CHUYỆN TỪ MÔN HỌC CỦA TÔI


Chị bạn tôi có cậu con trai học lớp 6, mới sáng sớm chị đã thấy con trai ngồi ngủ gà ngủ gật ở bàn học, hỏi thì biết cậu đang học bài sử vì hôm nay có giờ kiểm tra. Chị hỏi con sao không học từ tối qua, cậu bé uể oải trả lời: con học rồi nhưng mãi không thuộc, nhiều rìu quá ạ! – Sao lại rìu cuốc gì ở đây? Cậu con đưa sách giáo khoa cho chị xem: Bài về Người tối cổ trong đó có nói về rìu đá (làm bằng đá cuội ghè đẽo) tìm thấy ở Mái đá Ngườm… Ngôn ngữ rất khoa học nhưng khô khan, cậu học sinh lớp 6 không hình dung được “ghè đẽo đá” như thế nào? Lại còn phải thuộc tên những di tích tìm thấy rìu đá…

Nhân chuyện dư luận đang bàn việc dạy và học môn lịch sử, chị bạn kể tôi nghe chuyện đó, không bình luận gì nhưng làm tôi giật mình : kiến thức lịch sử có liên quan đến nghề khảo cổ của tôi nếu viết như vậy trong sách giáo khoa thì thật khó khăn cho việc tiếp thu của học sinh! Chưa kể nhà trường gần như không có giáo cụ trực quan mà chỉ có hình ảnh trong sách, làm sao học sinh hình dung ra “hòn đá cuội”, hiểu được cách làm một cái rìu, cách sử dụng chúng  có giống hay khác chiếc rìu ngày nay? và quan trọng là người xưa đã sinh sống thế nào bằng cây rìu đá?

Từ chuyện này tôi nhận ra một vấn đề: đó là từ công trình nghiên cứu của những nhà sử học đến việc thể hiện, cụ thế hóa trong sách giáo khoa, cả về nội dung và hình thức như thế nào.

Viết các công trình nghiên cứu và viết sách giáo khoa là hai lĩnh vực khác nhau, nhất là viết sách giáo khoa rất khó, đòi hỏi trình độ chuyên môn khoa học và sự chuyên nghiệp về sư phạm. Những công trình nghiên cứu KHXH nói chung và sử học nói riêng không phải lúc nào cũng được cập nhật ngay vào sách giáo khoa, bởi đây là loại ấn phẩm đặc biệt đòi hỏi tính chính xác của tri thức và giá trị lâu bền của thông tin. Khi đưa vào sách giáo khoa, tùy theo đối tượng (tuổi, cấp học) mà việc chuyển tải tri thức khoa học  cần có cách diễn đạt phù hợp để học sinh dễ tiếp thu, hiểu đúng nội dung và có khả năng tìm hiểu mở rộng theo chủ đề.

Tuy nhiên trong thời đại thông tin như ngày nay, việc chậm đưa kiến thức mới vào sách giáo khoa cũng là một khó khăn cho giáo viên và thiệt thòi cho học sinh. Có thể khắc phục bằng cách xuất bản loại sách phổ cập kiến thức khoa học cho cộng đồng  từ  kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học mới, nhưng viết một cách giản dị, dễ hiểu, trình bày nội dung cốt lõi của công trình, nhưng bảo đảm tính khoa học chính xác … Ví như từ những thực phẩm tươi sạch ta nấu một bữa cơm gia đình đơn giản, ai đượ mời ăn cũng thấy ngon miệng, thay vì nấu một bữa tiệc cầu kỳ mà nhiều người tham dự cảm thấy gò bó thậm chí không thích hợp. Hoặc, hệ thống sách tham khảo cho học sinh có thể cập nhật những nghiên cứu mới này, vì là “tham khảo”n ên đưa ra nhiều thông tin để học sinh làm quen với sự đa chiều, cái mới, quen với việc suy nghĩ đánh giá những thông tin mình tiếp nhận.

Khi cộng đồng đã được biết, làm quen, thậm chí trao đổi tranh luận qua những thông tin mới thì khi cập nhật vào sách giáo khoa sẽ tránh được tình trạng bị “sốc” khi những gì đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ “bỗng dưng” bị thay thế bằng nội dung khác, hoặc tránh được những ngộ nhận về sự lạc hậu hay “quá hiện đại” của giới nghiên cứu, như trường hợp nhận định đánh giá về triều Hồ, về thời Mạc, kể cả về Nhà Nguyễn gần đây.

Trở lại chuyện học sử của cậu bé lớp 6, tôi đành “thú nhận” với chị bạn: đến sinh viên đại học chuyên ngành khảo cổ còn chẳng nhớ hết tên di tích với di vật, làm sao học sinh lớp 6 thuộc lòng cho được!

Nguyễn Thị Hậu
TBKTSG 3/12/2015



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...