SẾP VỀ HƯU


Hậu khảo cổ
Cơ quan nhà nước nào cũng từng có sếp về hưu. Có khi làm sếp từ lúc cơ quan được thành lập, trải qua “một chặng đường vẻ vang” cả chục sau năm sếp mới từ từ hạ cánh, có khi mới một nhiệm kỳ sếp đã phải nói lời từ biệt anh em… Sếp nào cũng tìm mọi cách để “hạ cánh an toàn”, đó là nhận quyết định đúng hoặc sau tuổi hưu, các chế độ chính sách còn nguyên, bảo toàn mọi tài sản “trừ bà vợ già” và “quy hoạch”, luân chuyển” con cháu đâu vào đấy. Nói chung, kinh nghiệm cho thấy sếp càng kỳ cựu thì chuyện về hưu của sếp càng quan trọng, càng để lại “di chứng” lâu dài.

Khi sếp nhận thông báo nghỉ hưu, anh em hơi xôn xao, người vui người “buồn”, sếp trở nên “nhạy cảm” hơn, bực tức nhiều hơn, quát nạt nhiều hơn, và tính toán kỹ càng hơn cho mọi “thu nhập” của mình.

Rồi đến ngày đến tháng sếp nhận quyết định. Cơ quan tổ chức liên hoan 5 ngày 3 trận: toàn thể cơ quan, phòng ban chuyên môn sếp trực tiếp chỉ đạo, văn phòng, công đoàn, đoàn thanh niên, hội cầu lông hội ten-nít, hội “chiếc ly vàng” hội “giọng ca vàng” rồi hội “bàn tay vàng”… Rồi các anh em “thân tín”, rồi những người được ơn “mưa móc”… Cuộc nào cũng hoành tráng, cũng tràn trề tình cảm cũng đầy ắp lòng biết ơn. Cuộc nào cũng gói to gói nhỏ phong bì nặng nhẹ… Và sau cuộc nào cũng vậy, khi sếp vừa quay lưng thì mọi người đều thở phào nhẹ nhõm.

Thế nhưng hôm sau và hôm sau nữa… sếp vẫn đến cơ quan, anh em lại xúm xít hỏi chào. À đúng rồi sếp còn chưa thu xếp xong đồ đạc tài liệu, vài hôm mới dọn dẹp hết.

Rồi hàng tuần sau sếp vẫn đến, phòng làm việc vẫn là của sếp. Sếp mới vẫn phải ngồi ở phòng “phó” hay tạm phòng nào đấy (nếu là người điều từ nơi khác về). Hàng ngày sếp vẫn dặn lái xe đến đón đưa. Ra vào cơ quan sếp vẫn ngó nhìn chỉ đạo việc này việc khác. Thậm chí họp giao ban cả cơ quan sếp vẫn long trọng ghế trên, phát biểu đầu tiên, nói không ngừng nghỉ… Mặc kệ phía dưới chẳng ai nghe còn sếp mới thì luôn “chăm chú” vào cái ipad trước mặt hay chồng công văn trên bàn.

Rồi đến lúc gặp nhau ở cơ quan không ai chào hỏi, các thể loại “hội” không thấy gọi tụ tập, phòng làm việc cũng phải trả lại, lái xe có mọi lý do để không đón đưa sếp nữa, đi đâu cũng bị nghe giới thiệu là “nguyên nọ nguyên kia”… Sếp tự ái đùng đùng: “chúng mày toàn bọn ăn cháo đá bát”, “thằng X. không nhờ tao thì có mà ăn cám chứ nói gì lên chức”, “con Y. tưởng thế nào hóa ra lại đong đưa với sếp mới ngay được”… Chẳng “đứa nào” thèm chấp, sếp khó chịu lắm, quay sang cáu gắt với sếp bà. Ngay lập tức: “Này, ông còn làm vương làm tướng gì nữa mà quát nạt vợ con!”

Bởi vậy, lính ở cơ quan đố nhau “sếp mới sợ ai?”
Sếp (đương chức) mà sợ ai, cùng lắm thì sợ sếp bà ở nhà? Không phải.
Sếp mới sợ cấp trên? Cũng không chắc, nghe lời thôi, làm theo thôi chứ chắc gì sợ. Mà có khi sếp lớn “sợ” sếp nhỏ, như sếp nhỏ “ngại” lái xe. Lý do thì ai cũng biết rồi.

Chỉ có một người sếp mới phải “sợ”. Sợ, ngại, tránh mặt, khó nói… thậm chí không ưa, ghét nữa… Ai vậy? Đấy là sếp cũ, người “lãnh đạo trực tiếp và toàn diện” vừa mới về hưu.
Nhưng mà, đến lúc “sếp mới” cũng phải về hưu… Màn kịch sẽ diễn lại từ đầu.

 (Tuổi trẻ cười 16/11/2015)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...