại bao điều bổ ích và bao mộng tưởng – điều không thể thiếu được đối với trẻ em. Ngày nay phương tiện nghe nhìn phổ biến nên đã làm mất thói quen đọc sách ở nhiều người, đối với trẻ em phương tiện nghe nhìn “giết chết” sự tưởng tượng  của trẻ, một đặc tính mà khi người ta lớn sẽ không còn nữa.

Sự luyến tiếc “bao giờ cho đến ngày xưa” ở nhiều người hôm nay bởi vì thời ấy nghèo khó, vất vả nhưng tràn đầy tình người – cũng là một điều xã hội ngày nay đang báo động. Nếu ai đó nhìn về miền Bắc trong những năm chiến tranh chỉ thấy sự nghèo khó thiếu thốn, cười chê người miền Bắc “quê mùa” không biết đến những sinh hoạt vật chất như ở miền Nam, thì đó là thể hiện sự hiểu biết nông cạn và đầy định kiến! Họ đã không nhìn thấy, không được biết những con người nghèo khổ và quê mùa ấy có tấm một lòng nhân hậu vô cùng, sẵn sàng nhường những gì tốt nhất cho người thành phố sơ tán về ở nhờ nhà mình. Tôi nghĩ, không có trải nghiệm này chưa chắc thế hệ chúng tôi đã trưởng thành về tinh thần – vị tha, không quá coi trọng vật chất và biết cảm thông.

Một trong những tấm gương cụ thể mà lứa tuổi chúng tôi hàng ngày được soi vào, đó là những người thầy người cô ở trường phổ thông các cấp. Quả đúng là những “người mẹ, người cha” ở trường, chăm lo cho chúng tôi thay thế cho cha mẹ chúng tôi đang chiến đấu và lao động trên mọi miền đất nước. Các thầy cô cũng nghèo khó, cũng vất vả, cũng có cuộc sống như những người nông dân, nhưng luôn hành xử đúng mực và giữ được sự kính trọng của phụ huynh, của xã hội với bản thân, với nghề nghiệp. Thầy cô còn là những mẫu mực về tri thức mà học trò luôn hướng đến. Thầy giáo của những học sinh giỏi toán là một trong nhiều người Thầy như vậy. Ông đã khơi gợi, định hướng, uốn nắn và quan trọng là đã làm cho học sinh tìm ra và hiểu được khả năng của chính mình, dù sau này làm nghề gì thì những khả năng được Thầy khơi gợi luôn là hành trang quý giá của mỗi người học trò.

Cám ơn các tác giả đã mang lại cho tôi cả một quá khứ đẹp của thời thơ ấu. Mong rằng bạn đọc sẽ nhận được từ cuốn sách này nhiều điều hay về một thời đã qua, được viết lại một cách chân thực, giản dị, không tô vẽ cũng không bi kịch hóa – điều có trong không ít các tác phẩm bây giờ viết về thời quá khứ.

Sài Gòn ngày 1.11.2015
Nguyễn Thị Hậu


 

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...