Khi di sản của cộng đồng 
là tài sản cá nhân

Câu chuyện ngôi biệt thự cổ tuyệt đẹp ở số 237 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM bị tháo dỡ trong sự tiếc nuối của nhiều người một lần nữa gợi lại những tồn tại chưa được giải quyết trong việc bảo tồn hồn di sản. 
TS Nguyễn Thị Hậu góp một góc nhìn:
Vấn đề đặt ra với ngôi nhà cổ ở đường Nơ Trang Long cũng như nhiều ngôi nhà cổ khác là cân bằng giữa nhu cầu bức thiết về sinh hoạt và đời sống của người dân - cụ thể là chủ sở hữu - và nhu cầu bảo tồn một loại hình di sản văn hóa độc đáo của Sài Gòn xưa, vì nếu để di sản văn hóa mất đi thì không có gì bù đắp được.
Nhà cổ ở các thành phố là một ví dụ thường được dẫn ra khi bàn luận về đề tài bảo tồn di sản văn hóa đô thị. Bởi vì hầu hết nhà cổ thuộc về sở hữu tư nhân, tức là giá trị kinh tế của đất, của nhà là của chủ sở hữu; nhưng giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của nhà cổ còn là di sản văn hóa đô thị, nếu có giá trị đặc biệt thì còn là của quốc gia.
Vì vậy, hơn mọi loại hình di sản văn hóa vật thể, nhà cổ thể hiện “mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển” rất gay gắt, không dễ dung hòa hay thỏa hiệp.
Phần lớn nhà cổ còn tồn tại ở TP.HCM có khuôn viên rộng, kiến trúc độc đáo “Đông - Tây kết hợp”, trang trí nội ngoại thất mang phong cách đặc trưng của giai đoạn cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20.
Trải qua thời gian lâu dài, khí hậu ẩm và những yếu tố khác tác động đến tuổi thọ của vật liệu xây dựng. Vậy phải giải quyết như thế nào?
Nếu là công trình công cộng (như công sở) thì các cơ quan nhà nước phải tuân thủ và gương mẫu thực hiện việc trùng tu, bảo tồn, tất nhiên việc đầu tiên là phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Nếu là sở hữu của tư nhân, khi người dân có nhu cầu bán hay tháo dỡ, xây dựng lại thì nhà quản lý nên khuyến khích, thuyết phục người dân trùng tu bảo tồn, thậm chí hỗ trợ về chuyên môn và kinh phí. Tuy nhiên, việc chính quyền hỗ trợ về kinh phí là một điều bất khả!
Vì vậy, phải căn cứ vào luật định để giải quyết nhu cầu cho người dân. Hoạch định chính sách bảo tồn là chức năng của Nhà nước, chính sách này mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng nhưng cũng cần đảm bảo sự an toàn và lợi ích cho người dân.
Có một thực tế là chính sách chưa theo kịp thực tiễn. Như ở TP.HCM, các cơ quan chức năng đang khẩn trương thực hiện chương trình “Bảo tồn cảnh quan biệt thự”, trong đó việc đánh giá thực trạng chất lượng và giá trị những ngôi nhà cổ, biệt thự xưa mất nhiều thời gian và công sức, chưa kể trên thực tế nhiều trường hợp rất phức tạp về chủ sở hữu loại hình di tích này.
Nhưng kể cả khi đã có quy định cụ thể về bảo tồn và xếp hạng di tích thì những ngôi nhà cổ vẫn rất cần những “nhà đầu tư” hiểu biết và trân trọng giá trị của những di sản này.
Có như vậy, chúng ta mới có thể đầu tư vào việc trùng tu tôn tạo, bảo tồn để gìn giữ và tăng giá trị di sản, đồng thời có thể chuyển đổi công năng để thu được lợi nhuận từ giá trị di sản văn hóa.
Đi cùng với ý thức của nhà đầu tư là việc tạo điều kiện và hoàn thiện chính sách, luật pháp như rút ngắn quy trình hoàn tất hồ sơ, ưu đãi về thuế cho việc mua bán, sang nhượng với mục đích bảo tồn kiến trúc cổ, chẳng hạn.
Đấy là kinh nghiệm của nhiều quốc gia trong chính sách “xã hội hóa” bảo tồn di sản văn hóa. Bởi vì với tài sản là của cá nhân nhưng di sản là của cộng đồng, việc tạo điều kiện để mỗi cá nhân trong cộng đồng cùng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị, đồng thời thu nhận được lợi ích kinh tế từ di sản văn hóa chính là vai trò chức năng quản lý của Nhà nước.
Hiện nay, các nhà cổ thường ở vào tình trạng:
- Buộc phải thay đổi về kiến trúc (một phần hay toàn bộ) do nhu cầu của chủ nhà (cũ hoặc mới).
- Sự thay đổi chủ sở hữu có thể làm ngôi nhà bị tháo dỡ, bán đi toàn bộ để xây dựng nơi khác, hoặc bán từng bộ phận kiến trúc cũng như trang trí (có giá trị như đồ cổ).
- Sự thay đổi cảnh quan xung quanh, từ nông thôn thành đô thị, làm nhà cổ trở nên “lạc lõng” trong cảnh quan hiện đại. Đồng thời giá trị đất đai ở vùng đô thị cũ ngày càng tăng. Vì vậy chủ sở hữu có nhu cầu bán đất/nhà để giải quyết đời sống.


http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20160628/khi-di-san-cua-cong-dong-la-tai-san-ca-nhan/1125982.html

Vụn vặt đời thường (115)

@
- Đã tìm thấy mảnh vỡ máy bay và một số thi thể quân nhân trên máy bay CASA. Nhưng vì sao CASA lại bay tìm đồng đội ở vùng biển Vịnh Bắc bộ trong khí máy bay SU rơi ở vùng biển Nghệ An?
- Bao giờ thì dân chúng được biết nguyên nhân hai máy bay này bị rơi, cũng như chiếc máy bay rơi ở Hòa Lạc gần hai năm trước?
- Phi công Cường may mắn sống sót trở về, nhưng nhiều đồng đội của anh đã mất. Tôi chắc anh Cường đang rất đau đớn cả tinh thần và thể xác! Mong anh bình tâm và không gặp điều gì khó khăn trong thời gian sắp tới!
- Mọi đền đáp, tri ân NHỮNG người lính đã mất là cần thiết và phải đạo. Nhưng không có nghĩa là phải "giết chết" người nào bày tỏ không giống số đông. Đã có quá nhiều người chết về thể xác xin đừng để có thêm những người chết về tinh thần!

@ "Tiến hóa" vào phụ thuộc
1950. Thân thể người ta chia làm 3 phần: đầu, mình và tứ chi.
1970. Thân thể người ta chia làm 4 phần: đầu, mình, tứ chi và xe đạp
1980. Thân thể người ta chia làm 4 phần: đầu, mình, tứ chi và xe máy.
2010. Thân thể người ta chia làm 5 phần: đầu, mình, tứ chi, xe máy và smartphone.
2020. Thân thể người ta chia làm 6 phần: đầu, mình, tứ chi, xe hơi, smartphone và khẩu súng.

2030. Thân thể người ta chia thành mấy phần?

@ "Khởi đầu là Lời" và sẽ kết thúc khi Lời rơi vào hố đen 

Vụn vặt đời thường (114)

@ Vì “dùng từ phản cảm” mà phải rút thẻ nhà báo thì e rằng đã và sẽ nhiều “nhà báo” phải bị xử lý như vậy! Không muốn nhưng tôi vẫn phải liên tưởng đến việc nhà báo MPL là một trong số rất ít người được có mặt trong buổi gặp riêng với TT Obama! Nhân tiện, bài trên báo của anh TBT “như chóa” chụp mũ MPL đọc mà mắc ói!

@ Sau khi các anh hy sinh, công chúng mới biết nhiều người trong các anh gia cảnh rất khó khăn! Thời nào cũng vậy “nước sông công lính”, dù có thế các anh mang hàm sĩ quan nhưng là những người trực tiếp huấn luyện và trực chiến thì có bao giờ giàu có được!

@ “Đất nước càng có nhiều anh hùng thì càng nhiều bất hạnh!” – tôi đã đọc ở đâu đó câu này và càng ngày càng thấm thía. Nhưng phải trở thành anh hùng vì nguyên nhân nào không ai và không bao giờ được biết thì còn bất hạnh hơn nhiều lần!
Mà trên đất nước này còn biết bao nhiêu sự việc tù mù như thế!


MỘT NGÀY TRONG NHỮNG NGÀY RẤT BUỒN!


MƯA NẮNG SÀI GÒN

Nguyễn Thị Hậu

Mưa Sài Gòn ào đến thật nhanh, thật lớn, rửa trôi bụi đường làm tan khói xe. Nhưng rồi bỗng chốc những vòm lá ánh lên tinh khôi trong nắng nhạt khi tạnh mưa, cũng bất ngờ như khi mưa đến. Và mặt trời dịu dàng tạm biệt phố... Sau vài phút dòng người và xe lại tấp nập trên đường. Bạn còn nhớ không, một ngày nào đó bạn vào Sài Gòn. Tối đầu tiên Sài Gòn đón bạn bằng cơn mưa như muốn sập trời sập đất, bạn nói: lạ thật, mới hồi chiều nắng chói chang như thế, gió nhẹ như thế, Sài Gòn vẫn “thất thường” thế ư? Tôi cười, Sài Gòn đang mùa mưa mà, bất ngờ mưa thì cũng bất ngờ dứt thôi… Đường ào ạt nước, người và xe vẫn ào ạt chạy, quả nhiên chỉ trong chớp mắt những hạt mưa nhẹ dần rồi tạnh hẳn. Không khí đầy hơi ẩm, mát lạnh, phố loang loáng nước, những vòm lá trên cao lấp lánh ánh đèn… Những cơn mưa Sài Gòn với bạn bè miền xa luôn dễ thương như thế.
Có những buổi chiều tối cơn mưa đen trời, nhà không có ai, một mình lắc lư trên cái võng gần cửa sổ. Nghĩ, sao không mở cửa sổ cho mát nhỉ, mưa có tạt một chút cũng có sao đâu. Bèn mở tung cánh cửa… Gió lẫn hơi nước li ti hắt vào mang theo hơi ẩm mát của đất, của mưa tràn vào nhà. Thoang thỏang mùi hoa ngọc lan rồi bỗng chốc hương thơm đẫm trong căn phòng nhỏ. Nhìn ra, ồ, cây ngọc lan trồng dạo nào giờ đã cao ngang cửa sổ. Không thể nhìn thấy những nụ hoa trắng như ngọc trốn trong kẽ lá, thế mà hương thơm cứ quấn qúyt chẳng thèm biết đến những giọt mưa đang ào ào rơi xuống. Hương ngọc lan nồng nàn làm ta muốn hít một hơi căng lồng ngực, để rồi khi ngủ hơi thở vẫn đẫm hương thơm…
Mưa như không có ý định ngừng lặng. Một mình với hương thơm mỏng manh và những ý nghĩ không đầu không cuối, đôi lúc không rõ tiếng mưa rơi hay là tiếng ký ức vọng về. Bỗng thấy tiếc nuối vì mình đã bỏ lỡ nhiều cơn mưa thơm như thế…


Mùa nắng ở Sài Gòn không thấy rõ cái rạo rực sinh sôi của “mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông uống nước” như mùa nắng miền cao nguyên. Nhưng thóang đâu đây sức sống bừng lên đỏ rực những chùm bông giấy trên phố, ần hiện đâu đó trên gương mặt người thiếu nữ rạng ngời, trên đôi vai vững chãi của chàng trai trẻ. Tháng năm qua tháng sáu mùa nắng đang chầm chậm nhường chỗ cho mùa mưa năm nay đến trễ. Nắng còn như tiếc nuối, sau những ngày nóng bỏng chói chang tháng năm này nắng lại bùng lên, gay gắt mà đắm đuối…
Một buổi chiều nắng vàng sánh như mật, đón bạn từ xa về, ngồi trên tầng lầu cao nhất thành phố ngắm nhìn Sài Gòn. Sài Gòn của tôi không có những con đường nồng nàn hoa sữa, không có những con phố dài xao xác gió heo may, không có những mặt hồ biếc xanh mờ sương sớm. Nhưng Sài Gòn có những con đường trưa nắng vàng hoa điệp, có hàng cây mỗi chiều thả những cánh hoa dầu xoay tít bay bay, có những đêm gió chướng ào ạt thổi qua thành phố. Sài Gòn của tôi có những quán cà phê nơi chúng ta cùng bạn bè gặp gỡ. Có dàn bông giấy nghiêng nghiêng che mát vỉa hè khấp khểnh từng viên gạch, cánh tím mỏng manh nhẹ nhàng đậu xuống bên ta. Sài Gòn luôn có những gương mặt lạ quen mỗi ngày, những con người thoắt đến thoắt đi mà sao bỗng thấy thân thiết lạ lùng…
Sài Gòn còn có những cơn mưa cơn nắng đan cài vào nhau để rồi không biết là đang đi giữa mưa hay là giữa nắng. Mưa nắng Sài Gòn cũng trẻ trung nghịch ngợm như những chàng trai cô gái Sài thành, chẳng cần áo mưa cứ để mặc những hạt mưa rơi xối xả thấm vào người mát lạnh, bởi vì trên kia vẫn mặt trời rực rỡ, bởi vì, có ai mặc áo mưa giữa trời nắng bao giờ? Những cơn nắng cơn mưa nồng nàn đuổi bắt nhau như đôi lứa yêu nhau giận hờn rồi lại làm lành, để rồi khi phía chân trời hiện ra cầu vồng rực rỡ như màu hạnh phúc, trời Sài Gòn lại trong vắt tinh khôi.
Mưa nắng Sài Gòn làm nên nỗi nhớ cho người đi xa, và cả nỗi nhớ của người ở lại...


Sài Gòn 14.6.2016

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: Di sản phải quý hơn vàng



Không còn công tác tại Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM nhưng mối quan tâm dành cho di sản văn hóa nước nhà vẫn luôn đau đáu trong suy nghĩ của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu. Ngoài các bài viết hay phỏng vấn trên các báo và tạp chí; mới đây, chị còn ra mắt cuốn sách “Chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau?”, như một cách lên tiếng cho vấn đề mà mình quan tâm bấy lâu.

PV: Cuốn sách của chị được phân chia thành 3 phần rõ ràng, tuy nhiên tôi lại chú ý với phần 2 - “Chúng ta để lại gì cho tương lai?”. Cũng với câu hỏi này, để trả lời cho thế hệ tương lai về câu chuyện bảo tồn di sản hiện nay, chị sẽ nói gì?

TS Nguyễn Thị Hậu: Tôi nhớ có lần viết ở đâu đó rằng, mình đang sợ để lại cho tương lai những di sản chắp vá, mà điển hình là di sản phi vật thể lễ hội. Những năm gần đây, việc phục dựng tràn lan, phục dựng sai quy trình, ý nghĩa, mục đích khiến lễ hội không còn là của dân gian nữa. Nó đang bị hành chính hóa, nhà nước hóa; và đó là nguy cơ rất lớn.
Nhìn vào nhiều lễ hội ở phía Bắc, tôi thực sự cảm thấy đau xót. Việc phục dựng lễ hội như ở đền Trần hay đền Bà Chúa Kho đã bị biến tướng thành dịp đi cầu xin thăng quan tiến chức hay đi vay mượn làm ăn của đại gia. Thêm vào đó, hàng loạt hiện tượng khác nuông chiều tâm thức người thời nay khiến nơi tôn nghiêm không mang tính tâm linh mà biến thành nơi chốn kinh doanh mua bán.
Thực trạng này sẽ làm cho lớp trẻ không nhìn thấy, không hiểu được giá trị tinh thần quan trọng của lễ hội mà vì đó mà mình muốn bảo tồn; cuối cùng chỉ còn cái vẻ bên ngoài là “lễ hội truyền thống”. Do vậy khi người trẻ không hiểu giá trị đích thực mà chỉ biết lễ hội như một kiểu “thời trang tâm linh” thì dần dần di sản sẽ biến mất. Điều khiến tôi lo lắng hơn là thế hệ sau không thấy được mục tiêu, ý nghĩa ban đầu của lễ hội – một phần biểu hiện của lịch sử, văn hóa thì họ rất dễ gạt đi những gì quá khứ để lại vì không còn tin tưởng vào bất cứ thứ gì. Đây là mối nguy hại rất lớn!

PV: Đó là câu chuyện di sản phi vật thể còn di sản vật thể thì sao, thưa chị?

TS Nguyễn Thị Hậu: Gần đây phải ghi nhận những cố gắng rất lớn của ngành bảo tồn di sản kể cả từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan khoa học và địa phương. Nhưng bên cạnh đó cũng có những điểm nổi cộm không thể không nói đến. Dễ nhận thấy nhất là những di sản đô thị của Sài Gòn chỉ trong vài năm gần đây đã biến mất, nói thẳng ra là bị phá một cách không nương tay. Ở khu trung tâm cũ của Sài Gòn nhiều cảnh quan xưa hơn 100 năm không còn nữa hoặc bị phá hủy hoặc không còn nguyên vẹn nữa, chen vào đó là những công trình mới, nói thật là không đẹp, như trên tuyến đường Đồng Khởi chẳng hạn..
Gần đây nhất là việc “biến mất” của cụm di tích Ba Son khiến nhiều người tiếc nuối vô cùng. Ngoài di tích lịch sử 300 năm từ thời Chúa Nguyễn, Ba Son còn là di tích hiếm hoi về công nghiệp đóng tàu của nước ta. Lẽ ra, toàn bộ cảnh quan sông nước và di tích cần được trả về phục vụ lợi ích cộng đồng cư dân đô thị  nhưng hiện nay nó hoàn toàn nằm trong dự án dành cho người giàu. Đó là thiệt thòi rất lớn đối với đô thị Sài Gòn.

PV: Có một vấn đề được nhắc đến lâu nay, đó chính là bài toán giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị. Nhưng dường như chúng ta vẫn chưa tìm được lời giải thích đáng, mà trường hợp Ba Son là một ví dụ?

TS Nguyễn Thị Hậu: Giữa bảo tồn và phát triển luôn đặt ra câu hỏi: bên nào sẽ thắng hay có phương pháp nào mà hai bên cùng thắng? Kinh nghiệm của các nước cho thấy hoàn toàn có phương pháp như vậy. Không riêng gì với Ba Son mà tất cả các di sản khác luôn có những vấn đề đặt ra: lựa chọn lợi ích kinh tế trước mắt hay lâu dài, lựa chọn lợi ích của một nhóm nhỏ hay của cộng đồng? Khi trả lời thế nào sẽ tìm ra phương pháp giải quyết như thế.
Dựa trên kinh nghiệm của các nước, nhiều nhà chuyên môn đã đề xuất Ba Son có thể sử dụng một phần để xây dựng và phát triển, đáp ứng nhu cầu của thành phố, nhưng phần quan trọng nhất của Ba Son là di tích và cảnh quan bờ sông có thể biến đổi công năng để bảo tồn: những dãy nhà xưởng rất đẹp, hai ụ tàu cổ xưa… tất nhiên về chất lượng công trình thì phải trùng tu để đản bảo an toàn. Chúng ta có thể lưu giữ làm bảo tàng hoặc làm khu nghệ thuật cho người trẻ; thậm chí là khu thương mại nhưng bên trong cái “vỏ cũ” chứ không phải là phá đi xây mới. Mô hình bảo tồn như vậy trên thế giới có rất nhiều. Tuy nhiên, ở nước ta nói chung và khu vực Ba Son nói riêng thực tế lại không được như vậy. Các nhà đầu tư thường chọn “tiền tươi thóc thật” ngay và luôn! Ở đời cái gì cũng chỉ có ngần ấy thôi; nếu một bên lấy cả thì bên kia sẽ không còn gì.  

PV: Hơn một năm trước chị có chia sẻ về cảm giác chưa hài lòng với công tác bảo tồn di sản. Còn hiện tại thì sao, thưa chị?

TS Nguyễn Thị Hậu: Tôi vẫn chưa hài lòng, thậm chí còn cảm thấy bi quan hơn. Hơn hai năm nay, tôi vẫn bám sát việc bảo tồn di sản ở Sài Gòn. Trên bình diện chung, cần ghi nhận những cố gắng từ chính quyền thành phố hay cơ quan chức năng, như Sở Quy hoạch Kiến trúc cùng nhiều chuyên gia tư vấn đưa ra những quy chế về bảo vệ cảnh quan đô thị, cảnh quan biệt thự... Tuy nhiên, những công trình được coi là cột mốc của Sài Gòn thì không giữ được, xu hướng phá khu tring tâm vẫn cgưa ngừng. Chẳng hạn như Ba Son, khu vực đường Nguyễn Huệ và những phố nhỏ xung quanh.
Hiện nay, quan niệm về vùng lõi đô thị nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa vẫn chỉ là vùng “đất vàng”, thậm chí “đất kim cương”, chưa được chính quyền quan niệm là “vùng di sản”. Di sản phải quý hơn vàng chứ! Vì nó được truyền từ nhiều đời và là tài sản chung của tất cả cư dân. Nhưng tiếc thay thực tế lại không như vậy.  

PV: Theo chị, nên có sự kết hợp như thế nào giữa 3 đối tượng: nhà quản lý, nhà chuyên môn và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy di sản, để chúng ta không phải hổ thẹn với tương lai?

TS Nguyễn Thị Hậu: Thực ra, ngoài 3 đối tượng như bạn nói, giờ đây có thêm một đối tượng nữa mà theo tôi phải cực kỳ lưu ý chính là những nhà đầu tư vào đô thị. Trong quá trình hiện đại hóa đô thị hóa hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư ở đô thị hoặc từ là nơi khác đầu tư vào đô thị. Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản mang lại kết quả tốt nhất thì nhà đầu tư cũng phải có sự liên kết với ba đối tượng kia. Mối liên kết ở đây là gì?
Chính quyền là người thay mặt dân cư quản lý đô thị, trong quy hoạch của chính quyền phải có hoạch định và quan điểm rõ ràng về bảo tồn di sản: phá hay không giữ? Nếu như chính quyền kiên quyết giữ, thì phần tiếp theo là lắng nghe tư vấn từ các nhà chuyên môn xem giữ như thế nào, giữ đến đâu. Không phải cái gì thuộc về “đồ cổ” mình cũng phải giữ nhưng là di sản có giá trị đặc biệt thì bắt buộc phải bảo tồn; còn những di tích khác có thể “bảo tồn” bằng cách khai quật khảo cổ, quay phim, chụp ảnh hay đưa hiện vật vào bảo tàng, lấy đất đai đáp ứng sự hiện đại hóa về giao thông, hạ tầng… của đô thị..
Sau khi lắng nghe tư vấn, phải lựa chọn nhà đầu tư có cùng quan điểm và tôn trọng quyết định của chính quyền, tức là nhà đầu tư có tầm văn hóa và có tâm vì “lợi ích muôn đời”. Cái tầm  văn hóa ở đây thể hiện nhà đầu tư hiểu biết về giá trị di sản. Anh đầu tư có thể không lấy lợi được ngay nhưng cộng đồng sẽ tôn trọng anh bởi khi đầu tư vào khu đất ấy, anh sẽ làm mọi cách để di sản ấy phát huy giá trị nhiều hơn, tăng giá trị văn hóa và cả giá trị kinh tế của nó chứ anh không phá nó đi chỉ để kiếm tiền. Tôi cho rằng, bên cạnh nhà quản lý, nhà đầu tư không có tầm văn hóa, không có tâm với di sản của một vùng đất, mở rộng hơn là của đất nước thì nghiễm nhiên di sản đó sẽ bị phá thôi.  
Cuối cùng là cộng đồng có trách nhiệm lên tiếng, mà muốn có tiếng nói thì cộng đồng cần có sự hiểu biết. Tôi vẫn nghĩ rằng, ở thời điểm bây giờ tiếng nói của cộng đồng rất quan trọng nhưng trách nhiệm cuối cùng vẫn là nhà quản lý. Khi nhà quản lý không có một thái độ, quan điểm rõ ràng đối với di sản, việc bảo tồn di sản sẽ rất khó khăn.

PV: Cảm ơn về những chia sẻ của chị.

HUY SƠN (thực hiện)


@ Linh tinh lang tang (161) CÁ VÀ NHỮNG CHUYỆN KHÁC


Chuyện cá chết đến nay vẫn không biết vì sao, thỉnh thoảng lại có tin bắt được những xe chở cá chết đi đâu không biết, những lô hàng cá đông lạnh nhiễm độc. Ngư dân vẫn nhiều gia đình treo lưới, chút tiền gạo cứu trợ đã hết từ lâu.
Những hân hoan với ông Obama cũng đã hết, những ồn ào vì 60 phút mở cũng đã qua, tranh luận mạt sát nhau vì ông BK cũng tạm lắng xuống.
Cá nhiễm độc hay 60 phút mở đều làm cho người dân thấy rõ sự không minh bạch của chính quyền và sự tráo đổi những chân giá trị của cơ quan truyền thông lớn nhất nước.
Người xới ra chuyện ông BK ngay sau chuyến thăm của ông Obama quả là “cao tay”: từ những hân hoan gần như không có thái độ đối lập thì ngay lập tức lại hình thành hai “chiến tuyến” rõ ràng bùm chéo nhau kinh hoàng!
Tình trạng này trong lịch sử gọi là “chuyển mâu thuẫn nội tại thành mâu thuẫn với bên ngoài!” Mà lịch sử cũng cho biết rằng, “ông bạn vàng” láng giềng là “tổ sư” trong nghề “chuyển biến” này!

Chó Tây chó Ta (truyện 100 chữ)
Đến nhà bạn ở Paris, chó nhà chỉ sủa vài tiếng rồi im, những con chó nhà khác đang loanh quanh gần đấy thì không sủa tiếng nào.
Nhớ đến chung cư nhà mình, hễ một con chó sủa lập tức những con khác cũng gâu gâu ầm ĩ, dù đang bị nhốt trong nhà.
Đúng là chó Tây khác chó Ta thật. Bọn chó Tây cá nhân nên khách nhà ai chó nhà nấy sủa, còn chó Ta coi bộ có “trách nhiệm tập thể” hơn, không phải khách nhà mình cũng sủa.
(POST LẠI CHUYỆN CŨ)
Post lại phim này nhân anh con quan nói rằng "mọi người đều bình đẳng" trong cơ hội thăng quan tiến chức!!!
TRẠI SÚC VẬT
https://www.youtube.com/watch?v=IN-VteDEIL4&sns=fb

SÀI GÒN - VIỆC THIỆN TỪ TÂM

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/bao-nguoi-lao-dong-doat-6-giai-bao-chi-20160609175402228.htm#first
Trong loạt bài của báo NGƯỜI LAO ĐỘNG  đạt giải NHẤT báo chí TPHCM 2015 - 2016.


Nguyễn Thị Hậu

Có lẽ Sài Gòn là nơi việc làm từ thiện phổ biến và đa dạng nhất.
Ngay từ cuối những năm 1980, trong khi đang phải gồng mình vượt qua biết bao thiếu thốn khó khăn, hậu quả của một thời bao cấp “ngăn sông cấm chợ”, Sài Gòn đã là nơi đầu tiên xuất hiện và phát triển phong trào xây dựng “Nhà tình nghĩa” tặng những Mẹ Việt Nam anh hùng sống neo đơn. Tiếp đó là những ngôi “Nhà tình thương” dành cho những gia đình nghèo khó, rồi là địa phương luôn đi đầu trong phong trào “xóa đói giảm nghèo”.

Những năm gần đây hoạt động từ thiện ở Sài Gòn ngày càng nhiều hơn. Không kể những phong trào của các tổ chức, đoàn thể cơ quan nhà nước… thực hiện giúp đỡ đồng bào các nơi khi gặp thiên tai bão lụt, ở Sài Gòn còn có rất nhiều nhóm bạn từ mạng xã hội kết với nhau trong một hoạt động từ thiện vào dịp nào đó. Những nhóm bạn này hầu như chẳng biết nhau ngoài đời, chỉ kết friends trên facebook, dù có người quan niệm đó là những người bạn “ảo” nhưng những đóng góp của họ - đơn giản nhất là qua tài khoản ngân hàng - là rất thật. Và từ việc làm hữu ích họ đã trở thành những người bạn ở ngoài đời.

Tôi có những bạn bè là doanh nhân, chỉ là doanh nghiệp nhỏ thôi nhưng các bạn luôn có những chuyến đi về vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo... Mỗi chuyến đi là vài tấn gạo, mấy trăm cuốn tập, quần áo lạnh giày dép cho trẻ nhỏ, không quên một số phần học bổng cho học sinh nghèo. Tự đi tiền trạm tìm hiểu tình hình cụ thể rồi tự lái xe chở đồ, tự phân phát tận tay người cần giúp... Có anh chị còn thường xuyên đến những vùng thiếu nước để khoan giếng, mang lại nguồn nước sạch cho người dân sử dụng, giúp họ có điều kiện sinh hoạt thuận lợi hơn, nhằm giảm thiểu những bệnh tật phát sinh do điều kiện sống mất vệ sinh. Việc làm bình thường “có đáng kể gì đâu” của họ đã thực hiện từ nhiều năm nay, mỗi lần như vậy còn có thêm sự đóng góp ít nhiều của bạn bè, người thân.

Anh bạn là nhà văn nhiều người biết tiếng, miệt mài viết và cũng miệt mài trên chiếc mô tô đi đến nhiều tỉnh thành tặng học bổng cho các em học giỏi nhà nghèo. Tiền học bổng do anh quyên góp từ bạn bè, thậm chí có lần anh còn “ăn mày” tận nước Mỹ trong dịp anh qua thăm gia đình. Bạn bè thương quý tặng anh khi thì chai rượu, khi thì cây bút đắt tiền, có khi cả máy lapptop, máy chụp hình... anh đều bán đấu giá để “sung quỹ” học bổng. Không biết anh đã giúp được bao nhiêu em học sinh qua được lúc khó khăn để có thể tiếp tục học hành.

Mỗi năm vào đầu tháng tám con gái tôi và bạn bè tổ chức mua bánh trung thu, lồng đèn tặng cho bệnh nhi trong Bệnh viện ung bướu hay đi tặng quà cho thiếu nhi mấy xã nghèo ở huyện Cần Giờ. Chỉ một dòng thông báo ngắn gọn trên facebook thôi đã nhiều người “nhào vô” hỏi thăm, đóng góp, rồi hẹn nhau cùng đi mua bánh cùng đi tặng quà. Một tuần tất bật, một ngày chung tay chia sẻ chút niềm vui cho những em nhỏ không may cũng là một ngày có ích cho các bạn trẻ.

Khó có thể kể hết những việc làm từ thiện của người Sài Gòn. Đấy là nhận xét không phải chỉ dựa vào cảm tính, mà như một nhà nghiên cứu đã dẫn từ một công trình khoa học, hoạt động từ thiện tại Nam Bộ nói chung và ở TP. Hồ Chí Minh nói riêng nổi trội hơn hẳn so với khu vực phía Bắc cả về quy mô, mức độ và có những nét đặc trưng riêng rõ rệt”.

Nhiều người cho rằng phải từ sự sung túc hơn về kinh tế thì Sài Gòn mới thương người, giúp người được. Nói vậy thì chưa thỏa đáng. Nếu không
coi việc giúp người là chuyện cần làm và làm được thì việc từ thiện không thể như “chuyện thường ngày”. Tích xưa của vùng Gia Định kể về ông Thủ Huồng làm Nhà Bè ở ngã ba sông, để sẵn gạo nước cho người đi ghe xuồng qua lại sử dụng khi lỡ con nước là một điển hình cho tính cách “bao đồng” nhưng lại là “thương người như thể thương thân” của người Gia Định. 

Nhưng không phải chỉ có người giàu mới giúp người cơ nhỡ. Ở Sài Gòn ta có thể nhìn thấy nhiều người chẳng sung túc gì vẫn có thể giúp người khốn khó hơn mình, bởi vì họ không ngại khi mình chỉ giúp được một chút, vì họ tin nếu nhiều người giúp một chút sẽ được một kết quả lớn. Thực tế những câu chuyện của các bạn tôi là như vậy. 

Từ lịch sử và điều kiện tự nhiên của vùng đất phương Nam, lưu dân nhiều nơi vào Nam bộ đều có hoàn cảnh giống nhau nên ở vùng đất mới họ phải đùm bọc giúp đỡ nhau, không giúp người thì ai sẽ giúp mình khi gặp khó khăn, họ suy nghĩ giản dị vậy thôi. 

 “Nam bộ được thiên nhiên ưu đãi, người Nam bộ làm chơi ăn thiệt” là một lối mòn trong suy nghĩ và nhận thức. Cần hiểu rằng người Nam bộ đã vượt qua biết bao khó khăn gian nan để làm nên một vùng đất đai trù phú. Có chăng chỉ là người Nam bộ không hay than khó kể khổ, bởi vì ai cũng như mình, than thở có ích gì, hãy giúp nhau làm cho được việc… Việc đã làm xong thì coi những khó khăn đã qua là “chuyện nhỏ” chứ đâu phải làm ăn dễ dàng như chơi?
Trải qua nhiều thế hệ, lối suy nghĩ, hành xử như vậy trở thành đạo lý của người Nam bộ.

Cũng từ hoàn cảnh lịch sử mà người Sài Gòn có tính thực tế cao, giúp đỡ người cơ nhỡ khó khăn cụ thể bằng việc làm, không tính toán thiệt hơn, giúp người trong khả năng của mình, dù ít cũng không ngại và nhiều cũng không đòi hỏi đền đáp trả công. Làm việc nghĩa “ngay và luôn” là cách người Sài Gòn thể hiện tình cảm, lòng trắc ẩn đối với đồng bào mình.

 Hoạt động từ thiện ở Sài Gòn thường đáp ứng những nhu cầu thực tế và cấp bách. Từ bữa cơm ly nước miễn phí đến những thùng tiền quyên góp cho trẻ khuyết tật trong các siêu thị không bao giờ vơi, từ việc hàng ngày sửa xe miễn phí cho người khuyết tật, người bán vé số… đến những hoàn cảnh ngặt nghèo được cơ sở mai táng giúp “quan tài từ thiện” khi có người chẳng may qua đời… Trong nhiều lễ tang thì tiền phúng điếu được gia đình – thể theo nguyện vọng của người vừa mất – đóng góp vào quỹ từ thiện của phường, hội... Sài Gòn còn có nhiều đoàn bác sĩ thường xuyên đi khám chữa bệnh phát thuốc từ thiện cho đồng bào các tỉnh, kể cả sang nước bạn Lào, Campuchia. Đây cũng là nơi tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức phi chính phủ các nước thực hiện nhiều dự án về y tế, giáo dục, giúp đỡ trẻ em đường phố và những đối tượng “dễ bị tổn thương” trong xã hội.

Sài Gòn luôn tạo cơ hội cho mọi người, vì vậy phần lớn những người đến làm ăn sinh sống ở đây khi có điều kiện cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác như một lẽ tự nhiên. Khi những người tâm thiện gặp nhau, tự giác gắn kết, lại biết cách tổ chức thực hiện công việc “từ gốc đến ngọn”, rành mạch sòng phẳng các khoản thu chi… nên những hoạt động thiện nguyện ở Sài Gòn ngày càng lan tỏa.
 Sài Gòn 20.9.2015





Báo Tiền phong chủ nhật 5/6/2016


Tên con là Hoàng Sa

Cha không về
Từ khi con còn đỏ hỏn
Cha nằm lại ngoài khơi xa
Hơn bốn mươi năm
Mẹ ở nhà
Vẫn chờ một ngày cha trở lại

Con lớn lên
Mang hình hài của cha và nỗi niềm của mẹ
Bao nhọc nhằn vất vả
Không bằng sự ghẻ lạnh đó đây
Nhà vắng cha nhưng tình mẹ luôn đầy
Bù đắp cho con cho ông bà
Bóng dáng người đàn ông đi xa

Năm tháng trôi qua
Hoàng Sa tên con
Giờ đã thành cái tên nhiều người nhắc đến
Thân thương như quê hương mình
Tình nghĩa đồng bào
Một nhịp cầu
Nối lòng người hai bờ chiến tuyến

Trên vùng biển thăm thẳm ngoài kia
Những cái tên Hoàng Sa, Trường Sa, Gạc Ma, Nhật Tảo
Không còn là nỗi đau trong Nam hay ngoài Bắc
Mà là nỗi đau Việt Nam!

Có đứa trẻ sinh ra mang tên Hoàng Sa
Như bao đứa trẻ mang tên Hòa Bình, Thống Nhất
Những cái tên là ước ao khát vọng
Nhưng có cái tên là nơi cha nằm lại không về…

Dù năm năm, mười năm, trăm năm
Còn đất còn trời còn biển
Hôm nay đã một lời tuyên thệ
Ngày mai sẽ gặp lại Hoàng Sa!

Sài Gòn 19.1.2016



Miền Tây tháng tư

Tháng tư nóng gắt
Miền Tây khô nứt nẻ mặt người
Đất mặn sông khát 
Cây lá vàng phèn
Ruộng trơ mình nằm phơi dưới nắng
Gốc rạ cháy
Mạ gieo rồi cũng cháy
Bước chân người nóng bỏng
Đi đâu?

Tháng Tư chưa mưa
Tháng Tư có còn mưa nữa?
Nơi thượng nguồn sông mẹ oằn lưng
Vượt qua những con đập chắn
Đưa nước về xuôi
Nuôi đứa con út đồng bằng
Giàu con út khó cũng là con út
Bao đời nay út nhờ út chịu
Mùa này cạn kiệt
Út trân mình khô hạn cùng mẹ, mẹ ơi!

Vựa lúa hàng trăm năm còn trồng được lúa?
Mùa nước nổi có còn là mùa cá mùa tôm?
Miền Tây nước ngọt sông sâu
Con gái tóc dài da trắng
Bao nhiêu em đã lấy chồng xa
Mùa này những em còn ở nhà
Lại theo bạn bè lên thành phố
Đời không còn bình dị như câu vọng cổ
Chiếu anh bán rồi em nằm lại với ai

Tháng tư thành phố nắng như nung
Mong một cơn mưa
Nhưng mưa ơi hãy về miền Tây trước nhé
Ruộng mới cấy chờ mưa
Vườn cây trái chờ mưa
Sông chờ mưa người cũng chờ mưa

Vườn trưa mơ tiếng võng đưa
Gió về…

Sài Gòn 10.4.2016





ĐƯỜNG RAY QUA THÀNH PHỐ

Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu

Sài Gòn bây giờ còn mấy “xóm đường rầy”?
Hồi ga Sài Gòn nằm ngay trước chợ Bến Thành thì tuyến đường sắt vắt ngang hơn nửa thành phố. Hai bên đường ray là những xóm lao động, nhà mái tôn mái lá san sát nhỏ bé và nhếch nhác, từ đường Lương Hữu Khánh (bây giờ) xuyên qua khu chợ Vườn chuối, qua Hòa Hưng, khu Cống bà xếp, qua vùng Phú Nhuận rồi Bình Thạnh với cầu Bình Lợi ra đến ga Bình Triệu ở Thủ Đức. Cặp theo đường sắt là con đường nhỏ chỉ vừa một chiếc xe máy, nhà cửa nhô ra thụt vào nhưng “mặt tiền” vẫn mở hàng quán ăn uống, tiệm sửa xe, nhà may… Người bán người mua là dân lao động nên giá cả mềm hơn hàng quán bình dân ở nhiều đường hẻm khác dù chất lượng có khi không thua kém. Còn nhớ quán bò bảy món Ánh Hồng nổi tiếng từ trước 1975 nằm kế đường ray cổng xe lửa đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là đường Nguyễn Trọng Tuyển) Phú Nhuận, mỗi khi xe lửa sắp chạy qua chủ quán liền kêu phục vụ ra cẩn thận đậy điệm các món ăn cho khách.

Thập nhiên 80, 90 của thế kỷ trước, những chuyến tàu chạy bằng than nhả hơi nước và khói muội đen sì, lắc lư rầm rập mỗi ngày vài lần chạy xuyên qua thành phố, ngang qua những xóm đường ray lúc đó còn chưa có hàng rào sắt ngăn cách đường sắt với dãy nhà hai bên. Trên những con đường cắt ngang khi xe lửa sắp chạy qua thì có hồi chuông reo và người gác “cổng xe lửa” kéo barie xuống ngăn dòng xe dừng lại. Còn ở xóm đường ray hễ nghe tiếng còi tàu thét lên điếc tai thì mọi người mới thu dọn hàng quán sát vô, mấy bà bán rau thịt cá của cái chợ tạm vài tiếng buổi sáng cũng lật đật ôm thau chậu rổ rá vừa chạy vừa thối tiền hay đưa vội mớ rau con cá cho người mua; lúc chiều tối khách nhậu đứng lên bưng cả chiếc bàn có dĩa mồi ổi cóc xoài khô cá đuối với chai “rượu thuốc” vào bên lề, chờ xe lửa chạy qua lại đặt bàn ngay trên đường rầy ngồi nhậu tiếp. Nửa đêm gà gáy xe lửa hú còi đánh thức những giấc ngủ mê mệt sau một ngày vất vả… hỏi sao xóm đường ray không có quá nhiều con nít?

Tuyến đường sắt lúc đó như một bãi rác khổng lồ. Rác và nước thải từ nhà hai bên đường liệng ra, từ khách đi tàu liệng xuống, từ những hàng quán bỏ lại… chuột chạy qua lại, thỉnh thoáng có xác mèo chuột bị xe lửa cán chết gan ruột nát bấy tùm lum, những đoạn vắng nhà cửa hai bên đường sắt là khu WC cho xóm quanh đấy. Từ trên cao nhìn xuống xóm đường ray như có hai nửa: mặt tiền đường phố nhà lầu cửa tiệm khang trang, rực rỡ màu sắc và ánh đèn, mặt kia nhìn ra đường sắt nhà cửa màu xám đèn vàng ảm đạm… Những con hẻm ngoằn ngoèo chạy từ nơi đèn sáng càng vào trong càng nhỏ dần rồi mất hút, nhà lầu “ráng” quay mặt ra đường lớn hay hẻm, quay lưng về xóm đường ray. Nhưng đừng thấy vậy mà cho rằng có sự ngăn cách giữa hai nửa, không đâu, dân trong hẻm hay mặt tiền có thể không quen biết nhau giáp mặt ít khi chào hỏi nhưng khi có việc cần thì luôn giúp nhau như thể bà con xóm giềng quen thuộc.

Từ khi ga Sài Gòn dời về Hòa Hưng thì một phần khu vực quận 1, quận 3 đường ray đã thành đường nhựa, mặt tiền nhà cửa khang trang hẳn lên. Từ Hòa Hưng qua Cống bà Xếp đế Bình Triệu phần lớn đường sắt đã có rào chắn, đường nhỏ hai bên cũng đổ nhựa hay bê tong sạch sẽ, nhà cửa vẫn nhỏ bé nhưng sáng sủa hơn, nhà lầu ngày càng nhiều, đường hẻm nhỏ cũng có người gác chắn, giảm hẳn tai nạn vì xe lửa trong thành phố. Chưa bao giờ thấy người Sài Gòn chui qua rào chắn hay la lối người gác cổng xe lửa vì hạ barie khi còn chưa thấy tiếng sình sịch của đoàn tàu, dù mỗi lần xe lửa chạy qua thì kẹt xe kéo dài hàng trăm mét nhất là vào giờ cao điểm.

Bây giờ xe lửa loại mới, đầu máy toa xe sáng đẹp, vệ sinh, tiện nghi đầy đủ, người đi tàu văn minh hơn, đoạn đường sắt ngang qua thành phố vẫn là đầu mối quan trọng của tuyến đường sắt Bắc – Nam. Lại còn có tàu du lịch chạy ra ngoại ô, ngày cuối tuần cả nhà kéo nhau đi hóng gió, bọn trẻ háo hức nhìn phố xá, vườn cây, khu nhà mới, đường xa lộ… Ngồi trên tàu máy lạnh mát rượi đến ga cuối rồi quay về, thấy hai bên là xóm đường ray khang trang sạch sẽ thì biết đã vào thành phố.

Hệ thống đường sắt ở bất cứ nơi nào cũng là một phần không thể thiếu của mạch máu giao thông vận tải, nhất là vận tải công cộng. Vài năm nữa thôi, nhiều tuyến đường sắt đang xây dựng trên cao (skytrain) hay trong lòng đất (metro) nối liền thành phố và các đô thị mới xung quanh sẽ được hoàn thành nhưng không làm xuất hiện thêm những xóm đường ray trên mặt đất nữa… Xóm đường ray buồn hiu hắt xưa kia sẽ dần đi vào ký ức như những “xóm kênh đen” hôi hám nay đã lột xác trở nên tươi mát  bên dòng kênh xanh.

Sài Gòn 23.5.2016


VỤN VẶT ĐỜI THƯỜNG (113)

@ Ngày cuối của tháng Năm 2016 - một tháng có quá nhiều sự kiện sôi sục trên FB: cá chết hàng loạt, biểu tình ôn hòa, đàn áp, mẹ đưa con đi biểu tình, áo dài với hoa của em gái đón ông Ô. ; bún chả, bà chủ tịch cho cá ăn, diva hát quốc ca… Kết thúc bằng 60 phút mở toang của VTV mà rất tiếc, nếu những người thực hiện đừng chủ quan và đánh giá thấp mạng xã hội thì chương trình này sẽ có tác động khác!
Từ nhóm MỞ MIỆNG xuất hiện gần 20 năm trước ở Sài Gòn đến thông điệp ĐỪNG IM LẶNG trên facebook cả nước là một bước tiến dài cả về quy mô ảnh hưởng và ý thức về DÂN CHỦ.
Vâng, bước tiến dài nhưng... hơi chậm. Thôi, chậm mà chắc :D

@ Mềnh cứ théc méc hoài vì sao võ dân tộc của VN cứ mềm mại uyển chuyển "hoa thơm bướm lượn" mà không có tính đối kháng mạnh mẽ như quyền anh, võ của Thái Lan và một số môn thể thao khác?
Nghĩ mãi... Người mình lỡ lời một câu còn "bát nước hất đổ hốt lại sao đầy" huống gì một đòn mạnh, cái đau nơi sàn đấu sẽ thành "thù muôn đời muôn kiếp không tan" chứ chẳng đùa đâu.
Không phải tự nhiên có từ "kể tội": kể hoài, mỗi lần kể lại nặng thêm chứ không nhẹ bớt bởi nhẹ hơn thì... đâu còn gì để kể nữa :(

@ Sâu bọ (truyện 100 chữ)
Ngày Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 vợ đi chợ mua về nhà cơm rượu, bánh ú tro, trái cây, lá xông... theo phong tục là để *giết sâu bọ*. Chồng bảo: bây giờ sâu bọ là “của quý” đấy, giết hết lấy gì chứng minh rau sạch?
Sâu bọ trong “rau sạch” vẫn là sâu bọ, cũng chứa đầy những thứ dơ dáy. Một nơi đã dung chứa loài bẩn thỉu thì không thể là “trong sạch”.

CÁ CHẾT CHƯA HẾT CHUYỆN (truyện 100 chữ)
Lại nói, sau khi nhiều loài cá ở biển, sông, kênh, hồ, ao… lăn ra chết, chúng ùn ùn rủ nhau lên thiên đàng. Thánh Peter canh cổng rất bối rối không biết làm thế nào. Có người mới nhập hộ khẩu vào thiên đàng mách cho một cách: thiên đàng chứ có phải cái chợ đâu! Chết thì phải có lý do rõ ràng, hợp lý mới giải quyết cho vào.
Thế là từ đó loài cá phải lang thang bên ngoài cánh cổng, thiên đàng vẫn giữ được sự ổn định.


160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...